Vấn đáp Thiền - Thiền Sư Viên Minh


Hỏi: Con nghi ngờ không biết có phải là hiện tại lạc trú thật không, vì nhiều người tự cho là đã đắc định rất cao, nhưng khi ở trong đời thường, họ có vẽ như trầm cảm, thụ động, sợ ồn ào, chỉ thích nơi yên tĩnh để dễ trú vào trạng thái định, nên cũng rất dễ sân khi gặp nghịch cảnh. Họ không quan tâm việc gì ngoài nhập định và truyền bá phương pháp thiền định của mình nên tỏ ra cố chấp và ngã mạn. Nói chung họ không thấy hiện tại lạc trú chút nào. Xin thầy vui lòng giải thích.
T.S Viên Minh: Nó là một nhược điểm của định an chỉ. Đức Phật dạy rằng định quá nhiều sẽ sinh ra trạng thái hôn trầm, vì hai thiền chi nhất tâm và xả có thể làm cho tâm trở nên thờ ơ và thụ động, như bạn đã thấy. Hơn nữa, phần lớn người thích định chỉ mong cầu đạt được an lạc hoặc muốn tránh khỏi phiền phức, nên có cơ hội là họ trú vào trạng thái hỷ lạc của định. Nhưng khi ra khỏi trạng thái đó họ khó thích nghi với môi trường sống ồn ào, phức tạp, khiến họ dễ dàng nóng giận. Họ dính mắc vào trạng thái định với tâm cố chấp và ngã mạn. Nếu bạn hành thiền định chỉ vì khao khát có được năng lực thần thông thì vô cùng nguy hiểm. Như Devadattta đã đắc định rất cao, và có cả thần thông nữa nhưng vì tham vọng quyền lực nên đã hãm hại Đức Phật, để rồi đọa vào địa ngục vô gián.
Khi nào nhập chánh định thì đúng là hiện tại lạc trú, thậm chí còn bất khả xâm phạm nữa. Nhưng thực ra hiện tại lạc trú đúng hơn là để nói đến các bậc Thánh khi an trú trong Thánh Quả Định hoặc Diệt Thọ Tưởng Định. Các bậc Thánh cũng là những người hoàn hảo trong tùy thời định. Vì họ không còn dao động trước mọi hoàn cảnh, ở đâu lúc nào cũng thong dong, tự tại, an lạc tự nhiên.
Hỏi: Làm thế nào để phân biệt được chánh định và tà định?

T.S Viên Minh: Về phương diện định luật tâm (citta niyāma), khó mà phân biệt được chánh định với tà định. Bởi vì, trong cùng một bậc định giống nhau, tất nhiên phải có cùng một trạng thái gồm những chi thiền giống nhau.
Về phương diện định luật nghiệp (kamma niyāma), thiền định được phân biệt chánh tà theo động cơ và mục đích. Nếu động cơ hành thiền định là tham, sân, si và mục đích là để thọ lạc hoặc quyền năng thì đó là tà định. Ngược lại, nếu động cơ là vô tham, vô sân, vô si và mục đích là giác ngộ giải thoát thì đó là chánh định.
Hỏi: Nhân tiện cho tôi hỏi chánh định và Thánh định có khác nhau không?

T.S Viên Minh:  Yếu tố thiền chi thì cả hai đều giống nhau. Sự khác biệt duy nhất là chánh định thường ám chỉ định tốt đẹp của người thường, còn định của bậc Thánh được gọi là Thánh định, nhưng cả hai đều có thiền chi không khác nhau. Cần lưu ý rằng bạn không thể hành Thánh định mà chỉ có thể hành chánh định mà thôi. Chỉ hành thiền định bạn không thể giác ngộ được nếu không hành thiền tuệ. Khi đã giác ngộ Thánh quả, lập tức chánh định của bạn trở thành Thánh định chứ không cần phải thực hành để đắc.
Hỏi: Con có nghe một vị sư giảng phải hành thiền định trước rồi mới hành thiền tuệ sau, nhưng cũng có vị lại giảng không cần đắc định vẫn có thể đắc tuệ. Theo thầy, điều nào đúng hơn?

T.S Viên Minh:  Nếu hiểu đúng, cả hai đều đúng, nếu hiểu sai cả hai đều sai. Vì hiểu lầm “định năng sinh tuệ” là phải có định trước mới có tuệ sau, nên một vài phái thiền mới chủ trương phải hành thiền định trước rồi sau đó mới chuyển qua thiền tuệ. Thực ra, định luôn kết hợp với tuệ, không thể tách rời nhau trong sự giác ngộ. Giống như một tấm gương phải có hai điều kiện là tình trạng yên tĩnh và trong sáng. Thiếu một trong hai yếu tố đó, bạn không thể soi mặt được. Dù tấm gương đứng yên nhưng không trong sáng, hoặc trong sáng mà không đứng yên thì không thể soi được vật gì. Cũng vậy, định, tuệ phải đồng thời mới có thể thấy được thực tánh.
Tuy nhiên, định được kết hợp với tuệ quán phải là sát na định, tùy thời định hay chánh niệm chứ không phải là an chỉ định. Giống như tấm gương cố định một hướng không thể phản ánh đối tượng di chuyển qua một hướng khác. Cũng vậy, người đắc định bất động chỉ có thể thấy đối tượng tĩnh chứ không thể thấy đối tượng động. Hơn nữa, giống như tấm gương bị đặt vào trong một hộp kín, tâm định sâu cách ly ngoại duyên, bị khuôn định trong khái niệm, làm sao soi được thực tánh của vạn pháp?
Chúng ta cần lưu ý một điểm vô cùng quan trọng là khi Đức Phật dạy thiền tuệ cho những người trước kia đã đắc định, không phải theo nghĩa thiền định chuyển qua thiền tuệ, vì hai loại thiền này không thể hoán chuyển được. Đức Phật chỉ muốn giúp họ biết dùng tuệ soi chiếu để phá chỗ vướng mắc của họ trong thiền định mà thôi. Nếu họ không khai thông được thì sẽ bị vướng kẹt mãi trong những thành tựu tự tâm mình tạo.
Hỏi: Có những phương pháp rèn luyện như yoga, khí công, thôi miên, ấn chú v.v… có phải là thiền định không?

T.S Viên Minh:  Những phương pháp rèn luyện này đều dựa trên một mức độ nào đó của thiền định để phát huy. Nếu động lực và mục đích đúng tốt thì những phương pháp này đều đem lại lợi ích cho đời sống con người trên nhiều lãnh vực. Tuy nhiên, nếu động cơ là tham vọng và mục đích là để phát triển năng lực cho bản ngã,không phải giác ngộ giải thoát thì không thể xem là chánh định trong Phật giáo.
Hỏi: Con có nghe người nào chỉ hành thiền tuệ Vipassanā thì không thể đắc an chỉ định được, cho nên nhiều người tranh thủ hành để đắc an chỉ định trước, như vậy có đúng không?

T.S Viên Minh: Một người đã đạt được sát na định và tùy thời định trong khi hành thiền tuệ Vipassanā, thì nếu cần vị ấy có thể vào an chỉ định một cách dễ dàng. Hơn nữa, pháp hành thiền tuệ Vipassanā đúng giúp chúng ta thoát khỏi tham ái và tà kiến. Điều này phù hợp với nguyên tắc “ly dục ly bất thiện pháp” trong định an chỉ, vì vậy người ít tham ái và tà kiến không những sẽ dễ đắc định, mà không còn sợ rơi vào tà định.
Hỏi: Con nghe có một loại thiền gọi là kim cang định. Đó là loại định gì?

