Phật bảo Subhuti: ‘Vậy, Subhuti, lắng nghe cho rõ và chăm chú!’
‘Hành giả đi theo con đường của bồ tát cần phải nghĩ rằng,“Tất cả các loài chúng sinh trong vũ trụ, dù nhiều vô lượng, ta phải dẫn dắt họ đến niết bàn, nơi chẳng còn để lại cái gì ở phía sau. Tuy nhiên, mặc dù vô lượng vô biên chúng sinh đã được dẫn dắt vào niết bàn, nhưng thật ra không có chúng sinh nào được dẫn vào niết bàn cả.” Và tại sao? Bởi vì nếu vị bồ tát còn có ý nghĩ về “chúng sinh” thì không thể gọi là “bồ tát”. Tại sao vậy? Bởi vì, nếu một ai đó còn có ý nghĩ về ta, về người, về linh hồn, về mạng sống, thì không phải là bồ tát.”Tôi yêu Phật Gautam, vì đối với tôi, ông ấy là cốt lõi tinh hoa của tôn giáo. Ông ấy không phải là người sáng lập Phật giáo - Phật giáo chỉ là sản phẩm phụ - nhưng ông ấy là người bắt đầu cho một loại tôn giáo hoàn toàn khác trên khắp thế giới. Ông ấy là người sáng lập ra tôn giáo phi tôn giáo. Ông ấy đã đề xuất không phải là tôn giáo mà là tinh thần tôn giáo. Và đây là thay đổi triệt để vĩ đại trong lịch sử tâm thức con người.
Trước Phật đã từng có nhiều tôn giáo, nhưng chưa bao giờ có tinh thần tôn giáo thuần khiết. Con người chưa chín muồi. Với Phật, nhân loại đã đến tuổi trưởng thành. Thực ra, không phải tất cả mọi người đều trưởng thành, điều đó đúng, nhưng Phật đã chỉ ra con đường; Phật đã mở cánh cửa vô môn. Phải có thời gian, nhân loại mới hiểu được thông điệp sâu sắc như thế. Thông điệp của Phật là sâu sắc nhất mà loài người chưa từng bao giờ nhận được. Chưa từng có một ai làm được công trình như Phật đã làm, cách thức mà ông ấy đã làm. Chưa từng có một ai biểu lộ được hương thơm ngát thuần khiết như thế.
Những nhà sáng lập tôn giáo khác, những bậc chứng ngộ khác đã có những nhượng bộ đối với thính giả của họ. Còn Phật không bao giờ khoan nhượng, và đó là thuần khiết của ông ấy. Ông ấy chẳng quan tâm tới điều bạn có thể hiểu được tới đâu, ông ấy chỉ quan tâm đến chân lí là gì. Và ông ấy giải bầy chân lí mà chẳng lo liệu bạn có hiểu được hay không. Một mặt, làm như vậy có vẻ quá nghiêm khắc, nhưng mặt khác nó lại chứng tỏ từ bi vô hạn.
Chân lí như thế nào thì phải được nói ra đúng như thế. Ngay khi bạn nhân nhượng, khoảnh khắc bạn hạ thấp chân lí cho vừa với trình độ tầm thường của tâm thức con người, chân lí liền mất hết linh hồn, nó thành nông cạn, nó trở thành thứ chết. Bạn không thể hạ thấp chân lí xuống cho vừa với trình độ con người; con người phải được nâng lên tới cấp độ chân lí. Đó chính là công trình vĩ đại của Phật.
Kinh Kim Cương đã được nói ra cách nay hai mươi nhăm thế kỉ, vào một ngày nào đó, sáng sớm - giống như sáng hôm nay. Một nghìn hai trăm năm mươi tu sĩ đã có mặt. Việc ấy xảy ra tại thành Sravasti. Đó đã từng là một trong những thành phố lớn thời đó. Từ ‘Sravati’ có nghĩa là ‘Thành Diễm lệ’. Nó đã là một trong những thành phố diễm lệ nhất của Ấn Độ cổ đại; lúc ấy thành phố có chín trăm nghìn gia đình. Ngày nay nó đã hoàn toàn biến mất. Chỉ còn lại một cái làng rất rất nhỏ bé - thậm chí bạn cũng sẽ không tìm thấy tên của nó trên bất kì bản đồ nào; thậm chí tên của nó cũng đã biến mất. Bây giờ nơi đó được gọi là Sahet-Mahet. Không thể nào tin được rằng một thành phố lớn đến thế đã từng tồn tại ở đấy. Cuộc sống là như vậy đấy - mọi vật luôn đổi thay. Thành phố trở thành nghĩa địa, nghĩa địa trở thành bãi chợ... cuộc sống là thay đổi liên tục.
Phật chắc phải đã yêu thành phố Sravasti này, vì ông ấy đã trải qua ở đó hai mươi nhăm trong số bốn mươi nhăm năm thuyết pháp. Chắc ông ấy đã yêu mến dân chúng của thành này. Trình độ tâm thức của họ chắc phải rất cao. Những bản kinh tuyệt vời nhất của Phật hầu hết được giảng ở Sravasti.
Bản kinh này - Kinh Kim Cương - cũng đã được giảng tại Sravasti. Tên tiếng Phạn của kinh này có nghĩa là "sự hoàn hảo của trí huệ sắc bén như cú sét đánh, như lưỡi tầm sét." ...
Bản ngã phải chết đi để bản thể tinh tuý nổi lên bề mặt. Đây là ý nghĩa chính của Kinh Kim Cương. Nó chặt đứt như lưỡi tầm sét. Nó có thể tiêu diệt bạn bằng một nhát chém. Đây là một trong những bài giảng quan trọng nhất của Phật. Hoà điệu với nó đi.
Nhưng trước khi chúng ta vào lời kinh, tôi sẽ giải thích cho bạn một vài điểm để bạn dễ hiểu hơn.
Phật Gautam đã bắt đầu một chất tâm linh không bị kìm nén, không lí tưởng hoá. Đó là hiện tượng rất hiếm hoi. Loại tâm linh thông thường, đầy rẫy trong vườn, đều rất kìm nén. Nó phụ thuộc vào kìm nén. Nó không làm biến đổi con người, nó chỉ làm con người què quặt đi. Nó không giải phóng con người, nó làm con người thành nô lệ. Nó là đàn áp, nó là xấu xa.
... Cuộc sống chính là Thượng đế. Không có đối kháng nào, thậm chí không có tách bạch nào. Đấy không phải là những sự vật phân biệt, mà là những tên gọi khác nhau của cùng một thực tại.
Nhớ điều này: Phật không kìm nén. Nếu bạn gặp những nhà sư Phật giáo kìm nén, nhớ lấy - họ chẳng hiểu gì về Phật cả. Họ đã đem cái bệnh hoạn của riêng mình vào giáo huấn của ông ấy. Còn Phật không phải là nhà ý thức hệ. Ông ấy chẳng đưa ra ý thức hệ nào, vì mọi ý thức hệ đều xuất phát từ tâm trí. Và nếu ý thức hệ xuất phát từ tâm trí, chúng không thể đưa bạn vượt ra ngoài tâm trí được. Không một ý thức hệ nào có thể trở thành cây cầu để vượt ra ngoài tâm trí được. Mọi ý thức hệ đều phải bị vứt bỏ, chỉ thế thì tâm trí mới bị vứt bỏ.
Phật chẳng tin vào lí tưởng nào cả - vì tất cả các lí tưởng đều tạo ra căng thẳng và xung đột trong con người. Chúng chia rẽ, chúng tạo ra đau khổ. Bạn là thứ này và chúng muốn bạn trở thành cái gì đó khác. Giữa hai điều này bạn bị day dứt, giằng xé. Lí tưởng gây ra đau khổ. Lí tưởng tạo ra tinh thần phân liệt. Càng có nhiều lí tưởng, con người càng bị nhiều trạng thái tinh thần phân liệt; họ sẽ bị chia chẻ. Chỉ một tâm thức không ý thức hệ mới có thể tránh được chia chẻ. Và nếu bạn bị chia chẻ, làm sao bạn có thể hạnh phúc được cơ chứ? Làm sao bạn có thể im lặng? Làm sao bạn có thể biết tới một chút an bình, thanh thản?
Con người ý thức hệ liên tục đấu tranh với bản thân mình. Từng khoảnh khắc đều có xung đột. Người đó sống trong xung đột, người đó sống trong lẫn lộn, vì người đó không thể nào quyết định được mình thực sự là ai - là lí tưởng hay là thực tại? Người đó không thể tin cậy vào chính mình được, người đó trở nên sợ chính mình, người đó mất tự tin. Và một khi con người đánh mất đi lòng tự tin, người đó cũng đánh mất luôn cả lòng tự hào. Thế thì người đó sẵn sàng trở thành nô lệ cho bất kì ai - cho bất kì tu sĩ nào, bất kì chính khách nào. Thế thì người đó chỉ sẵn sàng, đợi rơi vào trong chiếc bẫy nào đó.
Tại sao người ta trở thành đạo đồ hay tín đồ? Tại sao người ta bị mắc bẫy? Tại sao người ta ở dưới quyền lực của một Joseph Staline hay một Adolf Hitler hay một Mao Trạch Đông? Tại sao trước hết có điều đó? Họ đã trở nên run rẩy thế; lẫn lộn về ý thức hệ đã làm họ bị rung chuyển tận gốc rễ. Bây giờ họ không thể nào đứng theo ý riêng của mình; họ cần ai đó để dựa vào. Họ không thể đi theo ý riêng, họ không biết mình là ai. Họ cần ai đó bảo cho họ rằng họ là thế này thế nọ. Họ cần được trao cho căn cước. Họ đã quên mất cái ta của mình, quên bản thể của mình.
Adolf Hitler rồi Joseph Staline rồi Mao Trạch Đông sẽ cứ còn tới nữa, chừng nào và khi nào con người còn chưa chịu buông bỏ tất cả các ý thức hệ. Và nhớ lấy, khi tôi nói mọi ý thức hệ, tôi ngụ ý là tất cả mọi ý thức hệ. Tôi không phân biệt giữa những ý thức hệ cao cả và những ý thức hệ ít cao cả hơn. Tất cả mọi ý thức hệ đều nguy hiểm. Thực tế, những ý thức hệ cao cả còn nguy hiểm hơn, bởi chúng có quyền năng hấp dẫn hơn, chúng mang tính thuyết phục hơn. Nhưng ý thức hệ như thế lại là bệnh tật, hay nói chính xác hơn, nó là sự không thoải mái - bởi vì bạn trở thành hai: lí tưởng và bạn. Và bạn vừa là con người hiện tại bị lên án, bạn cũng vừa là con người không được ngợi ca. Bây giờ bạn lâm vào rắc rối. Sớm hay muộn bạn sẽ thần kinh, rồi mắc bệnh tâm thần, rồi cái gì nữa.
Phật đã đem tới lối sống không kìm nén, không ý thức hệ nữa. Đó là lí do tại sao ông ấy không nói về Thượng đế. Ông ấy không nói về cõi trời, ông ấy không nói gì về tương lai cả. Ông ấy không cho bạn bất kì cái gì để bấu víu; ông ấy lấy đi tất cả mọi thứ của bạn. Ông ấy lấy đi cả cái ta của bạn. Ông ấy cứ liên tục lấy đi mọi thứ và thậm chí cuối cùng ông ấy còn tước bỏ cả ý niệm về cái ta, cái tôi, bản ngã. Ông ấy chỉ để lại trống rỗng thuần khiết phía sau. Và điều này là rất khó khăn.
Điều này là rất khó khăn, vì chúng ta đã hoàn toàn quên mất cách cho. Chúng ta chỉ biết cách lấy. Chúng ta cứ lấy đủ mọi thứ. "Tôi lấy kì thi", rồi "tôi lấy vợ" và thậm chí "tôi lấy giấc ngủ trưa". Bạn cứ thế mà lấy. Bạn còn lấy cả giấc ngủ trưa nữa - điều đâu có thể lấy được: bạn phải tuân theo nó. Giấc ngủ đến chỉ khi bạn giao phó mình cho nó. Ngay cả đến vợ, đến chồng, bạn cũng cứ lấy. Bạn không có kính trọng. Vợ đâu phải là tài sản. Bạn có thể lấy ngôi nhà - làm sao bạn có thể lấy được vợ hay chồng? Nhưng ngôn ngữ của chúng ta phơi bầy tâm trí chúng ta. Chúng ta không biết cách cho - không biết cách nhường nhịn, cách buông bỏ, cách để cho mọi việc xảy ra.
Phật lấy đi mọi lí tưởng, toàn bộ tương lai, và chung cuộc, ông ấy lấy nốt cái cuối cùng mà chúng ta rất khó từ bỏ - ông ấy lấy đi chính cái ta của bạn, chỉ để lại trống rỗng thuần khiết, hồn nhiên, trong trắng. Trống rỗng trong trắng đó ông ấy gọi là niết bàn. Niết bàn không phải là mục tiêu, nó chỉ là trống rỗng của bạn. Khi bạn đã vứt bỏ hết những gì bạn đã tích trữ, khi mà bạn đã chịu ngừng tất cả mọi hành động tích góp, khi bạn thoát khỏi tính ki cóp bủn xỉn và bám víu, đột nhiên trạng thái trống rỗng ấy xuất hiện. Nó vẫn có đó tự bao giờ.
Hakuin nói có lí, "Từ ngày đầu mới sinh ra, tất cả mọi người đều là những vị phật." Cái trống rỗng vẫn có đó. Bạn đã gom góp tích chứa bao nhiêu thứ lỉnh kỉnh, khiến cho cái trống rỗng ấy không còn thấy được nữa. Cũng hệt như là trong nhà bạn, bạn có thể cứ tích chứa mọi thứ: thế thì bạn chẳng còn thấy chỗ trống, thế thì không còn chỗ chứa nào nữa. Rồi đến một hôm mà ngay cả đi vào trong nhà cũng trở thành khó khăn; sống trong nhà cũng trở thành khó khăn vì không còn chỗ nữa. Nhưng cái không gian này vẫn chẳng đi đâu cả. Nghĩ về nó, thiền về nó đi. Không gian vẫn chẳng đi đâu cả; bạn đã tích chứa quá nhiều thứ đồ đạc nào là ti vi, radio, dàn âm thanh, đàn piano và một lô một lốc các thứ khác nữa - nhưng không gian chẳng đi đâu cả. Bỏ đồ đạc đi, không gian có đó; nó bao giờ cũng có đó. Nó bị đồ đạc che khuất, nhưng nó không bị phá huỷ. Nó không hề rời khỏi căn phòng, cho dù chỉ một khoảnh khắc. Cái trống rỗng bên trong của bạn, niết bàn của bạn, cái không của bạn cũng như vậy đấy.
Phật không cho bạn niết bàn như một lí tưởng. Phật giải thoát thay vì ép buộc. Phật dạy bạn cách sống - không hướng theo mục tiêu nào, không phải đạt tới cái gì, mà được niềm phúc lạc ở đây và bây giờ - cách sống trong nhận biết. Không phải là nhận biết định cho bạn cái gì đó đâu. Nhận biết không phải là phương tiện để đạt tới bất kì cái gì; bản thân nó là mục đích - nó đồng thời là cả phương tiện và mục đích. Giá trị của nó luôn nguyên vẹn.
Phật không giảng cho bạn về thế giới bên kia. Điều này cần phải được hiểu. Con người thuộc vào thế giới này; còn các tu sĩ luôn giảng về thế giới bên kia. Thế giới bên kia cũng không phải thật là thế giới khác gì cho lắm, nó không thể thế được, bởi vì nó chỉ là mô hình được cải tiến của cùng thế giới này thôi. Bạn có thể tạo đâu ra được cái thế giới bên kia ấy? - bạn chỉ biết có thế giới này. Bạn có thể cải tiến, bạn có thể tô điểm cho thế giới bên kia tốt hơn, bạn có thể loại đi vài điều xấu ở đây và bạn có thể thay thế đôi điều mà bạn nghĩ sẽ đẹp hơn, nhưng nó vẫn cứ là sáng tạo xuất phát từ kinh nghiệm của bạn về thế giới này. Cho nên cái thế giới bên kia của bạn cũng không thể khác biệt gì nhiều lắm, không thể khác được. Đấy là sự liên tục. Nó xuất phát từ tâm trí của bạn, nó là trò chơi của trí tưởng tượng.
Bạn phải có những phụ nữ kiều diễm ở đó, dĩ nhiên đẹp hơn những người bạn có ở đây. Ở đó bạn sẽ tìm thấy những thú vui giống như ở đây, có thể là thường xuyên hơn, ổn định hơn, nhưng cũng vẫn chỉ là những thú vui thế thôi. Ở đó bạn sẽ nếm những món ăn ngon lành hơn, hấp dẫn hơn - nhưng bao giờ cũng chỉ là những món ăn. Bạn sẽ sống trong những ngôi nhà, có thể là bằng vàng - nhưng đấy cũng chỉ là những ngôi nhà. Bạn sẽ lặp lại toàn bộ mọi thứ một lần nữa.
Đọc các kinh sách, xem cách người ta mô tả cõi trời và bạn sẽ phát hiện đó là thế giới này, được cải thiện thêm. Đôi chút tô điểm thêm đây đó, nhưng dẫu sao nó cũng không phải là thế giới bên kia. Đó là lí do tại sao tôi nói rằng thế giới bên kia của các tôn giáo khác không phải là thế giới bên kia cho lắm. Nó là thế giới này được phóng chiếu vào tương lai. Nó được sinh ra từ kinh nghiệm về thế giới này. Nơi đó sẽ không có đau khổ, nghèo khó, bệnh tật, què quặt, đui mù, điếc lác. Cái gì bạn không thích ở đây sẽ không có ở đó, cái gì bạn yêu thích sẽ có rất nhiều, nhưng chẳng có gì mới cả.
Tâm trí không thể quan niệm cái gì thật mới. Tâm trí không có khả năng quan niệm ra cái mới. Tâm trí sống trong cái cũ, tâm trí là cái cũ. Cái mới không bao giờ xảy ra qua cửa tâm trí. Cái mới chỉ xuất hiện khi nào tâm trí ngừng hoạt động, khi tâm trí không còn kiểm soát bạn, khi tâm trí bị dẹp qua một bên. Cái mới chỉ xảy ra khi tâm trí không còn can thiệp vào.
Nhưng tất cả các kinh sách đều nói về cõi trời - và cõi trời hay nơi cực lạc, thiên quốc, đều chẳng là gì khác ngoài cùng một câu chuyện. Dù nó được in trên giấy ảnh tốt hơn, với mực hảo hạng và in ấn tuyệt vời, với những hình minh hoạ đầy mầu sắc, thì câu chuyện vẫn như thế; nó không thể nào khác được.
Phật không nói về thế giới bên kia hay thế giới khác. Ông ấy đơn giản dạy bạn cách sống ở đây, trong thế giới này; cách sống tỉnh táo, luôn có ý thức, chăm chú để cho không cái gì chen vào cái trống không của bạn; để cho cái trống rỗng bên trong của bạn không bị tha hoá, không bị đầu độc; để cho bạn có thể sống ở đây mà vẫn còn không bị ô uế, ô nhiễm; để cho bạn có thể sống trong thế gian còn thế gian không trong bạn.
Một tâm linh luôn luôn đặt trọng tâm vào cõi bên kia thì nhất định là độc đoán, huỷ hoại, bạo ngược, tóm lại là bệnh hoạn. Tâm linh của Phật có hương vị khác cho nó - hương vị vắng bặt lí tưởng, hương vị vắng bặt tương lai, hương vị vắng bóng sự tồn tại của thế giới khác. Đó là đoá hoa ở đây và bây giờ. Nó không đòi hỏi gì cả. Tất cả đều đã được hoàn thành. Nó đơn giản trở nên tỉnh táo hơn cho nên bạn có thể thấy được nhiều hơn, bạn có thể nghe được nhiều hơn, bạn có thể hiện hữu nhiều hơn.
Nhớ lấy, bạn chỉ hiện hữu theo cùng tỉ lệ với việc bạn có ý thức. Nếu bạn muốn hiện hữu nhiều hơn, ý thức nhiều hơn đi. Ý thức truyền đạt hiện hữu. Vô ý thức lấy mất đi trạng thái hiện hữu. Khi bạn say rượu, bạn mất hiện hữu. Khi bạn ngủ say, bạn mất hiện hữu. Chẳng lẽ bạn chưa từng quan sát điều đó sao? Khi bạn tỉnh táo, bạn mang phẩm chất khác - bạn định tâm, bắt rễ. Khi bạn tỉnh táo, bạn cảm nhận sự vững chắc trong hiện hữu của mình, nó gần như hữu hình. Khi bạn vô ý thức, như khi chìm vào giấc ngủ, như khi buồn ngủ, cảm giác của bạn về sự hiện hữu kém đi. Nó bao giờ cũng tỉ lệ với mức độ có ý thức.
Cho nên toàn bộ thông điệp của Phật là có ý thức. Và không vì lí do nào khác, chỉ với mục tiêu có ý thức - vì ý thức truyền đạt cho hiện hữu, ý thức tạo ra bạn. Và một bạn như thế là khác biệt với bạn đang đấy đến mức bạn không thể tưởng tượng nổi. Một bạn mà cái ‘tôi’ đã biến mất, không còn cả ý niệm về cái ta tồn tại, không còn gì để xác định bạn nữa... trống rỗng thuần khiết, trống rỗng tuyệt đối, vô hạn.
Điều này Phật gọi là trạng thái thiền, sammasamadhi, trạng thái chân thiền, khi bạn chỉ còn tất cả một mình. Nhưng nhớ lấy, một mình không phải là đơn độc. Bạn đã bao giờ nghĩ về cái từ tuyệt vời này chưa ‘alone’, một mình? Nó có nghĩa là ‘tất cả một’. Nó gồm hai chữ ghép lại: tất cả (all) và một (one). Trong một mình bạn trở thành một với tất cả.
Một mình không có cái gì của đơn độc trong nó cả. Bạn không đơn độc khi bạn một mình. Bạn một mình nhưng không đơn độc - vì bạn là một với tất cả; làm sao bạn có thể đơn độc được? Bạn không thiếu vắng người khác, đúng. Không phải là bạn đã quên họ, không phải là bạn không cần họ, không phải vì bạn không chăm nom về họ, không. Bạn không nhớ đến người khác vì bạn là một với họ. Mọi phân biệt giữa một và tất cả đều mất đi. Một đã trở thành tất cả, và tất cả đã trở thành một. Từ tiếng Anh alone này có vẻ đẹp kì diệu.
Phật nói sammasamadhi, chân thiền, là một mình. Chân thiền là tuyệt đối một mình đến mức bạn là một với tất cả. Để tôi giải thích điều này cho bạn. Nếu bạn trống rỗng, các biên giới của bạn sẽ biến mất, bởi lẽ cái trống rỗng không thể có biên giới. Cái trống rỗng chỉ có thể là vô hạn. Cái trống rỗng không thể có trọng lượng nào, cái trống rỗng không thể có mầu sắc nào, cái trống rỗng không thể có bất kì tên tuổi nào, cái trống rỗng không thể có bất kì hình tướng nào. Khi bạn là trống rỗng, làm sao bạn phân chia mình với người khác được? - bởi vì bạn không có mầu sắc nào, bạn không có tên tuổi nào, bạn không có hình tướng nào, bạn không có biên giới nào. Làm sao bạn tạo ra được bất kì phân biệt nào? Khi bạn trống rỗng, bạn là một với tất cả. Bạn đã tan chảy trong sự tồn tại; sự tồn tại đã hội nhập với bạn. Bạn không còn là hòn đảo nữa; bạn đã trở thành lục địa mênh mông của bản thể.
Toàn bộ thông điệp của Phật được cô đọng trong một từ này - sammasamadhi, chân thiền. Chân thiền là gì và giả thiền là gì? Nếu thiền nhân còn tồn tại thì đấy là giả thiền. Nếu thiền nhân mất đi trong thiền thì đấy là chân thiền. Chân thiền đem bạn tới cái trống rỗng và một mình.
Bản kinh này, toàn bộ bản kinh này nói về cách trở thành rỗng không hoàn toàn. Đó là món quà cơ bản của Phật tặng cho thế giới.
Đây là những gì tôi đã được nghe vào thời ấy.
Các tạng kinh này đều được ông Ananda, đại đệ tử của Phật nhớ lại. Và một điều cần phải được ghi nhớ: tất cả các kinh đều mở đầu bằng câu, "Đây là những gì tôi đã được nghe."
Sau khi Phật qua đời, tất cả các đệ tử của ông ấy đã họp lại và thu thập tất cả những gì Phật đã nói trong bốn mươi lăm năm ấy. Ananda là người duy nhất được sống liên tục trong suốt bốn mươi lăm năm ấy bên cạnh Phật. Ông ấy là người chân thực nhất có thể tin cậy được. Những người khác đã nghe, nhưng họ đã nghe lại từ người khác nữa. Đôi khi họ đã ở cùng Phật và đôi khi họ lại không ở cùng Phật. Duy nhất có ông Ananda đã sống như một cái bóng.
Vậy là ông Ananda kể lại, hừ? - nhưng điều tuyệt diệu là ở chỗ ông ấy không bao giờ nói rằng "Phật đã nói điều này." Ông ấy chỉ đơn giản nói "Đây là những gì tôi đã được nghe." Khác biệt thật lớn lao. Ông ấy không nói "Phật đã nói điều này" vì ông ấy nói "Làm sao tôi nói được điều Phật đã nói? Tất cả những gì tôi có thể nói là thế này - đó là điều tôi đã được nghe. Điều Phật đã nói chỉ có ông ấy mới biết. Điều ông ấy ngụ ý, chỉ có ông ấy mới biết. Tất cả những gì tôi có thể nhớ được là những điều tôi đã nghe thấy. Khả năng của tôi có hạn. Ông ấy có thể đã muốn nói điều gì đó khác. Tôi có thể đã quên một vài lời, tôi có thể đã thêm một vài lời theo ý riêng của mình."
Đây là vô cùng trung thực. Ông ấy cũng có thể tuyên bố rằng "Đây là điều Phật đã nói. Tôi đã có mặt, tôi là nhân chứng mắt thấy tai nghe." Mà ông ấy quả là nhân chứng mắt thấy tai nghe thật; không ai có thể phủ nhận điều đó. Nhưng hãy xem đức khiêm cung của con người này: ông ấy nói "Đây là những gì tôi đã được nghe. Phật đã nói và tôi đã nghe... tôi chỉ có thể kể lại điều tôi đã nghe. Điều ấy có thể đúng, điều ấy có thể không đúng. Tôi có thể đã xen thêm vào, tôi có thể đã diễn giải, tôi có thể đã quên mất vài điều, điều gì đó của tâm trí riêng tôi có thể đã len vào trong nó - tất cả những điều ấy có thể lắm chứ. Tôi không phải là người đã chứng ngộ." Thật vậy, ông Ananda khi ấy còn chưa chứng ngộ, cho nên ông ấy nói, "Đây là tất cả những gì tôi có thể nói, tôi có thể bảo đảm được."
Đây là những gì tôi đã được nghe vào thời ấy. Phật ngụ tại thành Sravasti.
Buổi sáng sớm ông ấy mặc trang phục, khoác áo cà sa, cầm bình bát đi vào thành Sravasti khất thực. Khi trở về, ăn xong, ông ấy xếp gọn y bát, rửa chân và ngồi vào chỗ dành cho ông ấy, hai chân xếp chéo, thân ngay thẳng, mắt chăm chú nhìn về phía trước...
Điều này sẽ làm bạn ngạc nhiên. Khi ông Ananda nói, ông nhắc đến từng chi tiết rất nhỏ bé. Biết làm sao được - cần phải hết sức chăm chú khi nói về vị phật. Hử? Ngay cả điều này nhiều lần ông ấy đã nhắc lại - những chi tiết nhỏ bé thế.
Buổi sáng sớm ông ấy mặc trang phục, khoác áo cà sa, cầm bình bát đi vào thành Sravasti khất thực...
Ông Ananda theo Phật như cái bóng, cái bóng lặng lẽ chỉ quan sát ông ấy. Chỉ quan sát ông ấy cũng đã là phúc lành rồi. Và ông ấy quan sát mọi thứ.
Khi trở về, ăn xong, ông ấy xếp gọn y bát, rửa chân và ngồi vào chỗ dành cho ông ấy...
Lần đầu tiên khi kinh Phật được dịch sang ngôn ngữ phương Tây, các dịch giả có đôi chút phân vân - tại sao cứ nhắc đi nhắc lại mãi như vậy? Cứ lặp đi lặp lại những điều như thế; lần nữa lại như thế, lần nữa lại sự lải nhải này. Tại sao những điều nhỏ bé này lại được kể lại? Họ không thể hiểu được điều đó. Họ nghĩ rằng đây là sự lặp lại, rằng đây là sự lặp lại rất không cần thiết; nó chẳng cần chút nào. Tất cả những cái ấy phỏng có ích gì? Nhưng họ đã bỏ lỡ. Điều ông Ananda đang nói là ở chỗ Phật chú ý đến việc nhỏ cũng như việc lớn. Đối với vị phật thì không việc gì nhỏ và cũng chẳng việc gì lớn. Chỉ có việc.
Khi ông ấy cầm bình bát, ông ấy tỏ lòng tôn kính với nó ngang với bất kì Thượng đế nào. Khi ông ấy khoác áo cà sa hay mặc y phục, ông ấy chăm chú thế; ông ấy tuyệt đối tỉnh táo, ông ấy không máy móc. Khi bạn mặc quần áo, bạn làm như cái máy. Bạn biết cách mặc một cách máy móc, vậy thì chăm chú vào việc mặc phỏng có ích gì? Tâm trí bạn chạy theo cả nghìn hướng. Khi bạn tắm - bạn không thật tôn trọng việc tắm. Bạn không ở đó; bạn ở đâu đâu khác. Bạn ăn, nhưng bạn không tôn kính thức ăn. Bạn không có đó, bạn đơn giản cứ thế mà tọng thức ăn vào bên trong mình. Bạn cứ làm mọi việc theo thói quen, một cách máy móc. Nhưng khi Phật làm một việc, ông ấy hoàn toàn có đó; ông ấy không ở đâu khác.
Khi trở về, ăn xong, ông ấy xếp gọn y bát, rửa chân và ngồi vào chỗ dành cho ông ấy, hai chân xếp chéo, thân ngay thẳng, mắt chăm chú nhìn về phía trước...
Những chi tiết nhỏ nhặt ấy đáng được kể lại, bởi vì chúng nêu ra phẩm hạnh của phật tính. Từng khoảnh khắc vị phật đều sống trong nhận biết. Điều ông ấy làm chẳng liên quan; từng khoảnh khắc ông ấy đều dồn sự chú ý của mình vào bất kì cái gì đang làm. Khi làm một động tác, toàn bộ ông ấy là động tác ấy. Khi ông ấy mỉm cười, toàn bộ ông ấy là nụ cười. Khi ông ấy nói, toàn bộ ông ấy là lời nói. Và khi ông ấy im lặng, toàn bộ ông ấy là im lặng.
Ngắm vị phật, bản thân việc đấy đã là phúc lành - cách ông ấy bước, cách ông ấy ngồi, cách ông ấy cử động, cách ông ấy nhìn bạn. Mỗi khoảnh khắc đều là một khoảnh khắc toả sáng nhận biết. ..
Một hôm Ananda hỏi Phật... Ông ấy đã sống với Phật mười năm và ngạc nhiên khi thấy Phật giữ nguyên một tư thế suốt cả đêm. Tay Phật để ở đâu thì Phật giữ nguyên nó ở đó suốt cả đêm. Ông ấy phải đã nhìn nhiều lần, phải đã lén nhìn trong đêm. Hừ, việc ấy cũng đáng lắm chứ? - xem Phật ngủ như thế nào? Và ông ấy đã ngạc nhiên và phân vân là Phật giữ cùng một tư thế - cùng một tư thế cả đêm. Ông không nén nổi tò mò. Một hôm ông ấy nói, "Tôi thật đã làm một việc không phải, ban đêm tôi đã thức dậy và nhìn thầy, tôi không nên làm việc như thế, nhưng tôi tò mò về thầy và tôi phân vân. Thầy vẫn còn trong cùng một tư thế. Vậy thầy ngủ hay thầy vẫn liên tục giữ nhận biết của mình?"
Còn Phật nói, "Giấc ngủ diễn ra trong thân thể, ta vẫn còn tỉnh táo về nó. Bây giờ giấc ngủ đang tới, bây giờ nó đã tới, bây giờ nó đã buông xuống, bây giờ thân thể đang được thảnh thơi, tứ chi được thảnh thơi - nhưng ta vẫn duy trì sáng chói nhận biết."
Thiền là việc tiếp diễn hai mươi bốn giờ. Không phải là bạn thực hành một lần trong ngày rồi bạn chấm dứt với nó. Nó phải trở thành hương vị của bạn, nó phải trở thành bầu không khí của bạn. Nó nên bao quanh bạn dù bạn ở bất kì đâu, dù bạn đang làm bất kì điều gì.
Osho
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét