BIẾT - THẤY - TƯỞNG - CHÁNH TƯ DUY


CÁI BIẾT

Hỏi: Thưa Thầy, khi vọng tưởng nhiều chỉ cần biết thôi đúng không ạ? Nhưng làm sao để tâm biết ấy thấy ra thực tánh chân đế?

- Tâm biết có hai phương diện: Tánh biết và tướng biết. Tánh biết vốn không sinh diệt, còn tướng biết tuỳ đối tượng mà có sinh diệt. Khi khởi tâm muốn biết tức đã rơi vào tướng biết sinh diệt. Khi tâm rỗng lặng hồn nhiên, tướng biết không dao động thì tánh biết tự soi sáng. Lúc đó tánh biết và tướng biết tương thông, vì tâm chưa bị cái “ta biết” che lấp, sai sử. Cho nên ngay cả đứa bé khi va chạm liền biết đau, khi đói liền biết bú v.v....
Nói cách khác, do bản ngã tham sân si, do tư tưởng, quan niệm, che lấp tâm biết nên mới sinh ra nhận thức và hành vi sai lầm, đưa đến phiền não khổ đau.

Đức Phật dạy chỉ cần trở về trọn vẹn tỉnh thức với thực tại đang là thì tâm thường rõ biết nên không còn khởi lên những che lấp, trói buộc. Cho dù khi tướng biết vọng động, lăng xăng thì tánh biết vẫn không mất. Nói cho dễ hiểu tâm biết có 2 hướng nhận thức đối tượng:
• Hướng đúng: Hướng tâm trên đối tượng trung thực như nó đang là một cách khách quan, gọi là như lý tác ý.
• Hướng sai: Hướng tâm trên đối tượng qua khái niệm như mình tưởng là một cách chủ quan, gọi là phi như lý tác ý.
Như lý tác ý và chánh niệm tỉnh giác giúp tâm biết thấy ra thực tánh chân đế.

Hỏi: Thưa Thầy tại sao người ta biết sai mà vẫn làm, cái gọi là biết đó là như thế nào ạ?

- Biết sai mà vẫn làm vì chỉ biết sai trên mặt lý trí (tưởng tri, thức tri), như nghe Phật nói cái này sai, đọc kinh sách viết cái kia sai liền kết luận là sai, chứ chưa thật thấy bằng tuệ tri qua tri kiến chân thực. Ngoài ra, do cái sai đã huân tập lâu dần thành thói quen, nên để sửa thói quen đó không đơn giản. Thí dụ như đối với người chánh niệm tỉnh giác biết mình đi nhanh chậm hay nghiêng ngã thế nào liền tự động điều chỉnh thì dáng đi rất tự nhiên thanh thản mà vẫn rất tề chỉnh đường hoàng. Còn người thiếu chánh niệm tỉnh giác thì dáng đi biểu hiện sự bất cẩn, thô tháo.
Thường người ta làm theo bản năng hay quán tính chứ không làm trong chánh niệm tỉnh giác, trọn vẹn biết mình nên rất khó sửa sai. Thí dụ nhờ sáng suốt biết mình thấy được mình đang đi hấp tấp liền tự động đi thong thả lại, đó là sự điều chỉnh rất tự nhiên. Nhưng nếu thiếu chánh niệm tỉnh giác thì đi hấp tấp lâu ngày thành thói quen. Thói quen nhiều mà chánh niệm tỉnh giác kém thì dù có biết bằng lý trí cũng khó sửa sai được. Khi nào thực sự nhận biết được sự sinh diệt, sự lợi hại và nhân quả của cái sai ấy mới có thể vượt qua được.

THẤY 


Hỏi: Thưa Thầy, làm thế nào con có thể thực tập thấy pháp như nó đang là tức trong thấy chỉ thấy trong nghe chỉ nghe?

- Cái thấy nghe đầu tiên một cách tự nhiên không dụng tâm, không cố ý, chính là trong thấy chỉ thấy, trong nghe chỉ nghe. Sau đó lý trí của bản ngã thêm vô khái niệm đẹp xấu, ưa ghét, lấy bỏ v.v... mới mất đi sự thấy biết trong sáng ban đầu. Nhưng nếu có chánh niệm tỉnh giác thì dù thêm vô khái niệm cũng vẫn thấy được đó chỉ là khái niệm, tâm thương ghét có khởi cũng đều thấy được, không mê chấp trong đó thì cũng gọi là trong thấy chỉ thấy, trong nghe chỉ nghe…
Nhiều người muốn định tâm hoặc cố giữ tâm không - không suy nghĩ gì cả - để thấy pháp đang là, nhưng như vậy chưa thật sự trong thấy chỉ thấy trong nghe chỉ nghe, vì lúc đó cố giữ cho tâm yên, mà cố giữ tức đã có cố ý, có dụng tâm rồi nên không thấy pháp như thị. Trong thấy chỉ thấy trong nghe chỉ nghe khi tâm tự nhiên không có dụng ý của bản ngã – không có cái “ta thấy”, “ta nghe” trong đó.

Hỏi: Theo các nhà tâm lý học, chỉ trong một vài phút đầu tiên quan sát một người nào đó, ta có thể có những nhận xét khá đúng về người đó, cũng như có thiện cảm hay ác cảm. Vậy làm thế nào để có thể thấy người đó như người đó là? Con cám ơn Thầy.


- Vài phút thì quá lâu. Trong tiến trình tâm của cái thấy cái nghe ban đầu chỉ cần 17 sát-na thôi là đã đủ để nhận ra người đó khi chưa qua tiến trình khái niệm hoá, tức chỉ một phần triệu triệu của giây chứ không phải là vài phút. Để thấy người đó như người đó là, thì phải nhìn với cái nhìn tự nhiên vô tâm tức đừng suy nghĩ phán đoán gì lung tung, chỉ thấy một cách khách quan trung thực chứ không xen vào phê phán, nhận định thế này thế kia gì cả. Chính tư tưởng, quan niệm, kiến thức xen vào làm cho không thấy được người đó như người đó là.
Nhìn tự nhiên, không cố ý dụng tâm mới thấy trung thực, còn nhìn có hữu ý thì sinh ra chủ quan không chính xác, thậm chí đôi khi còn nhìn qua tà kiến và tham ái nữa. Tà kiến là nhận thức người đó qua quan niệm có sẵn, chứ không thấy người đó đúng như người đó đang là.

Hỏi: Thưa Thầy, thấy thực tại cũng là tánh biết là tâm chói sáng phải không thưa Thầy?

- Đúng, thấy thực tại là Tánh biết và Tánh biết chính là Tâm Chói Sáng (Pabhassara Citta). Khi Tướng biết thanh tịnh hay tri kiến thanh tịnh thì tương thông với Tánh biết, vì Tướng biết vốn là tướng dụng của Tánh biết. Nhưng bởi vì bên cạnh Tướng biết còn một yếu tố đi kèm đó là Vô minh. Do Vô minh không biết sự thật nên khởi tâm muốn biết, và sinh ra tâm ưa, ghét, lấy, bỏ… đó là Ái dục.
Cái “Ta” muốn biết và muốn được chiếm dụng Tướng biết, biến mắt tai mũi lưỡi thân ý thành công cụ thu thập, tích luỹ sở tri, sở đắc. Vì vậy, Tướng biết bị bản ngã vô minh ái dục thúc đẩy đi tìm kiếm, khám phá… nhưng nhờ khám phá mà thấy ra sự thật, càng thấy ra sự thật vô minh ái dục càng giảm cho đến khi tri kiến thanh tịnh, chấm dứt hành trình tìm kiếm để trở về với Tánh biết chói sáng, vô ngã, đó chính là Giác Ngộ.

TƯỞNG

Hỏi: Thưa Thầy trong Kinh Vô Thường có dạy do tu tập làm cho sung mãn vô thường tưởng v.v... mà tất cả vô minh được đoạn tận. Kính thưa Thầy, vô thường tưởng trong câu kinh này là quán trên pháp chế định hay chân đế? Kính xin Thầy giảng, con cảm ơn Thầy!

- "Tưởng" có rất nhiều phương diện, mỗi phương diện có cái dụng của nó, không phải "tưởng" nào cũng xấu. Vọng tưởng như dục tưởng, sân tưởng, hại tưởng v.v... mới xấu. Còn tưởng trong xúc - thọ - tưởng - tư - nhất tâm - mạng căn - tác ý là những yếu tố nhất định phải có trong tất cả tâm, kể cả tâm siêu thế, gọi là biến hành tâm sở vì nếu không có tưởng thì không thể nhận thức được gì cả, nên tưởng vẫn có vai trò quan trọng và tất yếu của nó.
Tưởng nào xuất phát từ sự kiện thật, không do ảo tưởng hay vọng tưởng là tưởng đúng tốt, như tưởng ly dục, tưởng vô sân, tưởng vô hại, tưởng bất tịnh, tưởng sự chết, các tưởng sắc hoặc vô sắc trong thiền định v.v… Trong sinh hoạt hàng ngày, tưởng đóng vai trò rất quan trọng, vì hầu như nếu không có tưởng chúng ta sẽ rất lúng túng, vụng về. Thí dụ như khi lái xe vào một khu vực mới sẽ rất lúng túng trong khi người ở trong vùng sẽ lái rất dễ dàng vì tưởng giúp họ thấy trước những đoạn đường sẽ đi qua. Có nhiều Tôn giáo, nhiều Tông phái Phật giáo phát huy tưởng trong pháp môn tu tập của họ để giúp tâm hướng thượng.
Có 3 loại tưởng:
Hiện tưởng là nhận biết đối tượng hiện tại như nó đang biểu hiện qua trực giác.
Hồi tưởng là nhớ lại quá khứ để nhận biết đối tượng hiện tại qua tiến trình khái niệm hoá của ý thức tiếp trợ.
Tưởng tượng là dự phóng về tương lai qua tiến trình xử lý của ý thức chủ quan.
Trong tưởng vẫn có tưởng chân đế và tục đế. Tưởng trực tiếp qua trực giác là chân đế, tưởng gián tiếp qua khái niệm là tục đế. Tưởng đi đôi với trí tuệ vẫn trung thực. Như ban đêm dù cúp điện không thấy bậc cấp lên lầu nhưng người đi quen vẫn nhờ tưởng mà đi được. Cái tưởng này xuất hiện tự nhiên không phải cố gắng gì cả vẫn biết được các bậc cấp để đi. Vậy tưởng sử dụng đúng tính vị của nó, không hại gì cả thì vẫn rất tốt.

CHÁNH TƯ DUY


Hỏi: Thưa thầy nểu mình gặp người quá tham lam hay yêu cầu, muốn chiếm đoạt mà mình không đáp ứng thì họ nổi sân nói xấu, làm hại mình thì phải chánh tư duy thế nào ạ?

- Một là con nghĩ mình may mắn được gặp người như vậy giúp mình thận trọng, tinh tế, nhẫn nại, khôn ngoan, tỉnh giác… hơn. Có va chạm, có đối phó mới phát huy trí tuệ và đạo đức, đúng là “trong hoạ có phúc”, không có điều gì đến với mình mà không có lợi nếu mình biết học ra điều đúng tốt, do đó cần phải cám ơn người đó mới được.
Hai là con nghĩ rằng “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” nên tốt nhất là mình nên tránh xa người xấu này. Trong Kinh Hạnh Phúc đức Phật cũng dạy “nên lánh xa kẻ ác, thân cận người hiền” do đó nếu thấy người xấu này không có dấu hiệu gì phục thiện thì nên xa lánh để khỏi gây hậu hoạ về sau.


Tác giả: Thầy Viên Minh
NT Trích ghi theo Trà Đạo Bửu Long 08/10/2017