THẤP THOÁNG LỜI KINH


Thấp Thoáng Lời Kinh viết về những lời dạy của đức Phật, dưới dạng như một “tùy bút”, từ cảm nghiệm của một… bác sĩ. Lời văn nhẹ nhàng, ngôn từ giản dị, ấn phẩm mới này sẽ đem đến cho bạn đọc những cảm xúc dung dị về những điều giản đơn nhưng đầy ý nghĩa trong cuộc sống...Đó là những triết lý sống khiêm nhường, trọn vẹn…(LN)

Phương tiện

Tuyệt vời thay phương tiện! Nhìn Phật mà không thấy phương tiện, nghe Phật mà không thấy phương tiện, chẳng tiếc lắm ru? Với năm đệ tử đầu tiên, cũng là bạn đồng hành ngày xưa, Phật chỉ cần nói Tứ diệu đế. Bởi họ đã có đủ chất liệu. Chỉ cần “chỉ trăng” là họ thấy ngay. Khổ Tập Diệt Đạo là đã đủ. Triệu chứng: Khổ. Nguyên nhân: Gốc của khổ. Vấn đề chỉ còn là trị liệu cách nào? Con đường (Đạo) phải thấy đúng (chánh kiến) trước rồi mới nghĩ đúng (chánh tư duy), nghĩ đúng rồi mới làm đúng… Chỉ cần giới định tuệ đủ dứt bệnh tham sân si. Một thứ điều trị đặc hiệu. Nhưng khi cần tới Bát Nhã thì có Bát Nhã. Nhân vô ngã, Pháp vô ngã. Qua sông bỏ bè. Rồi cần tổng hợp, cần nâng cao đã có Thường Lạc Ngã Tịnh. Cần cho thấy Như Lai thì trợn mắt chiếu hào quang, giữa chặng lông mày…
Khi nói chuyện với đám thanh niên thì có “thần tượng” Duy Ma Cật, đại gia, không cần xuống tóc, xuất hiện… Ngũ uẩn cũng là một phương tiện. Thị hiện vậy thôi.

Tùng địa dũng xuất

Từ đất vọt ra. Đất nào? Cái gì vọt ra? Đất tâm. Tâm địa. Vọt ra cái sự gọi là “phát tâm” muốn làm Phật, muốn thành Phật, “vô thượng chánh đẳng chánh giác” chứ không bằng lòng với A- la – hán, Bích chi, Duyên giác, Bồ – tát… Có phát tâm thì mới bố thí, trì giới, mới nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ… ba – la – mật và dĩ nhiên mới có “tri kiến” Phật sau khi đã được “khai thị” mà “ngộ nhập”! Nhưng hình như không chỉ vậy. Nhìn kỹ lại mới thấy thân xác con người cũng “tùng địa dũng xuất” (từ đất vọt ra) đó thôi. Ít nhất cái thân tứ đại đất nước gió lửa (C, H, O, N) cũng từ đất, tạng đất. Bởi trong cơ thể con người đã có 60 – 70% thể trọng là nước, có 60 nguyên tố, khoáng chất đều từ đất mà ra như đồng, chì, sắt, kẽm, mangan…, các loại muối K, Na… Một người nặng 70kg đã có 10kg là Calci (vôi), 7 kg Phospho, 1kg muối (Natri)… Không “tùng địa cũng xuất” ư?

Chúng sanh

“Chúng sanh tức phi chúng sanh thị danh chúng sanh”. Chúng sanh tức chẳng phải chúng sanh nên mới gọi là…chúng sanh. “Tức phi/ thị danh” thật tuyệt vời! Để thấy cái không phải, thấy cái giả danh, tạm gọi. Một thứ ngôn ngữ giúp ly niệm, bỏ khái niệm để đến cái không phân biệt, ly tướng. Và từ đó thấy thực tướng vô tướng. Cho nên nói chúng sanh là… chúng sanh thì sai. Nói chúng sanh không phải là chúng sanh cũng sai. Hiểu chúng sanh là con người, là mọi sinh vật – đúng và sai. Vì có rất nhiều loại chúng sanh. “Vô số vô lượng vô biên” chúng sanh kia mà! Để ý hai chữ “vô biên” mà coi. Nó lạ chứ. Bởi không chỉ là số và lượng để có thể cân đong đo đếm, dù không thể cân đong đo đếm xuể!
Cho nên “tùy chúng duyên nhi sanh” thì nghe được.Tùy “chúng” duyên với nhau mà “sanh” ra nên gọi là “chúng sanh” thế thôi. Nếu không duyên, hết duyên, thì hết “chúng sanh” tức khắc. “Diệt độ” vô số vô lượng vô biên chúng sanh mà chẳng có chúng sanh nào được diệt độ cả là vậy. Không sanh lấy gì diệt? Nhưng, cách nào? Phải sống trong Vô ngã, Vô tướng. Khi không còn ngã tướng, ngã kiến: ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả… gì nữa! Ở một nơi không có ta, không có người, chúng sanh, thọ giả… thì không còn một chúng sanh nào “sinh sự” được nữa.
Ở đâu, nơi đó? Thiền. Định (samatha) và Quán (vipassana).

“Thức tự tâm Chúng sanh
Kiến tự tâm Phật tánh”.

Chúng sanh không có ở ngoài. Nó ở trong. Trong tự tâm. Nó bày ra, dựng lên, vẽ vời trong tự tâm ta mà ta chẳng ngờ! Thức là cái biết do biện biệt, phân tách, đối chiếu, so sánh. Thức tràn ngập, hỗn mang. Thế giới phẳng, toàn cầu hóa, thức càng điên đảo. Thức nhiều khi từ tưởng mà ra, nhưng cần. Chẳng hạn cần thức để thấy chúng sanh ngọ ngoạy tràn ngập trong tự tâm ra sao. Nó ngọ ngoạy vì nó muốn quậy phá, muốn luôn hồi, muốn bay nhảy từ tầng này sang tầng khác, sáu nẻo thênh thang, chút vầy chút khác… “Thức” nó, nghĩa là thấy rõ, hiểu rõ về nó, phân tách nó ra một cách thấu đáo, hóa ra nó do ta tự tạo ra, không ai khác, là một thứ puzzle, lắp ghép, tương tác, tùy duyên. Từ tâm ta mà chúng sanh ra. Khi rõ vậy rồi thì thôi. Dẹp đi. Khi dẹp nó đi thì không còn cần “thức” nữa. Mây tan rồi thì trời trong trăng sáng. Và lúc đó là “Kiến”. Thấy. Thấy rõ. Chiếu Kiến. Và Kiến gì? Kiến “Phật tánh”. Phật tánh cũng lại ở ngay trong tự tâm ta. Không ở ngoài đến. Ai cũng sẵn có. Cho nên ai cũng sẽ là Phật, một khi “Thức tự tâm chúng sanh thì sẽ kiến tự tâm Phật tánh”. Vậy thôi.

