Cùng Ngắm Bonsai - Những điều Thầy dạy


Trong một tâm hồn khai mở thênh thang thì mỗi pháp tế hay thô đều hiện ra minh bạch nhưng đến đi vô ngại, như thấy rõ những đợt sống nhấp nhô, thăng trầm, sinh diệt nhưng biển cả vẫn mênh mông, sâu thẳm...;

như những đám mây bay qua bầu trời nhưng hư không luôn thản nhiên đón nhận mà vẫn rỗng không và bao la vô tận; như tấm gương soi rõ mọi vật nhưng chỉ thấy có có không không nên không chọn lựa lấy bỏ vật gì; như những pháp được mất, hơn thua, vinh hư, tiêu trưởng diễn ra giữa cuộc đời nhưng tâm hồn giác ngộ vẫn tịch tịnh an nhiên…

Buông cái biết hữu ngã hữu hạn trở về với tánh biết vô ngã vô hạn thì tâm thiền mới có thể thật sự bước vào Tuệ Minh Sát (Vipassanà-ñana). Mười sáu tuệ minh sát đều được tánh biết vô ngã khai mở, thể nghiệm và thực chứng một cách sáng tạo chứ không phải nhờ nỗ lực của cái ta ảo tưởng thấy biết chủ quan.
Không ai biết chuyện gì sẽ xẩy ra như sóng thần, động đất, bão lũ, chiến tranh, chính biến v.v... cho nên càng ít dính mắc hay lệ thuộc vào một cái gì cố định càng tốt. Quan trọng là biết cách sống, biết cách ứng xử với mọi người, mọi hoàn cảnh, biết học ra bài học vô thường, khổ, vô ngã của đời sống mới có thể thật sự sống an lạc hạnh phúc.
Có 4 cái tùy: tùy ngã, tùy pháp, tùy chúng sanh và tùy nguyện lực (ba-la-mật). Tùy ngã là làm theo tư kiến tư dục của bản ngã. Tùy pháp là sống thuận theo pháp thực tánh chân đế. Tùy chúng sanh là sống thuận theo pháp tục đế giữa cuộc đời mà vẫn vô ngã. Tùy nguyện lực là sống vị tha, lợi lạc quần sanh mà vẫn vô ngã (vô ngã vị tha). Việc hàng ngày sống và khám phá ra đâu là ngã đâu là pháp, đâu là tục đế đâu là chân đế, đâu là tùy nguyện lực đâu là tùy tham ái... chính là sống thiền vậy.
Có một bí quyết này: khi có bản ngã đang hiện khởi mà tâm như thật biết (tỉnh giác) có bản ngã đang hiện khởi thì tánh biết vẫn vô ngã. Ngay đó trực nhận tánh biết và pháp vốn vô ngã thì chính là tuệ giác hay ngộ vậy.
Nghệ thuật sống là phải biết thưởng thức vẻ đẹp của cuộc sống từng giây từng phút nên nếu con quá vội vã tìm kiếm cái gì đó thật lý tưởng thì quên rằng con đã đánh mất biết bao điều đáng học hỏi và thưởng thức đang sẵn có ngay nơi bản thân con và cảnh vật quanh con...
Chánh niệm tỉnh giác không phải là một nỗ lực để hoán đổi, để nâng cấp hay để thêm thắt gì cả, mà chỉ là thể nhập vào tận vẻ đẹp chân thực, hồn nhiên và giản dị của chính sự sống đang là...

Thấy tức là buông, chứ không có ý chí buông, nếu để ý chí xen vào tức trong buông còn bản ngã. Thấy với tâm rỗng lặng trong sáng gọi là buông, vì tánh thấy vốn vô ngã. Buông được hay không buông được tùy vào tâm thấy biết sáng tỏ hay khuất lấp. Trong chân đế, tất cả pháp đối tượng của thấy biết vốn sẵn là vô ngã, chỉ còn tâm thấy biết có bị cái ta ảo tưởng che lấp hay không mà thôi. Vậy buông là buông thái độ chủ quan lệch lạc che lấp thấy biết, còn buông đối tượng được thấy biết hay không không phải là vấn đề.
Một vị Thánh tuy không còn cái ta ảo tưởng nhưng vẫn phải nhập đúng vai cái ta xã hội quy định. Điều này gọi là tùy thuận chúng sanh. Chính đời sống tục đế này giúp con nhận thức được thế nào là cái sai cái đúng theo mặc định thế gian, để biết tự điều chỉnh hành vi luân thường đạo lý giữa cuộc đời. Rồi qua đó con mới thấy được đâu là vô ngã, đâu là cái ta ảo tưởng, đâu là cái ta giả định để biết cách đối nhân xử thế.
Cái ta không bao giờ có thể thật sự tinh tấn chánh niệm tỉnh giác được cả. Vì tinh tấn ở đây có nghĩa là không buông lung phóng dật theo ảo tưởng của cái ta. Nên ngay khi tinh tấn tức buông ảo tưởng cái ta ra thì tâm liền trở về với thực tại, đó là chánh niệm; đồng thời tánh biết không bị che lấp bởi ảo tưởng nào nữa nên ngay đó tỉnh giác liền soi chiếu minh bạch rõ ràng.
Thận trọng là giới, chú tâm là định, quan sát là tuệ sẽ giúp con phát huy chánh niệm tỉnh giác, tức giúp con sống trọn vẹn rỗng lặng trong sáng trong thực tại hiện tiền. Khi đó tánh giác trong con sẽ tự phát huy để giúp con thấy biết rõ đâu là hành trình của cái ta ảo tưởng đang lôi cuốn con vào vô minh ái dục, sinh tử luân hồi, đâu là pháp chân như (yathàbhùtà) đang vận hành theo nguyên lý tự tánh (sabhàva) và giúp con giác ngộ giải thoát.
Hãy sống vô ngã vị tha, đừng muốn đạt được gì cho riêng mình, chỉ sống vì lợi lạc của nhiều người. Từ trong hành động tích cực đó con thận trọng chú tâm quan sát lại chính mình để phát hiện ra đâu là pháp tánh tự nhiên, tịch tịnh Niết-bàn, đâu là cái ta ảo tưởng lăng xăng tạo tác ra luân hồi sinh tử, phiền não khổ đau. Động thái khám phá này chính là thiền, là soi chiếu, là minh, là giác được gọi là không, vô tướng, vô tác, vô nguyện trong hành trình giác ngộ.
Con hãy nhớ rằng cuộc đời dù đau khổ phiền lụy đến đâu vẫn vô cùng quý giá vì đó là trường hoc duy nhất mà con có thể tìm thấy sự giác ngộ giải thoát. Và cuộc sống muôn đời vẫn đẹp chỉ có cái ta ảo tưởng mới
biến cuộc đời thành bể khổ mà thôi
.

Lượt trích từ những lời dạy của Thầy Viên Minh qua những lá thư Thầy trò