Hỏi Đáp: THIỀN 8 [THẦY VIÊN MINH]




1. Khi tâm sáng suốt, định tĩnh, trong lành như vậy thì đó chính là điều thầy gọi là giới định tuệ tự tánh.

Câu hỏi: Kính bạch sư, tối qua con vừa xong công việc. Thấy hơi mệt nhưng chưa buồn ngủ nên con lấy cái gối ngồi buông xả thư giãn tự nhiên. Để cho thân, tâm hoạt động tự nhiên, con chỉ "thấy" một cách đơn thuần. Bỗng nhiên một lát con rơi vào trạng thái mà con chưa từng trải nghiệm qua, con không biết dùng từ sao cho đúng. Đầu tiên là những cảm giác trên thân hơi khác lạ, sau đó toàn thể cứ rộng dần ra cho đến khi có cảm giác như xung quanh không còn giới hạn nào, rồi cái thân đang ngồi kết lại giống như 1 khối đồng nhất, nhưng tâm vẫn sáng suốt, yên lặng thấy biết rõ trong, ngoài.
Sau khi con ra khỏi trạng thái ấy và nằm nghỉ thì thấy cái tâm chỉ "biết" trong thân thôi, con thấy hơi "lạ" và tác ý suy nghĩ thử về công việc xem nhưng cũng không được, vừa khởi tâm nghĩ thì liền yên lặng. Sau đó con quan sát thấy tâm cứ vừa khởi lên thì lại rơi vào yên lặng (và nó chỉ có ý thức rõ về thân khi ấy thôi), sau đó một lúc thì trở lại bình thường. Con xin trình trải nghiệm vừa trải qua. Kính ơn Sư!
Trả lời: Tốt lắm. Con đã vào được sự vận hành tự nhiên của pháp (thân, tâm, cảnh). Đó chính là điều thầy muốn chỉ ra. Khi con thật sự thư giãn buông xả cho tâm rỗng rang vô sự thì con đang trở về trọn vẹn trong sáng với thực tại. Đó mới chính là chánh niệm tỉnh giác xuất phát từ tánh biết (tâm) vô ngã chứ không từ bản ngã tạo tác. Khi tâm sáng suốt, định tĩnh, trong lành như vậy thì đó chính là điều thầy gọi là giới định tuệ tự tánh.

2. 
Từ đức tin đến niềm tin, từ niềm tin đến thấy biết trong sáng chân thật (chánh kiến) là quá trình chuyển hóa tất yếu

Câu hỏi: 
Con chào Thầy! Con cảm ơn Thầy đã trả lời các câu hỏi lần trước của con. Mấy hôm nay con thấy mình có sáng suốt hơn một chút trong công việc, nhưng lại có một việc khác xảy ra với con.
Thứ nhất: Khi lần chuỗi, con ít biết được mình lúc đó. Con lại rất dễ rơi vào trạng thái buồn ngủ. Dạo này con ít có ngồi thiền như trước kia nữa, mà tập lần chuỗi, đi kinh hành và làm việc.
Thứ hai, những điều mà trước kia con hiểu về Đức Phật, tuy chỉ là hình tượng bên ngoài, cũng giống như phần đông mọi người khi nhắc đến tên Ngài là có đức tin về Ngài. Dạo này, sao con thấy rất mơ hồ về Đức Phật, con không biết Ngài là ai? Mặc dù con có đọc sách viết về Ngài và giáo pháp. Điều con nêu ra trên đây là thực về tình trạng mà con đang gặp phải, nếu có gì không đúng ngưỡng mong ba ngôi Tam Bảo khoan thứ cho con. Con xin biết ơn Thầy!
Trả lời:
1) Nếu con có thể sáng suốt định tĩnh hơn trong hoạt động bình thường hàng ngày thì con nên phát huy theo hướng đó. Và đó chính là hướng đúng tốt nhất, không cần ngồi thiền hay niệm Phật lần chuỗi gì nữa, vì như thếchỉ vẽ rắn thêm chân thôi. Mục đích của ngồi thiền hoặc niệm Phật là giúp con sống sáng suốt định tĩnh hơn,nhưng vì đó chỉ là phương tiện nên nó vẫn có thể tạo ra trở ngại cho sự sáng suốt trong con, lúc đó con nên bỏ đi thì tốt hơn.
2) Những gì con tin lúc đầu vào một vị Phật chỉ là do tưởng tượng của con chứ con làm sao biết được vị ấy, do đó khi con đi sâu vào trải nghiệm pháp thực thì những tưởng tượng của con sẽ mờ nhạt đi và đức tin mù quáng trở thành niềm tin vững chắc nơi sự thật hiển nhiên. Một vị Phật tưởng tượng bên ngoài dần dần biến mất và thay vào đó là sự sáng suốt trong tâm ngày càng phát huy. Tất nhiên lúc đó con không còn tin vào vị Phật tưởng tượng nữa mà chỉ tin vào tính biết sáng suốt trong con. Từ đức tin đến niềm tin, từ niềm tin đến thấy biết trong sáng chân thật (chánh kiến) là quá trình chuyển hóa tất yếu, con không cần phải sợ sự chuyển hóa đó.

