Chúng ta thực sự là ai ?

Khi chúng ta suy niệm về Giáo pháp - lời dạy của Đức Phật, chúng ta khéo đặt câu hỏi cá tính thực sự là cái gì: Ý thức về một sự tách rời, sự riêng biệt của chính chúng ta, hay sự nhận thức về bản thân mình như là một con người khác với những người còn lại.
Ngày nay con người đang bắt đầu hiểu biết về bản chất của ý thức ngày càng nhiều hơn, mặc dù đó là một kinh nghiệm mà chúng ta ai cũng có, nhưng có lẽ để hiểu được nó thì vẫn còn rất ít.
Các nhà khoa học nghiên cứu về ý thức, cố gắng tìm một cơ sở vật chất cụ thể cho nó. Nó ở trong não phải không? Nó là gì? ... Nhưng việc này cũng hoài công giống như cố gắng để tìm hiểu cái ngã thực sự của chúng ta là gì. Càng cố tìm hiểu chúng ta thực sự là ai, chúng ta dường như càng đi vòng quanh hoặc hệt như đuổi theo những cái bóng, chúng ta không thể nắm điều gì được lâu, những gì chúng ta hiểu thoạt đến là biến mất.

Tuy nhiên, không phải là tự ngã – chúng ta là ai hoặc chúng ta là gì – là vấn đề. Đúng hơn là chính cái ảo tưởng quanh sự nhận thức về chúng ta là gì, việc tâm của chúng ta phải chịu sự nhào nặn để phù hợp theo những chuẩn mực nào đó sau khi chúng ta được sinh ra – đó mới là vấn đề. Khi chúng ta chào đời, đứa bé sơ sinh có ý thức nhưng nó không có cảm giác nó đang là một con người, cá tính- đây là thứ thầm nhuần vào trong chúng ta trong quá trình chúng ta lớn dần lên. Chúng ta tiếp nhận đủ loại quan kiến và giả định truyền trao cho chúng ta qua cha mẹ, đồng nghiệp, và xã hội mà chúng ta đang sống. Chúng ta đang được “cho ăn” bằng những thông tin, kiến thức đại loại như chúng ta là gì và chúng ta nên như thế nào. Vì vậy, sức mạnh của thiền tập là giúp chúng ta bắt đầu nhận ra bản chất thật sự của tâm khi nó, chưa nó bị nhào nặn theo các chuẩn mực của sự nhận thức, nền văn hóa, tư tưởng hoặc các ký ức.
Nếu chúng ta cố gắng để suy nghĩ về thiền tập là như thế này hoặc như thế kia, có nghĩa là chúng ta đang tạo ra một hình ảnh chúng ta đang cố gắng hành thiền, thay vì chỉ đơn giản tin vào kết quả của sự chú tâm trong chánh niệm, buông bỏ mọi mong muốn tìm kiếm hoặc nắm bắt điều gì. Khi nào chúng ta còn nghĩ về chính mình, chúng ta đang là một người – một ai đó - nhưng khi chúng ta buông bỏ suy nghĩ, để tâm trí hoàn toàn trống rỗng thì sẽ không còn có ý thức về một con người, tuy lúc đó ý thức, sự nhạy cảm vẫn còn , nhưng chúng ta thấy mình không phải là một con người, không còn là một người đàn ông hoặc một người đàn bà, chỉ có sự hay biết về những gì đang xảy ra - cảm xúc như thế nào, tâm trạng ra sao, bầu không khí mà chúng ta đang trải nghiệm ngay trong khoảnh khắc này. Chúng ta có thể gọi đây là hay biết trực quan. Nó không bị lập trình và rập khuôn theo những suy nghĩ, ký ức hay các hay biết bình thường của chúng ta [*].