T.S Viên Minh:  Kim cang là ý nói định kiên cố bất khả xâm phạm. Định an chỉ tồn tại có điều kiện nên không thể là kim cang định được, trừ phi đó là Thánh định.
Tuy nhiên, tùy thời định có thể là kim cang định vì nó có khả năng định vô điều kiện, bất cứ ở đâu và lúc nào. Với một bậc Thánh, định này chính là tịch tịch (santī) được gọi là an lạc tối thượng (paramaṃ sukkham).
Hỏi: Con đã thực hành thiền định được một thời gian và theo thiền sư hướng dẫn thì con đã chứng được thiền sắc giới thứ tư. Con thấy rất an lạc và thiền an chỉ giúp con cải thiện được bản thân rất nhiều. Con định sẽ luyện thần thông, nhưng bây giờ nghe thầy giảng thì con mới nhận ra rằng mình thực sự có vướng mắc trong sở đắc nên đã không tiến bộ trong thiền tuệ được. Vậy con nên tiếp tục hay nên bỏ thiền định?

T.S Viên Minh:  An chỉ định tự nó không đúng hay sai. Nếu tâm bạn ít tham dục hay vọng động mà định đến một cách tự nhiên, không cần cố gắng sở hữu, cũng không cần chấp giữ nó thì không có vấn đề gì. Nhưng nếu sở đắc đến do tham vọng sở hữu hỷ lạc hay năng lực siêu nhiên thì nó trở thành chướng ngại cho tuệ giác. Hơn nữa, an chỉ định dựa trên những khái niệm để phát triển, trong khi tuệ giác phải vượt qua mọi khái niệm để trực nhận thực tánh. Đó không phải là tự đánh lừa sao? Vậy nếu bạn thấy đó là vướng mắc, chỉ cải thiện cho bản ngã và mất thời gian cho sở đắc không thôi,thì sao không thoát ra càng sớm càng tốt?
Hỏi: Thưa thầy, mục đích của thiền Vipassanā là gì?
T.S Viên Minh: Là thấy các pháp đều không (vô thường, rỗng không, vô ngã).
Hỏi: Con thường nghe nói "khổ não", sao thầy nói "rỗng không"?
T.S Viên Minh: Khổ não chính là rỗng không chứ gì nữa. Nhưng nói khổ, người ta thường lầm khổ đế với khổ thọ, nên thầy dùng rỗng không cho đúng yếu tính của nó hơn.
Hỏi: Có người nói rằng chỉ cần thấy pháp không là đủ rồi, cần gì quán chiếu minh bạch mới thấy không?
T.S Viên Minh: Nếu con cố gắng cho rằng các pháp đều không thì đó chính là chồng "ý niệm không" lên các pháp. Bấy giờ, pháp trở thành paññatti, không còn là paramattha nữa. "Đầu thượng trước đầu, tuyết thượng gia sương" là vậy.
Hỏi:  Như vậy, Vipassanā làm thế nào mà quán không được?
T.S Viên Minh: Đặt câu hỏi như vậy là sai rồi. Vipassanā tự nó là tuệ không, tức là cái thấy trong sáng minh bạch, không bị che lấp bởi một ý niệm nào cả dù đó là ý niệm không, cho nên các pháp trong sự soi chiếu của nó cũng đều không (tâm địa nhược không, tuệ nhật tự chiếu). Cái đó trong Đạo Dịch gọi là "tận tính" thì cũng đồng thời "cùng lý" vậy.
Khi có bản ngã khởi lên mới có ngã sở. Ngã không thì ngã sở cũng không. Bản ngã sinh cùng với tư tưởng, ý niệm v.v... nên khi có "ý niệm không" chồng lên các pháp thì đó là cái không của bản ngã mất rồi.
Vipassanā không phải là cố gắng bắt các pháp phải KHÔNG, mà chính là trả pháp lại cho tự tánh không của nó. Cũng như bất bạo động không phải là cố gắng chống lại bạo động vì như vậy là chồng chất thêm bạo động. Nhưng cái thấy trong sáng về hiện trạng bạo động tự nó chính là bất bạo động rồi. Như vậy chắc con đã hiểu cố gắng quán không chính là hữu rồi chứ? Và con cũng hiểu câu hỏi "làm thế nào quán không được" là sai, phải không?

