...Vừa viết xong nhan đề “Nghĩ về ý nghĩa đạo Phật Thiền tông qua vài suy luận triết học Heidegger” tôi sực ý thức rằng: tôi đã viết một nhan đề trái nghịch lại hẳn với tinh thần đạo Zen (Thiền). Người nào từng thể nhập Thiền đạo đều thấy rõ ràng tôi đã sai lầm ngay từ nhan đề… Vì sao?
Thoạt tiên, chúng ta để ý đến động từ “nghĩ”. Chúng ta thường nói một cách rất bình tĩnh: “Tôi nghĩ rằng… tôi nghĩ về… thánh nhân kia nghĩ rằng… triết nhân kia nghĩ… đại nhân kia nghĩ… Sartre nghĩ…”. Động từ “nghĩ” là một động từ thông thường hằng ngày mọi người đều dùng một cách ung dung, tự tại và bình thản. Ta nào ngờ động từ “nghĩ” là một động từ rất nguy hiểm và rất tai hại.
Tất cả mọi động từ đều nguy hiểm và rất tai hại. “Nhảy” mà không động mới là nhảy.
Chừng nào động từ “nghĩ” không còn là một động từ phổ thông nữa thì chừng ấy những con chim mới được tha hồ tung cánh bay ngất trời xanh và chừng ấy những bãi cỏ mới tha hồ xanh mướt tươi non dưới gót chân không mang giầy của chúng ta. Mỗi khi anh nói “tôi nghĩ” thì lập tức mấy con chim bị nhốt lồng, cỏ bị khô héo, cả dòng đời cũng đứng lại, cả vũ trụ thế giới câm lặng tàn nhẫn: sương mù tinh mơ tan biến mất, hương nồng trở thành hôi thúi, tất cả tạo vật đều chết lạnh, chết khô, chết cứng. Vừa mở miệng nói: “tôi nghĩ” thì lập tức một lưỡi dao bén nhọn đã làm đâm thấu vào trái tim cuộc đời. Nói đến nghĩ là nói đến giết: tôi giết cuộc đời tôi, tôi giết cuộc đời kẻ khác, tôi giết hơi thở nhịp nhàng của vũ trụ. Người ta gọi “người thích nghĩ” là “tư tưởng gia” hoặc “triết gia”. Hãy đem xử tử tất cả mọi tư tưởng gia và triết gia, kẻ sát nhân nặng tội nhất của loài người không phải là Eichmann hay Hitler; kẻ sát nhân dễ sợ nhất của loài người là Socrate, là Hegel, là Kant, là Jean-Paul Sartre, là tất cả những người mang tên tư tưởng gia, triết gia, lý thuyết gia, phê bình gia, bình luận gia, văn gia…
“Không nghĩ” thì cũng nguy hiểm tai hại như “nghĩ”. “Phi kiến thức, phi học thức, phi tri thức…” thì cũng nguy hiểm tai hại như kiến thức, học thức, tri thức. Chỉ có điều quan trọng: làm gì thì cứ làm, cứ làm giống như cánh bay của ó rừng, bay vút lên và đáp xuống; không để lại dấu vết gì còn lại sau cánh bay.
Ôi, trí thức, kiến thức, triết thức, học thức, tri thức, văn thức. Tôi nguyền rủa Thượng đế (nếu có!) nguyền rủa vì đã ban cho tôi một trí óc. Tôi muốn trở về sống với đồng bào Thượng. Tôi thích sống giữa những con thú vật lù đù. Tôi không thích ngồi đây nghĩ vớ vẩn về Zen, về Heidegger. Tôi sinh ra đời không phải để nghĩ. Tôi sinh ra đời để mà rong chơi, để mà không làm việc gì hết, để mà ngó nhìn bãi cỏ xanh ở Đà lạt hay nhìn những con kiến rượt nhau hay làm bạn với những người điên khùng hoặc lang thang suốt đêm trên những con đường phố sương mù hoặc ngồi mơ màng dưới gốc cây thông bên hồ Đà Lạt hoặc ngủ li bì suốt ngày để thức suốt đêm lim dim lắng nghe những tiếng hát vi vu ở giữa Sài Gòn.
Không thể nào nghĩ về đạo Zen. Thay vì nghĩ về Zen, anh cứ đi phất phơ ra ngoài bến tận Sài Gòn vào lúc tối khuya và cứ ngồi suốt đêm như con sông đen đen; rồi lúc ấy nếu anh có chán đời thì cứ nhảy xuống đi, chứ đừng than thở lôi thôi, còn nếu không dám nhảy xuống thì ngồi đó mà cười ầm lên cho vang động cả đường phố, cho vang động cả dòng sông, cho vang động cả nỗi buồn mênh mông của tuổi trẻ chúng mình. Rồi về nhà, anh cứ xem hết những quyển sách triết học và chạy đi tìm những bức tranh của Chagall để đem treo về bàn thờ. Đừng nghĩ về Zen, Zen để sống, chứ không phải để nghĩ.
“Sống” đã là “nghĩ” rồi. Một người thực sự sống thì không bao giờ bận tâm đến đời sống.
Động từ “nghĩ” hoàn toàn phản nghịch lại linh hồn đạo Zen.
“Linh hồn” đã phản nghịch lại Zen rồi. Nhưng chính sự phản nghịch thì đã phản nghịch nữa rồi. Không chống đối, không có sự phản nghịch nào, đó là Zen! Song nếu có chống đối, có phản nghịch thì đừng biến sự chống đối, sự phản nghịch trở thành vấn đề ám ảnh. Không có bóng ma nào ám ảnh mình, đó là Zen! Zen có nghĩa là “không sợ ma” trong mọi ý nghĩa.
Một môn đệ hỏi thiền sư Triệu Châu về đạo lý Zen. Thiền sư trả lời: “Chú ăn điểm tâm chưa?”; môn đệ ấy đáp: “Vâng, bạch thầy, con đã dùng điểm tâm rồi”. Thiền sư lại nói: “Vậy thì chú hãy lau đĩa đi”. Thiền sư vừa nói xong thì lập tức môn đệ thể nhập vào giác ngộ; môn đệ ấy đã sai lầm vì muốn nghĩ về Zen: thiền sư bèn nhắc đến những việc tầm thường hằng ngày, “nghĩ” là một hành động nguy hiểm đến tính mạng đời sống mỗi người [4] .
Sự nguy hiểm cũng cần thiết. Chỉ có một điều duy nhất đáng sợ, đó là đánh mất nỗi nguy hiểm trong đời sống. Cuộc đời càng lớn mạnh thì nỗi nguy hiểm càng hấp dẫn thêm lên.
Còn chữ “về” cũng thế: nói “về” là nói “về” một cái gì, một vật gì hay một người gì, nghĩa là ám chỉ có một người nghĩ và một vật bị nghĩ, tức là phân ra thành chủ thể và khách thể, tách biệt rời ra làm hai. Chủ thể đứng chống lại khách thể; người nghĩ đứng chống lại vật bị nghĩ; người biết đứng chống lại kẻ bị biết [5] . Chữ “về” cắt hai, chia đôi thực tại. Như thế hoàn toàn phản nghịch lại Zen.
Nói đến danh từ “ý nghĩa” lập tức người ta nghĩ đến cái đối nghịch với nó là “vô nghĩa” bởi vì nếu “ý nghĩa” không có “vô ý nghĩa” đối lại thì “ý nghĩa” không thể có ý nghĩa được.
“A” không thể là “A” được, nếu nó không đứng đối lại với cái không phải “A” nghĩa là cần phải có “không A” để làm ra “A”.
“A” có nghĩa là “không A” ở trong “A”. Khi “A” muốn là “A” thì nó ra ngoài “A” nghĩa là “không A”. Nếu “A” không chứa đựng bên trong cái không phải là nó thì “không A” không thể nào ra ngoài “A” để làm “A” ra là “A” [6] .
Thực ra “lý luận” này cũng kẹt vào “nguyên lý đồng nhất” (principe d’ identité). D. T. Suzuki vẫn còn lý luận ấu trĩ, tô son phấn rẻ tiền vào “bản lai diện mục” của Thiền tông. Nietzsche có thể không biết gì về Thiền tông và Nietzsche lại xứng đáng là một thiền sư hơn bất cứ thiền sư nào khác (Nietzsche có thể đứng ngang hàng với Bồ-Đề-Đạt-Ma và Lâm-Tế.)