Một trong những vấn đề lớn trong thiền tập là chúng ta có thể quá coi trọng bản thân. Chúng ta có thể thấy mình là những người mộ đạo được sinh ra để dành cho những việc quan trọng, chẳng hạn như để nhận ra chân lý. Chúng ta cảm thấy mình quan trọng, chúng ta cho mình không phải là những kẻ phù phiếm hoặc hạng người tầm thường, sống một cuộc đời xoàng xĩnh, chỉ lo đi mua sắm ở các siêu thị và xem truyền hình.Tất nhiên, sự nghiêm túc này cũng có lợi thế của nó, vì nó có thể khuyến khích chúng ta từ bỏ các hoạt động xuẩn ngốc để làm những việc nghiêm túc hơn. Tuy vậy, nó có thể dẫn đến sự kiêu ngạo và tự phụ: Cảm giác mình là một người giữ giới một cách nghiêm ngặt, hay là một người có mục tiêu vị tha, hoặc là một người đặc biệt hiếm có về một khía cạnh nào đó, đã xuất hiện trên hành tinh như một đấng Cứu thế ... Chúng tôi đã gặp những người như vậy, thỉnh thoàng họ đến thăm chúng tôi tại Amaravati, những nhân vật kỳ lạ này đến và tự tuyên bố mình chính là Đức Phật Di Lặc!
Tự phụ, trạng thái kiêu ngạo này của con người chúng ta là một vấn đề đã có từ thuở ông Adam và bà Eve, hoặc có từ khi Lucifer (Ma vương) bị ném ra khỏi thiên đàng. Đó là một loại tự hào có thể làm cho con người mất đi mọi triển vọng, vì vậy chúng ta cần phải thấy rõ sự ngu xuẩn của sự tự ám ảnh này và nên coi nó (tự phụ) như là một trò hề.
Trong đời sống tu viện, chúng ta có thể trở nên nghiêm túc hết mực trong việc giữ gìn giới đức trong sạch, tôn trọng kỷ luật cũng như sự cống hiến của chúng ta và v.v... Đối với một con người trần tục, dường như các nhà sư và các sư cô đang làm cho cuộc sống trở nên khó khăn hoặc phức tạp cho chính họ hoặc cho những người khác một cách không cần thiết. Nhưng xét về mặt tập tục của tôn giáo, chẳng hạn như của truyền thống Phật giáo Nguyên thủy, lấy trọng tâm là giới luật, thiền tập, sự trong sạch của truyền thống, thì sự đánh giá ấy tuy thực nhưng không đúng, đúng nhưng không thực.
Lần nọ, tôi đã đến gặp một vị thầy, vị này nói rằng chúng ta không cần có kỷ luật hoặc Giới luật: "Tất cả bạn phải làm là giữ chánh niệm. Chỉ Chánh Niệm thôi là đủ. " Vì vậy, tôi quay về và kể lại cho Ajahn Chah, và ngài nói: "Thực nhưng không đúng, đúng nhưng không thực!" Bởi vì, thực vậy, cuối cùng chúng ta sẽ không cần đến những nguyên tắc, luật lệ chỉ cần giữ chánh niệm là đủ. Nhưng hầu hết chúng ta không một ai có thể bắt đầu từ kinh nghiệm giác ngộ, vì vậy, chúng ta ít nhiều phải sử dụng các phương tiện thích hợp để giúp ta quán chiếu và phát triển chánh niệm. Vì vậy, các kỹ thuật thiền tập, giới luật và v.v… là các công cụ cần thiết để giúp chúng ta quán chiếu và phát triển chánh niệm.
Cuộc sống tôn giáo là một cuộc sống của sự từ bỏ. Chúng tôi đang từ khước, từ bỏ, buông bỏ mọi sự. Đối với một cái tâm thế tục, nghe có vẻ như chúng ta đang giũ bỏ một thứ gì đó, hoặc đang lên án thế giới của các giác quan, thế giới của những niềm vui và vẻ đẹp mà chúng ta có thể đã kinh nghiệm qua khi chúng ta còn là những con người bình thường. Từ bỏ nó, bởi vì chúng ta nhìn thấy nó là bất thiện hay sai. Nhưng từ bỏ không phải là sự chỉ trích về mặt luân lý để chống lại bất cứ điều gì. Thay vào đó, nó là một sự di chuyển ra khỏi sự phức tạp đang làm cho cuộc sống rối rắm, để tiến đến sự đơn giản tuyệt đối của chánh niệm thuần khiết trong khoảnh khắc hiện tại, bởi vì giác ngộ là ở đây và bây giờ, Chân lý là bây giờ. Sẽ không có bất cứ ai có thể trở thành một thứ gì đó, sẽ có không có bất cứ ai được sinh ra hoặc ai đó sẽ chết đi - chỉ có hiện tại vĩnh hằng. Sự tỉnh giác này là những gì chúng ta có thể có được khi chúng ta không còn dính mắc vào những hình tướng bên ngoài hoặc các xu hướng hình thành theo thói quen của chúng ta, để sẵn sàng cho một sự quán chiếu đơn giản vào trong từng khoảnh khắc hiện tại.
Nay chúng ta nói như vậy và chúng ta có thể hiểu được điều chúng ta nói vì nó nghe có vẻ khá đơn giản. Tuy nhiên, tâm của chúng ta có xu hướng làm cho sự việc trở thành vấn đề. Chúng ta không có đủ đức tin, niềm tin , hay sự sẵn sàng để buông bỏ mọi thứ chỉ để cho khoảnh khắc hiện tại này. Vì vậy, lời tuyên bố: "giác ngộ hiện tiền" có thể tạo ra một cảm giác không chắc chắn hoặc sự hoang mang. Có nhiều ý kiến khác nhau về sự giác ngộ: ngay tức khắc hoặc từ từ. Một số có thể nói: "Giác ngộ ngay tức khắc” , trong khi những người khác nói rằng việc đó phải thực hiện dần dần, từng bước một, kiếp này sang kiếp khác. Cả hai ý kiến này đều thực nhưng không đúng, đúng nhưng không thực. Chúng là những cách khác nhau của sự quán chiếu và suy niệm trên kinh nghiệm của chúng ta đối với khoảnh khắc hiện tại. Ý tưởng giải thoát ngay tức thời rất hấp dẫn đối với những đầu óc hiện đại: Chỉ một viên LSD (loại ma túy mạnh, gây ra ảo giác) và chúng ta ở đó- không cần phải đi qua sự huấn luyện trong tu viện hoặc phải từ bỏ bất cứ một thứ gì; giải thoát ngay tức thời!
Nhưng chúng ta phải nhận ra những hạn chế của cái tâm suy nghĩ. Những khái niệm này – (giác ngộ) ngay tức khắc và (giác ngộ) từ từ chỉ là những cách quán chiếu, chúng không phải là thái độ của chúng ta. Lấy chính từ 'giác ngộ' để làm ví dụ: Có thể chúng ta thấy nó như là một kinh nghiệm hoàn toàn tuyệt vời mà chúng ta có được một cách trọn vẹn từ ánh sáng chánh niệm, chúng ta hoàn toàn được chuyển đổi từ một kẻ ích kỷ, dối trá thành một con người trí tuệ hoàn hảo – chúng ta thấy nó như một cái gì đó rất tuyệt vời và vĩ đại. Tuy nhiên, hầu hết chúng ta cảm thấy rằng chúng ta không thể đạt đến một trình độ cao như vậy, bởi vì chúng ta nhìn nhân cách của chúng ta bằng con mắt rất tiêu cực. Chúng ta có xu hướng coi trọng những sai trái, lỗi lầm, điểm yếu, những thói quen xấu của chúng ta, đây là những thứ được xem như các chướng ngại đối với kinh nghiệm giác ngộ. Bạn không nên tin cậy vào những suy nghĩ như vậy, không nên có thái độ như vậy. Vì vậy, tôi thường nói với mọi người: "Dù bạn nghĩ rằng bạn đang là gì, bạn không phải là những gì bạn đang nghĩ!"
Mục đích của thiền Phật giáo là để gỡ bỏ những chuẩn mực đã lập trình cho tâm, điều này không có nghĩa là chối bỏ, hoặc giũ sạch hoặc xét đoán chúng. Chỉ có nghĩa là không tin vào những chuẩn mực này và không theo chúng nữa, thay vào đó chúng ta lắng nghe chúng như Pháp- những đối tượng của tâm, chúng sinh khởi và hoại diệt - Với thái độ tinh cần tỉnh giác, chúng ta học để tin cậy vào việc làm một người lắng nghe, người quan sát, hơn làm một kẻ đang cố gắng hành thiền để có được một loại kết quả nào đó.
Khi chúng ta đặt nặng tính cách của chúng ta, chúng ta sẽ tạo ra vấn đề, ​​bởi vì mỗi người chúng ta có những phẩm chất cá nhân khác nhau. Chúng ta có những vấn đề phổ biến của con người: Tuổi già, bệnh, chết, đàn ông có những một số vấn đề chung nào đó, phụ nữ có một số vấn đề chung nào đó. Nhưng cũng có những thái độ, kỳ vọng và giả định về mặt văn hóa nào đó làm khuôn mẫu cho sự phát triển của tâm, và thấm nhuần sâu vào trong mỗi chúng ta sau khi chúng ta sinh ra.
Thông qua chánh niệm, chúng ta có thể có được vượt lên trên những khuôn mẫu này để có được một tâm thức thuần khiết không bị nhào nặn, rập khuôn theo các chuẩn mực, giống như một cái phông nền, một sự trống không, một tờ giấy trắng trên đó các chữ sẽ được viết lên. Những nhận thức của chúng ta sinh khởi và hoại diệt trên tờ giấy trắng ấy, trên cái trống không ấy. Vì vậy, hãy quán chiếu điều này. Khi chúng ta bắt đầu lắng nghe và nhìn nhiều hơn, thay vì chỉ cố gắng để đạt được một số trạng thái định như chúng ta đã đọc về chúng trong sách; khi chúng ta thư giãn, và nhìn, và lắng nghe, khả năng kinh nghiệm được sự trống không ấy của chúng ta lớn hơn rất nhiều.
Chúng ta sử dụng những từ như buông bỏ và từ bỏ, những từ này nghe có vẻ nặng nề đối với tâm của những con người thế tục, nhưng nó không phải là một hành động nặng nề của sự hủy diệt hay tiêu hủy. Thay vào đó, nó là một sự sẵn sàng để buông bỏ mọi thứ, mọi thứ như thế nào để như thế ấy, để cho chúng chấm dứt - không nắm giữ hoặc đồng hóa chúng với bất cứ điều gì, chỉ tin vào trạng thái thuần khiết của sự tinh cần tỉnh giác trong khoảnh khắc hiện tại.
Một trong những ảo tưởng lớn của chúng ta có liên quan đến thiền tập đó là nó là cái mà tôi đang làm, tôi phải làm. Chúng ta theo các hướng dẫn với ý tưởng rằng chúng ta sẽ đạt được các trình độ khác nhau về mặt nhận thức, giống như nhận được một bằng đại học. Thật thú vị khi thấy một số người phương Tây đã trở thành các tu sĩ theo truyền thống Phật giáo Nguyên thủy, những vị này có thể rất thông minh và có học vị cao, nhưng bởi vì cái cách mà tâm trí của họ đã được “lập trình”, họ luôn có xu hướng giải thích đời sống Thánh thiện dưới dạng thành tựu cá nhân - trở thành ai đó đặc biệt, mặc dù nguyên tắc trong truyền thống tu viện của chúng tôi cấm chúng tôi đi loanh quanh và công bố thành tựu của mình.
Ở Thái Lan, mọi người đều nói rằng Ajahn Chah là một vị A La Hán - mặc dù ngài không bao giờ nói như vậy. Rồi người ta thấy ngài hút một điếu thuốc, và họ nghĩ rằng, "Bậc Thánh A La Hán không hút thuốc, ngài không thể là một bậc Alahán!" Một cái tâm đã được “lập trình” có xu hướng giữ một ý tưởng cứng nhắc về vị A La Hán rằng vị ấy phải tuyệt đối, hoàn toàn thánh thiện, tốt, đàng hoàng, không làm bất cứ việc gì thô lậu, nhưng phải luôn luôn hoàn hảo trong cách nói và cách sống. Chúng ta muốn họ hoàn hảo theo quan niệm của chúng ta, vì vậy khi chúng ta thấy bất kỳ một khiếm khuyết nào ở họ, chúng ta đâm ra chỉ trích, thất vọng, vỡ mộng và nghi ngờ về họ.
