Bước vào thiền Vipassana

Để thực hành thiền Vipassanā không nhất thiết
phải đạt tới tận an chỉ định, song tâm bạn vẫn cần phải có một mức độ ổn định và yên tĩnh nhất định.


Thâm chí ngay cả khi không có được mức định đó, bạn vẫn có thể hành thiền với một đề mục Vipassanā. 

... Lúc đầu bạn nghĩ "Tôi đang thở". Không khí đang đi vào, đi ra. Tôi cảm nhận được nó ở gần lỗ mũi. Sau một thời gian bạn quên mất mình đang thở. Không còn "tôi" và không còn hơi thở nữa. Không còn hơi thở ra, không còn hơi thở vào. Không có cả mũi nữa. Chỉ có cảm giác và chánh niệm, nó trở thành cảm giác thuần tuý và chánh niệm thuần tuý, bạn không còn nghĩ đến cảm giác nữa. Bạn tiếp xúc trực tiếp với cảm giác đó và nó chỉ là cảm giác,
không còn là luồng không khí nữa. Không khí là một ý niệm, mũi là một ý niệm, “ra” là một ý niệm, “vào” là một ý niệm, "Tôi đang hành thiền" cũng là một ý niệm. Tất cả chúng sẽ biến mất, tâm bạn tiếp xúc trực tiếp với một cảm giác. Bạn có chánh niệm đơn thuần, không thêm một điều gì, không thêm vào một ý niệm nào nữa. Thậm chí bạn cũng không nghĩ đến sanh và diệt nữa, không nghĩ đến cảm giác và ngay cả chánh niệm nữa.
Đừng nghĩ bất cứ điều gì, bởi vì bạn có thói quen suy nghĩ, hãy cố gắng học hiểu bằng cách sử dụng chính tiến trình suy nghĩ này. Tiến trình suy nghĩ diễn ra ở bán cầu trái của não bộ chúng ta, muốn có một ý tưởng rõ ràng, thú vị, chúng ta phải suy nghĩ và sử dụng bán cầu não trái. Nhưng thiền là trực giác. Do đó, khi hành thiền chúng ta sử dụng bán cầu não phải. Nếu hiểu cách thức hoạt động của hai bán cầu não, bạn sẽ hiểu mình đang làm gì khi hành thiền. Hãy hiểu rõ vấn đề này, khi thực sự hành thiền chúng ta không cố hiểu bằng tri thức. Không có tiến trình tri thức nào nữa. Suy nghĩ là một tiến trình tri thức. Bạn phải vượt qua nó. Nếu vẫn sử dụng hay viện đến sự trợ giúp của tư duy tri thức này, chúng ta sẽ bị mắc kẹt trong thực tại thông thường, bởi vì suy nghĩ là một hành động rất thông thường. Nếu thực sự muốn chứng nghiệm thực tại siêu thế, chúng ta phải buông bỏ mọi suy nghĩ.
Trước khi bắt tay vào thiền, hãy đọc thêm sách Phật Pháp, cố gắng tìm hiểu định (samādhi) là gì, danh (nāma) là gì, sắc (rūpa) là gì, vô thường (anicca) là gì, khổ (dukkha) là gì, vô ngã (anatta) là gì.

Nhưng khi thực sự hành thiền thì phải buông bỏ
tất cả những điều đó. Chỉ tiếp xúc trực tiếp với những gì đang hiện hữu. Hãy trở nên thật đơn giản!

Bạn phải càng đơn giản càng tốt. Chỉ cần luôn hay biết các cảm giác, đừng nghĩ nó là sanh hay diệt, nó là khổ hay vô ngã, thậm chí cũng đừng nghĩ nó là danh hay sắc. Không có bất cứ suy nghĩ nào, nếu bạn có thể duy trì được như vậy trong một thời gian dài, nó sẽ tự động xuất hiện, một cách trực giác. Ta sẽ hiểu được cái đang là, và "cái đang là" đó là cái mà bạn không thể diễn tả thành lời được. Bạn cũng không thể thực sự nói về vô thường được.

Thực tế, bạn cũng không thể suy nghĩ về vô thường, bởi vì khi thực sự chứng nghiệm được nó, bạn sẽ
thấy nó là cái không thể diễn tả bằng ngôn từ.



Khi bạn cố suy nghĩ về nó thì nó đã không còn ở đó nữa. Vì vậy, khi hành thiền, bạn không thể nói: "Ồ, có một cái gì đó đang sanh và diệt, cái đó là vô thường". Lúc đó bạn không còn hành thiền nữa, mà đang sử dụng tiến trình suy nghĩ. Bạn đã bị rơi trở lại thực tại thông thường.
Điều này sẽ lặp đi lặp lại nhiều lần một cách tự nhiên trong quá trình thực hành của bạn, bởi vì chúng ta đã quá quen với suy nghĩ và phân tích mất rồi. Chúng ta cứ nghĩ rằng chỉ khi nào chúng ta suy nghĩ, tư duy về một điều gì đó thì ta mới có thể hiểu được nó. Chúng ta cố gắng để quay lại với suy nghĩ, quay lại với thói quen phân tích và tìm hiểu. Điều đó sẽ còn xảy ra nhiều lần nữa, mỗi khi nó quay lại, bạn chỉ cần nhìn và nói …"suy nghĩ"…Ngay cả khi bạn nghĩ: "đây là danh" thì đó cũng là một suy nghĩ, khi bạn nghĩ "đây là sắc", đó cũng là một suy nghĩ. Bạn nghĩ "đây là sanh và diệt, đây là vô thường", thì thực ra đó cũng là một suy nghĩ nữa mà thôi.

Hãy quan sát những tia suy nghĩ chợt xuất hiện
trong tâm bạn. Càng quan sát bạn sẽ càng buông bỏ được chúng. Chúng sẽ không đi ngay lập tức, điều đó rất khó, nhưng dần dần chúng sẽ biến mất cho đến khi không còn một câu một từ nào khởi lên trong tâm nữa. Bạn có thể tiếp cận trực tiếp với cái đang là,
hiểu được nó mà không cần phải khái niệm hoá nó.
Một khi đã có thể làm được điều đó, phần còn lại sẽ tương đối dễ dàng. Cái khó ở đây là chúng ta luôn cố suy nghĩ về nó để rồi lại bị xao lãng, phân tán. Nếu chúng ta luôn luôn nắm bắt được các cảm giác, nắm bắt được tâm hay biết, thì những thứ còn lại sẽ đến tương đối dễ dàng.
Dần dần tôi sẽ giảng kỹ về các tầng tuệ của thiền Vipassanā (vipassanā ñāṇa) và cách thức chúng phát triển, chín muồi. Nó rất thú vị, rất tự nhiên, mặc dù tốt hơn cả là bạn không cần biết đến nó mà cứ tiếp tục hành thiền. Trước khi tập thiền, tôi cũng chưa từng đọc những điều này. Tôi chỉ vào rừng để hành thiền và Sư phụ tôi nói rằng không được đọc bất cứ một cuốn sách nào. Tôi thường xuyên đến nghe Sư phụ giảng pháp, sau một thời gian Sư phụ nói: "Từ giờ trở đi không đến nghe pháp nữa". Sư phụ thậm chí còn không cho tôi nghe pháp, "hãy đi đi và chỉ hành thiền thôi, nếu có câu hỏi nào thì hãy đến, còn không có điều gì cần hỏi thì cứ tiếp tục hành thiền". Đôi khi, tôi cố kiếm được một cuốn sách bởi vì tôi rất thích đọc sách, và dấm dúi giấu nó vào một góc nào đó, nhưng rồi một hôm Sư phụ chợt hỏi: "Con đang đọc sách đấy phải không?" "Dạ…dạ…chỉ đọc một chút…một chút thôi ạ"…Bởi vì tôi rất sợ bị Sư phụ hỏi. Sư phụ nói: "Không được đọc sách, con còn có rất nhiều việc để làm, rồi sau này sẽ có khối thời gian để mà đọc, bỏ sách đi, chỉ hành thiền thôi, luôn luôn hay biết thân tâm mình". Sau khi hành thiền được 3 năm, tôi mới bắt đầu đọc kinh điển Phật Pháp và tôi phát hiện ra rằng nó thực sự đúng…Những điều trong kinh điển nói, tôi đã chứng nghiệm được tất cả những điều đó và bây giờ tôi tìm thấy nó trong kinh điển. Tôi đã có thêm đức tin trong giáo pháp…điều đó là sự thực!


Khi hành thiền tôi làm gì?
Thực ra, tôi chỉ làm một việc hết sức đơn giản.
Tôi chẳng làm gì cả. Chỉ luôn cố gắng hay biết
những gì đang diễn ra ngay trong hiện tại.


Khi phát hiện ra mình đang suy nghĩ, tôi cố gắng hay biết những suy nghĩ đó. Mới đầu thì tôi thường miên man nghĩ ngợi rất lâu rồi mới chợt nhớ ra: "Mình đang suy
nghĩ"… tôi nghĩ bụng: "không biết mình bắt đầu nghĩ từ lúc nào nhỉ", rồi cố gắng truy ngược lại dòng suy nghĩ. Điều đó thật thú vị, xem một sự việc này kết nối với một sự việc khác ra sao, các suy nghĩ và ý tưởng nối liền với nhau. Tôi lần ngược trở lại được điểm bắt đầu: "Mình bắt đầu suy nghĩ lan man từ đây, và kết thúc ở chỗ này, hai việc đó chẳng có liên quan gì với nhau cả!". Rồi dần dần khi mới bắt đầu suy nghĩ là tôi đã bắt được mình đang suy nghĩ ngay và nó liền dừng lại…Rất khó duy trì được trạng thái ấy! Phải hay biết về một cảm giác nào đó ngay lập tức, nếu không thì lại tiếp tục suy nghĩ về một việc khác nữa. Rồi dần dần về sau, tôi thấy được ngôn từ đang chầm chậm thành hình trong tâm. Rất thú vị, các ngôn từ, ý tưởng cứ chầm chậm xuất hiện trong tâm, câu này tiếp nối câu kia và rồi lại chấm dứt suy nghĩ!.
Sau đó tôi phát hiện ra rằng: mỗi khi nghĩ đến một câu, lại có một cảm xúc xuất hiện đi kèm với nó, điều này nằm ngoài ngôn từ. Sau đó, tôi lại phát hiện thêm: trước khi tôi nghĩ đến một điều gì đó thì trong tâm đã có một ý tưởng mơ hồ về điều đó rồi, dù là nghĩ về một người nào, về đồ ăn thức uống hoặc về một việc nào đó sẽ làm. Trước khi thành hình nên một câu chữ trong tâm, tôi đã có một cảm nhận mơ hồ rằng nó là gì rồi, có một cái gì đó đang đến, rất vi tế. Khi tôi hay biết được rằng có một cái gì đó đang trồi lên trên bề mặt ý thức, thì nó lại biến mất…và tâm tôi lại bình ổn trở lại. Bởi vì có một cái gì đó luôn đang nổi lên, nên tôi không ở trong trạng thái ổn định thực sự được. Luôn có một trạng thái trạo cử, bất an nào đó trong tâm. Có một cái gì đó luôn thúc đẩy, ba động ở bên trong. Khi hay biết được cảm giác này, hay biết cảm xúc hay một ý định làm cái gì đó, ngay cả uống một cốc nước thôi chẳng hạn, tôi có thể nhìn thấy tác ý muốn làm đó và rồi nó biết mất. Đôi khi, tôi còn thấy được cả hình ảnh một cốc nước ở trong tâm nữa. Khi muốn uống nước, tôi nhìn thấy hình ảnh một bình nước, cái cốc, cảm nhận được cảm giác khát và tôi chánh niệm hay biết điều đó. Khi đó nó biến mất và tâm tôi bình ổn trở lại. Suốt ngày, lúc nào cũng có một cái gì đó cuồn cuộn bên trong như một bình nước đang sôi. Bạn càng hay biết thì nó càng ổn định trở lại và rồi tôi chấm dứt mọi suy nghĩ, không làm gì nữa cả.

Chánh niệm luôn có ở đó.
Bạn không cần phải cố gắng chánh niệm
về một cái gì…nó luôn luôn hiện hữu.
Như một tấm gương lớn, tất cả mọi thứ đi qua
phía trước sẽ được phản chiếu trên mặt gương.
Tấm gương không phải cố nắm bắt
bất cứ đối tượng nào cả.


Đối tượng trôi ngang qua, cảm giác xảy ra và tâm tự động chánh niệm, hay biết nó, rồi nó lại biến mất. Chánh niệm luôn có ở đó. Bạn không phải làm gì cả. Đến giai đoạn này, thiền không còn là một công việc bạn đang phải tiến hành nữa. Thiền là một cái gì đó diễn ra một cách tự động. Nhưng phải cần một thời gian để đạt được đến mức đó. Một người nói với tôi: "Ngài đã hành thiền từ rất lâu rồi và có lẽ Ngài đã quên rằng, đối với một người mới bắt đầu thì sẽ khó khăn đến mức nào"; tôi nghĩ đúng là như thế. Khi nghĩ lại, tôi mới nhớ ra rằng: khi mới tập thiền, tôi cũng đã từng muốn bỏ cuộc. Tôi cảm thấy rất thất vọng và nghĩ rằng: "Việc này có lẽ không phải là công việc dành cho mình mặc dù mình thực sự muốn làm". Tôi có thói quen suy nghĩ quá nhiều; tôi thích đọc tâm lý học, triết học, so sánh các loại tôn giáo, nó làm tôi trở nên suy nghĩ quá nhiều. Tôi cũng từng ước muốn mình sẽ trở thành một nhà văn nữa cơ. Đôi khi, tôi cũng ngồi vào bàn và viết một đoạn văn, một bài pháp, khi đó rất nhiều tư tưởng kỳ diệu nảy sinh trong óc tôi, nhiều dòng tư tưởng thật hay, thật tuyệt vời. Tôi nghĩ: "Ồ, điều này hay quá, mình phải viết về chủ đề này. Không ai có được những ý nghĩ ấy như mình! Mình có thể diễn giải khúc triết vấn đề này, mình đang rất có hứng viết". Thế rồi Sư phụ tôi nói: "Đừng có viết lách gì hết, ngay cả ghi chép trong quá trình hành thiền cũng thôi đi". Bởi vì, nếu bạn ghi chép, khi hành thiền bạn sẽ nghĩ: "A ha…điều này thật kỳ diệu, mình phải ghi lại mới được", và lúc đó thì thiền của bạn đã chạy đi đâu mất tiêu rồi. Bạn không thể vượt qua được mức ấy.

Thậm chí bạn còn phải buông bỏ cả
chính tuệ giác của mình nữa."Đang có sự việc này diễn ra, OK, buông bỏ thôi!". Bạn có thấy mình đã buông bỏ bao nhiêu rồi không? Chúng ta bị
dính mắc vào chính những hiểu biết của mình,
vào chính những tuệ giác sâu sắc ấy.



Hỏi & đáp: Từ khaṇika samādhi (sát-na định) rất khó dịch. Hầu hết mọi người đều không hiểu rõ nghĩa của nó, bởi vì khi dịch là định trong từng sát na, thì từ “trong từng sát na” nghĩa là gì? Nó có cái tên là khaṇika samādhi, nhờ vậy chúng ta mới có thể nói về 3 loại định khác nhau. Trong thiền chỉ tịnh (jhāna samādhi), an chỉ định (apppanā samādhi) hay cận định (upacāra samādhi), tâm tập trung vào một khái niệm không đổi nào đó. Đề mục của thiền định là một cái gì đó không thay đổi. Đề mục của Vipassanā là một tiến trình, không phải là một sự vật, điều đó có nghĩa đề mục Vipassanā là một cái gì đó luôn biến đổi. Một cái gì đó biến đổi nghĩa là nó ở lại một chút rồi biến mất. Trong thời điểm hiện tại thì đề mục có mặt ở đó và chánh niệm cũng có mặt ở đó. Chánh niệm về đề mục có mặt bởi vì chánh niệm và đề mục sanh khởi cùng lúc. Khi đề mục không còn thì chánh niệm cũng không còn nữa. Nhưng khi một đề mục mới sanh khởi thì tâm cũng chánh niệm hay biết đề mục đó. Bởi vì đề mục chỉ tồn tại trong một khoảnh khắc ngắn ngủi nên một cách tự nhiên, chánh niệm hay định trên đề mục đó cũng chỉ tồn tại trong một khảnh khắc. Chánh niệm này lặp đi lặp lại nhiều lần trên các đề mục khác nhau; nó có thể rất ngắn nhưng liên tục biết đề mục.
Hơi thở ra và hơi thở vào là hai sự kiện khác nhau. Thậm chí ngay cả cảm giác trong cùng một hơi thở cũng luôn thay đổi. Mỗi hơi thở dài khoảng 2 đến 3 giây và nó có rất nhiều thay đổi. Mặc dù cùng là một sự việc lặp đi lặp lại nhiều lần, song vẫn có sự thay đổi. Ví dụ bạn sờ như thế này nhiều lần. Mặc dù lần nào bạn cũng cảm nhận như nhau, nhưng thực ra mỗi cảm giác đều mới. Nếu chánh niệm mỗi lần đụng vào thân mình như thế, bạn sẽ phát triển được sát na định (khaṇika samādhi), hãy cố gắng duy trì sát na định này trong một thời gian dài. Nó có thể vài giây rồi kéo dài đến vài phút, thậm chí vài giờ. Một số người khi đạt được một mức định thâm sâu trong thiền Vipassana, chánh niệm và đề mục dính liền với nhau như keo; nó giống như một thứ gì đó rất dính, khi ném vào tường nó dính chặt ở đó. Khi mới hành thiền thì giống như ném một quả bóng tenis vào tường. Nó chạm vào đề mục rồi bật trở lại. Nhưng sau một thời gian, khi ném nó vào dính lại luôn ở đó. Mặc dù đề mục luôn sanh diệt, nhưng chánh niệm liên tục hay biết sự sanh diệt đó. Bởi vì đề mục luôn thay đổi nên gọi là sát na định (khaṇika samādhi).
Điều đó không có nghĩa là chỉ nhờ có được vài phút định tâm mà đã có thể đạt được trí tuệ thâm sâu hay giải thoát. Nhưng chúng ta bắt đầu với chỉ một vài giây định tâm này và nới rộng thêm vài giây nữa, rồi thành một phút, hai phút, ba phút và hơn nữa. Duy trì được 1, 2 phút, bạn lại xao lãng đi vài giây, khi ý thức được điều đó thì lại quay lại; nó cứ diễn ra như vậy. Trong thiền chỉ tịnh (jhāna samaddhi), bạn có thể quyết định: "Tôi sẽ an trú trong đề mục này một tiếng không hề xao lãng". Giống như tự thôi miên và tự tạo một ý tưởng gợi ý, sau đó bạn có thể an trụ trong đề mục suốt cả một giờ không hề lay động. Nhưng đề mục thiền Vipassana thì luôn luôn biến đổi. Đề mục thay đổi bao nhiêu lần không thành vấn đề, miễn là bạn luôn luôn hay biết là được, thế là OK.
Khi đạt đến một trình độ nhất định trong thiền vipasana, bạn sẽ hay biết được nhiều đề mục tiếp nối nhau sanh diệt trước mắt, giống như ngồi trong nhà nhìn ra, bạn thấy nhiều chiếc ô tô nối đuôi nhau, từng cái một đi qua. Bạn không phải cố nhìn xem đó là xe Toyota, Mazda, xe màu xanh hay màu trắng. Bạn chỉ chánh niệm hay biết điều đó, cái này tiếp cái khác đi qua, không lựa chọn.

Trong giai đoạn đầu hành thiền, bạn chọn một
đề mục thích hợp với mình -hơi thở, phồng xẹp (của thành bụng) hoặc cảm giác xúc chạm trong thân,
bất cứ cái gì thích hợp- sau một thời gian bạn sẽ không còn lựa chọn nữa. Chỉ luôn hay biết!

Đề mục có thể luôn thay đổi, nhưng chánh niệm của bạn liên tục không gián đoạn. Trong thiền mọi thứ đều luôn biến đổi. Kinh nghiệm thiền không bao giờ giữ nguyên xi trong mọi lúc.
Đôi khi tâm bạn an trụ vào một đề mục và bạn thấy cùng một loại cảm giác-không phải là một cảm giác duy nhất, nhưng cùng một loại -chẳng hạn đụng chạm thế này, dù không phải là một cảm giác duy nhất, nhưng đều là một loại cảm giác sanh diệt. Bạn có thể biết đề mục, bạn có thể thấy cả tâm chánh niệm, cả hai đều sanh diệt rất nhanh. Đôi khi bạn hay biết được nhiều đề mục sanh và diệt, không phải cùng một loại cảm giác, mà là nhiều loại cảm giác sanh diệt rất nhanh. Nhưng dù nó sanh diệt nhanh đến đâu, bạn vẫn có thể bắt kịp, như một nghệ sỹ xiếc làm trò tung hứng, cùng một lúc tung và hứng nhiều quả bóng, nhiều chiếc vòng khác nhau. Chánh niệm cũng sẽ trở nên giống như vậy.
Đừng mong đợi sự hành thiền của bạn phải luôn giống hệt nhau. Có lúc chánh niệm rất rộng, lúc lại thu hẹp, trở về một đề mục duy nhất, một đề mục rất vi tế nào đó. Đôi khi, bạn cần phải hiểu là phạm vi chánh niệm của mình quá rộng, bạn không bắt kịp được nó và đánh mất định tâm của mình. Bạn bị phân tán, xao lãng. Lúc đó bạn phải biết rằng: "Bây giờ là lúc mình cần thu hẹp chánh niệm lại". Khi thu hẹp dần phạm vi chánh niệm về một đề mục duy nhất, càng chú tâm đề mục ngày càng trở nên vi tế hơn và đến một lúc nào đó nó dường như biến mất, bạn không còn hay biết nó nữa. Điều này thỉnh thoảng sẽ xảy ra, định tâm quá mạnh, đề mục không còn hiện rõ nữa. Trong trường hợp đó, bạn cần phải chọn thêm một đề mục khác, chánh niệm trên hai đề mục một lúc sẽ giúp bạn tỉnh thức hơn. Lúc khác tâm bạn lại bị thâu liễm, an trụ vào một đề mục duy nhất như thiền chỉ (samatha). Bạn không còn thấy sanh diệt nữa, tâm an trụ và dính lại đó.
Trong định của thiền Vipassana, chỉ có tâm an trú, tĩnh lặng và an lạc thì không đủ. Chúng ta cần phải thấy được các đặc tướng của đối tượng.

Đề mục thiền có hai đặc tướng. Một là đặc tướng
tự nhiên và hai là đặc tướng phổ quát.


Đặc tính tự nhiên, chẳng hạn như cứng, mềm, nóng, lạnh. Cái nóng và cái lạnh không giống tính chất nóng và tính chất lạnh, chúng khác nhau, nhưng có cái chung là đều sanh diệt. Đó là điểm chung. Đặc tính tự nhiên cố hữu này là đặc tính chung, dù là bất cứ cái gì, mọi thứ đều sanh diệt, chúng có cùng một đặc tính chung về phương diện đó.


Trích: Chương 3: Con đường bước vào thiền Vipassana
Bản đồ hành trình tâm linh – TS Sayadaw U Jotika

 Sư Tâm Pháp dịch