Hỏi Đáp: THIỀN 2 [THẦY VIÊN MINH]



1. THẬN TRỌNG đối với việc ngồi THIỀN

Câu hỏi: Dạ thưa thầy, tại sao con nghe một số người nói là ngồi thiền mang lại nhiều phước đức đến cho mình? Xin thầy giải thích cho con.
Trả lời: Thiền có nhiều loại: Chánh thiền, tà thiền, khí công, yoga, thiền định, thiền tuệ, thiền tông v.v... Vậy phải biết thiền như thế nào là đúng, thế nào là sai thì mới biết được ngồi thiền có phước hay có tội. Nếu ngồi thiền với động lực bản ngã tham sân si thì đó là tà thiền không những không phước mà còn chuốc họa vào thân, nhất là còn bị tẩu hỏa nhập ma nữa là khác. Nếu ngồi thiền để phát hiện và loại trừ bản ngã tham sân si, hoặc với tâm không tham, không sân, không si thì sẽ được phước vô lậu là giác ngộ giải thoát, chứ không phải để được phước đức hay sở đắc gì mà ngồi, vì như vậy lại rơi vào ý đồ của bản ngã tham sân si trong tà thiền mất rồi. Hãy thận trọng đối với việc ngồi thiền, đừng làm điều gì mà mình không biết rõ.

2. S
ÁT NA ĐỊNH


Câu hỏi: Kính thưa Thầy! Theo như con hiểu thì trong thiền quán vẫn có định được gọi là sát na định, nghĩa là tâm vẫn phải gắn chặt trên một đối tượng một cách liên tục. ở đây nếu con chọn hơi thở làm đề tài thiền quán thì tâm con cũng phải liên tục gắn trên hơi thở. Nếu nó chỉ theo dõi hơi thở vài giây xong lại chuyển sự chú ý sang đối tượng khác thì có được gọi là sát na định không ạ? Con kính mong Thầy chỉ dậy!
Trả lời: Tất nhiên trong thiền quán vẫn có định đó là sát-na định hoặc tùy thời định, nghĩa là định bám sát theo diễn biến của đối tượng dưới hình thức chánh niệm, chứ không cần an chỉ định. Trong thiền định không nên tuỳ tiện chuyển đối tượng vì như vậy không thể định được, trừ phi định đã thuần thục. Nhưng trong thiền tuệ thì đối tượng tự chuyển chứ không nên chọn đối tượng mà chuyển vì như vậy là đối tượng đã bị tạo chứ không phải là đối tượng tự nhiên nữa. Nếu chánh niệm tỉnh giác đúng thì khi đối tượng chuyển sát-na định vẫn không mất.

3. 
ĐỐI TƯỢNG THIỀN QUÁN


Câu hỏi: 
Kính thưa thầy! Con chọn hơi thở làm đối tượng thiền quán thì nên chọn toàn bộ hơi thở hay chóp mũi hay phồng xẹp bụng? Con thấy đối tượng toàn bộ hơi thở khó định tâm hơn. Kính mong Quý Thầy chỉ dạy! Con xin cảm ơn Thầy!
Trả lời: Nếu con chọn hơi thở để định thì sao gọi là đối tượng thiền quán? Hành giả thiền định thường chọn cửa mũi hoặc phồng xẹp ở bụng vì như vậy dễ định tâm hơn. Nhưng trong thiền tuệ hay thiền quán thì nên theo dõi động tác thở toàn thân, vì như vậy tâm không rơi vào định, mà chỉ thấy trạng thái diễn biến vô thường sinh diệt của động tác thở mà thôi. Trong thiền tuệ không có cái gọi là hơi thở, vì hơi thở chỉ là một khái niệm, không có thực tánh, nên không thể làm đối tượng cho thiền tuệ được. Hành giả không thể thấy biết cái gọi là hơi thở mà chỉ có thể trải nghiệm những trạng thái nóng, lạnh, chuyển động, xúc chạm, sự co duỗi nơi toàn thân v.v... mà thôi. Vậy con cần lưu ý sự khác biệt của đối tượng thở trong thiền định và thiền tuệ để biết thật sự mình đang hành thiền gì. Định là chuyên chú tâm (tầm tứ) vào một đối tượng cố định, rồi qua tưởng đối tượng ban đầu được biến đổi thành một tướng khái niệm gọi là thiền tướng (nimitta) để an trú tâm trong trạng thái tĩnh chỉ gọi là nhất tâm. Trong khi thiền tuệ hướng tâm trên thực tại hiện tiền (chánh niệm), với thấy biết trong sáng quan sát trạng thái động của thực tại đó để nhận ra bản chất tự nhiên của nó (tỉnh giác) chứ không phải để định tâm.

4. B
ÀI KỆ "Tri kiến như thực"


Câu hỏi: Xin Thầy hoan hỷ giảng dạy cho chúng con thấu hiểu bài kệ sau đây của Đức Phật: Thấy như thực thấy Nghe như thực nghe Xúc như thực xúc Biết như thực biết. Ngụ ý của bài kệ này như thế nào? Hàm chứa điều gì, xin thầy chỉ dạy. Kính cám ơn thầy nhiều. Kính chúc thầy sức khoẻ dồi dào, thân tâm an lạc.
Trả lời: Thấy, nghe, xúc, biết tức kiến, văn, giác, tri nên gọi chung là tri kiến. Như vậy bài kệ này nói đến tri kiến như thực (yathàbhuta ñàna-dassana). Thấy là nhãn thức, nghe là nhĩ thức, xúc dùng trong bài kệ này ứng dụng chung cho tỷ thức, thiệt thức, thân thức, và biết là ý thức. Nếu tâm rỗng lặng, trong sáng không bị lý trí vọng thức hay tình cảm tham sân xen vào thì khi thấy, nghe, xúc, biết pháp đều như thị như thực, gọi là thấy biết thực tánh (paramattha). Nếu tâm bị che lấp bởi lý trí, tình cảm thì chỉ thấy biết qua ý niệm, quan niệm, thành kiến, hay cảm tình ưa ghét v.v... nên sẽ là cái thấy chủ quan, không như thực, hay nếu có đúng thì chỉ đúng theo khái niệm chế định (paññatti). Cái biết này gọi là kiến thức. Tóm lại, tri kiến là thấy biết trực tiếp, thực tế và vô ngôn, còn kiến thức là một số thông tin vay mượn đã được mã hoá qua ngôn ngữ. Vậy không nên tin vào kiến thức mà cần phải thấy biết như thực theo bài kệ Phật dạy. Đó là cốt lõi của thiền Vipassanà Nguyên Thuỷ và thiền Kiến Tánh của Thiền Tông.


5. TÙY DUYÊN MÀ ỨNG

Câu hỏi: Kính thưa Thầy, con có một số thắc mắc kính xin Thầy chỉ dạy: 
1. Khi con làm việc gì thì con thường thận trọng, chú tâm, quan sát, tức là đã chánh niệm như Thầy dạy. Nhưng khi con đang đi thì con không thể chú ý từng động tác nhỏ: nhấc bàn chân, bước tới, đặt xuống, ấn bàn chân. Nếu con quan sát thận trọng thì dễ hơn, khi đó con vừa quan sát biết được cử động của toàn bộ cơ thể, vừa thấy được cảnh xung quanh như mặt đường con đang bước, sỏi đá dưới chân... 
2. Khi con nói hoặc khi con chú ý nghe người khác nói thì con hay bị thất niệm. Khi nhớ ra con duy trì chánh niệm bằng cách biết mình đang nói hay chia bớt sự chú ý của mình vào người đang nói, kéo Tâm của mình vào Thân. 3. Để sống thuận Pháp, tùy duyên thì không cần phải chuẩn bị gì trước, khi có việc thì Tánh biết sẽ tự ứng ra. Nếu con phải chủ trì một cuộc họp thì có phải chuẩn bị trước không Thầy? Kính chúc Thầy thân tâm an lạc. Con xin Cám ơn Thầy.

Trả lời:
1) Thận trọng, chú tâm, quan sát chính là cách nói khác của tinh tấn, chánh niệm, tỉnh giác, được gọi là tùy dụng giới định tuệ vì đó là những yếu tố sẵn có, khi động dụng thì sẽ ứng ra một cách tự nhiên. Những yếu tố này chủ yếu giúp chúng ta không bỏ quên thực tại, không đắm chìm vào quá khứ, tương lai, cũng không dính mắc trong hiện tại. Vì vậy không cần thiết phải chú ý quá nhiều vào những động tác chi tiết như "nhấc lên, bước tới, đặt xuống, ấn bàn chân".... Thực tánh của thân sẽ tự xuất hiện khi chánh niệm tỉnh giác đúng chứ không cần phải thấy chi tiết của đối tượng.
2) Đó vẫn là do chú ý quá kỹ vào đối tượng, nên chánh niệm tỉnh giác trở thành cục bộ, thấy bên trong thì mất bên ngoài, thấy mình thì quên người. Chánh niệm tỉnh giác không phải là chú ý mà là cái thấy định tĩnh sáng suốt một cách toàn diện. Khi cần nhìn vào trong thì sẽ thấy bên trong, khi cần nhìn ra ngoài thì thấy bên ngoài, khi cần thấy cả hai thì thấy cả hai, không trở ngại gì cả. Nhớ rằng, thận trọng, chú tâm, quan sát hay tinh tấn chánh niệm tỉnh giác không phải là công cụ của bản ngã để đạt được điều gì, mà là cái dụng của tánh biết rỗng lặng, trong sáng. Vậy hãy để cho tâm được rỗng lặng trong sáng, đừng xen bản ngã vào, thì nó tự biết tùy duyên thuận pháp.
3) Vấn đề không phải là chuẩn bị hay không chuẩn bị, mà là có sáng suốt, định tĩnh, trong lành hay không. Nếu chuẩn bị trước nhưng khi chủ trì buổi họp lại thiếu sáng suốt định tĩnh trong lành thì còn tệ hơn không chuẩn bị. Tuy nhiên, phải phân biệt hai loại chuẩn bị: Chuẩn bị có tính tổ chức như ấn định thời gian, địa điểm, số lượng đại biểu, kinh phí, chương trình nghị sự v.v... thì đương nhiên phài chuẩn bị. Còn loại chuẩn bị có tính tâm lý thì tùy thuộc vào khả năng nhận thức và thiện chí của mỗi người. Nếu người đủ tự tin và trầm tĩnh sáng suốt, đủ đức thận trọng, chú tâm, quan sát thì sẽ tùy duyên mà ứng chứ không cần chuẩn bị gì cả. Nếu chưa đủ tự tin thì cứ chuẩn bị nhưng không chắc những gì xảy ra sẽ giống như mình dự liệu.


6. C
Ó 3 LOẠI GIỚI ĐỊNH TUỆ


Câu hỏi: Thưa thầy, có điểm con chưa rõ lắm, mong thầy hoan hỷ giúp con ạ. 
1. Trong Tam vô lậu học: Giới-Định-Tuệ thì hành giả chỉ tu tập trên Giới, còn phần Định và Tuệ thì không cần điều chỉnh hay tác động phải không ạ? 
2. Có tu sĩ cho rằng, do có Định mới sinh Tuệ, vậy nhất thiết phải tu định trước rồi mới tu Thiền tuệ sau. Vậy đúng hay sai thưa thầy? Mong thầy bớt chút thời gian chỉ giúp con ạ. Con thành kính lạy thầy ạ!
Trả lời: * Giới- Định -Tuệ là ba yếu tố không thể tách rời nhau. Không thể chỉ tu giới mà không đi kèm định, tuệ. Phật dạy :Người có giới ắt có trí tuệ, người có trí tuệ ắt có giới (Trường Bộ Kinh 1, 222). 
Có 3 loại giới định tụê:
1) Tự tánh giới định tuệ: đó là ba yếu tính sáng suốt (tuệ), định tĩnh (định) và trong lành (giới).
2) Tùy dụng giới định tuệ: đó là ba yếu tố thận trọng (giới), chú tâm (định), quan sát (tuệ) khi tùy tình huống mà ứng dụng.
3) Chế định giới định tuệ: Đó là giới định tuệ được đức Phật chế định tùy hoàn cảnh và căn cơ trình độ cho hàng tứ chúng.


* Chữ sinh trong giới sinh định, định sinh tuệ có nghĩa là tương trợ lẫn nhau, bổ túc cho nhau, chứ không phải yếu tố này sinh ra yếu tố kia. Ba yếu tố này có chức năng, nhiệm vụ, tánh tướng thể dụng đều khác nhau làm sao mà sinh nhau được! Nói là sinh nhưng thực ra ba yếu tố này vừa tương sinh vừa tương khắc chứ không phải hỗ trợ không thôi. Ví dụ người quá chú trọng giới không thể định được, người quá chú trọng đinh không phát tuệ được v.v... Giới định tụê trong tự tánh và tùy dụng phải ứng cùng lúc không thể trước sau. Chế định giới định tuệ thì có thể tu trước sau, nhưng chỉ cần giới và tuệ, còn định thì chỉ cần sát-na định cũng đủ đắc đạo quả, không cần tu định an chỉ. Phật dạy: "Trí tuệ được giới hạnh làm cho thanh tịnh, giới hạnh được trí tuệ làm cho thanh tịnh... Giới hạnh và trí tuệ được xem là tối thắng ở trên đời" (TBK 1, 222). Một vị A-la-hán phải diệt được sự dính mắc trong định sắc giới (sắc ái) và định vô sắc giới (vô sắc ái). Vị A-la-hán nào không có định an chỉ thì khỏi mất công tu tập và hóa giải thiền định. Tuy nhiên tùy thời định của vị A-la-hán này được gọi là "Bất động tâm giải thoát". Ngược lại dù đạt được định an chỉ Phật vẫn dạy: "Này Ananda, Đối với những ai sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần... chứng được hiện tại lạc trú... Ta nói rằng lợi đắc, cung kính, danh vọng sẽ là chướng ngại pháp đối với vị ấy" (TBK 1, 614). Tóm lại, không phải tu thiền định trước mới tu thiền tuệ đâu, mà thậm chí định an chỉ không cần thiết cho sự giác ngộ.

7. CHỨC NĂNG CỦA LỤC CĂN TIẾP XÚC VỚI LỤC TRẦN 


Câu hỏi: Kính thưa Thầy. Từ trước đến giờ con vẫn thường nghe thầy hoặc nhiều Tăng Ni khác nhắc đến 6 căn tiếp xúc với 6 trần, thí dụ như mắt thấy sắc, tai nghe âm thanh..., nhưng con chỉ hiểu vậy thôi. Chỉ mấy hôm nay con mới thực sự biết được bản năng của mắt là để nhìn, cũng như bản năng của bao tử là để tiêu hóa thức ăn và bản năng của lý trí là để so sánh, lý luận, kết luận... Chuyện rất đơn giản và dễ dàng như vậy nên con nghĩ là con đã hiểu biết từ lâu, nhưng hóa ra con chẳng biết gì cả! Câu hỏi của con là làm sao thầy giải thích được sự việc mình tưởng là mình đã biết nhưng thật ra mình chẳng biết gì; và có khi mình không biết nhưng mình lại có thể biết? Câu hỏi thứ hai của con là, sau khi hiểu được chức năng của 6 căn khi tiếp xúc với 6 trần rồi thì có phải mình lắng nghe và học hỏi từ chúng để không bị chúng điều khiển hoặc có thể sử dụng được chúng mà không bị dính mắc? Con đang hiểu biết mù mờ. Xin thầy khai thị cho con hiểu thêm. Thành kính tri ân thầy. chúc thầy sức khỏe thật tốt để dìu dắt chúng con.
Trả lời: Những hoạt động như mắt thấy, tai nghe, mũi ngửi, lưỡi nếm, và thân xúc (bao gồm sự vận hành theo chức năng và bản năng tự nhiên bẩm sinh của các cơ quan nội tạng như bộ phận tiêu hóa, tuần hoàn, tinh lọc, bài tiết, hô hấp, não bộ, hệ thống gân cơ và thần kinh v.v…) đều diễn ra một cách vô ngã và phần lớn là vô thức, vì dù chúng ta có ý thức được chúng hay không thì chúng vẫn tự hoạt động theo cách riêng của chúng. Đó là toàn bộ hoạt động của sự sống. Con người thường bỏ quên những hoạt động tự động này vì chúng thuộc hệ quả “vô nhân” trong chuỗi nhân quả của đời sống.
Theo Vi Diệu Pháp, Ý có hai loại: ý giới là một một loại hoạt động hậu vô thức nhưng tiền ý thức mà Duy Thức gọi là mạt-na thức thứ 7 và ý thức giới mà Duy Thức gọi là Ý thức thứ 6. Ý giới bao gồm những hoạt động bản năng giữa vô thức và hữu thức, giữ chức năng tiếp thu, so lường, xác định đối tượng mà các thức giác quan nhận được qua thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm một cách máy móc, chưa ý thức rõ rệt. Đó là giai đoạn máy móc “biết mà không biết” của ý giới.
Ý thức cũng có nhiều chức năng khác nhau: Đầu tiên là chức năng ý thức tiếp trợ để xử lý thông tin của tiến trình nhận thức sơ bộ từ các thức giác quan. Trong giai đoạn này tưởng hoạt động tạo ra khái niệm rồi dựa trên những khái niệm đó để nhận biết, nên cái biết này chỉ là giai đoạn tưởng tri. Tiếp theo là ý thức thuần túy làm việc với đối tượng pháp trần nội tại mà ý thức tiếp trợ đã xử lý lúc đầu. Ý thức lúc này nhận biết đối tượng theo thức tri nghĩa là thu nhận kiến thức, kinh nghiệm, tư duy, lý luận, phê phán, quyết định hướng phản ứng hay giải quyết vấn đề. Đến đây ý thức hình thành tư tưởng, quan niệm và khuynh hướng thiện ác cũng bắt đầu xuất hiện. Đây là giai đoạn hữu ý “biết mà có biết” của ý thức qua kiến thức, kinh nghiệm v.v... Cuối cùng là chức năng ý thức trong sáng phản ánh trung thực và trực tiếp đối tượng, không qua tưởng tri, thức tri mà qua trí tuệ thấy biết thực tánh pháp, nên gọi là tuệ tri. Đây là giai đoạn trở về bản chất gốc của tánh biết trong sáng hoàn toàn vô ngã: “biết rất rõ mà dường như không biết” gì cả.
Để có thể dụng được ý thức trong sáng này trong đời sống hàng ngày thì con phải thường (tinh tấn) trở về trọn vẹn với chính mình (chánh niệm) và buông hết mọi ý đồ của bản ngã để tâm (tánh biết) trong sáng hồn nhiên (tỉnh giác). Lúc đó, hễ vô sự thì tâm tự sáng suốt, định tĩnh, trong lành; hễ hữu sự thì tâm tự ứng ra thận trọng, chú tâm, quan sát để tùy nghi tiếp xử đối tượng. Đó chính là lúc lục căn thanh tịnh vậy


8. TH
ẤT GIÁC CHI


Câu hỏi: Thưa Thầy, trước đây con tu thiền định, sau đó con gặp một khủng hoảng đi đến bệnh trầm cảm. Nhờ thầy nhắc pháp Thất giác chi con đã phấn chấn trở lại. Sau khi hồi phục, trở lại bình thường, con thấy mọi thứ rất rõ ràng, pháp gì đến trong tâm hay ngoại cảnh đều minh bạch cái nào ra cái nấy. Con chỉ nhận biết vậy thôi, không có phản ứng gì cả, giống như người du ngoạn vậy. Nhưng không hiểu sao sau đó con lại rơi vào trạng thái không còn phân biệt gì cả, chỉ thấy cái gì thì thấy cái đó thôi, không có ý niệm trong ngoài gì nữa, có vẻ như trơ trơ vậy, nên con muốn trở lại trạng thái như lúc mới hết bệnh. Con xin thầy chỉ cho con những trạng thái đó là trạng thái gì và con phải tu tập như thế nào cho đúng?
Trả lời: Khi con nhờ ứng dụng Thất giác chi mà vượt qua được cơn khủng hoảng trầm cảm do sự đối kháng giữa nội tâm muốn giữ sự ổn định và những bức xúc từ bên ngoài, thì liền trở lại bình thường, đó chính là sự trong sáng tự nhiên của tánh biết, nên con thấy trong ngoài đều rõ ràng minh bạch. Nhung sau đó yếu tố xả và định mà con tu tập trước đây lại nổi trội lên nên tâm thái trong sáng tỉnh giác tự nhiên bị yếu đi. Tuy bấy giờ con vẫn thấy nhưng không biết một cách trong sáng tự nhiên như lúc vừa hết trầm cảm. Đây là trạng thái tĩnh lặng mà những người nghiêng về thiền định cho là thanh tịnh tuyệt vời, nên họ cố gắng gìn giữ phát triển vì tưởng đã đắc được kết quả giải thoát gì đó. Nhưng đây chính là phiền não chướng vi tế của thiền tuệ. May mà con có linh tính thấy thái độ tâm lúc mới hết bệnh đúng hơn nên mới muốn trở lại trạng thái lúc đó. Tuy nhiên, khi con muốn trở lại trạng thái lúc đó là không đúng. Thực ra, con không cần trở lại trạng thái lúc đó mà chỉ cần buông cái ngã lý trí xuống thì tánh biết rỗng lặng trong sáng sẽ tự hiển hiện trở lại như lúc con mới hết bệnh ngay thôi. Tánh biết trong sáng đó luôn luôn có nhưng bị cái bản ngã lý trí, tình cảm lăng xăng hết động qua tịnh che lấp đi nên không chiếu sáng được mà thôi.
Tịnh và động vốn tùy dụng tự nhiên, nhưng người tâm quá động lại thường thích tịnh nên họ rơi vào cực này qua cực khác, như một quả lắc. Khi động thì tâm trạo cử phóng túng, khi tĩnh thì tâm thụ động tiêu cực. Nên Phật dạy định nhiều thì trầm trệ, tinh tấn nhiều lại dao động, là vậy. Để quân bình hai trạng thái này, đức Phật dạy Thất giác chi, trước hết là trở lại với chính mình (niệm) để khi tâm thụ động thì cần quan sát kỹ lưỡng (trạch pháp), tích cực (tinh tấn) và phấn khởi lên (hỷ); khi tâm dao động thì cần thư giãn (khinh an), lắng dịu xuống (định) và buông xả đi (xả). Đó là lý do vì sao khi sử dụng đúng Thất giác chi con đã thoát khỏi cơn bệnh trầm cảm, và đạt được tâm thiền tuệ chánh niệm tỉnh giác đúng mức một cách tự nhiên. Sau đó yếu tố xả và định mà con đã quen tu tập trước đây mạnh lên, nên yếu tố tỉnh giác suy giảm và con rơi vào trạng thái thấy mà không biết rõ ràng minh bạch như trên.
Thực ra thấy mà không biết cũng chẳng sao, nếu như không biết là không biết theo khái niệm (tưởng tri) hoặc theo kiến thức (thức tri) thì càng tốt, vì cái biết không biết này chính là tuệ tri. Còn nếu không biết vì tâm si hoặc vì tâm xả của thiền định trội hơn tỉnh giác thì cần phải thận trọng mới được.


9. LU
ÂN HỒI SINH TỬ


Câu hỏi: Kính thưa Thầy, Con xin có 2 câu hỏi: 1. Thầy dạy rằng: "Ngay tại đây và bây giờ nếu tâm khởi lên mà có tham sân si thì tại đây là luân hồi sinh tử". Thưa Thầy con chưa hiểu "luân hồi sinh tử" trong trường hợp này nghĩa là thế nào. Có phải là lúc này sát-na Tâm sinh và diệt hay đây là Nhân của Luân hồi sinh tử sau này khi thân hoại mạng chung? 2. Những người hành Thiền Vippasana sau khi chết đi và nếu được tái sinh làm người thì kiếp sau có được cơ hội tiếp tục Thiền Vippasana không? Con xin cám ơn Thầy.
Trả lời:
1) Luân hồi sinh tử có hai nghĩa: Một là sự tái sinh từ kiếp này qua kiếp khác theo định luật nhân quả của nghiệp. Hai là sự sinh diệt của những tiến trình tâm-sinh-vật lý kế tục không dứt trong sự tương giao căn - cảnh - thức diễn ra trong đời sống hàng ngày đối với những người chưa giác ngộ giải thoát hoàn toàn. Tiến trình này trong một giây có thể diễn đi diễn lại hàng triệu lần nên gọi là luân hồi sinh tử. Nếu đó là tiến trình tạo nghiệp thì đúng là nhân tái sinh trong những kiếp sau.
2) Một người hành đúng thiền Vipassanà thì nếu chưa hoàn toàn thoát ly sinh tử, trong kiếp sau họ đương nhiên sẽ có cơ hội hành thiền Vipassanà trở lại. Nhưng nếu hành không đúng thì kiếp sau họ sẽ hành một pháp thiền mà nội dung giống như họ đã hành sai trong kiếp này. Ví dụ, mặc dù họ nói là hành thiền tuệ, nhưng thực chất lại đang hành thiền định thì kiếp sau họ sẽ có duyên với một pháp thiền định nào đó tương ứng với trình độ tâm của họ, vì trong kiếp sau những gì còn lại chính là trình độ tâm mà họ tạo được trong kiếp này cộng với những kiếp quá khứ của họ.


10. GI
ẢI THOÁT KHỎI BẢN NGÃ MONG CẦU


Câu hỏi:  Thưa thầy. Dạo trước, con hay quán nghiệp theo cách: thấy tâm loạn, không diệt trừ, biết là do nghiệp và chân thành sám hối. Nhưng con thấy quán nghiệp như vậy cũng không có kết quả lắm vì tâm bất thiện vẫn khởi liên tục. Vọng niệm vẫn cứ dắt con đi. Con không biết cần áp dụng Pháp nào để hỗ trợ được ạ? Và gần đây, khi con phát hiện trong tâm khởi lên bất thiện pháp, con thấy nó là bất thiện pháp, con không làm theo bất thiện pháp này, và kiên quyết loại bỏ nó. Vậy có phải là con đang "ức chế tâm" không ạ? Con thành kính lạy thầy ạ!
Trả lời: Sai lầm của bạn là cứ loay hoay giải quyết, cố gắng ổn định, nôn nóng đạt được kết quả như ý. Tất cả hoạt động này đều phát xuất từ cái ta ảo tưởng, vì vậy bạn không đủ bình thản và kiên nhẫn để thấy được thực tánh pháp theo thiền Vipassanà hay thiền kiến tánh. Phải chăng bạn muốn tâm an ổn để được thường, lạc, ngã? Nhưng nếu không có các pháp xuất hiện trong tâm bạn thì làm sao thấy được bản chất vô thường, khổ, vô ngã của các pháp ấy, làm sao bạn thấy được đâu là khổ, đâu là nguyên nhân gây khổ, đâu là sự chấm dứt khổ và đâu là những yếu tố chấm dứt nguyên nhân gây khổ; làm sao bạn thấy được nghiệp và nghiệp quả vận hành thế nào?.... Nói tóm lại bạn muốn có đáp số của một bài toán khó ngay mà không muốn thông suốt được toàn bộ những vấn đề khúc mắc mà bài toán đưa ra. Do đó Luận Bảo Vương Tam Muội nói rằng: "Nghiên cứu tâm đừng cầu dễ dãi, dễ dãi thì không thể nào thấu triệt được vì quá nôn nóng muốn vượt cấp." Sai lầm cơ bản là bạn đặt giải thoát trước giác ngộ, mà trên thực tế bạn phải giác ngộ mới có giải thoát. Hơn nữa giải thoát là giải thoát khỏi bản ngã mong cầu, chứ không phải đạt được mong cầu giải thoát của bản ngã.

11. PHÁP


Câu hỏi:
Con chào Thầy. Thầy cho con hỏi:
1. Nghĩa của chữ "ý" trong (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) và nó có đồng nghĩa với chữ "tâm" trong chữ thân tâm không?
2. Thầy có thể cho con hỏi nghĩa của chữ "pháp" trong quán niệm pháp có phải là chữ pháp trong vạn pháp hay là chữ pháp là đối tượng của ý?
3. Thầy hoan hỷ chỉ cho con xem con hiểu một cách đơn giản và định thực hành thế này có đúng không. Con hiểu quán niệm thân là lặng ngắm, lặng nghe tất cả các diễn biến của thân trong mọi hoạt động hằng ngày. Quán niệm thọ là lặng nghe các cảm giác như đau, buồn, chán nản, mệt mỏi... Quán niệm tâm là lặng nghe các suy nghĩ khi định làm một việc gì đó, khi thất niệm, cũng như tạp niệm... Quán niệm pháp thì con chưa hiểu rõ.
Con xin cảm ơn thầy và chúc thầy luôn mạnh khỏe an lạc
Trả lời:
1) Ý thuộc về tâm hay danh. Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân thuộc về thân hay sắc.
2) Pháp trong niệm pháp gồm: 5 triền cái, 5 uẩn, 12 xứ, 7 Giác Chi, 4 Diệu Đế.

3) Trở về trọn vẹn trong sáng với những hoạt động, tư thế hay trạng thái của thân gọi là niệm thân; với những cảm giác, cảm xúc gọi là niệm thọ; với hoạt động, phn ứng, trạng thái tâm gọi là niệm tâm; với sự diễn biến hay sinh diệt của 5 triền cái, 5 uẩn v.v... gọi là niệm pháp. Nếu con lặng nghe theo nghĩa trở về trọn vẹn trong sáng với thực tại thân thọ tâm pháp thì đúng, còn nếu lặng nghe để tìm kiếm hay đạt được điều gì thì không đúng với ý nghĩa của quán chiếu trong thiền Vipassanā.

12. N
ĂM TRIỀN CÁI và THẤT GIÁC CHI


Câu hỏi: Con kính chào sư. Con mong sư hoan hỷ giảng giải nghĩa rộng cho con được hiểu:
1/ 5 triền cái
2/ 7 giác chi
Con xin cảm ơn sư.


Trả lời:
I) Năm triền cái: 
1) Tham dục: sự ham muốn trong sắc-thanh-hương-vị-xúc hoặc tham muốn sở đắc làm cho tâm không định. 
2) Sân hận: sự đối kháng với cái không vừa lòng làm tâm không hoan hỷ. 
3) Trạo hối: hối tiếc quá khứ, vọng tưởng tương lai làm tâm không an lạc. 
4) Hôn trầm thụy miên: dã dượi, lười chán làm tâm không hướngđược vào đối tượng thiền định. 
5) Nghi: phân vân, do dự khiến tâm không an trú trên đối tượng. II) Thất giác chi: 
Niệm: trở về trọn vẹn với thực tại là pháp nòng cốt. 
Ba pháp để trừ tình trạng trì trệ thụ động là:
Trạch pháp: quan sát rõ thực tại. 
Tinh tấn: tích cực nhiệt thành hơn. 
Hỷ: phấn khởi lên. 
Và 3 pháp để trừ dao động bất an là: 
Khinh an: lắng dịu xuống. 
Định: tĩnh lặng lại. 
Xả: buông xả ra.

13. BÀI KINH "THÂN HÀNH NIỆM"

Câu hỏi:
Kính thưa Thầy, con đọc kinh Tăng Chi trong phẩm Thiên Định có nói về một pháp là thân hành niệm. Kính Thầy chỉ dạy cho con biết thực hành thân hành niệm là như thế nào? Con có nghe về Tứ Niệm Xứ, vậy thân hành niệm và niệm thân trong Tứ Niệm Xứ cách thực hành giống và khác như thế nào ạ? Con cám ơn Thầy.

Trả lời:
Niệm thân trong kinh Thân Hành Niệm và niệm thân trong kinh Tứ Niệm Xứ tuy đối tượng hầu như giống nhau nhưng hướng thực hành lại khác. Trong bài kinh Thân Hành Niệm thì niệm thân được xem là đề mục thiền định để đắc các bậc thiền sắc giới, nhưng trong kinh Tứ Niệm Xứ niệm thân lại là đề mục thiền tuệ để thấy ra bản chất thật của thân. 

Trong thiền định hành giả sử dụng hai chi thiền tầm và tứ trên các đối tượng thân với mục đích định tâm, còn trong thiền tuệ thì hành giả sử dụng chánh niệm và tỉnh giác trên các đối tượng thân ấy với mục đích thấy ra thực tánh chân đế của các sắc pháp. Con cần thấy rõ sự khác biệt giữa pháp hành thiền định và thiền tuệ thì mới biết cách xử lý các đối tượng thân ấy khác nhau thế nào.

14. SƠ THIỀN NHỊ THIỀN

Câu hỏi: Thưa Thầy! Con đang tập thiền niệm hơi thở, Sơ thiền thì có Tầm có Tứ, nếu vào Nhị thiền diệt Tầm và Tứ, vậy con trụ vào chỗ nào? Mong Thầy hoan hỷ giảng rộng nghĩa cho con hiểu.

Trả lời: Không phải diệt tầm tứ để vào nhị thiền mà khi sơ thiền đã thuần thục thì tâm hành giả không cần phải tầm tứ nữa mà vẫn vào được hỷ, lạc và nhất tâm nên gọi là nhị thiền. Con đừng quan tâm đến các chi thiền như vậy vì chỉ làm cho tâm khó định hơn thôi.

15. T
ẦM VÀ TỨ


Câu hỏi: Thưa Thầy! Mong Thầy hoan hỷ, cho con xin hỏi. Sơ Thiền có Tầm có Tứ, vậy Tầm, Tứ là gì? Mong thầy giảng rộng nghĩa cho con.

Trả lời: Tầm và tứ là hai thiền chi khởi đầu rất quan trọng trong thiền định. Tầm là hướng tâm tìm đề mục thiền định, ví dụ hướng tâm tìm đến hơi thở. Khi tầm đã hướng đúng vào đối tượng (đề mục) thì Tứ bắt đầu thẩm tra kỹ lưỡng đểđáp xuống đối tượng đó. Khi hai chi thiền này hoàn thành nhiệm vụ thì ba chi thiền hỷ, lạc và nhất tâm cũng sẽ xuất hiện tiếp theo và đạt được sơ thiền.
Tầm ví như con bướm bay về hướng một đóa hoa, tứ ví như con bướm quan sát để thử đậu xuống đóa hoa đó, hỷ ví như con bướm thích thú hút mật, lạc ví như con bướm đã cảm thấy no đủ thỏa mãn, nhất tâm hay định xả ví như con bướm đứng yên trên đóa hoa không mong muốn gì nữa. Do đó tầm trừ hôn trầm, tứ trừ nghi hoặc, hỷ trừ sân, lạc trừ trạo hối, nhất tâm trừ dục.


16. CHUYỂN HÓA MỘT HÀNH ĐỘNG HỮU VI SANG VÔ VI

Câu hỏi:
Con thưa thầy, bản chất của hành hữu vi là khổ, nhưng trong cuộc sống đời thường có nhiều trách nhiệm mà bản thân mỗi người phải cố gắng làm. Chẳng nhẽ cứ quán sát thực tại như nó đang là, mà không cần phải hành động gì là đủ rồi sao? Cứ lặng lẽ hồn nhiên quán sát là pháp tự vận hành, tự giải quyết mà không cần bản thân phải gia công cố gắng gì sao?Hành + hữu vi => bản chất là khổ; Hành + vô vi => sáng suất, định tĩnh, trong lành. Vậy chúng khác nhau về "sự" như thế nào, có chuyển hóa cho nhau không và có thì chuyển hóa thế nào? Và "vô vi" với "chỉ cần quán sát mà không cần phải gia công làm gì cả vì bản chất của hành là khổ" nó có khác nhau không? Con cảm ơn thầy.


Trả lời:
Câu hỏi: "Chẳng nhẽ cứ quán sát thực tại như nó đang là, mà không cần phải hành động gì là đủ rồi sao? Cứ lặng lẽ hồn nhiên quán sát là pháp tự vận hành, tự giải quyết mà không cần bản thân phải gia công cố gắng gì sao?" chứng tỏ con chưa thấy rõ thực sự hữu vi và vô vi là gì. Ai nói vô vi là không hành động, không trách nhiệm, không cố gắng? Đức Phật và các bậc Thánh đã vô vi tuyệt đối (được gọi là hành động duy tác) sao vẫn lợi lạc quần sanh vô ngã vị tha? Các Ngài có vô trách nhiệm với bản thân và cuộc sống không? Hữu vi trong nghĩa tạo tác nghiệp do bản ngã vô minh ái dục thì chắc chắn là khổ rồi. Còn vô vi (vô hành, vô tác, vô nguyện, vô thủ hữu) không phải là "không hành động hay không cố gắng gia công gì cả" như con nghĩ, mà là hành động hay cố gắng gia công thuận pháp chứ không thuận theo bản ngã vô minh ái dục (như hành động hữu vi, hữu ngã).
Bây giờ thầy lấy một ví dụ để con xem hành động nào có trách nhiệm với mình và người hơn. Nếu một bác tài đang lặng lẽ lái xe với tâm sáng suốt, định tĩnh, trong lành (hoặc khi cần thì thận trọng, chú tâm, quan sát rõ ràng), biết rõ tình trạng đang điều khiển xe của mình, biết rõ tình trạng lưu thông trên đường... mà vẫn rất thoải mái tự nhiên trọn vẹn với việc lái xe. Như vậy con có cho là bác tài không trách nhiêm, không cố gắng làm gì cả không? Trong khi một bác tài khác, đang lái xe mà cứ hậm hực nghĩ cách trả thù một kẻ đã hại mình ngày hôm qua, hoặc mãi mê tính toán một kế hoạch làm ăn trong tuần tới, hoặc đang bị thu hút vào một bản tin thời sự nóng bỏng gây lo lắng bất an... vì vậy, nhiều khi anh ta lái xe trong tình trạng vô thức, khả năng gây tai nạn hay cản trở giao thông là rất cao. Như vậy không phải hành động hữu vi hữu ngã của anh ta không những làm khổ mình mà còn làm khổ người nữa hay sao? Tài xế thứ nhất hoàn toàn trọn vẹn với thực tại, tâm không lăng xăng tạo tác, không bị tham sân si chi phối, khả năng tự động điều chỉnh rất cao, như vậy là hành động vô vi thuận pháp. Tài xế thứ hai, không trọn vẹn với thực tai, bị quá khứ, tương lai và hiện tại chi phối, bị tham sân si dẫn dắt, nên tâm luôn lăng xăng tạo tác, hành động đó gọi là hữu vi thuận ngã. Hữu vi như vậy không khổ là g
ì, phải không? 

Con muốn chuyền hóa một hành động hữu vi sang vô vi thì chỉ cần trở lại thận trọng, chú tâm, quan sát thực tại - trạng thái thân tâm đang là, hay công việc đang làm. Như vậy không những hành động hữu vi, hữu ngã được chuyển hóa mà còn làm công việc ấy chu đáo hơn nhiều trong vô vi vô ngã. Một người đang chăm chú lau nhà rất thoải mái tự nhiên và an lạc, bỗng thấy em mình đi chơi về giẫm lên sàn làm bẩn đi. Người chị nổi giận, bây giờ việc lau nhà trở nên bực bội không thoải mái nữa. Đó là chiều chuyển biến ngược lại từ hành động vô vi vô ngã thành hữu vi hữu ngã, từ an lạc đến khổ đau. Tóm lại, vô vi ở đây là thái độ hành động sáng suốt vô ngã, an lạc tự nhiên, thoát khỏi thái độ toan tính đầy lo lắng, sợ hãi, bất an của cái ta vô minh ái dục, chứ không phải là không hành động gì cả. Hãy chiêm nghiệm thật kỹ lưỡng chính hoạt động hàng ngày của con thì con sẽ thấy ngay đâu là vô vi, đâu là hữu vi.

17. BUÔNG BỎ

Câu hỏi: Con thưa thầy. Có phải buông bỏ tất cả để trở về thực tại tức là xả bỏ hết phương tiện, niềm tin, niềm vui, mục đích... như con được đọc trong những cuốn sách của thầy không? Để giáp mặt với thực tại - trọn vẹn như nó đang là, với hai bàn tay trắng, không cần phải đòi hỏi thêm tài năng hay điều kiện gì cả. Ở đó mọi buồn vui được mất của cuộc sống muôn đời mà ta sống hòa trong đó - có những giọt nước mắt và có cả những nụ cười... Và điều quan trọng nhất còn lại sau khi đã bỏ phương tiện, bỏ cứu cánh đó là "tánh biết" thấy rõ những giọt nước mặt và nụ cười đó là 1 điều hiển nhiên của tự nhiên, của sự sống, của nhân quả muôn đời. Để rồi 1 ngày kia "tánh biết" đó đủ dũng lực, sáng suốt sẽ ôm trọn nước mắt và nụ cười trong trạng thái im lặng tuyệt đối, vô ngại đi vào dòng đời, sống có ích cho mình và những người xung quanh, chỉ với thực tại đang là và hai bàn tay trắng. Con thưa thầy đó có phải là mục đích của thiền?

Trả lời:
Buông bỏ cái gì để trở về thực tại khi ngay đó chính là thực tại? Chỉ có buông bỏ cái ta ảo tưởng trong thái độ ứng xử với thực tại mà thôi. Cái ta luôn tạo ra phương tiện và mục đích để đạt tới ở tương lai, rồi bỏ quên thực tại. Bỏ quên thực tại gọi là thất niệm hay bất tại. Quên thực tại nên không thấy thực tánh pháp, đó là thất giác hay vô minh. Buông cái ta ảo tưởng xuống thì ngay đó có chánh niệm tỉnh giác. Có chánh niệm tỉnh giác thì cần gì phải buông bỏ vui buồn. Nếu buông bỏ hết vui buồn v.v... thì làm sao thấy được thực tánh của vui buồn v.v... ngay nơi thực tại? Vì vậy, không phải buông bỏ vui buồn... mà là buông bỏ thái độ lăng xăng của bản ngã đối với trạng thái vui buồn đó. Tất cả cái gọi là tài năng chỉ là công cụ của bản ngã dùng để chọn lựa pháp theo tư ý tư dục hay vô minh dục vọng của mình. Nói cách khác tài năng chỉ để bản ngã thực hiện phương tiện và mục đích nó đã đề ra. Chính là buông tất cả tiểu xảo đó của bản ngã để tánh biết trong sáng tự nhiên thấy ra bản chất thật của vạn pháp. Như vậy buông bỏ chính là mục đích chứ không phải buông bỏ là phương tiện đạt đến mục đích nào khác. Khi buông bỏ thì không có bản ngã, không có bản ngã thì ngay đó đã là chân đế rốt ráo rồi. Nhớ rằng khi bản ngã đã được buông xuống thì lập tức tánh biết tự phát huy trọn vẹn sự trong sáng tự nhiên vốn đã đầy đủ, chứ không cần đợi đến một ngày kia đủ dũng lực trong sáng mới tự tại vô ngại trong vạn pháp. Buông sự tạo tác lăng xăng của bản ngã để tánh thấy tự chiếu đó là thiền, là sống thuận pháp, vô ngã vị tha.


Nguồn:  Trung Tâm Hộ Tông