MỘT TÂM HỒN PHONG PHÚ TRONG SÁNG


Thực Tại, Thượng Đế đích thực -- Thượng Đế đích thực, không phải là vị Thượng Đế do loài người tạo ra -- không hài hòa với một tâm hồn đã bị tàn phá, nhỏ nhen, nông cạn, thiển cận, hẹp hòi. Phải là một tâm hồn lành mạnh mới thẩm thấu nổi. Nhu cầu để hòa nhập với Thực Tại phải là một tâm hồn phong phú -- phong phú ở đây không phải là giầu kiến thức mà là một tâm hồn an nhiên, vô tư ; một tâm hồn chưa hề bị trầy trụa vì kinh nghiệm, một tâm hồn không bị ràng buộc bởi thời gian. Những thần thánh do quý vị sáng chế ra để tự an ủi thì chịu đựng được sự giày vò; loại thần thánh đó chấp nhận được một tâm hồn đã bị làm cho u mê trì trệ.
Nhưng "thứ thật" thì không phù hợp với điều đó. Thực Tại hài hòa với cái toàn hảo, với con người trọn vẹn có trái tim trong sáng, đầy ăm ắp niềm cảm xúc nồng nàn, có khả năng thấu suốt cái đẹp của thiên nhiên, cây cỏ, nụ cười của em bé, và nỗi đau của người đàn bà chưa bao giờ có được bữa cơm no. Bạn phải có được niềm cảm xúc đặc biệt này, có sự nhậy cảm này đối với tất cả -- đối với loài vật, từ con mèo bước qua bức tường kia, từ sự bê bối, bệ rạc, dơ dáy, bẩn thỉu, thô lỗ của những người nghèo khổ, tuyệt vọng. Bạn phải có một tâm hồn bén nhậy, một trái tim nồng nàn cảm thông, không với đường lối riêng biệt nào, không phải là sự xúc động tới lui bất chợt, mà là sự nhậy cảm sâu xa từ trong tâm hồn, bằng mắt, bằng tai, bằng giọng nói tiếng cười, bằng toàn thể con người của bạn. Bạn phải là người luôn luôn nhậy cảm, bất cứ lúc nào.
Trừ phi bạn thật là nhậy cảm, nếu không, sẽ không thể có trí tuệ. Trí tuệ chỉ tới với sự nhậy cảm và quan sát. 


Krishnamurti -- The Book of Life

Hỏi : - Xin nói cho chúng tôi nghe về Thượng Đế.
Krishnamurti : 
- Thay vì nghe tôi nói Thượng Đế là gì, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu coi các bạn có thể nhận ra được cái trạng thái đặc biệt đó, không phải là hãy để đến mai hoặc một thời gian nào đó trong tương lai, nhưng mà ngay lúc này, trong khi chúng ta đang cùng ngồi với nhau trong bầu không khí an tịnh này. Chắc chắn là điều đó quan trọng hơn nhiều. Nhưng nếu muốn tìm hiểu coi Thượng Đế là gì thì phải liệng bỏ hoàn toàn niềm tin vốn có. Muốn phát hiện ra cái gì là chân thật thì tâm trí không thể mang sẵn niềm tin về một cái gì đó đã được coi là chân lý, không thể có sẵn những lý thuyết hoặc giả thuyết về Thượng Đế. Xin các bạn hãy để ý, lắng nghe. Nếu các bạn đã có những giả thuyết, đã có những niềm tin, đã có những giáo điều,như thế thì đầu óc các bạn đã đầy ắp những suy đoán. Vì đã đọc cuốn sách này hoặc cuốn sách kia viết về sự thế nào là thực tại hoặc Thượng Đế cho nên tâm trí các bạn rất phấn khích. Một cái đầu chứa đầy ắp kiến thức thì luôn hoạt động, không an tịnh, chỉ làm cho tâm hồn thêm vướng mắc nặng nề và hiển nhiên là cái sự vướng mắc nặng nề ấy không thể biểu hiện một nội tâm bình thản. Khi tâm trí chứa đầy ắp những sự tin chắc, dù là tin rằng có Thượng Đế, hay là tin rằng không có Thượng Đế, thì cũng là vướng vào kiến chấp, mà cái tâm đã vướng vào kiến chấp thì không thể nhận ra được cái gì là chân lý.
Để phát hiện chân lý, tâm hồn con người phải được khai phóng, cởi mở, thoát khỏi những lễ lạc, những niềm tin, những giáo điều, kiến thức và kinh nghiệm sống mà họ đã trải qua. Chỉ khi đó thì tâm trí mới nhận thức được thực tại, chân lý. Tâm hồn trong trạng thái an tịnh như thế thì những hoạt động do lòng ham muốn, do khát vọng từ ngoại cảnh cho tới nội tâm không còn nổi lên nữa. Đó không phải là đè nén lòng ham muốn, đè nén khát vọng, vì đè nén phải tốn sức. Ngược lại, khi tâm trí ở trong trạng thái an tịnh thì người ta có tràn đầy sức sống, tràn đầy nghị lực. Nhưng sức sống, nghị lực không thể sung mãn nếu đầu óc còn lăng xăng dòm ngó chuyện thiên ha,ï khiến cho nội tâm lại phải bận rộn đối phó. Khi tất cả những chuyện thị phi này đã lắng xuống thì tâm hồn sẽ ở trong trạng thái an bình, tĩnh lặng.
Tôi không mê hoặc các bạn, không thuyết phục, dụ dỗ các bạn rằng phải tĩnh lặng. Chính các bạn, tự bản thân, các bạn phải thấy được tầm quan trọng của việc từ bỏ, việc vứt đi tất cả những điều mê tín dị đoan, những niềm tin vô căn cứ, những kiến chấp đã tích lũy hàng bao nhiêu thế kỷ, hãy xả bỏ một cách thoải mái, không chút cố gắng, không chút ngần ngừ. Các bạn phải thấy được sự thật là bất cứ hình thức tích lũy nào cũng đều làm cho tâm trí bừa bộn lên, khiến cho năng lực bị tiêu hao phung phí.
Muốn cho tâm được tĩnh lặng thì phải có một sức sống sung mãn và sức sống đó phải an tịnh. Và nếu như các bạn đã thực sự có được trạng thái sống an bình, không lăng xăng, các bạn sẽ thấm thía được hương vị của sức sống đó, một sức sống an lạc, một sức sống mà tự nó có những hoạt động nội tâm khai phóng, không phải là cái loại hoạt động vì bị sức ép của ngoại cảnh, của xã hội thôi thúc. Bởi vì khi trong lòng đã tràn ngập sức sống bình yên tự tại, thì tâm trí tự nó sẽ trở thành an lạc thanh cao . . .
. . . Và cái sức sống bình yên tự tại đã nâng tâm hồn lên trạng thái an lạc thanh cao đó chính là lòng thương yêu, niềm trắc ẩn, vốn không phân ly với chính bản thân sức sống này.


Krishnamurti -- On God