Lúc nào chúng ta cũng bận tâm đến việc chúng ta làm được bao nhiêu tiền, thành quả công việc của mình tốt đẹp ra sao, chúng ta thấy thoải mái như thế nào. Chẳng phải Đức Phật đã từng dạy rằng: "Chúng sanh yêu chính mình hơn ai hết ” sao? Vậy tại sao chúng ta lại cảm thấy thực sự khó để yêu thương chính mình?
Yêu thương chính mình không có nghĩa là dễ dãi với chính mình. Yêu thương bản thân mình một cách thực sự là một thái độ mà hầu hết mọi người chẳng ai có, bởi vì chúng ta ai cũng biết mình có nhiều những cái thật chẳng dễ ưa.
Mỗi người ai cũng có vô số quan điểm, những sự phản ứng, những cái thích và không thích của riêng mình, và sự thật rằng rằng nếu chúng ta không có những thứ này chắc hẵn cuộc đời chúng ta sẽ khá hơn. Chúng ta phán xét, đánh giá khi chúng ta thích/ không thích những thái độ tích cực/ tiêu cực của người khác, việc này đồng thời cũng dẫn đến thái độ tự đè nén đối với những cái mà chúng ta cảm thấy không hài lòng về chính mình. Chúng ta không muốn biết những khuyết điểm này và chúng ta cũng không muốn thừa nhận chúng. Đó là cái cách mà chúng ta thường xử sự với chính mình, và điều này bất lợi cho việc trưởng thành của chúng ta.
Một sai lầm khác nữa là chúng ta không thích một điều gì đó của chính mình xem ra có vẻ tiêu cực, và mỗi khi cái điều không khả ái, khả hỷ này xuất hiện chúng ta lại tự trách móc mình, việc này làm cho sự việc xấu gấp đôi hơn trước vì nó sẽ đem đến cho chúng ta sự sợ hãi và lắm khi là một sự xung đột trong nội tâm. Nếu chúng ta muốn đối xử với chính mình một cách quân bình, không nên vờ vịt rằng những điều không khả ái, khả hỷ đó - chẳng hạn những xu hướng như hay công kích người khác, khó chịu, ưa thích khoái lạc, tự cao tự đại- là không hiện diện trong chính chúng ta. Nếu chúng ta có thái độ vờ vịt như vậy, chúng ta sẽ sống xa rời thực tại , chúng ta dựng lên một cái hàng rào để tách đôi con người của chúng ta. Mặc dù một con người như vậy có thể hoàn toàn lành mạnh, nhưng họ có bề ngoài không thành thực. Chúng ta ai cũng đã từng gặp những con người như vậy, họ quá ngọt ngào, quá dễ thương đến độ khó tin, đó là kết quả của sự sống không thành thực và tự đè nén chính mình.
Đổ lỗi cho người khác cũng chẳng ích lợi gì. Trong cả hai trường hợp, chúng ta đều tự chuyển những phản ứng của chính mình sang cho người khác. Chúng ta đổ lỗi cho người khác về những khuyết điểm của họ, có thể đó là những khuyết điểm có thực hoặc do chúng ta tưởng tượng ra, hoặc chúng ta không coi họ như những con người bình thường. Mọi người đều sống trong một thế giới không thực do bị cái ngã đánh lừa, nhưng việc này lại càng đặc biệt không thực hơn nữa bởi vì mọi thứ được xem như hoặc là quá hoàn hảo hoặc là quá tệ hại.
Chỉ có một điều duy nhất là thực đó là mỗi người chúng ta có sáu loại căn tánh khác nhau: Ba thiện căn và ba bất thiện căn. Ba bất thiện căn là tham, sân, và si; đối nghịch với chúng là ba thiện căn: rộng lượng, từ bi và trí tuệ. Hãy quán chiếu cho kỹ vấn đề này, nếu chúng ta thực sự hiểu nó và không còn thắc mắc gì về nó, ta sẽ dễ dàng chấp nhận sự hiện diện của sáu loại căn tánh này trong mỗi con người chúng ta.
