Cận Tử Nghiệp


 Câu hỏi: 
Con xin đảnh lễ thầy!Con tạ ơn thầy đã luôn tận tình giải tỏa thắc mắc ở những thư trước của con. Thầy ơi! Hiện tại ba con bị bệnh xơ gan cổ trướng, khó có thể qua khỏi. Giờ ba đã yếu lắm rồi. Con biết một ngày rất gần đây thôi, ba sẽ ra đi. Con đọc sách thấy người ta nói ý niệm cuối cùng rất quan trọng đối với việc tái sanh của người mất. Xin thầy cho con biết: "Con phải làm sao để giúp ba con giữ được thần thức tỉnh táo khi sắp mất ạ?" Con xin tri ân thầy!

Trả lời:
Cận tử nghiệp thuộc về kết quả của nghiệp quá khứ nên chỉ chấp nhận thôi, chủ yếu là tâm người hấp hối có thái độ bình tĩnh sáng suốt đối với cận tử nghiệp ấy hay không mới quyết định hướng tái sinh của người ấy. Vậy nguyên tắc là thân nhân làm cách nào đó để giúp người hấp hối bình tĩnh sáng suốt là tốt nhất.
Bình thường người ấy thích điều thiện gì nhất thì nên nhắc điều đó để người ấy hoan hỷ và tự tin mới bình tĩnh sáng suốt được. Ví dụ một người Phật tử thích làm phước hay nghe tụng kinh thì lúc đó nên làm phước và tụng kinh để người ấy hoan hỷ, nhưng phải là loại kinh người ấy thích nghe mới được. Nếu người ấy bình sinh không thích hộ niệm mà hộ niệm chỉ làm người hấp hối bất bình mà thôi. Điều này chỉ người thân mới biết được nên làm gì thích hợp nhất cho người đang hấp hối.


CÁC TIẾN TRÌNH TÂM CẬN TỬ


Tác giả: Ledi Sayadaw
Dịch giả: Pháp Thông




Con người luôn luôn bận rộn với những ý nghĩ tốt và xấu cũng như với những dự định làm điều thiện và ác thế này thế kia. Trong khi mãi còn bận toan tính như vậy, thì tử thần tới vỗ vai và thế là họ phải bỏ lại đằng sau mọi của cải, sở hữu, và những người thân yêu để ra đi khỏi cõi đời này vĩnh viễn. Bởi thế chúng ta phải hiểu rõ tầm quan trọng của thời gian liền trước cái chết (thời cận tử) và làm thế nào để đương đầu với cái chết sắp đến một cách bình tĩnh và lợi ích nhất.

Bốn Nguyên Nhân Của Sự Chết

Cái chết xảy ra do bốn nguyên nhân, là (1) thọ mạng đã mãn, (2) nghiệp lực chấm dứt, (3) sự kết hợp của hai nguyên nhân trên, và (4) cái chết phi thời do một nghiệp lực (là đoạn nghiệp - upacchedakakamma) - làm gián đoạn. Một tỷ dụ thích hợp cho bốn nguyên nhân của sự chết này là sự tắt của một ngọn đèn dầu. Ngọn đèn có thể tắt do bốn nguyên nhân là (1) dầu cạn, (2) tim lụn, (3) sự kết hợp của cả hai: dầu cạn và tim lụn, và (4) nguyên nhân bên ngoài như một cơn gió thình lình thổi tắt hay người nào đó cố ý thổi tắt.

1 . Thọ mạng đã mãn


Mỗi cõi sống có một thọ mạng khác nhau. Trong cõi nhân loại này thọ mạng thay đổi tuỳ theo kiếp tăng hay kiếp giảm (kappa). Nếu thế gian ở trong thời kỳ kiếp đang tăng dần, thọ mạng con người cũng tăng theo cho đến vô lượng, trong khi ở chu kỳ thế gian đang giảm, thọ mạng của con người cũng giảm dần xuống tới mức chỉ còn mười năm (tuổi). Khi Đức Phật Gotama xuất hiện trên thế gian này tuổi thọ tối đa được nói là một trăm tuổi. Ngày nay mức đó chỉ vào khoảng bảy mươi lăm. Những người với nghiệp bình thường không thể vượt quá mức tối đa này; chỉ những người sinh ra với năng lực của thiện nghiệp đặc biệt mới có thể sống vượt qua mức bảy mươi lăm. Tuổi thọ của họ có thể quy cho thiện nghiệp quá khứ và các loại thuốc bổ như thuốc trường sinh bất lão - rasāyana, chẳng hạn.

Trong thời kỳ Đức Phật Gotama (Cồđàm), Tôn Giả Maha Cadiếp (Mahākassapa), Tôn Giả Anan (Anandā) và Bà Visakha, thí chủ của ngôi Chùa Đông Phương Tự, đã sống đến 120 tuổi; Tôn Giả Bakula sống đến 160 tuổi. Các vị này đã tạo những thiện nghiệp cực kỳ cao thượng trong những kiếp quá khứ. Người bình thường, không có những thiện nghiệp đặc biệt như vậy, sẽ không sống hơn thọ mạng 75 tuổi của họ. Cái chết ở độ tuổi này được gọi là “thọ mạng bình thường đã mãn”, cũng như dầu hết làm tắt ngọn đèn mặc dù tim (bấc đèn) vẫn còn vậy.

2 . Chết do nghiệp lực chấm dứt


Nghiệp lực đưa đến đời sống của một người sẽ hỗ trợ cho cuộc sống từ giai đoạn thụ thai trở đi cho đến ngày năng lực (nghiệp ấy) chấm dứt. Cũng có những nghiệp thuộc loại khác tăng cường thêm cho nghiệp hỗ trợ sự sống chính và khi những nghiệp lực này cạn kiệt, người ta sẽ chết mặc dù thọ mạng của họ vẫn chưa mãn. Vì thế nếu nghiệp lực chấm dứt ở tuổi 50, người đó sẽ chết ở tuổi đó mặc dù thọ mạng của họ là 75. Điều này cũng tương tự như ngọn đèn tắt do tim lụn cho dù dầu trong đèn vẫn còn.

3 . Cái chết do cả hai yếu tố trên

Một số chúng sinh chết do thọ mạng và nghiệp lực cạn kiệt, cũng giống như ngọn đèn tắt do cả dầu lẫn tim đều cạn đồng thời. Do đó, có những người sống đến 75 tuổi nếu như họ có sự hỗ trợ của nghiệp lực cho đến tuổi đó. Ba loại chết kể trên gọi là chết đúng thời (kāla-maṇa).

4 . Chết phi thời

Upacchedaka có nghĩa là chết phi thời hay cái chết không bình thường. Một số chúng sinh đúng ra vẫn tiếp tục sống vì thọ mạng và nghiệp lực của họ cho phép được sống như vậy. Song nếu những ác nghiệp họ đã làm trong quá khứ bất ngờ trổ quả, thời những ác báo của nghiệp khiến cho họ phải chết một cái chết phi thời. Cái chết này cũng tựa như sự tắt của ngọn đèn do một ngọn gió thổi qua dù tim và dầu vẫn còn, hoặc do một người nào đó cố tình thổi tắt. Một cái chết như vậy thường được gọi là chết do đoạn nghiệp - upacchedaka-kamma, tức là sự gián đoạn do quả của ác nghiệp cực mạnh xen vào.
Tôn Giả Mục Kiền Liên (Mahā Moggallāna), trong một tiền kiếp đã phạm tội giết mẹ. Ác nghiệp này của Ngài đã có cơ hội trổ quả trong kiếp chót làm Mahā Moggallāna; bởi thế ngài phải chịu sự tấn công của năm trăm tên cướp trước khi đúng thời ngài nhập vô dư Niết-bàn (parinibbāna). Vua Tầnbàsala (Bimbisara), một trong những kiếp trước đã đi giày vào trong chánh điện. Do nghiệp xấu này, ngài phải chết đau đớn do những vết thương chính con ngài rạch trên lòng bàn chân trong kiếp hiện tại. Hoàng hậu Samagoati (Sāmāvatī) và các tỳ nữ của bà, trong một kiếp quá khứ đã châm lửa vào một đống cỏ khô, vô tình trong đó có một vị Phật Độc Giác đang nhập định (Diệt thọ tưởng định) (samapatti). Khi cỏ cháy hết, họ mới khám phá ra rằng mình đã thiêu sống một vị Phật Độc Giác. Để che đậy hành vi tội lỗi ấy (vì họ nghĩ lầm rằng họ đã đốt cháy đức Phật Độc Giác, mà thực ra ngài không thể bị lửa cháy hoặc bị tổn hại gì lúc đang nhập định), họ đã chất thêm củi vào vị Phật Độc giác và châm lửa đốt rồi bỏ đi, nghĩ rằng “Bây giờ thì ngài sẽ cháy ra tro.” Sau khi xuất thiền vào cuối ngày thứ bảy, Đức Phật Độc Giác đứng dậy và ra đi, không bị tổn hại gì cả. Ác nghiệp đó đã tìm được cơ hội để cho quả và vì thế họ phải chết một cái chết phi thời do bị thiêu sống cho đến chết. Đây là những trường hợp trong đó một nghiệp bất thiện mạnh mẽ đã gây ra cái chết phi thời.

Một số cực ác nghiệp có thể tạo ra quả báo tức thời. Ác ma Dūsī (Māra) ném đá vào đầu vị thánh đệ tử của đức Phật Kassapa. Dạ xoa Nanda đánh một búa vào cái đầu mới cạo của Tôn Giả Xá lợi -Phất. Đức Bồ tát Khantivādī khi làm đạo sĩ đã bị giết theo lệnh của đức vua Kalābu. Tất cả những người này - Dūsī, Nanda, và vua Kalābu - do cực ác nghiệp họ làm, đã bị đất nuốt chửng (đất rút) trong kiếp hiện tại của họ. Như vậy, chính những hành vi tàn ác sẽ tạo ra những ác quả tức thời. Cũng tương tự, những người xúc phạm hay xỉ nhục các bậc cha mẹ, người lớn tuổi và giới đức, chắc chắn phải gánh chịu những ác quả của bất thiện nghiệp họ đã làm và chết những cái chết phi thời gọi là akālamaraṇa (phi thời tử) trước khi thọ mạng của họ chấm dứt.

Những Trường Hợp Chết Phi Thời


Dòng tương tục danh - sắc, hay tâm và thân, của mỗi chúng sinh được đi kèm bởi những nghiệp lực xấu của quá khứ. Những nghiệp lực xấu này tự nó không thể cho quả đủ nghiêm trọng để giết chết người đó. Nhưng khi người làm điều sai trái ấy không có sự hiểu biết về cách tự phòng hộ bản thân, không lưu tâm đến sức khoẻ và sự sống hàng ngày của mình, những nghiệp lực ấy sẽ tìm được cơ hội đem đến sự nguy hại hay cái chết cho họ. Nếu trong quá khứ, một người đã từng bỏ đói, hành hạ, đánh đập, thiêu cháy, nhận chìm hoặc tra tấn người khác, thời do những ác nghiệp ấy họ sẽ gặp phải số phận tương tự. Những ai đã từng hành hạ người khác trong quá khứ phải gánh chịu những chứng bệnh mãn tính như hen suyễn, phong cùi, v.v… và phải sống cho đến hết thọ mạng bất hạnh và khốn khổ của mình, sau đó mới chết do những chứng bệnh ấy. Dễ duôi trong những thói quen của cuộc sống sẽ mời gọi những ác nghiệp quá khứ đến cho quả. Các bậc hiền trí ngày xưa đã để lại nhiều câu châm ngôn đáng ghi nhớ: “Cuộc sống được bảo đảm nhờ biết nhìn xa thấy trước và có trí tuệ. Tai hoạ xảy ra chỉ do một phút thiếu suy nghĩ; lắm khi chỉ vì một miếng ăn tồi tàn mà làm hại cả đời người. Kẻ ngu đi vào hang hùm chắc chắn là phải chuốc lấy hoạ, không phải nhờ vào vận may mà có thể tránh được. Chớ tin nghiệp tốt của mình mà nhảy vào lửa, nghiệp ấy sẽ không cứu bạn khỏi bị cháy đâu!”
Những gì mà các bậc hiền trí ngày xưa muốn nói ở đây là: “Mỗi người ai cũng có một kho chứa những nghiệp lực bất thiện trong quá khứ; nếu những nghiệp ác này không quá mạnh, chúng không thể có được cơ hội để tự trở thành quả. Chúng chỉ có cơ hội cho quả khi người ta dễ duôi (sống cẩu thả), không chú tâm chánh niệm và bất cẩn trong lối sống của họ. Do đó, nếu một người sống cẩu thả và xem thường sức khoẻ của mình, không biết lo xa và dự phòng trước để chăm sóc bản thân mình, thì ngay cả những ác nghiệp nhỏ cũng sẽ có cơ hội để cho quả và cái chết cũng sẽ rất gần đối với một người như vậy (ngay cả trước khi thọ mạng và nghiệp lực của họ chấm dứt)” Đây là lời khuyên của các bậc hiền trí cho các thế hệ sau.
Tóm lại, trong số bốn loại chết kể trên, loại sau cùng (chết phi thời) ngày nay rất phổ biến vì hầu hết mọi người đều sống một cách liều lĩnh, khinh suất. Cẩu thả trong lối sống là nguyên nhân chính của những cái chết phi thời. Những ai muốn sống cho đến hết thọ mạng của mình cần phải giữ gìn cuộc sống với chánh niệm và trí tuệ.

