Giáo pháp không có nghĩa là phải tìm kiếm
MUNINDRA
Mặc dù Đức Phật diễn tả rất rõ ràng về Diệu Đế nhất là sự thật về dukkha (khổ, bất toại nguyện), nhưng những bức họa hay tượng điêu khắc vẫn luôn luôn biểu hiện gương mặt Người với một nụ cười chứ không với nét cau mày. Ngài Munindra cũng nhận biết lời dạy này: Ngài không khi nào phủ nhận sự khổ vì mất mát, già, bệnh, chết trong suốt cuộc đời của mình, nhưng cũng không khi nào tỏ vẻ phiền não hay khắc khổ. Vẻ mặt Ngài trong các ảnh và phim lúc nào cũng tươi cười, rạng rỡ.
Ngài Munindra hiểu rằng hoan hỷ, hăng say và nhiệt tình là yếu tố hết sức quan trọng trong quá trình giác ngộ. Nếu không, trên đường tu tập, hành giả sẽ trở nên ủ rũ, buồn phiền, lãnh đạm với Giáo pháp, không thích việc hành thiền, thậm chí có tà kiến về pháp hành. Thái độ tươi vui, cởi mở, và hồn nhiên đón nhận đời sống của Ngài thật vô cùng cần thiết cho những người tầm đạo noi theo để làm dịu nhẹ phong cách quá nghiêm túc của mình.
Niềm vui hồn nhiên.
Các môn sinh cũng như gia đình Ngài Muninra đều nhớ đến Ngài luôn đi khắp đó đây với tất cả niềm hoan hỷ và lòng nhiệt thành. Người em út Govinda Barua nói, “Ngài đến bất cứ nơi nào cũng vui hưởng mọi điều nơi đó.” Dù đó là say mê nghiên cứu kinh sách, hay chăm sóc chùa chiền, giảng dạy, hoặc viếng cảnh, việc nào cũng mang niềm vui thú đến cho Ngài và, cũng như thế ấy, Ngài luôn mang lại niềm vui thú cho người khác. Cháu Ngài, Tridib Barua, kể, “Do bản tính hồn nhiên như trẻ thơ đó mà Ngài thu hút được các em nhỏ.”
Niềm vui của Ngài phát khởi tự nhiên dù chỉ một mình hay với người khác. Nếu ai hỏi có khi nào Ngài thấy buồn chán không? Ngài trả lời:
Tại sao phải buồn chán? Tôi yêu thích đời sống của tôi. Từ thuở bé, tôi đã yêu thích thiên nhiên – cây cỏ, hoa lá, côn trùng, trời đất – quan sát từ vật nhỏ bé nhất. Khi tôi mới đến Bồ đề Đạo tràng lần đầu, lúc đó nơi đây chưa có chùa chiền nào cả. Tôi sống một mình nhưng không hề cảm thấy cô đơn. Tôi thường hay đến sông Ni Liên ở Bồ đề Đạo tràng, với một lòng sông đã cạn nước, khô khan như sa mạc. Trên bãi cát, tôi thường thấy nhiều loại kiến khác nhau chăm chỉ tha mồi và những bụi cây nhỏ đầy bông hoa sắc màu xinh đẹp. Tôi cảm thấy thân thuộc với chúng làm sao! Nhìn ngắm thiên nhiên mang cho tôi niềm vui kỳ diệu. Thỉnh thoảng tôi đi bộ một mình trong đêm tối thâm u với tiếng dế kêu, đôi khi có ánh trăng. Tôi thưởng thức niềm vui cô tịch. Tôi học được rất nhiều điều khi sống một mình.
Những năm sau, khi thấy học trò tỏ ra quan tâm khi phải để Ngài ở nhà một mình hay phải chờ họ giữa một khu rừng nhỏ um tùm cây cối, Ngài trấn an họ, “Đừng lo cho tôi. Tôi có rất nhiều bạn ở đây và chẳng khi nào cô đơn đâu.”
Tính khí khôi hài.
Mặc dù rất nghiêm túc trong việc tu tập, nhưng Ngài Munindra cũng có tính khí khôi hài.
David Gelles bàn, “Thầy hay nói đùa, có thể không hài hước lắm, nhưng tôi rất nhớ giọng cười của Thầy. Thầy pha trò nhưng không làm nhàm tai ai, và Thầy có thể vui với mọi hoàn cảnh.”
Jeanne Smithfield nói thêm, “Bất cứ cái gì đối với Thầy cũng thú vị. Thầy là một người nhỏ thó, khả ái, hoạt bát và dí dỏm, đang cố gắng học hỏi để hòa mình vào một thế giới Tây phương hoàn toàn mới lạ hầu có thể chia sẻ Giáo pháp. Thầy tiếp cận hầu như mọi thứ với sự hóm hỉnh hồn nhiên. Thầy thật là vui.”
Ngài Munindra dùng tiếng cười như một trợ lực khi giảng dạy. Carla Mancari quan sát cách Ngài ứng xử với một nhóm người đến viếng thăm Ngài ở Lake Worth, Florida, khi đang tịnh dưỡng sau cơn bệnh sốt rét bất ngờ tái phát năm 1983. “Tôi nhớ Thầy dạy họ bằng cách kể chuyện, những câu chuyện vui làm mọi người bật cười và tất cả sự việc trở nên nhẹ nhàng, thoải mái. Với tôi, Thầy có vẻ hồn nhiên như một cậu bé vì Thầy rất hay cười.”
Tánh vô tư, ưa khôi hài – mà Peter Martin gọi là “nghịch ngợm như một chú tiên đồng” – đôi khi được đẩy mạnh khiến Ngài hòa mình vào các trò chơi của đám môn sinh, ngay cả để họ cho Ngài mặc trang phục Tây phương. John Orr kể lại một cảnh vui nhộn diễn ra ở IMS: “Ban điều hành và vài vị thầy diễn một hoạt cảnh vui cho thiền sinh xem đêm Halloween. Thầy Munindra bước ra với một đầu tóc giả màu đen chải thật khéo, và mọi người đồng reo lên, thật là tức cười.”
Larry Rosenberg cũng tán đồng, “Thầy biết cách mang lại sự vui vẻ,” và kể lại một câu chuyện xảy ra sau bữa ăn tại phòng ăn của ban điều hành IMS. “Lúc ấy có thông lệ là mỗi người phải tự rửa chén dĩa của mình. Thầy cứ để chén dĩa của mình ra đó. Một người đầu bếp đến, ngập ngừng nói, ‘Xin lỗi Ngài Munindra, ở đây chúng tôi có phân công làm việc.’ Ý anh muốn nói là, ‘Thưa Ngài, xin Ngài tự rửa chén.’ Đây là lần thứ hai hoặc thứ ba gì đó Thầy để dĩa ở đó, không rửa. Thầy nói, ‘Vâng, vâng, tôi cũng tin vào quy chế phân nhiệm chứ. Anh nấu và tôi ăn.’ Nhìn nét mặt hồn nhiên của Thầy khi nói câu ấy, mọi người phải bật cười. Tôi không nhớ là rốt cuộc việc đó được giải quyết ra sao. Có thể là Thầy rửa chén, hoặc có thể ai đó vào cuỗm lấy chén của Thầy rửa dùm.”
Larry kết luận, “Thầy luôn sống vui và niềm vui ấy lan tỏa đến mọi người. Điều ấy cũng chẳng có gì chống trái lại với những lời Thầy giảng dạy. Cũng giống nhau cả.”
Niềm vui lây lan.
Matthias Barth nói, “Thật không thể quên được năng lực hoan hỷ của Thầy. Tiếng Thầy cười thường sang sảng và ngân xa, nhưng sâu kín hơn thế nữa là nguồn an lạc thầm lặng của Thầy.”
Matthias nhớ lại lần cùng Thầy đóng gói áo quần cũ từ Mỹ gởi về Ấn. Thình lình Thầy ngừng lại và bắt đầu cử hành một nghi thức hồi hướng công đức trang nghiêm. “Thầy chia sẻ phước báu của việc từ thiện chúng tôi đang làm cho tất cả chúng sinh đang ở trong nhà, ở các vùng phụ cận, ở khắp đất nước, và trên toàn thế giới. Và khi tụng đọc lên những lời ấy,
Thầy đã tạo ra một niềm hoan hỷ thật mãnh liệt làm tôi ngập tràn xúc cảm. Thầy thật là một bậc thầy trong lãnh vực này.”
Andrew Getz nhớ lại sự hiện diện của Thầy bao giờ cũng gây một không khí ấm áp, thân thiện ở Bodh Gaya. “Mỗi lần Thầy đến quanh đây, vẻ hân hoan, thư thái của Thầy làm mọi người cảm thấy hứng khởi. Một buổi chiều lễ Giáng Sinh, tôi bước vào Chùa Mahabodhi và gặp Thầy cũng vừa đi ra. Với gương mặt rạng rỡ và nụ cười rộng mở, Thầy nói, ‘Chúa Giêsu ra đời! Chúa Giêsu ra đời!’ Thầy lộ vẻ rất hoan hỷ về điều đó, và niềm vui lây lan làm tôi cũng nghĩ đó thật là một giây phút đầy hỷ lạc.”
Sara Schedler hồi tưởng, “Thầy tỏa sáng mọi nơi Thầy có mặt. Việc gì cũng đem đến cho Thầy sự thú vị. Thầy còn có khả năng tự mang lại cho mình nụ cười. Những ai có trình độ tâm linh được triển khai đều tìm được niềm vui với cuộc đời và với chính mình. Họ có thể dễ dàng tự nhẹ nhàng đùa vui, nhưng không phải lấy mình làm trung tâm điểm mà là một thái độ hoàn toàn tự nhiên.”
Thư thái sống trong giáo pháp.
Ngài Munindra đem hương vị của tâm hỷ lạc đến cho bao người đang đi theo con đường Đức Phật đã chỉ bày. Peter Skilling cảm nhận Thầy giảng dạy không chỉ qua thân giáo gương mẫu của mình mà còn vì Thầy “luôn luôn tràn đầy hân hoan phấn chấn.” Peter nói, “Giữa truyền thống Nguyên thủy, Thầy là một trong những vị thông thái nhất mà đồng thời cũng là người vui vẻ, dễ mến và nhân ái nhất. Các vị cao tăng thông thái Miến điện dạy thiền mà tôi được biết thường có vẻ khắc khổ, u uẩn, còn Thầy thì không bao giờ nghiêm khắc, lạnh lùng. Thầy luôn luôn mang một niềm vui lây lan nhưng không hời hợt.”
Peter nói tiếp, “Thầy là một trong những vị sống trong Giáo pháp theo cách riêng của mình và cho mọi người thấy đó là một cách sống cao thượng, thể hiện thật chính xác qua lòng từ bi và hạnh phúc của họ. Được gần gũi một người như Thầy – nhất là những ai đang trong cảnh ngộ đắng cay, oan trái và khốn cùng – thật quan trọng vì họ sẽ thấy được rằng đời còn có những phương cách khác để vui sống.”
Mặc dù ta dễ nghĩ rằng đau khổ là chất xúc tác để khơi dậy lòng bi mẫn, nhưng Sharon Salzberg cũng gợi ý rằng tâm hoan hỷ cũng có thể làm phát sinh cảm nhận hòa đồng sâu xa với người khác. Khi có người hỏi tại sao Ngài Munindra hành thiền, các môn sinh mong chờ một câu trả lời cao siêu nào đó thì, trái lại, Ngài đáp, “Tôi hành thiền để có thể chú ý nhìn những cánh hoa nhỏ màu tím mọc ven đường, nếu không, tôi có thể không trông thấy.”
Sharon giải thích, “Khi ta bắt đầu để ý đến những cánh hoa nhỏ màu tím đó, ta cũng muốn người khác ngắm nhìn chúng trong niềm khuây khỏa và vui thích. Đây chính là lòng từ bi, ước muốn chia sẻ an lạc với người khác.”
Giselle Wiederhielm nói, “Thầy giảng rất nhiều về hạnh phúc. Đó là một thông điệp rất quan trọng của Thầy, và Thầy sống hạnh phúc như vậy. Trong ý nghĩa trung thực nhất thì Thầy sống theo trái tim và trực giác. Thầy chân thành yêu thương cuộc sống và tỏ rõ như thế. Tôi chắc rằng Thầy cũng có những khoảnh khắc kém vui, phật ý và thất vọng, nhưng Thầy đối đầu với chúng bằng cách thực hành đúng theo những gì Thầy đã giảng dạy.”
Khơi dậy niềm vui nơi người khác.
Phong cách nhẹ nhàng, thư thái, hài hòa với vẻ vui tươi nơi Ngài Munindra ảnh hưởng nhiều thiền sinh mạnh mẽ, trong đó có Steven V. Smith. “Thầy thật đã biết phát triển yếu tố hoan hỷ đúng phương cách ngay từ đầu, thế cho nên tuy đã hành thiền từ nhiều thập niên qua mà giờ đây Thầy vẫn còn niềm phấn khởi, hứng thú như của một chú tiểu hay của trẻ thơ trước vạn pháp.”
Steven nói tiếp, “Nhiệt tình, hứng khởi và lòng yêu Giáo pháp của Thầy đã khơi dậy niềm say mê thích thú nơi tôi. Mỗi khi tôi nghe Thầy giảng pháp thì tâm hỷ lạc sanh khởi dào dạt trong tôi. Được ở gần Thầy, tôi cảm nhận một nguồn cảm hứng và sách tấn vô biên.” Mãi đến bây giờ, Steven vẫn còn nghe được giọng Thầy bất chợt vang lên trong tâm: “Hãy để mọi việc giản dị, tự nhiên. Hãy thư thái!”
Những kỷ niệm về Thầy vẫn còn lưu mãi trong lòng James Baraz. “Nếu tôi đang nói một điều gì về Thầy, hay nhớ đến Thầy, hoặc nghe đến tên Thầy, thì nguồn năng lực hỷ lạc độc đáo của Thầy liền khuyến khích tôi, trong ý nghĩa tốt đẹp nhất. Tôi luôn nhớ Thầy với gương mặt có nụ cười rộng mở, đôi mắt lấp lánh tươi vui. Và tôi vẫn còn nghe được giọng cười hồn nhiên khúc khích của Thầy. Hình như lúc nào Thầy cũng nhìn đời như một sự bất ngờ thú vị, một phước báu, một món quà và có thể phơi trải trọn vẹn cuộc đời ra như nó là vậy, với một niềm trân trọng sâu xa.”
Nếu bạn quá nghiêm túc, Việc hành thiền sẽ tụt lại.
Khi sách tấn thiền sinh bằng chính niềm hứng khởi, hân hoan của mình, Ngài Munindra cũng đánh tan được một hiểu lầm của rất nhiều người về thái độ hành thiền. Ngài hướng dẫn cho việc hành thiền được nhẹ nhàng thư thái hơn để người thực hành không cảm thấy quá gò bó, khắc khổ.
Đại đức Vimalaraṃsi nói rằng một trong những nguyên nhân thúc đẩy Đại đức đến với Thầy là “nụ cười hồn nhiên của Thầy khiến trái tim mình rộng mở theo – thật là kỳ diệu.” Đại đức giải thích, “Vipassanā có khuynh hướng làm cho hành giả trở nên nghiêm túc quá độ, và Thầy không muốn điều này xảy ra. Tôi nhớ rất nhiều lần, Thầy nói cái gì đó làm thiền sinh mỉm cười hoặc cười khúc khích một mình, nhưng không phải là cười lớn tiếng. Có lần tôi hỏi Thầy về việc ấy, và Thầy nói, ‘Tâm hỷ lạc là một yếu tố của giác ngộ.’ Khi có sự hoan hỷ trong tâm thì tâm rất linh hoạt và chánh niệm rất nhạy bén. Khi không hoan hỉ, bạn có thể sút giảm nhiệt tình cho việc hành thiền.”
Wanda Weinberger cũng thấy đó là một bài học thật quý giá vì khi tiếp xúc lần đầu tiên với truyền thống Theravāda, cô cảm thấy pháp hành thiền quá sức nặng nề, khô cứng và đơn độc. “Thầy chỉ cho tôi một yếu tố quan trọng đã thiếu mất; đó là sự thư thái, giản dị và hồn nhiên. Thầy mở cửa cho tôi nhìn được Giáo pháp thật là nhẹ nhàng và tươi đẹp, cùng cho tôi tìm được bao nguồn an lạc trong đó.
Thầy dạy Wanda rằng đây là “một pháp hành với một nụ cười”, và cô nhớ rõ một sự kiện đặc biệt liên quan đến nụ cười của Thầy. “Một buổi sáng nọ, ngay trước giờ hành thiền bắt đầu, Thầy đứng cạnh thiền đường chờ thiền sinh đi vào. Bỗng nhiên, Thầy lấy tay che miệng rồi quay về phòng riêng. Thì ra Thầy nhận ra đã quên mang hàm răng! Thầy trở lại với nụ cười thật rộng và tươi. Đây chính là lần đầu tiên tôi được khai tâm với cái yếu tố hoan hỷ hồn nhiên mà tôi đã thiếu mất, và con người đẹp đẽ, dễ thương, sáng rỡ này đang thở và sống với nó như một điều giản dị.”
Kiến thức bác học và thực chứng về các tâm hỷ lạc của Ngài Munindra không những chỉ gây cảm hứng, khích lệ thiền sinh mà còn giúp Ngài hướng dẫn họ thật hữu hiệu. Matthias Barth kể lại, “Vào giữa những ngày thiền tích cực, Thầy muốn tôi tặng một món quà nhỏ cho một thiền sinh hay quấy rối bạn đồng tu trong phòng đã làm chúng tôi rất phiền não. Khi tôi làm theo lời Thầy, một nguồn phúc lạc dịu mát như từ cõi trời tuôn phủ xuống tâm tôi. Thầy quả hiểu chính xác được tâm trạng của học trò. Thầy biết đúng lúc nào cần phải gợi thiện ý hay cho một lời khuyên dạy. ‘Có sáu mươi hai loại tâm đồng phát sanh cùng thọ hỷ,’ (Vi Diệu Pháp) đó là lời dẫn giải giản dị của Thầy khi nghe tôi tường trình kinh nghiệm trên.”
Pháp Hỷ.
Cũng như thiên nhiên đã cống hiến cho Ngài Munindra một niềm yêu thích vô biên, không gì đem lại nguồn an lạc cao quý cho Ngài bằng Đạo pháp.
Howard Cohn đã vấn đạo Thầy nhiều lần về đề tài này và đã khơi dậy một câu trả lời bất tận tưởng chừng như bao gồm cả Tam Tạng Kinh điển: Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Đạo, Thất Giác Chi, v.v…
Ông nói, “Tất cả hội tụ lại thành một giải đáp cho một câu hỏi giản dị nhất. Thầy như một nguồn thác Giáo pháp. Được có mặt bên Thầy, được nghe những lời dạy đó, thật vô cùng hỷ lạc, dù đôi khi đầu tôi như choáng váng trước một khối lượng Pháp bảo quá dày sâu, cao rộng, thật hữu ích và kỳ diệu nhưng vượt ngoài sức thu nhận của tôi. Điều được thể hiện rõ nhất là khả năng truyền trao toàn bộ Giáo pháp một cách trong sáng, thông suốt, không cần chút cố gắng, với tâm tư chứa chan niềm hân hoan, phấn chấn của Thầy.”
Philip Novak nói, “Thầy biểu lộ niềm vui thích thật rõ nét khi được giảng bày Giáo pháp cho người khác.” Sara Schedler thêm, “Tôi cảm thấy Thầy rất vui khi làm việc với bọn trẻ chúng tôi – những người đang có trọn cả một cuộc đời trước mặt. Thầy có vẻ vô cùng phấn khởi khi khai mở đạo tâm cho chúng tôi.”
Maggie Ward McGervey mô tả cách Ngài Munindra giảng dạy: “Không khi nào Thầy nói lớn tiếng hay cao giọng, lúc nào cũng ôn tồn, nhỏ nhẹ. Đến bây giờ, với nhận thức trưởng thành, chín chắn hơn, tôi mới thấy được là Thầy đã thể hiện lòng kính yêu Đạo pháp của mình trong một trạng thái tâm hỷ lạc mạnh mẽ nhưng thật khiêm nhu.”
Maggie nói, “Khi nói về niềm hân hoan mãnh liệt, ta thường nghĩ đến một loại năng lực say đắm, nồng nhiệt biểu lộ ra bên ngoài. Thầy hoàn toàn không phải như vậy mà lúc nào cũng vững vàng, điềm tĩnh, không khoa trương đường bệ. Thầy thật an vui, nhưng trong trầm lặng và thu thúc. Giọng nói, dáng điệu bình lặng, song khi Thầy nói thì như được phát xuất từ nguồn cơ của một chánh tín vững vàng và một niềm hoan hỷ tuyệt đối trước trí tuệ về Giáo pháp và trí tuệ về vô thường.”
Tâm hỷ trong Tứ vô lượng tâm.
Ngài Munindra vừa giảng dạy vừa thể hiện đức tính cao quý của tâm hỷ muditā, trong Tứ Vô Lượng Tâm. Ngài khích lệ cách sống đơn giản, nhưng Ngài cũng dạy Jacqueline Schwartz Mandell, “Cô không cần sở hữu nhiều thứ. Khi thấy ai có được thứ gì, thành đạt điều chi, hay gặt hái hạnh phúc, hãy phát tâm hoan hỷ với họ. Cô sẽ thấy hạnh phúc cùng họ nhưng không cần phải có thứ ấy.” Jacqueline nhận xét rằng, khi thấy ai đạt được điều gì, dù là một món vật chất hay một tuệ giác, Thầy lộ vẻ vui mừng ra mặt.
Ngài không bao giờ thành tựu ước mơ tạo lập một trung tâm truyền bá Giáo pháp, nhưng Ngài tích cực hỗ trợ cho những ai đang nỗ lực xây dựng các cơ sở hành thiền và cùng chung hoan hỷ với sự thành công của họ. Có lần Ngài nói với người cháu Tapas Kumar Barua, “Bác không có khả năng gầy dựng được công trình đó, nhưng người khác làm được, thì sao cháu không sử dụng và thọ hưởng lợi lạc của nó?” Peter Martin thêm, “Đây là một vị hướng dẫn và một bậc thầy đã đem bao nguồn cảm hứng và niềm khích lệ cho nhiều người. Thầy đã được thỉnh giảng rất nhiều lần bên Âu Mỹ. Thầy là pháp huynh của Ngài Goenka – và cả hai cùng về lại Ấn độ dạy thiền. Với tất cả vinh danh đó, Thầy sống trong một kūṭi (tu cốc nhỏ) tại Dhamma Giri ở Igatpuri. Không có gì cả ngoài khoảng không gian nhỏ bé này, thế nhưng Thầy an vui, hoan hỷ với những gì Thầy đang có. Điều ấy nói lên rất nhiều: không phô trương, không cần gì khác ngoài chừng đó.”
Ngài Munindra xác nhận, “Sống ở Igatpuri như sống ở nhà mình. Đây là nơi tôi vui thích nhất. Từ tu cốc, tôi có thể nghe tiếng tụng kinh từ thiền đường. Lời kinh kệ, thanh âm Pháp bảo mang lại niềm hoan hỷ sâu thẳm nhất trong tâm tôi, cho tôi được thọ hưởng cảm giác vui, vui, và vui.”
Niềm vui tuyệt đối.
Mặc dù Ngài Munindra đã trải nghiệm được đủ loại hỷ lạc – từ kinh sách, thiên nhiên, con người, đến du hành – nhưng chỉ có sự chứng ngộ được Giáo pháp tại trường thiền của Hòa thượng Mahāsi Sayadaw, ở Rangoon, mới đem đến cho Ngài một thứ hỷ lạc đạo vị, hiếm quý (pīti) – trạng thái hạnh phúc vi diệu của sự chứng ngộ, của sự không bị điều kiện ràng buộc – kéo dài cả ba ngày. Ngài thuật lại:
Trong thời gian đó, tôi không thể hành thiền được nữa vì toàn thân tôi tràn đầy hỷ lạc. Thân múa, thân nhảy, thân nổi bổng trongkhông gian. Một năng lực vô cùng mạnh mẽ. Không ngủ. Chỉ có hỷ lạc, hỷ lạc. Sau ba ngày, nó lắng dần, lắng dần. Rồi qua đến một trạng thái thật quân bình (xả). Đức tin, chánh lúc đó trở nên vô cùng mãnh liệt.
Ngài biết rõ rằng trạng thái hỷ lạc này, dù tự nó rất dễ chịu, sảng khoái, chỉ là một giai đoạn trong tiến trình thănghoa đến những trạng thái vi tế khác để dần dần đạt được sự an vui tuyệt đối của niết bàn.
Bước vào ngôi nhà trống
Tỳ kheo tâm an tịnh
Thọ hưởng vui thánh nhân
Tịnh quán theo Chánh Pháp
(Phật Ngôn/ Kinh Pháp Cú/ Kệ 373)
pīti: từ prī hay pī (làm tươi mát, làm vui, mãn nguyện, vừa lòng, phấn chấn). Pīti thường được dịch là “hoan hỷ”, “hỷlạc”, “đi cùng cảm thọ vui vẻ hay hài lòng”, cũng hay được dịch là “hân hoan”, “khoan khoái”, “phấn chấn”, “vuithích”, “ngây ngất”, “sảng khoái”, và “hạnh phúc”.
Pīti không phải là lạc thú tạm bợ của giác quan mà là kết quả của tâm không bám víu vào những thỏa mãn phù du về tâm lý hay vật chất. Hơn nữa, pīti còn ngăn ngừa được những chướng ngại do ác ý hay sân hận.
Ngoài các kinh nghiệm vui thích trong đời sống hằng ngày, pīti có nhiều mức độ sinh khởi ở các giai đoạn khác nhau trong tiến trình hành thiền quán (vipassanā) hay thiền định (samādhi). Khi sự độc thoại huyên thuyên trong tâm ngưng bặt và các chướng ngại tâm lắng xuống, hỷ lạc sẽ sinh khởi mạnh mẽ và đầy hứng khởi trước các đối tượng đang quán sát. Dòng sinh lực luân lưu thông suốt làm cả thân tâm đều tươi mát.
Có năm loại pīti từ vi tế đến mãnh liệt: tiểu hỷ – lâng lâng sảng khoái, có khi nổi da gà; sát na hỷ – đến chớpnhoáng, mạnh mẽ hơn tiểu hỷ; hải triều hỷ – thân nhẹ nhàng như có sóng biển vỗ nhẹ vào từng chập; thượng thăng hỷ – thân nhẹ như bông, như bay bổng lên; sung mãn hỷ – thân tâm mát dịu, thấm nhuần toàn thân như nước trànđầy.
Pīti là yếu tố thứ tư trong bảy yếu tố giác ngộ (bojjhaṅga). Có mười một chi hỗ trợ cho pīti sinh khởi: quán niệm ân đức của Phật, Pháp, Tăng; quán niệm về đức hạnh của chính mình, về những bố thí cúng dường đã làm, về phẩm tính của chư thiên (devas), về sự an lạc tĩnh lặng; tránh xa người xấu ác; thân cận bậc hiền trí; suy tư đến những bài kinh giúp phát sinh tín tâm; hướng tâm về hỷ lạc.
Trích: Sống Viên mãn kiếp này
Nguyên tác: Stories and Teachings of MUNINDRA
Tác giả: Mirka Knaster Cộng tác Robert Pryor
Việt dịch và ấn tống: Thích Ca Thiền Viện và Kỳ Viên Tự
Xem phiên bản PDF: SỐNG VIÊN MÃN KIẾP NÀY