GIÁC NGỘ MỖI NGÀY


Giác ngộ đồng nghĩa với “sức mạnh”. Sức mạnh đó sẽ giúp bạn mang lại lợi ích cho mọi người. Nhiều người cho rằng khi đạt giác ngộ, họ sẽ ở trong trạng thái tĩnh tọa, bất động như một pho tượng, không làm gì và hoàn toàn trống rỗng. Suy nghĩ như vậy tức là bạn chẳng hiểu biết gì về giác ngộ và có lẽ bạn đang mường tượng đến hình ảnh đời sống về hưu buồn chán, tẻ nhạt của thế gian thông thường.
Giác ngộ là kết quả cuối cùng của “Trí tuệ hiểu biết hoàn hảo”

hay là sự trưởng dưỡng viên mãn của trí tuệ, tình yêu thương và tâm từ bi tuyệt đối. “Tâm giác ngộ” còn được gọi là Bồ Đề Tâm (Bodhicitta), tức “tâm hiểu biết” hay “tâm hiểu biết hoàn hảo”. Thành Phật hay thành tựu giác ngộ có nghĩa là bạn trở thành một Bậc Hoàn Hảo, có Sức Mạnh Tuyệt đối. Để đạt đến sự hoàn hảo như vậy chắc chắn không hề dễ dàng nhưng tất cả chúng ta đều có thể bước trên con đường siêu việt hướng đến giác ngộ. Trên hành trình đó, với sự giúp đỡ của Thượng sư, Tăng đoàn và Giáo pháp, hiểu biết của chúng ta sẽ từng bước được trưởng dưỡng. Bạn hãy bước đi trên đường đời với niềm tri ân và tâm hoan hỷ, không mong cầu. Dù người ta có đối xử không tốt, có bội bạc hay thất lễ với bạn thì điều đó cũng không hề gì. Chỉ cần bạn biết trân trọng sự hiện diện của mình và mọi người trên cõi đời, biết tri ân tất cả mọi trải nghiệm từ hạnh phúc đến khổ đau thì cuộc sống của bạn sẽ trở nên ý nghĩa, an vui, đầy trí tuệ hiểu biết và sức mạnh vô úy.
Chúng ta có thể chọn cách sống ẩn dật, tĩnh tọatrong sơn động, dành nhiều thời gian cho thiền định, nhằm mục đích tăng trưởng trí tuệ, giúp trưởng dưỡng hiểu biết và trải nghiệm nội tâm. Nhưng nếu không đem sự hiểu biết và những kinh nghiệm đó vào hành động thì tất cả những gì chúng ta đã tu học chỉ là lý thuyết suông. Chúng ta cần nhập thế và giúp đỡ mọi người, từng phút, từng chút mỗi ngày, chính cuộc sống nhập thế đó giúp ta thêm mạnh mẽ, tự tại và thư thái. Chúng ta bao dung với mình hơn và đồng thời cũng thôi không áp đặt định kiến đối với người khác. Chúng ta trở nên linh động, thích ứng với sự thay đổi, biết cởi mở đón nhận những điều mới mẻ. Tất cả điều đó khiến chúng ta tự tin nỗ lực trong các công việc mình làm và tìm lại niềm hỷ lạc, an bình, vô úy tự tại.
Tôi không có bất cứ lời khuyên đặc biệt nào khác ngoài việc muốn nói rằng bạn hãy sống cuộc sống của mình, trong từng phút giây hiện tại với trọn vẹn hiểu biết và tỉnh thức. Trên ngã rẽ cuộc đời, nếu có lúc nhận ra ý nghĩa của hành trình tâm linh đẹp đẽ và cao quý mình đang đi, hãy dấn bước và can đảm tiến lên theo tiếng gọi của trái tim, tôi tin rằng bạn sẽ đạt kết quả và sẽ thành công. Đời người rất quý giá nhưng cũng cần được rèn luyện và tu dưỡng. Bạn hãy khám phá và trưởng dưỡng nguồn năng lượng dồi dào tiềm ẩn trong chính bạn, không ngừng tự kiểm điểm và quán sát mọi tư tưởng phát khởi trong tâm. Chúng ta rất cố chấp và không dễ bị thuyết phục nhưng tôi cho rằng đã đến lúc phải hướng thiện. Chúng ta cần dỡ bỏ bức màn vô minh, cần đủ mạnh mẽ và sẵn đầy tình yêu thương, tâm từ bi dành cho tất cả mọi người. Hãy từ bi độ lượng với chính mình, nhìn nhận những sơ sót lỗi lầm với trí tuệ tỉnh thức và tâm tích cực. Tiếp đến, nếu thế giới này chưa được hoàn hảo, hãy đem tâm từ bi để xóa bỏ niềm sân hận và sự bất mãn đối với mọi người.
Hãy thực hành như vậy trong từng giây, từng phút. Cuộc sống là sự rèn luyện, tu tập. Đức Phật đã từng dạy “Bây giờ, tất cả mọi thứ đều ở trong tay các con, các con có toàn quyền quyết định”.
Tôi thành thực mong rằng bài pháp này sẽ giúp mọi người, kể cả bản thân tôi, trưởng dưỡngtâm từ bi, tình yêu thương để có một cuộc sống đầy ý nghĩa. Động cơ của tất cả mọi việc tôi làm như thuyết pháp, viết bài, đi khắp đó đây là để phá bỏ những rào cản ngăn cách con người với con người, cũng như những trở ngại trong chính bản thân mỗi chúng ta. Tình yêu thương vốn vô điều kiện, nó giống như ánh mặt trời sưởi ấm trái đất mỗi ngày. Mặt trời ban trải ánh nắng lên tất cả mọi loài nhưng việc mở cửa đón nhận ánh nắng mặt trời, rộng mở tâm hồn đón nhận tình yêu thương, lại hoàn toàn tùy thuộc vào chính nỗ lực của mỗi người.
Tôi xin thành tâm tri ân những thiện nghiệp của bản thân và những bậc Thượng sư của tôi vì đã giúp tôi không đơn độc trên hành trình này. “Tận đáy lòng, xin cảm niệm tri ân” đó là tất cả những gì tôi muốn nói.
“Con đường chúng ta đang đi là hành trình tâm linh siêu việt trải qua vô vàn kiếp sống. Không phải ai cũng đủ may mắn phúc duyên để khám phá hành trình đầy thử thách gian nan nhưng có thể đưa ta đến chân hạnh phúc và sự giải thoát tối thượng. Tôi mong nguyện những lời chia sẻ qua cuốn sách có thể nâng đỡ bạn trên bướchành trình đầy cao quý và ý nghĩa này!”


VÔ ÚY TỰ TẠI
Đường đời dài và lắm gian truân. Tôi không ngại những gập ghềnh phải vượt qua nhưng đôi khi lại bồn chồn khi thấy con đường cứ trải dài phía trước. Chẳng ai trong chúng ta biết đường đời ngắn hay dài vì thế chúng ta luôn sống trong phấp phỏng, hy vọngvà lo âu. Hầu hết mọi người đều yêu thích những chặng đường đầy hy vọng, nhưng không may hy vọng lại luôn đi kèm sợ hãi. Chẳng hạn, bạn sung sướng vì chiếm được trái tim của người yêu trong mộng hoặc do được tiến cử vào vị trí công việc mình hằng ước ao. Nhưng sớm hay muộn, những cảm xúc tuyệt vời ấy sẽ đi kèm với nỗi sợ hãi đánh mất người yêu, đánh mất vị trí trong công việc. Bạn luôn lo lắng sẽ có gì bất tường xảy ra, hay nghi ngờ mình không đủ năng lực níu giữ hạnh phúc.
Sợ hãi, lo lắng dường như đã trở thành căn bệnh thời đại. Nếu bạn luôn đặt nhiều kỳ vọng về mọi thứ thì lo lắng và sợ hãi đương nhiên sẽ tới. Vì diễn biến cuộc đời hiếm khi theo kịch bản ta phóng chiếu, chắc hẳn bạn đã từng đối mặt với thất vọng, kèm theo đó là sự sợ hãi nếu tiếp tục mạo hiểm, chúng ta sẽ còn thất bại lần nữa. Ta tự hỏi, khi đó cuộc đời sẽ đi về đâu!
Vấn đề nằm ở chỗ, khi quá hoảng sợ, sự sợ hãithường dẫn đến tâm lý bế tắc thay vì giúp chúng tabiết tùy duyên hành xử. Vì thế, tốt nhất bạn hãy trực diện nhìn thẳng vào nỗi sợ hãi một cách cởi mở và thành thật, không chối bỏ nhưng cũng đừng để cho nó níu chân, ngăn cản bạn nỗ lực vượt qua khó khăn chướng ngại.
Trạng thái bình thường, tự nhiên của đời sống thực sự chính là vô úy. Nếu có thể tiếp cận hay kết nối với trạng thái nguyên sơ đó, bạn sẽ trở nên tự tin, mạnh mẽ và vô úy hơn rất nhiều. Khi nhận thấy mình chẳng cần trở nên hoàn hảo, chẳng cần ganh đua với người khác, chẳng nên bị chi phối quá nhiều bởi những chỉ trích đàm tiếu bên ngoài, bạn sẽ bắt đầu cảm nhận sự tự tin và vô úy tự tại.
Thử tưởng tượng một ngày bạn thôi không tự trách mình, cũng chẳng bị ai phán xét, chẳng hề buồn phiền lo sợ về “những gì có thể xảy đến”. Chấp nhận không có nghĩa là bạn trở nên bàng quan với thế giới xung quanh hoặc chẳng cần nỗ lực tìm kiếm mục tiêu cho mình, tuy nhiên, nó chỉ nhắc nhở chúng ta rằng chẳng ai hoàn hảo, ta không tốt mà cũng chẳng tệ hơn người khác. Vậy tại sao không sống như con người thực của mình và tận hưởng cuộc sống một cách ý nghĩa thay vì uổng phí thời gian lo lắng cho những thứ không đâu?
Trân trọng tri ân cũng khiến ta tự tin hơn, vô úy hơn. Khi nhận thức được ý nghĩa quý giá của kiếp người và những điều may mắn khi sinh ra làm người, bạn sẽ biết chấp nhận mọi sự và trở nên ít âu lo hơn. Với việc nhận ra nét đẹp và sự hoàn hảo nơi người khác, bạn cũng sẽ thấy được nét đẹp và sự hoàn hảo nơi chính bản thân mình. Thay vì lo lắng sợ hãi, bạn sẽ cảm thấy hứng khởi muốn tìm tòi, khám phá chiều sâu thế giới bên ngoài và bên trong chính mình. Vô úy không có nghĩa là bạn không bao giờ phải đối mặt với nỗi sợ hãi bởi sợ hãi luôn đi cùng hy vọng mà hy vọng lại là một phần tất yếu của cuộc sống. Giống như sân giận, nỗi sợ hãi cũng có thể là người thầy của bạn. Chẳng hạn, trong những thời pháp đàm đầu tiên của tôi ở Anh Quốc, khi thỉnh cầu tôi về vấn đề gì, cử tọa thường bày tỏ quan điểm của mình trước và điều đó khiến tôi bối rối chẳng biết nên trả lời thế nào. Khi đấy, tôi có cảm giác hơi khó hiểu và thoáng chút e ngại. Tôi tự vấn mình: “Liệu đó có phải là một câu hỏi?”, và hiểu rằng bản ngã của tôi đang bám chấp vào tình huống này. Đây chỉ là một ví dụ nhỏ về sự sợ hãi e ngại. Trên thực tế, chúng ta luôn trải qua những tình huống như vậy trong cuộc sống hàng ngày. Nếu biết nhìn nhận, chúng ta sẽ rút ra nhiều bài học hữu ích để đối trị sợ hãi từ chính những tình huống này!
Đối với nhiều người, nỗi sợ hãi khiến họ vô cùng đau khổ, tuyệt vọng, thậm chí có thể dẫn đến những hành vi tiêu cực như tự sát. Đáng buồn thay, họ không biết cách chuyển hóa năng lượng sợ hãi thành trí tuệ, nên thường để nó lấn át đè bẹp. Khi đó, ý thức về “cái tôi” giữ vai trò thống trị chi phối khiến cho bản chất cốt tủy của đời sống bị thu hẹp, tới mức vượt tầm kiểm soát. Đó là lý do tại sao, tôi luôn nói rằng chấp nhận là phương châm sống của tôi. Biết cách chấp nhận, tự cảm thấy hài lòng với những gì mình có và những nỗ lực tối đa của bản thân sẽ khiến bạn thoát khỏi mọi ràng buộc, được tự do tự tại. Nếu có thể nhắn gửi duy nhấtmột điều, tôi muốn khuyên bạn hãy biết chấp nhận. Chấp nhận sẽ đem lại cho bạn sức mạnh lớn lao.


TRÍCH: GIÁC NGỘ MỖI NGÀY
BƯỚC CHÂN AN LẠC TRONG ĐỜI SỐNG HIỆN ĐẠI
Gyalwang Drukpa 
Ban phiên dịch Drukpa Việ Nam
Nhà xuất bản: Văn Hóa Thông Tin 2015

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét