“Quá khứ không truy tìm” (Atītaṃ nānvāgameyya) nghĩa là không (na) đi (gama) về quá khứ (atītaṃ) hoài (anu). Điều đó không có nghĩa chúng ta phải hoàn toàn quên quá khứ. Nghĩa của câu này thực ra đã rất rõ ràng, nếu bạn thực sự nhìn hoặc lắng nghe một cách cẩn thận. Đừng nghĩ mãi về quá khứ, nó chẳng đi đến đâu cả, chỉ nghĩ quanh nghĩ quẩn mà thôi. Nếu có điều gì đó ích lợi mà bạn có thể nhớ lại từ quá khứ, thì hãy nhớ lại và tận dụng nó. Chúng ta phải nhớ quá nhiều thứ: nào là số điện thoại, các loại địa chỉ, quá nhiều thứ cần phải nhớ.
Có rất nhiều điều đã xảy ra hoặc chúng ta đã từng làm trong quá khứ, chúng ta cũng phải nhớ. Nhưng chỉ nên ghi nhớ những kinh nghiệm hữu ích đó và sử dụng chúng như là một phần cuộc sống của chúng ta. Điều đó thì tốt. Còn cứ mãi suy nghĩ về quá khứ và tự làm cho mình buồn khổ thì đó là điều không nên.Nhớ lại và nghĩ ngợi những điều đã diễn ra trong quá khứ, để sử dụng chúng một cách khôn ngoan là việc nên làm. Đức Phật cũng thường kể về những kiếp quá khứ của Ngài. Kể về quá khứ là việc lợi ích, nhưng đừng suy nghĩ quá nhiều về quá khứ, đừng tạo thành một thói quen như vậy.
Khi bạn thấy mình đang suy nghĩ về một điều vô ích nào đó, hãy nhìn nó thật kỹ, nhìn vào suy nghĩ đó thật kỹ; nhìn thái độ của mình, tại sao mình cứ suy nghĩ mãi chuyện đó? Có nỗi lo sợ hay sự dính mắc nào ở đó chăng? Khi bạn lo sợ điều gì, bạn thường suy nghĩ rất nhiều về nó, bạn không thể quên được. Khi dính mắc vào cái gì đó, bạn cũng suy nghĩ hoài về nó. Như vậy, có rất nhiều lý do để mọi người suy nghĩ miên man về một vấn đề nào đó. Hãy nhìn vào tâm mình và tìm hiểu xem tại sao mình lại suy nghĩ mãi chuyện đó như vậy. Trước tiên, hãy nhìn các suy nghĩ của mình, rồi sau đó nhìn sự dính mắc của mình: Tại sao bạn lại quá dính mắc với những việc đó như vậy?
“Tương lai không ước vọng” (nappaṭikankhe anāgataṃ). Đây không phải là câu dịch chính xác từ bài kệ Pāli, nhưng cũng gần nghĩa như vậy.
Nghĩ ngợi xem mọi việc có xảy đến hay không hoặc lo lắng về tương lai, tất cả những điều đó thật là vô nghĩa.Nhưng điều đó không có nghĩa là bạn không vạch kế hoạch cho tương lai.
Có nhiều người hỏi tôi rằng: “Đức Phật nói rằng không suy tầm quá khứ, cũng không ước vọng tương lai; vậy chúng tôi phải sống như thế nào đây?”. Họ không hiểu được ý nghĩa thực sự của bài kệ này. Đức Phật không nói đừng suy nghĩ bất cứ điều gì về quá khứ. Đức Phật cũng không nói là đừng vạch kế hoạch cho tương lai. Hãy suy nghĩ về quá khứ để mà rút ra những bài học có ích cho mình và sử dụng nó. Nhưng chớ mải mê suy nghĩ quá nhiều và tự làm cho mình buồn khổ; bạn sẽ trở nên buồn khổ đến mức không thể làm được bất cứ điều gì lợi ích được nữa. Bạn chỉ phí phạm thời gian và năng lượng mà thôi. Đối với những người hành thiền thì đó không phải là một việc đúng đắn nên làm. Nhưng khi bạn nghĩ đến nó một cách tự nhiên, thì hãy nhìn thật sâu vào nó. Sự dính mắc, chính là sự dính mắc đã xui khiến bạn suy nghĩ hoài về nó như vậy. Chúng ta vạch kế hoạch cho tương lai, chúng ta lên kế hoạch cho khoá thiền tích cực, tôi trù bị cho việc quay trở lại Singapore; chúng ta phải làm tất cả những điều đó. Nhưng lo lắng quá mức thì cũng không có ích lợi gì. Không cần thiết phải lo lắng. Hãy lên kế hoạch thật chu đáo, tìm hiểu mọi việc liên quan và làm những việc cần làm, cố gắng tốt nhất đến mức có thể, nhưng đừng lo lắng và nghĩ ngợi quá mức.
“Qua khứ đã đoạn tận” (Yad atītam pahīnan taṃ) tất nhiên chúng ta đều biết là quá khứ thì đã qua mất, nhưng chúng ta vẫn cứ bám víu vào quá khứ, suy nghĩ về quá khứ và làm như nó đang còn hiện hữu ở đây. Chúng ta thích nghĩ những điều mình muốn nó phải xảy ra, chúng ta tưởng tượng và làm như thể nó thật sự đang diễn ra vậy. Chỉ có suy nghĩ mới làm cho quá khứ trở lại với hiện tại. Chúng ta tưởng tượng về quá khứ và làm nó trở thành như thực, như thể nó đang ở trong hiện tại vậy. Nếu chúng ta không suy nghĩ về nó, nó sẽ không còn thật như vậy nữa, nó không có mặt ở đây, nó chỉ là một ký ức.
“Tương lai lại chưa đến” (Appattañ ca anāgataṃ). Cả điều này nữa chúng ta cũng đã biết.
Chúng ta chuẩn bị cho nó và có thể những điều không mong đợi cũng sẽ xảy ra. Chúng ta cũng phải chờ đợi cả điều này nữa. Chúng ta chờ đợi những điều bất ngờ sẽ đến. Đó cũng là một phần của cuộc sống. Hãy nhìn sâu vào cuộc sống như nó đang là.
“Hãy nhìn sâu sắc vào cuộc sống như nó đang là”, cuộc sống ở đây nghĩa là gì? Nó không phải là 70 hoặc 80 năm, bởi vì đó chỉ là một khái niệm. Cuộc sống đích thực là ở đây và bây giờ, và nếu nhìn kỹ hơn thì cuộc sống là cái chúng ta đang thấy hiện nay, cái chúng ta đang nghe bây giờ, cái chúng ta đang ngửi, thân chúng ta đang cảm nhận trong hiện tại, cái chúng ta nếm, điều chúng ta đang suy nghĩ.
Cuộc sống đích thực là ở hiện tại.Cuộc sống không phải là một ý tưởng hay một khái niệm, mà nó chính là những cảm giác và tri giác của chúng ta, tại đây và bây giờ.
Khi hành thiền, chúng ta làm gì? Chúng ta chú tâm hoàn toàn vào các cảm giác của mình.
Hôm nay, tôi muốn làm rõ từ cảm giác này. Bạn đã hiểu được cảm giác tôi muốn nói đến là gì chưa? Cái tôi muốn nói là: khi bạn cảm thấy lạnh thì đó là một cảm giác, khi bạn cảm thấy nóng thì đó cũng là một cảm giác, khi bạn cảm thấy đau một chỗ nào đó trong thân, đó cũng là cảm giác, khi bạn thấy dễ chịu, đó là cảm giác, khi bạn nhìn thấy một cái gì đó, đó cũng là cảm giác, khi bạn nghe cũng là cảm giác, khi bạn ngửi cũng là cảm giác, khi bạn nếm cũng là cảm giác. Đó là ý nghĩa của từ cảm giác mà tôi muốn nói.
Khi hành thiền, chúng ta chú tâm hoàn toàn vào các cảm giác. Làm như vậy là bạn đã nắm được tinh yếu của thiền.
Khi chúng ta chú tâm hoàn toàn tới cảm giác lạnh chẳng hạn, thì cái lạnh có hình dáng không? Không có hình dáng nào cả; cảm giác lạnh không có đường nét, hình thể. Vậy khi chú tâm hoàn toàn đến cảm giác lạnh, chúng ta không hề suy nghĩ tới hình dáng. Chúng ta chỉ chú tâm hoàn toàn vào cảm giác mà thôi. Như vậy, kinh nghiệm trực tiếp là một điều không thể nghĩ bàn, đây lại là một điểm nữa cần ghi nhớ, bạn có đồng ý như vậy không? Bạn có nghi ngờ gì về điểm này không? Có còn hồ nghi gì nữa không? Kinh nghiệm trực tiếp là không thể nghĩ bàn. Bạn chỉ có thể nghĩ về một khái niệm, một ý tưởng nào đó. Bất cứ khi nào bạn nghĩ về quá khứ thì nó không còn là kinh nghiệm trực tiếp nữa. Nó là một khái niệm, một ý tưởng bạn tạo nên ở trong tâm, nó là sự diễn dịch cái kinh nghiệm mà bạn đang nghĩ đến. Thực tế bạn không thể suy nghĩ về kinh nghiệm thực. Điều bạn có thể suy nghĩ chỉ là sự diễn dịch về cái kinh nghiệm đó mà thôi.
Tương lai cũng như vậy, bạn phóng tưởng quá khứ của mình vào tương lai. Vì vậy bạn chỉ có thể suy nghĩ về những ý tưởng và những điều diễn dịch chứ không phải là kinh nghiệm trực tiếp.
Khi hành thiền chúng ta chú tâm hoàn toàn đến kinh nghiệm trực tiếp trên thân tâm mình. Mỗi khi suy nghĩ sanh khởi, chúng ta chú tâm trực tiếp vào nó, hoàn toàn chú ý vào suy nghĩ đó. Có những lúc hoàn toàn không có một suy nghĩ nào sanh khởi, tâm vắng lặng, yên tĩnh và an lạc, và bạn cũng chú ý đến trạng thái tâm đó. Lúc đó không còn là suy nghĩ nữa mà chỉ là một trạng thái tâm, rất trong sáng, rất tĩnh lặng, rất an lạc. Bạn hướng sự chú ý vào nó: “Có điều này hiện đang diễn ra”. Chúng ta không làm bất cứ điều gì với nó cả; không cố thay đổi nó.
Khi hành thiền, chúng ta không cố làm điều gì, không làm cho điều gì phải diễn ra, chỉ cố gắng chú ý tới những gì đang diễn ra như nó đang là. Đây là một điểm rất quan trọng: nhìn thật sâu sắc vào cuộc đời như nó đang là; chỉ nhìn thật sâu, mà không làm bất cứ điều gì với nó cả. Nhiều người hỏi khi hành thiền thì phải làm gì? Chỉ cần chú ý!
Nhưng hầu như tất cả mọi người đều ngạc nhiên khi nghe câu trả lời như vậy. Họ cứ nghĩ là phải làm một điều gì đó, phải tạo ra một cái gì đó. Làm công này việc nọ, lăng xăng tạo tác chuyện này chuyện kia là những việc chúng ta thường làm trong cuộc sống hàng ngày. Nhưng khi hành thiền chúng ta không làm bất cứ một việc gì cả. Chúng ta chỉ chú ý. Thật đơn giản mà cũng thật khó làm, bởi vì nó quá đơn giản. Chúng ta có thói quen làm cho mọi việc trở nên quá phức tạp. Khi chúng ta cố làm điều gì đó, là đã có cái ngã, cái tôi ở trong đó rồi. Trong thiền bạn không thể làm như vậy. Đặt bản thân bạn sang một bên và để cho thiền tự diễn ra; không bản ngã, không làm một cái gì cả, chỉ chú ý hoàn toàn; điều này rất quan trọng.
Nhìn sâu vào cuộc đời như nó đang là,Ngay tại đây và bây giờ. Ngay ở đây và bây giờ thì không có chuyện gì cả. Bạn có thể dựng nên một câu chuyện về những việc đang diễn ra ngay ở đây và bây giờ được không? Ở đây và bây giờ không có chuyện gì cả, chỉ có các cảm giác sanh diệt, chỉ có cảm giác trực tiếp ngay trước mắt mà thôi.
Vì vậy bài kệ này rất rõ ràng. Nếu bạn hiểu được từng chữ trong đó thì nó chính là lời hướng dẫn thiền cho bạn.
“Nhìn sâu vào cuộc đời như nó đang là, ngay ở đây và bây giờ, hành giả an trú trong an ổn và giải thoát” (Paccuppannañ ca yo dhammaṃ, tattha tattha vipassati, asaṃhīraṃ asaṃkuppaṃ). Nếu bạn có thể giữ tâm mình ngay tại đây và bây giờ với tất cả tâm ý, thì ngay đó đã có sự an ổn. Điều đó nghĩa là tâm bạn không trở lui về quá khứ, cũng không móng vọng về tương lai, do đó có an ổn. Khi bạn hoài tưởng quá khứ hay vọng móng tương lai nghĩa là không có an ổn. Khi tâm an trú ở ngay tại đây và bây giờ, chú ý đến bất cứ điều gì đang diễn ra trong thân tâm mình, tức là bạn đã có sự an ổn và giải thoát. Bởi vì khi chú ý hoàn toàn thì sẽ không còn suy nghĩ nữa.
Thực chất suy nghĩ chỉ là một nhà tù giam giữ chúng ta. Khi chúng ta chú ý hoàn toàn, tâm sẽ không có tham. Tham thực ra cũng là một suy nghĩ. Không có suy nghĩ, bạn có thể khởi tâm tham được không? Cứ thử mà xem.
Không có suy nghĩ về câu chuyện, về con người, về hoàn cảnh, chúng ta sẽ không thể khởi tâm tham. Như vậy, tâm tham đi liền theo suy nghĩ. Sân cũng vậy, không suy nghĩ về nó bạn sẽ không thể nổi giận. Ở ngay tại đây và bây giờ, không có cái gì để mà tham đắm, không có gì để sân hận. Đó thực chất chính là giải thoát: không tham, không sân, chỉ có sự chú ý hoàn toàn. Do đó cũng không có si ám, vô minh, thất niệm.
“Hôm nay nhiệt tâm làm, đợi đến ngày mai đã quá muộn. Cái chết đến ai ngờ, làm sao có thể điều đình với nó?” (Ajj’ eva kiccam ātappaṃ; Ko jaññā maraṇam suve? Na hi no saṃgaran tena, Mahasenena maccunā). Điều này lại làm tôi nhớ lại một lời ca: “Đợi đến ngày mai thì đã quá muộn”. Đó là một câu hát đâu đó, trong bài “Bây giờ hay chẳng bao giờ”. Ai hát bài đó nhỉ? Tôi không nhớ được nữa. Vì vậy chúng ta phải nhiệt tâm, tinh cần ngay bây giờ, để đến ngày mai sẽ là quá muộn. Cái chết đến bất ngờ; chúng ta không biết mình sẽ ra đi lúc nào, chúng ta chỉ tin là mình sẽ sống lâu: “Ồ, tôi rất khoẻ mạnh và còn sống được ít nhất là 20, 30 hoặc 40 năm nữa”. Thậm chí tôi còn hy vọng sẽ sống được đến 50 năm nữa. 50 năm nữa, tôi muốn làm việc cho đến ngày cuối cùng, giây phút cuối cùng trong đời. Dù thế nào chăng nữa, cái chết cũng có thể đến rất bất ngờ. Hầu hết tất cả mọi người đều chết một cách bất ngờ, nhưng có một số người biết mình sắp chết bởi vì họ đã ngã bệnh một thời gian dài. Thực ra những người như vậy là những người rất may mắn. Những người biết trước mình sắp chết, nhiều tháng hoặc nhiều năm trước đó, họ là những người rất may mắn. Nhiều người nói với tôi: “Nếu chết, tôi muốn chết ngay lập tức, như thế sẽ không phải chịu nhiều đau đớn”. Nhưng tôi nhận ra rằng những người biết mình đang chết dần chết mòn; lúc đầu thì họ rất buồn khổ và trầm uất, nhưng về sau, nhất là đối với những người hành thiền, họ ra khỏi trạng thái trầm uất đó rất nhanh và họ hành thiền. Họ tận dụng tối đa từng giây phút, từng ngày từng giờ còn lại của đời mình. Mỗi lúc thức dậy, họ rất mừng “Tôi vẫn còn sống”. Họ tận dụng rất tốt thời gian quý báu của mình; mỗi khi họ gặp một người nào đó, họ đối xử với một tình yêu thương và quan tâm thực sự, bởi vì họ biết rằng họ chỉ còn được ở bên nhau vài ngày, hoặc vài tháng nữa thôi rồi chia tay mỗi người mỗi ngả, không bao giờ còn nhìn thấy nhau nữa.
Tại sao chúng ta lại cứ nghĩ đến những việc khiến mình cay đắng, uất ức làm gì. Tốt hơn cả là hãy nghĩ đến những điều tốt đẹp mà chúng ta có thể làm được cho nhau, những điều chúng ta đã từng làm cho nhau. Hãy đối xử với nhau với sự trân trọng, với lòng nhân hậu, thành thực và cởi mở, hãy sống thật lòng với nhau. Đó là những điều mà tôi đang cố gắng thực hiện. Tôi không biết các bạn cảm thấy thế nào, đối với tôi, trong cả một thời gian dài, rất nhiều năm trong cuộc đời, tôi cảm thấy mình đã sống không thực. Tôi chỉ đóng một vai diễn thật khéo, khéo đến nỗi tất cả mọi người đều tin vào điều đó. Nhưng bạn biết không, khi bạn còn tiếp tục vai diễn, còn đóng kịch thì bạn còn cảm thấy mình sống không thực. Bạn không cảm thấy mãn nguyện với cuộc sống của mình. Nhưng tôi muốn sống thật, tôi thực sự mong muốn tìm hiểu xem tôi muốn gì, tôi cảm thấy như thế nào, tôi là ai, tôi sẽ đi về đâu. Cái chết đến ai ngờ, làm sao chúng ta có thể điều đình được với nó? Không thể điều đình!
“Thánh nhân gọi người biết an trú chánh niệm đêm ngày như vậy là người biết cách tốt nhất để sống một mình” (Evaṃvihārim ātāpiṃ, ahorattam atanditṃ, tam ve bhaddekaratto ti. Santo ācikkhate munīti). Thánh nhân là những con người minh triết như Đức Phật hay chư vị Thánh tăng Alahán, hay bất cứ con người minh triết nào.
Đêm ngày sống với chánh niệm, nghĩa là chánh niệm đã trở thành ngôi nhà của chúng ta.
“Người biết cách tốt nhất để sống một mình”. Con đường cao thượng nghĩa là bên cạnh đó còn có những con đường khác nữa. Có rất nhiều cách sống một mình, vào rừng, dựng nên một túp lều nho nhỏ và sống một mình, không một bóng người lai vãng. Đó không phải là cách sống độc cư cao thượng; mặc dù nó cũng có ích lợi đối với một số người trong một thời gian nào đó, nhưng bạn không thể sống như vậy suốt đời. Bạn phải tiếp xúc với người khác. Ngay cả một nhà sư cũng phải tiếp xúc với những vị sư khác, với thầy mình, với dân làng và những người hộ độ cho mình.
Như vậy “người biết cách tốt nhất để sống một mình” nghĩa là gì? Hầu hết tất cả mọi người đều cảm thấy cô đơn, nhưng họ không sống một mình. Họ chỉ cảm thấy rất cô đơn, mặc dù họ không sống một mình. Bạn vẫn có thể sống một mình được mà không hề cảm thấy cô đơn.
Đó chính là điều mà một hành giả cần phải học, một điều rất ích lợi: sống một mình nhưng không hề cảm thấy cô đơn.
Đó là điều chúng ta làm. Chúng ta sống ở rừng, trong một căn lều nhỏ hầu như đơn độc, nhưng không bao giờ cảm thấy cô đơn. Ngay cả ở đây, hầu hết thời gian tôi ở một mình trong phòng. Rất ít khi tôi ra khỏi phòng. Tôi sống một mình nhưng không hề thấy cô đơn. Tôi cảm thấy có liên hệ với bên ngoài. Vậy làm thế nào để làm được điều đó? Đó là điều chúng ta cần phải học. Một người hành thiền phải học để làm được điều đó. Nghĩa là khi bạn không nghĩ ngợi quá nhiều về quá khứ hoặc tương lai, khi bạn không có tham sân, khi tâm bạn trầm tĩnh và chánh niệm, đó chính là cách tốt nhất để sống một mình...
Trích: Bản đồ hành trình tâm linh | Chương XI: Những suy nghĩ cuối cùng và chuẩn bị cho kỳ nhập thất
Nguyên tác: Sayadaw U. Jotika
Dịch giả: Sư Tâm Pháp