3. 
Như lý (yoniso) là đúng với thực tánh của đối tượng, tức đúng với đối tượng như nó đang là; phi như lý (ayoniso) là không đúng với thực tánh của đối tượng

Câu hỏi:
Kính thầy! Kính xin thầy giải thích cho con hiểu thực nghĩa của cụm từ: NHƯ LÝ TÁC Ý.
Thực ra có người hỏi con, con giải thích nhưng họ bảo có người giải thích khác nên con kính nhờ Thầy giúp con để bạn con tham khảo và hành trì cho "ĐÚNG". Con xin cảm ơn Thầy.
Trả lời:
Đừng cố tìm một định nghĩa trên ngôn từ về tác ý là gì mà phải thấy ra hành trạng của nó như thế nào. Như lý (yoniso) là đúng với thực tánh của đối tượng, tức đúng với đối tượng như nó đang là; phi như lý (ayoniso) là không đúng với thực tánh của đối tượng, vì cho nó là, buộc nó phải là hoặc mong nó sẽ là một cách chủ quan không trung thực. Tác ý (manasikàra) là hướng khởi tâm. Hướng tâm khởi lên trên đối tượng như nó đang là tức như lý tác ý, hướng tâm chủ quan trên đối tượng theo quan niệm của mình tức phi như lý tác ý. Ví dụ khi sân con thấy sân sinh diệt như nó đang là tức con khởi tâm thấy đối tượng đúng với thực tánh của nó, đó là tâm khởi với như lý tác ý. Khi tâm khởi với hướng đúng như vậy thì con thấy sân tự sinh tự diệt. Nhưng nếu con có thái độ chủ quan chống đối lại sân như nghĩ "sân là sai, cấm không được sân, hoặc mong sân sẽ chấm dứt ngay..." tức con không thấy được thực tánh của sân như nó đang là, đó chính là phi như lý tác ý. Khi khởi tâm với hướng chủ quan sai lệch - hữu vi, hữu ngã - thì sân bị dồn nén sẽ bùng lên mạnh hơn về sau. Vậy vấn đề không phải là có diệt được sân theo ý mình hay không, mà là có thấy ra thái độ đối với thực tánh sinh diệt của sân như thế nào, hữu vi hữu ngã hay vô vi vô ngã. Như lý hay không như lý là nơi thái độ đối với đối tượng chứ không phải nơi đối tượng ấy.

4. 
 Chủ yếu không phải là thấy gì nơi tâm nơi pháp mà là thấy ra thực tánh, thấy được bản chất vô thường, khổ, vô ngã của nó ...

Câu hỏi:
Kính Thưa Thầy,
Con rất vui khi được thầy trả lời (ngày 17/4/2013). Con vẫn muốn trao đổi với Thầy nhiều điều, để lần lần hiểu ra những vấn đề còn khuất mắc trong tâm con. Nhưng thực sự thì con vẫn chưa hoàn toàn hiểu tâm của mình lắm để trình bày với thầy. Vì khi con giảng giải ra được tâm mình như thế nào thì con cũng đã phần nào thấy được tâm mình.
Kính thưa thầy, có những khi tâm con tự nhiên khởi lên những ý nghĩ xấu, không tốt (con không cố ý khởi), rồi liền sau đó con lại xuất hiện 1 suy nghĩ sân hận bản thân mình: tại sao lại khởi ý nghĩ xấu kia?
Có phải tu là càng ngày càng hiểu cái tâm của mình đúng không thầy? Sau một thời gian học Phật Pháp, dựa theo lời Phật dạy, có những lúc con thấy cái tâm của mình nó láu cá.
Trả lời:
Con đừng chỉ quan sát tâm không thôi mà quan sát cả hoạt động của thân, của những cảm giác, cảm xúc, và sự tương giao của thân - tâm - cảnh nữa, như vậy con mới thấy hết được tâm. Đúng là tâm rất láu cá nên nếu con chỉ niệm tâm thì chơi trò trốn tìm mệt lắm. Khi con tìm thì nó trốn, khi con lơ là thì nó xuất hiện, vì vậy hãy để cho nó chơi với thân, với thọ, với pháp thì con mới thấy nó ngoan ngoãn và dễ dàng hơn. Chủ yếu không phải là thấy gì nơi tâm nơi pháp mà là thấy ra thực tánh, thấy được bản chất vô thường, khổ, vô ngã của nó để không còn tà kiến, tham ái, chấp thủ và tạo tác nơi nó nữa mà thôi.


5. 
"Thấy" chính là thận trọng chú tâm quan sát...

Câu hỏi:
Dạ con cám ơn Thầy đã chỉ dạy. Lúc con có suy nghĩ không tốt con thấy nó và ngay lúc đó trong đầu con nhận định nó là suy nghĩ không tốt nên tự động ngưng lại và quay lại thực tại không bị nó cuốn vào. Còn như đang cơn giận mà con thấy được con đang giận rồi thì lúc đó con không còn bị cơn giận đó chi phối nữa mà thay vào đó thì con nhớ đến lời Thầy phải thận trọng chú tâm quan sát, thế là con để tâm quan sát nó thì không còn thấy nó nữa. Con chỉ mới thấy được đến đó thôi, còn như nó có để lại hiệu ứng diễn biến trên thân thọ tâm pháp như thế nào con chưa thấy ra được, xin Thầy chỉ dạy thêm cho con được rõ, con xin cám ơn Thầy!
Trả lời:
Thứ nhất: Con không nên "nhận định" đó là suy nghĩ tốt hay không tốt, vì nhận định là đã đánh giá theo một quan niệm như vậy con chưa thực thấy nó mà con chỉ mới thấy qua quan niệm. Đây là một hình thức kiểm duyệt vi tế của bản ngã mà con tưởng là nó "tự động ngưng". Thực ra nó bị con kiểm duyệt chứ không phải tự động ngưng đâu. Thấy không phải là đánh giá. Thứ hai: Khi thấy cơn sân và cơn sân không còn chi phối nữa, nghĩa là sân đã đến và đã đi qua, như vậy con đã thấy tâm sân sinh và diệt, việc thấy đó chính là thận trọng chú tâm quan sát rồi, sau đó con lại nhớ lời thầy làm gì nữa? Lẽ ra sau khi thấy tâm sân sinh và diệt, con nên tiếp tục thấy thân, thọ, tâm hoặc pháp đang diễn ra, đó mới là thận trọng chú tâm quan sát. Vì con chỉ lo niệm tâm thôi nên khi tâm diệt con không biết thấy diễn biến tương quan của thân thọ tâm pháp hay thân-tâm-cảnh tiếp theo đó. Con nên biết "Thấy" chính là thận trọng chú tâm quan sát chứ không phải thận trọng chú tâm quan sát một cách hữu vi của bản ngã.

6. 
Việc thận trọng chú tâm quan sát là việc tuỳ ứng tự nhiên của tâm

Câu hỏi:
Kính thưa Thầy, thường thì khi con thấy việc gì là tự nó ngưng lại liền nên không có điều kiện để thận trong, chú tâm, quan sát nó. Ví dụ như con suy nghĩ không tốt, con thấy nó thì tự động nó biến mất, cũng giống như cơn giận của con nổi lên, con nhìn nó thì nó biến mất liền, con không thể quan sát xem nó sinh diệt thế nào, con chỉ có thể thận trọng, chú tâm, quan sát việc con đang làm, với cái tâm của con thế nào thôi. Mỗi lần thất niệm thì khi con phát hiện ra là nó tự mất đi, con không có cơ hội để xem nó diễn biến thế nào, xin Thầy chỉ dạy cho con. Con xin cám ơn Thầy!
Trả lời:
Việc thận trọng chú tâm quan sát là việc tuỳ ứng tự nhiên của tâm, chỉ vì người ta buông lung, thất niệm và mất tỉnh giác nên không thận trọng chú tâm quan sát được thôi. Vì là tự nhiên nên thận trọng chú tâm quan sát sẽ chỉ ứng vừa đủ cho từng trường hợp khác nhau. Ví dụ bưng một bát đầy nước khác với bưng một bát không có nước. Lái xe qua chỗ đông người khác với lái xe qua đường vắng. Cũng như đối với thân, thọ, tâm, pháp thì đều ứng thận trọng chú tâm quan sát hoàn toàn khác nhau là chuyện bình thường đâu có gì khó hiểu, sao con lại muốn sử dụng cùng một cách thận trọng chú tâm quan sát giống nhau cho nhiều đối tượng khác nhau? Thân sinh diệt chậm thì quan sát diễn biến chậm, tâm sinh diệt nhanh thì quan sát diễn biến nhanh như con đã thấy. Tuy nhiên khi con thấy một trạng thái tâm diệt đi thì sao con lại không quan sát tiếp lúc đó nó còn để lại hiệu ứng diễn biến trên thân, thọ và pháp như thế nào?


7. T
rở về thấy tham như nó đang là, là cách tốt nhất để giác ngộ ra nó và không còn bị nó ràng buộc nữa. 

Câu hỏi:
Bạch thầy, cho con hỏi, khi ta trở về với cái đang là tức là cứ để cái pháp nó sinh ra rồi nó sẽ diệt đi ạ, thế nếu ví dụ lòng tham nổi lên con sẽ không hành động theo tâm tham mà chỉ ngồi nhìn nó thôi ạ, con chưa hiểu đoạn "trở về cái đang là " lắm, có phải là tâm tham cứ mặc nó rồi quan sát nó trở về lúc không tham không ạ, xin bạch thầy khai thị cho con?
Trả lời:
Khi tâm tham khởi, thường thì người ta không biết nên bị nó cuốn đi trong tạo tác nghiệp thân khẩu ý. Ngược lại cũng có người cố diệt nó đi nhưng trên thực tế chỉ là đè nén nó thôi. Cả hai thái độ cuốn theo hay đè nén đều chỉ tạo thêm nghiệp, một là nghiệp tạo tác ra bên ngoài, hai là nghiệp dồn nén vào bên trong. Cách tốt nhất là thấy, biết và thấu suốt được bản chất thực của nó: Thấy sự sinh, sự diệt, vị ngọt và sự nguy hại của nó thì mới có thể giải thoát khỏi ảnh hưởng của nó. Vậy trở về thấy tham như nó đang là, là cách tốt nhất để giác ngộ ra nó và không còn bị nó ràng buộc nữa.

8. 
Chỉ thấy mà không phê phán hay kết luận là phẩm chất của trí tuệ...

Câu hỏi:
Kính Thưa thầy,
Gần đây con được nghe pháp thoại của thầy. Lời thầy giảng thật giản dị, và làm cho tâm con sáng ra được 1 số điều. Vì trước đây con luôn luôn muốn đạt được 1 cái gì đó. Con luôn chạy về phía trước. Khi con bị rơi vào trạng thái buồn, không vui, bất mãn, con không bao giờ muốn thừa nhận những trạng thái đó trong lòng con, con luôn muốn mình ở trong trạng thái vui vẻ. Con hay bỏ nơi này, tìm nơi khác. Không muốn đối diện khổ đau... Sợ, và luôn chạy trốn các cảm giác đó.
Con biết mọi thứ vô thường nên khi có điều gì vui đến với con, con cũng thích, nhưng con nghĩ nó sẽ không mãi như vậy với mình, nên con né tránh, hoặc từ chối, như vậy là cũng không nên đúng không thầy? Phải để nó tự nhiên đi qua. Con có bị chấp không thầy?
Con vẫn đang nghe thêm các bài giảng của thầy, cố gắng ghi nhớ và thực hành theo.
Con chúc thầy sức khỏe.
Trả lời:
Hay lắm, con đã bắt đầu nhận ra một vài manh mối. Đúng là con nên tiếp tục nghe thêm để càng vỡ ra nhiều nhận thức sai lầm càng tốt. Khi nhận thức đúng thì sẽ hành động đúng, còn bây giờ con chưa vội xác định hay kết luận về một điều gì cả. Cứ lắng nghe quan sát lại chính mình trong bối cảnh cuộc sống rồi con sẽ thấy ra nguồn gốc của mọi sự xuất phát từ thái độ nội tâm. Chỉ thấy mà không phê phán hay kết luận là phẩm chất của trí tuệ. Con đang có những bước khám phá chính mình khá đúng hướng, hãy tiếp tục khám phá và nhớ là đừng vội kết luận bất kỳ điều gì. Thân tâm con thế nào cứ thấy như nó đang là thì sự thật sẽ phơi bày.

9. 
 Chỉ cần quan sát minh bạch mọi sự tương giao tương tác của thân - tâm - cảnh thì thấy vô ngã ngay chứ đâu cần rèn luyện. 

Câu hỏi:
Nam-mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật.
Kính bạch Thầy, con xin Thầy hoan hỷ giải thích giúp con thắc mắc sau:
Vô ngã là không có cái gì là "Tôi", không có cái gì là "của Tôi". Còn thân là tập hợp của danh và sắc hoặc chi tiết hơn là ngũ uẩn. Sắc là phần cấu tạo vật chất. Danh là phần tâm thức. Cái thân mình đang hiện hữu, dòng tư duy vẫn đang liên tục phân biệt đúng, sai, phải, trái,... để làm việc trong cuộc sống mưu sinh. Vậy phải rèn luyện như thế nào để đạt được đến "vô ngã", kính xin thầy chỉ dạy. Con xin cám ơn Thầy.
Trả lời:
Bản thân sự rèn luyện để trở thành là đã hữu ngã rồi thì làm sao rèn luyện để vô ngã được? Ngã chỉ là ảo tưởng do tư tưởng dựng lên nên không có thật, vậy chỉ cần quan sát minh bạch mọi sự tương giao tương tác của thân - tâm - cảnh thì thấy vô ngã ngay chứ đâu cần rèn luyện.

10. T
hư giãn buông xả cho thân tâm thật thoải mái tự nhiên để thấy ra chính mình. 

Câu hỏi:
Kính thưa Thầy, không biết con có phải bị bệnh tâm thần hay không? Đôi khi con cứ nghe tiếng nói ở trong đầu và con bị bắt buộc phải trả lời lại. Khi con đi sâu vào tư tưởng thì hay bị co giật đầu. Con cố gắng hành thiền mấy năm nay rồi, đôi khi cũng thấy bớt. Người nhà bảo con hành thiền bị tẩu hỏa nhập ma, có phải không Thầy? Nếu vậy thì con có tu theo pháp môn của Thầy được không? Cuộc đời con cũng đã bị nhiều thất bại, con biết là con có nhiều tánh xấu lắm nên con bị như thế là phải. Con muốn sửa đổi những tánh xấu của con lắm, nhưng mỗi khi đối diện với nó là con bị cuốn theo, sau đó thì hối hận, nhưng làm như vẫn thấy mình đúng. Con cứ bị như vậy hoài.
Xin Thầy giúp con với, con tạ ơn Thầy.
Trả lời:
Đó là bệnh do tư tưởng mà ra. Con không biết học hỏi từ sai xấu để thấy ra đúng tốt, mà cứ tìm biện pháp để loại trừ sai xấu để rồi chỉ tạo thêm dồn nén, căng thẳng, suy nhược mà thôi. Con đang ít nhiều bị suy nhược tinh thần rồi đó. Nên ngưng ngay những biện pháp ức chế mà con gọi là thiền, hãy sống thật bình thường và trung thực với chính mình, buông mọi ý đồ xuống và sẵn sàng đối diện với sai xấu để thấy ra mặt thật của nó, chứ không trốn tránh, buông xuôi hay tìm cách kháng cự. Mục đích của sai xấu chính là để con học ra thế nào là đúng tốt. Hãy thư giãn buông xả cho thân tâm thật thoải mái tự nhiên để thấy ra chính mình.

             


11. 
Thường trở về trọn vẹn trong sáng với chính mình ... không cần phải lệ thuộc vào tông môn hệ phái nào cả. 

Câu hỏi:
Con chào Thầy! Thưa Thầy lần trước con có nói với Thầy về tình trạng mà con đang gặp phải là con thấy những suy nghĩ nối tiếp nhau trong lúc con đang ngủ và Thầy gọi đó là bhavanga. Dạo này sau một thời gian dài, con vẫn còn bị như vậy, và bây giờ thì nó có cả lúc con đang ngủ buổi trưa nữa. Nhưng bên cạnh đó con thấy tinh thần con có sáng suốt hơn khi trước. Lúc lượm bông sứ hay quét nhà mà con trọn vẹn trong phút giây ấy thì có một sự trong sáng hồn nhiên lúc đó. Xin Thầy chỉ cho con, để con biết mà hành theo. Con xin tri ân Thầy!
Trả lời:
Chuyền đổi pháp môn tu cho phù hợp với căn cơ trình độ của mình là việc tự nhiên, giống như học thì phải chuyển cấp thôi chứ đâu có gì phải ngại. Thường trở về trọn vẹn trong sáng với chính mình là được, cũng không cần phải lệ thuộc vào tông môn hệ phái nào cả.

12. 
. Chỉ cần thấy mọi hiện tượng diễn biến của thân - tâm - cảnh như chúng đang là tức đang thấy thực tánh pháp...

Câu hỏi:
Kính bạch thầy ạ. Thầy ơi, mỗi khi một suy nghĩ trong con xuất hiện, trong con liền thấy nó và để nó tự diễn biến nhưng nó lại biến mất nhanh quá, đó có phải là chánh niệm không ạ? Chẳng hạn khi con nghe một lời khó nghe của ai đó, con thấy tâm mình khó chịu, thấy được cảm giác khó chịu đó, con để nó tự diễn biến không cho suy nghĩ xen vào thì lát sau nó lại đi mất, càng ngày con càng thấy mỗi người tạo bởi thân và tâm, cách nhìn và cuộc sống quyết định suy nghĩ của mỗi người, suy nghĩ đó lại thay đổi sinh và diệt, chẳng có một ai cụ thể ở đó cả. Những gì ta tạo ra trong tiềm thức là nghiệp của ta cùng với duyên là những gì xảy ra bây giờ sẽ quyết định sự bình an của tâm, có chăng cái tâm không tạo nghiệp là tâm xem mọi thứ như đó đang là, tâm xem mọi thứ đang là có phải là tánh không không ạ? Con cảm ơn thầy nhiều ạ!
Trả lời:
Tốt lắm, con đã làm, thấy và hiểu đúng. Chỉ cần thấy mọi hiện tượng diễn biến của thân - tâm - cảnh như chúng đang là tức đang thấy thực tánh pháp, thì nó sẽ tự sinh tự diệt chứ không có bản ngã lăng xăng phê phán, kiểm duyệt, lấy bỏ, thêm bớt hay tạo tác trong đó. Và như vậy con cũng không cần phải gọi nó là tánh không hay bất cứ khái niệm nào khác.

13. T
hư giãn buông xả cho tâm nghỉ ngơi vô sự và chỉ thấy pháp đến đi thế nào thì thấy như vậy...Cái thấy bất động đó chính là định cao nhất trong các định

Câu hỏi: Kính thưa Thầy, trong lúc mình ngồi thiền thì phương pháp nào giúp cho mình không bị hôn trầm và phương pháp nào giúp cho mình định được nhanh hoặc tâm không bị động nhiều (thí dụ hay suy nghĩ chuyện khác làm mất đi cái định). Con cám ơn Thầy và luôn kính mong Thầy được mạnh khỏe để hướng dẫn Phật tử trên con đường tu tập.
Trả lời: Lúc con mong muốn tâm định như vậy là bị tham triền cái trói buộc và tạo ra bất an, rồi con nôn nóng dẹp sự bất an đó đi tức là bị sân triền cái chi phối; con hối tiếc chưa định được và nghĩ làm sao để định cho được đây là bị trạo hối che lấp; lăng xăng một hồi sinh ra chán nản thụ động vậy là bị hôn trầm cuốn đi; cứ thế tâm con phân vân bất định nghĩa là bị nghi hoặc buộc ràng. Như vậy càng muốn định tâm càng bất định. Sao con không thư giãn buông xả cho tâm nghỉ ngơi vô sự và chỉ thấy pháp đến đi thế nào thì thấy như vậy mà không lăng xăng giải quyết theo ý mình. Cái thấy bất động đó chính là định cao nhất trong các định con có biết không?



14. Thấy tâm không động tức tâm trở về gốc chưa sinh của nó gọi là tịnh, cũng gọi là trở về thực tánh, trở về tự tánh gọi là "Bình thường tâm thị đạo", biết tâm đạo ấy gọi là minh ...

Câu hỏi: Kính Thưa Thầy,Gần đây con phát hiện ra một trạng thái và con thường hay trú vào đó. Cảm giác đó như là nửa ở trong và nửa ở ngoài, có thể vừa thấy được hơi thở vừa biết được mọi việc xung quanh nhưng không tác ý gì cả. Con cảm nhận được hơi thở rất sâu, rất an lạc. Vậy đó có phải là "trong ngoài lặng lẽ chẳng vin đâu" hay như câu chuyện về ngài Huệ Năng nói về "gió và phướn", khi tâm không còn bận tâm về gió và phướn nữa? Hay đó là sát na định, định tự nhiên? Và khi tâm con nổi lên tham, sân cho đến khi nó diệt đi thì tâm lại trở lại trạng thái lặng lẽ này. Vậy thì nó là như thế nào vậy thưa Thầy?
Con kính mong được sự chỉ bảo của Thầy, con xin tri ân Thầy và chúc Thầy sức khoẻ ạ!
Trả lời: Chỗ này Lão Tử gọi là "Quy căn viết tịnh, thị viết phục mạng, phục mạng viết thường, tri thường viết minh". Thấy tâm không động tức tâm trở về gốc chưa sinh của nó gọi là tịnh, cũng gọi là trở về thực tánh, trở về tự tánh gọi là "Bình thường tâm thị đạo", biết tâm đạo ấy gọi là minh. Con đừng thắc mắc nó là gì, chỉ thấy nó đang sáng suốt, định tĩnh, trong lành là được.

15. 
Trí tuệ của tánh biết cực nhanh, nên mọi hiện tượng dù qua nhanh đến đâu nó cũng thấy, chính vì thế mà gọi là Vipassanā. 

Câu hỏi: Con kính thưa thầy, khi con buồn, con chưa kịp lắng nghe trọn vẹn nỗi buồn thì người khác lại mang lại cho con nỗi buồn khác, nó cứ chồng lên nhau làm tâm con không biết phải làm sao? Con mong thầy chỉ dạy cho con.
Trả lời: Vì vậy mới gọi là UẨN - sự chồng chất phức tạp của những yếu tố vật lý, những cảm giác hoặc cảm xúc, những phản ứng nội tâm, và mối ràng buộc duyên khởi giữa giác quan và ngoại cảnh. Thực ra sự tương giao của thân tâm cảnh luôn diễn ra trong trật tự tự nhiên rất chính xác theo tiến trình tâm-sinh-vật lý của nó, chỉ vì buông lung, thất niệm và thiếu tỉnh thức nên tâm dính mắc trong những mối quan hệ mà không trở về trọn vẹn trong sáng với diễn biến trật tự đó ngay nơi thực tại của nỗi buồn. Do đó chưa thấy được nỗi buồn này thì đã bị bị nỗi buồn khác che lấp đi và cứ thế vô minh ái dục ngày thêm chồng chất theo năm uẩn.
Con chỉ cần nhìn thấy nỗi buồn một cách tự nhiên và vô tâm thôi thì tức là trở về trọn vẹn trong sáng với thực tại nỗi buồn rồi, chứ không cần cố gắng lắng nghe một cách chủ quan để tìm hiểu điều gì đâu. Trí tuệ của tánh biết cực nhanh, nên mọi hiện tượng dù qua nhanh đến đâu nó cũng thấy, chính vì thế mà gọi là Vipassanā. Nguyên lý là thế này: Cái gì qua cho qua, chỉ thấy cái đang là.


16. B
uông là buông thái độ chứ không phải buông trạng thái, nhưng khi đã buông thái độ thì trạng thái cũng tự buông luôn.

Câu hỏi: Kính bạch thầy, có lần con sân quá đến nối bị ép tim, khó thở, không ngủ được. Con tự nhốt mình trong phòng mục đích để tránh né đối tượng nhưng khổ nỗi là thân thì ở trong phòng mà tâm thì thấy đối tượng dễ sân thêm. Kéo dài gần nửa đêm tự nhiên con suy nghĩ, sắc pháp mình tệ như thế này rồi mà còn sân nữa thì xấu sao chịu nổi. Ngay tức thì con buông xả ra, lập tức thân tâm khỏe lại, tuy nhiên còn trạo cử và con buông ra tiếp cho đến lúc ngủ hồi nào không biết. Sau lần đó, mỗi khi sân, tâm con cứ nhắc nhở, sân là sắc pháp xấu lắm nha! Con tu như vậy có lạ quá không, xin thầy cho con lời khuyên. Thành kính tri ân thầy.
Trả lời: Thầy đã nói rồi, đó là lợi ích tỉnh giác. Do con thấy một lợi ích nào đó mà tỉnh giác, nên mới buông được. Bước đầu như vậy là tốt, không có gì sai cả. Con càng thấy ra sự tai hại của cái ta lăng xăng phê phán, can thiệp,phản ứng, tạo tác... bao nhiêu thì con càng dễ buông nó bấy nhiêu. Ít nhất là con cũng bắt đầu thấy được lợi ích của buông là thế nào và thế nào là buông. Thầy nhắc lại một lần nữa: buông là buông thái độ chứ không phải buông trạng thái, nhưng khi đã buông thái độ thì trạng thái cũng tự buông luôn. Điều này rất rõ trong trường hợp của con: Không cần buông trạng thái ép tim, khó thở, mất ngủ và ngay cả thái độ sân đã biến thành trạng thái sân, mà chỉ cần không thêm thái độ tạo tác nào nữa (dù là cố gắng tu chỉnh) tức là buông chứ không có gì để buông cả. Vậy mà con thấy đó, tất cả trạng thái ép tim, khó thở, mất ngủ, và cả trạng thái sân nữa cũng đều tự biến mất chẳng cần một chút dụng công nào cả, đúng không? Vậy là con bắt đầu biết pháp tu buông cái ta ảo tưởng để sống tùy duyên thuận pháp vô ngã vị tha rồi đó.


17. Tâm thiền chính là buông mọi ảo tưởng của cái ta để tánh biết tự soi sáng thực tại hiện tiền, dù đó là thân, thọ, tâm hay pháp. Dù đó là trạng thái vọng động hay an ổn thì tâm thiền (tánh biết) vẫn chỉ thấy thực tánh như nó đang là không thêm không bớt gì cả. 

Câu hỏi: Kính thưa thầy, vừa rồi con có may mắn được tham dự khóa thiền mà thầy dạy cho chúng con tại chùa Tam Bảo, Đà Nẵng. Con rất biết ơn thầy đã khai sáng, chỉ bày cho chúng con một cách thiết thực, đơn giản, những ai hành sẽ thấy kết quả rất mầu nhiệm. Nhưng trong lúc hành thiền con không thể dùng tánh biết quan sát sự chuyển động của tâm được vì nếu con hoàn toàn với cái biết là mình đang ngồi và hít thở thì tạp niệm không có, được một lúc tạp niệm khởi lên thì tánh biết lại biến mất. Vì sao con không thể biết là mình đang vọng động mà vọng động rồi con mới biết vậy thầy? Trong lúc thiền thì 6 căn không tiếp xúc với 6 trần, vậy làm sao con có sự phòng hộ được? Có hôm cả buổi thiền con chỉ thấy toàn là tạp niệm lăng xăng chứ tâm không an ổn vắng lặng được, như vậy là buổi thiền đó không có kết quả phải không thầy? Kính xin thầy chỉ dạy cho con. Con xin cám ơn thầy và chúc thầy luôn khỏe để làm Phật sự và dìu dắt chúng con.
Trả lời:
Thực ra con vẫn chưa nhận ra được tánh biết. Con đang sử dụng cái biết của ý thức trong 6 thức, do đó con chỉ biết đối tượng của ý thức chứ không biết hoạt động của tâm ý. Tánh biết thì biết được cả 18 giới (6 căn + 6 trần + 6 thức), nghĩa là biết luôn cả sự tương giao vận hành của ý - pháp - ý thức. Có thể tạp niệm khởi lên con không ý thức được nhưng tánh biết vẫn biết, chứ không phải tánh biết biến mất như con tưởng, nếu biến mất con làm sao biết có tạp niệm khởi lên? Làm sao đức Phật lại dạy niệm tâm? Làm sao có tuệ thấy biết danh sắc? (trong đó danh chính là mọi hoạt động thuộc về tâm và tâm sở).
Con nói "Trong lúc thiền thì 6 căn không tiếp xúc với 6 trần" đó là con đang hành thiền định chứ không phải thiền thấy pháp thầy đang hướng dẫn. Con nên vào trang web của thầy đọc thêm và nghe pháp thoại thật kỹ, đừng hành theo thói quen sẽ khó điều chỉnh lại được. Thầy đã nói tâm thiền là tánh biết sáng suốt định tĩnh trong lành trong sựtương giao giữa 6 căn 6 trần, chính vì vậy mới thấy được cả 18 giới, đó chính là sự phòng hộ lục căn đúng đắn và hiệu quả nhất, chứ không phải kìm giữ các căn. Phật dạy thấy như thực, nghe như thực, xúc như thực, biết như thực thì làm sao lại không để 6 căn tiếp xúc với 6 trần được!
Con nói: "Có hôm cả buổi thiền con chỉ thấy toàn là tạp niệm lăng xăng chứ tâm không an ổn vắng lặng được". Vậy cái gì thấy tạp niệm lăng xăng? Cái gì biết tâm không vắng lặng? Nếu con nói "con không biết mình đang vọng động mà vọng động rồi mới biết" thì đó là con nói không ý thức được chứ không phải tánh biết không biết, bởi vì nếu tánh biết không biết thì khi con có ý thức trở lại con cũng không biết vừa rồi có vọng đọng hay không vọng động, và làm sao con biết mình không biết (theo nghĩa ý thức)? Vậy tánh biết sáng suốt định tĩnh trong lành có thể biết được vọng động, biết được lúc con ý thức biến mất, phải vậy không?
Thiền con đang hành là thiền định nên con mới mong an ổn vắng lặng. Thiền thầy dạy là khi an ổn vắng lặng thấy an ổn vắng lặng, khi không an ổn vắng lặng thấy không an ổn vắng lặng, chứ không phải thiền để mong đạt được trạng thái an ổn vắng lặng, vì mọi trạng thái duyên khởi đều vô thường, khổ, vô ngã thì đạt đến làm gi? Hơn nữa mong cầu đạt được an ổn là tham, và mong cầu chấm dứt bất an là sân. Khi không có tham sân si thì tánh biết tự hiển lộ và soi sáng, (khi có tham sân si con chỉ theo tham sân si mà quên tánh biết chứ không phải tánh biết biến mất). Con đừng cố gắng "hành thiền" theo ý đồ của cái ta ảo tưởng. Tâm thiền chính là buông mọi ảo tưởng của cái ta để tánh biết tự soi sáng thực tại hiện tiền, dù đó là thân, thọ, tâm hay pháp. Dù đó là trạng thái vọng động hay an ổn thì tâm thiền (tánh biết) vẫn chỉ thấy thực tánh như nó đang là không thêm không bớt gì cả.

Nguồn: trungtamhotong.org