Tầm Quan Trọng Của Phút Giây Cuối Cùng

Khi một người sắp chết do bất kỳ nhân nào trong bốn nhân đã nói, điều quan trọng là họ phải có được những tốc hành tâm thiện (javana-cittas) khoảng nửa giờ trước khi chết. Nếu những thiện tư duy này thắng thế cho đến hơi thở cuối cùng, người ấy chắc chắn sẽ tái sinh trong những cõi an vui. Nếu họ có những tốc hành tâm bất thiện trước lúc chết, chắc chắn họ sẽ phải tái sinh vào bốn ác đạo. Do đó, vòng cuối cùng đối với con ngựa đua quan trọng thế nào, thì những sát-na cuối cùng đối với một người muốn có một tái sinh tốt cũng quan trọng như vậy. Một người có được những tư duy tốt hay xấu trước lúc lâm chung tuỳ thuộc vào loại đối tượng hiện khởi đến tâm họ.

Ba Loại Đối Tượng


Ngay trước lúc chết, người ta sẽ thấy một trong ba đối tượng, đó là, kamma (nghiệp),kamma nimitta (nghiệp tướng) và gati-nimitta (thú tướng). Ở đây nghiệp có nghĩa là những việc làm tốt hoặc xấu (nói khác hơn, những tư hay chủ ý - cetanā - thiện hoặc ác) họ đã làm trong quá khứ. Nghiệp tướng - Kamma nimitta là những vật dụng hay công cụ họ đã dùng trong việc thực hiện những việc làm thiện hay ác ấy. Thú tướng - gati nimitta là viễn ảnh về cảnh giới hay nơi họ sẽ tái sinh vào đó.


Nghiệp Xuất Hiện Như Đối Tượng Như Thế Nào

Khi các nghiệp quá khứ hay hành động mà người ta đã thực hiện chỉ một vài giây trước, hoặc chỉ nửa giờ hay một giờ trước, hoặc có khi những nghiệp đã thực hiện nhiều kiếp trước, hoặc nhiều đại kiếp trước, có cơ hội cho quả tái sinh trong kiếp sống kế, chúng sẽ xuất hiện ngay đến tâm của người sắp chết. Liên quan đến sự xuất hiện của nghiệp, cần nói rõ ở đây là, nếu nghiệp ấy là nghiệp bố thí hoặc giữ giới, nó sẽ xuất hiện bằng cách nhớ lại hoặc bằng cách tự hiện khởi ngay lúc đó giống như trong một giấc mơ vậy. Vì thế có hai cách xuất hiện của thiện nghiệp. Còn đối với các nghiệp bất thiện, nếu nghiệp ấy là sát sinh, thì sự xuất hiện của nghiệp là được nhớ lại hay do nó tự hiện khởi như thể việc sát sinh ấy đang được làm ngay lúc đó. Như vậy cũng có hai cách xuất hiện của bất thiện nghiệp. Đối với các nghiệp thiện và bất thiện khác sự xuất hiện cũng cần được hiểu theo cách như vậy.


Nghiệp Tướng Xuất Hiện Như Thế Nào

Ai từng sát sinh sẽ thấy những vũ khí họ đã sử dụng: gươm, dao, lưới (cá), mũi tên, gậy gộc, v.v… như cảnh cận tử. Một người đồ tể được bảo là sẽ thấy những hình ảnh có tính cách tiên tri của một đống xương bò. Ai từng làm những việc vô đạo đức như trộm cắp, tà dâm v.v…, sẽ thấy những cảnh tượng tương xứng với ác nghiệp của họ.

Ai từng làm những việc thiện như xây Chùa, tạo Tháp sẽ thấy những cảnh Chùa Chiền, Bảo tháp ngay trước lúc chết. Hoặc họ có thể thấy những vật mà họ đã bố thí, cúng dường kết hợp với thiện sự xây Chùa tạo Tháp của họ, như Y, Bát, hương hoa, đèn nến v.v… Đối với những người đã từng giữ giới hoặc hành thiền sẽ thấy những hình ảnh như xâu chuỗi, áo quần sạch sẽ, thiền đường, những cánh rừng nơi hành giả thường tới hành thiền v.v… Những ai từng làm việc phục vụ, cung kính khác cũng sẽ thấy những hình ảnh tương xứng.

Thú Tướng Xuất Hiện Như Thế Nào


Vào thời cận tử, những dấu hiệu như điềm báo trước sẽ xuất hiện để cho biết đời sống kế tiếp của một người. Nếu một người sẽ tái sinh Thiên giới, những Thiên nữ, Thiên cung, và Thiên viên v.v… sẽ xuất hiện trước mắt (tâm) người ấy. Nếu một người sẽ tái sinh trong cõi nhân loại, màu đỏ của thành vách thai bào của người mẹ tương lai sẽ xuất hiện với họ. Nếu địa ngục là số phận của họ, thời họ sẽ thấy những con chó đen (hắc khuyển), lửa địa ngục, hay những người cai quản địa ngục. Người sắp trở thành ngạ quỷ (petas) sẽ thấy những khu rừng lớn, núi non, sông nước, bờ biển nơi họ sẽ cư trú.

Sự Biểu Lộ Trên Gương Mặt

Sự biểu lộ trên gương mặt của người sắp chết sẽ chỉ ra cho thấy lần sanh kế của họ. Nếu gương mặt họ trong sáng và hân hoan, chắc chắn họ sẽ tái sinh trong những cảnh giới cao (như Chư Thiên v.v…). Một gương mặt u ám, buồn rầu hay nghiêm khắc cho thấy sự tái sinh của họ sẽ là các cảnh giới thấp. Tuy nhiên, cũng có trường hợp họ sẽ mỉm cười trong trạng thái mê mẩn đối với các dục lạc quá khứ. Những nụ cười ấy không thể xem như dấu hiệu tốt.


Sự Biểu Hiện Qua Lời Thì Thào


Đôi khi người sắp chết thì thào hay nói khe khẽ những lời gì đó không rõ rệt một cách vô ý thức. Xưa có một ông già, Cha của Trưởng lão Sona, bậc Alahán, từng là thợ săn lúc còn trai trẻ, về già ông xuất gia làm Tỳ Khưu trong Chùa của chính con ông. Khi sắp chết, trong cảnh cận tử, ông thấy những con chó đen cứ rượt đuổi theo ông. Ông kêu lên liên tục “Này con ơi! Hãy đuổi lũ chó đi cho cha.”
Ngài Sona biết rằng cha mình đang thấy những điềm xấu và chắc chắn sẽ sinh vào địa ngục. Nhờ các vị sư trong chùa tìm kiếm những bông hoa tức thời đem ra rải chúng trên nền Tháp (thờ Xá Lợi), ngài khiêng cha cùng với giường đến bên Tháp và nói với ông, “Này Sư Phụ, hãy hoan hỷ lên. Con đã cúng dường hoa nhân danh Sư Phụ đó.” Người cha hồi tỉnh và trong lúc đang cúng dường hoa với sự chú tâm vào Đức Phật thì bất tỉnh trở lại. Trong cảnh cận tử bây giờ ông thấy các Thiên nữ (nàng tiên trên trời) và vì thế ông thì thào, “Này con, hãy mời họ ngồi; các kế mẫu của con đang đến kìa.” Lúc đó người con nghĩ, “Bây giờ những dấu hiệu của cảnh giới Chư Thiên đã xuất hiện.” Vị sư già chết và được sinh lên Thiên giới.

Các Loại Thú Tướng (Gati-nimitta) Khác

Có một số người lúc sắp chết chợt thấy những cảnh thực về lần tái sinh kế của họ. Vào thời Đức Phật Gotama (tức Đức Phật Thích Ca của chúng ta), Revati vợ của một người đàn ông giàu có tên Nandiya, là người đàn bà rất kiêu căng tự phụ. Bà không có đức tin nơi đức Phật và thường hay phỉ báng các vị Tỳ Khưu; ngược lại chồng bà là một thiện nam rất mộ đạo. Sau khi chết ông trở thành một vị Chư Thiên. Khi Revati sắp chết, hai giám ngục từ địa ngục tới lôi bà lên thiên giới và chỉ cho bà thấy cuộc sống huy hoàng mà Nandiya (chồng bà) đang hưởng thụ. Rồi chúng lại kéo bà xuống địa ngục để trừng phạt bà về thái độ độc ác trên nhân thế.

Cũng trong thời Đức Phật, một thiện nam đáng kính tên Dhammika (Thăm-mí-ká) quy y nơi Tam bảo. Ông hướng dẫn một nhóm thiện tín sống cuộc đời đạo đức. Khi giờ chết đến gần, ông lắng nghe bài kinh các vị Tỳ Khưu tụng bên giường bệnh của ông, và thấy sáu cỗ Thiên xa (xe từ cõi trời xuống) đang chờ ở trên đầu để đưa ông về Thiên giới (devaloka). Ông cũng thấy và nghe các vị Chư Thiên tranh nhau xem ai sẽ là người đưa ông lên Thiên Xa của họ. Chẳng bao lâu ông chết và được Thiên Xa của cõi Trời Tusita (Đẩu Suất) chở lên Thiên giới, nơi đây ông trở thành một vị Chư Thiên (deva).
Đối với những người bị đất nuốt chửng (đất nứt) do những ác nghiệp nghiêm trọng (ngũ nghịch đại tội), họ sẽ cảm thọ trực tiếp cái nóng của lửa địa ngục Atỳ (Avicī) ngay trong hiện tại. Như vậy, bây giờ chúng ta đã thấy thú tướng (gati-nimitta) xuất hiện theo những cách khác nhau. Trong thời đại của chúng ta cũng vậy, có số người lúc lâm chung nghe được tiếng nhạc (trời) và ngửi được mùi hương thơm ngào ngạt, có khi những người đứng kế bên cũng nghe và ngửi thấy nữa. Những gati-nimitta này cùng với nghiệp (kamma) và nghiệp tướng (kamma nimitta) thường xuất hiện như những ảo ảnh do sức mạnh của nghiệp quá khứ tìm được cơ hội cho quả.

Giúp Cho Cảnh Tốt Xuất Hiện


Khi một người bị bệnh đang dần dần chết một cái chết tự nhiên, các vị thầy tổ, bạn bè và thân quyến của họ có thể giúp cho những đối tượng tốt xuất hiện trong thị lực của người sắp lâm chung ấy. Khi biết chắc rằng người bệnh không thể hồi phục được, họ sẽ dọn dẹp phòng và khu vực quanh đó cho thật sạch sẽ và cúng dường hương hoa lên Đức Phật (bàn thờ Phật). Ban đêm, toàn bộ căn phòng phải được thắp sáng. Họ sẽ khuyên người sắp chết hình dung đến cảnh hương hoa, đèn nến đã được cúng dường đến Đức Phật nhân danh họ và yêu cầu người ấy hoan hỷ với thiện sự này. Họ cũng sẽ đọc những bài kinh Paritta (kinh Bảo-hộ) lúc mà tâm người bệnh vẫn có thể nghĩ đến những đối tượng thiêng liêng. Người thân không nên cảm thấy thất vọng và người săn sóc họ cũng không nên để lộ vẻ u sầu. Việc đọc kinh và cúng dường hương hoa không chỉ làm vào giây phút cuối cùng trước khi người ấy chết, mà phải được thực hiện trước đó nhiều ngày. Chỉ như vậy người sắp chết mới được thấm nhuần trong những ý nghĩ về thiện nghiệp cúng dường Đức Phật và giáo pháp, ngửi được mùi hương ngào ngạt của những bông hoa, nghe được những âm thanh của pháp bảo, hay những lời dạy của Đức Phật trong vài ngày.
Như vậy, khi giây phút lìa đời đến gần, vào lúc người bệnh đang nhìn thấy ánh sáng và hoa quả cúng dường trước đức Phật, ngửi mùi hương trầm ngào ngạt, nghe những lời pháp bảo, thì tử tâm sẽ phát sinh trước khi những đối tượng này biến mất. Vì lẽ đó những tư duy thiện của giây phút cuối cùng này thuộc về thiện nghiệp, người chết chắc chắn sẽ tái sinh vào những cảnh giới tốt. Bởi thế các vị thầy tổ, bạn bè và thân quyến phải có trách nhiệm giúp cho những đối tượng thiện xuất hiện đến tâm người sắp chết trong lúc họ vẫn còn khả năng hướng tâm mình vào những đối tượng này. Hãy nhớ việc Trưởng lão Sona đã giúp cho những dấu hiệu xấu của cha mình biến mất và làm cho những tướng tốt xuất hiện đến tâm ông như thế nào, để giúp cho người sắp chết có được những lợi ích đúng như vậy.

Tâm Tái Sinh Xuất Hiện Như Thế Nào

Liền sau tử tâm (thuộc kiếp trước) chấm dứt, tâm tái sinh khởi lên trong kiếp sống mới. Hai tâm này liên quan lẫn nhau. Giữa tử tâm và tâm tái sinh không có khoảng cách (gián đoạn) nào cả. Một người vừa lìa đời ở cõi nhân loại ngay lập tức sẽ tái sinh trong một cảnh giới nào đó, có thể là địa ngục hay thiên giới. Ngay sau khi chết, tâm tái sinh xuất hiện và đưa đến sự hình thành của một chúng sinh mới, một kiếp sống mới.

Hai Tà Kiến

Chúng ta phải rất thận trọng, bởi nếu không chúng ta sẽ quan niệm về sự chết và tái sinh trong ánh sáng của hai tà kiến là thường kiến (sassata-diṭṭhi) và đoạn kiến (uccheda-diṭṭhi). Tin rằng có một linh hồn cư trú trong thể xác, và chính linh hồn này chuyển di sang một thân mới để trở thành một chúng sinh khác là thường kiến (sassata: cho rằng linh hồn là vĩnh hằng + diṭṭhi: tà kiến). Tin rằng mọi danh (nāma) và sắc (rūpa) của kiếp trước (kể cả những gì họ nghĩ là linh hồn) không hề có sự tiếp tục trong kiếp sống mới, khi một người chết mọi chuyện trong kiếp trước kể như chấm dứt (đi đến sự huỷ diệt hoàn toàn), và có lẽ một chúng sinh mới có thể do thượng đế tạo ra, là đoạn kiến (uccheda: cuối cùng của một đời người tất cả danh và sắc trong kiếp đó hoàn toàn huỷ diệt; không có sự liên tục nào cả +diṭṭhi: tà kiến)

Chánh Kiến

Đối với người phải tái sinh trong một kiếp sống mới, ba yếu tố - vô minh (avijjā), tham ái (taṅhā), và nghiệp (kamma) được xem là quan trọng nhất. Khi cái chết tới gần, vô minh che đậy những khuyết điểm của các uẩn danh và sắc trong kiếp sống kế. Tham ái lúc này khao khát đối với kiếp sống ấy. Mặc dù những dấu hiệu (tướng trạng) xấu xa và đáng sợ của kiếp sống kế xuất hiện, tham ái nghĩ rằng nó sẽ được một cuộc sống không có những điều xấu xa, đáng sợ ấy. Như vậy, do không thấy khuyết điểm (của các uẩn) vì vô minh đã che đậy nó, tham ái có khuynh hướng hướng đến và chấp thủ cuộc sống mới. Trong kiếp sống mới đó, do sức mạnh của nghiệp, danh và sắc vốn gọi là tái sinh sẽ được thiết lập đầu tiên.

Như vậy, vì danh và sắc, vào sát na tục sinh trong một kiếp sống mới, phát sinh như kết quả của vô minh, tham ái và nghiệp trong kiếp sống trước, đoạn kiến cho rằng “những người mới sinh (do sự sáng tạo của Thượng đế, v.v…) không có sự liên quan nào với kiếp sống trước”, là không đúng; và thường kiến cho rằng “linh hồn từ kiếp trước đầu thai vào kiếp sống mới” cũng không đúng nốt. Nói gì đến danh và sắc trong kiếp sống trước đầu thai vào kiếp sống mới, ngay cả trong một đời người, danh và sắc sanh ở một nơi, cũng đã không di chuyển sang một nơi khác rồi, vì chúng diệt liền sau khi sanh vậy. Cho nên những gì được gọi là “linh hồn thường hằng” về cơ bản là phi hữu (non-existent: phi hữu, không có hay không tồn tại)
Bởi thế, chúng ta phải rất cẩn thận không nên để bị dẫn dắt đi lầm đường bởi hai tà kiến này. Chúng ta phải hiểu rằng trong một kiếp sống mới, sự thụ thai, sự hình thành của danh và sắc, là kết quả của vô minh, tham ái, và nghiệp của kiếp trước. Đây là chánh kiến duy nhất. Khi chúng ta hét lớn trong vùng phụ cận của một ngọn núi, chúng ta sẽ nghe thấy một tiếng vang. Tiếng vang này không phải là âm thanh ban đầu do chúng ta tạo ra, song nó cũng không độc lập với âm thanh đầu tiên ấy. Khi một cây đèn được mồi từ ngọn lửa của cây đèn thứ nhất, ngọn lửa mới không phải là ngọn lửa của cây đèn thứ nhất; song nó cũng không độc lập với ngọn lửa của cây đèn ấy. Cũng vậy, kiếp sống mới không phải là sự đầu thai của kiếp sống cũ; song nó cũng không độc lập với kiếp sống cũ. Hãy nhớ rằng nếu nghiệp quá khứ là bất thiện, kiếp sống hiện tại cũng sẽ là bất thiện như vậy. Có thể nói, những kinh nghiệm tốt và xấu trong kiếp hiện tại được giải thích bởi hai yếu tố: những hành động (nghiệp) đã làm trong quá khứ, và sự hiểu biết hay kiến thức và nỗ lực chuyên cần trong kiếp hiện tại.

Kết luận

Khi chúng ta nói “một người chết” không có nghĩa rằng đối với người đó thế là hết không còn gì nữa; việc quan trọng là người ấy có được tái sinh trong một kiếp sống tốt đẹp hay không, vì chính để được tái sinh trong một kiếp sống mới mà người ta chết vậy. Và để sửa soạn cho mình có được một tâm trạng tốt ngay trước cái chết – điều chỉ có được khi người ta chết ít đau đớn, ốm đau nhẹ nhàng đến mức có thể, và nhất là phải có những người bạn lành biết làm cách nào để trợ giúp chúng ta vào lúc lâm chung – điều tốt hơn và lợi ích hơn cả vẫn là chúng ta biết chuẩn bị trước cho kiếp sống tương lai, thay vì chờ đến giây phút cuối cùng. Chúng ta phải có một cuộc sống đạo đức, và chuẩn bị cho ngày chết của mình sao cho có được một tái sinh tốt đẹp trong vòng luân hồi này cho đến khi chứng đắc Niết-bàn.

(Trích Chánh kiến và Nghiệp)


http://www.trungtamhotong.org/NoiDung/ThuVien/ChanhKienVaNghiep/ChanhKien5.htm

Ngày gửi: 07-10-2012

Câu hỏi:

Kính đảnh lễ Thầy! Xin Thầy cho con được hỏi ạ:Lễ cúng hằng tuần trong 49 ngày cho người vừa chết có phải do Đức Phật chỉ dạy không? Nếu phải thì lễ cúng tuần đó có ý nghĩa gì ạ? Con xin cảm ơn Thầy ạ.

Trả lời:

Theo kinh điển Phật Giáo Nguyên Thủy thì đức Phật chỉ dạy ngài Moggallana (Mục Kiền Liên) là nên để bát hoặc trai Tăng cúng dường để hồi hướng phước báu đến người quá vãng chứ không có nói cúng thất. Cúng thất là cách vận dụng sau này của Phật Giáo Trung Hoa. Tuy nhiên cúng thất cũng tốt nếu nội dung cúng thất như cách đức Phật dạy ngài Mục-kiền-liên, để nhờ đức độ chư Tăng trợ duyên hồi hướng phước báu của thí chủ đến hương linh người quá cố được thiện sanh cảnh giới an lạc. Vì người quá cố chỉ hưởng được tâm lực và phước lực hồi hướng thôi chứ không thể dùng vật thực dương gian như người còn sống.

http://www.trungtamhotong.org/index.php?module=faq