Sẽ chẳng còn khó khăn gì nữa một khi chúng ta đã nhìn thấy được chúng (sáu căn tánh) trong chính bản thân của chúng ta. Chúng là căn nguyên của mọi hành động, cung cách đối xử của chúng ta. Hiểu được như vậy chúng ta sẽ có thể soi lại chính mình một cách trung thực hơn, chúng ta sẽ không còn trách móc mình về những thói xấu, cũng như không tự khen ngợi mình về những tánh tốt, chỉ đơn giản chấp nhận sự hiện hữu của tất cả chúng- xấu lẫn tốt- trong chính chúng ta. Và do vậy, chúng ta cũng có thể chấp nhận người khác một cách sáng suốt hơn cũng như dễ dàng thông cảm với họ hơn. Chúng ta sẽ không còn đau khổ vì những thất vọng và chúng ta sẽ không đổ lỗi do bởi chúng ta không còn sống trong một thế giới nơi mà chỉ có sự hiện hữu của trắng hoặc đen mà thôi - một thế giới mà chỉ có sự hiện diện rạch ròi của ba bất thiện căn hoặc ba thiện căn đối nghịch. Một thế giới như vậy sẽ không hiện hữu ở bất kỳ nơi đâu và chỉ một con người duy nhất có khả năng tự rạch ròi như vậy, đó là một bậc A-la-hán.
Vấn đề chủ yếu ở đây là ranh giới giữa các thiện căn và bất thiện căn trong mỗi con người chúng ta. Ranh giới phân biệt này được chúng ta điều chỉnh một cách hết sức vi tế, vì vậy chỉ có một sự khác biệt rất nhỏ giữa chúng không đáng để chúng ta coi trọng. Điều quan trọng là chúng ta đều có cùng một công việc phải làm: đó là nuôi dưỡng những thiện căn và nhổ tận gốc những gì bất thiện.
Nhìn bề ngoài chúng ta rất khác nhau. Đó cũng là một ảo tưởng. Thật ra, chúng ta đều có cùng những vấn đề và các khó khăn để giải quyết. Điều khác nhau duy nhất giữa mỗi chúng ta là bề dày của quá trình tu tập của mỗi người. Việc tu tập có thể đã diễn ra trong nhiều đời kiếp trước trước đó sẽ giúp cho chúng ta có khả năng quán chiếu rõ ràng hơn, chỉ vậy thôi.
Suy nghĩ sáng suốt chỉ đến khi chúng ta thanh lọc được các cảm xúc của chính mình và đây là một công việc khó khăn mà chúng ta cần phải làm. Nhưng việc này chỉ có thể thực hiện và có được sự thành công khi động lực của nó không bắt nguồn từ một sự chấn động về mặt cảm xúc, mà đơn thuần là một sự quán chiếu rõ ràng, trung thực mà chúng ta làm vì chính bản thân mình.
Khi quán chiếu như vậy thì chúng ta có thể loại bỏ được phần cay đắng ra ngoài. Lời khen ngợi "Mình tuyệt vời quá!" hoặc buộc tội "Ta thật tệ hại!" đã được tháo đi cái ngòi nổ. Chúng ta chẳng tuyệt vời mà cũng không tệ hại. Mọi người đều là con người với mọi tiềm năng và tất cả các chướng ngại của chính mình. Nếu chúng ta có thể yêu thương con người đó, con người chính là "tôi" với tất cả khả năng và khuynh hướng của nó, chúng ta mới có thể yêu người khác với một thứ tình thương thực tế, hữu ích và lợi lạc. Nhưng nếu chúng ta bẻ một con người ra làm đôi và chỉ yêu cái phần dễ thương, ghét cái phần không đủ để cho chúng ta thương, chúng ta sẽ không bao giờ có thể đối mặt với thực tại. Một ngày nào đó rồi chúng ta cũng sẽ phải nhìn nó (thực tại) như nó thực là. Nó là một đề mục thiền (kammatthana). Nó là một công việc thú vị của chính trái tim của chúng ta và trái tim sẽ làm công việc đó một cách trung thực.
Nếu chúng ta nhìn mình theo cách đó, ta sẽ học được cách yêu thương bản thân mình trọn vẹn. "Như người mẹ không màng đến tính mạng, yêu thương và bảo vệ đứa con của mình..." Hãy trở thành người mẹ của chính mình! Nếu chúng ta muốn có một mối quan hệ thực tế và lợi lạc cho sự trưởng thành, chúng ta cần trở thành người mẹ của chính chúng ta. Một người mẹ hiểu biết có thể phân biệt cái gì tốt cho con, của mình và cái gì là có hại. Nhưng bà vẫn yêu con mình ngay cả khi nó không ngoan. Đây có thể là khía cạnh quan trọng nhất chúng ta cần vận dụng khi soi vào chính mình. Ai cũng có lúc không phải trong suy nghĩ, nói năng hoặc hành động. Chúng ta không đúng đắn trong suy nghĩ nhất, kế đến là không cẩn trọng trong lời nói, và kế đến nữa là hành động không kiểm soát. Vậy chúng ta phải làm gì với những cái không phải đó? Người mẹ sẽ làm gì đây trong trường hợp này? Bà sẽ nói con mình không được làm những việc đó nữa, tuy vậy bà vẫn yêu thương con mình như bà vẫn hằng yêu thương và tiếp tục công việc nuôi dạy con khôn lớn. Có lẽ chúng ta cũng nên bắt đầu công việc dạy dỗ chính bản thân mình như vậy.
Tất cả mục đích của việc dạy dỗ này là để giúp chúng ta trưởng thành. Có trưởng thành mới có trí tuệ, không may là trí tuệ lại chẳng có liên quan với tuổi tác, chứ không thì việc có được trí tuệ đã là việc quá dễ rồi. Chúng ta phải bảo đảm rằng nỗ lực của chúng ta rồi sẽ thành công. Bởi vì công việc tự dạy dỗ này không nặng nhọc nên nó phải được hoàn thành. Để thực hiện nó, đầu tiên là sự nhận biết, sau đó là là học cách không kết án, buộc tội mà thay vào đó là hiểu "Đây cũng là chuyện bình thường, tự nhiên thôi". Bước thứ ba là thay đổi. Có lẽ nhận biết là phần khó khăn nhất đối với hầu hết mọi người, việc nhìn để nhận biết những gì đang diễn ra bên trong nội tâm chúng ta chẳng dễ chút nào. Đó là phần việc quan trọng nhất và cũng là thú vị nhất trong việc quán chiếu.
Chúng ta sống và lúc nào cũng quán chiếu, nhưng không có nghĩa là chúng ta ngồi thiền suốt cả ngày. Một cuộc sống luôn có sự quán chiếu có nghĩa là chúng ta xem xét mọi khía cạnh của những gì đang xảy để học kinh nghiệm. Chúng ta luôn quan sát nội tâm trong mọi hoàn cảnh. Khi chúng ta hướng ra bên ngoài - Đức Phật gọi đây là "sự phấn chấn của tuổi trẻ - chúng ta đi vào thế giới với suy nghĩ, nói năng và hành động, rồi chúng ta phải nhớ lại chính mình và lại quay về bên trong.
Một cuộc sống có sự quán chiếu - trong một số truyền thống tu tập khác là cuộc sống của sự cầu nguyện. Theo truyền thống tu tập của chúng ta, đó là một sự kết hợp giữa thiền tập và phong cách sống. Sống với sự quán chiếu là đi vào bên trong chính mình. Chúng ta có thể quán chiếu với sự hồi tưởng hoặc không. Quán chiếu là khía cạnh quan trọng nhất của sự tự xem xét nội tâm. Không cần thiết phải ngồi bất động cả ngày để quan sát hơi thở. Mỗi cử động, mọi ý nghĩ, mọi lời nói nếu quán chiếu có thể làm tăng thêm sự hiểu biết về chính bản thân mình.
Quán chiếu chính mình sẽ đem lại một sự an ổn nội tâm sâu sắc bắt nguồn từ thực tại. Hầu hết mọi người đang ước ao và mong mỏi có được sự an ổn này nhưng không thể nói lên khát khao của họ. Sống trong một thế giới hoang đường, không ngừng hy vọng hoặc sợ hãi là một sự đối nghịch với việc có được sức mạnh của nội tâm. Cảm giác an toàn chỉ sinh khởi một khi chúng ta thấy được thực tại bên trong chính mình, qua đó chúng ta cũng thấy được thực tại trong tất cả những người khác và do đó chúng ta biết sống chấp nhận.
