Sinh ra làm đất

Những lời dạy trong kinh Phật về sự tương quan giữa con người và môi trường thiên nhiên đi trước xa sự hiểu biết của khoa học. Một cách tổng quát, ngành sinh thái học đặt căn bản trên sự chia cắt phân ly, trong khi giáo pháp của Đức Phật đặt trên sự gần gũi thân mật. Cách con người nhìn chính mình và nhìn vạn vật là nền tảng tạo ra sự khác biệt trong cách chúng ta sống cũng như liên hệ với mọi thứ mà chúng ta gọi là thế giới bên ngoài.
Về vấn đề sinh thái, dưới nhãn quan Thiền, chúng ta sẽ đặt ra câu hỏi để trả lời: “Trái đất kết thúc ở đâu, và chúng ta khởi đầu ở đâu?”. Chúng ta nghiên cứu về sự sinh tồn: sự sinh tồn trong núi rừng và của núi rừng, sự sinh tồn của những dòng sông, những đô thị; sự sinh tồn của mỗi người và của toàn thể loài người, của cộng đồng và của gia đình; và, sự sinh tồn của chính Trái đất. Đó là một bài học quan trọng, bài thuyết pháp từ loài vô tình. Để có những phát triển kỹ thuật và những sự việc tinh tế trên Trái đất, đã nhờ nhiều đến trí tuệ và tình thương.
Sinh ra làm đất không giống như được sinh ra. Đó không phải là sự sinh nở. Không phải là đi vào trong thế gian này. Nó không liên hệ gì đến việc chiếm lĩnh một khoảng thời gian hay không gian. Nó ở bên ngoài thời gian, ở bên ngoài không gian. Sinh ra làm đất là nhận ra thế giới, nhận ra thời đại. Nhận ra núi, sông, đại địa như là thân và tâm của Như Lai. Như Lai đã từng là tên của Đức Phật, và chữ đó nay thường được dùng để diễn tả sự thật hiện tiền, cái khoảnh khắc lập tức, tại-đây-bây-giờ, và được dùng để nhận ra thân và tâm của một con người.
Sương trên ngọn thông, cỏ cây hoa lá… là tướng chân thật. Đó là đời sống vô hạn của mùa xuân bất tận. Mùa xuân bất tận được dùng trong đạo Phật để nói lên sự giác ngộ. Và đâu là nơi có thể tìm thấy chính mình?
Một sự việc xảy ra ở Zen Mountain Monastery chỉ thẳng vào trọng tâm của câu hỏi này. Trong một cuộc hỏi-đáp không chính thức, một người học từ nơi khác đến tham dự đọc lên một đoạn thơ của Walt Whitman để trình bày kiến giải: “Những sự thật của đất luôn luôn chờ đợi. Chúng cũng không giấu kín. Chúng bình thản, tinh tế, không thể truyền bằng giấy mực”. Tôi hỏi: “Đó là những lời diễn tả về thực tại. Anh hãy chỉ cho tôi cái gì là thực tại?”. Người học trò không trả lời được.
Như tôi biết, Walt Whitman không phải là một Phật tử. Có thể ông chưa bao giờ đọc điều gì về đạo Phật. Nhưng tôi không nghi ngờ về cái thấy của ông. Thỉnh thoảng một thi sĩ có thể bước đi trên mặt nước, nhưng Walt Whitman thì lúc nào cũng bước đi trên mặt nước. Ngay cả những sự mâu thuẫn của ông cũng nhất quán.
Trái đất không từ chối, nó đủ rộng lượng 

Những sự thật của đất luôn luôn chờ đợi, chúng cũng không bị giấu kín,
Chúng bình thản, tinh tế, không thể truyền bằng giấy mực, 
Chúng thấm đẫm trong mọi vật, tự nguyện chuyên chở chúng… 
Đất không lý lẽ,Không kể lể, không sắp xếp,
Không kêu la, ghét bỏ, thuyết phục, đe dọa, hứa hẹn, Không phân biệt,
Không thất bại có thể nhận ra,
Không khép lại, không từ chốì, không ngăn chặn điều gì. Mọi sức mạnh, vật thể, trạng thái,nó lưu tâm, không ngăn chặn cái nào.
Thật là một cách sống tuyệt vời – và đó là tiềm năng của mọi chúng sanh, của mỗi chúng ta, không phải chỉ của đất.
