Bản Nguyên - Không Có Mê Và Ngộ




Vô thường vốn lẽ diệu thường 
Tử sinh mới thấy tỏ tường vô sinh 
Hữu vô như bóng với hình 
Vô minh cùng với chữ minh một vần.

Viên Minh




  Không Có Mê Và Ngộ

... Cái Tâm Phật mà quý vị có từ lúc cha mẹ mới sinh vốn đã Bất sinh, nên không có đầu cuối. Không thực có chút gì gọi là vô minh dù chỉ một tơ tóc. Vậy, hãy hiểu rõ rằng, không có gì khởi lên từ bên trong. Điều chính yếu là đừng vướng vào ngoại cảnh (tức là những gì có đối đãi, trong tâm cũng như ngoài tâm, như giác quan và đối tượng, hay cả những cảm giác phát sinh do ý xúc. ND) Cái gì không vướng vào thế giới ngoại tại chính là Tâm Phật, và vì Tâm Phật chiếu sáng một cách kỳ diệu, nên khi bạn an trú trong Tâm Phật bản nhiên, thì không có mê hay ngộ. Khi an trú trong tâm bản nhiên ấy thì làm gì cũng là diệu dụng của Tâm Phật Bất sinh. Nhưng nếu bạn có một chút nào nôn nóng muốn trở thành một con người siêu việt, thì ngay khi ấy, bạn đã đi ngược lại cái Bất sinh và bỏ xa nó ngàn dặm. Trong Tâm Phật, không có vui, buồn, giận... không bất cứ thứ gì, chỉ độc một Tâm Phật chiếu diệu và phân biệt được mọi sự.
Bởi thế, khi bạn phân biệt những sự vật bạn gặp phải trong thế giới bên ngoài - như vui buồn giận hay bất cứ gì dưới mặt trời - thì đó là công năng linh hoạt của Tâm Phật chiếu diệu ấy, cái Tâm Phật mà bạn có từ khởi thủy.
Vì cái Tâm Phật mỗi người sinh ra đã có vốn không do tạo tác mà thành, nên nó không chứa đựng một chút mê lầm nào hết trọi. Bởi thế, người nào bảo "tôi mê lầm, vì tôi là một con người không được giác ngộ" là một người con hết sức bất hiếu vì đã phỉ báng cha mẹ mình. Về cái Tâm Phật mà mỗi người có sẵn từ lúc cha mẹ mới sinh, thì chư Phật quá khứ và những con người hiện tại đều có cùng bản chất, không gì khác nhau. Việc ấy cũng như nước ở đại dương: Giữa mùa đông, nước đông lại thành băng giá nên có những hình thù khác nhau như vuông tròn, nhưng khi băng tan, thì tất cả chỉ là một thứ nước biển. Khi bạn ngộ được bản chất Bất sinh của Tâm Phật, thì đó chính là nước như xưa nay nó vẫn là, và bạn có thể tha hồ thọc tay vào đó. (Nghĩa là, khi cái tâm trở về nguyên trạng của nó - như băng trở lại thành nước - thì nó trở nên lưu nhuận, trong suốt, không gì ngăn bít dòng chảy tự do của nó. Bankei ví cái tâm bị "đông cứng" thành những hình dạng đặc biệt cũng như nước đông lại thành băng ở trong một bình chứa, khi tan ra thành nước trở lại thì có thể thọc tay vào múc được. ND)
Vì trong Tâm Phật Bất sinh chiếu sáng kỳ diệu ấy vốn không có một chút thiên kiến nào, nên nó tha hồ thích ứng, mỗi khi gặp cảnh là những tư tưởng lại ló ra. Nếu bạn không quan tâm đến chúng thì không sao cả; nhưng nếu bạn vướng vào chúng và tiếp tục triển khai những ý tưởng ấy thì bạn không thể dừng lại. Khi ấy bạn làm mờ cái công năng chiếu diệu của Tâm Phật và tạo nên si mê lầm lạc. Trái lại, vì từ khởi thủy, Tâm Phật vẫn chiếu sáng kỳ diệu, sẵn sàng soi sáng và phân biệt mọi thứ, nên khi bạn căm ghét những ý tưởng si mê đã khởi lên ấy, và cố ngăn chặn chúng, thì bạn bị vướng vào công việc ngăn chặn, tạo ra mâu thuẫn giữa người ngăn chặn (tức ý tưởng sau - ND) và cái bị ngăn chặn (ý tưởng trước - ND). Nếu bạn cố dùng ý tưởng để ngăn ý tưởng, thì sẽ không bao giờ đi đến cùng tận. Việc ấy cũng như dùng máu rửa máu, dù bạn tẩy được lớp máu trước, vẫn còn lại lớp máu sau.
Vì Tâm Phật vốn Bất sinh và chiếu sáng kỳ diệu, nên nó ngàn vạn lần sáng hơn một tấm gương, không có cái gì mà tâm ấy không nhận ra và phân biệt được. Với một mặt gương, hình thể của vật nào vừa đi qua trước mặt thì liền có bóng hiện ra. Gương không có ý định nhận vào hay bỏ ra vật gì, cũng không định phản chiếu hay không phản chiếu một cái bóng nào. Đấy là công năng của gương sáng. Vì không có ví dụ nào tốt hơn nên chúng ta đành phải mượn tấm gương để ví với diệu dụng chiếu sáng của Tâm Phật, kỳ thực Tâm Phật còn ngàn vạn lần kỳ diệu hơn thế nữa.
Với công năng chiếu sáng kỳ diệu của Tâm Phật, mọi đối tượng xuất hiện trước mắt bạn đều được nhận ra và phân biệt rành rẽ, bạn không cần phải làm bất cứ gì. Bởi thế mặc dù không cố ý, bạn vẫn nhận ra trăm ngàn ấn tượng khác nhau qua hình sắc hoặc âm thanh. Đấy là những vật thể có hình dáng. Nhưng ngay cả những thứ vô hình, như những gì xảy ra trong tâm người, cũng được phản chiếu rõ ràng. Dù bạn gặp nhiều gương mặt khác nhau đủ loại, những tư tưởng thiện hay ác của họ đều được phản chiếu nhờ Tâm Phật chiếu sáng kỳ diệu. Ví dụ trong chúng hội đang nghe pháp tại đây, nếu có người ho lên, thì mặc dù bạn không cố ý lắng nghe, mà vừa khi có tiếng ho, bạn có thể phân biệt ngay tiếng ho ấy là của đàn ông hay đàn bà, già hay trẻ. Hoặc lấy ví dụ một người bạn đã hai mươi năm không gặp, nay tình cờ gặp lại trên đường, tự nhiên những biến cố thuộc hai mươi năm trước tuôn dậy rõ ràng trong ý thức. Việc này thật khác xa công năng của tấm gương!
Cái sự bạn nhận ra và phân biệt được ngay lập tức, một cách tự nhiên bất cứ gì bạn thấy và nghe, chính là công năng linh hoạt của Tâm Phật mà bạn có được một cách bẩm sinh từ lúc mới lọt lòng, cái Tâm Phật Bất sinh và chiếu sáng kỳ diệu...


Trích :  Ngữ lục 
Bankei
D
ch giả: Thích Nữ Trí Hải