Hỏi Đáp: THIỀN 7 [THẦY VIÊN MINH]




1. Cứ để tâm tự làm việc

Câu hỏi: Con kính chào thầy ạ. Thưa thầy, trong quá trình quan sát con thấy một số điều như sau. Đối với những thứ con thích thì con hay bị lơ là, chểnh mảng. Đối với những thứ con không thích thì con lại có ý muốn là cố gắng quan sát thật rõ. Điều này vẫn thường xuyên xảy ra mặc dầu con cố gắng quan sát một cách vô tư, khách quan. Con xin thầy chỉ dạy ạ.
Trả lời: Điều đó cũng là tự nhiên, vì cái gì cần quan sát thì tâm sẽ tự động quan sát kỹ hơn, cái gì không cần quan sát nhiều thì tự nhiên nó cũng ít quan tâm hơn. Cứ để tâm làm việc mà thấy thôi, đừng thắc mắc cho thêm rắc rối.

2. Trường phái Thiền

Câu hỏi: Bạch thầy, xin thầy giới thiệu vài trường phái thiền hiện nay mà thầy tâm đắc nhất để chúng con có thể nương theo tham cứu học hỏi. Xin thầy hoan hỷ chia sẻ.
Trả lời: Câu hỏi của con vô tình làm khó thầy rồi đó, bởi vì thầy không tâm đắc một phái thiền nào cả! Đã là một trường phái với một phương pháp nhất định là đã bị rơi vào cuc bộ rồi. Thiền là trực nhận thực tại đang biến hóa vô cùng nên không thể rập khuôn theo một mẫu mực nào để thấy được. Thực tánh pháp phải được trực nhận với tâm hoàn toàn rỗng lặng trong sáng và tự nhiên, không qua bất cứ hệ quy chiếu nào, nhưng các trường phái thiền đều có hệ quy chiếu riêng để đo lường pháp thì không bao giờ thấy thực tánh pháp được. Thiền không phải là rèn luyện để thấy mà buông mọi ý đồ ra mới thấy. Thiền không có đạt được điều gì vì không có tham ưu, không nương tựa, không bám víu điều gì ở đời. Cái mà thiền đạt được chính là không cần đạt được gì cả. Hãy tham cứu thực tại ngay nơi thân tâm con, ở đó có đủ tất cả, đừng tìm cầu bên ngoài, đừng trông cậy vào trường phái thiền nào cả.

3. "...Vô minh thực Tánh tức Phật Tánh..."

Câu hỏi: Thưa thầy! Con cảm ơn thầy rất nhiều. Từ hồi được thầy hướng dẫn, con đã thận trọng, chú tâm, quan sát và dần hiểu được tánh "không" nơi Pháp, và tánh "không" ngay nơi thân con. Nhưng chính vì thấy tính chất "không" nên con không thấy sự "khổ" trong thực tánh Pháp mà thầy nói (Vô thường, Khổ, Vô Ngã). Vì lẽ, đã là không - vô ngã thì cũng không có đối tượng để khổ. Thưa thầy, như vậy có phải con đã thấy và hiểu sai không ạ? Và sự "khổ" trong thực tánh pháp phải hiểu thế nào cho đúng, xin thầy hướng dẫn chúng con ạ. Con cảm ơn thầy! 

Trả lời: Người giác ngộ không còn cái khổ chủ quan do bản ngã tạo ra (khổ đế), nhưng cái khổ khách quan trong đời sống tự nhiên hay do quả của nghiệp thì dù thành Phật vẫn có. Như đói quá, lạnh quá, ngồi lâu thì nhức mỏi, trúng nắng thì đau đầu v.v... Còn biết bao nhiêu khổ quả khác mà mỗi người phải gặt trong đời. Nhưng vấn đề không phải là khổ hay lạc mà là thái độ của tâm đối với khổ hay lạc đó. Nếu khổ mà tâm vẫn sáng suốt, định tĩnh, trong lành thì giác ngộ giải thoát, nếu lạc mà tâm tham sân si thì vẫn luân hồi sinh tử. Chỉ những bậc giác ngộ mới thấy khổ là khổ nên mới chấp nhận khổ để cứu khổ mà thôi.

4. T
hiền Vipassanà của Phật Giáo Nguyên Thủy với khán thoại đầu của Thiền Tông Trung Hoa

Câu hỏi: Thưa thầy, năm mới con kính chúc Thầy cùng chư Tăng Ni được an lạc, tinh tấn trong tu tập. Bạch thầy, con nghĩ là thiền Vipassanà của Phật Giáo Nguyên Thủy với khán thoại đầu của Thiền Tông Trung Hoa có nhiều điểm giống nhau, nhưng con muốn hỏi là trong pháp hành thì "chánh niệm, tỉnh giác" và "khởi nghi tình" trong khán thoại đầu loại nào thù thắng hơn, mong Thầy chỉ dạy. Con kính lễ. 

Trả lời: Mục đích của khán thoại đầu là dồn lý trí vọng thức (hữu ngã) vào ngõ cụt "bất khả tri" để tánh biết "tri bất tri thượng" (vô ngã) xuất hiện nguyên vẹn phản ánh trung thực toàn diện các pháp nên gọi là kiến tánh hay ngộ. Trong khi chánh niệm là tâm không vọng niệm, trọn vẹn với thực tại ở đây và bây giờ, nên tâm vô niệm, không lăng xăng tạo tác, rỗng lặng trong sáng, thấy rõ thực tánh pháp chân đế nên gọi là Vipassanà (minh kiến) hay thấy pháp (pháp nhãn). Đó là lý do tại sao Tổ Huệ Năng dạy lấy VÔ NIỆM để kiến tánh.
Vì tham công án là phương tiện thiện xảo đặt ra sau thời Tổ Huệ Năng nên không trực tiếp vô niệm mà lấy nghi tình làm "thời kỳ quá độ" để chuyển từ cái biết hữu ngã hữu niệm phân biệt của lý trí qua tánh biết vô ngã, vô niệm, vô phân biệt của tuệ giác mà hiệu ứng của nghi tình là sự bùng vỡ của ngộ. Còn chánh niệm tỉnh giác chính là vô niệm trực tiếp ứng ra từ tánh biết rỗng lặng trong sáng nên tự nó trọn vẹn với thực tánh chân đế.
Tóm lại, tham công án là phương tiện gián tiếp phải trải qua thời gian nghi tình đế kiến tánh, còn chánh niệm tỉnh giác là tự thân tánh giác thấy thực tánh chân đế không qua phương tiện nào. Tuy nhiên đó là nói chánh niệm tỉnh giác hay vô niệm đích thực thời kỳ tiền công án, còn hiện nay không ít trường phái thiền đã đưa chánh niệm tỉnh giác xuống mức độ nỗ lực tạo tác của bản ngã thì lại không bằng tham công án để loại cái ngã vọng niệm trước rồi mới thấy tánh sau, vì như vậy sẽ ít bị nguy cơ rơi vào sở đắc của bản ngã, khi chưa thực sự chánh niệm tỉnh giác. 


5. Cứ thế mà thấy thôi

Câu hỏi: Thầy ơi, trong khi hành thiền chú tâm vào hơi thở, suy nghĩ xuất hiện con quan sát nó rồi nó biến mất, rồi lại tập trung vào hơi thở. Khi suy nghĩ khác đến con lại quan sát nó, rồi nó cũng mất. Có lúc chỉ còn hơi thở, suy nghĩ không đến, con chỉ quan sát được sự sinh diệt của âm thanh và các cảm giác trên cơ thể như nóng lạnh, thế có đúng không ạ? Nhưng suy nghĩ đến con quan sát nó, nó liền biến mất, con chỉ thấy sự vô thường nhưng không học được gì từ nó.
Trả lời: Con thấy thế là tốt rồi, vậy cứ thế mà thấy thôi đâu cần học được gì. Bài học tối hậu nhất của con là thấy tất cả các pháp mà tâm vẫn rỗng lặng trong sáng, không bị cái ta tham, sân, si, ngã mạn, tà kiến... quấy nhiễu, che lấp và trói buộc là được rồi, con còn muốn thêm bớt gì nữa?

6. Thiền Phật giáo có mục đích khai tâm mở tuệ.

Câu hỏi: Kính thưa Thầy!
Có bệnh thì phải chữa và bây giờ người ta chữa bệnh bằng thiền dưỡng sinh hay tâm năng gì đó con thấy hiệu quả (con chứng kiến người thật việc thật). Nhưng ngày nào cũng phải ngồi thiền, nếu không thì mất năng lượng vì luân xa bị bịt mất. Nhưng suy cho cùng đau đớn cũng chỉ là cảm thọ, không ghét bỏ nó hay vui thích,... và việc cứ phải làm cái này cái kia... con thấy mệt mỏi. Con thấy bệnh hay đau gì đó, nó đến rồi nó đi, không biết con nghĩ thế có nên không ạ? Xin Thầy khai thị cho con chỗ này. Con kính xin cảm ơn Thầy!

Trả lời: Có lẽ trung dung thì tốt hơn, nghĩa là có bệnh nếu thuận duyên, nếu điều kiện hợp tình hợp lý thì cũng nên chữa, nhưng nếu lo lắng lăng xăng, nôn nóng chạy chữa một cách chủ quan thì có khi bệnh nhỏ hoá to. Nói tóm lại, chữa hay không chữa đều phải tuỳ duyên thuận pháp chứ không nên chủ trương gì nhất định cả. Việc chữa bệnh bằng thiền cũng vậy, nếu tâm thường rỗng lặng trong sáng mà ít bệnh hoặc bệnh mau khỏi thì đương nhiên là tốt rồi, nhưng nếu cố gắng ngồi thiền để chữa bệnh thì lại hoàn toàn khác, bởi vì đó là khí công hay yoga với mục đích chữa bệnh thân chứ không phải là thiền Phật giáo có mục đích khai tâm mở tuệ.

7. Cứ trọn vẹn với Pháp đang là...

Câu hỏi:Kính đảnh lễ Thầy!
Dạ thưa Thầy con có những câu hỏi sau, Thầy hoan hỉ cho con để con thực hành pháp tốt hơn ạ:
1/ Khi con làm một việc thì con có sử dụng Thận trọng-Chú tâm-Quan sát, như làm 1 việc gì đó khi ngồi (hay đi đứng) thì con vẫn làm được việc đó tốt, nhưng có những khi bộ phận khác của cơ thể thay đổi tự nhiên (theo kiểu vô thức) thì con lại không biết. Như thế con có bỏ sót cái "thay đổi tự nhiên" mà không biết khi chưa ứng dụng đúng không thưa Thầy?
2/ Trong các sinh hoạt hàng ngày, con cũng chú ý các hành khổ: khi đứng đi ngồi nằm, con cũng nhận thấy giới hạn tới khi nó "khổ" thì khi đó con nên giữ như vậy luôn tư thế đó hay phải thay đổi để hết khổ thưa Thầy? Bình thường con vẫn giữ nó (tới "khổ") một lúc rồi thì tại tư thế "khổ" đó vẫn tồn tại "khổ" cho đến khi con đổi tư thế.
3/ Có những lúc khi Vô minh (tham sân si nổi lên) con thấy được, nó làm thân bức rức, nóng lên và khó chịu, thì con xem nó tiến triển ra sao? Được một lúc thấy nó dịu đi! Nhưng con cũng làm theo cách khác là khi nó Vô minh thì con thấy nó nổi, nó nổi lên thì con kéo nó về "thực tại", ví dụ nhìn hay nghe cái gì khác ngay tại hiện tại chẳng hạn. Vậy tốt nhất con nên làm theo cách nào thưa Thầy? Con cảm ơn Thầy ạ! Chúc Thầy sức khỏe và nhiều Phật duyên để Hoằng Pháp!
Trả lời:
1) Cái gì con thấy được thì thấy, cái nào chưa thấy thì cứ để từ từ rồi thấy chứ con vội vã làm gì.
2) Con chỉ cần thấy thôi, còn thấy gì thì tuỳ duyên chứ con cố bắt nó khổ để thấy làm gì cho khổ? Khổ là do tâm đối kháng mà có, còn cảm giác tê chân chỉ là đau chứ đâu có khổ.3) Con có thể sử dụng cả hai cách tuỳ theo lúc đó cách nào thích hợp với con.

8. 
Có hai loại tinh tấn

Câu hỏi: Thưa thầy, con vẫn thường nghe dạy về tinh tấn trong đó có câu "tinh tấn vừa đủ" hoặc "chú tâm vừa đủ". Con chưa rõ lắm thế nào là vừa đủ. Vì trong thực hành, tâm con thường phóng dật và thiếu tỉnh giác, con bị vọng niệm kéo đi, một lát sau con mới nhận ra. Nhưng khi con chú tâm quan sát quá mức thì hình như con lại bị căng thẳng và đau đầu. Vậy xin thầy giải thích giúp con chữ "vừa đủ" ạ. Con cảm ơn thầy.
Trả lời:Có hai loại tinh tấn: Một là cố gắng của bản ngã, hai là ứng ra từ tự tánh pháp. Khi tinh tấn với nỗ lực của bản ngã lý trí thì thường là chủ quan không chính xác, hoặc là thiếu hoặc là dư, khó mà vừa đủ được. Tốt nhất là buông mọi ý đồ "cố gắng thực hành" của bản ngã ra thì lập tức tinh tấn sẽ tự ứng một cách chính xác tùy theo đối tượng tự nhiên của nó. Xin vui lòng xem cuốn Sống Trong Thực Tại, chương 5: "Nhiệt tâm cần mẫn" trong mục Thư Viện. 

9. Người tu chỉ lo chuyển nhân chứ không lo chuyển quả


Câu hỏi: 
Thưa Thầy, con xin hỏi: Vì sao nhiều vị tu rất tốt nhưng về già bị lẫn rất nặng, nếu họ thường chánh niệm tỉnh giác hay liễu liễu thường tri thì mọi sự đều minh bạch làm sao bị lú lẫn được? Như vậy do tu chưa đúng hay còn lý do nào khác, xin thầy chỉ dạy. 
Trả lời: 
Tu hành tốt nghĩa là gieo nhân đúng tốt có thể giác ngộ giải thoát hoàn toàn hoặc nếu còn tái sinh thì sẽ cho quả lành trong những kiếp sau. Còn một người sinh ra phần lớn bị chi phối bởi sinh nghiệp (Janakakamma) là do nhân đã tạo trong những kiếp sống trước, sẽ cho quả trong sinh mệnh hiên tại của người này. Cho nên nghiệp quả của sinh mệnh (= sinh nghiệp) có thể tiên đoán được qua lá số tử vi. Đó là mặt thụ động bất khả kháng của nghiệp quả mà có nhiều chủ thuyết cho là số mệnh. Theo Phật giáo thì đời sống không phải chỉ là mặt quả trong sinh nghiệp (tạm xem như số mệnh đi), nhưng còn có mặt chủ động tạo nhân mới nữa, đó là thái độ của mỗi người đối với sinh mệnh mình. Nếu tạo nhân tốt có thể giúp cải thiện nghiệp quả về sau. Tuy nói chuyển nghiệp, nhưng người tu chỉ lo chuyển nhân chứ không lo chuyển quả. Và tuy nói đức năng thắng số nhưng có chuyển được nghiệp quả thì cũng chỉ ở một mức độ nào đó thôi, dù đã giác ngộ giải thoát, vì quả trong sinh nghiệp khó mà loại trừ hẳn được, trừ phi nhập vô dư Niết-bàn. 
Đức Phật dạy nghiệp quả là bất khả tư nghì (acinteyya). Không nên đánh giá, phê bình hay suy đoán chủ quan, vì nghĩ ngợi nhiều quá về điều này có thể đưa đến "tẩu hỏa nhập ma". Đức Phật là bậc Toàn Giác vẫn bị rất nhiều nạn và còn bị đau bụng mới nhập diệt. Đức Chúa bị hành hình trên cây thánh giá đến chết.. Ngài Mục Kiền Liên thần thông quảng đại mà chết bị phân thây v.v... Cho nên, những người tu hành tốt họ có thể giác ngộ giải thoát hay có phước quả về sau, còn trong sinh nghiệp của kiếp sống hiện tại thì vẫn phải nhận lấy hậu quả của nghiệp quá khứ như thường. Như vậy tuy có chánh niệm tỉnh giác nhưng đến tuổi già, tế bào não bị suy yếu vẫn có thể quên. Chánh niệm tuy cũng có nghĩa là nhớ (rememberance) nhưng nghĩa trong thiền là không bỏ quên thực tại hay tâm trọn vẹn với thực tại (mindfulness) nên nếu do nghiệp hay do tế bào não suy nhược thì có thể chuyện gì qua là quên ngay, nhưng với thực tại thì vẫn minh bạch. Vậy cần phải phân biệt giữa hai trạng thái quên mà vẫn minh bạch với quên mà lú lẫn.

10. 
Mục đích có sẵn rồi

Câu hỏi: Nam Mô A Di Đà Phật. Con bạch thầy. Con là một Ni trẻ. Con xin hỏi thầy những nghi vấn trong lòng con, xin thầy hoan hỉ. Thưa thầy năm nay con 25 tuổi con ở chùa từ nhỏ nhưng con mới xuất gia lúc 20 tuổi. Thầy ơi, mọi người đi tu ai cũng có lý tưởng, mục đích tu hành rõ ràng. Còn con sao con thấy mình không có mục đích gì cả. Đôi khi để ngày trôi qua không làm gì được cả. Đôi lúc con làm biếng, giải đãi, con biết có những việc không nên làm nhưng con lại không tự chiến thắng mình con tái phạm lần này đến lần khác. Con buồn lắm. Thầy ơi con phải làm sao đây?
Trả lời: Mục đích lý tưởng thì không cần thiết, bởi vì nó đã có sẵn nơi con, nếu con đặt một mục đích lý tưởng nào khácđể cố gắng đạt đến thì chính là con càng rời xa nó. Lười biếng không làm được gì cả lại càng tốt, bởi vì siêng năng "hướng ngoại cầu huyền" thì còn tệ hơn. Đức Phật dạy chẳng thà ngủ còn hơn nỗ lực làm sai bản chất thực tại của pháp.
Vậy những điều mà con tự trách không phải là vấn đề. Vấn đề của con là ở chỗ không biết sống "tùy duyên thuận pháp, vô ngã vị tha". Hàng ngày con cứ tùy duyên (tình huống, hoàn cảnh, điều kiện...) mà phục vụ cho chùa, cho bá tánh, ví dụ như con lau chùi quét dọn chùa cho sạch sẽ, nấu nướng cho Ni chúng ăn, ân cần tiếp Phật tử đến lễ bái, cúng dường hoặc hỏi đạo học pháp, biết yêu thương giúp đỡ mọi người, biết kính trên nhừng dưới v.v... tức là con đang sống vô ngã vị tha.
Đồng thời qua các hoạt động bình dị tự nhiên đó con thường trở về trọn vẹn trong sáng với thực tại đang là (biết mình biết cảnh một cách minh bạch ngay nơi hiện tại), biết thận trọng, chú tâm, quan sát vào mọi việc con đang làm thì tâm con sẽ phát huy được sự sáng suốt, định tĩnh, trong lành vốn có của nó. Và đó chính là mục đích có sẵn nơi con chứ không phải là lý tưởng ở tương lai hay ở một nơi xa xuôi nào đó bên ngoài.
Vậy Niết-bàn hay sinh tử đều ở nơi con, chỉ cần quay lại mà thấy (ehipassiko) thì trên thực tại đó (opanayiko) con có thể thấy ngay (sanditthiko) không mất thời gian (akàliko) mà con vẫn tự chứng (paccattam veditabbo) một cách bình thường. Đúng như một thiền sư đã nói: Tâm bình thường là đạo. Vậy con đừng ham muốn một lý tưởng bất thường hay phi thường nào cả, chỉ cần tự mình thắp đuốc mà đi (sống tỉnh thức). Thầy tặng con bài kệ:
Mục đích có sẵn rồi
Nào phải vọng xa xôi
Dặm trình thong dong bước
Hoa trắng nở 
ven đồi!

11. Sám hối thật sự

Câu hỏi: A-di-đà Phật, con thành kính tri ân những lời Thầy đã dạy con. Thưa Thầy, còn phần cuối câu hỏi của con về sự lỗi lầm mà con chưa vượt qua được. Thưa Thầy, có phương pháp nào để con tự sám hối mà tội lỗi của con cũng được tiêu trừ không? Kính mong Thầy dạy con. Con cám ơn Thầy. 
Trả lời: Trừ các bậc Thánh Alahán, không ai không có ít nhiều sai phạm trên hành trình tu tập, ngay cả các bậc Thánh Hữu Học vẫn còn sai phạm huống chi là người phàm. Giới luật là điều học giúp con thấy ra tính chất đạo đức trong hànhđộng của mình, nhờ đó con mới chuyển hóa được thái độ nhận thức và hành vi ngày càng thận trọng, tinh tế và trong lành hơn.
Vậy quan trọng không phải là có sai phạm hay không và phải sám hối như thế nào mà là qua đó con có học đượcđiều gì để thấy ra bản chất hành động của mình không. Nếu một người thường sai phạm nhưng nhờ đó mà thấy ra cái ngã vô minh ái dục để giác ngộ giải thoát thì còn hơn một người cố giữ không sai phạm rồi tự mãn với sự trong sạch của mình mà không thấy ra cái ngã vô minh ái dục càng lớn lên thêm.

Sám hối cũng tốt nhưng không phải để chạy tội. Gieo nhân thì phải gặt quả để học ra bản chất cái đúng cái sai, cái tốt cái xấu. Mục đích của sám hối là để tâm thanh tịnh trong sáng. Vì vậy sám hối thật sự phải là hành động biểu hiện sự chuyển hóa trong nhận thức bản chất hành vi đạo đức của mình, nhờ đó mà thấy ra được nguyên nhân lầm lỗi chứ không phải lo sợ hậu quả của nó. 

12. 
Chỉ cần biết mình để tự điều chỉnh nhận thức và hành vi 

Câu hỏi: 
Thưa Thầy con ở bên úc. Sao con tu hoài mà tham sân si ngày càng lớn. Con mệt mỏi lắm rồi. Hồi ở Việt Nam con học hành kém lắm. Qua đến Úc con có học vài năm, con biết mình rất kém, nhưng cứ bị ảo tưởng là con hay lắm. Con bị thất bại về tình yêu nên con bị khùng. Con biết mình không bình thường, hay bị ảo tưởng chi phối. Con ăn chay và ngồi thiền nhưng tham sân ngày càng lớn, mọi người xa lánh con. Mong Thầy giúp con, con có thể call Thầy trực tiếp được không? Thank. 
Trả lời: 
Biết mình như vậy là tốt. Chỉ cần biết mình để tự điều chỉnh nhận thức và hành vi chứ không cần tu luyện để đạt được gì, vì càng mong đạt tới lý tưởng tốt hơn là liền đánh mất bài học hiện thực. Mất thực tại thì không còn biết mình nữa, đó chính là vô minh và mong được như ý chính là ái dục, cố gắng rèn luyện để trở thành gì đó chính là tạo tác. Như vậy tham sân si càng tăng là phải rồi. Nên thận trọng chú tâm quan sát lại thân tâm thì pháp tự ổn. Con có thể gọi trực tiếp cho thầy nếu cần. 

13. Cứ để
 tâm thấy pháp một cách thuần tuý vô phân biệt...

Câu hỏi: Kính thưa Thầy! Lúc đầu con đến với Đạo, được nghe Thầy chỉ dạy, lúc đó con nhìn thấy mọi người xung quanh với những nghiệp quả mà họ phải chịu thì con nói thầm rằng: "đó là bài học mà họ phải học, đau khổ để thoát khỏi đau khổ", giờ thì con lại thấy khác. Con thấy con và họ rất giống nhau, đó là đều phải chịu sự chi phối của nhiều thứ như nhân quả, nghiệp báo... mà mỗi người phải chịu trong cuộc đời này. Con thấy trong họ có hình bóng của con, con thấy thương cho họ, rồi cũng thấy thương cho chính mình, có gì đó nó trào dâng trong con, cảm giác vừa bi vừa hoà đồng, gần gũi và cũng có chút buồn man mác nữa. Con không muốn phân tích, từ bỏ hay nắm giữ cảm giác này, chỉ trọn vẹn khi nó đến cho đến khi nó đi. Sau một năm hoc Đạo thì bây giờ con khác rất nhiều rồi ạ, từ thái độ, hành vi, cử chỉ, lời nói và con cũng có một thoáng suy tư rằng không biết khi xưa Đức Bồ Tát từ bỏ mọi thứ để ra đi thì Ngài có chắc là Ngài sẽ tìm được Đạo Giải Thoát hay không thưa Thầy? Con không biết là con có đang đi đúng đường không hay là lại lạc vào một cái ảo tưởng nào đó của Bãn Ngã về tu, về chứng, về từ, bi, trí, tuệ hay không nữa.
Con kính mong được sự khai mở của Thầy, con xin tri ân Thầy và chúc Thầy sức khoẻ! 
Trả lời: 
Đoạn đầu con diễn tả sự chuyển hoá của cái thấy thì rất thoáng, nhưng đoạn sau con lại phân vân nghi hoặc chứng tỏ con vẫn còn muốn "kết luận" về cái thấy "của mình". Như vậy trong con vẫn còn có cái "ta thấy" và "người được thấy" nên đó vẫn là thái độ phê phán, so sánh, kết luận... chứ chưa phải là tâm thấy pháp một cách thuần tuý vô phân biệt. Khi chỉ thuần thấy (Vipassanà) thì đúng nhưng khi phân vân nghi hoặc thì bản ngã đã xen vào, và không còn là tri kiến thanh tịnh nữa mà đã trở thành kiến thức kinh nghiệm rồi. Con chỉ thấy thôi rồi con sẽ phát hiện đâu là tánh thấy thuần tuý vô vi vô ngã, đâu là cái thấy còn ẩn tàng bản ngã lý trí, kiến thức và quan niệm rất tinh vi xảo quyệt. 

14. T
hận trọng, chú tâm, quan sát; sáng suốt, định tĩnh, trong lành.


Câu hỏi: 
Thưa Thầy, con nhờ Thầy giảng lại rõ cho con hiểu thế nào là: thận trọng, chú tâm, quan sát; sáng suốt, định tĩnh, trong lành. Con cảm ơn Thầy. 
Trả lời: Những từ đó tự nó đã đầy đủ ý nghĩa rồi đâu cần giảng thêm gì nữa con. Bây giờ con cần tự thể nghiệm để khám phá trên sự kiện thực, nếu con hiểu sai hành sai thì chính sự kiện thực sẽ giúp con điều chỉnh nhận thức lại cho đúng.
Thận trọng là cẩn thận, không lơ là chểnh mảng đối với thực tại đang là; chú tâm là tâm trọn vẹn với thực tại đang là, không bị phân tâm, không bị quá khứ, vị lai và ngoại cảnh chi phối; quan sát là thấy, nghe,... biết thực tại rõ ràng như nó đang là, không qua tư tưởng hay quan niệm nào.
Sáng suốt là tâm trong sáng minh bạch, không si mê, không mông muội, không vọng tưởng; định tĩnh là tâm lặng lẽ, an nhiên, tự tại, không loạn động, không phóng túng; trong lành là tâm thanh tịnh, trong sạch, không bị ô nhiễm bởi những hành động, nói năng, suy nghĩ bất thiện, hại mình hại người. 

15. Thận trọng, chú tâm, quan sát; sáng suốt, định tĩnh, trong lành...Yếu tố nào quan trọng?


Câu hỏi:

Kính thưa thầy, trong sống tùy duyên thuận pháp thì yếu tố nào quan trọng? Thận trọng, chú tâm, quan sát hay Sáng suốt, định tĩnh, trong lành? Hay là cứ tùy duyên mà cảm ứng? Sống thuận pháp có phải giống như "An mệnh thủ thường" theo thuyết Số mạng hoặc Định mệnh không? 
Trả lời:
Sáng suốt, định tĩnh, trong lành và thận trọng, chú tâm, quan sát đều phát xuất từ một góc, đó là TÁNH BIẾT. Khi không bị bản ngã che lấp tánh biết tự có ba đức sáng suốt, định tĩnh, trong lành, nên gọi là tự tánh giới định tuệ.Khi động dụng thì tánh biết tùy duyên ứng ra ba đức thận trọng, chú tâm, quan sát nên gọi là tùy dụng giới định tuệ. Như vậy tùy khi hữu sự hay vô sự mà tánh biết tự ứng, không phải là tính toán của bản ngã. Trong giới định tuệ chế định mới có bản ngã tu tập rèn luyện, nhưng trong tánh biết rỗng lặng trong sáng thì thì giới định tuệ sẽ tự ứng một cách tự nhiên khi không bị bản ngã che lấp. Trong pháp tu này phát hiện bản ngã và buông cái bản ngã lăng xăng ấy là điều tối trọng. Nếu "An mệnh thủ thường" hiểu theo nghĩa trên thì đúng, nhưng nếu là thái độ chấp nhận một cách buông xuôi, thả trôi theo số mệnh thì không đúng. Phát hiện đâu là cái ta ảo tưởng, đâu là thực tánh pháp gọi là MINH. Minh thì thấy pháp và sống thuận pháp chứ không buông xuôi theo định mệnh.

16. Thiền chính là trọn vẹn với cái đang là (chánh niệm)


Câu hỏi: 
Thưa thầy, con biết thiền là một việc cần thiết không những với những người tu hành, mà còn cả với những người theo học những bộ môn khác nữa. Theo con biết thiền cần phải tĩnh tâm và không suy nghĩ những chuyện vướng bận ngoài đời, nhưng con thì không thể không nghĩ gì dù chỉ 1 giây. Con phải làm thế nào để tĩnh tâm đây thưa thầy? 
Trả lời: 
Ý đồ "Làm thế nào để tĩnh tâm" đã làm cho con không tĩnh tâm được. Con không thấy đó chỉ là tiếng nói của cái ngã lăng xăng luôn "muốn được sẽ là" chứ chẳng là thiền gì cả sao? Chính ý nghĩ đó phá vỡ cái bình thường của thực tại đang là. Thiền không phải là phá vỡ cái đang là bằng cách tìm kiếm cái sẽ là, mà thiền chính là trọn vẹn với cái đang là (chánh niệm) với tâm rỗng lặng trong sáng. Chẳng có cái gì cần thiết hơn thực tại. Chỉ vì không thấy rằng ngay nơi thực tại đã có tất cả nên bản ngã mới loay hoay tìm kiếm bên ngoài. Và không có gì buồn cười hơn xem việc loay hoay đó của bản ngã là thiền!!!

17. 
Giác ngộ là thấy ra "hành trạng" cái tôi ảo tưởng

Câu hỏi: 
Thưa sư, cái "tôi" độc lập là một ảo tưởng. Cái tôi này tạo ra nhiều xung đột cũng như đau khổ, nhưng cũng tạo ra những khoái cảm, vui sướng dù nó xây trên ảo tưởng. Vậy thì làm sao người ta có thể loại bỏ nó khi xu hướng của tâm là tránh đau khổ và tìm kiếm khoái lạc? Làm sao cái "tôi", vốn là trung tâm nguồn gốc của đau khổ, có thể chấm dứt, khi cái tâm một mặt tránh đau khổ của cái tôi gây ra, mặt khác lại bám lấy những khoái lạc từ cái tôi đem lại như là sự tự hào, sự tự thể hiện...? Con thắc mắc điều này không phải thuần túy lý thuyết, vì con thấy rằng nhiều người tu tập với một ý thức giả định trước là cái tôi là cái có hại. Sự giả định này sẽ là chướng ngại cho sự tìm hiểu bản thân họ. Vậy phải chăng hiểu cái tôi quan trọng hơn là tìm cách giải tán cái "tôi", vốn xuất phát từ định kiến? 
Trả lời: 
Tất nhiên, tạo ra khổ lạc cũng là cái tôi, thích lạc ghét khổ cũng là cái tôi, có giả định hay định kiến về cái tôi cũng là cái tôi, nên vấn đề không phải là ý định hay nỗ lực "giải tán" cái tôi, vì đó cũng là hoạt động của cái tôi luôn. Nói chung, còn đứng trên quan điểm của cái tôi mà hành động, nói năng, suy nghĩ thì vẫn tạo ra thế giới ảo tưởng. Giác ngộ là thấy ra "hành trạng" cái tôi ảo tưởng ấy để nó không còn che lấp thực tại chân đế được nữa. Cái tôi ảo tưởng vốn không thực nên thật ra không cần phải "giải tán". Chỉ cần tỉnh ngộ thì liền thấy ra nó không có thật. Cái tôi ảo tưởng ví như người trong mộng, cứ tưởng mình khổ vui theo giấc mộng, khi tỉnh dậy thì mộng chỉ là mộng mà thôi, đâu có gì mà phải nhọc công "giải tán"! Còn cứ ở trong mộng mà luận bàn thực hư thì vẫn là mơ mộng.

 18. Giải thoát là giải thoát khỏi bản ngã mong cầu, chứ không phải đạt được mong cầu giải thoát của bản ngã.


Câu hỏi: Thưa thầy. Dạo trước, con hay quán nghiệp theo cách: thấy tâm loạn, không diệt trừ, biết là do nghiệp và chân thành sám hối. Nhưng con thấy quán nghiệp như vậy cũng không có kết quả lắm vì tâm bất thiện vẫn khởi liên tục. Vọng niệm vẫn cứ dắt con đi. Con không biết cần áp dụng Pháp nào để hỗ trợ được ạ? Và gần đây, khi con phát hiện trong tâm khởi lên bất thiện pháp, con thấy nó là bất thiện pháp, con không làm theo bất thiện pháp này, và kiên quyết loại bỏ nó. Vậy có phải là con đang "ức chế tâm" không ạ? Con thành kính lạy thầy ạ! 
Trả lời: Sai lầm của bạn là cứ loay hoay giải quyết, cố gắng ổn định, nôn nóng đạt được kết quả như ý. Tất cả hoạt động này đều phát xuất từ cái ta ảo tưởng, vì vậy bạn không đủ bình thản và kiên nhẫn để thấy được thực tánh pháp theo thiền Vipassanà hay thiền kiến tánh. Phải chăng bạn muốn tâm an ổn để được thường, lạc, ngã? Nhưng nếu không có các pháp xuất hiện trong tâm bạn thì làm sao thấy được bản chất vô thường, khổ, vô ngã của các pháp ấy, làm sao bạn thấy được đâu là khổ, đâu là nguyên nhân gây khổ, đâu là sự chấm dứt khổ và đâu là những yếu tố chấm dứt nguyên nhân gây khổ; làm sao bạn thấy được nghiệp và nghiệp quả vận hành thế nào?.... Nói tóm lại bạn muốn có đáp số của một bài toán khó ngay mà không muốn thông suốt được toàn bộ những vấn đề khúc mắc mà bài toán đưa ra. Do đó Luận Bảo Vương Tam Muội nói rằng: "Nghiên cứu tâm đừng cầu dễ dãi, dễ dãi thì không thể nào thấu triệt được vì quá nôn nóng muốn vượt cấp." Sai lầm cơ bản là bạn đặt giải thoát trước giác ngộ, mà trên thực tế bạn phải giác ngộ mới có giải thoát. Hơn nữa giải thoát là giải thoát khỏi bản ngã mong cầu, chứ không phải đạt được mong cầu giải thoát của bản ngã.

Nguồn: http://www.trungtamhotong.org/index.php?module=faq