Chúng ta hãy chấp nhận sự thật rằng Đức Phật thấy được Chân lý khi Ngài nói rằng mọi người có bảy xu hướng chính: Tham dục, sân, tà kiến, hoài nghi, ngã mạn, ham muốn được tiếp tục sống (chấp ngã) và vô minh. Hãy tìm những xu hướng này trong chính mình. Khi thấy chúng hãy mĩm cười với chúng, đừng khóc lóc vì chúng. Mĩm cười và nói : "A, các bạn đây rồi, tôi sẽ làm một cái gì đấy đối với các bạn."
Sống với sự quán chiếu là một cuộc sống khá khô khan, nặng nề. Thiếu niềm vui khiến hành giả bù đắp lại bằng cách hướng tâm ra ngoài. Đây là một việc không nên làm. Chúng ta cần phát triển một niềm vui (hỷ lạc) nhẹ nhàng, nhưng phải luôn sống với nội tâm. Không có gì phải lo lắng hay sợ hãi, không có gì là quá khó. Pháp có nghĩa là quy luật tự nhiên và lúc nào chúng ta cũng đang minh chứng quy luật tự nhiên này. Sẽ được gì chứ nếu chúng ta lẫn tránh? Chúng ta không thể thoát khỏi quy luật tự nhiên. Bất cứ ở đâu, chúng ta đều là Pháp, chúng ta là vô thường (anicca), khổ (dukkha), vô ngã (anatta).
Cho dù chúng ta ngồi đây, hoặc trên mặt trăng cũng chẳng có gì quan trọng. Nó luôn luôn giống nhau. Vì vậy, chúng ta cần một cách tiếp cận nhẹ nhàng đối với những khó khăn riêng của chúng ta cũng như các khó khăn của những người khác, tiếp cận nhẹ nhàng không ồn ào và sỗ sàng. Tốt nhất là một sự quán chiếu liên tục, không gián đoạn trong đó có một chút thích thú. Như vậy là hiệu quả nhất. Nếu chúng ta có khả năng hài hước về chính mình, điều đó giúp ta dễ dàng yêu thương bản thân mình một cách đúng đắn hơn. Nó cũng dễ dàng để giúp chúng yêu thương người khác hơn.
Trước đây có một chương trình truyền hình ở Mỹ, được gọi là "Những người ngộ nghĩnh". Những con người trong đó đã thể hiện các phản ứng thật lạ lùng. Khi những phản ứng đó được phân tích và tách ra, người ta thường tìm thấy trong đấy sự nghịch lý. Những con người đó đã có những ham muốn, ao ước rất lạ cũng như có những hình ảnh không thực cũng rất lạ lùng của chính bản thân mình. Đó là sự thật, "những người ngộ nghĩnh ", vậy tại sao chúng ta không nhìn thấy cái khía cạnh đó của chính mình? Nó sẽ giúp chúng ta dễ dàng chấp nhận cái mà chúng ta thấy quá khó để chấp nhận được trong chính mỗi con người chúng ta cũng như trong những con người khác.
Có một khía cạnh của đời sống con người mà chúng ta không thể thay đổi, cụ thể là mọi thứ vẫn tiếp diễn trong từng khoảnh khắc một. Chúng ta đã hành thiền ở đây một thời gian. Thế giới bận tâm gì đến chúng ta ? Nó vẫn không ngừng đi tới. Người duy nhất mà chúng ta quan tâm, kẻ đang bị xáo trộn, đó chính là trái tim và tâm trí của chúng ta. Khi nào có sự xáo trộn, sự biến động, khi chúng ta gặp những chuyện phi lý, nghịch ý, theo sau đó sẽ là điều bất hạnh. Hoàn toàn không cần thiết để cho chúng ta quan tâm đến thế giới bên ngoài. Mọi sự đi theo con đường của chúng. Nếu chúng ta học để tiếp cận tất cả diễn biến với một cái tâm quân bình, bình thản, bằng cách chấp nhận, việc thanh lọc cảm xúc sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Đây là công việc của chúng ta, việc thanh lọc là của chúng ta, và nó chỉ có thể được thực hiện bởi từng cá nhân một cho chính bản thân mình.
