Nhị Nguyên

Tư tưởng phương Đông khá quen thuộc trong lý luận về triết thuyết nhị nguyên, tức là xét sự vật trên hai mặt đối nghịch: Thiện và ác, đúng và sai, vật chất và tinh thần, âm và dương… và thường đưa ra hướng dung hòa suy nghĩ này. Krishnamurti lại có cái nhìn khá khác biệt về tính nhị nguyên, xem khái niệm nhị nguyên là một ảo tưởng không thực khi xét về mặt nội tại.

“Tất cả chúng ta rồi sẽ chết, nhưng con người chúng ta lại đẩy nó càng xa mình càng tốt, vì thế tạo ra hai mặt đối nghịch: sống và chết. Chúng ta có từng xem xét nhị nguyên là gì và tính hai mặt đối nghịch đó có tồn tại hay không? Chúng ta được nuôi dưỡng qua truyền thống, qua giáo dục, qua sách vở, để nghĩ rằng có tính nhị nguyên, có mâu thuẫn, có nam nữ, có sự giận dữ và không giận dữ, bạo động và bất bạo động, vân vân. Vì thế chúng ta phân chia toàn bộ cuộc sống thành hai mặt. Về mặt tinh thần, có điều gì được gọi là nhị nguyên, hai mặt đối nghịch không? Dĩ nhiên có sự đối lập giữa nam và nữ, giữa ánh sáng và bóng tối, giữa bình minh và hoàng hôn. Có sự lưỡng phân đối nghịch nhau bên ngoài: Người cao kẻ thấp, người tóc nhạt kẻ tóc sậm, người học nhiều kẻ học ít, người đẹp kẻ xấu.
Nhưng về mặt tâm lý bên trong, có sự đối nghịch nào không? Truyền thống bảo chúng ta rằng có; sách vở viết về nó đã nói rằng chỉ có người giải thoát rồi mới tránh khỏi nhị nguyên. Rất tiếc, việc này hoàn toàn vớ vẩn. Chúng ta có thể nhìn vấn đề này hết sức đơn giản, thật đơn giản, không cần đến các lời bàn rắc rối của những triết gia. Ngoại vật có tính hai mặt đối nghịch, nhưng về mặt tâm lý nội tại, bên trong da thịt mình chỉ có một thứ duy nhất. Chẳng hạn, khi có cơn giận, chúng ta nói, “Mình không được giận ”, thế là có sự phân đôi, là cái lý tưởng mà suy nghĩ đã hình thành từ những đau khổ nó từng biết. Vậy tại sao chúng ta xem trọng cái không thực đã trở thành mặt đối nghịch đến thế? Chúng ta bị bắt nhốt trong cái mớ nhị nguyên xấu xa này, khiến phải có lựa chọn, chọn lựa. 
Về mặt tâm lý, có mặt đối nghịch trong sự thể nào không? Các thứ như bạo động, giận dữ, căm thù, ghét bỏ, đều là những sự kiện. Nhưng để nghĩ ra cái chuyện không thực như bất bạo động chẳng hạn, chúng ta buộc phải yêu mến người khác, vân vân, là chuyện không có thực. Vì thế chỉ có sự kiện, và một sự kiện thì không có mặt đối nghịch. Khi chúng ta sống với sự kiện, lúc đó xung đột không xen vào được. Nhưng toàn bộ hậu cảnh tâm lý của chúng ta dựa trên nhị nguyên: Tôi là thế này, tôi không được như vậy nữa; tôi là kẻ hèn nhát, tôi phải dũng cảm; tôi u mê về chính mình, vậy tôi phải học hỏi. Chúng ta bị nhốt trong đó. Nhưng sự thực là chẳng có mặt đối nghịch nào về mặt tâm lý cả. Mặt đối nghịch được tạo dựng hay hình thành bởi suy nghĩ để trốn thoát thực tại. Tôi hung bạo, đó là thực tế; nhưng nhiều người bảo rằng tôi phải trở nên bất bạo động. Tính bất bạo động là hoàn toàn không có thực, bởi vì tôi đang hung bạo. Nếu tôi lưu lại với thực tế này thì lúc đó tôi có thể làm điều gì đó về nó, hoặc không làm gì cả, không giả vờ. Đeo đuổi lý tưởng bất bạo động chỉ là đang đùa cợt với chính mình thôi. Trong khi đeo đuổi bất bạo động, chúng ta vẫn tiếp tục bạo động. Vì thế chúng ta mới nói về mặt tâm lý không có mặt đối nghịch, chỉ có cái đang là. Nếu chúng ta hiểu điều này thì sự xung đột nhị nguyên có còn tồn tại không?”

Thường người ta dễ nhìn ra tính chất nhị nguyên của sự vật bên ngoài như ngày đêm, nóng lạnh, sáng tối, âm dương… để đưa về một qui luật chung cho cuộc nhân sinh, kể cả những diễn biến tinh thần như hạnh phúc - đau khổ, vị tha - vị kỷ xảy ra trong nội tâm mình. Krishnamurti lại không nghĩ như vậy, ông chỉ xét về mặt nội tâm, về mặt tâm lý, ông cho rằng sự phân chia hai mặt rạch ròi như thế là ảo tưởng mê lầm của con người. Về nội tâm không thể có hai trạng thái đối nghịch tồn tại song song, chỉ có hiện trạng là thế này nhưng tâm trí muốn là thế kia thôi, và ông cho rằng hiểu được hiện trạng của mình đang như thế nào mới là điều quan trọng. Suy tưởng này của Krishnamurti thường không được chấp nhận, vì người ta sợ rằng nếu tâm hồn con người không biết vươn đến những điều cao đẹp hơn hiện trạng thì người ta sẽ ở lại với điều tồi tệ mãi mãi. Nhưng sự thực là con người đã luôn luôn vươn tới điều cao đẹp trong mấy ngàn năm nay và họ vẫn ở lại với sự tồi tệ, thậm chí còn tồi tệ hơn khi họ mới bắt đầu viết lịch sử. Sự thực này là sự chứng minh rõ ràng cho việc tách biệt hai trạng thái tâm hồn đối nghịch nhau chỉ là ảo tưởng, và có lẽ ảo tưởng đó sẽ còn kéo dài cho đến khi, vì tai họa kinh hoàng nào đó xảy ra cho trái đất, con người không thể viết lịch sử được nữa và cũng chẳng còn ai để viết. Để phá tan ảo tưởng đó, theo Krishnamurti, chỉ có một cách duy nhất là thấy rõ được hiện trạng của mình, hiểu được mọi ngõ ngách đánh lừa của nó, hiểu được chính mình đang là như thế nào, dù con người mình tầm thường đáng khinh đến mức nào, và chỉ với sự hiểu biết đó, sự sáng suốt đó, ảo tưởng sẽ bị phá tan để con người có thể sống với tất cả sự tốt đẹp nhất mà cuộc sống hiến tặng. 
Krishnamurti chẳng bao giờ nói về đạo hay chân lý một cách khẳng định, cụ thể. Ông thường đi theo chiều hướng phủ nhận, phủ nhận điều giả trá để cho cái chân thật hiển lộ. Cái đạo mà Krishnamurti diễn đạt có vẻ trừu tượng, nó không hình tượng, không biểu tượng, không tín điều, không tổ chức, không răn đe, không thưởng phạt, không thứ bậc thấp cao, không giáo chủ - môn đệ, không hứa hẹn, không đi tìm một thiên đường nào khác với thế giới mình đang sống, với cuộc sống vốn có trước mặt mỗi người. Có lần Krishnamurti ghi lại cảm nghiệm của mình về niềm vui về sinh lực tràn trề để tận hưởng cuộc sống trong một cuốn hồi ký như thế này:

“Chiều hôm qua nó bắt đầu đột ngột, trong căn phòng nhìn ra con phố náo nhiệt; sức mạnh và vẻ đẹp của điều ấy trải rộng từ căn phòng tràn ra luồng giao thông trên phố, băng ngang khu vườn và vượt qua những ngọn đồi. Nó bao la và tinh khôi ngay đó; nó hiện diện ngay đó vào buổi chiều, và vừa khi mình vào giường nó cuồng nộ và mãnh liệt, một niềm hân hoan và đẹp đẽ vô cùng. Không thể quen thuộc được với nó vì nó luôn đổi khác, luôn luôn có điều mới mẻ, một phẩm chất mới, một ý nghĩa tinh tế, một ánh sáng mới, một điều gì đó chưa từng thấy trước kia. Nó không phải là một món đồ để lưu giữ, để nhớ lại hay xem xét khi rảnh rỗi; nó ngay đó và không suy nghĩ nào vói đến được để cảm nghiệm hay lưu giữ, vì trí não lặng yên và thời gian không hiện diện. Nó ngay đó và mọi suy nghĩ trở nên câm lặng. 
Sinh lực mạnh mẽ của cuộc sống luôn luôn ngay đó, cả đêm và ngày. Nó vô hướng, không va chạm, không lựa chọn và không nỗ lực. Nó ngay đó với sự mãnh liệt đến nỗi suy nghĩ và cảm giác không thể chụp bắt để định hình nó theo sự thêu dệt, kinh nghiệm và đòi hỏi của chúng. Nó ngay đó với sự tràn trề mà không gì có thể làm suy giảm. Nhưng khi chúng ta cố gắng tận dụng nó, định hướng cho nó, chụp bắt nó trong khuôn khổ kinh nghiệm của mình thì chúng ta sẽ cố vặn vẹo nó cho vừa với khuôn mẫu, kinh nghiệm và kiến thức của mình. Chính tham vọng, tị hiềm, tham lam đã làm suy giảm sinh lực của nó khiến gây ra xung đột và đau buồn; sự tàn nhẫn của tham vọng, dù cá nhân hay tập thể, làm biến dạng sự mãnh liệt của nó, gây ra căm thù, đối kháng, xung đột. Mỗi một hành động tị hiềm đều làm hư hoại năng lực này, gây ra bất mãn, khốn khổ, sợ hãi, và kèm theo nỗi sợ hãi sẽ có cảm giác tội lỗi, lo âu, và nỗi khổ muôn đời do hành động so sánh và bắt chước. Chính cái năng lượng hư hoại này tạo ra các nhà tu, tướng lãnh, chính trị gia và trộm đạo. Cái sinh lực vô hạn đã trở nên bất toàn bởi khao khát được trường tồn và an ổn, là mảnh đất màu mỡ cho các ý tưởng cằn cỗi, sự tranh giành, sự nhẫn tâm và chiến tranh; đó chính là nguyên nhân của sự xung đột muôn đời giữa người và người. 
Khi dẹp được các thứ này qua một bên, với sự ung dung chứ không phải bằng nỗ lực, chỉ lúc đó mới có cái sinh lực mạnh mẽ này, cái sinh lực chỉ hiện hữu và nở hoa trong tự do. Chỉ trong tự do nó mới không gây ra xung đột và buồn đau; chỉ lúc đó nó mới triển nở vô hạn. Nó là sự sống không có bắt đầu và chấm dứt; nó là sự sáng tạo bao hàm cả tình yêu lẫn hoại diệt. Sinh lực bị định hướng một chiều sẽ dẫn đến một thứ: Đó là xung đột và đau buồn; sinh lực được dùng để toàn bộ cuộc sống được hiển lộ ra là niềm vui vượt ngoài mọi lượng định.”

Cảm nghiệm sâu xa về sức sống bùng cháy mãnh liệt trong tâm can và lan tỏa đến mọi sự vật chung quanh cũng không phải là một kinh nghiệm thần bí gì như nhiều người phê phán Krishnamurti. Có thể đó là cảm nghiệm về điều không thể nghĩ bàn, bao trùm lên vạn vật, thấm đẫm muôn người, trong đó có cả chính bản thân mình. Ít khi Krishnamurti chịu nói nhiều đến điều này, ngoại trừ trong cuốn hồi ký được đặt tên Krishnamurti’s Notebook, trong đó người đọc có thể tìm thấy khá nhiều trang ông để cho ngòi bút mình bay bổng, không tránh né, gượng ép hay chắt lọc từng lời như khi ông ra trước cử tọa hàng ngàn người. Đôi khi cách diễn tả như vậy lại chạm được vào chiều sâu sự thể hơn là dùng ngôn từ trực diện. Trong một trang khác chúng ta tìm thấy những dòng như sau:

“Bình minh  đang chậm rãi đến, những ngôi sao vẫn còn rực sáng và cây cối vẫn còn mờ ảo; không tiếng chim gọi nhau, thậm chí đến con cú nhỏ đêm qua  đập cánh bay từ cây này qua cây nọ cũng không lên tiếng. Một sự tĩnh lặng kỳ lạ ngoại trừ tiếng sóng biển gầm thét. Có hương thơm của nhiều bông hoa, cả mùi những chiếc lá thối rữa và mặt đất ẩm ướt; các mùi này phảng phất trong không gian hết sức tĩnh lặng. Đất đang chờ đợi bình minh, chờ ngày đang đến; có sự mong chờ, nhẫn nại, và tĩnh lặng lạ kỳ. Thiền định vẫn tiếp tục với sự tĩnh lặng, và sự tĩnh lặng đó là tình yêu, nhưng không phải là tình yêu đối với vật gì hay người nào, với hình ảnh hay biểu tượng nào, với ngôn từ hay hình tượng nào. Nó chỉ đơn giản là tình yêu, không đa cảm, không ủy mị. Tự thân nó có tính hoàn hảo, trần trụi, mãnh liệt, vô căn và vô hướng. Tình yêu chính là tiếng chim xa xa đó; nó là phương hướng và khoảng cách đó, nó hiện hữu phi thời và vô ngôn. Nó không phải là cảm xúc dễ nhạt phai và lạnh lùng; biểu tượng và ngôn từ có thể đổi khác nhưng sự thể thì không. Vì trần trụi nên nó hết sức mong manh nhưng không thể tàn hoại. Nó có sức mạnh bất khả xâm phạm của sự thể ấy, của điều bất khả tri đang đến xuyên qua rừng cây và vượt ra xa khỏi biển. Thiền định là tiếng chim đang gọi từ hư vô và là tiếng gầm thét ầm ầm của sóng biển vỗ bờ. Trong thiền định không có sự lặp lại, sự nối tiếp của thói quen; phải tuyệt dứt những điều đã biết để sự thể chưa biết bừng nở. Tình yêu chỉ hiện hữu trong sự trống rỗng toàn triệt. Bình minh xam xám đang ở tận chân trời và những tàng cây đã sẫm màu càng sẫm thêm. Các ngôi sao đã mờ đi và những đám mây cùng thức giấc với mặt trời…
 Kiến thức sẽ hủy diệt sự khám phá. Kiến thức luôn luôn nằm trong thời gian, thuộc về quá khứ; không bao giờ nó có thể mang lại tự do. Nhưng kiến thức cũng cần thiết để hành động, để suy nghĩ, và không có hành động thì không thể tồn tại. Nhưng dù hành động có thông thái, đúng đắn hay cao cả đến mức nào cũng không mở được cánh cửa đến chân lý. Không có con đường nào dẫn đến chân lý; nó không thể đến từ bất kỳ hành động nào hay bất kỳ tinh hoa tư tưởng nào… Chẳng có cách nào mở ra được cánh cửa dẫn đến cõi bao la. Toàn bộ ý thức phải rũ sạch mọi kiến thức, hành động và thiện hạnh, nhưng không phải rũ sạch vì một mục đích nào đó, như để thu nhặt, để hành sự, để thành đạt. Ý thức phải lưu trú trong trạng thái rỗng rang dù đang sống hàng ngày giữa thế giới của tư tưởng và hành động này. Từ sự rỗng rang này, tư tưởng và hành động sẽ đến. Nhưng sự rỗng rang này sẽ không mở cửa, vì không có cánh cửa nào để mở cả, và ý định nào muốn vươn đến cánh cửa là sai lầm. Không có tâm điểm nào cho sự rỗng rang này vì sự rỗng rang này là vô lượng; khi có tâm điểm sẽ có lượng định, tính toán. Sự rỗng rang này vượt ngoài thời gian và không gian, vượt ngoài suy nghĩ và cảm xúc. Nó đến lặng lẽ, kín đáo, giống như tình yêu; nó không có bắt đầu và chấm dứt. Nó hiện diện ngay đó, bất biến và vô lượng. ”

Trong một số trang khác của cuốn hồi ký, Krishnamurti tiếp tục mô tả sự thể bao la, bất khả lượng định mà ông cảm nghiệm được. Sự mô tả này có vẻ mơ hồ, khó hiểu và khó chấp nhận được đối với tư duy thiên về logic, cân đong, tính toán, như người ta đã tính được tuổi và kích thước vũ trụ, mô tả được sự hình thành và thời điểm hủy diệt của vũ trụ. Trong cái vũ trụ được đo đạc cặn kẽ đến từng hơi thở, kể cả những tiếng rùng mình, những cú cọ xát, những thời điểm bùng nổ và những tia sáng chói lòa hay những vệt sáng chỉ còn thoi thóp từ hàng tỉ năm trước, thì sự bao la vô tận, vô lượng định, bất khả tư nghì chỉ còn phiêu bồng trong tâm tưởng những nghệ sĩ cuộc sống. Nhưng những công thức toán học rối mù hay sơ đồ chằng chịt và cả những ảnh quang phổ tường tận nhất cũng vẫn chưa phác họa được hết sự bao la của cuộc đời mà mỗi con người vẫn hằng khao khát, vẫn đang ngụp lặn từng phút từng giây, vì thế con người vẫn còn khát giọt nước mát của cuộc sống.

Mộc Nhiên
Nguồn: Trung Tâm Hộ Tông