Chân không diệu hữu thuộc về giáo môn. Giáo môn nói đến tự tánh về có và không, không là chân không, có là diệu hữu ý là cái “có” chẳng phải thật có, cái “không” chẳng phải thật không, là muốn mọi người không có chấp thật. Vì chấp thật là bệnh của chúng sinh, sở dĩ có cái khổ sinh tử luân hồi đều do bệnh chấp thật sinh ra. Tự tánh chẳng thể dùng lời nói tỏ bày, nói "Chân không Diệu hữu" cũng là phương tiện tạm thời mà thôi.
Vậy thế nào là "Diệu hữu", thế nào là "Chân không"?
Chữ "Diệu" trong Kinh Phật là vi diệu, bất khả tư nghì, chẳng thể dùng tâm suy lường được những gì có thể dùng tâm suy nghĩ tức chẳng phải là diệu. Cái không tức thật không, hư không này chẳng phải thật không, chẳng phải chân không, vì hễ người kiến tánh thì hư không tan nát, nếu là chân không thì chẳng tan nát được.
Tôi giảng về chân không là hiển bày cái dụng: Không tức trống rỗng, trống rỗng tức không, ấy là cái dụng; có rỗng không chúng ta mới có thể ngồi tại đây, như cái bàn này, nếu chẳng có không ( trống rỗng) thì chẳng thể sử dụng, cái tách chẳng có cái không thì chẳng thể đựng nước đựng trà v.v… Nên phàm nói đến cái không là để hiển bày cái dụng muốn dụng ắt phải có cái không, chẳng có cái không thì chẳng thể sử dụng được. Cái không lớn chừng nào thì sử dụng phát huy lớn chừng nấy.
Dụng của tự tánh cũng vậy, sở dĩ mình sử dụng chẳng được là do các thứ tham, sân, si, phiền não che lấp cái không, nay tham Thiền dùng “Cây chổi automatic” quét trống được bao nhiêu thì cái không hiển bày được bấy nhiêu, tự động ra. Không tới cực thì dụng tới cực, tức là Phật.
Trước mắt dùng chưa được, chỉ có thể tạm gọi là “Tiềm năng”, tức tiềm trong tự tánh, đợi khi nào quét trống không rồi thì tự hiện ra cái dụng, như thế mới có thể gọi là chân không, cũng gọi là diệu hữu (Bởi vì nếu không phát huy được sử dụng thì chẳng thể gọi là diệu hữu).
Tức không tức dụng, tức dụng tức không, chân không diệu hữu đồng thời. Diệu hữu là dụng, Chân không là thể, thể với dụng đồng thời, không có phân chia, ấy mới đúng với nghĩa “Tự tánh bất nhị”. Nếu chia ra thể và dụng tức đã thành hai, vì để giải thích nên mới nói thành hai vậy.
Nay chúng ta chỉ thấy được cái dụng, muốn tìm ra cái thể thì chẳng thể được. Phật tử tham Thiền, đề khởi câu thoại đầu thì tự động hiện ra cái dụng, chẳng cần tác ý. Như tôi thường kể về cầu thủ Trương Quốc Anh (thủ môn), không qua tác ý mà chụp được quả banh.
Trước khi chưa tham Thiền, khởi tâm muốn chụp được quả banh lại bị tuột mất, nay anh ấy đang ở Paris, thường tham gia các trận đấu tại Đức, Thụy Điển v.v… đều giành được thắng lợi, ấy là sử dụng automatic, không cần qua bộ não.
Điều này nếu theo sự phân tích của khoa học thì thật vô lý, nhưng thực tế là vậy. Bởi vì dụng của tự tánh chẳng cần qua bộ não nhưng làm việc của bộ não, nên mới gọi là diệu hữu, chẳng thể hiểu theo tâm suy nghĩ.
Thiền sư Thích Duy Lực