Những bài pháp ngắn (14) [THẦY VIÊN MINH]


        
CHÁNH ĐỊNH và TÀ ĐỊNH


Chánh Định là định thuộc giới định tuệ đưa đến giác ngộ giải thoát. Tà định là Định hướng đến mục đích khác. Tà không hoàn toàn có nghĩa là xấu ác mà chỉ có nghĩa là không đưa đến giác ngộ giải thoát thôi. Tà định có tính chất hữu vi, hữu ngã và vị kỷ. Chánh định là định vô vi, vô ngã và vị tha hay ít nhất cũng không vị kỷ. 

***

Khi nói đến trạng thái định thì nó thuộc định luật tâm (citta niyāma) nên chỉ phân biệt theo đối tượng và thiền chi chứ không phân biệt chánh hay tà. Ví dụ, sơ thiền hữu sắc có đối tượng là quang tướng và chi thiền nổi bật là tầm, tứ, hỷ, lạc, nhất tâm; trong khi sơ thiền vô sắc có đối tượng là tưởng “hư không vô biên” còn chi thiền nổi bật là nhất tâm và xả, dù chánh hay tà cũng đều như vậy.
Khi nói chánh định và tà định là đã bước qua lãnh vực định luật nghiệp (kamma niyāma), được phân biệt theo động cơ và mục đích. Nếu động cơ hành thiền định là tham, sân, si và mục đích là để thọ lạc hoặc quyền năng thì đó là tà định. Ngược lại, nếu động cơ là vô tham, vô sân, vô si và mục đích là giác ngộ giải thoát thì đó là chánh định. Mặt khác, thiền định nào bành trướng bản ngã là tà định, thiền định nào loại trừ bản ngã là chánh định.



       
                 
CHÁNH ĐỊNH và THÁNH ĐỊNH

Về đối tượng và chi thiền thì vẫn không khác, chỉ khác ở chỗ chánh định là nói chung tâm định chơn chánh, nhưng thường ám chỉ định của người chưa chứng đắc bậc Thánh. 
Còn Thánh định cũng là định đó khi hành giả đã chứng đắc bậc Thánh. Ví dụ, bạn chứng sơ thiền với động cơ và mục đích tốt thì gọi là chánh định, sau đó bạn đắc một trong bốn Thánh Quả thì sơ thiền đó được gọi là Thánh định. Bạn cần lưu ý điểm này: Không có Thánh định nào để hành cả. Giác ngộ không phải do định mà do tuệ giác, định chỉ hỗ trợ thôi. Vì vậy không có Thánh định để hành, chỉ sau khi Tuệ Đạo, Tuệ Quả thành tựu thì định mới được gọi là Thánh định mà thôi.

                 
                       
Chân 
Đế và Tục Đế

Trong pháp chân đế (paramattha sacca)nghĩa là pháp tánh tự nhiên là sự thật như nó là, mới luôn tồn tại 2 mặt không thể lấy bỏ.

Còn tục đế (sammuti sacca) là sự thật do quy ước mà nhiều người chấp nhận pháp quy ước chế định do khái niệm không thực tạo ra thì nó có tồn tại thực đâu mà lấy hay bỏ.

Ví dụ:
1. Chất liệu tờ giấy in bạc là chân đế còn tờ bạc được định giá 100 đồng là tục đế.
2. Trang Chu chiêm bao thấy mình là bướm, vì vậy không biết mình là bướm hay Trang, bởi vì Trang Tử muốn nói rằng cả bướm và Trang đều cũng chỉ là cái ảo của tục đế. Khi vô minh thì chấp có bướm có Trang, khi minh thì thấy cả bướm lẫn Trang đều là ảo, và ngay đó Trang cũng đồng thời thấy ra chân đế tự nhiên. Nếu con chưa thấy chân đế thì những lý luận của con chỉ mất thì giờ vô ích mà thôi! Còn nếu con thật sự tinh tấn chánh niệm tỉnh giác thì đã thấy ra chân đế rồi còn lý luận làm gì nữa? Vậy con hãy xem lại con đang chánh niệm tỉnh giác hay đang tìm ảo tưởng trong ảo tưởng "vì con tin chắc chẳng thể tìm chân đế ngoài tục đế được". Con đừng nhầm quan niệm đó của con với lời Lục Tổ Huệ Năng: "Phật pháp bất ly thế gian giác" chứ? Câu nói nổi tiếng này có nghĩa là giác ngộ được tục đế là ảo tức thấy chân đế hoặc đã thấy chân đế rồi thì không còn cho tục đế là thực nữa, chứ không phải chân đế nằm trong tục đế hay ngược lại. 

Audio :Từ chân đế đến Tục đế


                               

TÁNH ĐẾ và THÁNH ĐẾ

Tánh đế là thấy biết thực tánh của pháp ( thấy biết Pháp như nó đang là...)
Thấy biết tánh Đế (Sabhàva Sacca) thì gọi là tuệ tri...
Thánh Đế (Ariya Sacca) là thấy biết thực tánh của Pháp [tánh biết vô ngã ( tự nhiên) thấy Pháp ]
Khi chánh niệm tỉnh giác đã đến mức trong sáng thuần thục. Nói cách khác, khi tâm con có thể hoàn toàn buông xả, tỉnh thức đủ để tri kiến phát hiện ngay lập tức sự tập khởi của nhân sinh khổ và hậu quả khổ đau của nó. Đồng thời, thấy sự đoạn diệt của phiền não khổ đau khi nhân sinh khổ không tập khởi. Nếu sự kiện thấy biết này xẩy ra còn yếu thì chỉ mới khai mở những tuệ tri thấp, nhưng nếu sự thấy biết này đúng mức thì đó là lúc có thể thực chứng Đạo Quả.
Thấy biết Thánh Đế thì gọi là liễu tri.
Thực tánh Chân Đế được giác ngộ ra khi không còn bản ngã chính là Niết-bàn và tất nhiên tánh biết lúc đó là hoàn hảo nên được gọi là Tuệ Giác (Tuệ Đạo, Tuệ Quả). Đức Phật dạy chính Tuệ Giác - Tánh Biết Hoàn Hảo - này biết rõ Niết-bàn là Niết-bàn nên không hỷ ái Niết-bàn, không xem Niết-bàn là ta, của ta hay tự ngã của ta. Vì vậy, khi không còn cái ta ảo tưởng thì Tánh Biết và Pháp là Niết-bàn Viên Giác, và điều này chứng tỏ rằng dù có bản ngã hay không bản ngã thì Pháp vẫn vậy, chỉ có cái ta ảo tưởng là luân hồi sinh tử và sầu bi khổ ưu não mà thôi.

                                           

TÁNH BIẾT TỰ NHIÊN và CÁI BIẾT HỮU NGÃ

Tánh Biết tự nhiên chính là cái biết của trí tuệ qua thấy biết trực tiếp (biết trở về trọn vẹn trong sáng với thân tâm). Còn gọi là thấy biết thực tánh chân đế (paramattha). Khi biết thực tánh thì không qua khái niệm và không phản ứng tạo tác (không làm: vô vi, hoặc làm mà không tạo tác: duy tác).

Cái biết hữu ngã chính là cái biết của lý trí qua kiến thức gián tiếp. Kiến thức có được nhờ học hỏi thông tin qua chữ nghĩa...biết trong khái niệm chế định (paññatti)....Khi biết khái niệm chế định thì có hai cách: Một là làm thiện theo nhu cầu cần thiết, hai là làm bất thiện theo tà kiến và tham ái.


                        

HỮU VI và VÔ VI

 Hành theo giới định tuệ là vô vi.

 Hành theo tham sân si là hữu vi. 
 Giới là KHÔNG làm việc ác. 
 Định là tâm KHÔNG loạn động. 
 Tuệ là KHÔNG vọng niệm, cho nên hành theo giới định tuệ là con đường KHÔNG, VÔ TƯỚNG, VÔ TÁC, VÔ CẦU nghĩa là vô vi vậy. 
Khi bản ngã khởi lên tư tưởng tham sân si tức là vô minh ái dục có mặt thì liền có hành động tạo tác để trở thành, đó gọi là hữu vi.




TÂM và PHÁP


Trong phương diện thực tánh chân đế, tâm và pháp vốn hoàn hảo, nên nếu trở về với tự tánh thì có thể lập tức "đốn ngộ" nên Pháp mới được gọi là sanditthiko, akāliko, ehipassiko... (thực tại hiện tiền, vượt khỏi thời gian, trở về là thấy...). Đó là cái ngộ của vô sư trí. Thấy ngã như nó là, thấy pháp cũng như nó là thôi thì ngã hay pháp gì tâm cũng không chấp, không ngại. Đó chính là thái độ rỗng lặng trong sáng trước mọi hiện tượng duyên khởi của vạn pháp.
Pháp vốn tự nhiên và tánh biết cũng tự nhiên thấy pháp. Khi ta ảo tưởng xen vào thì nó cho là ta biết, từ đó có ý chí nỗ lực rèn luyện để trở thành "như ý của ta". Nhưng trong thực tánh tự nhiên của pháp thì một hạt giống sẽ nẩy mầm, ra lá, đâm chồi... rồi lớn lên và đương nhiên ra hoa kết trái. Cứ sống tự nhiên với tâm rỗng lặng trong sáng để thấy ra tất cả pháp thì lúc đó thần thông cũng chỉ là chuyện bình thường như ra hoa kết trái.
Pháp luôn luôn mới, chỉ có tâm thức lặp lại cái đã qua nên mới cũ thôi. Khi tâm thức con diễn dịch, dự đoán, lặp lại... con hãy trở về lắng nghe lại nó thì nó chính là hiện tại, là thực tại đang là, nhưng nếu con chạy theo nó thì con liền quên mất hiện tại mà cũng là quên mất chính con.

Tâm bình pháp cũng bình
Tâm sinh pháp liền sinh
Sống tùy duyên thuận pháp
Tâm pháp thảy đều MINH.



                      


TƯỚNG KHÔNG, TÁNH KHÔNG và PHÁP KHÔNG, TÂM KHÔNG

- Tánh không rốt ráo là bản chất đang là của pháp, không bị ý niệm, nhất là ý niệm bản ngã tham-sân-si (vô minh, ái dục) che lấp. Khi không bị bản ngã tham-sân-si che lấp thì tất cả pháp đều là chân không diệu hữu chứ không phải là không có gì cả.
- Quán tưởng về tánh không thì chỉ thấy tướng không,
quán chiếu trực tiếp trên thực tại mới thấy tánh không rốt ráo.
(Quán tưởng là suy nghĩ về đối tượng thông qua những khái niệm, còn quán chiếu là lặng lẽ chiếu soi trực tiếp trên đối tượng không qua khái niệm nào.

- Tâm không là nói đến sự rỗng lặng trong sáng của tâm không bị cái ta ảo tưởng (bản ngã tham sân si) chi phối,che lấp, trói buộc hay sai sử, nên còn gọi là Ngã không.

- Còn Tánh không là nói đến cả hai tâm không và pháp không. Khi tâm không thì thấy được pháp không nên lúc đó được gọi là tánh không.



                     
HỮU THỨC và VÔ THỨC

Vô thức là unconsciousness và tiềm thức là subcnonsciousness. Trong Vi Diệu Pháp từ Bhavanga (hữu phần) và trong Duy Thức học từ Alaya (a-lại-da) có thể xem là tương đương với tiềm thức trong phân tâm học (psycho-analysis) hay tâm lý học (psychology) phương Tây. Tiềm thức hoạt động một cách vô thức so với những hoạt động hữu thức. Khi một người hành động một cách không ý thức cũng được xem là bị điều khiển bởi những khuynh hướng xung động vô thức xuất phát từ tiềm thức. Trong Phật giáo những khuynh hướng vô thức này được gọi là tập khí hay pháp ngủ ngầm (anusaya) trong bhavanga.

***
Vô thức cũng có chức năng ngấm ngầm xử lý tiếp những tình huống mà hữu thức chưa xử lý xong. Do đó lắm khi vô thức xử lý chính xác và tài tình hơn hữu thức nhiều. Điều này chứng tỏ rằng tánh biết có khả năng hoạt động cả trong lãnh vực hữu thức lẫn vô thức.
Giấc mơ thường thực hiện những ý tưởng mà ban ngày không thực hiện được, điều này giúp giải tỏa những căng thẳng do áp lực của những ý tưởng bức xúc ban ngày. Sự thực hiện của những giấc mơ loại này thường là hư cấu.

***
Những bất an chính là những xung động vô thức. Có khá nhiều tập khí được đưa vào bhavanga trong tình trạng thiếu tỉnh thức nên khi nó khởi lên dưới hình thức những khuynh hướng xung động thì mình không biết được nguyên cớ từ đâu. Nếu nó xuất hiện qua thân thì chiêm nghiệm thân, qua thọ thì chiêm nghiệm thọ, qua tâm thì chiêm nghiệm tâm v.v... để thấy rõ những cảm xúc ấy như chúng là... Đó cũng là cách mà phân tâm học gọi là hữu thức hóa vô thức để đưa những xung động vô thức ấy ra ánh sáng của tỉnh giác.