Cách hướng dẫn độc đáo của Sayadaw giờ đây đang ảnh hưởng một số các thiền sư phương tây dạy thiền minh sát. Thầy nhấn mạnh đến việc thực hành một cách thư giãn nhưng liên tục, thay cho ép mình phải cố gắng; mở rộng sự hay biết đến mọi đối tượng của các giác quan hơn là bắt đầu với một đề mục chính để thiết lập định tâm, đi thiền hành với tốc độ bình thường hơn là chậm rãi khi tham dự khóa tu tích cực; không ấn định một thời gian biểu cố định trong thời gian khóa tu; và tập trung vào mối quan hệ giữa hành giả và đối tượng hơn là chính đối tượng. Sự phối hợp các yếu tố này có vẻ như có tác dụng củng cố ngũ căn (indriya) – tín, tấn, niệm, định, tuệ. – và làm sâu sắc hơn khả năng thực hành trong cuộc sống hàng ngày.
Thực hành thư giãn
“Ở giai đoạn này khi Phật Pháp phát triển tại phương Tây, dường như đang có sự chin muồi đối với cách tiếp cận thư giãn và cởi mở của Sayadaw,” Cô Myoshin Kelley, một thiền sư tại trung tâm thiền Forest Refuge ở Barre, bang Massachusetts nói. Đối với những người đã thực hành nhiều năm, như cô chẳng hạn, các mức độ vi tế của ham muốn đạt được cái gì đó, hay cố gắng tạo ra một cái gì đó, được bộc lộ. Việc bộc lộ ra các tầng vi tế của dính mắc ấy đồng thời cũng dễ làm cho hành giả thấy thỏa mái hơn.
“Chánh niệm tự nhiên là ghi nhận tất cả những gì đang xẩy ra mà không cần quá cố gắng”, Sayadaw U Tejaniya nói. “Bạn cần quan sát cả ngày, nhưng bạn không thể định tâm cả ngày được. Thiền là mọi lúc – bây giờ, luôn luôn, khắp nơi – chứ không phải là thưởng thức việc ở trong rừng trong một khóa tu.” Thầy so sánh Vipassana (thiền minh sát) như là một cuộc chạy maratông, chứ không phải là cuộc thi chạy tốc độ 100m. Chúng ta cần phải giữ được sự dẻo dai, nhưng trong thư giãn. Thay cho dùng năng lượng thân và tâm quá mức, khả năng nhẫn nại và sự bền bỉ sẽ tự nhiên tạo đà chánh niệm và giúp sự thực hành đi xa hơn.
Tự nhiên là một từ được Sayadaw cũng như các thiền sinh đã thực hành với Thầy sử dụng rất nhiều. Alexis Santos, một thiền sinh đã thực hành lâu năm tại thiền viện Shwe Oo Min, sử dụng từ ấy để miêu tả những gì anh đã học được ở đó:
Điều ấy rất tự nhiên - tìm hiểu mình là ai và thực tại là gì – đó là một hiện tượng tự nhiên và luôn luôn xẩy ra. Vì vậy chẳng có gì để kiểm soát cả. Không có cơ hội nào không thể được sử dụng để chiêm nghiệm, hay cam kết, để học hỏi, để mở tâm mình nhận biết cái gì đang sinh khởi, để lắng nghe một cách sâu sắc. Khi ấy ta cảm nhận được rằng cuộc đời mình sẽ không bị bó hẹp trong những tờ lịch.
Santos miêu tả một hình ảnh của thiên nhiên – hoa hướng dương – đã giúp anh thiết lập chánh niệm với thái độ đúng: “Nó chỉ cần ở đó đối diện với mặt trời, và với cách cởi mở như vậy, đón nhận tất cả những gì một bông hoa cần thiết để phát triển và nảy nở. Nó không cần cố vươn lên lấy ánh sáng vào mình.”
“Đừng coi cái gì đó là một vấn đề ,” Sayadaw khuyên. “Hãy thấy nó như nó đang là.” Allan Price ngẫm lại việc mình luôn coi sự thực hành của mình có vấn đề. Và điều ấy đã thay đổi qua quá trình tu tập theo cách tiếp cận của Sayadaw trong một khóa tu với các thiền sư lâu năm Steve Amstrong và Kalama Masters :
Tôi có xu hướng cố gắng hết mức, vì vậy, khi tôi được dạy phải cảm nhận hơi thở, thì dù chuyện gì xẩy ra đi nữa, tôi cũng phải cố để cảm nhận hơi thở. Thái độ điển hình của tôi khi trình pháp trong khóa tu là nói: “Con không đạt được điều ấy”. Tôi thấy cách hướng dẫn mới này thật hữu ích vì nó giúp tôi đối diện với pháp một cách dễ dàng hơn. Với cách tiếp cận này, tôi thực sự có thể vẫn ngồi dù bất cứ điều gì đến bởi vì cái gì xảy ra cũng không quan trọng. Giờ đây, tôi không cảm thấy rằng có những pháp này giá trị hơn pháp kia.
Cũng cố tuệ căn
“Nếu bạn chỉ muốn sự an lạc, hiểu biết sẽ không tới,” Sayadaw nói. “Và mối nguy hiểm nữa là, nếu bạn chỉ muốn sự an lạc, bạn sẽ dễ nổi sân.” Thầy cười khi nhớ lại bài học của chính mình khi còn trẻ. Thầy kể chuyện có lần Thầy định tâm và hưởng hỷ lạc suốt cả ngày nên đã quyết định tiếp tục thực hành thâu đêm không ngủ. Trong mấy giờ đầu, Thầy có đầy năng lượng, tuy nhiên, đến khoảng 2h sáng, một con rận cắn thầy và làm phá vỡ định lực. Bực bội, Thầy lầm bầm một chút, nhưng vẫn nghĩ rằng định lực sẽ quay trở lại. Vì Thầy đã không thấy thái độ ấy của tâm – tham hỷ lạc- nên càng cố gắng bao nhiêu, lại càng tạo thêm bực bội và căng thẳng bấy nhiêu. Sau 3 ngày, Thầy mệt lử. “Tôi bỏ cuộc,” Thầy nói. “ Nó [định lực] không quay lại nữa cũng chẳng sao. Tôi đau đầu quá. Tôi sẽ không cố gắng nữa.” Tự nhiên, lúc đó định lực lại xuất hiện trở lại. Do tập trung thái quá, Thầy đã không thể sử dụng trí tuệ của mình. Tuệ căn đã trở nên yếu ớt.
Trong cách thực tập này, việc áp dụng trí tuệ nhiều hơn nỗ lực cao độ là cái mang lại sự an lạc và khi có trí tuệ, sự an lạc đó luôn luôn có mặt. Theo Thiền sư, không phải do chúng ta làm chậm lại mà trí tuệ và an lạc sinh khởi. Thầy không dạy đi chậm mà dạy duy trì chánh niệm liên tục nhưng thư giãn. Với thái độ đúng và sự hay biết liên tục, tâm không phản ứng dần phát triển định lực(samadhi) mà không bị căng thẳng khi đi đứng với nhịp độ bình thường, nói chuyện hay nhìn xung quanh. Thiền sư nói, “Thay cho làm mọi thứ chậm lại để trông coi cái tâm và giúp nó thấy được thân, chúng ta cần phải tập luyện tâm sao cho có thể theo kịp tất cả mọi thứ.” Steve Amstrong thừa nhận, “Ngược với ý kiến của tôi trước đây, bạn có thể có được định lực tốt khi đi nhanh. Điều này là một khám phá đối với tôi.” Nguyên nhân làm tuệ giác nảy sinh không phải là việc đi chậm lại mà là sự vắng mặt của tham, sân, si. Khi định căn quá mạnh, tuệ căn thường yếu ớt, và thiền sư coi trọng việc phát triển trí tuệ hơn là các tầng định.
Khác với samatha, mục đích của thiền minh sát là tuệ giác. Sự chú ý được đặt trong tâm quan sát: ta không chìm vào đối tượng mà phải liên tục kiểm tra tâm quan sát và nhận biết cái gì đang sinh khởi, không cố đạt được một kết quả nào hay loại trừ cái gì đó. “Để phát triển tuệ giác, tâm cần phải thấy được bức tranh rộng lớn hơn,” Sayadaw nói. “Nó cần phải học cách liên hệ với tất cả các đối tượng và cách xả chúng đi.”
Thẩm định có nghĩa là tập trung vào mối liên hệ của chúng ta với đối tượng
“Khi chúng ta không nhận biết trạng thái của tâm, một ngọn lửa lớn có thể bùng phát và đốt cạn năng lượng của chúng ta”, Sayadaw nói. Nét đặc trưng trong phương pháp dạy của Thiền sư là hướng các thiền sinh phát triển thói quen không chỉ đơn thuần hay biết đối tượng, mà còn phải hay biết trạng thái của tâm khi quan sát đối tượng ấy: nó có lộn xộn, mệt mỏi, thư giãn hay gò bó? Thầy dạy thiền sinh tập nhìn qua một ống kính góc rộng thay cho là chúi mũi vào một cái kính hiển vi, và Thầy khuyên họ đừng áp dụng những kiểu thực hành làm cho mình mệt mỏi. Mỗi sự bất toại nguyện sinh khởi không cố hữu ở trong đối tượng mà nằm ở trong cái cách mà tâm liên hệ với đối tượng, như là sự đau đớn của sân hoặc tham, hay khi chấp vào ta/của ta. Thấy được điều ấy là trí tuệ. “Chúng ta cần nhận thức được tâm đang hoạt động với năng lượng, thái độ như thế nào v.v.,” Sayadawnói, “Chúng ta không thể trở nên thiện xảo nếu không biết rõ chúng.”
Sau khi nghe Sayadaw nhấn mạnh khía cạnh thẩm định của trí tuệ, Joseph Goldstein, đồng sáng lập viên và thiền sư tại Insight Meditation Society và Forest Refuge, tự nhắc mình và mọi người bằng một câu chốt dễ nhớ: “Chỉ mỗi chánh niệm thôi chưa đủ.”Tâm cũng cần phải hiểu nữa. Đương nhiên là chúng ta vẫn nói ngay từ đầu rằng, mối quan hệ với hiện tượng quan trọng hơn bản thân hiện tượng,” ông nói thêm, “nhưng cách mà thiền sư nhấn mạnh nó khiến mối quan hệ ấy được đưa lên cận cảnh thay cho đứng ở nền. Tôi thấy điều ấy thật hữu ích. Việc phải nhớ kiểm tra thái độ thường làm lộ ra những thứ có thể ta không để ý tới.”
Steve Amstrong chỉ ra rằng đối với Sayadaw, hiểu kinh nghiệm của mình là căn bản:
Tối nghĩ rằng, khi nghe trình pháp, nhiều thiền sư thường đưa ra chỉ dẫn hay một kỹ thuật nào đó. Ta ít khi nghe Sayadaw [U Tejaniya] đưa ra kỹ thuật. Thông thường, Thầy tìm cách gạn ra sự hiểu ngộ mà thiền sinh có được từ kinh nghiệm đó. Không có sự đánh giá kinh nghiệm. Không cần thiết phải đánh giá mình theo một tiêu chí võ đoán, mong đợi hay tưởng tượng về cái gọi là một thiền sinh tốt. Khi bạn thực hành theo cách này và niềm tin tăng trưởng, khi đó bạn sẽ tự hiểu ra một điều rằng: “Bất cứ kinh nghiệm nào cũng đều ổn cả”.
Thực hành theo cách này, một cách cùng tột, cũng làm sinh khởi nhiều từ bi, nhưng không phải vì ta có chủ đích nuôi dưỡng các phẩm chất ấy. Sayadaw không trực tiếp dạy tâm từ. Thầy nói rằng nó sẽ tự sinh khởi một cách tự nhiên khi phiền não giảm bớt.Patricia Genoud-Feldman, đồng sáng lập viên và hướng dẫn viên thiền tập tại thiền viện Vimalakirti ở Geneve, Thụy sĩ, nói, “Nếu mọi người luôn quan sát tâm họ và biết họ đang nghĩ và làm gì, chắc chắn trí tuệ sẽ vượt lên trên tham, sân, si. Tâm từ hay tâm bi hay đức hạnh sẽ tự nhiên có mặt nhiều hơn.”
Sự linh hoạt trong khóa tu thúc đẩy sự thẩm định các hiện tượng
Trong một khóa tu, không có thời khóa cố định. Thay cho việc phải tuân thủ một thời gian biểu cố định để có kỷ luật, các thiền sinh phải tự chịu trách nhiệm và tự giác. Cách thức này tạo điều kiện cho một bầu không khí thẩm định. Chính đặc điểm hay đặt câu hỏi của thiền sư làm khuấy lên sự tò mò và ham thích trải nghiệm ở thiền sinh: Tại sao tôi lại ngồi? Tại sao bây giờ tôi lại đứng lên để đi? Tại sao tôi lại quay đầu ở chỗ này? Tại sao tôi lại mặc áo ngắn tay hay dài tay? Tại sao tôi lại đặt ra các câu hỏi như vậy? Thầy nói, làm mọi thứ thôi chưa đủ, mà còn cần phải hiểu tại sao ta lại làm những thứ ấy.
Đối với Sayadaw, thẩm định kinh nghiệm của mình là một phần căn bản của sự thực hành. Đối với những người trong chúng ta vốn hiểu nhầm rằng tư duy và thiền là hai thứ không thể đi đôi, việc cho phép đặt câu hỏi quả là một sự giải tỏa. Tuy nhiên,Sayadaw không bảo chúng ta đi vào các câu chuyện và lạc trong nội dung [của những câu chuyện ấy]. Thầy nhắc nhở không nên sa đà vào suy nghĩ về những thứ làm tăng trưởng tham, sân, si. Thầy khuyến khích ta nuôi dưỡng những tư duy có thể giúp trí tuệ và chánh niệm nảy nở: Tại sao tôi đang hay biết? Tôi sẽ làm như thế nào? Làm sao tôi có thể làm tốt hơn? Cái này có cần thiết không? Có hữu ích không?
Trong khóa tu, ngoài các bữa ăn được qui định ở những giờ nhất định cho tất cả mọi người, Sayadaw không bắt các thiền sinh phải theo một thời khóa nhất định cho thiền đi và thiền ngồi. Khi được thông báo sẽ không có thời gian biểu trong khóa tu tại thiền viện Cloud Mountain Retreat Center ở tây nam Washington, Linda Owen cảm thấy đó là một thách thức. Vốn là một người đúng giờ và thích mọi thứ đúng giờ, ngay lập tức cô bắt đầu khám phá xem sẽ làm thế nào với việc không có thời gian biểu. Dần dần, cô nhận ra rằng, khi không phải có mặt ở đâu đó vào một khoảng thời gian nhất định nào đó, cô có thể lưu tâm được nhiều hơn đến cái gì đang xẩy ra ở những khoảng thời gian chuyển tiếp, và không phải vội vã kết thúc bữa trưa để đi tắm, mà có thể cảm thấy thư thái.
Tu “giỏi” và tu “kém”
Nhờ duy trì được sự hứng thú, Linda đã phát hiện ra rằng, việc không có thời gian biểu còn một có ích lợi nữa: “Nó giúp bạn nhả ra được sĩ diện được coi là một thiền sinh “tốt”. Bạn không cần phải là người ngồi cuối cùng trong thiền đường và rồi dậy từ ba giờ sáng để thành người đầu tiên có mặt ở đó. Chẳng quan trọng gì cả. Mọi người tới lui liên tục, vì vậy, cái sĩ diện kia hoàn toàn biến mất."
“Tại sao chúng ta có thời thiền tốt và thời thiền xấu? Sayadaw hỏi. “Trạng thái tâm của ta tô vẽ cho sự tu tập. Khi chúng ta trở nên thiện xảo, sẽ không có thời thiền xấu, mặc dù có thể ta đang gặp phải các pháp khó khăn.”
Steve Armstrong có kể về một phụ nữ trẻ người châu Âu tại thiền viện nơi Sayadaw hướng dẫn thiền tại Miến điện:
Cô ấy không thể ngồi nổi 10 phút vì quá đau đớn. Cô ấy phải đứng dậy và đi. Cô thất thểu lượn đi lượn lại. Rồi thì ngủ cả buổi chiều. Cô ấy lúc nào cũng trông có vẻ rất ghê tởm, giận dữ và chán ngấy. Nhưng, cái thú vị là – cô ấy thực sự thích thú với sự tu tập của mình mặc dầu nó rất khó khăn. Cô ấy không tự phán xét mình là “vô dụng” hay “kém cỏi” hoặc bất cứ cái gì khác bởi lẽ cô ấy đang học hỏi về bản thân và sự thực hành.
Ngạc nhiên khi gặp lại cô ở thiền viện sau một năm rưỡi – lúc này trông cô thậm chí là sáng ngời, Steve Amstrong hỏi thăm về sự tu tập của cô. Cô ấy nói, “ Đó là thời gian tốt nhất. Rất quan trọng đối với tôi – nó làm thay đổi cả cuộc đời tôi.”
Myoshin Kelley cũng phấn khởi, bởi sự hứng thú đã tác động mạnh mẽ đến sự thực hành của cô cũng như của các thiền sinh mà cô hướng dẫn, ngay cả khi ở giữa sự sân hận:
Cứ khi nào tôi thấy tâm mình đang quằn quoại, muốn xua đuổi, không muốn quan sát, thì lại xuất hiện một sự hứng thú mới: Cái gì đang xẩy ra đây? Đâu là thách thức? Sự hứng thú ấy làm mọi thứ nhẹ nhàng hơn và cho phép tôi nhìn vào những góc mà trước đó tôi đã tìm cách đóng kín với niêm phong “cấm vào”. Nó giúp tôi có được khả năng duy trì sự thực hành trong cả ngày tốt hơn.
Cô khuyến khích các thiền sinh của mình có một phương pháp tu tập cởi mở hơn – nhiều thư giãn và thẩm định hơn – và chứng kiến họ đi qua quá trình đối mặt với những kinh nghiệm đầy đau thương của cuộc đời và rồi tỏa sáng bước ra khỏi chúng .
Tinh tấn một cách thư giãn có lợi cho cả khóa tu và cuộc sống thường ngày
Nhiều thiền sinh nhận xét rằng, khi thấy có được sự thoải mái và rộng mở nhiều hơn, niềm tin vào con đường và khả năng theo đuổi con đường ấy cũng tăng trưởng. Kết quả có thể được thể hiện không chỉ trong thời gian khóa tu mà trong cả đời sống hàng ngày, bởi vì, như Rich Hill nhận thấy, khi thực hành với chánh niệm rộng và với sự thẩm định, thì biên giới giữa tọa cụ hành thiền và cuộc sống đời thường được xóa nhòa. Còn Patricia Genoud-Feldman thì nói thêm về tác động dễ dàng hơn trong các mối quan hệ bởi vì nhu cầu đòi hỏi mọi thứ xảy ra theo một cách nào đấy ít đi.
Một sư cô người Mỹ đã tu tập với Sayadaw chỉ ra tầm quan trọng của một cái tâm thư giãn: “Rõ ràng là bạn không thể làm cho tuệ giác phát sinh; nó tự sinh khởi, và chỉ khi tâm thư giãn. Tôi thật sự sửng sốt khi nhận ra lượng cố gắng thái quá mà tôi đã huy động trong vô thức.” Cô cũng thừa nhận, “Thật là ngượng ngùng khi phải nói ra, nhưng cứ thể như là tôi quan tâm đến sự tiến bộ nhiều hơn là tuệ giác.” ViệcU Tejaniya nhấn mạnh đến thái độ tâm đã phá vỡ sự bế tắc đó và giúp cô quay về với pháp môn trước đây của mình một cách cân bằng hơn.” Các hình thức truyền thống đều có giá trị riêng,” cô nói. “Chúng ta chỉ cần gìn giữ nó theo những cách khác nhau.”
Khi các thiền sinh tới gặp Sayadaw tìm sự giúp đỡ sau khi đã gặp các pháp khó khăn ở các thiền viện khác, Thầy không bảo họ phải từ bỏ kỹ thuật mà họ đang thực hành. Thầy chỉ đơn giản bảo họ hãy hay biết thái độ của họ với việc họ đang thực hành như thế nào. Một khi họ đã hiểu ra, họ lại có thể tiếp tục thay cho từ bỏ những pháp môn cũ. Thiền sư nói:
“Nhiều thiền sinh quá căng thẳng vì họ thực hành với thái độ sai, với tà kiến hay với những tư tưởng sai lầm. Họ luôn cố để đạt đến một nơi nào đó. Vấn đề là đa phần họ không thiện xảo. Họ không biết trạng thái tâm của mình hoặc hoàn cảnh hay khả năng của mình. Tất cả những gì họ muốn là đạt tới – và đó chính là nguyên nhân khiến họ cố gắng thái quá.”
Vậy, cách tiếp cận của Sayadaw có thể áp dụng tốt cho tất cả các thiền sinh? Steve Amstrong ghi nhận, “Phương pháp thực hành của Sayadaw rất thích hợp đối với các thiền sinh tự giác, thực sự ham hiểu biết, nhiều nhiệt tâm. Nhưng nếu ai đó có sự cam kết hay dính mắc với một quan kiến Phật giáo nào đó, có thể họ sẽ khó tiếp thu.”
Joseph Goldstein nói thêm:
"Tôi có một ý kiến kiểu mandala. Giáo Pháp thật rộng lớn, và có biết bao nhiêu phẩm chất cần phải được phát triển. Tôi đã thấy nhiều thiền sư khác nhau tiếp cận sự tu tập bằng cách nhấn mạnh phẩm chất này hay phẩm chất kia. Vì vậy phát triển các phẩm chất ấy theo thứ tự nào hay phẩm chất nào lôi cuốn trước tiên ở mỗi người khác nhau sẽ khác nhau. Cho dù bạn khởi đầu bằng tu định hay bằng sự thẩm định, bất cứ cách tiếp cận nào đều là cánh cửa để bước vào. Nếu đó là một phương pháp đích thực, nó sẽ đưa đến phát triển các phẩm chất còn lại."
Mirka Knaster xin tri ân Sayadaw U Tejaniya và tất cả các cá nhân đã giúp cô chuẩn bị bài viết này. Là tác giả của cuốn sách“Khám phá sự thông thái của Thân” (do Bantam Books xuất bản), hiện nay cô đang biên soạn cuốn “Sống một cuộc đời trọn vẹn”, một cuốn sách miêu tả các phẩm chất tâm linh thể hiện qua cuộc đời của Anagarika Munindra, một thiền sư người xứ Bengal (Ấn độ) đã giúp nhiều thiền sư phương tây đến với Giáo Pháp.
Mirka Knaster
Dịch giả: Trần Thái
Nguồn: thienvacuocsong.info