ký ức sự kiện và ký ức tâm lý

Cả tiềm thức và vô thức đều bao gồm ký ức mà Krishnamurti đã phân biệt thành hai loại: sự kiện và tâm lý. 
Cái thứ nhất là ký ức về kinh nghiệm thực tế, phán đoán sự kiện,chúng không tạo ra vấn đề vì chúng có ích cho tâm trí ý thức, khả dĩ cho phép nó học hỏi bằng kinh nghiệm. 
Ký ức tâm lý là những sự đánh giá đã qua, hay sự ‘ phán đoán giá trị ’, mỗi thứ đều dồn nén đầy ắp một cách nặng nề bởi cảm xúc. Chúng không phát sinh từ tâm trí ý thức của cá nhân hay như những yếu tố riêng biệt, nhưng như một bối cảnh lờ mờ, một sắc tố, một sự qui định của nội dung ý thức.
‘ Sự qui định ’ này mang nhiều hình thức khác nhau và đáng ngạc nhiên, nó không tuân theo những nguyên tắc được thiết lập và không theo một khuôn mẫu cố định nào. Một sự khao khát hay sợ hãi bị dồn nén, liên quan đến một số lạc thú hay đau khổ nào đó, có thể nhuộm màu một sự việc hay một tình huống từ tất cả sự thừa nhận và chỉ có liên hệ rất ít với kinh nghiệm đầu tiên. Giống như phản ứng tiết nước bọt tự nhiên của những con chó của Pavlov phát sinh từ yếu tố kích thích tự nhiên của thực phẩm được đổi thành phản xạ tiết nước bọt ‘có điều kiện’phát sinh từ yếu tố kích thích không tự nhiên của ánh sáng màu xanh lá cây, cũng thế, sự nhận thức trong tâm trí ý thức tâm lý thay đổi hay ‘ bị qui định ’ bởi sự thêm thắt bổ sung của những ký ức tâm lý thuộc phần vô thức, chỉ liên hệ vô cùng ít oi với sự việc được nhận thức bằng giác quan.
Có một hình thức qui định thường xuyên nào đó vốn hiện diện khắp nơi trong tất cả những hình thức khác đòi hỏi sự nghiên cứu, khảo sát đặc biệt, ấy là sự hiện diện của bản ngã hay cái ‘tôi’. Có thể chứng minh được rằng bất cứ nơi nào có sự qui định là có sự hiện diện của cái ‘tôi’ này và ngược lại, nơi nào ý thức bản ngã tồn tại, sự qui định chắc chắn có mặt ở đó.
Krishnamurti muốn chúng ta sống với toàn bộ tâm trí chứ không phải chỉ với một phần nhỏ bé manh mún của nó vốn được quan tâm rất ít vì nó đã bị ấn tượng sẵn bởi những ký ức và những sự đánh giá cũ rích.Như chúng ta sẽ xem xét sau này, phần đó của tâm trí vốn bị ảnh hưởng bởi ý thức bản ngã, là phần bị hao mòn, tàn phế, gần như dửng dưng đối với đời sống, với chân lý và niềm vui. Để biết và để sống thật sự, chúng ta cần một tâm trí tổng thể ( trí tuệ tổng thể, viên mãn, toàn nguyên ), sự rộng mở bao la của nó chứ không phải một tâm trí trì trệ, khô cằn và héo hắt mà chúng ta đã biết từ thói quen trong đời sống hàng ngày vốn chết cứng hơn là sống động.
Chúng ta không thể sửa chữa sự qui định bằng cách qui định thêm nữa, hoặc bằng một loại qui định khác. Krishnamurti, do đó, đã loại bỏ cách sử dụng những phương pháp như tham thiền hoặc giới luật tinh thần, khổ hạnh hay giới luật về thể xác, trau giồi đức hạnh hay nguyên tắc đạo đức, tụng kinh cầu nguyện, hay những giới luật tôn giáo, áp dụng những sự cải cách hay luật lệ xã hội. Không có giá trị nỗ lực nào có thể tiêu diệt được ký ức; chúng ta không thể nhớ để quên. Cách chữa trị duy nhất đi ngược lại sự qui định của chúng ta là chấp nhận nó như một sự kiện, thấu hiểu nó đúng như sự qui định, đi sâu vào tận nguồn gốc và phơi bày nó ra, ngắm nhìn mà không biện minh hay chỉ trích, trong ‘ sự tỉnh thức thụ động và im lặng ’, không cho nó là của riêng ai, không tự đồng hóa nó với một người nào. Đó là một sự kiện tâm lý mà bất cứ điều gì chúng ta không xem là, cũng không cảm thấy là của riêng chúng ta, sẽ không ràng buộc được chúng ta. Sự tỉnh thức có hiệu lực bởi vì nó tiêu hủy tính chất tối tăm dốt nát của sự qui định. Khi chúng ta nhận thấy tâm trí chúng ta bị qui định, sự qui định ấy sẽ rơi rụng. Đây là cách thức tối quan trọng của Krishnamurti để cắt đứt tất cả những mấu chốt ràng buộc của sự qui định. Sự tỉnh thức đặt dấu chấm hết với tất cả những hình thức và thói quen của tư tưởng vốn rất quen thuộc đối với tâm trí bị qui định, cũng như đối với những phản ứng có tính cách xúc cảm gây ra do sự qui định.