Nhưng đây là một chức năng của tâm chúng ta. Chúng ta đang tạo ra các vị A La Hán của chính chúng ta, và do đó bất cứ điều gì chúng ta tạo ra trong tâm trí của chúng ta có thể dễ dàng trở nên trái ngược với thực tế. Vì vậy những gì chúng ta có thể làm là quan sát toàn bộ tiến trình hình thành ý nghĩ này trong chính tâm của chúng ta - sự sáng tạo của chúng ta về một con người lý tưởng, một vị thầy lý tưởng cụ thể là như thế nào. Chúng ta bắt đầu xem xét bởi đâu đó chỉ là một sự lý tưởng. Các lý tưởng hoàn hảo luôn luôn giống nhau, giống như một hình ảnh làm bằng đá cẩm thạch. Nếu, nói, một vị thầy làm một điều gì đó là hoàn toàn trái ngược với những gì chúng ta cho là nên làm, ngược với những gì chúng ta tưởng tượng về một con người hoàn hảo, có thể chúng ta sẽ cảm thấy khá buồn bã hay thất vọng. Vì vậy, chúng ta có thể thấy mình phải đối phó với cảm giác tiêu cực này theo một cách nào đó , để biện minh cho nó: "Ông ấy có thể hành xử như thế bởi vì ông ấy là một bậc giác ngộ". Chúng ta sẵn sàng bỏ qua cách cư xử thô hoặc xấu, hoặc tồi tệ hơn vậy vì chúng ta không cho phép nghi ngờ phát sinh trong tâm trí của chúng tôi về con người đó. Hoặc, ở một thái cực khác, chúng ta nghĩ rằng: "Đó là một người xấu, con người đó chẳng thể nào giác ngộ được." Chúng tôi bác bỏ chúng.
Nhưng nếu chúng ta tiếp tục quan sát vấn đề dưới ánh sáng của chánh niệm, chúng ta thấy rằng việc đưa ra một phân loại đạo đức đối với người khác hoặc đối với vị thầy của mình thực ra không phải là nhiệm vụ của chúng ta. Đánh giá họ tốt hay xấu không phải là việc của chúng ta, và chúng ta cảm thấy nhẹ nhõm. Với thực hành chánh niệm, những gì chúng ta luôn có thể làm là lắng nghe và nhận biết rõ cái tâm bị lập trình của mình đang phản ứng với bất cứ điều gì mà chúng ta đang trải qua.

Năm giới cung cấp một chuẩn mực đạo đức cho việc thiết lập chánh niệm. Chúng ta có thể sử dụng chúng như là các tiêu chuẩn hoặc nguyên tắc chỉ đạo cho hành động và lời nói của chúng ta. Chúng sẽ giúp chúng ta giữ chánh niệm. Trong khi đó, ý tưởng muốn được tự do và làm bất cứ điều gì chúng ta muốn, cho tới khi nào chúng ta còn giữ chánh niệm, chỉ là một sự lý tưởng, phải vậy không? Đây cũng là một vấn đề “đúng nhưng không thực”: nó đúng nhưng không nhất thiết lúc nào cũng phải thực. Nếu chúng ta hiểu được tinh thần như vậy, chúng ta có thể sẽ không còn vướng mắc bất cứ điều gì.
Ví dụ, chúng ta có thể nghĩ rằng một người có thể rất chánh niệm trong khi cướp một ngân hàng hoặc thực hiện các vụ giết người hoàn hảo! Gọi là chánh niệm thì thực nhưng không đúng, đúng nhưng không thực vì những hành động này không được xây dựng trên một chuẩn mực đạo đức nào , nó chỉ là sự chú tâm của một động vật đang có nguy cơ bị bắt. Tình huống đó đòi hỏi nó phải thật chú tâm, cảnh giác và tỉnh táo.
Điều này cũng thực trong tình huống chúng ta đang ở kề cận với cái chết - như khi leo núi. Chúng ta quên chính chúng ta và các vấn đề của chúng ta, chúng ta thực hành chánh niệm đúng bài bản một cách tự động, ngay trong khoảnh khắc này. Có một niềm hưng phấn trong trạng thái tâm đó bởi vì chúng ta đang ở xa khỏi sự và ảm đạm và xám xịt của cuộc sống hàng ngày. Nhận thức của chúng ta trở nên rất tập trung và chúng ta có định tâm. Nhưng chúng ta không phải lúc nào cũng sống một cuộc sống cận kề với cái chết. Hầu hết cuộc sống của chúng ta không có gì đặc biệt thú vị. Nó chỉ như vậy và như vậy thôi. Chúng ta làm những việc bình thường. Chúng ta ăn , chúng ta tắm, chúng ta mặc quần áo, cởi quần áo, chúng ta phải nấu ăn, rửa chén, hút bụi các tấm thảm, rửa xe, cho mèo ăn, đi làm, và phải sống hòa thuận với người phối ngẫu và con cái của chúng ta, với đồng nghiệp của chúng ta. Vào một ngày đặc biệt như một kỳ nghỉ, chúng ta có thể làm một cái gì đó thú vị như leo các tảng đá.
Thiền không phải là một kinh nghiệm cực đoan, không phải một thứ gì thực sự nguy hiểm, buộc chúng ta phải cẩn trọng. Chúng ta thường hành thiền ở những nơi an toàn. Chúng ta ngồi, đứng, đi bộ hoặc nằm xuống, và chúng ta quan sát thân ta đang thở. Mục đích đơn giản là chỉ để quan sát các xu hướng được hình thành từ thói quen của chúng ta như là những đối tượng sinh khởi và hoại diệt. Trong trạng thái này, những nỗi sợ hãi và cảm xúc bị đè nén có thể trồi (từ vô thức) lên bề mặt ý thức, nhưng thay vì bỏ qua và làm một cái gì đó khiến chúng ta mất tập trung để cố tình lãng tránh chúng, chúng ta bắt đầu nhận biết chúng. Chúng ta càng ngày càng sẵn sàng nhận biết những gì chúng ta không thích hoặc không muốn nhận biết, và qua sự sẵn sàng để nhận biết chúng đó, chúng ta buông bỏ chúng. Chúng ta từ bỏ chúng, không đàn áp chúng, nhưng để yên chúng.
Tính cách, ý thức về bản thân mình, những nỗi sợ hãi và mong muốn của tâm, chúng là chúng, chúng ta không cố gắng để xua đuổi hoặc thêm vào, hoặc tạo ra những vấn đề hoặc những khó khăn chung quanh chúng. Chúng ta sẵn sàng để cho chúng là chúng. Chúng tạo cảm giác như thế này, chúng có phẩm chất này, chúng sinh khởi và hoại diệt. Trong sự ngừng lại đó, chúng ta nhận thức rõ có sự an vui, hạnh phúc -hay sự an bình của sự hiện hữu - và không có một cái ngã trong đó. Mọi người đều có những tiềm năng đó, cái khả năng nhận thức được điều này. Chúng tôi mô tả nó đó là sự nhìn thấy Pháp - quy luật của vạn vật , còn việc chúng ta có trở thành bất cứ cái gì cũng chẳng quan trọng gì cả.
Đôi khi trong thiền tập chúng ta kinh nghiệm một khoảnh khắc, hoặc một vài khoảnh khắc, hoàn toàn định tĩnh và an bình trong tâm, và chúng ta nghĩ rằng, "Tôi muốn nó” nhưng dĩ nhiên nó sẽ đi! Ngày hôm sau, khi chúng ta hành thiền , chúng ta cố gắng để có lại cái kinh nghiệm đó - nhưng chúng ta không thể, bởi vì chúng tôi đang cố gắng để có được một cái gì đó chúng ta nhớ, thay vì tin và để cho mọi thứ rơi rớt đi theo bản chất thật sự của chúng. Hành thiền không có nghĩa là chúng ta phải là một cái gì đó, hoặc trở nên bất cứ một cái gì đó. Vì vậy, sau đó, khi không có cái áp lực đó, khi tâm ta không còn chịu sự ép buộc, chúng ta có thể học hỏi từ chính cuộc sống, Chân lý sẽ hiển bày ra cho chúng ta.

Chú thích:

Hay biết trực quan: Hay biết đối tượng y như chúng thực là, thấy sao biết vậy, không khen, không chê, không phê phán. Với nhận thức này, khi ta quan sát đối tượng, chúng tượng không bị bóp méo bởi quan kiến hình thành theo thói quen của chúng ta theo những chuẩn mực đạo đức, luân lý, giáo dục, xã hội... Đây là cái hay biết y như thực có được qua quá trình thực hành chánh niệm.
Hay biết bình thường: Hay biết theo thói quen đối đãi khen, chê, phê phán của tâm chúng ta khi mắt vừa gặp cảnh, tai nghe đối tượng, thân xúc chạm, lưỡi nếm vị… Với nhận thức này, đối tượng đã bị bóp méo theo quan kiến cá nhân do tâm đã bị “lập trình” theo các chuẩn mực đúng, sai, tốt xấu ... hấp thu từ truyền thống giáo dục trong gia đình, học đường, nền văn hóa xã hội… Với nhận thức này, chúng ta không thể nhìn sự vật y chúng thực là. (ND)

Ajahn Sumedho

Chuyển ngữ sang tiếng Việt: Supañña