Trí và thức

Thức để dẫn đến tranh chấp, được thua, hơn kém, thị phi. Thức từ lục căn với lục trần mà sinh sự. “Nhãn nhỉ tỷ thiệt thân ý” ve vãn với “Sắc thanh hương vị xúc pháp” mà sinh đủ thứ thức. Nhãn thức đã đủ mệt. Mỗi người một nhãn thức khác nhau, nên mới sinh sự, đấu đá. Còn Ý thức thì vô tận và mới thật ghê gớm vì ý dẫn các pháp. Cho nên nếu không có cách kềm chế, chúng tung hoàng gieo rắc…đủ thứ điên đảo! Một khi lục căn mà thanh tịnh, thức sẽ trở thành Diệu quan sát trí. Diệu quan sát trí cung cấp những chất liệu chọn lọc an hòa cho Bình đẵng tánh trí (Mạt – na – thức đã được chuyển hóa) và cuối cùng là Đại viên cảnh trí hay Nhất thiết chủng trí, từ A – lại – da thức chuyển sang. Con đường khó, những được, nếu rèn luyện.

Nhẫn nhục

Nhục mà cũng nhẫn được thì khó, khó quá. Khó quá làm được thì các nhẫn khác cũng sẽ được. Trong lục độ thì bốn thứ Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn thuộc Giới. Hai thứ còn lại là Định và Tuệ. Vì thế, Giới quan trọng biết bao. Nhưng giới định tuệ là một tam giác cân, hai chiều, tác động qua lại. Định dẫn đến Tuệ, rồi Tuệ lại dẫn đến Định, Giới. Lòng tham mới là gốc. Tham dẫn đến sân, si. Tham dẫn đến chấp, thủ. Tham tạo ra ngạ quỷ, địa ngục… Nhẫn nhục là một đức, một hạnh, cớ sao cho vào lục độ, ngang với thiền định, trí tuệ? Bởi vì không có nhẫn nhục thì các thứ khác khó mà hình thành. Người ta không thể tu hành gì nếu thiếu nhẫn nhục vậy.

Phật

Có vô số Phật. Hằng hà sa số chư Phật. Không nơi nào không có Phật. Không thời nào không có Phật. Chỉ cần “ly nhất thiết tướng tức danh chư Phật”. Phật là người giác ngộ. Chúng sanh là Phật “chưa giác ngộ”. Nhưng không giác rồi cũng phải giác. Sẽ phải giác. Cũng phải ngộ, sẽ phải ngộ. Vì Phật và chúng sanh đồng nhất thể. Sớm hay muộn mà thôi. Cùng một hạt giống cả! Nhưng Đức Phật (Thích Ca) giác ngộ sớm nên giải thoát sớm, tìm ra đường đi (Đạo) để giúp người với lòng từ bi vô lượng.
Giác ngộ thành Phật chỉ cần “ly tướng” thôi ư? Phải. Ly tất cả (nhất thiết) các tướng. Bởi muốn thấy biết (tri kiến) được Tánh, Chân như, Bản lai diện mục, Thực tướng vô tướng… gì gì đó thì phải ly tướng. Bởi “tướng” chỉ là cái “trình hiện” bên ngoài, cái “thị hiện”, cái giả danh…chơi vậy thôi. Cái “thật” nằm ở đằng sau, bên kia cái tướng, bên ngoài cái tướng. Thự ra, vẫn có tướng đó, nhưng mà là cái tướng Không. Duyên sinh. Chân không mà diệu hữu vậy thôi. Ly tướng không phải trốn chạy mà là thấy tướng không phải tướng, “kiến tướng phi tướng”. Nói khác đi, lúc đó sẽ thấy biết Như Lai. Tướng và tánh quấn quýt nhau. Tướng đó thì tánh đó, tánh đó thì tướng đó. Ly tướng mà vẫn ở trong tướng. Ở trong tướng mà vẫn ly tướng. Sống Như Lai, ăn Như Lai, ngủ Như Lai, ở nhà Như Lai, mặc áo Như Lai… Cho nên Phật cười. Cười tủm tỉm. Nụ cười vui mà từ bi, mà an lạc.

Như Lai

Phật là Như Lai nhưng Như Lai không phải Phật. Như Lai là Như Lai. Không từ đâu đến, chẳng đi về đâu. “Vô sở tùng lai diệc vô sở khứ”. Có khi Phật và Như Lai nhập làm một, có khi tách làm hai, ngồi vào hai ghế chơi. Nhưng, hai mà một, một mà hai. Tùy lúc. Đừng mong dùng âm thanh ánh sáng…mà thấy Như Lai. Như Lai thấy qua cách khác. Thấy bằng tướng thì không sao tìm được Như Lai vậy. Phải “kiến tướng phi tướng” mới được (kiến tướng phi tướng tức kiến Như Lai). Nên không thể dùng tri thức mà thấy. Phải ở trong định, trong vô ngã. Có một thứ định, đi đứng nằm ngồi đều cùng Như Lai, với Như Lai. Phật hằng hà sa số trong khi Như Lai chỉ có một. Có một mà muôn vàn. Thị hiện vô vàn trong sắc, dìu dặt trong tiếng, ngan ngát trong hương… Khi chàng thi sĩ hỏi người đẹp xưa của tôi đâu rồi, chỉ còn cánh hoa đào năm ngoái đây thôi thì gió đông đã cười vào mũi chàng: Hoa đào năm ngoái ư? Hoa đào năm ngoái nào? Chỉ có hoa đào đời đời kiếp kiếp đó thôi! Người đẹp cũng vậy. Vẫn người đẹp đời đời kiếp kiếp đó thôi. (Nhân diện bất tri hà xứ khứ/ Đào hoa y cựu tiếu đông phong. Thôi Hộ). Phải ra khỏi cái ngã rồi mới thấy. Thấy cái “Như Lai thọ lượng” vậy.