“Ý nghĩa” không thể là “ý nghĩa” được nếu “ý nghĩa” không đứng chống đối lại với cái gì không phải là “ý nghĩa”; cần phải có “vô ý nghĩa” để làm ra “ý nghĩa”; “ý nghĩa” có nghĩa là “vô ý nghĩa” ở trong ý nghĩa. Khi “ý nghĩa” muốn có nghĩa thì nó đã ra ngoài ý nghĩa, nghĩa là “vô ý nghĩa”. Nếu “ý nghĩa” không chứa đựng bên trong cái không phải là nó thì “không ý nghĩa” không thể nào ra ngoài “ý nghĩa” để làm ra “ý nghĩa” trở thành có ý nghĩa.
“Ý nghĩa” có ý nghĩa được là nhờ sự trái ngược đối nghịch. Tính chất đối nghịch là một tính chất hoàn toàn trái phản lại tinh thần đạo Zen (hay tinh thần Phật giáo nói chung).
“Nghĩ về ý nghĩa đạo Phật Thiền qua vài suy luận của triết học Heidegger…” Viết nhan đề như vậy, tôi muốn nói gì? Như tôi đã nói trên, “nghĩ về ý nghĩa của đạo Thiền…” đã là một từ ngữ phản lại tinh thần Zen, thế mà tôi lại không nghĩ thẳng mà lại còn nghĩ qua, như thế còn sai phản lại tinh thần Zen hơn nữa! Tôi muốn nghĩ về Zen mà thay gì nghĩ thẳng về Zen, tôi lại suy luận theo điệu Heidegger. Heidegger không có viết gì về Zen, nhưng lúc đó tôi nghĩ về Zen, tôi đã nhớ đến Heidegger và tôi mượn vài suy luận triết lý Heidegger để soi rọi thêm vài ý nghĩ của tôi về Zen nghĩa là tôi đã “nghĩ qua…”, tức là đã có sự trung gian.
“Trung gian” lại chính là ý niệm quan trọng nhất trong hệ thống của Hegel. Ít nhất cũng có người đã viết một luận án Tiến sĩ gần 400 trang về ý niệm “trung gian trong triết học Hegel” (De la Médiation dans la philosophie de Hegel của Henri Niel, Aubier, Paris, 1945)
Mà bất cứ sự trung gian nào cũng hoàn toàn phản nghịch lại tinh thần Zen. Đối với Zen, tuyệt đối không có trung gian nào hết [7] . Zen là kinh nghiệm riêng lẻ của từng người một; mỗi người cứ tự mình đến thẳng trực tiếp với Zen; mỗi người hoàn toàn cô đơn tuyệt đối trên đường đi của mình, không bạn, không thầy, không gia đình, không quá khứ, không truyền thống, không hành lý, không trung gian gì hết. Cứ đi thẳng và mặt đối mặt với Zen, đừng đi qua bất cứ một trung gian nào. Dù trung gian đó là đức Phật !
Tôi đã trót viết nhan đề sai phản lại tinh thần Zen; vậy có thể bỏ và thay thế lại một nhan đề khác? Không thể được, tôi đã vô ý viết một nhan đề như trên mà nếu bây giờ tôi xoá bỏ, sửa lại thì hành động này cũng phản lại tinh thần Zen! Vì sao? Vì tôi đã nghĩ, tôi đã cố ý không tự nhiên.
Cố ý và không tự nhiên là thái độ hoàn toàn phản lại tinh tuý Zen.
Cố ý và không tự nhiên là thái độ hoàn toàn phản lại tinh tuý Zen.
Nếu đã “cố ý” thì cứ “cố ý”! Hơi đâu mà lý sự quanh quẩn, hơi đâu mà lo sợ. Tai nạn lớn nhất của con người là “cái vòng lẩn quẩn” (le cercle vicieux); ai cũng sợ kẹt vào “vòng lẩn quẩn”! Cứ nhảy vào vòng lẩn quẩn, cứ để cho kẹt vào vòng lẩn quẩn: Giải thoát là ở sự cuốn xoáy vào trong vòng lẩn quẩn này!
3.
Đạo Phật Zen là gì?
Một môn đệ hỏi thiền sư một câu hỏi quan trọng như trên thì thiền sư ấy liền bước xuống ghế rồi tát tai môn đệ (cf, D. T. Suzuki, “Pracrical Methods of Zen Instruction” trong Zen Buddhism, tr. 132).
Nếu tôi là môn đệ ấy thì tôi vừa hỏi vừa tát tai trước! Phải tát tai thiền sư trước khi hỏi ông ta!
CON ĐƯỜNG GIẢI THOÁT LÀ CON ĐƯỜNG NÀO?
Một thiền sư hỏi một con chó: “Mi có muốn biết con đường đi đến giác ngộ hay không?” rồi thiền sư đưa chân đá con chó; chó sủa ầm lên (cf, D. T. Suzuki, l’ Essence du Bouddhisme, tr. 99)
Tại sao thiền sư không sủa với chó mà lại hỏi nó? Thực ra tôi biết rồi: hỏi có nghĩa là sủa! Một người hỏi một câu hỏi về đạo lý thì giống như một con chó sủa đêm.
TINH TÚY ZEN LÀ GÌ?
Một môn đệ hỏi thầy như thế và thầy trả lời: “Cứ hỏi cột trụ nầy”. Một môn đệ sửng sốt: “Bạch thầy, không hiểu thầy muốn nói gì…” Thầy trả lời: “Sự ngu dốt của thầy còn hơn sự ngu dốt của con” (cf, Pierre Pégon, “Questions et Résponses dans le Bouddhisme Zen” trong Présence du Bouddhisme, tr. 735).
Thiền sư Nietzsene: “Chúng tôi là những kẻ biết mà lại không biết về chính bản tính của chúng tôi”. (Wir sind uns unbekannt, wir Erkennenden, wir seibst uns seibst). Vì lý do rất hay ho này: “Chúng tôi không bao giờ tìm kiếm chính chúng tôi thì làm thế nào chúng tôi có thể mong gặp thấy chính chúng tôi”. (Wir haben nie nach uns gesuchi-wie sollte es geschehn, das wir eines Tages faenden?).
Có tìm thì mới thấy. Giác ngộ có nghĩa là không tìm không thấy.
ĐƯỜNG LỐI ĐI VÀO CHÂN LÝ LÀ ĐƯỜNG LỐI NÀO?
Một môn đệ hỏi thầy như thế và thầy trả lời: “Con có nghe tiếng suối reo hay không?”. Môn đệ trả lời: “Vâng, con có nghe”. Thầy đáp lại: “Đó là đường lối đi vào chân lý”.
Ý NGHĨA ĐẠO ZEN LÀ GÌ?
Một thiền sư thuyết giảng như sau:
Khi người ta hỏi thầy về ý nghĩa đạo Zen. Thầy sẽ trả lời rằng Zen giống như nghệ thuật ăn trộm. Một đứa con trai của một kẻ ăn trộm thấy rằng cha đã già yếu, hắn mới tự nhủ: “Nếu cha mình quá già yếu, và không thể làm nghề trộm nữa thì ai sẽ lo kiếm tiền để nuôi gia đình? Chỉ còn mình thôi. Vậy mình phải học nghề cha”. Hắn mới tỏ bày cùng cha và cha hắn đồng ý. Một đêm, cha dẫn con lẻn vào một ngôi nhà giàu, đào ngõ vào nhà, mở một thùng đồ to lớn và bảo con vào thì nắp thùng liền đậy lại và khoá lại. Lúc ấy, người cha đã đi ra ngoài sân và cố ý làm ầm lên, khiến cả gia đình nhà ấy đều thức dậy và người cha lẻn trốn đi mất. Những người ở gia đình lao xao đốt đèn tìm kiếm kẻ trộm nhưng chẳng gặp gì hết. Còn đứa con trai kia, lúc bị khoá nhốt trong thùng, không thể nào trốn thoát được, hắn nguyền rủa thù ghét người cha tàn nhẫn. Một lúc sau, bỗng nhiên hắn vụt sáng ý lên; hắn làm sột soạt như tiếng chuột gặm đồ. Người đầy tớ bưng đèn đến mở thùng ra xem. Hắn tung dậy, thổi đèn tắt, xô người đầy tớ, rồi chạy trốn thoát. Người nhà đuổi theo. Nhìn thấy một giếng nước bên đường, hắn khiêng một hòn đá và quẳng xuống nước. Những người nhà lại đổ xô bên giếng và lúc ấy, hắn chạy thoát về nhà. Hắn cằn nhằn với cha và người cha trả lời: “Đừng bực bội con ạ, hãy kể cho cha nghe con trốn thoát bằng cách nào?…” Lúc đứa con kể xong đầu đuôi, người cha liền nói: “Được rồi đấy, thế là con đã học được nghệ thuật ăn trộm!”.
PHẬT LÀ GÌ?