Whitman mở đầu bài thơ “Bài Ca Trái Đất Lăn” (The Song of the Rolling Earth) như sau:
Một bài ca trái đất lăn và những lời ca
Anh nghĩ là những lời, những hàng, những nét, những chấm?
Không, đó không phải là lời, những lời thật trong đất, trong biển,
Trong không khí, trong anh.
Anh nghĩ đó là lời, những âm thanh tinh tế phát ra từ miệng của một người?
Không, những lời thật tinh tế hơn. Thân người là lời, vạn vạn lời
(Trong những bài thơ tuyệt tác, thân tái hiện, của nam hay nữ, sít sao, rực rỡ, Mỗi bộ phận khỏe khoắn, năng động, linh hoạt
Không hổ thẹn hay cần phải hổ thẹn)
Không khí, đất, nước, lửa – những thứ đó là lời, Tôi cũng là một lời với chúng –
Những tính cách của tôi cùng thấm nhấp với những tính cách của chúng.
Dường như ông hiểu rằng lời và ý diễn tả thực tại không giống như chính thực tại, và rằng mỗi người trong chúng ta cần phải tự mình nhận ra cái đó. Không ai có thể làm điều đó cho chúng ta. Ông nói:
Dù anh là ai! Chuyển động và suy nghĩ là cho chính anh,
Con thuyền thiêng liêng giong buồm ra biển thiêng liêng, cho anh.
Dù anh là ai! Anh là người mà cho anh trái đất đặc và lỏng,
Anh là người mà cho anh
mặt trời và mặt trăng hiện ra trong bầu trời,
Không vì gì khác hơn anh mà có hiện tại và quá khứ, Không vì gì khác hơn anh mà có sự bất tử;
Không ai có thể lấy cái đó giùm cho người khác, Không ai có thể làm cho người khác lớn lên – không ai.
Tôi không biết Whitman có biết gì về tọa thiền hay không. Tôi không thấy trong tiểu sử của ông hay trong những tác phẩm của ông nói đến kinh nghiệm kensho (kiến tánh – thấy tánh), nhưng tôi tin rằng ông đã thấy. Việc đó không thể giả mạo. Có những thi sĩ, nhờ vào một kinh nghiệm xảy ra nhứt thời, có thể viết lên những điều tuyệt diệu. Nhưng rồi chúng ta thấy ở chỗ khác trong tác phẩm của họ sự sáng tỏ đó không liên tục. Đó chỉ là một cái thấy nhất thời. Nhưng cái thấy của Walt Whitman thì liên tục. Chúng ta có thể mở ra bất cứ trang nào trong cuốn Leaves of Grass, đưa mắt đến bất cứ dòng nào, và cái thấy đó ở đó, lặp đi lặp lại.
Thật là không xứng hợp khi trói buộc, đóng khung cái thấy đẹp đẽ này trong lời, trong ý. Chúng ta có khuynh hướng nghĩ rằng khi chúng ta có thể đặt tên cho một cái gì đó, sắp nó vào trong hệ thống qui chiếu của chúng ta, và diễn tả nó, thì chúng ta hiểu nó. Đây là cách của nền giáo dục hàn lâm của chúng ta. Đó là cách chúng ta sử dụng ở đại học và thường đó là cách chúng ta ôm giữ suốt cuộc đời. Chúng ta nhai lại những thứ chúng ta nuốt vào. Sự nhái lại như vẹt đó được coi là thử nghiệm thực tế về sự hiểu biết. Làm sao để thoát ra khỏi tình trạng đó? Làm sao để thoát ra khỏi lời và ý diễn tả thực tại để tiếp cận trực tiếp với thực tại? Chúng ta mất trọn đời giũa mài, hoàn chỉnh ý thức ở dạng đường thẳng một chiều. Bị áp đảo bởi ngôn từ, ý tưởng, địa vị và sự hiểu biết, khả năng trực giác của con người hoàn toàn bị quên lãng. Nhưng khi tâm thức ổn định và chúng ta không còn tiếp tục trò chuyện với chính chúng ta, dạng ý thức này bắt đầu mở ra. Và thiên nhiên là nơi chốn tuyệt vời để điều đó xảy ra. Thiên nhiên không lý lẽ, không tiên liệu, không thật sự có thể hiểu được. Chúng ta có thể xếp loại và phân tích nó, nhưng đó không phải là điều mà thiên nhiên thật sự là.
Tu tập trong môi trường thiên nhiên là mở chúng ta ra, coi thế giới vô tình, thiên nhiên như vị thầy. Sinh ra làm đất là nói về sự tương quan mật thiết. Về nhất thể và sự tròn đầy. Chúng ta có khuynh hướng chia chẻ chúng ta. Chúng ta có khuynh hướng làm kẻ thù ghê gớm nhất của chúng ta. Chúng ta phải tương thích với chương trình được tiếp nhận, chương trình máy tính sinh học, sự điều kiện hóa của chúng ta. Cách chúng ta đáp ứng với những tình huống, cách chúng ta nhìn chính mình đều là những thứ được học hỏi, rèn luyện. Đó là lý do sự cần thiết của tọa thiền. Chúng ta cần đặt vấn đề với tình trạng bị điều kiện hóa đó. Từng lớp từng lớp chúng ta lột ra, quan sát, hiểu rõ, vứt bỏ, và tiến sâu hơn. Từng lớp từng lớp cho đến khi cuối cùng chúng ta đến được cái nền tảng của hiện hữu, và cái đó cũng cần được quan sát và vứt bỏ. Chúng ta một hướng tiến tới. Tu Thiền là một tiến trình không điểm cuối. Và nói về Thiền là nói đến sự thấy chân thật về cái toàn thể. Đầu tiên chúng ta thấy nó trong chúng ta, kế đến chúng ta thấy nó trong sự giao hòa với mọi sự vật.
Whitman lại viết:
Tôi xin thề trái đất chắc chắn trọn vẹn cho những người sẽ trở nên trọn vẹn, Trái đất vẫn còn sứt mẻ và đổ gãy
cho những người vẫn còn sứt mẻ và đổ gãy
Tôi xin thề, không có một sức mạnh lớn lao nhất nào mà không theo gương sức mạnh của đất,
không có một lý thuyết có giá trị nào
mà không chứng thực lý thuyết của đất,
Không có chính trị, bài ca, tôn giáo, cách cư xử nào đáng kể nếu không đối chiếu
với biên độ của đất,
Nếu không đối diện với sự chính xác, sức sống, tính vô tư,
sự chính trực của đất.
Tôi xin thề tôi bắt đầu nhìn thấy tình thương với sự ngọt ngào hơn
điều đáp ứng tình thương,
Đó là cái nó chứa đựng chính nó,
không bao giờ mời gọi cũng không bao giờ chối từ. Tôi xin thề
Tôi bắt đầu nhìn thấy một ít hay không thấy gì trong những ngôn từ,
Tất cả hòa trong sự phơi bày ý nghĩa không lời của đất, Với người ca những bài ca về thân và những sự thật của đất, Với người làm ra những tự điển về lời mà giấy mực không thể chạm đến.
Với món quà của đời sống, sự đau đớn và khổ não xuất hiện. Với nó cũng xuất hiện sự bình an và hòa điệu. Nó đến như thế nào là do nơi chúng ta. Rõ ràng chúng ta đã không đến gần được thực tại bằng việc diễn đạt qua sự điều kiện hóa của chúng ta. Qua trực giác, chúng ta cảm nhận rằng còn có cái gì đó nhiều hơn là những thứ chúng ta được cho biết. Nhiều hơn những gì mà các triết gia và tu sĩ và chính trị gia nói ra. Đúng vậy. Nhưng không có một linh hồn nào ở trên mặt đất này có thể ban cái đó cho chúng ta hoặc thực hiện cho chúng ta. Cũng thật sự rằng khi chúng ta quyết định thực hiện điều đó, và thật sự đặt mình vào đó, chúng ta sẽ thực hiện nó. Nếu sự cố gắng của chúng ta là chân thành, nếu chúng ta thành thật với chính mình, chúng ta sẽ thực hiện điều đó. Không ai thiếu thốn sự toàn hảo. Không ai không thể bước đi trên mặt đất mà mình đang đứng.
Nhưng việc đó không phải dễ. Cái ngã đã được thiết lập chương trình không cho bị lãng quên. Chúng ta ngồi xuống cố gắng quên đi cái ngã – và sự cố gắng chỉ tái tạo cái ngã, từ khoảnh khắc này sang khoảnh khắc khác. Đủ thứ ngăn chặn hiện đến. Mỗi khi chúng ta đến được bờ mé của sự “lìa rời thân tâm,” có cái gì đó kéo chúng ta trở lại. Đó là chính là cái chương trình đã đưa vào chúng ta. “Tôi ở đây, tôi ở đây, tôi ở đây – anh ở đó.” Trong một ý nghĩa, cái ngã mạnh mẽ đó, cảm nhận mạnh mẽ về ngã và sự phân ly đó, một phần của tiến trình tiến hóa, là là cách để chúng ta sống còn như một chủng loại. Chúng ta không nhanh nhẹn bằng những loài thú khác, cũng không lanh lợi bằng. Chúng ta không bay được. Chúng ta không mạnh bằng chúng. Tất cả những gì chúng ta có là sự thông minh, trí khôn. Và cái Ta To Lớn. Sự thông minh của chúng ta giờ đây phát triển đến chỗ đe dọa tiêu diệt chính chủng loại chúng ta. Chúng ta đã tạo ra một thế giới đặt chúng ta trên ngưỡng cửa giữa sống và chết. Nếu sức mạnh đó nằm trong tay những người lãnh đạo tin rằng họ chỉ là những chiếc túi da và mọi thứ khác là phần kia của vũ trụ, chúng ta sẽ bị đẩy vào tình trạng nguy hiểm. Nếu chúng ta nhận chân được trái đất, gắn bó với vạn vật, thì không còn sự cần thiết về một Cơ Quan Bảo Vệ Môi Trường, hay dùng luật pháp để bảo vệ. Nếu chúng ta nhận chân được trái đất thì không còn cần đến những giới luật Phật giáo. Không có cách nào để trở về lối sống ngày xưa ngoài việc nhận chân Trái đất.
Nhưng không phải mọi người sẽ nhận ra cái đó, ít nhất trong nhiều đời. Và những người trong chúng ta, những người có đủ may mắn tìm thấy con đường bước vào Giáo pháp, có bổn phận sử dụng trí tuệ của Giáo pháp và sự cảm nhận về tính gắn bó để nuôi dưỡng trái đất và cư dân của nó. Trong một ý nghĩa, đó là một việc ích kỷ, ở đó điều mà chúng ta làm cho Trái đất, chúng ta làm cho chính chúng ta. Điều nhỏ nhặt nhất chúng ta làm trên Trái đất này, chúng ta làm cho toàn thể Trái đất. Nhân và quả là một thực tại.
Không phải việc nhỏ khi sinh ra làm người. Cùng sinh ra là một trách nhiệm lớn lao. Trách nhiệm đó là từ sự thông minh, hiểu biết của chúng ta. Chúng ta có sức mạnh, mỗi chúng ta, không chỉ để thay đổi đời sống của chúng ta và đem chúng vào sự hòa điệu với vạn vật, nhưng cũng để nuôi dưỡng tha nhân, chữa lành hành tinh này. Sự hòa điệu, nuôi dưỡng, và chữa lành cũng ở trong khả năng của khoa học và kỹ thuật đã tạo ra sự tàn phá. Chúng ta có thể làm việc đó. Chỉ cần ý chí muốn làm. Chúng ta có thể nhận ra chính mình; chỉ cần ý chí muốn thực hiện điều đó. Trong cả hai trường hợp, chúng ta đã được trang bị đầy đủ. Chúng ta có mọi thứ cần thiết để nhận ra chúng ta và chuyển hóa đời sống của chúng ta, và để nhận ra Trái đất và chuyển hóa hành tinh này. Việc đó tùy thuộc vào chúng ta. Chúng ta không muốn phí phạm đời sống quí giá này.

Nguồn: Teachings Of The Earth – Born As The Earth
John Daido Loori (1931 – 2009) là tọa thủ của Zen Mountain Monastery ở Mount Tremper, New York (Hoa Kỳ) và là người sáng lập dòng Thiền Mountains and Rivers Order. Ông vốn xuất thân trong một gia đình Thiên Chúa giáo ở Jersey City, bang New Jersey, đã từng phục vụ trong hải quân Hoa Kỳ và làm việc trong kỹ nghệ thực phẩm trước khi tìm hiểu Phật pháp. Ông là một vị thiền sư giảng pháp thuộc cả dòng Tào Động và Lâm Tế. „■

JOHN DAIDO LOORI 
 THỊ GIỚI dịch
Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo số 139