Prajna và Prana

Prajna và Prana là một. Như E = mc. Là một. Prajna là Trí tuệ Bát nhã, còn Prana là Nguồn sống. Có Prana mới có Prajna và có Prajna thì có Prana. Pra là trước, Ana là hơi thở vào, là thở. Trước cái thở là cái gì? Là cái chưa cần… thở! Là cái bào thai. Cái “Như lai tạng”.
Prana là nguồn sống, từ cõi lặng, quãng lặng, trước hơi thở vào. Và nếu nối liền quãng lặng đó với nhau, liên tục, miên mật, ta có quãng dừng. Ở đó, cái gọi là chết. Hóa ra Chết là Nguồn sống, cái gốc của sự sống ư? Và chỉ khi ta hiểu rõ Prana, vui đùa tung hứng với Prana, ta có Prajna, Bát nhã. Bát nhã là phiên âm của Prajna từ Phạn ngữ. Một thứ trí tuệ đặc biệt. Đặc biệt vì nó chẳng phải là trí tuệ. Nó tự có, không qua tìm kiếm, biện biệt, so sánh, tính toán, học hỏi. Nó là cái biết của trẻ thơ, hồn nhiên, trong sáng và từ đó, thanh tịnh. Pra là trước, Jna là sự hiểu biết. Trước cả sự hiểu biết. Ấy là tuệ giác. Trực nhận. Hiện tiền: cái hiện ra trước sự biết. Ấy là Trí, là Tuệ, là Bát nhã. Prana dẫn tới Prajna. Khi Prajnã mà Paramita thì gặp Prana.

Paramita

Nói vật chất là năng lượng và năng lượng là vật chất chưa đủ, cũng như nói “E = m” thì còn thiếu ‘c’. Phải qua bờ bên kia (Paramita) thì vật chất mới thành năng lượng và ngược lại. Cũng là một thôi. Là một nhưng trong điều kiện này thì là năng lượng, điều kiện kia thì là vật chất. Duyên sinh cả thôi. Thực tướng vô tướng ở đó. Vô lượng nghĩa ở đó. Và “như như bất động” ở đó. Paramita, cái cầu để qua bờ bên kia. Có khi ở hẳn, có khi lại về. Cho nên Gate, Gate, Yết để yết đế… mới là câu thần chú, minh chú: Qua đi, qua đi… cũng là Về đi, về đi… đó vậy!

Sắc thọ tưởng hành thức

Sắc trong ngũ uẩn là sắc của tâm. Sắc có trước. Không sắc chẳng tâm. Không tâm chẳng sắc. Sắc dẫn tới thọ. Thọ dẫn tới tưởng, rồi hành, rồi thức… Vô minh, hành, thức… Cứ thế chằng chịt. Cứ thế quấn quýt. Sắc là vô minh. Thọ là vô minh. Tưởng là vô minh. Thọ tưởng mới sinh sự. Ái, Thủ, Hữu… này khác. Sinh sự thì sự sinh. “Diệt thọ tưởng định” là một kỹ thuật. Thọ không khởi, Tưởng sẽ không khởi. “Sắc thọ tưởng hành thức” được xếp theo một quy trình, một tiến trình. Tứ đại mới là Sắc – thân, còn Ngũ uẩn chính là Sắc – tâm. Nói khác đi, ngũ uẩn là tâm. Cho nên “ngũ uẩn giai không” là tâm Không. Còn Tứ đại kệ nó. Cứ cho nó lắc lư bay nhảy theo kiểu chơi của nó, sanh bệnh lão tử của nó. Tha hồ.

Thường Lạc Ngã Tịnh

Từ Vô thường, Khổ, Vô ngã, Bất tịnh … lăn lóc, lang thang, trôi nổi – luân hồi – bỗng gặp Thường, Lạc, Ngã, Tịnh! Vô thường trở thành Thường, Khổ trở thành Lạc, Vô ngã trở thành Ngã và Bất tịnh trở thành Tịnh. Không khó. Nó chỉ là mặt bên kia, bờ kia, phía kia. Lý thú: nó bất nhị bởi nó vô tướng, vô ngã! Hoa nở rồi tàn, trăng tròn rồi khuyết, sanh bệnh lão tử. Vô thường quá đi chứ, nhưng cứ đời đời kiếp kiếp đều đặn, lặp đi lặp lại như vậy hoài chẳng hóa ra là thường ư? Lạc làm sao có nếu không thấy biết khổ chính là “nguồn lực”? Cho nên luân hồi sinh tử chíng là Niết -bàn đó vậy. Sóng ngàn đời về đâu? Nước ngàn đời về đâu? Thân tứ đại ngũ uẩn tưởng là bất tịnh mà tịnh quá đi chứ, đàng sau kia là bao nhiêu nguyên tố chẳng đổi dời? Khi Phật không cần “phương tiện” nữa – thì nói trắng ra “Thường, lạc, ngã, tịnh “đó thôi. Đều “Như Lai tạng” cả mà!.¡

“Con đường độc nhất”


“Đây là con đường độc nhất dẫn tới thanh tịnh cho chúng sanh, diệt trừ khổ ưu, thành tựu chánh trí, chứng đắc Niết-bàn”…Thật không, một con đường như vậy? Phật nói như đinh đóng cột, chắc là phải có rồi Nói từ hồi bắt đầu dạy những bài học đầu tiên cho đến lúc sắp nhập Niết-bàn. Nói đi nói lại hoài. Sợ người ta quên. Sợ người ta coi nhẹ, mãi mê chạy theo những hí luận nọ kia…Bởi con đường “độc nhất” đó lại quá ư đơn giản, đơn giản đến khó tin!
Con đường nào vậy? Độc nhất. Thanh tịnh. Chánh trí, Niết-bàn. Diệt trừ khổ ưu? Nếu có, quả là phương thuốc thần cho cuộc sống đầy bát nháo, điên đảo mộng tưởng…trên một thế giới phẳng,toàn cầu hóa hôm nay?
Đó chính là Anapanasati-có khi gọi là “An ban thủ ý” hay “Nhập tức xuất tức niệm”-được dạy trong Tứ niệm xứ. Hình như ngay Tứ niệm xứ với “thân thọ tâm pháp”…vẫn còn có vẻ phức tạp quá, nên Phật giản hóa đi bằng cách chỉ dẫn một “kỹ thuật” giản đơn nhất mà cũng tuyệt vời nhất, như cánh cửa mở vào kho tàng…của Như Lai.
Ana là thở vào, Apana là thở ra và Sati là niệm, là nhớ, là nghĩ. Chỉ có vậy thôi sao? Chi vậy.
Thở vào thở ra thì ai mà chẳng thở? Vậy thì có cái gì hay? Cái hay, cái “bí quyết” nằm ở chữ Niệm. Niệm, ấy là nhớ, nghĩ. NHớ cái thở, và nghĩ về cái thở. Xưa nay ta vẫn thở, còn sống thì còn thỏ nhưng mấy khi ta nhớ ta nghĩ về nó. Đôi khi khò khè có cử ta cũng có nhớ, có nghĩ chút chút, nhưng nhớ và nghĩ theo…bệnh lý! Còn Phật muốn ta nhớ nghĩ (niệm) về cái thở theo một cách khác. Hãy nhớ nghĩ thiệt sâu xem sao. Nói khác đi, không phải chỉ “niệm” mà “chánh niệm” xem sao. Hãy thử rình mò, dõi theo nó xem sao. Có gì lạ không? Có đó. Nhưng, đừng nói. Bất khả thuyết. Thử đi, Nếm đi. Hãy đến và nếm thử đi. Thì ra, một khi ta thực sự “nhớ”đến nó (chánh niệm), ta quên mọi thứ trên đời! Cứ y như một cái công tắc. Bật qua bật lại. Hoặc nhớ chuyện nọ kia thì quên cái thở, nhớ cái thở thì quên chuyện nọ kia. Sinh lý nó vậy. Vỏ não nó vậy. Khi một vùng nàycủa cỏ não được kích hoạt thì vùng kia bị ức chế. Thời đại của options. Tùy chọn. Giận thì bầm gan tím ruột. Tức thì đò mặt tía tai. Mất bao nhiêu là năng lượng. Bải hoải tay chân, bao tử, tim mạch, huyết áp…
Nhưng nếu chỉ dừng ở đó thì chưa đủ. Niệm không chỉ là nhớ mà còn nghĩ nữa. Có gì hay để nghĩ về cái hơi thở đó? Có đó. Giật mình thấy đời người chẳng qua là một hơi thở. Lúc sinh hít vào một hơi. Lúc tử hắt ra một cái. Khỏang giữa là những lăn tăn. Lăn tăn mà cũng đặt tham lam, sân hận, khổ đau…Giật mình thấy hơi thở không phải của mình, không phải là mình…Ngàn xưa ngàn sau nó đến nó đi ung dung…tự tại ngoài ta, chẳng cần biết có ta trên cõi đời. Chẳng phân biệt, chẳng thêm bớt. Cái hơi thở vào thở ra của Phật, của Bồ-tát, của A-la-hán…kia hình như cứ còn bay bay lởn vởn đâu đây cùng ta phì phò mọi lức mọi nơi…
Nhưng hình như không dừng ở đó. Cho đến một lúc, chánh niệm trở thành vô niệm.
Ở đó, một thứ tâm bất sinh.

“Tam- ma- địa”

Nghe cứ rờn rợn như “đất của ba con ma” nào đó vậy. Hóa ra không phải. Tam-ma-địa là một từ, phiên âm từ tiếng Phạn: Samadhi. Là chánh định trong Bát chánh đạo. Nhưng hiểu “đất của ba con ma” cũng hay chứ! Ma tham, ma sân,và ma si. Trẻ con thường hát: “Một ông Phật hiện ra – Ba con ma biến mất!” . Nơi nào có ông Phật hiện ra thì nơi đó ba con ma phải biến mất. Hay nói cách khác, nơi nào có ba con ma hiện ra thì lập tức có ông Phật xuất hiện. Nếu chẳng có ba con ma Tham, Sân, Si thì Phật hiện ra làm gì cho mất công! Cho nên muốn biết Phật ở đâu thì hãy tìm trong …tham sân si. Tham sân si càng lớn, Phật càng to.
Có thể nhập chánh định ngay ở hơi thở đầu tiên được không? Không biết. Nhưng các thiền sư khẳng định là có thể. Phật thường ở trong định. Đi đứng nằm ngồi trong định. Khi cần lắm thì “xuất định” để thuyết giảng chút gì đó, rồi nhập định trở lại ngay. Như như bất động. An nhiên. Tự tại. Nhiều lúc trước khi “thuyết” phải hỏi lại đôi ba lần người ta có tin không. Thuyết xong thấy người ta vẫn ú ớ chưa tin chưa hiểu bèn bảo “chỉ có Phật với Phật mới hiểu nhau thôi”. Bởi họ nói ra cái điều thấy biết từ trong định, không phải cái thấy biết của ta. Cho nên có những buổi Phật thuyết mà người ta bỏ đi…gần hết. Phật mặc kệ.
Định dẫn đến Tuệ. Người bình thường như ta đôi khi cũng bừng ngộ, lóe sáng, thức tỉnh một chút, nhưng không lâu, lại đắm chìm, lại tắt ngấm.

Bởi thiếu “Tam ma địa”.

“Bố thí thân mạng”

“Buổi sáng đem thân mạng bằng số cát sông Hằng ra bố thí, buổi trưa lại đem thân mạng bằng số cát sông Hằng ra bố thí, buổi chiều cũng đem thân mạng bằng số cát sông Hằng ra bố thí…”

Bố thí hơi nhiều đó nhé! Và, thân mạng đâu mà lắm thế? Trong khi ta chỉ có mỗi một tấm thân ngũ uẩn nhẹ hều!
Nhưng chuyện bố thí hằng hà sa số thân mạng sáng trưa chiều tối là có thật. Cứ nhìn vào cơ thể mình thì biết. Mỗi tế bào thực chất là một “sinh vật”, một “chúng sinh”hẳn hòi, hoạt động có tổ chức, có đầy đủ các chức năng, sắc thọ tưởng hành thức…đàng hoàng chớ chẳng chơi. Và điều kỳ diệu, cứ mỗi giây đồng hồ lại có vô số tế bào được…”bố thí” hay nói khác đi được hủy bỏ để thay thế bằng những tế bào khác, mới hơn, khỏe hơn. Chẳng hạn chỉ riêng hồng cầu, mỗi giây đã có hằng trăm triệu tế bào hồng cầu được hủy diệt và thay thế. Các chất liệu được đưa về “kho chứa” là lá lách để sẵn sàng sử dụng lại, chế tạo các hồng cầu mới. Hệ thống mao mạch-các mạch máu nhỏ li ti dẫn máu đến từng tế bào trong cơ thể , cung cấp oxy và các dưỡng chất để sản xuất năng lượng-nếu nối lại đã có độ dài bằng một vòng quanh trái đất. Mỗi ngày, trái tim nhỏ bé của ta co bóp với một lực mạnh đủ để kéo một đầu máy xe lửa…Cơ thể ta quả là một thế giới kỳ diệu, một vũ trụ chưa được khám phá hết. Đừng tìm kiếm đâu xa. Hãy “nương tựa chính mình”là vậy. Nhất thiếp pháp giai thị Phật pháp. Vô thường ở đó, vô ngã ở đó, Niết-bàn địa ngục ở đó…
Bố thí thân mạng nhiều như cát sông Hằng , ngày ba buổi sáng trưa chiều chính là các thời…thiền định của một người tu tập. Trong sâu thẳm của chánh định, sẽ thấy biết…không còn có cái thân nào nữa-hay nói khác đi “bố thí”sạch trơn rồi, “buông xả”sạch trơn rồi. Ngã nhân chúng sanh thọ giả dứt sạch rồi. Chẳng phải trong trạng thái vô ngã đó, đã hoàn toàn “bố thí thân mạng”đó sao?
Như vậy phải chăng “buổi sáng đem thân mạng bằng số cát sông Hằng ra bố thí…”không bằng biên chép đọc tụng câu kinh tiếng kệ nhằm nhắc ta rằng đừng có mà ngồi ì ra đó, đừng có mà lo ngày ba thời thiền định dưới gốc cây, quên ăn quên ngủ, bỏ mặc sự đời. Hãy giep trồng dù chỉ là một hạt giống nhỏ, để đem lại hạnh phúc cho chúng sinh…
Cho nên bố thí thân mạng chẳng phải là bố thí thân mạng nên mới gọi là bố thí thân mạng đó vậy.

“Giải thoát” và “Giải thoát”

Thì ra có hai thứ Giải thoát. Giải thoát và giải thoát tri kiến. Hay nói cách khác, một thứ là giải thoát thân và một thứ là giải thoát tâm.
Vô sanh. Đặt gánh nặng xuống. Phạm hạnh đã tròn. Không trở lại con đường củ nữa. Vậy là giải thoát. Giải thoát cái gì? Giải thoát sanh tử. “Vô sanh” thì “vô tử”mà. Có sanh đâu mà tử? Có tử đâu mà sanh? Nhưng “sanh tử”này là sanh tử của các pháp. Sanh, trụ, dị,diệt. Nó vậy đó, nócứ vậy đó, không ngừng. Sanh tử là một. Vô sanh là cắt đứt đường sanh tử. Các bậc vô sanh đều tới cõi này, nhưng sao…?
Phật nói còn thiếu Từ bi. Bởi Phật rồi cũng chết, cũng “Niết-bàn”mà, dù chỉ là một cách “thị hiện”chơi thôi, nhằm để răn dạy người đời thôi.
Cho nên giải thoát sanh tử không phải là không còn chết nữa, mà là chết một cách khác, chết an nhiên, chết tự tại, vì đã sống an nhiên, tự tại.
Nhưng giải thoát sinh tử chỉ mới là giải thoát thân, còn cái tâm mù mịt kia vẫn quấn quít, vẫn dằn vặt khôn nguôi. “Lậu hoặc”vẫn đầy ra đó, phiền não vẫn đầy ra đó. Nên “giải thoát thân” mới chỉ là bước một. Độc cư và thiền định đã có thể đưa đến thứ giải thoát này. Bố thí thân mạng ngàn vạn lần sáng trưa chiều tối có thể đưa đến giải thoát này. Nhưng nó chỉ là một trạm dừng chân, nghĩ qua đêm ở hóa thành.
Do vậy, thiền định (Samadhi) cần mà chưa đủ, phải thiền quán (Vipassana) để có “tri kiến” thật. Nhưng hai thứ đó quấn quít chằng chịt với nhau, bổ sung cho nhau. “Định”đến mịt mờ cũng chẳng đến đâu, “Quán” đến hí luận cũng chẳng đến đâu. Có người bảo chỉ cần định là đủ, có người bảo chỉ cần quán là đủ. Các triết gia xưa nay vẫn luôn “quán “mọi sự không ngừng đó chứ, nhưng cũng chẳng đến đâu. Còn ôm gốc cây mà mài gạch cho thành gương thì cũng khó! Giải thoát tri kiến thực sự có được phải là cái “tri kiến”Phật. Thứ tri kiến ở đó thức đã chuyển thành trí. Thấy biết Như Lai . “Ngộ”vẫn chưa đủ. Còn phải “nhập”nữa. Khi Lục Tổ Huệ Năng “ngộ”rồi thì cũng phải “nhập” mười lăm năm hành tẩu giang hồ mới dám một phen xuống núi: “Gió không động, phướng không động…”
Một đạo hào quang trí tuệ ở giữa chặng lông mày quét một cái cho thấy toàn cục.Nó vậy thì nó vậy. Tánh tướng nó vậy thì sanh vậy trụ vậy dị vậy diệt vậy…Nó Như Thị. Sáu đạo luân hồi đông vui, dìu dặt. Các vị Phật hằng hà sa số giảng pháp…mọi lúc mọi nơi. Như Lai lặng tiếng. Như như bất động. Nhưng vô vàn để vỗ về nhắc nhở.
ấy là lúc tri kiến Phật tỏ bày?

Bồ-tát Di-lặc

Các vị Bồ-tát dường như chẳng ai có một cái tên riêng. Ngoài các vị quá thân quen như Văn Thù, Phổ Hiền, Quán Thế Âm, Dược Vương…(thực ra là những đức, hạnh), ta còn có vô số các vị mang những cái “tên”rất ngộ nghĩnh: Thường Bất Khinh, Thường Tinh Tấn, Bất Hưu Túc, Vô Tận Ý…nếu dịch ra sẽ là: Luôn Tôn Trọng, Luôn Siêng Năng, Không Ngừng Thở, Người Nhiều Chuyện…! Cho nên ta không lấy làm lạ khi có tới hai vạn vị Phật mang cùng một tên gọi duy nhất Nhật Nguyệt Đăng Minh…làm nhớ “trên hai vai ta đôi vầng nhạt nguyệt-rọi suốt trăm năm một cõi đi về…”(Trịnh Công Sơn).
Dễ thương nhất có lẽ là Bồ-tát Di-lặc. Bồ-tát có cái bụng bự, lúc nào cũng cười toe toét, làm biếng và …hám danh kinh khủng (nên còn có tên là Cầu Danh). Hôm đó giữa hội trường, ông ngơ ngác đứng giã đầu hỏi hôm nay có gì lạ mà Phật Thích Ca phô trương thanh thế, “đánh trống múa lân” ầm ĩ quá vậy? Bồ-tát Văn Thù mới tủm tỉm cười “dẫn chuyện xa gần”: Sẽ có chuyện lạ đó! Chờ xem. Nhớ xưa mỗi lần như vậy thì sẽ có thuyết giảng Diệu pháp Liên hoa đó. Chờ xem. Đừng nóng. Hòi đó tôi cùng tu học với ông, chẳng qua ông biếng nhác, học hoài không thông…
Bụng bự, biếng nhác, hám danh…phải chăng muốn “ám chỉ” chúng ta ngày nay? Ta ngày nay chẳng phải bụng bia, gan nhiễm mở, béo phì, bằng cấp giả…đầy đó sao?
Thật ra thì Phật có phô trương thanh thế, có thuyết giảng vì mới lạ đâu. Vô số các vị Phật xưa nay đời đời kiếp kiếp đều nói y một pháp như vậy,có giấu giếm gì đâu, chẳng qua vì không ai muốn nghe, không ai biết nghe thôi. Phật Thích Ca, suốt bốn mươi lăm năm trời phải nói đi nói lại hoài bằng nhiều cách cho nhiều đối tượng khác nhau, để rối cuối cùng cũng đã khẳng định…”ai bảo Phật có thuyết pháp này nọ là phỉ báng Phật”! Chẳng qua vì “đối tượng”khác nhau nên “mục tiêu”và “phương pháp”cũng khác nhau vậy thôi. “Student centered approach”mà! Lần này trong hội Pháp hoa, có vẻ Phật Thích Ca hơi bực mình sao đó nên không chỉ nói mà còn bày biện ra, trình diễn, xếp đặt như một cuộc triễn lãm, như một phim 3D cho thấy tận mắt. Hãy coi kỹ đây nè. Nó vậy đó. Nó Như Lai. Chẳng có thời gian, chẳng có không gian. Vô lượng thọ. Vô lượng quang. Thực tướng vô tướng….Chuyện khó tin nhưng có thiệt. Một số vị đã rời bỏ hội trường. Kệ, cho đi.
Ông bụng bự, làm biếng, cầu danh…ở lại. Tuyệt vời! Ông hỏi: “Con muốn mau thành Phật. Có cách nào cho mau thành Phật không?”. Chưa bao giờ, ở đâu, có một kẻ nôn nóng thành Phật, nôn nóng “vô thượng chánh đẳng chánh giác” như thê. Nhưng Phật đã mìmcười. Có đó. Dễ lắm. Con nít chơi đất chơi cát…cũng thành Phật được, trẻ con người già, đàn ông đàn bà gì cũng thành Phật được. Bởi ai ai cũng sẵn có hạt giống đó cả rồi. Miễn là phải tưới bón!
Con người hôm nay trên thế giới phẳng, toàn cầu hóa này dù..bụng to, làm biếng, cầu danh, muốn mau thành “chánh quả”…vẫn có thể thành được không khó, miẽn là có đủ “tri kiến” Phật và hằng sống “ngộ nhập” với tri kiến đó.
Nhưng, còn thiếu chút gì chăng? Từ Bi, Bồ-tát Di-lặc, Maitreya, Từ Thị…vốn dòng dõi Từ Bi cái đã. Bởi Từ Bi thì mới Hỷ Xả. Nếu không, sao bụng lại to, so cười lại rộng?

“Không nghĩ thiện, không nghĩ ác”

“Không nghĩ thiện không nghĩ ác” không phải là không có thiện không có ác. Có thiện có ác quá đi chứ! Nếu không sao bảo “Chư ác mạc tác – Chúng thiện phụng hành” (Chớ làm điều ác – Hãy làm điều thiện)?
Tưởng tượng đêm hôm đó, một đêm không trăng sao, thầy trò Huệ Năng lén lút ôm bọc y bát rời chùa, len lỏi giữa các rặng lau sậy, ra tận bờ sông… Khi đại chúng biết ông đã được truyền y bát trốn về phương Nam thì có đến vài trăm người đuổi theo để đoạt lại, trong đó có Thượng tọa Huệ Minh, trước là một tướng quân, tánh tình thô bạo, dẫn đầu đi trước, đuổi kịp Huệ Năng. Huệ Năng đặt y bát lên tảng đá rồi núp vào đám sậy nói lớn: “Y bát là vật làm tin, há dùng sức mà đoạt được sao?”. Huệ Minh đến, muốn lấy y bát mà chẳng nhúc nhích, bèn kêu: “Hành giả! Hành giả! Tôi đến vì Pháp, chẳng phải vì Y!”.
Huệ Năng nói: “Ông đã vì Pháp mà đến, thì nên dứt bặt trần duyên, chớ sanh một niệm. Tôi sẽ vì ông mà thuyết”. Rồi nói: “Không nghĩ thiện, không nghĩ ác, đang khi ấy cái gì là bổn lai diện mục của Thượng tọa Minh?” .
Huệ Minh ngay đó đại ngộ.
Thiệt ra Huệ Minh có định lấy y bát chi đâu. Muốn lấy thì đâu có khó gì với một ông tướng như vậy! Ngày nay còn dễ hơn nữa. Đầy dẫy ra đó. Mua đâu chẳng có. Sư phụ Hoàng Nhẫn cũng đã căn dặn: Sau này dẹp cái vụ truyền y bát hình thức đó đi cho đỡ rầy rà, tranh đoạt, giữa chốn thiền môn. Tâm truyền tâm thôi.
Thượng tọa Minh thực lòng khâm phục Huệ Năng từ lâu, đã muốn được học pháp nghe pháp từ Huệ Năng, giờ mới có dịp. Trong lúc rầm rập chân người, la ó vang trời, đèn đuốc sáng choang đó, giữa sự căng thẳng sống chết chỉ mành treo chuông đó, một câu nói “dứt bặt trần duyên, chớ sanh một niệm” của Huệ Năng đủ sức lay chuyển tận gốc rễ con người Huệ Minh. Đó chính là lúc bổn lai diện mục Huệ Minh có cơ hội để xuất hiện vằng vặc giữa trời quang! Huệ Minh chỉ cần nghe một câu là đủ. Cũng như xưa Huệ Năng nghe “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” là đủ. Học kinh, kệ của Phật, một câu một chữ quý biết bao. Thực ra câu nói “Không nghĩ thiện, không nghĩ ác” chẳng qua là một… minh họa, làm cho rõ nghĩa thêm mà thôi, và nhất là phù hợp với hoàn cảnh căng thẳng đầy sát khí lúc đó.
“Dứt bặt trần duyên, Chớ sanh một niệm”. Ấy chính là “vô niệm”. Con đường phát hiện và hành thâm của Lục tổ Huệ Năng. Từ đó mà thấy biết “gió không động – phướn không động”. Con đường trực chỉ chân tâm đó vậy.
Tóm lại, “Không nghĩ thiện, không nghĩ ác” chỉ có nghĩa là không hai, là bất sinh bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm…!
“Đại gia” Duy-ma-cật nhờ đã trang bị pháp môn Bất nhị này đến tận răng mà thõng tay vào bất cứ chốn nào dù là thanh lâu, quán nhậu, karaoke ôm hay động xì ke ma túy… Vào đến chốn nào thì chốn đó trở thành đạo tràng trang nghiêm thanh tịnh.
Còn ta lơ mơ “ngẫu hứng lý qua cầu” dễ lọt…xuống sông!

Độc cư


Rốt cuộc một mình. Một mình thôi. “Trời cao đất rộng, một mình tôi đi, một mình tôi đi… Đời như vô tận. một mình tôi về, một mình tôi về… với tôi!” (Trịnh Công Sơn). Phải. Một mình đi. Một mình về. Cao rộng thế nào, vô lượng vô biên đến đâu thì cũng một mình thôi. Lạ, cái con người. Luôn thèm có nhau. Quây quần. Đàn đúm. Rồi kêu ca nào ái biệt ly nào oán tắng hội! Ai biểu. Sao chẳng “độc cư” đi?
Cô đơn có vẻ là nỗi khổ lớn nhất của kiếp người. Đặc biệt ở tuổi già. Mà tuổi trẻ cũng vậy thôi. Cái lỗi ở chỗ không biết sống “độc cư”. Ngay cả khi có một mình, con người sống cô độc mà cũng chẳng “độc cư”. Người già quay quắt với dĩ vãng tiếc nhớ buồn thương… Người trẻ chẳng rời được cái laptop, ear phone, di động… Dù đang trên núi cao hay giữa vực sâu họ cũng bị quấn quít chằng chịt ngày đêm.
Cứ tưởng độc cư là một mình ăn, một mình thở, một mình đi, một mình về… nhưng không. “Độc cư” không phải độc cư nên mới gọi là độc cư!
Một hôm có kẻ đệ tử nổi tiếng sống “độc cư”, một mình đi khất thực, một mình về ngồi ăn… Phật kêu bảo, đáng khen, đáng khen, nhưng độc cư không phải vậy, không phải chỉ vậy. Đó không phải độc cư thật. Ở một mình, ăn một mình, đi một mình, ngủ một mình mà đầu óc quẩn quanh biết bao hình bóng, biết bao câu chuyện, nhớ tiếc dĩ vãng, mơ tưởng tương lai thì không thật độc cư! Dĩ vãng qua rồi. Quấn quít với nó mãi thì gánh nặng đeo mang bao giờ đặt xuống? Tương lai chưa tới, Que sera sera. Biết ra sao ngày sau. Chuyện ngày mai của ngày mai. That will be will be. Tướng như vậy, tánh như vậy… bổn mạt cứu cánh nó như vậy…
Vậy phải chăng an trú trong hiện tại, sống “hiện sinh” xả láng? Hiện sinh kiểu đó cũng chẳng phải hiện sinh chút nào!
Độc cư không chỉ rời xa dĩ vãng, không đắm đuối tương lai mà hiện tại cũng phải nhìn bằng con mắt khác. Mắt tuệ: vô thường, khổ, không, duyên sinh, vô ngã…
Độc cư và thiền định không hai. Độc cư thứ thiệt thì nghe ngóng được vận hành của Như Lai trong từng sát na, là sống với Như Lai, sống cùng Như Lai, sống như lai.
Và như vậy, người ta có thể “độc cư” ở bất cứ đâu, giữa chợ đời, trong gia đình, dưới gốc cây, nơi rừng thẳm…
Cho nên càng sớm “độc cư” thì càng không cảm thấy cô đơn…

“Đừng theo dấu quá khứ
Hay khát vọng tương lai

Còn hiện tại thì sao? Thì “Dùng tuệ giác soi chiếu”! vậy.

“Du ư Ta-bà”…

Bồ-tát “rong chơi” trong cõi Ta-bà ấy là nhờ có “Du hí thần thông!”. Cứ bay vèo vèo coi chỗ nào chúng sanh cần gì, kêu ca gì thì ra tay cứu độ. Các nhà khoa học hiện vẫn loay hoay tìm kiếm coi có thứ gì có vận tốc nhanh hơn vận tốc ánh sáng không, nếu có thì sẽ có những thay đổi lớn, không còn thời gian không gian, không còn hạt còn sóng… Thực ra thứ đó đã có từ lâu. Đó là tâm. Tốc độ tâm. “Tâm hành”. Vô lượng vô biên A- tăng-tỳ kiếp… Không nắm bắt được. Bất khả đắc. Cho nên làm thế nào để hàng phục, làm thế nào để an trụ tâm vẫn ngàn đời là một câu hỏi lớn.
Nhờ nương theo cái tâm rộng lớn “không ngằn mé” đó mà Bồ-tát “du ư” cõi Ta-bà. Bất cứ chỗ nào và bất cứ ở đâu cũng có thể xuất hiện một ông Bụt dễ thương: Sao con khóc? Con cần gì ta giúp cho?
Vấn đề ở đây là tại sao “du hí thần thông?”. Đã “du” sao còn “hí?”. Rong chơi chưa đủ vui sao mà còn cười cợt, đùa giỡn, hí lộng…? Nhưng hãy cảm thông cho Bồ-tát. Ấy chẳng qua thấy nhiều chuyện “nực cười” quá không nín được. Có vị cười ha hả, cười hết ga, có vị cười tủm tỉm, có vị cười âm thầm. Không cười sao được khi lúng túng chẳng biết giúp bên nào giữa hai đội bóng: người đá phạt đền thì xin phò hộ cho đá vô, người giữ gôn thì xin phò hộ cho đá ra. Không cười sao được khi thấy oán oán chồng chất, giết hại lẫn nhau không thương tiếc rồi lập đàn xin xá tội, giải oan; không cười sao được khi thấy người ta nhét tiền vào tay mình để mong mau làm giàu, mau thăng quan tiến chức…! Cười mà thương chứ chẳng phải ghét bỏ, coi thường chi đâu. Cho nên mới có Thường Bất Khinh, mới có Quan Thế Âm…?
Bồ-tát vì “bất tận hữu vi, bất trụ vô vi” nên cứ phải bay qua nhảy lại giữa bờ mê bến giác, nhưng nhờ con mắt tuệ đã có thể thong dong mà nhìn rõ tánh tướng nhân quả các thứ… Từ đó mà có Từ có Bi.
Nhưng để có thể “du hí thần thông” như vậy Bồ- tát phải tu tập tinh cần để đạt được những “đà-la-ni”, tức những năng lực đặc biệt: chẳng hạn sao cho nhất thiết chúng sanh hỷ kiến (ai thấy cũng vui) – nhờ trung thực, chân thành – sao cho hiện nhất thiết sắc thân (để hòa nhập với tất cả mọi người, mọi lúc, mọi nơi) – nhờ khả năng thấu cảm – và sao cho giải nhất thiết chúng sanh ngữ ngôn để truyền thông hiệu quả bằng mọi thứ phương tiện, kể cả sự lặng thinh. Dĩ nhiên trên hết phải có sự tôn trọng. Nhờ có những đà-la-ni, những “tam muội” thần thông đó mà Bồ-tát mới rong chơi vô ngại trong cõi ta-bà…
Mới làm cho ta-bà thành cõi Tịnh Độ vậy.

Từ Ngộ đến Nhập

Bản hoài của chư Phật xưa nay là “Khai thị chúng sanh ngộ nhập tri kiến Phật”.
Khai là mở ra, khui ra, bày ra. Mở ra để làm gì? Để cho thấy (Thị). Thấy để làm gì? Để giật mình (Ngộ), để tỉnh ra, ờ há, vậy hả? Và cuối cùng là để Nhập. Nhập vào đâu? Vào tri kiến Phật, vào thấy biết của Phật. “Thấy biết” của Phật thì… có gì hay? Có đó. Không cần kính viễn vọng để thấy trăm ngàn tỷ thiên hà trên bầu trời, không cần kính hiển vi để thấy trăm ngàn tỷ tế bào trong cơ thể, ngay từ cái khảy móng tay đã thấy ngay nếu tán nhuyễn mỗi hạt cát sông Hằng thành một con sông Hằng, rồi nghiền vụn từng hạt cát sông Hằng mới này thành vô số vi trần thì mỗi vi trần sẽ là một vũ trụ…; chỉ cần trợn con mắt giữa chặn lông mày lên đủ chiếu rọi khắp tam thiên đại thiên nheo nhóc hân hoan sáu tầng bay nhảy, vô số chư Phật, Bồ-tát khản cổ giảng Tứ đế, Nhân duyên, Bát- nhã, Pháp Hoa… còn Như Lai im hơi lặng tiếng trong thực tướng vô tướng của mình! Ấy là nhờ tốc độ tâm, nhờ ngũ nhãn, nhờ prajna, bất nhị…
Cho nên Sen thì vừa nhập vào bùn vừa nhập vào Như Lai… Bồ-tát thì vừa nhập hữu vi vừa nhập vô vi, yết đế yết đế…
Khai đã là khó. Vì đó là “kho tàng bí mật” của Như Lai, là Như Lai “tạng”, là “bào thai” Như Lai, đâu dễ mà thấy biết. Phật cũng đã thử mở toang ra ở buổi Hoa Nghiêm mà chẳng mấy ai thấy, chẳng mấy ai tin. Vì thế mà phải dùng truyền thông “đa phương tiện”, tùy cơ ứng biến. Nhưng Khai rồi, Thị rồi mà Ngộ cũng không phải dễ! Nhập lại càng khó hơn. Huệ Năng lục tổ ngộ trong nháy mắt, với chỉ một câu kinh nghe được tình cờ nhưng cũng mất mười lăm năm lăn lộn giang hồ mới “Nhập” được! Trong hội Pháp Hoa, biết sắp “Niết- bàn” Phật bèn nói toạc: “Ai cũng sẽ thành Phật”. “Rất dễ”. “Rất mau”. Nhiều kẻ không tin, nhiều người trách cứ. Thế nhưng, Phật không dối. Ai cũng là Phật bởi ai cũng sẵn hạt giống đó rồi, vấn đề là tưới tẩm chăm bón. Rất dễ rất mau là tùy thổ ngơi, tùy công sức nhẫn nhục tinh cần. Tâm vô lượng, nên “thổ ngơi” vô lượng. Kẻ chậm người mau. Một khi “nhất tâm bất loạn” thì niệm niệm chẳng sinh, một hơi thở vào ra, một tiếng nam-mô đều đã đủ, đều tuyệt diệu. Còn chỗ đâu cho sanh tử luân hồi nọ kia? Cho nên từ đầu đến cuối đâu có sai biệt chút nào. Không Bát-nhã làm sao thấy hết chân không diệu hữu, làm sao thấy hết duyên sanh? Không Khổ tập diệt đạo làm sao có chánh định để thấy Vô ngã, biết Như Lai?… Cuộc hành trình khởi đi từ bố thí trì giới nhẫn nhục… là không thể thiếu. Cho nên có Văn Thù tri – kẻ dẫn truyện gần xa – thì có Phổ Hiền hành – người “vác ngà voi” không mệt mỏi!
Trong đầm gì đẹp bằng sen.
Bởi sen “nhập” vào cả hai phía: Bùn và Như Lai. Bùn và Như Lai vốn “bất nhị”.
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn! „

Đỗ Hồng Ngọc

Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo