“Mọi việc xảy đến cho ta đều có nguyên nhân. Khi hành giả đã có thể quán niệm về điều đó một cách nhuần nhuyễn đến độ có thể biết nguyên nhân của chúng, hành giả sẽ có thể vượt lên chúng”.
“Các uế nhiễm đã khiến ta đau khổ đủ rồi. Bây giờ đến lượt chúng ta khiến chúng khổ đau”.
& Có hai hạng người: Có người thích nghĩ suy và có người không. Khi những người không thích nghĩ suy bắt đầu thực hành thiền, ta phải khiến họ quán niệm về sự việc. Nếu ta không gò ép, họ giống như bị đóng cộc trong quán niệm, và không đi đến đâu cả. Còn đối với những người thích suy nghĩ, họ thực sự phải sử dụng ý chí để khiến tâm ổn định. Nhưng một khi tâm đã an tĩnh, họ không cần phải ép nó quán niệm. Bất cứ điều gì chạm đến tâm, họ quán niệm về chúng ngay lập tức”.
& “Trí tuệ (mà) có thể buông uế nhiễm là một loại trí tuệ đặc biệt, không phải là trí tuệ thông thường. Nó cần có định làm gốc nếu nó muốn buông”.
& “Để tri giác phát khởi, hành giả phải có kế hoạch của riêng họ. Ta không thể sử dụng kế hoạch của người với hy vọng sẽ đạt được kết quả giống họ”.
& “Khi tri giác phát khởi, đừng cố gắng để ghi nhớ chúng. Nếu chúng là tri giác thực sự, chúng sẽ ở lại với ta. Nếu hành giả cố gắng để ghi nhớ, chúng sẽ trở thành các danh hiệu, các khái niệm, và sẽ cản trở sự phát khởi của tri giác”.
& Một thiền sinh ở Singapore có lần viết thư cho Ajaan Fuang, trình bày việc ông đã áp dụng các giáo lý của Đức Phật vào cuộc sống hàng ngày như thế nào: Khi ông để tâm đến điều gì, ông luôn cố gắngnhìn nó là vô thường, vô ngã và khổ. Ajaan Fuang bảo tôi viết thư trả lời rằng, “Sự vật có nói là chúng vô thường, khổ và vô ngã không? Chúng chẳng bao giờ nói vậy, nên đừng đổ lỗi cho chúng như thế. Hãy chú tâm xem ai đã gọi, đã đặt tên cho chúng như thế. Đó chính là nơi ẩn trú của lỗi lầm”.
& “Dầu quan niệm của ta có thể đúng, nhưng nếu ta chấp vào đó, ta cũng sai”.
& Vợ của một đại úy Hải quân đang hành thiền tại nhà, bỗng bà bị thôi thúc với ước muốn thoái mạ ngài thiền sư. Dầu bà cố gắng xua đuổi ý tưởng đó ra khỏi đầu, bà cũng không thể làm được. Vài ngày sau đó, bà đến xin Ajaan Fuang tha thứ, sư bảo, “Tâm có thể nghĩ ra các ý thiện, thì sao nó không thể nảy sinh các ý xấu? Dầu nó nghĩ gì, chỉ quán sát nó –nhưng nếu đó là các ý nghĩ bất thiện, thì đừng có làm theo chúng đó”.
& Một thiền sinh trẻ có lần đã kể rằng khi thực hành thiền, nếu tâm nghĩ điều thiện, anh sẽ để chúng qua đi, nhưng nếu là điều ác, anh sẽ lập tức dừng chúng lại. Ajaan Fuang khuyên, “Chỉ quán sátchúng. Xem ai là người đang nghĩ điều thiện hay điều ác. Các ý nghĩ thiện hay ác sẽ tự qua đi, vì chúng thuộc ba tướng của vô thường, khổ và vô ngã”.
& “Nếu tâm muốn nghĩ tưởng, hãy cứ để nó nghĩ tưởng, nhưng đừng chấp vào sự nghĩ tưởng của nó”.
& “Uế nhiễm giống như bèo trong nước. Ta phải dạt chúng sang một bên mới có thể thấy nước trong bên dưới. Nếu hành giả không liên tục làm thế, chúng phủ đầy mặt nước trở lại – nhưng ít nhất là hành giả cũng biết rằng nước ở phía dưới thật trong xanh”.
& Một nữ thiền sinh thưa với Ajaan Fuang rằng bà đã hành thiền trong bao năm nhưng vẫn không thể trừ khử các uế nhiễm. Ngài thiền sư cười và nói, “Bà không phải trừ khử chúng. Bà nghĩ rằng mình có khả năng đó sao? Uế nhiễm là các hành trang lớn, nhỏ của thế giới này, đã có mặt từ trước khi bà đến. Bà là người đến để tìm chúng. Dầu bà có đến hay không, chúng vẫn tự có mặt. Và ai bảo chúng là các uế nhiễm? Chúng có tự xưng như thế không? Chúng chỉ tự đi theo con đường của mình. Vì thế hãy làm quen với chúng. Hãy nhìn cả mặt tốt và xấu của chúng”.
& Có lần ngài Ajaan Fuang đang giảng cho các tân thiền sinh phương cách để quán sát sự phát khởivà sự qua đi của các uế nhiễm. Trong số họ có người đã từng đọc qua nhiều sách thiền, nên bà góp ý: “Thay vì chỉ quán sát chúng như thế, sao chúng ta không cố gắng nhổ tận gốc chúng?”
Ajaan Fuang trả lời, “Nếu ta chỉ lo bứng gốc chúng, thì trái có thể rơi xuống đất và rể bắt đầu mọc lên lại”.
& Một thiền sinh khác trình với Ajaan Fuang rằng bà đã đạt đến một mức độ trong thiền tập khiến bà cảm thấy vô cảm với mọi thứ bà tiếp xúc. Sư cảnh báo, “Được, bà có thể vô cảm nhưng chớ vô cảm với những thứ lay động tim người”.
& “Mọi người ai cũng sống với khổ, khổ và khổ, nhưng không ai hiểu khổ là gì, có thể đó là lý do khiến họ không thể thoát khổ”.
& “Những người biết không khổ. Những người không biết mới khổ. Cuộc đời nào cũng có khổ đau – khi nào còn có năm uẩn (khandhas), thì còn có khổ - nhưng nếu thực sự có hiểu biết, hành giả có thể sống an nhiên, tự tại”.
& “Khi thân bệnh, hành giả có cơ hội ngàn vàng. Hành giả có thể quán niệm về những sự đau đớnphát khởi từ căn bệnh của mình. Đừng chỉ nằm ra đó. Hãy quán chiếu ngay lúc đó. Quán niệm về các cách của cái đau khi chúng phát khởi. Đừng để tâm bị lôi cuốn theo chúng”.
& Một đệ tử của Ajaan Fuang được chữa trị ung thư theo phương pháp cobalt cho tới khi bà sinh ra dị ứng với thuốc tê. Các bác sĩ bối rối không biết phải làm sao để chữa trị cho bệnh nhân, nên bà đề nghị họ chữa trị mà không cần thuốc tê. Lúc đầu họ không đồng ý nhưng khi bà nhất quyết rằng bà có thể dùng năng lực của thiền định để chịu đựng cơn đau, cuối cùng họ cũng chấp nhận thử nghiệm.
Khi Ajaan Fuang đến thăm bà ở bệnh viện, bà kể chuyện rằng bà có thể định tâm để chịu đựng cơn đau, nhưng việc đó khiến bà mất hết sức lực. Ngài thiền sư khuyên, “Bà có thể sử dụng sức mạnh của định để chịu đựng cơn đau, nhưng việc đó vắt kiệt sức mình. Bà phải đối mặt với cơn đau bằng trí tuệ, để thấy rằng nó không phải là bà. Không phải là của bà. Sự ý thức của bà là một chuyện, cơn đau là một chuyện khác. Khi bà có thể nhìn sự việc theo cách đó, mọi việc sẽ trở nên dễ dàng hơn”.
& Vài tháng sau, thiền sinh này đi nghe một vị tu sĩ ở Bangkok rất nổi tiếng, giảng về luân hồi, chết, và tái sinh như là biển khổ. Điều đó gây xúc cảm mạnh nơi bà, nên sau đó bà đến gặp Ajaan Fuang và kể lại cho sư nghe. Lúc đang nói, hình ảnh của biển khổ lại tràn ngập trong lòng, khiến bà rơi lệ. Ngài thiền sư nói: “Bây giờ bà đã biết đó là biển khổ, sao bà không vượt qua bờ bên kia?” Những lời đó đủ ngăn lại dòng nước mắt của bà.
& “Đức Phật không dạy ta chữa khỏi các cơn đau. Ngài dạy ta có sự hiểu biết về chúng”.
& “Sự thật là bệnh hoạn có thể gây trở ngại cho việc hành thiền, nhưng nếu ta đủ hiểu biết để xem bệnh là một ông thầy, xem thân này là ổ bệnh và ta không nên chấp vào nó như là thuộc về ta. Lúc đó ta có thể bứng gốc mọi bám víu vào thân –vì không có gì trong đó là của ta cả. Nó chỉ là công cụ giúp ta tạo ra nghiệp thiện và trả nghiệp quả xấu khi có thể”.
& “Khi chú tâm quán về khổ đau, căng thẳng, hành giả phải đi đến các tầng thâm sâu –đến mức độ ngay khi vừa mở mắt ra, nhìn sự vật, hành giả đã thấy phiền não có mặt”.
& Lời khuyên cho người phải sống với bệnh tật triền miên: “Hãy sử dụng chánh niệm để quán thân cho đến khi ta có thể nhìn thấy nó như một đống xương đổ chồng lên nhau, mà ta có thể đốt nó thành tro. Sau đó tự hỏi mình: Đó là tôi sao? Tại sao nó khiến tôi đau đớn, khổ sở vậy? Có ‘cái tôi’ nào trong đó không? Hãy tiếp tục quán sát cho đến khi hành giả đạt đến tận cốt lõi chân thực của Pháp – cho đến khi không còn gì là của ta cả. Lúc đó tâm sẽ thực sự nhìn thấy bản thân như nó thực sự là, và buông không nắm giữ”.
& “Hãy tự nhủ: Lý do tôi còn khổ là vì tôi vẫn còn có ‘ngã’”.
& “Sẽ có một ngày khi thần chết đến viếng ta, buộc ta phải buông bỏ tất cả mọi thứ. Đó là lý do tại sao ta cần thực tập buông bỏ trước để trở nên thành thuộc. Nếu không –hãy để tôi cảnh báo bạn- sẽ rất khó buông khi thời khắc đó đến”.
& “Hành giả không nên sợ chết. Tốt hơn là nên sợ sinh”.
& “Lúc chết, đừng quá quan tâm đến những dấu hiệu của sự chết”.
& “Hãy để tâm vượt lên trên những gì nó biết”.
& “Cái gì chết, hãy để nó chết, nhưng đừng để tâm chết”.
Diệu Liên Lý Thu Linh -11/2018
(Chuyển ngữ từ tiếng Anh, Contemplation, trích từ quyển AWARENESS ITSELF, nguồn:
http://accesstoinsight.org/lib/thai/fuang/itself.html, Metta Forest Monastery, P.O.Box 1409, Valley Center, CA 92082, USA)
Thiền sư Ajaan Fuang Jotiko
Thiền sư Ajaan Fuang Jotiko, sinh năm 1915 tại tỉnh Chanthaburi, Đông Nam Thái Lan (gần biên giới Campuchia). Mồ côi năm 11 tuổi, ông sống ở nhiều chùa, cho đếnnăm 20 tuổi được thọ giới xuất gia, về sau trở thành một thiền sư lớn (theo truyền thống tu tập trong rừng) ở Thái Lan.
Thiền sư Ajaan Fuang Jotiko
Thiền sư Ajaan Fuang Jotiko, sinh năm 1915 tại tỉnh Chanthaburi, Đông Nam Thái Lan (gần biên giới Campuchia). Mồ côi năm 11 tuổi, ông sống ở nhiều chùa, cho đếnnăm 20 tuổi được thọ giới xuất gia, về sau trở thành một thiền sư lớn (theo truyền thống tu tập trong rừng) ở Thái Lan.
Tỳ kheo Thanissaro
Tỳ-kheo Thanissaro (Geoffrey DeGraff) người Mỹ, theo học thiền với Ajaan Fuang Jotiko và xuất gia năm 1976 tại Thái Lan. Hiện Tỳ-kheo Thanissaro cũng là thiền sư, chuyên trước tác và giảng dạy về thiền. Tỉnh Giác (Awareness Itself) là một trong những giáo huấn vắn tắt, thiết thực của Thiền sư Ajaan Fuang Jotiko, được Tỳ-kheo Thanissaro soạn tập và dịch từ tiếng Thái sang tiếng Anh. Xin giới thiệu đến bạn đọc.
Theo: Thuvienhoasen
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét