PHẬT GIÁO đã và đang biến dần thành tín ngưỡng


Kính thưa Thầy, trước nhất con xin thành kính tri ân Thầy đã giúp con hiểu và giải tỏa những thắc mắc qua mấy lần hỏi Thầy. Con đã làm theo lời Thầy dạy, thêm nữa là con luôn quan tâm tới mục Hỏi đáp Phật pháp của Thầy và quý đồng đạo. Nay con đã hoàn toàn yên tâm là đã đủ duyên đến với chánh pháp, chỉ còn luôn chuyên tâm hành trì, tiếp tục học hỏi và nương theo lời Thầy chỉ dạy cho mọi Phật tử.
Thưa Thầy, con xin Thầy giải thích 1 vấn đề, con nghe nói rằng hàng đêm luôn trì tụng Chú Đại Bi, niệm Phật, niệm Bồ-tát,... thì sẽ được vạn hạn tiêu trừ, được phước ba đời, mọi đau khổ sẽ biến mất, hơn nữa khi chết sẽ được lên Niết-bàn.
Vậy xin Thầy giảng cho con hiểu ý nghĩa và tác dụng của các bài Kinh nói trên vì con thấy những lời giảng trong Kinh Tiểu Bộ và Trung Bộ không có như vậy thưa Thầy.
Rất mong được Thầy hoan hỷ giúp con. Con xin tri ân và chúc Thầy sức khỏe. Nam-mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật.


Trả lời: Mục đích tu hành không phải để được phước báo ba đời hay để tiêu tai trừ hạn. Một Đạo Phật trí tuệ lấy tâm tỉnh giác để thấy ra thực tánh và sống với thực tánh ấy, sau khi Phật Tịch Diệt đã biến thành tôn giáo, lấy kinh điển, chữ nghĩa, giáo điều làm kim chỉ nam cho việc tu tập, nên được gọi là Phật giáo, như thế là đã ít nhiều thoái hóa rồi. Thế nhưng, giờ đây tôn giáo ấy cũng đã và đang biến dần thành tín ngưỡng của các Tông môn, Hệ phái... không còn giới định tuệ, bát chánh đạo... làm gốc nữa mà chỉ còn biết tụng kinh, trì chú, niệm tha lực Bồ-tát để cầu được ban phúc cứu khổ, điều mà ngày xưa đức Phật đã vạch trần hoạt động của ngoại đạo trong Kinh Sa Môn Quả, Kinh Phạm Võng và rất nhiều pháp thoại khác của Ngài. Phải chăng Đạo Phật đang hưng thịnh với hàng tỷ tín đồ hay đang đi quá sâu vào thời mạt pháp?

Hỏi Đáp: Trung Tâm Hộ Tông


                                   

Sau khi Đức Phật nhập Niết-bàn, Đạo Phật bắt đầu được vận dụng cho thích nghi với trình độ căn cơ của quần chúng. Những nguyên lý giải thoát trong thời Nguyên Thủy được cụ thể hóa cho phù hợp với sinh hoạt xã hội. Đó là những phương tiện thiện xảo tiếp độ quần sanh.
Nhưng khi đã vận dụng thành phương pháp cụ thể kèm theo những hình thức nghi lễ, luật tắc thì không tránh khỏi hiệu ứng hai chiều. Chiều thuận là chuyển hóa quần chúng dần dần vào đạo. Chiều nghịch là làm khô chết nguyên lý linh động ban đầu, khiến cho người ta chỉ còn lệ thuộc hình thức, chẳng thấy nội dung, chấp chặt phương tiện bỏ quên cứu cánh. Sự chân thành, trang nhã, tinh khiết, giản dị, trong sáng, bình lặng lúc đầu mà phương tiện trà đạo muốn cống hiến, dần dần chỉ còn là cách pha trà, cách nâng chén... như một thứ nghi lễ trình diễn bên ngoài.
Nếu chỉ giữ nguyên lý (thiên) thì quá xa với quần chúng. Nếu vận dụng thành phương tiện (địa) thì đã rơi vào hình thức. Chỉ có người thức ngộ mới có thể thể hiện nguyên lý mà không lệ thuộc vào hình thức, sử dụng hình thức mà không rời xa nguyên lý trong mỗi nhịp sống hài hòa (nhân). Đối với họ, không có cái gì không phải là Đạo. Không có hành động nào không trong sáng hồn nhiên và lặng lẽ.
Ngày kia có người hỏi :”Cái gì là Đạo?”
Thiền Sư trả lời :”Thế ngươi nói cái gì không phải là Đạo?”

Bài Pháp trên được giảng từ câu chuyện "
Trà Đạo"


Khách đến viếng một trà thất, chủ nhân tiếp đón theo nghi phong trà đạo Nhật Bản. Khách thì lại cứ rót trà uống tự nhiên không theo luật lệ nào cả.
Thấy vậy, chủ nhân khéo léo thuyết minh về trà đạo, về cách pha trà và phong thái uống trà v.v...
Nghe xong, khách nói:
- À, thì ra trà đạo là vậy! Tôi cứ tưởng đạo trà là khát thì uống thôi chứ.
Rồi khách xuất khẩu ngâm:
Xưa nay trà là đạo
Khát chỉ việc uống thôi
Nghĩ thêm trà với đạo
Đầu thượng trước đầu rồi!

                                                           
(Viên Minh)
  

Mọi người đều muốn Niết bàn, nhưng nếu ta nói cho họ biết rằng Niết bàn chẳng có chi cả thì họ sẽ bắt đầu suy nghĩ. Nhưng Niết bàn thực sự là chẳng có gì cả, hoàn toàn không có gì cả. Hãy nhìn xem cái mái nhà, cái nền nhà này. Thử nghĩ rằng mái nhà là cái có, cái hiện hữu và nền nhà cũng là cái có, cái hiện hữu. Bạn có thể đứng trên mái nhà hay trên nền nhà, nhưng bạn không thể đứng ở khoảng không giữa mái nhà và nền nhà. ở đâu không có cái có thì ở đó trống không. Nếu nói một cách trực tiếp, ta nói Niết bàn là sự trống không này. Nghe nói như vậy, người ta sẽ thụt lùi một bước. Họ không muốn tiến tới. Họ sợ vào Niết bàn sẽ không còn nhìn thấy con cái và thân bằng quyến thuộc. Bởi thế mỗi khi chúng tôi chúc phúc cho thiện tín, cầu mong các thiện tín sống lâu, sắc đẹp, yên vui và sức mạnh thì họ sẽ rất sung sướng. Nhưng nếu bắt đầu nói với họ về sự xả bỏ và trống không thì họ chẳng muốn nghe. Có khi nào bạn thấy một người già, già khụm, có sắc đẹp, khỏe mạnh và yên vui không? Nhưng khi chúng tôi chúc họ sống lâu, sắc đẹp, an vui, sức mạnh thì tất cả đều vui mừng và hài lòng. Họ đã dính mắc vào sự có, sự trở thành; dính mắc vào sinh và tử. Họ muốn đứng ở trên mái nhà hay ở trên nền nhà, hiếm có người nào dám đứng ở giữa khoảng trống không. 

(Ajahn Chah )

Chỉ cần một ít trí tuệ trực giác, chúng ta có thể thấy rõ thế gian pháp. Chúng ta sẽ thấy rõ ràng rằng tất cả mọi chuyện trên cõi đời này đều là thầy của chúng ta. Cây và dây leo, chẳng hạn, có thể cho ta thấy rõ chân lý của sự vật. Khi đã có trí tuệ thì chẳng cần phải học hỏi ai và chẳng cần phải học hỏi gì nữa, chỉ cần học hỏi ở thiên nhiên cũng đủ để ta giác ngộ.

Nguồn: www.trungtamhotong.org