Trà Đạo ngày 31.08.2017 (Lập quy tắc sống - Người bịt mắt sờ voi)


Lập quy tắc sống

Hỏi: Kính bạch sư ông, khi ta lập quy tắc sống có phải là xây dựng cho bản ngã không ạ? Con kính tri ân sư ông!

- Trong chân đế thì không cần lập quy tắc gì cả, vì nó đã vận hành hoàn hảo theo nguyên lý tất yếu của Pháp rồi, chỉ cần thấy ra hay thực chứng thôi, nhưng trong đời sống tục đế tất nhiên ai biết lập quy tắc sống đúng tốt hơn sẽ thành công hơn. Vì vậy có 2 trường hợp:


1) Lập quy tắc sống một cách chủ quan theo ý mình thì đó là thuận ngã: Lập quy tắc chủ quan theo ý mình mà thiếu hiểu biết bản chất đời sống, không biết quy luật thiên nhiên, quy luật xã hội, không biết bản thân thì chỉ nô lệ vào quy tắc của chính mình đặt ra. Thí dụ như cố tu luyện khổ hạnh ép xác để mong đạt được lý tưởng giải thoát, hoặc sống khắc kỷ để cầu xin được tha lực ban ơn cứu rỗi thì vẫn chưa phải là sống đúng tốt hơn.

2) Lập quy tắc sống theo nguyên lý vận hành của Pháp thì đó là thuận Pháp: Khi biết quan sát công việc, quan sát bản thân, quan sát đời sống, quan sát đồng hồ sinh học, biết mình, biết người, biết hoàn cảnh v.v… thì lập quy tắc sống mới đúng tốt. Thí dụ một học sinh biết lập thời khoá hàng ngày cho hợp lý để giảm nỗ lực căng thẳng không cần thiết thì việc học sẽ hiệu quả hơn. Chính đức Phật cũng có quy tắc sống mỗi ngày rất nghiêm túc nhưng rất tự nhiên hợp với hoàn cảnh của Ngài.

Bác sỹ cho thuốc, người bệnh dùng thuốc hoặc người làm việc mà biết thời bệnh học hay đồng hồ sinh học thì sẽ lập quy tắc chữa bệnh tốt hơn, làm việc thành công hơn. Thí dụ 1-3h khuya là mật thải chất độc, 0-4h tuỷ tạo máu thì cần phải ngủ sâu. Từ 5 giờ sáng: Huyết áp tăng, tim đập nhanh hơn. Lúc này cortison được tạo thành trong cơ thể, nó “nạp điện” cho bộ “ắc-quy” bên trong của chúng ta do đó không nên tập thể dục quá mạnh, có thể bị tai biến, nên uống nước để khỏi bị đong máu, lúc đó sau khi thức dậy nên học bài dễ nhớ hơn, nên để thời giờ đó đọc sách sẽ dễ tiếp thu hơn. Từ 5-7h sáng ruột già bài tiết nên đi vệ sinh. 7-9h ruột non hấp thu dưỡng chất nên ăn uống bồi dưỡng, không nên bỏ ăn buổi sáng. Buổi sáng từ 8-11h có nhiều năng lượng nên làm những việc cần tập trung tâm lực và thể lực. Giờ ngọ khoảng 11-13h nên nghỉ trưa ít nhất nửa tiếng (sau 12h), để hồi phục năng lượng bị tiêu hao trong công việc nặng nhọc buổi sáng. Từ 14-16h nên học hay làm những việc nhẹ nhàng, ít cần tập trung trí lực và thể lực hơn, vì thân tâm đã mệt nhọc. Từ 15-17h (giờ Thân): Bàng quang hoạt động mạnh nên cần uống nước để có hiệu quả cao nhất. Buổi chiều tối không nên ăn uống nhiều và nếu có ăn thì nên ăn trước 18h vì tối ngủ cơ thể không cần nhiều calories, mà cần thời gian nghỉ ngơi để thanh lọc. Từ 21-23h hệ miễn dịch đào thài chất độc nên thư giãn buông xả, vô sự và đi ngủ. Từ 23 – 1h gan bài tiết chất độc nên cần ngủ ngon giấc.

Tuy cần lập quy tắc sống nhưng luôn thận trọng, chú tâm, quan sát thực tế để uyển chuyển biến hoá cho phù hợp với những thay đổi thời tiết, thay đổi xã hội, thay đổi điều kiện sống, thay đổi công việc, và cả thay đổi của bản thân nữa mới luôn thích ứng và mới mẻ. Do đó cuối cùng người đã thông suốt thì “nguyên tác cao nhất là không cần nguyên tắc nhất định nào cả”.

Người bịt mắt sờ voi

Hỏi: Kính xin Thầy chỉ rõ ý nghĩa câu chuyện người mù sờ voi trong tu học cũng như trong cuộc sống đời thường?

- Người bịt mắt sờ voi có nghĩa là trong họ người nào sờ bộ phận gì trên cơ thể con voi thì kết luận voi là như thế (sờ chân kết luận voi giống cột nhà, sờ tai tưởng voi như cây quạt, sờ bụng cho voi là cái bao v.v…), vì họ không thấy con voi một cách toàn diện. Thế là người nào cũng cho mình đúng, người khác sai. Vì cố chấp vào định kiến của mình mà sinh ra mâu thuẫn.

Trong tu hành cũng vậy do hiểu chánh pháp một cách cục bộ rồi tạo ra phương pháp thực hành cục bộ, đạt được kinh nghiệm cục bộ mà họ tưởng đó là con đường duy nhất đi đến Sự Thật toàn diện, rồi thuyết phục người khác hành theo “pháp môn phương tiện của mình” mà không biết đó chỉ là bịt mắt sờ voi hay chính xác hơn đức Phật gọi là ngươi không biết đường dẫn đường cho người khác.
Chánh Pháp luôn luôn toàn diện, không thể tách rời thành chi mạt (nhánh ngọn) nhỏ mà tu. Nhiều người tách giới riêng, định riêng, tuệ riêng để tu rồi trở thành chấp giới, chấp định, chấp tuệ mà không biết rằng Bát Chánh Đạo mà thiếu một chánh nào thì toàn bộ chiếc xe pháp không còn vận hành được nữa. Giới Định Tuệ tuy ba mà một, Bát Chánh Đạo tuy tám yếu tố mà không thể phân ly. Thân-Thọ-Tâm-Pháp mà tách ra để tu thì đúng là người mù sờ voi… thành ra Mạt Pháp là đúng!
Mâu thuẫn giữa mọi người trong cuộc sống cũng chính là do kinh nghiệm cục bộ. Kinh nghiệm là hình thành sở tri sau khi trải nghiệm một sự kiện. Trải nghiệm thì chỉ nhận biết mà không tích tập, không kết luận chủ quan để hình thành quan niệm, kiến chấp. Có một câu của người Do Thái rất hay rằng "kinh nghiệm là từ mà mọi người dùng để chỉ ra sự sai lầm của mình", một câu nói rất tế nhị nhưng cũng rất dễ hiểu.
Kinh nghiệm tạo thành kiến thức nhưng kinh nghiệm mỗi người một khác nên thường là cục bộ. Sự mâu thuẫn trong mối quan hệ xã hội thường do sự khác biệt giữa các kinh nghiệm cục bộ này. Thí dụ như khi trời nóng mình mở quạt cho mát nhưng thấy có người bị cảm ho không chịu được liền tắt để người kia đỡ ho như vậy không những không chấp vào kinh nghiệm cục bộ của mình mà còn thông cảm với người khác. Nếu bảo thủ kinh nghiệm cục bộ của mình thì rất dễ gây mâu thuẫn với người khác.

Chiếc áo không làm nên thầy tu

Hỏi: Con có thắc mắc: Chiếc áo làm nên thầy tu hay không làm nên thầy tu? Những biểu hiệu của các tôn giáo quan trọng như thế nào? Tại sao có những sự cố chấp vào những biểu hiện tôn giáo? Ta nên làm gì trước những sự cố chấp này?

- Cái gì cũng đều có hình thức của nó là đương nhiên, từ cây ổi, cây cam cho đến mọi thứ trong thiên nhiên đều có biểu hiện hình thức khác biệt của nó. Cùng một Tôn giáo có hình thức tổ chức, nghi lễ, hệ tư tưởng giáo lý, nếp sinh hoạt giống nhau là chuyện bình thường. Không phải chỉ tôn giáo mà mỗi câu lạc bộ đều có hình thức riêng biệt như đồng phục, huy hiệu v.v… vì cùng sinh hoạt một nội dung giống nhau, chẳng hạn câu lạc bộ âm nhạc, câu lạc bộ thể thao v.v… Nhưng sai lầm không phải ở hình thức mà ở chỗ chấp vào hình đó hoặc có hình thức mà không có nội dung, do đó người ta nói “chiếc áo không làm nên thầy tu” là vậy. 

"Khi xúc chạm việc đời/ Tâm không động không sầu"

Hỏi: Kính thưa Sư làm sao thực tập được như trong kinh Hạnh Phúc Đức Phật dạy:
"Khi xúc chạm việc đời
Tâm không động không sầu
Tự tại và vô nhiễm
 Là phúc lành cao Thượng?
Con không hiểu vì là con người thì làm sao mà không động không sầu? Kính mong Sư chỉ dạy?


- Chỉ cần tinh tấn chánh niệm tỉnh giác hay sáng suốt biết mình thì có sự thay đổi liền. Thường sáng suốt biết mình trong mọi sinh hoạt đời sống thì dần dần những va chạm sẽ không còn ảnh hưởng gây dao động nữa. Có một thanh niên theo Thiên Chúa Giáo nhưng khi nghe Pháp Thoại biết thường soi sáng lại mình thì dần thay đổi, cậu nói trước đây vợ chồng luôn gây gổ, bức xúc, bất an, thế mà chỉ một thời gian ngắn thâm nhập Phật Pháp cậu không còn ghét vợ nữa mà bắt đầu biết thương yêu thông cảm. Vậy là ít nhiều cũng đã không động không sầu rồi đó.


Tâm Hành
  
Hỏi: Thưa thầy, tham sân si là 3 gốc chính sinh ra các tâm bất thiện khác đúng không ạ? Vậy tưởng tượng, tự hào, nóng vội, hối hận là thuộc tâm hành nào? Tham, sân, hay si. Các tâm hành này khi khởi lên mình chỉ cần thấy thôi hay cần tìm hiểu thêm nguyên nhân? Con cảm ơn thầy.


- Đúng, tham sân si là ba gốc bất thiện. Vọng tưởng thuộc về si; tự hào hay ngã mạn thuộc về tham; nóng vội, hối hận thuộc về sân. Khi các tâm hành này sinh khởi chỉ nên thấy thôi, đừng tìm hiểu nguyên nhân gì cả, khi cái thấy đầy đủ tự nhiên thấy rõ nguyên nhân, hậu quả. Nếu cố tìm hiểu sẽ dễ sinh ra lý trí chủ quan. Khi tâm hành khởi lên chỉ thấy nó như nó đang là, đừng xen lý trí vào phân tích, kết luận nó thuộc loại nào. Đức Phật cũng bất đắc dĩ mới phải dùng ngôn từ để người nghe dễ nhận ra sự kiện thật, sự kiện đó là điều hiển nhiên đang diễn ra nơi người nghe nên họ có thể thấy ngay mà không cần qua khái niệm ngôn từ từ.

Người sau không phải là người nghe trực tiếp nên phải qua khái niệm ngôn từ mà mình tưởng tượng ra để “hiểu”. Vì không trực tiếp thấy sự kiện thật mà đức Phật chỉ riêng cho người nghe lúc đó nên người sau mới hiểu sai sự thật. Chỉ cần quan sát xem tính chất của tâm sinh diệt như thế nào thì thấy đúng như vậy thôi, không cần khái niệm ngôn từ nào làm hệ quy chiếu. Từ chỗ quan sát rõ tính chất của các tâm hành mà thấy ra thực tánh chân đế chứ không phải thấy trên khái niệm tục đế.






Tác giả: Thầy Viên Minh
NT trích ghi theo Trà Đạo Bửu Long 31/08/2017