KHÁM PHÁ CÁI THỰC



Thuở xưa, khi Đức Phật thuyết giảng cho một vị nào đó, một cư sĩ hay một bậc xuất gia, chỉ với một thời pháp rất ngắn, thậm chí đôi khi chỉ vài câu kệ, mà vị đó, hoặc là đắc pháp nhãn hoặc là thành tựu con đường tu tập của mình ngay tại chỗ. Chúng ta ngày nay, kinh điển quá nhiều, hết tông phái này đến tông phái khác. Chúng ta đọc tụng rất nhiều, thu góp chữ nghĩa rất nhiều mà không tiêu hóa được bao nhiêu, không ít người còn chẳng tiếp thu được gì cả, thậm chí còn phản tác dụng nữa là khác vì họ đã hiểu sai, hành sai ý Phật, ý Tổ.Tại sao vậy?

Tại vì chúng ta kẹt nơi rừng văn tự, chữ nghĩa và tư kiến. Chúng ta xông xáo bới tìm trong rừng văn tự chữ nghĩa ấy để mong hiểu nghĩa. Và chính vì kẹt nơi nghĩa ấy mà chúng ta thực sự không thấychánh pháp là gì, cái thực là gì! Đấy là điều bi đát, những thảm kịch cho hàng muôn người học Phật thời nay, cả Việt Nam và trên khắp thế giới. Thời mạt pháp thấy được chánh pháp thì quả là hy hữu! Hy hữu không phải là không có. Chỉ khi nào chúng ta có được căn cơ trình độ rất là tốt, một cái duyên rất là đầy đủ thì may ra chúng ta mới có thể từ cành, nhánh, ngọn mà tìm về cái gốc, tìm thấy cái gốc. Cái gốc, xin lặp lại, là chánh pháp vậy.
Thật ra, chúng ta không cần phải học nhiều kinh điển. Học ít nhưng mà phải thấy được cái gốc. Thấy được cái gốc rồi, chúng ta sẽ có được căn bản vững vàng, sẽ có được cái nhìn phóng khoáng. Khi ấy, chúng ta có thể nghiên cứu, tìm đọc bất cứ tông phái nào, tông chỉ nào, kinh điển nào mà không còn sợ bị kẹt vào đâu cả. Ấy là điều chúng ta cần phải thảo luận với nhau. 

***
Chúng ta học Pháp, trong tinh thần khám phá cái thực thì chớ nên lệ thuộc vào kinh điển Nguyên Thủy, Đại Thừa, Tiểu Thừa hay Thiền Tông gì gì cả. Kinh luận là ngón tay chỉ mặt trăng, nghĩa là phương tiện để chỉ bày cái thực mà thôi. Nếu chúng ta dừng lại nơi kinh điển, không thấy được cái thực, thì kinh điển trở thành trống rỗng, vô dụng hoặc là phản tác dụng nữa là khác.
Có lẽ nhiều vị chưa bỏ được thói quen sùng kính kinh điển, nên mới nghe nói “trống rỗng” là quý vị sợ rồi. Nói như ông thợ mộc kinh điển chỉ là cặn bã của Thánh nhân mà thôi. Câu chuyện ông thợ mộc như thế này:
Hồi xưa có một ông thợ mộc đến cung điện đẽo bánh xe cho Đức Vua. Thấy Đức Vua đang trang nghiêm chăm chú đọc cái gì đó, bèn hỏi?:
Tâu bệ hạ, bệ hạ đang đọc cái gì vậy?
Vua đáp:
À, trẫm đang đọc kinh điển của Thánh hiền.
Ông thợ mộc cười nói:
Làm gì có chuyện đó, thưa bệ hạ! Đó chỉ là cặn bã của Thánh nhân mà thôi!
Vua tức giận:
Này, này! Đừng có láo xược! Sao ngươi dám nói như vậy! Nếu giải thích không trôi thì trẫm chém đầu, rõ chưa?
Ông thợ mộc vẫn bình tĩnh, trình bày với Đức vua:
Tâu bệ hạ! Thần có đứa con trai. Bởi thần là thợ mộc giỏi nên thần cố truyền nghề cho đứa con trai yêu dấu. Thần bảo nó cầm búa như thế này, cầm đục như thế này, đẽo như thế này, cưa như thế này… sự tinh xảo là ở những gốc độ như thế này này…. Thần đã cố gắng cặn kẽ chỉ bày từng li từng tí, từng động tác một, từng bí quyết một. Vậy mà nó vẫn không học được hết những thiện xảo của thần muốn trao truyền. Đấy mới chỉ là cái nghề thợ mộc bình thường, huống chi cái chuyện “Thánh Nhân”. Thánh Nhân là cái gì tâu bệ hạ. Ôi! Cả một đời sống siêu phàm, nhận thức cao việt, trí tuệ minh triết, nghĩa là toàn bộ, tất cả cuộc đời phong phú, sinh động của một vị Thánh – chỉ được ghi trong vài hàng, vài câu ngắn gọn, khô chết của văn tự; đó là chưa kể phần nhiều là hư cấu, mà Đức Vua có thể hiểu được cả con người của vị Thánh sao, thưa Đức Vua?
Thế là nhà Vua phải công nhận kiến giải của ông thợ mộc là đúng. Cho nên chúng ta đừng câu nệ hay sùng kính kinh điển một cách quá đáng. Kinh điển của Phật, của Thánh nhân, của các vị Thiền sư đắc đạo thì tất nhiên là đáng kính, đáng học, nhưng không phải kinh điển nào cũng đáng tin cậy. Kinh điển nào chỉ thuần là quan niệm, tư kiến, luận thuyết, lý tưởng thì chỉ có thể thỏa mãn những tầm cầu của lý trí vọng thức chứ không giúp chúng ta thấy được cái thực, vì thế không nên tin tưởng, sùng kính một cách hoàn toàn. Phải để mọi tình cảm thiên vị, mọi tư kiến, quan niệm và ngôn ngữ qua một bên để trả kinh về với vô ngôn thì chân lý sẽ tự hiển bày. Cho nên, khi một vị Thánh đã hoàn toàn giác ngộ, thường tuyên bố rằng: “Bây giờ lời dạy của Đức Phật không còn trống rỗng (như chỉ là một mớ ngôn từ) nữa”.
Giống như một ngân phiếu không có tiền bảo chứng, hoàn toàn vô giá trị, chỉ khi nào có tiền trong ngân hàng thì thẻ tín dụng ấy mới không còn trống rỗng nữa. Cũng vậy, khi nào chưa thấy cái thực thì kinh điển vẫn còn là một kho ngôn ngữ trống rỗng. Và chính Đức Phật cũng dạy vậy: “Pháp như chiếc thuyền đưa người qua sông. Pháp còn phải bỏ huống hồ phi pháp”.Chánh pháp cũng phải bỏ huống chi tượng pháp, mạt pháp và phi pháp.
Học đạo qua kinh điển chúng ta cần phải biết hoài nghi. Đọc một quyển kinh, chúng ta sẵn sàng nghi ngờ nó chứ không phải tin tưởng cả trăm phần trăm. Ví dụ đọc Thiền Tông chúng ta tin hoàn toàn thì không những sai lầm mà còn tự hại! Không phải tất cả những gì ghi trong các ngữ lục đều đúng hết đâu, có nhiều tác giả chỉ mới theo lý mà viết chứ không phải vị nào cũng ngộ cả đâu. Người cả tin thì đâu có biết được ai ngộ ai không. Cho nên “giả” mà cũng cứ cho là“thiệt”, khổ vậy! Bởi thế phải biết nghi ngờ, phải mổ xẻ, phân tích, xét lại và nhất là kiểm chứng để khỏi bị lừa. Phân tích và thể nghiệm để kiểm chứng là thái độ nghiêm túc đối với người học Phật. Đức Phật đã dạy như vậy trong Kinh Kālama rằng: “Đừng có tin bất cứ điều gì do được nghe lại (anussava = truyền thuyết), được tương truyền (paramparā = truyền thống), được đồn đãi (itikirā), được kinh điển truyền thừa (piṭaka sampadāna), do lý luận (takkahetu), do suy diễn (nayahetu), do kết luận (ākāraparivitakkena), do hợp với định kiến (diṭṭhinijjhānakkhantiyā), do áp lực uy quyền (bhavyarūpatāya), do vị ấy là thầy ta (no garū). Chỉ khi nào tự mình biết rõ pháp này là bất thiện… đưa đến khổ đau bất hạnh thì hãy từ bỏ… Pháp này là thiện… đưa đến hạnh phúc an lạc thì hãy chứng đạt và an trú”. Vậy đừng vội tin bất cứ điều gì mà phải xem xem điều đó cóđúng với thiện (chánh) pháp hay không cái đã. Đó là cách thực nghiệm để thấy nhân quả.
Một cách khác là phải tự mình biết đó là chân nghĩa pháp tuyệt đối hay chế định pháp tương đối.Như vậy có nghĩa là chúng ta phải biết đối chiếu, so sánh với thực tánh pháp tức là cái thực, thực tại hiện tiền. Nhưng khi nói đến đối chiếu, so sánh thì coi chừng vô tình rơi vào con đường lý luận của lý trí (tỷ lượng) hay vọng thức (phi lượng). Đối chiếu ở đây chính là quán sát, thể nghiệm trực tiếp xem điều đó có đúng là một thực kiện hay chỉ là giả định, qui ước. Điều này rất quan trọng, rất cơ bản. Bây giờ chúng ta hãy lấy một ví dụ: Trước mặt chúng ta là cái ly nước này nên khi nói: “đây là cái ly nước”, thì chúng ta có thể đối chiếu cái tên gọi là ly nước với cái ly nước thực ngay đây mà chúng ta có thể thấy được bằng mắt, sờ được bằng tay… như thế này. Chính cái ly nước cụ thể đang hiện hữu đây là cái thực, dù không cần phải nói đây là cái ly nước. Nhưng khi nghe nói : “đây là cái ly nước” mà ở đây không có ly nước nào cả thì đừng có vội tin, vì chẳng có cái thực nào để đối chiếu cả. Nếu không có cái ly nước thực để đối chiếu, thì muôn đời chúng ta chỉ biết cái ly nước qua những ý niệm mà chúng ta đã từng góp nhặt, qua kinh nghiệm, từng mảng vụn vặt trong ký ức mà thôi. Tệ hơn nữa là chỉ biết qua ý niệm của người khác, rồi người khác, người khác nữa v.v… Thế là cả một chuỗi ý niệm biến dạng, méo mó chồng chất lên nhau! Bấy giờ không phải là một “cái đầu” mà hàng ngàn cái “đầu thượng trước đầu” nên cái thực – pháp – đã bị đẩy vào bóng tối của thế giới ý niệm.
Có người hiểu đối chiếu với pháp tức là đối chiếu với lời dạy của Đức Phật được ghi lại trong kinh điển. Dĩ nhiên là đúng, nhưng đối chiếu bằng cách nào? Khi chúng ta đọc kinh, mỗi người hiểu một cách khác nhau nên những điều chúng ta hiểu về kinh chưa hẳn là điều mà kinh muốn nói. Cứ suy gẫm mà xem, những điều chúng ta hiểu về kinh thì chỉ là cái biết của chúng ta về kinh mà thôi. Kinh là để chỉ ra cái thực. “Tất cả kinh giáo như ngón tay chỉ trăng” chứ không phải là trăng. Kinh nói về sự thật chứ không phải là sự thật. Như vậy, khi chúng ta đọc kinh, rồi hiểu theo ý mình thì lại càng xa sự thật biết bao, huống hồ hiểu kinh qua cái hiểu của người khác nữa thì thật là muôn dặm trùng quan, phải thế không? Chúng ta có thể tin lời Phật dạy trong kinh là đúng nhưng thường là chúng ta tự rơi vào cái bẫy lý trí của chính mình: Tin vào điều mình hiểu mà cứ tưởng là đã tin kinh. Vậy thì tốt hơn là đừng vội tin kinh. Vì “Tận tín thư bất như vô thư”. Chẳng những không vội tin mà còn phải nghi ngờ. Cả vị thầy giảng kinh thật hay chúng ta cũng đừng vội tin cho đến khi chúng ta có thể chứng thực được điều đó. Học đạo thì chẳng nên tin tưởng vào thầy một cách quá đáng, vì thực ra khi chúng ta chưa thấy sự thật thì lời dạy của thầy dù có đúng cũng trở thành thuần túy ý niệm qua nhận thức tạp tưởng của chúng ta mà thôi (trừ phi vị thầy chỉ thẳng sự thật mà chúng ta chứng nghiệm được). Có điều chúng ta cũng cần phải lưu ý và thận trọng đó là cái hiểu của chúng ta. Hiểu chỉ là giai đọan tưởng tri, vàthức tri, nhận thức qua ngôn ngữ, ý niệm và thế trí, chưa phải là tuệ tri hay liễu tri, nhận thức trực tiếp bằng trí tuệ thực chứng. Vì vậy, có nhiều điều chúng ta tưởng như chúng ta đã hiểu mà thực ra chỉ bị lý trí đánh lừa.
Nói tóm lại, người học pháp, học đạo cần phải biết nghi ngờ, cần phải tự kiểm chứng. Đừng quá tin vào kinh điển của mình, tông phái của mình, tư kiến của mình, để cho tâm hoàn toàn rỗng rang, trong sáng, mới mẻ và sáng tạo.

Viên Minh

Trích : Thực Tại Hiện Tiền
Trung Tâm Hộ Tông