BẤT NHỊ - SỐNG LÀ CHỈ SỐNG VẬY THÔI

BẤT NHỊ

Chúng ta nói sự thực hành của chúng ta không nên có ý niệm đắc, không có mong mỏi, thậm chí ước mong giác ngộ. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa chỉ ngồi không có mục tiêu nào cả. Sự thực hành thoát khỏi ý niệm đắc này căn cứ trên kinh bát nhã Ba-la-mật-đa. Tuy nhiên, nếu bạn không cẩn thận, thì chính bản thân kinh sẽ cho bạn một ý niệm đắc. Kinh nói, “sắc là Không và Không là sắc”. Nhưng nếu bạn bám vào câu ấy, bạn đã đi vào ý niệm nhị nguyên: đây là bạn, sắc, và đây là Không, cái bạn đang cố gắng chứng ngộ qua sắc cả bạn. Thế nên, “sắc là Không, và Không là sắc” thì vẫn nhị nguyên. Nhưng may thay, giáo lý của chúng ta nói tiếp, “sắc là sắc và Không là Không”. Ở đây không có nhị nguyên.


Khi bạn thấy khó dừng tâm mình khi ngồi và khi bạn còn cố gắng dừng tâm, đây là giai đoạn “sắc là Không và Không là sắc”. Nhưng khi bạn thực hành trong cách nhị nguyên này, bạn càng ngày càng làm một với mục đích của bạn. Và khi sự thực hành của bạn trở thành không cố gắng, bạn có thể dừng tâm bạn. Đây là giai đoạn “sắc là sắc và Không là Không”.
Dừng tâm bạn không có nghĩa là dừng những hoạt động của tâm. Nó có nghĩa là tâm bạn thấm khắp toàn thân bạn. Tâm bạn theo hơi thở của bạn. Với tâm trọn vẹn, bạn ngồi với chân đau mà không bị nhiễu loạn. Đây là ngồi mà không có ý niệm đắc. Ban đầu bạn cảm thấy một bó buộc nào đó trong tư thế của bạn, nhưng khi bạn không bị bó buộc đó là phiền nhiễu, bạn sẽ tìm thấy nghĩa “Không là Không và sắc là sắc”. Thế nên, tìm ra lối riêng của mình dưới ảnh hưởng của bó buộc là đường lối thực hành.
Thực hành không có nghĩa bất cứ điều gì bạn làm, thậm chí nằm xuống đều là ngồi thiền. Khi những bó buộc không hạn chế bạn, đây là cái chúng ta gọi là thực hành. Khi bạn nói, “Bất cứ cái gì tôi làm đều là Phật tánh, thế nên tôi làm gì thì không quan trọng, và cũng không cần thực hành ngồi thiền”, đó là một hiểu nhị nguyên về cuộc sống hàng ngày của bạn. Nếu thực sự không hề gì, thì bạn đã không cần nói điều đó. Chừng nào bạn còn quan tâm bạn làm gì, đó là nhị nguyên. Khi bạn ngồi, bạn sẽ ngồi. Khi bạn ăn, bạn sẽ ăn. Chỉ thế thôi. Còn nếu bạn nói, “Nó chẳng quan trọng”, thì có nghĩa là bạn đang bào chữa để làm việc gì đó theo lối riêng với cái tâm nhỏ hẹp của bạn. Thế nghĩa là bạn đang dính mắc vào một sự việc hay một cách làm đặc biệt nào đó. Đấy không phải là ý nghĩa của điều chúng ta nói, “Chỉ ngồi là đủ”, hay “Bất cứ gì bạn làm đều là ngồi thiền”. Dĩ nhiên bất cứ gì chúng ta làm đều là ngồi thiền, nhưng nếu như vậy, cần gì phải nói.
Khi bạn ngồi, bạn chỉ ngồi mà không bị quấy nhiễu bởi chân đau hay buồn ngủ. Đó là ngồi thiền. Nhưng ban đầu rất khó chấp nhận những sự việc như chúng là. Bạn sẽ khó chịu do cảm giác bạn có khi thực hành. Khi bạn có thể làm mọi sự, dù tốt hay xấu, mà không có phiền nhiễu hay khó chịu, đó thực sự là điều chúng ta hiểu khi nói, “sắc là sắc và Không là Không”
Khi bạn chịu đựng một bệnh tật như ung thư, và bạn biết không thể sống hơn hai hay ba năm nữa, bấy giờ tìm kiếm cái gì để nương tựa, bạn có thể bắt đầu thực hành. Một người có thể nương dựa vào sự cứu giúp của Thượng đế. Người khác có thể bắt đầu ngồi thiền. Sự thực hành của anh ta sẽ tập trung vào sự thấu đạt tánh Không của tâm. Điều này có nghĩa là anh ta cố gắng thoát khỏi sự khổ đau của nhị nguyên. Đây là sự thực hành “sắc là Không và Không là sắc”. Bởi vì chân lý tánh Không, anh muốn có thực chứng nó trong đời anh ta. Nếu anh ta thực hành theo cách này, tin và nỗ lực, thì dĩ nhiên nó sẽ giúp anh, nhưng nó không phải là thực hành hoàn hảo.
Biết rằng cuộc đời ngắn ngủi, hưởng thụ nó mỗi ngày, khoảnh khắc này sang khoảnh khắc khác, là đời sống của “sắc là sắc và Không là Không”. Khi đức Phật đến, bạn sẽ đón chào Ngài; khi ma đến, bạn sẽ đón chào nó. Thiền sư Trung Hoa nổi tiếng Mã Tổ nói, “Ngày thấy Phật, tháng thấy Phật”. Khi ngài bệnh, có người hỏi, “Ngài khoẻ không?” và ngài trả lời, “Ngày thấy Phật, tháng thấy Phật”. Đó là đời sống của “sắc là sắc và không Không là Không”. Không có vấn đề gì cả. Một năm ở đời là tốt. Một trăm năm ở đời là tốt. Nếu bạn tiếp tục sự thực hành của bạn, bạn sẽ đạt đến giai đoạn này.
Ban đầu bạn sẽ có nhiều vấn đề, và bạn cần nỗ lực để tiếp tục thực hành. Với người bắt đầu, thực hành mà không có cố gắng là thực hành không thực. Với người mới bắt đầu, thực hành cần nỗ lực lớn lao. Đặc biệt là người trẻ, cần phải cố gắng rất khó nhọc để hoàn thành điều gì. Bạn phải duỗi chân tay càng rộng càng tốt. Sắc là sắc. Bạn phải chân thành trên con đường riêng của bạn cho đến khi sau cùng bạn thực sự đến chỗ thấy cần thiết phải quên hết về chính bạn. Trừ phi bạn đến điểm này, còn trước đó thì hoàn toàn sai lầm khi nghĩ rằng bất cứ cái gì bạn làm đều là Thiền hay chẳng quan trọng gì có thực hành hay không. Nhưng nếu bạn nỗ lực tốt nhất chỉ tiếp tục ngồi thiền với toàn bộ thân tâm, không có ý niệm chứng đắc, bấy giờ bất cứ điều gì bạn làm sẽ là sự thực hành chân thật. Chỉ tiếp tục phải là mục tiêu của bạn. Khi bạn làm điều gì, chỉ làm nó thôi, đó là mục tiêu của bạn. Sắc là sắc và bạn là bạn, và chân không sẽ được chứng ngộ trong sự thực hành của bạn.


Shunryu Suzuki 





SỐNG LÀ CHỈ SỐNG VẬY THÔI

Căn cứ trên kinh nghiệm của Phật Thích Ca Mâu Ni và kinh nghiệm của chư Phật thời quá khứ, điểm chính trong giáo lý của Đạo Nguyên là ‘ngồi thiền là chỉ ngồi’ đã hiện diện trong tiến trình ngồi thiền; đây là chỉ quản đả toạ. Nó không phải là cái gì bạn sở đắc sau khi đã ngồi thiền. Nó không phải là một quan niệm tiến trình; nó là tập chú vào bản thân tiến trình. Rất khó để hiểu điều này, bởi vì chúng ta luôn luôn trong tiến trình, chúng ta không tập chú vào nó. Thậm chí có nhiều trường phái trong Phật giáo vẫn xem Phật giáo như là một quan niệm. Nhưng Phật giáo đích thực là chú tâm trọn vẹn vào bản thân tiến trình.Tiến trình là chính bạn.
Ngồi thiền (zazen) thì hoàn toàn khác với những thiền định khác. Nó không phải là vấn đề thảo luận triết học hay siêu hình học. Tất cả điều chúng ta phải làm là làm cái chúng ta đang làm, ngay đây, ngay bây giờ. Bất cứ loại kinh nghiệm nào chúng ta có qua ngồi thiền đều là hạng hai, phụ phẩm. Bất cứ cái gì xảy ra, tất cả điều chúng ta phải làm là hiện diện thường trực ngay giữa tiến trình ngồi thiền. Đây là cái bắt đầu và cũng là cái chấm dứt. Bạn có thể làm điều đó; nó mở cho tất cả mọi người, bất cứ ai. Đây là chỉ quản đả toạ.
Chúng ta đã an bình và hài hoà một cách đúng đắn. Nhưng khi chúng ta ngồi thiền, chúng ta vẫn muốn cố gắng để được an bình. Cố gắng an bình thì không an bình nữa. Hãy chỉ ngồi thôi. Chúng ta không phải cố gắng hay không cố gắng hay nói rằng chúng ta không chăm sóc. Nếu tôi nói cái gì đó là cái này, tức thời bạn nhảy tới và cố gắng nắm bắt nó. Và rồi nếu tôi nói nó không phải là cái này, thế là bạn bối rối. Rốt cuộc, bạn nói bạn trung lập, nhưng chẳng tốt tý nào. Điều chúng ta phải làm là chứng ngộ rằng chúng ta là Phật; đây là một công án lớn cho chúng ta. Sự thực hành này là chỉ quản đả toạ và là công án cho chúng ta trọn cuộc đời. Có hàng trăm công án, nhưng những công án ấy chỉ là lá và nhánh, thế thôi. Gốc là chỉ quản đả toạ. Chúng ta phải hiểu điều này. Nó là an bình tuyệt hảo, hài hoà tuyệt hảo.
Chúng ta luôn luôn nghĩ đến cái gì đó, luôn luôn cố gắng sở đắc cái gì đó. Một số người chỉ thích Thiền Tào Động, bởi vì nó dạy chúng ta không mong mỏi giác ngộ, chỉ ngồi xuống thiền. Họ nói nếu người ta không mong giác ngộ thì chúng ta đang làm gì đây? Thậm chí các tín đồ Tào Động cũng không luôn luôn hiểu chỉ quản đả toạ là cái gì. Nếu họ bị chỉ trích, lòng tin của họ bắt đầu lung lay. Điều này rất thường. Đây là chuyện con người, bao gồm không chỉ bạn bè tôi và những người khác, mà còn cả tôi nữa. Nếu có ai chỉ trích chúng ta, lòng tin của chúng ta bèn chao đảo. Nếu chúng ta nhìn chung quanh, có nhiều thứ khác cho người ta quan tâm. Rất tự nhiên, chúng ta nghĩ những cách khác có thể tốt hơn. Thế nên chúng ta nhặt nó và sử dụng nó. Nhưng nếu lung lay, chân chúng ta không hoàn toàn vững trên đất. Giống như đi khi có động đất. Dù chúng ta tin mình đang đi vững vàng, chúng ta không thể. Nếu chúng ta đang đi chúng ta phải đi vững vàng, bất kể cái gì xảy ra. Điều hoàn này hoàn toàn vượt khỏi việc bàn luận. Đi vững vàng nghĩa là chỉ đi thôi. “Chỉ đi thôi” là hiện diện trong bản thân tiến trình. Tiến trình đi chính là thân và tâm không là cái gì cả ngoài tiến trình. Không có khoảng hở nào giữa chúng ta và tiến trình. Đây là chỉ quản đả toạ; đây là an lạc. Chúng ta an lạc, chúng ta hài hoà từ nguyên thuỷ. Đó là tại sao chúng ta không cần mong ngóng có được bình an. Lột vứt mọi áo quần ý niệm, và rồi cái gì còn lại? Cuối cùng, không có cái gì cả để nghĩ đến. Tất cả điều chúng ta phải làm chỉ là phóng vào.
Hai mươi lăm thế kỷ trước, Đức Phật đã dạy cho chúng ta rằng chúng ta là Phật, chúng ta không thiếu giác ngộ vô thượng. Chúng ta vẫn không hiểu, và dù chúng ta hiểu, nó không trụ được trong tâm chúng ta. Đó là lý do chúng ta phải thực hành thường trực. Chúng ta phải thực hành bởi vì chúng ta có tâm.
Tâm thì lặng lẽ, an bình và hài hoà. Tâm có gì sai trái? Không có gì sai trái nơi tâm. Cái sai trái là đã nhiều năm chúng ta đã cho tâm cơ hội, môi trường, hoàn cảnh để nó là một tâm khỉ vượn. Tâm như khỉ vượn là tâm luôn luôn chạy ra trong nhiều hướng, chụp lấy nhiều vật kích thích và ngộ nghĩnh. Nếu chúng ta luôn luôn để cho tâm chạy nhảy theo đường của nó, cuối cùng trứơc khi biết được điều đó thì chúng ta đã rơi vào một hướng khác với ý muốn và chúng ta trở nên hoàn toàn rối rắm mù mịt. Đó là tại sao chúng ta phải canh chừng, chăm sóc tâm. Chúng ta phải canh chừng những cơ hội, những hoàn cảnh, thời khắc.
Với ngồi thiền, chúng ta thu xếp hoàn cảnh trong chỗ ngồi thiền để không quá sáng hay quá tối, không quá lạnh hay quá nóng, quá khô hay quá ẩm. Chúng ta cũng thu xếp những điều kiện của thân thể, như tư thế ngồi và số lượng thức ăn. Nếu ăn nhiều, dễ buồn ngủ, nên bao tử chỉ đầy cỡ sáu hay bảy mươi phần trăm. Cũng giữ cho mắt mở, vì nếu nhắm mắt sẽ dễ ngủ, dễ lang mang với những tưởng tượng và giấc mơ ban ngày. Tiếp theo, chúng ta sắp xếp điều kiện trong thân thể, tim, ruột, bao tử, máu. Nhưng những thứ này ngoài tầm kiểm soát, làm sao chăm sóc chúng? Cách hay nhất là chăm sóc hơi thở. Nếu chăm sóc hơi thở, những điều kiện trong thân sẽ vận hành rất tốt một cách rất tự nhiên. Điều này quan trọng. Nếu chúng ta sắp xếp những hoàn cảnh chung quanh thân, tâm và mọi điều kiện bên ngoài và bên trong, thì rất tự nhiên, tâm cũng được đưa vào những hoạt động của chúng ta. Bấy giờ chúng ta không còn bị quấy rầy bởi những công việc của tâm; tâm không chạm đến cốt lõi sự hiện hữu của chúng ta; nó chỉ ở với chúng ta, thế thôi. Khi mọi hoàn cảnh hoàn toàn bình an, lúc đó trong tâm chúng ta nở hoa. Đây là toạ thiền của chúng ta; đây là chỉ quản đả toạ.
Chỉ quản (shikan) được dịch là toàn tâm, nó có vẻ là một loại trạng thái tâm lý. Nhưng chỉ quản không phải là một khuôn khổ tâm lý. Chỉ quản là chính xác trở nên một với bản thân của tiến trình. Nghĩa đen toạ là ngồi, và đả là đánh; thế thì, từ khoảnh khắc này sang khoảnh khắc khác, chúng ta phải đánh vào con mắt trâu của toạ thiền. Đây không là một kỹ thuật; nó là sự thực hành tích tập từng ngày. Sự thực hành của chúng ta phải rất sâu, không dò tới, và rồi chúng ta có thể đánh vào mắt trâu. Chỉ quản đúng là đả tọa – sùng mộ tròn đầy với ngồi thiền, nghĩa là với chính tiến trình chứ không với một quan niệm. Đây là thực hành ngồi thiền được chư Phật, chư Tổ nói đến.
Đạo Nguyên nói trong Vua Định của những Đại định : “Dù một số người đã biết theo kinh nghiệm rằng ngồi là Phật pháp, không ai biết ngồi chỉ là ngồi”. Ngay cả thời của ngài Đạo Nguyên, không có ai biết điều này trừ vị thầy của ngài là Như Tịnh. ‘Ngồi chỉ là ngồi’ là thuần tuý tiến trình của bản thân toạ thiền; đây đích xác là sanh và tử, sống và chết. Nếu nhìn vào đời sống chúng ta, nó thật rõ ràng. Trong đời ta, biết bao nhiêu lần chúng ta đã có những cảm nhận hạnh phúc, bất hạnh, thuận và nghịch, thành công và thất bại? Không thể đếm. Nhưng chúng ta vẫn sống đây. Bất kể chúng ta có tỉnh biết hay không cái tính chất của đời người là quan trọng như thế nào, thì căn bản chúng ta đang bình an và hài hoà đây. Nói cách khác, đời sống chúng ta là một tương tục sống thuần tuý, “đang sống” thường trực, chỉ thế thôi. Đó là tại sao mọi người có thể sống còn, bất kể điều gì xảy ra. Có phải nỗ lực của chúng ta làm cho chúng ta có thể sống còn hai mươi hay bốn mươi năm? Không. Nó có phải là sự phán quyết của chúng ta? Không. Nói chặt chẽ, nó chỉ là một tương tục hợp nhất với tiến trình sống, thế thôi. Đây là tinh tuý của đời sống. Chân lý của sống là chỉ sống. Đây là một thực hành rất đơn giản.

Dainin Katagiri 

Trích: NGỒI KHÔNG - Những tác phẩm thiết yếu của thực hành Thiền Chỉ Quản đả tọa, Việt ngữ: Thiện Tri Thức, 2010 - NXB Thời Đại