Thay vì ký ức của chúng ta là những gì mặc nhiên là vậy, mỗi ghi nhận về những sự kiện hay biến cố nào đó đều chính xác và trung thực, nhưng chúng ta đã vô tình cho phép chúng dồn nén chất chứa những cảm giác và cảm xúc được kinh nghiệm từ quá khứ. Tâm trí bị dao động bởi những cảm xúc vốn không còn liên hệ đến tình trạng hiện tại, và chúng ta tự thấy mình sống trong trạng thái xung đột, tính chất thực sự của điều đó mà chúng ta không biết. Tâm trí chúng ta trở nên rối rắm xáo trộn, đầy ắp những ước muốn và sợ hãi điên rồ, những tin tưởng vô căn cứ, những thói quen vô nghĩa, những thành kiến hung ác độc hại, và những sự ghen ghét mù quáng. Sự xung đột không ngừng này bên trong chúng ta gây cho chúng ta cảm giác bất an, không chắc chắn về chính mình và người khác, và chúng ta cố gắng vô hiệu hóa sự bất an ấy bằng cách củng cố mạnh mẽ cái ‘tôi’, tích lũy tài sản, kiến thức hoặc danh dự, bằng cách tham gia vào những hoạt động tôn giáo hay thế tục – tất cả đều vô hiệu, vì chúng ta càng cố gắng đạt được sự an toàn, chúng ta lại càng phải đề phòng hơn và sự bất an càng lớn lao hơn, do đó cả sự lo âu cũng thế.
Tất cả những hoạt động về giáo dục, luật pháp, chính trị và xã hội đều không thành công trong việc giải thoát chúng ta khỏi cảm giác bất an này, vốn không giới hạn với bất cứ giai cấp đặc biệt nào trong xã hội, giàu hoặc nghèo, học thức hay dốt nát, nhưng bao gồm toàn thể nhân loại.
Rất quan trọng để nhận thức rõ ràng sự khác biệt mà Krishnamurti đưa ra giữa ký ức sự kiện và ký ức tâm lý.Ông không hề phủ nhận ký ức; ông thừa nhận rằng nếu không có ký ức đúng đắn và bình thường sẽ không thể sống được. Ông cũng không phản đối việc nhớ lại những cảm giác quá khứ ở mức độ chúng là thành phần của sự kiện quá khứ. Điều làm cho chúng trở nên nguy hiểm là khuynh hướng làm méo mó sự phán đoán hiện tại của chúng ta, tạo ra những phản ứng có tính cách xúc cảm hạn hẹp.
Ký ức sự kiện đóng góp vào khả năng và giúp cho sự phấn đấu tồn tại của chúng ta. Nếu ký ức về lạc thú và đau khổ chỉ thuần là sự kiện, sẽ không gây nguy hại gì. Không có gì sai trái khi ăn uống ngon lành lúc đói bụng, hay uống thoải mái khi khát. Nhưng ký ức về lạc thú đã tạo ra sự ham muốn và ký ức đau khổ tạo ra sợ hãi, và chúng ta lại phóng hiện những thứ này vào hiện tại, sự ham muốn và sợ hãi không chút ý nghĩa và thỏa đáng. Bởi lạc thú tự chúng chỉ là lạc thú và đau khổ chỉ là đau khổ. Chúng đến và đi như mọi thứ khác. Rắc rối thực sự bắt đầu khi sự theo đuổi lạc thú và lẩn tránh đau khổ trở thành khuôn mẫu cư xử cố định, một hệ thống của những thói quen xoay quanh cái ‘tôi’ phức tạp. Tất cả vấn đề của chúng ta đều bắt nguồn từ sự say mê đối với những ký ức đau khổ và khoái lạc của quá khứ. Toàn bộ tiến trình quá ẩn mật và vô ý thức, kết quả là chúng ta đã lệ thuộc vào nó quá lâu và hoàn toàn đến mức thật khó khăn để chúng ta nhận thức rằng nó vẫn tiếp tục kéo dài cho đến bây giờ.
Cách giải quyết vấn đề của Krishnamurti hoàn toàn mới mẻ. Trước nhất có vẻ rất giản dị, giản dị đến mức khó tin. Thật sai lầm, theo ông, khi tìm kiếm giải pháp bên ngoài vấn đề, vì giải pháp nằm ngay trong vấn đề của nó. Do đó, điều chính xác để làm không phải là tìm kiếm giải pháp, nhưng là thấu hiểu vấn đề. Chúng ta phải nhận thức rằng tất cả những yếu tố để thấu hiểu và do đó để giải quyết vấn đề phải nằm trong chính vấn đề chứ không tách rời nó.Vấn đề là kết quả của những nguyên nhân của nó, nó là tiêu điểm và là sự biểu hiện của chúng và sẽ vô nghĩa khi tìm kiếm chúng ở bất cứ nơi nào bên ngoài hay vượt quá vấn đề. Do đó, công việc trước tiên của chúng ta là, xem xét từ chính vấn đề. Mọi thứ đều tiết lộ câu chuyện của riêng nó và bằng cách ‘lắng nghe’ câu chuyện ấy, vấn đề của chúng ta được phát hiện, chúng ta giúp chúng phơi bày ra và trong hành động phơi bày ấy, nó sẽ tự tan biến đi. Thậm chí có thể nói rằng vấn đề được tăng cường mạnh mẽ là do chúng ta thiếu thiện chí xem xét nó. Chúng ta biến những gì có thể là một bài học trở thành một vấn đề bằng cách tìm kiếm với sự thiếu quan tâm và chú ý, một giải pháp bên ngoài vấn đề. Chúng ta phải học hỏi, xem xét để mời gọi vấn đề với sự thật của riêng nó, để nhận thức sự kiện đúng như chính nó và tại sao nó trở thành vấn đề. Chúng ta phải làm tất cả những điều này với một tâm trí không thành kiến, với một tinh thần từ đó việc xem xét được tiến hành một cách khoa học, không có bất cứ nỗ lực nào để thay đổi hay để ngăn chặn sự việc đúng như chính chúng. Khi chúng ta gặp gỡ vấn đề một cách thẳng thắn, ngắm nhìn kỹ càng vận hành của nó, hay nói theo ngôn ngữ của Krishnamurti, khi chúng ta tỉnh thức đối với vấn đề một cách ‘ không chọn lựa, không chỉ trích, không biện minh hay đồng hóa ’, sự thật sẽ lên tiếng bằng ngôn ngữ riêng của nó, sẽ truyền đạt bài học của nó cho chúng ta và, như một kết quả, vấn đề sẽ ‘rơi rụng’ và chấm dứt.

​(​ Dịch giả: Mỹ Liên)​

(​Trích từ quyển ” Krishnamurti và cơ cấu của thực tại ” cúa A.D Dhopeshwarkar, giáo sư khoa Triết học Tây phương.)
Trí não nhân loại luôn bị qui định qua môi trường sống, việc qui định đã đưa đẩy nhân loại vào con đường lầm lạc với những bất an, khao khát, sợ hãi…( Ba cõi bất an như nhà lửa ). Vì không thấy ra nguyên nhân của đau khổ là sự qui định của tâm trí nên con người cố vượt thoát nỗi đau khổ bằng việc đồng hóa với một lý tưởng nào đó để được an tâm hoặc dụng công, hành trì miên mật theo một phương cách đã được vạch sẵn để thâm nhập vào một trạng thái vượt ngoài nỗi đau muôn thuở của con người. Nhưng tất cả mọi phương cách ‘ hạ thủ công phu’ nhằm đạt đến một trạng thái bình an chân thật đều là hình thức lẩn tránh cái sự thật đang xảy ra, đang dằn vặt trong tâm trí mỗi người. Sự bình an chân thật này chỉ là giả tướng, là một trong những biến tướng thiên hình vạn trạng do sự qui định vẽ ra.

Biết đâu thực biết đâu hư
Nơi nao là chốn thiên thu đi, về ?


Chính vì vậy mà Đức Phật không bao giờ chỉ cho chúng ta làm thế nào để thâm nhập vào một trạng thái phi thời nào đó, ngài chỉ hướng dẫn chúng ta trở về với chính mình bằng việc tự tri ( Chánh niệm Tỉnh giác) trên Tứ niệm xứ để chấm dứt toàn bộ sự qui định. Với cái Thấy bất chợt của tự tri trong khoảnh khắc, sự qui định được thấu hiểu, và lạ thay, sự thấu hiểu này lại liên quan mật thiết đến điều được xem là ‘không thể lý luận, không thể nghĩ bàn’, đó là : Trí tuệ, tánh Không, tình yêu,lòng từ bi, thực tại, chân lý, cái đang là.

PAD