Hỏi: Dạ phải. Thưa thầy, thiền Vipassanā và thiền tông Trung Hoa có gì khác nhau không?
T.S Viên Minh: Kiến tánh chính là yếu chỉ của thiền tông. Dĩ nhiên, "kiến" ở đây không phải là cái thấy tri thức mà là cái thấy hoàn toàn trong sáng, đó chính là Vipassanā. "Vi" là trong sạch, minh bạch; "passanà" là thấy. Còn tánh chính là tự tánh pháp (sabhàva dhamma), tức là paramattha.
Vậy rất dễ thấy sự đồng nhất giữa hai cặp: Kiến --> tánh và Vipassanā --> paramattha.
Có thể nói thiền Đông độ là hóa thân của thiền Vipassanā nguyên thủy. Nhưng khi thiền tông sử dụng phương tiện gián tiếp cho người chưa đủ sức kiến tánh thì liền rơi vào giai đoạn tiền Vipassanā, như thầy đã nói vừa rồi.

Hỏi:Vậy xin thầy so sánh giữa "hành thâm bát-nhã-ba-la-mật-đa thời chiếu kiến ngũ uẩn giai không độ nhất thiết khổ ách" với thiền Vipassanā có gì sai khác không?
T.S Viên Minh:Hoàn toàn giống nhau. Bát-nhã-ba-la-mật-đa chính là paramīya paññāya passati trong bài kệ chủ yếu của Vipassanā. Còn ngũ uẩn chính là thân, thọ, tâm, pháp.
Sắc = thân; Thọ = thọ; Tưởng, Hành, Thức = tâm, pháp.
Và một lần nữa diễn biến tương quan sinh diệt của ngũ uẩn được quán chiếu như là pháp xứ trong bốn niệm xứ.
Ngũ uẩn được trả về tự tánh không (ngũ uẩn giai không) bản nguyên của chúng qua Vipassanā ñāṇa (Minh sát tuệ) như Nāmarūpa pariccheda ñāṇa (Tuệ phân biệt danh - sắc), Paccaya pariggaha ñāṇa (Tuệ nắm bắt duyên khởi), Sammasana ñāṇa (Tuệ thẩm sát tam tướng), Udayabhaya ñāṇa (Tuệ sanh diệt), Bhaṅga ñāṇa (Tuệ hoại diệt),... cho đến Paṭisankhā ñāṇa (Tuệ giản trạch), Sankhār'upekkhā ñāṇa (Tuệ xả hành) và tận cùng bằng Paccavekhaṇa ñāṇa (Tuệ phản khán).
"Độ nhất thiết khổ ách" chính là "Atha nibbandati dukkhe" trong bài kệ thầy vừa nói.
Chúng ta cũng biết rằng không phải chỉ ngũ uẩn mà 12 xứ, 18 giới, 12 duyên khởi, 4 sự thật đề cập trong kinh Bát-nhã đều là đối tượng của Vipassanā cả.

Hỏi: Tại sao đối tượng của "kiến" phải là "tánh", hay nói cách khác, đối tượng của Vipassanā phải là paramattha?
T.S Viên Minh:Paññatti là khái niệm của lý trí, từ tưởng và tư mà sinh ra. Như vậy, khái niệm không phải là cái hiện hữu. Nó chỉ là bản phác họa về hiện hữu. Và tệ hơn nữa là thường nó phác họa một khái niệm khác.
Vì vậy, có nhiều loại paññatti: Attha paññatti, Vijjamàna nàma paññatti và Avijjamàna nàma paññatti. Chúng ta cần phải phân biệt giữa paramattha và paññatti như sau:
- Paramattha là bản chất (tánh) của hiện hữu.
- Attha paññatti là hiện tượng (tướng) qua tưởng về hiện hữu.
- Vijjamàna nàma paññatti là tên gọi của một hiện hữu hay danh khái niệm về cái có thực.
- Avijjamàna nàma paññatti là tên gọi của một phi hữu hay danh khái niệm về cái không có thực. Đó chính là khái niệm về một khái niệm qua ngôn ngữ.
Vì vậy, Vipassanā (kiến) phải lấy paramattha (tánh) làm đối tượng.

Hỏi:Như vậy làm sao hóa giải được sai lầm của paññatti?
T.S Viên Minh: Nếu nói đúng theo trình tự cho dễ nhận thì trước hết phải đưa danh khái niệm không có thực về với danh khái niệm có thực, rồi xóa tên gọi đi để còn lại hiện trạng có thực. Từ đó nhìn xuyên thấu hiện trạng mà thấy bản chất của sự thực ấy.
Khi thực hành quán chiếu với tinh tấn, chánh niệm, tỉnh giác thấy rõ paññatti đúng với bản chất của nó tức là đã trả nó về paramattha. "Vô minh thực tánh tức Phật tánh" là vậy.

Hỏi: Xin thầy cho một ví dụ để chúng con dễ hiểu.
T.S Viên Minh: Khi có ý nghĩ "tôi ngồi" liền thấy "tôi" là khái niệm giả danh (avijjamàna nàma paññatti), không có thực. Chỉ còn lại "ngồi". Nhưng từ "ngồi" chỉ là tên gọi của hành động hay tư thế ngồi. Vì vậy, nếu bỏ tên gọi (vijjamàna nàma paññatti) ấy đi thì còn lại tư thế ngồi đang hiện hữu (attha paññatti). Nhưng hiện tượng ngồi đó chỉ là sắc pháp, gồm các đại mà thực chất chỉ là một diễn biến vô thường, rỗng không và vô ngã. Như vậy, cái gọi là "tôi ngồi" là tánh không paramattha. Đó là hóa giải paññatti, có đúng không? Nhưng nhớ đừng có học thuộc lòng lý thuyết này mà phải thực sự quán chiếu Vipassanā mới được.
Hỏi: Thưa thầy, có người nói thiền Vipassanā nguyên thủy có mục đích giải thoát xuất thế, còn thiền tông đại thừa có mục đích nhập thế (thỏng tay vào chợ) có đúng không?
T.S Viên Minh: Làm gì có xuất thế với nhập thế! Đó chỉ là ý niệm của các học giả. Xuất thế đich thực chính là nhập thế. Nhưng nhập thế không hiểu theo nghĩa sự dấn thân của bản ngã. Và nhớ là "thỏng tay vào chợ" chứ không phải "thọc tay vào chợ" đâu nghe!
Trong Kinh Mangala Sutta, đức Phật mô tả "thỏng tay vào chợ" như thế này:
"Phuṭṭhassa loka dhammehi cittaṃ yassa na kampati, asokaṃ, virayaṃ, khemaṃ, etaṃ maṅgalam'uttamaṃ" (Khi tương giao trong pháp thế gian, tâm không động, không phiền, không nhiễm, an nhiên tự tại. Đó chính là tối thượng an lạc giải thoát).
Vậy làm gì có sự giải thoát xuất thế theo nghĩa ra khỏi thực tại pháp. Chính Vipassanā ngay từ đầu đã đối diện với pháp thực tại hiện tiền (tại đây và bây giờ), không trốn chạy, tránh né. Chỉ có giác ngộ pháp (dhamma sacchikaroti) và sống thuận pháp (dhammànudhamma patipanno vihàrati) chứ làm gì có thủ xả, xuất nhập được. Thủ xả, xuất nhập là thái độ của chúng sanh trong vô minh ái dục.

http://www.trungtamhotong.org