Một môn đệ hỏi thầy một câu hỏi nghiêm trọng như trên. Thầy trả lời: “Con mèo trèo cây cột”. Môn đệ lại hỏi: “Bạch thầy. Phật là gì?”. Thầy trả lời: “Con cứ hỏi cây cột” (cf, Truyền đăng lục, Fasc. XIV)
BÍ MẬT TỐI THƯỢNG CỦA ZEN LÀ GÌ?
Khi một nhà học giả đạo Khổng đến thăm một thiền sư, nhà học giả ấy hỏi: “Bí mật tối thượng của Zen là gì?”, thiền sư trả lời: “Zen chẳng có bí mật gì để giấu ngài”. Nhà học giả lúng túng: “Bạch thầy, tôi không hiểu gì hết”. Sau đó, hai người bước đi dọc theo đường núi. Lúc bấy giờ cây nguyệt quế đang trổ hoa thơm ngát. Thiền sư liền hỏi: “Ngài có ngửi được mùi thơm của cây đơm hoa?”. Nhà học giả trả lời: “Vâng, tôi đã ngửi được”. Thiền sư đáp lại: “Đấy, đấy, tôi chẳng có gì bí mật để giấu ngài”.
TINH TÚY TỐI THƯỢNG CỦA ZEN LÀ GÌ?
Một lần kia, thiền sư đứng lên giảng đường để thuyết pháp và nói: “Tinh túy tối thượng của đạo Zen là gì?” vừa đặt lên câu hỏi thì dang hai tay ra và chẳng nói gì cả, rồi thiền sư bước xuống giảng đường. Như thế là: bài thuyết pháp đã xong!
LÀM THẾ NÀO ĐỂ ĐẠT ĐẾN PHẬT TÍNH?
Một thiền sư dạy môn đệ như vầy: “Không cần phải cố gắng chịu khó nhọc nhằn mới đạt đến Phật tính. Các con cứ tiếp tục làm những việc thông thường khiêm tốn như đi tiêu, đi tiểu, mặc quần áo, ăn cơm và nằm khi mệt mỏi. Người phúc hậu giản dị sẽ cười các con, những kẻ thánh hiền sẽ hiểu các con.( Fong Yeou Lan, Précis d’Histoire de la Philosophie chinoise, tr.268)
PHẢI KÍNH TRỌNG ĐỨC PHẬT NHƯ THẾ NÀO?
Một thiền sư bước vào một ngôi chùa và phun nước miếng vào tượng Phật và lúc người ta trách vấn thầy, thầy trả lời: “Xin vui lòng chỉ chỗ cho tôi để tôi khạc nhổ, xin chỉ chỗ nào không có Phật đấy” (cf. HG.Creel, Chinese Thought from Confucius to Mao-Tse-Tung, tr. 164).
ĐỨC PHẬT LÀ AI?
Một thiền sư nói như sau: “Kẻ thánh hiền không đi tìm Phật. Phật là kẻ sát nhân vĩ đại đã quyến rũ rất nhiều người xuống hố của quỉ đĩ”. “Chính tôi cũng chẳng biết gì về Zen. Tôi không phải là thầy. Tôi chẳng biết gì hết. Tôi chỉ là một thằng già ăn mày, ăn xin và mỗi ngày đi ỉa. Tôi phải làm gì bây giờ?… Chẳng có gì để làm cả”. (cf. Hu Shih, “Development of Zen Buddhism” in Chinese Social and Political Science Review XV, Bắc Kinh, 1031-32, tr. 502)
PHẢI ĐỐI VỚI ĐỨC PHẬT NHƯ THẾ NÀO?
Với tinh thần phá chấp toàn diện, một thiền sư trả lời: “Hãy giết Phật đi, hãy giết Phật đi” (cf. Introduction, Sermon sur le Bouddhisme Zen trong Presence de Bouddhisme, France-Asie, tr. 338).
CÓ NÊN SÁT SANH KHÔNG?
Với tinh thần phá chấp triệt để, đôi khi những thiền sư đốt tượng Phật, giết mèo, bắt tôm, bắt cá (cf. Ed Conze, Le Bouddhisme dans son essence et son dévelopement, tr. 201).
4.
Những nhà văn nổi tiếng nhất hiện nay ở Mỹ là J. D. Salinger và nhóm “Beat Generation” gồm có Jack Kerouac, Lawrence Ferlinghetti, Allen Ginsberg, Gregory Corso v. v.)
Nhóm “Beat Generation” đều là môn đệ của đạo Zen, và J.D. Salinger cũng là môn đệ của đạo Phật Zen, người ta nói rằng J.D. Salinger “hăng hái say mê nghiên cứu Zen” (cf. Time, sept. 15, 1961).
Có người gặp Heidegger đang đọc sách về Zen (do D.T. Suzuki viết) và ông tổ của triết lý hiện sinh hăng hái nói: “Đây là những gì tôi đã cố gắng nói trong tất cả những tác phẩm của tôi” (cf. William Barrett, “Zen for the West” trong Zen Buddhism, Doubleday Anchor Books, tr. XI).
C. G. Jung và Karen Horney cũng say mê nghiên cứu Zen. Trước khi chết, Karen Horney đã viếng thăm Nhật Bản để nghiên cứu trực tiếp sinh hoạt Zen. C. G. Jung đặc biệt lưu ý đến những viễn tượng tâm lý của Zen và kêu gọi Tây – phương phải quan tâm đến Zen. (cf. C. G. Jung, “le Zen et l’ Occident” trong L’ Essence du Bouddhisme, tr. 17 – 49).
Đạo Phật Zen đã hấp dẫn lôi cuốn những người lãnh đạo những phong trào trí thức tiền phong của Âu Mỹ như Salinger, Heidegger và C. G. Jung. Chưa bao giờ Đông phương quyến rũ Tây phương lạ lùng như vậy. Sự kiện này khiến cho ta thắc mắc tự hỏi: Zen đã chứa đựng ý nghĩa gì mà có thể giáo hoá thoả mãn được những đòi hỏi mãnh liệt của bậc thức giả tiến bộ nhất ở Tây phương?
Ý nghĩa của đạo Phật Zen là gì?
Tôi có thể trả lời rất dễ dàng, rất nhanh chóng, không hề lúng túng: đạo Phật Zen chẳng có ý nghĩa gì cả. Tại sao? Bởi vì còn ý nghĩa là còn nằm trong vòng nhị nguyên đối đãi: “ý nghĩa” đối nghịch với “vô ý nghĩa”, như thế hãy còn bị ràng buộc trong danh từ, trong tiến trình biểu tượng (processus symbolique), do đó:
- Đạo Phật Zen chống thuyết nhân bản, bởi vì thuyết nhân bản vẫn chỉ là sắc thái của ý thức phân biệt;
- Đạo Phật Zen chống luận lý học, bởi vì luận lý học còn lệ thuộc vào lãnh vực ngôn ngữ;
- Đạo Phật Zen chống lại những giá trị, bởi những giá trị chỉ là những đánh giá thực tại;
- Đạo Phật Zen nhận rằng con người chỉ có thể giải thoát nơi cuộc đời này, nơi một trần gian duy nhất (là trần gian này); nơi theo danh từ triết học của Heidegger thì ta gọi thần thể tính (Weltlichkeit) của nhân tính (Menschsein) phủ nhận thế giới “bên kia” (Jenseits) và chỉ nhận “bên này” (Diesseits);
- Đạo Phật Zen không tôn thờ đức Phật như là giá trị tối thượng, bởi vì tôn thờ đức Phật là một giá trị thì đức Phật sẽ trở thành đối tượng cho sự đánh giá của con người (nói như Heidegger là: “Gegenstand für die Schätzung des Menschen”);
- Đạo Phật Zen chống lại những gì mà nhân loại tôn sùng thờ phụng như là thiêng liêng quí báu.
Tại sao tôi có những nhận xét trên? Đọc lại những lời đối đáp trên giữa thầy trò Zen thì tất nhiên ta phải đi đến những nhận thức trên.
Tôi thấy những nhận thức trên chẳng những nói về đạo Phật Zen mà còn có thể dùng để nói về triết học thể tính của Heidegger, triết lý Heidegger có nhiều điểm khác đạo Phật Zen; nhưng mỗi khi ta đọc Heidegger, ta sẽ nhớ đến đạo Phật Zen. Ít nhứt là vài ba quan kiến nào đó, như quan kiến về Ngôn Ngữ, về Bản Tính, về Chân Lý, vân vân.