Một trong những khía cạnh tốt nhất cho sự thanh lọc là nếu chúng ta ghi nhớ những gì chúng ta đang làm, giữ cho trí nhớ đó liên tục không quên ngày này qua ngày khác và tiếp tục hành thiền, không mong đợi kết quả tốt, dần dần kết quả sẽ xảy ra. Đó cũng là chuyện tự nhiên. Khi chúng ta tiếp tục ghi nhận, phiền não và vọng tưởng sẽ liên tục bị bào mòn, bởi vì trong sự ghi nhận đó chẳng có bóng dáng của sự hạnh phúc, và nếu có những điều không vui thì chẳng mấy ai muốn bám vào sự bất hạnh. Cuối cùng thì chúng ta chẳng còn quan tâm gì đến bên ngoài vì ở đó chẳng còn gì để cho chúng ta làm. Những cuốn sách đều nói về các đề tài giống nhau, những con chữ đã được viết, bông hoa đã được tưới , không còn gì để bận tâm ngoại trừ nhìn vào bên trong. Tiếp tục duy trì quán sát, một sự thay đổi sẽ xảy ra. Nó có thể chậm, nhưng một khi chúng ta đã có có mặt ở đây trong quá nhiều kiếp sống rồi thì một ngày, một tháng, một năm hoặc mười năm thì có nghĩa lý gì? Vấn đề là việc gì sẽ xảy ra.
Chẳng có gì khác để làm và chẳng có nơi nào khác để đi. Trái đất đang chuyển động theo một vòng tròn, sự sống đang chuyển mình từ lúc sinh ra cho đến lúc chết mà chúng ta có cần phải di chuyển gì đâu. Mọi thứ xảy ra đâu cần đến sự giúp đỡ của chúng ta. Điều duy nhất chúng ta cần làm là làm sao nắm được thực tại. Rồi chúng ta sẽ thấy rằng yêu thương bản thân mình và yêu thương những người khác là một kết quả tự nhiên của việc làm của chúng ta. Bởi vì chúng ta quan tâm đến thực tại và đó là công việc thực sự của trái tim -- để yêu thương. Nhưng chỉ khi chúng ta đã nhìn thấy mặt bên kia của đồng xu trong chính chúng ta và đã thực hiện được việc thanh lọc thì sự yêu thương đó mới không còn là một nỗ lực hoặc cố gắng có cố ý mà trở thành một chức năng tự nhiên của cảm xúc bên trong của chúng ta, hướng vào bên trong nhưng tỏa sáng ra bên ngoài.
Hướng vào bên trong là một khía cạnh quan trọng của cuộc sống có sự quán chiếu của chúng ta. Bất cứ điều gì xảy ra bên trong đều có ảnh hưởng trực tiếp đến những gì diễn ra bên ngoài. Người ta không thể che dấu ánh sáng và sự tinh khiết của nội tâm, phiền não cũng vậy.
Đôi khi chúng ta nghĩ rằng chúng ta có thể vẽ truyền thần một cái gì đó không phải là chúng ta. Điều đó không thể. Đức Phật nói rằng ta chỉ có thể biết một người sau khi đã nghe người đó nói chuyện nhiều lần và đã sống với người ấy trong một thời gian dài. Con người thường cố gắng thể hiện mình tốt hơn mình thật sự. Rồi, tất nhiên, họ trở nên thất vọng về bản thân mình khi họ gặp thất bại, và cũng có sự thất vọng như vậy đối với những người khác. Thực sự biết mình sẽ giúp cho chúng ta có thể thật sự yêu chính bản thân mình. Cảm giác đó tạo cho chúng ta một niềm hỷ lạc nhẹ nhàng đối với công việc mà chúng ta đang làm, cần thiết phải làm. Bằng cách chấp nhận bản thân và những người khác như chúng ta thật sự là, công việc thanh lọc của chúng ta sẽ bào mòn dần đi những phiền não và trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.
Ni sư Ayya Khema