NIẾT BÀN - VÌ SAO BIẾT NIẾT-BÀN LÀ VUI?


NIẾT BÀN


Hỏi:  Kính thưa Sư! Cho con hỏi trong khóa giảng thiền, Thầy nói rằng Niết-bàn ở trong tâm ta không ở đâu cả. Vậy khi Đức Phật tịch về cõi Niết-bàn mà kinh sách thường nói là ở đâu?
Theo con nghĩ Niết-bàn là một cõi mà Đức Phật đã về ở vì Ngài đã thành bậc Chánh Đẳng Chánh Giác thì không thể thành tro bụi được, cũng như bên Bắc Tông quý Thầy nói cõi Cực lạc Tây phương của Đức Phật A-di-đà vậy.
Theo truyền thống Phật Giáo Nguyên Thủy tu như PHẬT sẽ thành PHẬT rồi về đâu? 



 - Thẳng thắn mà nói thì việc tìm hiểu Niết-bàn ở đâu không ích gì cho sự trực nhận thực tại để thoát ly điên đảo mộng tưởng cả. Đã là Phật thì ở đâu mà chẳng là Niết-bàn. Niết-bàn được đức Phật định nghĩa là đoạn tận tham, đoạn tân sân, đoạn tận si. Vậy ỏ đâu không có tham sân si ở đó là Niết-bàn.
Nếu Niết-bàn có một chỗ để trụ thì đã không gọi là Vô Sở Trụ hay Vô Thủ Trước Niết-bàn rồi. Bậc giác ngộ, thấy Pháp, sống thuận Pháp và thể nhập Pháp tánh nên lấy Pháp giới tánh làm Pháp Thân (Dhammakaya) không còn nương tựa hay bám trụ trên bất cứ tướng nào (Anissito viharati na kinci loke upadiyati).
Sở dĩ thầy nói:"Ngay đây không tham sân si là Niết-bàn" để mọi người đừng lăng xăng tìm kiếm bên ngoài (vọng ngoại), ở tương lai hay một nơi xa xăm nào đó. Hãy trở về mà thấy (ehipassiko), ngay tại đây (sanditthiko) và bây giờ (akaliko), trên tự thân thực tại (opanayiko) mà mỗi người có thể chứng nghiệm được (paccattam veditabbo vinnuhi). Và đó là lý do vì sao đức Phật dạy chúng ta trở về chánh niệm tỉnh giác ngay nơi thực tại thân tâm này thì ở đó thấy Niết-bàn... 


Trích: Mục hỏi đáp trang web trungtamhotong.org


VÌ SAO BIẾT NIẾT-BÀN LÀ VUI?

“Bạch đại đức, những ai chưa chứng đắc Niết-bàn có thể biết
Niết-bàn là cảnh vui chăng?”
“Có thể biết.”
“Làm sao có thể biết?”
“Đại vương, có những người chưa từng bị chặt tay, chặt chân,
họ có thể biết bị chặt tay chân là đau đớn, khổ não hay không?”
“Thưa, có thể biết.”
“Làm sao có thể biết?”
“Vì tuy họ không bị chặt tay chân, nhưng họ đã được nghe những kẻ bị chặt tay chân kêu la, than khóc, nên họ biết đó là đau đớn khổ não vậy.”
“Cũng như thế, đại vương. Người chưa chứng đắc Niết-bàn cũng có thể biết Niết-bàn là cảnh vui sướng, vì được nghe những vị đã đắc đạo thuật lại những sự an ổn, thanh thản ở cảnh Niết bàn.”


(Kinh Na Tiên Tỳ Kheo)

__(())__


QUÁN TRỌ 



Một vị thầy tâm linh nổi tiếng đến trước cửa lâu đài của vị vua nọ. Vì thầy nổi tiếng rồi, nên các người lính canh không ai chặn ông lại khi ông đi vào và tiến thẳng đến trước mặt nhà vua đang ngồi trên ngai vàng.
- Ông muốn gì? Nhà vua hỏi.
- Tôi muốn có một chỗ để ngủ trong cái quán trọ này. Ông ta đáp.
- Nhưng đây không phải là quán trọ, đây là tòa lâu đài của ta. Vua trả lời.
- Xin hỏi bệ hạ rằng ai là sở hữu tòa lâu đài này trước bệ hạ?
- Vua cha ta, Ngài đã chết rồi.
- Và ai là sở hữu trước cha của bệ hạ?
- Ông nội của ta, Ngài cũng đã chết.
- Và cái chỗ này, nơi mà Ngài sống một thời gian ngắn rồi dọn đi, như vậy thì nó không phải là quán trọ như tôi đã nói hay sao?

Cho Bỏ Lúc Trăm Năm 



Đời ngắn lắm cầm tay nhau chưa đủ
Nói làm chi lời chia cách vực sâu,
Hắt hơi thở là tạ từ cuộc lữ
Dẫu muốn tìm, chẳng dễ gặp nhau đâu!

Ngày ngắn lắm chưa cười đêm đã xuống
Sao ta hoài ước muốn chuyện.. sương tan,
Sao chỉ thấy ngày mai là hạnh phúc
Còn Bây Giờ, để phai úa thời gian?

Em dẫu biết đời chẳng chi thường tại
Sao vẫn buồn ngây dại giữa hư hao?
Khi sân khấu tấm màn nhung khép lại
Kiếp huy hoàng, lộng lẫy.. hóa chiêm bao.

Đời ngắn ngủi sao lời thương chưa nói?
Ngại ngần chi, người đang rủ nhau đi.
Ai khóc ngất tiễn ai vào mộ địa
Bởi niềm thương dấu nhẹm lúc đương thì...

Đời quá ngắn thương nhau còn chưa đủ
Bận lòng chi bao oán hận bâng quơ..
- Ta cười bóng trong gương cười trở lại
Lòng yêu thương thành biển rộng vô bờ...

Thích Tánh Tuệ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét