Như Lý tác ý
Hỏi: Thưa Thầy, cho con hỏi: hiểu tác ý thế nào cho đúng?
- Trước hết cần xác định “tác ý” được dịch từ manasikāra hay từ cetanā, vì đôi lúc cả hai thuật ngữ Pāli này đều được dịch là tác ý như nhau. Khi nói “như lý tác ý” hoặc “phi như tác ý” thì biết đó là manasikāra, còn khi nói “tác ý thiện” hoặc “tác ý bất thiện” thì đó là cetanā. Nếu nghi ngờ một thuật ngữ Phật học Hán Việt thì nên tra lại gốc cổ ngữ Pāli hoặc Sanskrit mới hiểu chính xác được.
- Trước hết cần xác định “tác ý” được dịch từ manasikāra hay từ cetanā, vì đôi lúc cả hai thuật ngữ Pāli này đều được dịch là tác ý như nhau. Khi nói “như lý tác ý” hoặc “phi như tác ý” thì biết đó là manasikāra, còn khi nói “tác ý thiện” hoặc “tác ý bất thiện” thì đó là cetanā. Nếu nghi ngờ một thuật ngữ Phật học Hán Việt thì nên tra lại gốc cổ ngữ Pāli hoặc Sanskrit mới hiểu chính xác được.
Manasikāra có nghĩa là khởi ý hướng trên một đối tượng. Nếu ý hướng trung thực thì gọi là như lý tác ý (yoniso manasikāra), nếu ý hướng sai lệch thì gọi là phi như tác ý (ayoniso manasikāra). Ý hướng có thể đúng hay sai sự thật nhưng chưa có phản ứng tạo tác. Còn cetanā mới là phản ứng tạo tác, nên tốt nhất nên dịch cetanā là tư tác, tư tác thuộc về hữu vi.
Manasikāra vẫn thuộc vô vi, vô nhân, vô ký chưa phải hữu vi, chưa tới tạo tác nên chỉ là hướng thấy biết đúng hay sai chứ chưa thành thiện ác. Thí dụ, khi nhìn cái hoa với ý hướng khách quan, thấy nó như nó là thôi - trung thực, không thêm bớt - là như lý tác ý. Nhưng khi nhìn qua ý hướng chủ quan, với những khái niệm đẹp xấu, thì đã là phi như tác ý rồi. Từ chỗ phi như tác ý mới đến phản ứng tạo tác nên có thương ghét, có lấy bỏ. Đó mới là tư tác (cetanā).
Người có chánh niệm tỉnh giác thường có ý hướng trung thực với mọi sự mọi vật đúng như nó là (như lý tác ý), còn người thiếu chánh niệm tỉnh giác thì ý hướng sai lệch với mọi sự mọi vật không đúng sự thật (phi như tác ý).
Vô Thức & Vô Ký
Hỏi: Thưa Thầy, xin thầy giải thích giúp con vô thức hoạt động như thế nào và vô thức có liên hệ với tâm ra sao? con cảm ơn thầy.
- Tâm dưới dạng tiềm thức gọi là Bhavaṅga (hữu phần) tương đương với A-lại-da thức trong Luận Duy Thức. Sau khi tiến trình tâm-sinh-vật lý diễn ra, thông tin được sao lại và lưu trữ trong Bhavaṅga thì những dữ liệu đó thuộc dạng vô thức. Đó là dạng vô thức trong tiềm thức. Còn dạng vô thức thứ hai là những gì diễn ra trong sinh hoạt hàng ngày mà không ý thức được cũng gọi là vô thức.
Nhãn thức, nhĩ thức, thiệt thức, thân thức và một số hoạt động của ý giới như ngũ môn hướng tâm, tiếp thọ tâm, suy đạc tâm v.v… tuy diễn ra trong đời sống ban ngày nhưng đó vẫn là tâm vô nhân dị thục nên vẫn xem như vô thức và vô ký. Chỉ ý thức mới là hữu thức thật sự. Bằng chứng là có những lúc không ý thức được mà mắt vẫn thấy, tai vẫn nghe và ý giới vẫn tiếp thu đối tượng.
Hoạt động của hữu thức hay ý thức rất hạn hẹp, chỉ trên bề mặt, còn hoạt động của vô thức rộng lớn hơn nhiều. Khi hữu thức không làm việc, như lúc ngủ chẳng hạn, thì vô thức vẫn làm việc liên tục không ngừng nghỉ. Có những điều hữu thức không làm được nhưng vô thức lại làm được, như một học sinh ban ngày giải bài toán không ra nhưng ngủ một đêm sáng dậy bỗng thấy ra cách giải. Giáo dục con trong bào thai cũng là cách đưa thông tin tốt vào cho thai nhi khi nó chưa ý thức được.
Kho vô thức bao gồm những dữ liệu đã được sao lưu sau những tiến trình tâm-sinh-vật lý được gọi là tập khí, chủng tử hoặc các trạng thái ngủ ngầm (anusaya). Trong đời sống hàng ngày nếu thiếu chánh niệm tỉnh giác thì những tập khí này sẽ khởi lên như những xung lực vô thức điều khiển hoạt động con người hơn là thực sự có ý thức. Thí dụ như những nỗi buồn vô cớ chẳng hạn, thực ra nó xuất phát từ kho vô thức. Hoặc đôi khi có ai đó chơi xấu mình nhưng bề ngoài lịch sự nên gặp nhau vẫn nói cười vui vẻ, thế mà ban đêm chiêm bao lại thấy người đó bị đánh, như vậy trong vô thức vẫn còn có ý trả thù. Một công ty nọ, công nhân bất mãn ông chủ, họ vẫn làm đúng giờ đúng việc nhưng sự bất mãn ngấm ngầm của họ khiến họ thiếu nhiệt tình thế là năng suất suy giảm, gây thiệt hại cho ông chủ mà ông ta không biết vì đâu.
Hoạt động của vô thức quả là vô cùng lợi hại. Người có chánh niệm tỉnh giác lúc đầu thấy rõ những sinh hoạt hữu thức trước rồi dần dần mới phát hiện được những hoạt động vô thức của những tâm vô nhân dị thục, và cuối cùng khám phá được những xung lực xuất phát từ kho vô thức. Đó chính là việc hữu thức hoá vô thức mà Phân Tâm học thường nói đến.
Hỏi: Thưa Thầy vô ký và vô thức có phải là 2 trạng thái khác nhau?
- Vô thức và vô ký có những điểm tương đồng và cũng có những điểm dị biệt. Vô thức là những hoạt động của tâm nằm ngoài vòng hữu thức nên ý thức không biết được, trong khi vô ký là những trạng thái tâm không thiện không ác, thuộc vô nhân dị thục. Những tâm thuộc ý giới theo Vi Diệu Pháp mà Duy Thức gọi là Mạt-na thức đều có tâm thái vô ký. Như vậy, vô thức là nói trạng thái còn vô ký là nói tính chất của cùng một tâm. Mặc dù tâm vô nhân dị thục (tâm quả xa với nhân quá khứ, không gây nhân tạo tác hiện tại) vẫn có tính chất thiện, bất thiện hoặc duy tác của nhân quá khứ nhưng vẫn vô nhân nên là vô ký.
Thí dụ, mắt thầy cận thị nên thấy mờ, cái thấy đó là tâm dị thục bất thiện, nhưng vẫn vô nhân, chỉ khi thấy mờ mà tâm thầy khởi tham sân si mới là hữu nhân. Hoặc nhiều người tự nhiên cảm thấy buồn bực vô cớ, đó chỉ là một cảm xúc xuất phát từ vô thức thuộc thọ ưu, cũng là vô nhân, và vì chưa có chủ động phản ứng tạo tác nhân thiện ác gì cả nên cũng là vô ký. Đôi khi trạng thái vô ký bị nhầm với tâm si vì có vẻ giống nhau ở chỗ thụ động thiếu quyết đoán, nhưng tâm si tuy cũng thụ động so với tâm tham và sân nhưng nó vẫn là hữu nhân chứ không phải vô nhân như trạng thái vô ký.
Chính vì trạng thái vô ký thụ động, nên nhiều vị thiền sư khuyến cáo cần thường chánh niệm tỉnh giác để tâm không rơi vào trạng thái này. Thí dụ khi ngồi thiền tâm có vẻ yên nhưng thiếu linh hoạt sáng suốt, gần như trạng thái buồn ngủ thì đã rơi vào trạng thái vô ký, nhưng không phải hôn trầm thuỵ miên vì đó là tâm si.
NT trích ghi theo Trà Đạo Bửu Long 10/08/2017