Về những nét chung của đạo Phật Zen, tôi đã cố gắng đưa ra những nhận xét sơ lược trên và đi từ những nhận xét ấy, tôi sẽ tha thiết “bênh vực” đạo Phật Zen. (Thực ra Zen đâu cần “bênh vực”). Tôi phải nói trước rằng tôi không phải là một kẻ giỏi lý luận và không phải là một kẻ đem lý trí của mình để phân tích một tôn giáo cao siêu. Khi viết về đạo Phật Zen, tôi chỉ muốn ghi lại cảm giác rất chủ quan của riêng tôi, của một kẻ vui mừng run run tìm được lương thực tinh khiết cho tâm hồn bải hoải của mình. Đạo Phật Zen đã hé mở cho tôi thấy những chân trời bát ngát mênh mông; mỗi lần đi vào tinh thần Zen là mỗi lần tinh thần tôi được đưa lên cao, mọi tuyệt vọng tan biến, thần kinh hết căng thẳng, hơi thở nhịp nhàng khoan khoái, tôi cảm thấy sung sướng hạnh phúc lắm và những nỗi cay đắng nhọc nhằn của đời sống dường như vơi hẳn đi.
***
Đạo Phật Zen giải thoát con người ta khỏi mọi ràng buộc ở mọi phương diện và đưa con người đến tự do tuyệt đối, tôn sùng những gì thiêng liêng quí báu là tự ràng buộc mình vào vòng nô lệ; những thiền sư đều xem nhẹ truyền thống và chẳng bao giờ nô lệ những kinh điển: họ chẳng bao giờ trọng những kinh Phật như là những quyển sách thiêng liêng quí báu.
Tinh túy của đạo Phật Zen có thể thu gọn vào bốn câu sau đây:
Ở ngoài kinh điển xa lìa truyền thống
Không dựa vào những tiếng và những chữ
Nhìn vào bản chất và đạt đến Phật tính
Chỉ thẳng vào tâm thức con người.
Không dựa vào những tiếng và những chữ
Nhìn vào bản chất và đạt đến Phật tính
Chỉ thẳng vào tâm thức con người.
Những câu trên là những nguyên tắc của đạo Phật Zen và cắt nghĩa sự khác nhau giữa Zen và những tông phái Phật giáo khác.
[1]Heidegger, Was ist Metaphysik (Frankfurt am Main; Verlag G. Schmete Bulme, 1931)
[2] Heidegger, “Wom Wesen des Grundes” (Jahrbuch für Philosophie und Phänologische Forschung, Ergänzungsband, Halle, Niemeyer 1929).
[3] Xem Heidegger, “The Essence of Truth”, bản dịch Anh trong quyển Existence and Being do Werner Brock giới thiệu và trình bày trong (trang 143-83) (Vision Press, London 1949).
Trong thiên cảo luận “The Essence of Truth”, chúng ta thấy Heidegger định nghĩa “chân lý” theo nghĩa Hy lạp là Aletheia (sự lột màn) chứ không phải theo nghĩa thông thường La tinh là Veritas (chân lý theo nghĩa Veritas có nghĩa là xứng hợp tương ứng giữa vật và trí, rei và intellectus).
Quan niệm Chân lý của Heidegger là lột trần màn để cho xuất hiện chân tính (Sein); nếu đem so sánh với tư tưởng Phật giáo thì sự lột màn Vô minh để cho xuất hiện Chân tính, tức là Phật tính.
[4]D.T. Suzuki, “Satori, or Enlightenment” trong Zen Buddhism, Doubleday, N.Y. 1956, tr. 91
[5]D.T. Suzuki, Buddhist Philosophy and its effects on the life and thought of the Japanese people, Kokusai, Bunka Shinkikai, 1963, tr. 4.
[6]Cf. D.T. Suzuki, “Existentialism, Pragmatism and Zen” trong Zen Buddhism, Doubleday, N.Y. 1959, 269.
[7]Cf. D.T. Suzuki, Essais sur le Bouddhisme Zen, Albin Michel, 1949-1943, tr. 21.
[8]Martin Heidegger, Lettre sur l’humanisme, editions Montaigne Paris, 1957
[9]So sánh nguyên tác: Man ist so erfüllt von “Logik” dass alles sogleich als verwerfliches Gegenteil verrechnet wird, was der gewohnten Schläfrigkeit des Meinens zuwider ist. Man wirft alles, was nicht bei dem bekannten und beliebten Postiven stehen bleibt, in die zuvor angelegte Grube der blossen Negation, die alles verneint, dadurch im Nichts endet und so den Nihilismus vollendet. Man lässt auf diesem logischen Weg alles in einem Nihilimus untergehen, den man sich mit Hilfe de Logik erfunden hat.
[10]So sánh với nguyên tác: Aber weist denn das “Gegen” da sein Denken gegenüber dem gewöhnlich Gemeinten vorbringt, notwendig in die blosse Negation und in das Negative? Das geschieht nur dann und dann allerdings unvermeidlich und endgültig, das heisst ohne einen freien Ausblick auf anderes und von diesem her über den Bezirk der möglichen Entgegensetzungen zu ihm absolut und zugleich negativ entscheidet. In solchem Verfahren verbirgt sich die Weigerung, das vorgemeinte “Positive” samt der Position und der Opposition, in die es sich gerettet glaubt einer Besinnung auszusetzen. Man erweckt mit der ständigen Berufung auf das Denken ein, während man dem Denken abgeschworen hat.
[2] Heidegger, “Wom Wesen des Grundes” (Jahrbuch für Philosophie und Phänologische Forschung, Ergänzungsband, Halle, Niemeyer 1929).
[3] Xem Heidegger, “The Essence of Truth”, bản dịch Anh trong quyển Existence and Being do Werner Brock giới thiệu và trình bày trong (trang 143-83) (Vision Press, London 1949).
Trong thiên cảo luận “The Essence of Truth”, chúng ta thấy Heidegger định nghĩa “chân lý” theo nghĩa Hy lạp là Aletheia (sự lột màn) chứ không phải theo nghĩa thông thường La tinh là Veritas (chân lý theo nghĩa Veritas có nghĩa là xứng hợp tương ứng giữa vật và trí, rei và intellectus).
Quan niệm Chân lý của Heidegger là lột trần màn để cho xuất hiện chân tính (Sein); nếu đem so sánh với tư tưởng Phật giáo thì sự lột màn Vô minh để cho xuất hiện Chân tính, tức là Phật tính.
[4]D.T. Suzuki, “Satori, or Enlightenment” trong Zen Buddhism, Doubleday, N.Y. 1956, tr. 91
[5]D.T. Suzuki, Buddhist Philosophy and its effects on the life and thought of the Japanese people, Kokusai, Bunka Shinkikai, 1963, tr. 4.
[6]Cf. D.T. Suzuki, “Existentialism, Pragmatism and Zen” trong Zen Buddhism, Doubleday, N.Y. 1959, 269.
[7]Cf. D.T. Suzuki, Essais sur le Bouddhisme Zen, Albin Michel, 1949-1943, tr. 21.
[8]Martin Heidegger, Lettre sur l’humanisme, editions Montaigne Paris, 1957
[9]So sánh nguyên tác: Man ist so erfüllt von “Logik” dass alles sogleich als verwerfliches Gegenteil verrechnet wird, was der gewohnten Schläfrigkeit des Meinens zuwider ist. Man wirft alles, was nicht bei dem bekannten und beliebten Postiven stehen bleibt, in die zuvor angelegte Grube der blossen Negation, die alles verneint, dadurch im Nichts endet und so den Nihilismus vollendet. Man lässt auf diesem logischen Weg alles in einem Nihilimus untergehen, den man sich mit Hilfe de Logik erfunden hat.
[10]So sánh với nguyên tác: Aber weist denn das “Gegen” da sein Denken gegenüber dem gewöhnlich Gemeinten vorbringt, notwendig in die blosse Negation und in das Negative? Das geschieht nur dann und dann allerdings unvermeidlich und endgültig, das heisst ohne einen freien Ausblick auf anderes und von diesem her über den Bezirk der möglichen Entgegensetzungen zu ihm absolut und zugleich negativ entscheidet. In solchem Verfahren verbirgt sich die Weigerung, das vorgemeinte “Positive” samt der Position und der Opposition, in die es sich gerettet glaubt einer Besinnung auszusetzen. Man erweckt mit der ständigen Berufung auf das Denken ein, während man dem Denken abgeschworen hat.
Trích: Chương ba "Ý thức mới trong văn nghệ và triết học"
Nguồn: Phạm Công Thiện, Ý thức mới trong văn nghệ và triết học (Luận về ý thức mới sau mười năm lang bạt), tái bản lần thứ tư, NXB An Tiêm, Sài Gòn, 1970. Bản điện tử do talawas thực hiện. Bản đăng trên talawas với sự đồng ý của tác giả.