HIỆN TƯỢNG "THÙNG CHỨA BỊ RÒ” KHI HÀNH THIỀN

Bài giảng của Ajahn Brahm ngày 11 tháng 3, 2017 về những hiện tượng xảy ra khi hành thiền.
Hôm nay tôi nhận được nhiều câu hỏi về những kinh nghiệm gặp phải trong khi hành thiền. Chẳng hạn như cảm thấy bị kim châm, thấy người lắc lư, thấy những luồng khí dâng lên – và đủ các thứ cảm giác khác xảy đến trong khi thiền, lúc mà tâm đã bắt đầu thư thái. Tôi sẽ giải thích chuyện gì đang xẩy ra và làm sao để khắc phục chúng.
Tôi đã nhiều lần từng giảng cho các sư ở chùa Bodhinyana về chuyện này, và thường dùng một thí dụ để cho dễ hiểu, dễ nhớ. Tôi gọi hiện tượng đó là "thùng chứa bị rò” khi hành thiền. Tương tự như khi ta xách một thùng nước từ nơi này đến nơi khác, nếu thùng ấy bị rò thì nước sẽ chảy tung toé lên quần áo hay lên sàn nhà. Lẽ ra nước không tuôn ra làm ướt quần áo như thế, mà phải nằm yên trong thùng. Nhưng vì thùng bị rò nên nước mới chảy sai chỗ như vậy.
Khi hành thiền, ta theo dõi hơi thở hay bất cứ phương cách nào khác, tâm ta trở nên tĩnh lặng, ta cảm thấy một niềm an lạc, một luồng năng lực dâng lên trong người. Luồng năng lực dâng lên trong khi hành thiền là điều rất tự nhiên, một điều tốt đẹp, một điều cần phải đạt tới. Nhưng khi luồng năng lực ấy trở nên sung mãn, là việc thường xẩy ra, nếu ta vẫn còn có ý thức về cái thân thì nó sẽ đi vào thân thay vì lẽ ra nó phải ở đúng chỗ là nơi tâm thức. Thân và tâm làm nên con người mình nhưng chúng vốn là hai thực thể cá biệt. Thân được xác định bằng năm giác quan: thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác và xúc giác (nhìn, nghe, ngửi, nếm, đụng chạm). Còn tâm là cái hay biết, hoàn toàn khác biệt.
Ở đây, trong lối hành thiền này, ta để năm giác quan của ta trở nên tĩnh lặng. Đó là lý do tại sao ta nhắm mắt, ta yên lặng, ta thư giãn để cho thân dần dần dịu lại, không khua động nữa. Cho đến lúc tất cả trở nên thư thái, yên lắng; và vì yên lắng nên nó tan biến. Bộ thần kinh và các cơ năng của năm giác quan sẽ trở về trạng thái mặc nhiên của nó là tĩnh lặng, tương tự như cái máy vi tính, khi mọi thứ bất động, nó tự tắt đi, màn ảnh trống ngắt. Khi năm giác quan biến mất, tâm thức ta trổi dậy.
Nếu luồng năng lượng ấy đến và đi thẳng vào tâm ta thì hay lắm - ta đã có một buổi hành thiền tuyệt vời – với những ánh sáng thật đẹp (những tâm ảnh nimittas mà tôi vẫn thường nói đến) – và một niềm hỷ lạc vô vàn. Nhưng nếu ta vẫn còn ý thức về cái thân, nói cách khác khi niềm hỷ lạc đến mà ta vẫn còn cảm nhận đưọc cái thân, nhất là cảm nhận qua giác quan thứ năm (xúc chạm), thì luồng năng lượng ấy sẽ đi vào trong thân. Đi vào thân thì chẳng có gì là khó chịu, nhưng nó làm cho ta bị phiền nhiễu. Nguồn năng lượng này tốt nhưng không ở đúng chỗ. Nó làm ta lo ngại, làm ta đâm ra thắc mắc: Chuyện gì đang xẩy ra? Hình như là có điều gì đó không ổn, không bình thường? Và ta có thể đâm ra sợ hãi. Luồng năng lượng này tuôn chạy khắp người, nó có thể khiến ta cảm thấy như bị kim châm, có khi thấy cả thân mình lắc lư, giao động, hay bất cứ điều gì tương tự như thế thì có nghĩa là luồng năng lượng tốt, nhưng ở sai chỗ.
Hiện tượng này xẩy ra bởi vì ngay lúc bắt đầu hành thiền ta đã không để ý, không chú tâm vào việc để cho thân biến mất đi. Đó là một trong những lý do tại sao tôi thường nhấn mạnh là vào lúc bắt đầu của buổi hành thiền – những ai thường đến hành thiền ở đây hẳn biết điều ấy – là phải để cho thân mình được thư giãn, đừng vội làm gì khác, chỉ thư giãn sao cho hầu như không còn thấy chỗ nào đau hay nhức trong người nữa. Khi mọi thứ yên ổn rồi, không còn ngứa, gãi, nhúc nhích, điều chỉnh nữa thì thân ta sẽ dễ biến mất đi để chỉ còn lại cái tâm thôi.
Phương pháp thiền mà chúng ta thực tập ở đây là một khi thân đã được lo liệu xong, khi mà những phần rắc rối của thân như đau nhức, ngứa ngáy đã được giải quyết, thì tôi nhắc quý vị hãy để tâm tĩnh lặng và chỉ theo dõi hơi thở. Hơi thở là bàn đạp để ta dựa vào đó mà bước từ cái biết của năm giác quan (thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác và xúc giác -thấy, nghe, ngửi, nếm, đụng chạm) sang đến cái biết của tâm thức. Tương tự như khi băng qua một giòng nước quá rộng mà ta không thể nhẩy một bước qua được, thì ta cần phải tìm một chỗ dẵm chân ở khoảng giữa để từ đó nhẩy sang bờ bên kia đến cõi tâm thức. Ở cái phần là thế giới thông thường này thì viên gạch để dẵm chân lên chính là hơi thở, nó là cái cảm nhận vật chất duy nhất mà chúng ta tập trung vào. Đây là một trong những lý do mà ta chọn hơi thở, chú tâm vào nó.
Quý vị vẫn thường nghe tôi nói thế nào là chú tâm. Này nhé, thử nhìn vào một thí dụ rất cụ thể là một chiếc màn ảnh. Ở chính giữa màn ảnh, dù bất kỳ nó là cái gì, dù ta không có chủ ý, ta vẫn hay tự động chú tâm vào chính giữa màn ảnh. Tôi đã từng nhiều lần thử yêu cầu mọi người chú tâm nhìn vào cái mũi của tôi, chỉ để ý đến mỗi cái mũi thôi, và sau một hồi chú tâm như thế thì vị sư ngồi phía bên trái của mọi người, tức là bên tay phải của tôi, sẽ biến mất, sẽ rơi ra khỏi màn ảnh! Cái tâm của ta tự động tập trung vào cái ở giữa màn ảnh. Tôi đã thử làm cái thí nghiệm này nhiều lần. Tỷ như khi xem TV, ta chú tâm vào chính giữa màn ảnh thì những gì ở nơi viền màn ảnh và cả những gì nằm ngoài màn ảnh cũng biến mất. Vì thế, khi ta theo dõi hơi thở của mình, tập trung vào nó, đến độ nó chiếm hết cả cái màn ảnh của ý thức, thì tự nhiên là ta như không còn nghe thấy tiếng động nữa, chỉ biết là chúng ở đâu đó thật xa ngoài kia thôi. Ngay cả những cảm giác trên thân ta cũng không còn nhận biết, ta chỉ chú tâm vào hơi thở mà thôi. Một lỗi lầm to lớn, vốn đưa đến hiện tượng thùng chứa bị rò, là một số quý vị đã được hướng dẫn một cách rất lầm lẫn là theo dõi hơi thở ở đầu mũi. Thế là những vị ấy chỉ chú tâm vào cái mũi thay vì vào hơi thở. Ai làm như thế thì sẽ gặp hiện tượng thùng chứa bị rò, bởi vì người ấy không thực sự nhận biết hơi thở của mình, mà chỉ biết đến cái mũi, đến thân thể. Do vậy, một khi thiền đã bắt đầu thâm sâu thì luồng năng lượng xuất hiện, nếu vẫn còn ý thức về thân xác thì luồng năng lượng sẽ đi sai chỗ.
Vì thế xin quý vị vui lòng nhớ cho một điều là đừng quan sát đầu lỗ mũi, hay cái bụng! Hãy quan sát hơi thở. Hơi thở không phải là lỗ mũi, và lỗ mũi không phải là hơi thở. Chúng khác nhau. Để cho những ai muốn hiểu rõ hơn về điều tôi muốn nói, tôi thường hay yêu cầu họ làm thử một bài thực tập nhỏ như sau. Tôi yêu cầu họ ngồi xuống, nhắm mắt lại, và hít vào, thở ra ba lần, xong lần thứ ba thì mở mắt ra. Rất giản dị, ai cũng có thể làm được. Vậy đó, khi mở mắt ra là họ đã quan sát được ba hơi thở. Bằng cách nào ư? Tôi đâu có yêu cầu họ quan sát đầu lỗ mũi, tôi chỉ bảo họ quan sát hơi thở: vào, ra, vào, ra, vào, ra, ba lần, xong mở mắt ra. Vậy là ta biết hơi thở, đừng làm gì trái với tự nhiên. Tôi chưa hề gặp một người nào mà sau khi tôi bảo họ quan sát hơi thở, vào ra, vào ra, vào ra, ba lần, mà lại có ai để ý đến lỗ mũi. Họ không chú tâm đến chỗ ấy, mà chú tâm vào hơi thở. Một điều thật dễ dàng và giản dị, không cầu kỳ, phức tạp.
Vậy thì hãy quan sát hơi thở, không phải lỗ mũi. Và chỉ đủ để mình biết là hơi thở đang đi vào, biết là hơi thở đang đi ra (1). Điều này quan trọng ở chỗ nó giúp ta quên đi thân mình. Ta không quan sát thân mà là quan sát hơi thở. Không phải thân thể, mà là hơi thở. Hai cái ấy khác nhau. Một khi ta chỉ chú tâm theo dõi hơi thở thôi có nghĩa là ta đã buông bỏ phần lớn những cảm thọ của thân. Tất cả chỉ còn là hơi thở, không biết đến thân xác nữa. Làm như thế thật lâu. Mọi thứ sẽ trở nên tĩnh lặng, khoan khoái, cho nên không cần cố gắng mà ta có thể ở đó rất lâu một cách dễ dàng. Thiền không đòi hỏi gắng sức, mà phải tự nhiên, thoải mái, dễ dàng, đúng nghĩa của chữ thư thái. Chúng ta thiền là để giải trừ căng thẳng chứ không phải để thêm căng thẳng. Và nếu ta thiền đúng phương pháp thì đó là cách giải trừ căng thẳng rất hiệu nghiệm. Ta chỉ cần thực sự buông thả, chỉ biết hơi thở đang vào ra, và rồi hơi thở sẽ trở nên rất tuyệt vời, rất nhẹ nhàng. Không còn sự khác biệt giữa hơi thở vào và hơi thở ra, mà chỉ là một giòng luân chuyển mềm dịu, thanh thản. Nó trở nên mềm dịu, thanh thản, là vì ta đã ngồi yên lặng trong một khoảng thời gian khá lâu. Một khi bắt đầu vào sâu trong thiền định, cơ thể ta không còn cần nhiều đến dưỡng khí, các hoạt động sinh hoá chuyển dưỡng trong thân thể cũng đã giảm hẳn đi, các bộ máy trong người cũng chỉ chạy ở số không, nhẹ nhàng, êm ái, thay vì chạy ào ào sang tới số bốn. Ta thư giãn thì ta không cần nhiều dưỡng khí, vì thế ta không cần thở mạnh, mà thở ra hít vào thật nhẹ nhàng, đều đặn, không phải là như thế này… (Ajahn thở dốc thật mạnh) mà là thế này…(Ajahn thở nhẹ, êm ái, không một tiếng động). Như thế đấy, nhẹ đến mức gần như không nghe thành tiếng. Rất mềm dịu, và bởi vì nó trở nên mềm dịu và dễ dàng, hơi thở sẽ biến mất. Y hệt như khi ta không đụng chạm gì đến con chuột hay bàn gõ của máy vi tính trong mấy phút thì màn ảnh sẽ tắt đi. Năm giác quan của ta sẽ tắt đi, tan biến, thế là chỉ còn lại tâm. Đây chính là phương cách nhảy vượt từ thế giới của năm giác quan sang thế giới của tâm thức, mà viên gạch dùng làm bàn đạp chính là hơi thở.
Rồi thì luồng năng lượng sẽ hiện đến. Tại sao năng lượng lại đến? Mặc dù tôi đã nói nhiều lần, nhưng đây là cách giải thích tốt nhất : Phải hiểu là tâm chúng ta gồm có hai phần : Phần tâm thức, hay nhận biết, và phần hành sự, hay làm việc (tạo tác). Chúng ta năng hành sự quá, suy nghĩ nhiều quá, tính toán, tranh cãi nhiều quá. Quý vị biết đấy, chúng ta cứ ráng tìm cách điều khiển mọi việc – vốn là nguyên nhân của việc tranh cãi - tìm cách lèo lái chân lý sao cho phù hợp với những gì ta muốn thấy. Và dần dà ít một, chúng ta tiêu cạn hết năng lượng tinh thần bằng những phản ứng. Và vì vậy, là tu sĩ, chúng tôi thực tập không phản ứng lại, chỉ buông bỏ. Không mưu tính - nghĩa là nhìn vào tương lai, mà để mọi chuyện tự nhiên, trong hiện tại, nghĩa là thụ động – Khi ta thật sự thụ động, không làm gì hết, năng lượng bắt đầu chuyển sang phần kia của tâm nghĩa là phần tâm thức hay còn gọi là phần hay biết, tỉnh thức. Chính vì ta không làm gì hết, không phản ứng lại nên tất cả năng lượng đi vào sự tỉnh thức. Nó (sự tỉnh thức) trở nên mạnh mẽ. Năng lượng đến từ sự tĩnh lặng, tĩnh lặng phần hành sự (hay tạo tác). Không phản ứng, hoàn toàn thụ động, buông thả, không điều động (kiểm soát), hay nhớ việc này việc nọ, vì đó lại là một hoạt động khác của tâm. Chỉ hiện hữu. Chữ quan trọng ở đây là chữ chỉ: chỉ hiện hữu, không gì khác ngoài hiện hữu. Nhờ thế mà năng lượng bắt đầu đến với ta và luồng năng lượng này nhiều khi rất lớn mạnh. Nếu lúc nó đến mà ta vẫn còn nhận biết một nơi nào đó trên thân thì luồng năng lượng ấy sẽ tự động đi vào đó, tương tự như khi mạch điện bị chạm giây thì giòng điện sẽ chảy vào mạch nào ngắn nhất, dễ nhất, và thế là bạn bị mất hết.
Nhưng nếu ta đã buông bỏ thân mình như được chỉ dẫn, thì khi luồng năng lượng đến nó sẽ ở với tâm thức. Vì vậy ta sẽ nhận được những tia sáng tuyệt vời, những nimittas, chói sáng; những năng lượng rất lớn mạnh. Lúc đó ta không còn biết thân mình đang ở đâu. Mà ta cũng chẳng cần biết nó ở đâu – nó vẫn hoàn toàn bình yên mà. Ta sẽ nhận biết được cái giác quan thứ sáu, cái tâm thức. Đây là lúc mà hành thiền trở nên rất tuyệt vời. Nhưng nếu lúc ấy ta vẫn còn nghĩ ngợi đến thân xác: Chân tôi đang ở chỗ nào? Mông tôi đang thế nào? Lưng tôi đang đau ra sao? Thì luồng năng lượng ấy sẽ lại chạy vào thân ta. Hiện tượng này trong thiền của Ấn Độ giáo gọi là kundalini, là một luồng năng lượng rất tương tự. Nhưng trong Phật giáo thì năng lượng như thế là năng lượng bị đánh mất, là đi sai chỗ. Năng lượng ấy cũng rất hay, rất lý thú, rất mạnh mẽ, nhưng lại là năng lượng không ở đúng chỗ. Năng lượng ấy đúng ra phải nằm ở tâm thức. Và nếu ta giữ được nó ở với tâm bằng cách buông thả mọi sự, thì ta sẽ thấy sự tuyệt vời của thiền, thấy được những trạng thái lạ thường của tâm thức, và quan trọng nhất là ta sẽ tránh được hiện tượng thùng chứa bị rò.
Những điều tôi vừa nói nếu bây giờ chưa thì một ngày kia nó sẽ có ứng dụng cho quý vị. Nhiều người theo dõi những bài nói chuyện của tôi trên internet đã gửi cho tôi rất nhiều email hỏi về hiện tượng này, và hôm nay, cũng như là gần đây, một lần nữa lại có rất nhiều người hỏi. Tôi nhân đây trả lời rốt ráo một lần chung cho mọi người về cái hiện tượng “thùng chứa bị rò” này. 

Thiền 
Sư Ajahn Brahm 

Ghi chép & chuyển dịch: Một nhóm Phật Tử Bắc Mỹ
* Chú thích của người dịch:
(1) Kinh Quán niệm hơi thở (Anàpànasati sutta)
“ Thở vô dài, vị ấy biết: "Tôi thở vô dài". Hay thở ra dài, vị ấy biết: "Tôi thở ra dài". Hay thở vô ngắn, vị ấy biết: "Tôi thở vô ngắn". Hay thở ra ngắn, vị ấy biết: "Tôi thở ra ngắn". 

Nguồn : thuvienhoasen.org