Tiêu chuẩn của bậc Thánh

 ...Giáo pháp không phải là cái gì đó mà ta muốn là có thể đạt được. Tâm của bạn có thể đang ở lối này nhưng chân lý, sự thật lại ở một lối khác. Bạn phải quán sát phía trước và còn phải thận trọng mặt sau nữa. Đó là nguyên nhân tại sao tôi nói: “Không có gì chắc chắn, bền vững, tất cả đều phù du, thay đổi cả”.
Sự thật về nguyên lý không bền vững này rất bình thường dễ hiểu, và cũng rất thâm trầm, toàn hảo, song người ta lại lãng quên. Họ chú ý quan sát những thứ khác. Đừng tham chấp vào cái tốt, cái thiện, cũng đừng chấp chặt cái xấu cái ác. Chúng chỉ là thuộc tính tượng trưng trong thế giới này. Chúng ta đang thực tập viễn ly khỏi thế giới nên chấm dứt, đừng cưu mang những thứ này nữa. Đức Thế Tôn dạy chúng ta hãy đặt chúng xuống, bỏ chúng đi, bởi vì chúng là nguồn gốc mọi sự đau buồn khổ não...






Tôi có một đệ tử xuất gia, người tây phương. Hễ mỗi khi thấy các sư hay tập sự người Thái xả y hoàn tục, anh liền nói: “Ồ, thật là xấu hổ làm sao! Tại sao họ lại làm thế chứ? Tại sao có quá nhiều sư và tập sự Thái hoàn tục như thế?” Anh ta cảm thấy sốc. Anh ta buồn khi thấy các sư và tập sự Thái hoàn tục bởi vì anh chỉ mới đến tiếp xúc với đạo Phật. Anh rất sốt sắng và kiên quyết. Với anh, đã xuất gia làm một vị Tăng thì phải đi cho hết con đường và anh nghĩ anh sẽ không bao giờ xả y hoàn tục. Những ai hoàn tục anh đều cho là khờ dại cả! Anh thấy người Thái xuất gia thọ giới đắp y đầu mùa An cư làm Tăng hay tập sự xuất gia và rồi xả y vào cuối Hạ... anh thương hại: “Ồ, thật là buồn! Tôi cảm thấy thương hại cho những vị Tăng và tập sự Sa-di Thái ấy. Làm thế nào họ có thể làm chuyện như vậy chứ?”
Thế rồi, thời gian trôi qua, có một vài vị Tăng tây phương bắt đầu hoàn tục, anh ta thấy đó không còn quan trọng gì lắm. Buổi đầu, khi mới khởi sự thực tập, nhiệt huyết trong anh dâng cao. Anh cho rằng việc trở thành một vị Tăng hết sức quan trọng và không khó khăn gì.
Khi con người ta hứng khởi đều xem mọi chuyện dường như rất đúng và tốt đẹp. Không có gì có thể diễn bày được cảm giác của họ lúc đó, họ tiến về phía trước và tự quyết định chính mình. Nhưng họ không thật sự hiểu biết thực tập gì đây. Những người hiểu biết sẽ có một nền tảng kiên định trong tâm, tuy nhiên họ im lặng không cần nói cho ai biết cả.
Với chính tôi, khi lúc mới thọ giới, tôi thật sự không thực tập gì nhiều, nhưng tôi có niềm tin. Cũng không hiểu tại sao, có lẽ nó có mặt từ lúc tôi mới chào đời. Những vị Tăng và tập sự Sa-di xuất gia cùng lúc với tôi, đến cuối mùa An cư đều hoàn tục hết. Tôi tự nghĩ, “Ơ kìa? Chuyện gì đến với những người này vậy?” Tuy nhiên tôi không dám nói gì với họ bởi vì tôi không rõ cảm giác của tôi lúc đó, tâm tôi rối lên. Trong tâm, tôi cảm thấy tất cả họ thật dại dột: “Xuất gia được rất khó, hoàn tục thật dễ dàng. Những người này không có đủ công đức, họ nghĩ rằng sống đời thế tục ý nghĩa hơn sống trong Pháp”. Nghĩ như thế nhưng tôi không nói gì cả, chỉ quán sát tâm mình.
Tôi chứng kiến những vị Tăng xuất gia cùng lúc với tôi tuần tự hoàn tục. Đôi khi họ ăn mặc bảnh bao rồi đến tự viện khoe mẽ. Nhìn thấy cảnh ấy, tôi nghĩ họ thật khùng điên, thế nhưng họ lại tự cho rằng họ rất ư thức thời. Khi hoàn tục, bạn phải làm chuyện này chuyện nọ.... Tôi thầm nghĩ họ đã suy nghĩ chọn sai đường rồi. Nhưng tôi không nói gì, bởi vì bản thân tôi vẫn không chắc chắn mà. Tôi vẫn không chắc niềm tin của tôi sẽ kéo dài đến bao lâu.
Khi các bằng hữu của tôi hoàn tục hết, tôi không quan tâm gì nữa, cũng không có ai để tôi quan tâm. Tôi thọ giới pháp (Pāṭimokkha)[i] và bận bịu học giới. Không ai làm tôi phiền lòng hay mất thời gian nên tôi dồn hết tâm lực vào việc thực tập. Tôi vẫn không nói gì cả, bởi vì tôi cảm thấy thực tập là việc suốt cả cuộc đời, làm sao có thể đến lúc 70, 80 hay 90 tuổi vẫn luôn giữ vững tinh tấn, không thuyên giảm hay đánh mất quyết tâm của mình dường như là một điều cực kỳ khó làm.
Những người đã xuất gia sẽ đi tiếp con đường xuất gia, những người hoàn tục đi con đường thế tục. Tôi chỉ quán sát mọi việc xung quanh. Tôi không quan tâm chính tôi dù lúc trụ một chỗ hay đi đâu. Nhìn bằng hữu lần lượt rời tự viện, trong tôi chỉ khởi lên một niệm vì họ không có nhận thức rõ ràng. Vị Tăng tây phương có lẽ cũng nghĩ giống như thế. Anh ta thấy mọi người trở thành tu sĩ chỉ một mùa An cư và cảm thấy buồn.
Sau này anh ta đến một giai đoạn, còn gọi là ... “bị chán”, chán nản đời sống Thánh thiện này. Anh ta lơ là trong việc thực tập rồi cuối cùng xả y hoàn tục.
“Tại sao anh xả y hoàn tục? Trước đây khi thấy những sư Thái hoàn tục, anh từng nói, ‘Ồ, thật là xấu hổ làm sao! Thật buồn, thật tiếc thay!’ Bây giờ, chính anh muốn hoàn tục, tại sao anh không cảm thấy đáng thương lắm thay?”
Anh ta không trả lời, chỉ gượng cười.
Khi bước vào tu để thuần phục tâm mình, thật không phải dễ dàng tìm gặp một phương cách phù hợp nếu bạn chưa khai thác ra một chứng nhân trong bạn. Hầu hết các chuyện bên lề chúng ta dựa vào người khác để phản hồi lại, có những quy ước và tiền lệ. Nhưng khi áp dụng giáo pháp như một chuẩn mực nhất định... liệu chúng ta có chút vốn giáo pháp nào chưa? Chúng ta có suy nghĩ đúng đắn hay chưa? Và dù có suy nghĩ đúng rồi chúng ta có biết làm thế nào để thực tập thật đúng đắn hay lại cố chấp đối với pháp mình đang thực tập...?
Phải nghiền ngẫm cho đến khi nào bạn thấu đạt mục đích đến, đây là điểm quan trọng... khi nào bạn đến được mục đích, nơi ấy không còn gì bận tâm, không còn tốt hay xấu. Bạn đã quăng bỏ hết rồi. Đây có nghĩa là bạn đã xả bỏ tất cả. Nếu xả bỏ tất cả cũng đồng nghĩa là không gì còn sót lại, nếu còn chút gì sót lại tức chưa phải đã xả bỏ hết đâu vậy.
Thế nên rèn luyện tâm, đôi khi chúng ta nói việc đấy thật dễ. Nói thì rất dễ nhưng làm mới là khó, rất khó nữa là đằng khác. Thật rất khó trong việc thuần phục tâm, nó không thuận theo kỳ vọng của chúng ta. Đôi lúc dường như có thiên sứ[ii] giúp, mọi thứ suông sẻ rất tốt, bất cứ chúng ta suy nghĩ hay nói dường như là đúng đắn. Thế rồi, chúng ta tiếp tục thực tập nhưng cố chấp vào cái gọi là đúng đắn ấy, không lâu sau chúng ta lệch lạc dần và mọi thứ trở thành tệ hại. Khó là như vậy. Chúng ta không có một chuẩn mực để đánh giá, định mức mọi thứ cho thích hợp.
Những người giàu niềm tin, họ được trời ban cho nghị lực tự tin và niềm tin nhưng thiếu trí tuệ, có thể rất tốt trong tu định nhưng họ không có trí năng. Họ nhận diện sự việc phiến diện và chấp nhận một cách dễ dàng. Họ không quán sát. Đấy là niềm tin mù quáng. Trong đạo Phật, chúng ta gọi đây là Saddha adhimokkha, nghiã là cuồng tín. Họ có niềm tin, điều đó rất tốt nhưng nó không được phát sinh từ trí tuệ. Không nhận ra điều này ngay, họ tin tự thân đã có trí tuệ nên không nhận thức ra mình sai chỗ nào.
Do vậy, Năm Lực (Bala) được liệt kê như sau: Tín (saddha), tấn (viriya), niệm (sati), định (samādhi), tuệ (paññā).Saddha là lòng tin, viriya là sự nỗ lực tinh tấn, sati là chánh niệm, samādhi là tâm bất động, paññā là sự hiểu biết toàn diện. Đừng nói rằng paññā là sự hiểu biết đơn thuần - paññā là hiểu biết tất cả, thấu triệt, hoàn toàn.
Trí tuệ được hình thành từ năm yếu tố này, chúng ta có thể nối kết chúng. Trước nhất nó như một đối tượng của sự nghiên cứu, thứ đến nó như một một phương tiện để so sánh trạng thái thực tập của chúng ta đúng y như thế. Ví dụ, saddha là lòng tin, chúng ta có lòng tin không? Chúng ta đã phát huy nó chưa? Viriya là tinh tấn, chúng ta có tinh tấn hay không? Sự tinh tấn của chúng ta trong chiều hướng đúng hay sai? Chúng ta phải tư duy điều này. Mọi người có những loại tinh tấn, nhưng tinh tấn của chúng ta có gồm thâu trí tuệ hay không?
Sati cũng vậy. Ngay con mèo cũng có sati đấy. Khi nó thấy con chuột, tức sati đã có mặt ở đó. Mắt con mèo chằm chằm bất động vào con chuột. Đây là sati của con mèo. Mọi người đều có sati, động vật cũng có, kẻ phạm tội cósati, các bậc hiền nhân đều có sati.
Samādhi, tâm bất động - mọi người cũng đều có đặc tính này. Con mèo cũng có khi nó tập trung chuẩn bị chụp và ăn con chuột. Nó rất chú tâm. Sati của con mèo là một loại của sati; chú tâm vào việc đang làm, tức samādhi đang có mặt. Paññā là trí tuệ giống cái biết của mọi loài hữu tình. Cái biết giống như cái biết của một con vật đủ hiểu biết để bắt chuột làm thức ăn.
Năm đặc tính này được gọi là những năng lực. Năm Lực có phát sinh từ Chánh kiến (sammādiṭṭhi) hay không?Saddha, viriya, sati, samādhi, paññā - có phải phát sinh từ Chánh kiến hay không? Chánh kiến là gì? Tiêu chuẩn đánh giá Chánh kiến là gì? Chúng ta phải nhận diện, hiểu biết tường tận tất cả.
Chánh kiến là hiểu biết tất cả sự vật đều không chắc chắn. Do vậy, Đức Phật và các bậc Thánh không cố nắm giữ chúng. Họ ghi nhận, hiểu thấu nhưng không phải bo bo cố chấp. Họ không để bị đồng hoá vào sự hiểu thấu ấy. Sự ghi nhận hiểu biết không dắt dẫn đến sở hữu, không bị tham ái làm nhơ uế, bại hoại. Không mưu cầu theo đuổi cho có được thứ này hay thứ kia, đó là cách thực tập đơn thuần. Khi bạn hiểu rõ điều gì đó rất đặc biệt, bạn có sung sướng hạnh phúc không? Nếu có sung sướng, bạn có cố bám giữ hạnh phúc đó không? Nếu không thích bạn có cố níu giữ thứ không thích đó không?
Một số quan điểm có thể được xem là những nguyên tắc trong việc đánh giá sự tu tập của chúng ta chính xác hơn. Những quan điểm đánh giá người này hơn người kia, họ bình đẳng như nhau, hay những người này ngu xuẩn hơn bọn người kia đều là tà kiến cả. Chúng ta biết những điều này nhưng chúng ta cũng biết với trí tuệ rằng chúng phát sinh rồi sẽ tan hoại mất đi. Nhận thấy rằng, chúng ta tốt hơn người khác là không đúng, nhận thấy ta và người như nhau là không đúng, thấy chúng ta thấp kém hơn người khác cũng không đúng.
Quan điểm đúng đắn là đốn sạch những thứ này. Chúng ta phải làm gì? Nếu nghĩ rằng chúng ta tốt hơn người khác, kiêu ngạo lập tức khởi lên. Kiêu mạn có mặt ở đó nhưng chúng ta không nhận diện ra nó mà thôi. Nếu nghĩ mình và người khác như nhau, chúng ta quên tỏ ra tôn trọng và khiêm tốn khi đúng thời. Nếu nghĩ, mình thua kém người khác, chúng ta sẽ mặc cảm nhu nhược nghĩ rằng mình thấp hèn, sinh trong một vận mệnh thấp thỏi, xấu xa, v.v.... Chúng ta vẫn bám níu chấp chặt vào Năm Uẩn (Khandhas),[iii] đó chỉ đơn giản là hữu và sanh vậy.
Đây là một tiêu chuẩn để tự đánh giá tự thân. Một tiêu chuẩn khác là: khi gặp việc vui vẻ, cảm thọ hạnh phúc khởi lên trong ta, và khi gặp việc đau khổ, cảm thọ buồn bã liền xuất hiện. Chúng ta có thể quán sát xem tầng số dao động của hai luồng cảm thọ khiến tâm hoan hỷ và không hoan hỷ ấy có bằng nhau không? Hãy tự mình lượng xét dựa theo tiêu chuẩn này xem sao. Trong đời sống hàng ngày, chúng ta kinh qua nhiều cảm thọ khác nhau, nếu nghe âm thanh gì đó chúng ta thích, liệu bản tính của chúng ta có thay đổi không? Hay tâm của ta bất động? Quán sát ngay ở đây chúng ta đưa ra nhận định.
Nhận diện nơi chính mình, đấy là nhân chứng của bạn. Đừng làm quyết định gì khi bạn đang lệ thuộc vào sức mạnh của lòng tham ái. Tham ái có thể thổi vào tư tưởng chúng ta thứ gì đó mà vốn trước đây chưa từng có mặt trong chúng ta. Chúng ta phải rất cẩn trọng.
Có nhiều góc độ và lĩnh vực để suy tư, nhưng cách đúng đắn thẳng tắt là không chiều theo tham ái của bạn, trừ Sự thật. Chúng ta nên nhận diện cả hai tốt và xấu và khi nhận biết chúng, hãy tiếp tục quán sát. Nếu không quán sát, chúng ta vẫn dậm chân một chỗ, cái tôi trong chúng ta đang có mặt, đang hiện hữu. Nếu cái tôi còn nguyên đó, thế có nghĩa chúng ta còn có cái lưu lại, vẫn còn hữu và sanh trong kho chứa này.
Do vậy, Đức Thế Tôn bảo phải thẩm xét chính mình, đừng thẩm xét người khác, họ thiện hay ác không mắc mớ gì đến bạn. Đức Thế Tôn chỉ ra con đường, và bảo rằng “Chân lý là như vậy”. Bây giờ tâm của chúng ta đang như thế hay không?
Giả sử có một vị Tăng lấy vài món đồ của một vị Tăng khác, vị Tăng đó cáo tội vị Tăng này: “Huynh lấy trộm đồ của tôi”.
“Tôi không có lấy trộm, tôi chỉ lấy chúng thôi mà”.
Thế rồi, họ đến hỏi vị Tăng thứ ba để phân xử. Vị Tăng thứ ba quyết định như thế nào đây? Vị ấy phải hỏi vị Tăng có tội trước hội đồng Tăng chúng. “Vâng, tôi lấy nó nhưng tôi không phải ăn cắp nó”. Liên quan đến tội này, trong phần Pārājika hay Saṅghādisesa có đề cập một số trường hợp tội tương tự: “Đúng tôi lấy nó nhưng tôi không cố ý”. Làm sao bạn tin được điều đó? Thật rắc rối. Nếu bạn không tin vị Tăng có tội nói, tất cả các bạn có thể đặt gánh nặng cho người tạo tác, gánh nặng đặt hết lên vị ấy.
Nhưng bạn nên biết rằng chúng ta không giấu được tư tưởng khởi lên trong tâm mình. Bạn không thể che dậy chúng được, dù việc ấy là sai hay đúng, dù hành động thiện hay ác, bạn không thể xua đuổi chúng dễ dàng bằng cách lãng quên chúng đi, bởi vì những hành động này chính nó có khuynh hướng bộc lộ ra ngoài. Tự chúng che giấu, tự chúng phơi bày, xuất hiện, tồn tại hay biến mất. Tất cả rất tự nhiên. Đây là bản chất vận hành của các pháp.
Đừng cố gắng đoán chừng hay suy biện về những pháp này. Khi còn vô minh (avijjā), chúng vẫn chưa dừng lại. Một lần có vị hội trưởng ... hỏi tôi: “Thưa Thượng toạ, tâm của một một vị chứng quả A-na-hàm (anāgami)[iv] đã hoàn toàn thanh tịnh chưa?”
“Đã có phần thanh tịnh”.
“Thưa tại sao vậy? Một vị A-na-hàm đoạn sạch mọi dục lạc, sao tâm vị ấy chưa thanh tịnh được?”
“Vị ấy đã xả bỏ hết mọi tham dục khát ái, nhưng vẫn còn chút sót lại có đúng không? Đó là vô minh còn sót lại. Nếu vẫn còn chút xíu rơi rớt lại tức là vẫn còn khiếm khuyết. Cũng giống như cái bát dùng để đi khất thực của một Tỳ-kheo. Có bát kích cỡ rất to, có cái trung bình, có cái nhỏ; loại bát cỡ trung bình là trung bình, loại bát nhỏ thì vẫn là nhỏ,... Không quan trọng là nhỏ như thế nào, nó vẫn là một cái bát có đúng thế không? Cũng vậy thôi... với vị chứng quả Tu-đà-hoàn, quả Tư-đà-hoàn, quả A-na-hàm... đúng là họ đã loại trừ phiền não nhưng chỉ ở trong cấp độ của họ mà thôi. Cái gì vẫn còn sót lại, những vị Thánh ấy không thấy được. Nếu có thể xả bỏ hoàn toàn, họ đã thành bậc A-la-hán rồi. Họ vẫn chưa nhận diện thông suốt tất cả. Avijjā chính là sự không thấy biết ấy. Nếu tâm của bậc A-na-hàm hoàn toàn thẳng tắp, vị ấy không còn là bậc A-na-hàm nữa mà vị ấy đã tròn xong phận sự. Nhưng đằng này vẫn còn chút sót lại nơi họ”.
“Tâm của vị ấy thanh tịnh chưa?”
“Ồ, thanh tịnh nhưng chưa đạt 100%”.
Tôi có thể trả lời như thế nào nữa đây? Sau đó, vị ấy lại đến và hỏi tôi những điều xa rộng hơn. Vị ấy có thể quán sát nó, tiêu chuẩn đang ở đấy.
Đừng dễ duôi. Hãy tỉnh giác. Đức Thế Tôn luôn nhắc nhở động viên chúng ta phải tỉnh giác. Trong việc rèn luyện tâm mình, có thời gian tôi cũng bị cám dỗ, tôi nhận ra điều đó. Tôi thường bị xúi giục làm nhiều chuyện mà dường như những chuyện ấy toàn dắt dẫn đi trên con đường sai trái. Thật sự đó là một loại tâm sở ngang ngược, một loại tâm sở tự phụ kiêu ngạo. Diṭṭhi là quan kiến, và māna là kiêu ngạo đang ở đó. Thật hết sức khó mà tỉnh thức cảnh giác hai tâm sở này.
Có người muốn xuất gia ở đây. Anh ta mang y hậu và quyết định xuất gia để tưởng niệm và báo ơn người mẹ quá cố của mình. Anh ta vào tự viện, đặt y hậu xuống và không mấy cung kính chư Tăng ở đó, rồi anh bắt đầu thực tập thiền hành ngay trước chánh điện,... lui tới, tới lui, giống như đang biểu diễn.
Tôi nghĩ, “Ồ, xung quanh đây cũng còn có những con người giống thế này!” Đây gọi là saddha adhimokkha - niềm tin mù quáng. Anh ta quyết định đạt được mục tiêu giác ngộ trước lúc mặt trời lặn hay gì gì đó, anh nghĩ điều đó thật quá dễ dàng. Anh không nhìn thấy ai hết, chỉ cắm cúi bước như thể cuộc đời anh thuộc về nó. Tôi cứ để anh ta tự nhiên, nhưng trong lòng nghĩ: “Ồ, con người này, anh cho rằng việc ấy dễ như thế hay sao?” Sau cùng, không biết anh ta ở đó bao lâu, tôi không nghĩ anh ta đã thọ giới.
Ngay khi tâm khởi lên suy nghĩ gì đó, chúng ta đã đi ra ngoài rồi, lúc nào cũng hướng tâm ra ngoài. Chúng ta không nhận ra sự linh hoạt của thói quen rất thường trong tâm này. Nó tự cải trang như trí tuệ hay lợi khẩu. Sự linh hoạt của tâm như thế này có vẻ rất là thông minh, nếu không biết chúng ta sẽ lẫn lộn nó với trí tuệ ngay. Một điều trải qua sự suy tư, sắp xếp thì không còn là thật tướng nữa. Rồi khi đau khổ phát sinh, cái được gọi trí tuệ ấy đang ở đâu? Nó có ích lợi gì không? Sau rốt chỉ làm khổ gia tăng thêm.
Cho nên hãy ở bên cạnh Đức Phật. Như nhiều lần trước đây tôi đã nói, trong việc thực tập chúng ta phải quay về bên trong tìm Đức Phật. Đức Phật ở đâu? Ngài vẫn đang hiện hữu đến ngày nay, hãy quay về tìm Ngài. Ngài đang ở đâu? Nơi vô thường (aniccam), hãy quay về tìm Ngài ở đó, đến và quỳ đảnh lễ Ngài: vô thường (aniccam), không chắc thật. Chúng ta có thể dừng ngay nơi đó trước khi mọi ý nghĩ khởi động.
Nếu tâm cho bạn biết, “Tôi là một vị Tu-đà-hoàn rồi”, hãy quay về đảnh lễ vị Tu-đà-hoàn đây. Chính vị ấy sẽ nói cho bạn biết, “điều này không chắc chắn đâu”. Nếu bạn gặp một vị Tư-đà-hàm hãy đến đảnh lễ vị ấy. Khi vị ấy thấy bạn, vị ấy sẽ nói ngay “sự tình không chắc đâu!” Nếu có một vị A-na-hàm, hãy đến đảnh lễ vị ấy. Vị ấy cũng sẽ nhắc nhở chỉ một câu... “không chắc chắn”. Ngay cả khi bạn gặp một vị A-la-hán, hãy đến đảnh lễ và vị ấy cũng sẽ dạy cho bạn câu này trong tinh thần khẳng quyết hơn, “Tất cả mọi thứ đều không bền vững”.
Đừng cho rằng Đức Thế Tôn là một người thờ ơ. Đừng bám víu thứ gì cả, chỉ quán sát cẩn thận. Quán sát mọi sự từ vẻ biểu hiện bên ngoài cho đến bản thể siêu tột bên trong chúng. Đấy là điều bạn cần phải thực tập. Thấu triệt sự vật nơi hiển hiện bên ngoài và bản thể siêu việt bên trong.
Thế nên tôi nói, “Hãy đến diện kiến Đức Thế Tôn”. Ngài đang ở đâu? Ngài đang trụ nơi Pháp. Tất cả giáo pháp trong thế giới đều có thể hàm tàng trong lời dạy duy nhất này: Vô thường. Hãy nghiền ngẫm đạo lý này. Một nhà sư như tôi đã tìm kiếm hơn bốn mươi năm và nhận chân được chỉ có thế. Vô thường và lòng kiên nhẫn. Đấy là cách tiếp cận với giáo pháp của Đức Thế Tôn... aniccam: tất cả không bền vững.
Chúng ta không cần biết chắc tâm đang muốn gì, chỉ bảo nó “Không chắc thật!” Bất cứ khi nào tâm muốn theo đuổi đối tượng xem đó như thể chắc thật, hãy nói với nó: “Không chắc thật đâu, phù du lắm”. Dùng cách này thuyết phục nó. Hãy đem giáo pháp của Đức Thế Tôn soi sáng tất cả mọi sự. Không chỉ thế giới hiện tượng này là phù du, khi đứng, đi, ngồi, nằm bạn đều thấy trong mọi hành hoạt đều có sự hiện diện Đức Thế Tôn và sẽ thấy thật gần với giáo pháp.
Tôi nhận thấy đây là một phương pháp thực tập rất hữu hiệu. Suốt khoảng thời gian tu tập từ những ngày đầu cho đến bây giờ, tôi gặt hái được kết quả này. Thực sự tôi không dựa vào kinh điển nhưng không phải tôi không quan tâm học kinh. Tôi không dựa vào vị thầy nhưng không hẳn là tôi “tu một mình”. Việc thực tập của tôi “không nghiêng về bên này cũng không phải nghiêng về bên kia”.
Thành thật mà nói, việc thực tập hoàn tất đó là khi thực tập tinh cần và nhận diện rõ ràng cả Ngoại tướng và Tính siêu việt của vạn pháp.

Tôi đã từng trình bày về điều này, song có thể hữu ích cho một số vị ở đây nghe lại: nếu bạn thực tập thường xuyên và nghiền ngẫm mọi việc thấu đáo, bạn sẽ thành tựu.... Đầu tiên, bạn hấp tấp tiến về phía trước, rồi vội vã quay trở lại, vội vã thôi tu. Bạn tiếp tục thực tập như thế thì biết đến khi nào đạt được mục đích. Dường như đang tiến về phía trước nhưng thật sự không phải đang tiến về phía trước mà là quay trở lại, nhưng thật sự cũng không phải là quay trở lại, dường như là đang ngừng nghỉ, nhưng thật ra không phải là ngừng nghỉ. Việc thực tập đích thực đã hoàn tất. Đây chính là điểm cuối cùng. Đừng mong chờ điều gì hơn là điều này nữa, điểm cuối dừng ngay đây. Khinasavo - có nghĩa là một người đã hoàn tất mọi phận sự. Vị ấy không tiếp tục, không ẩn dật, và cũng không đứng dừng. Không có sự dừng lại, không tiếp tục tiến bước, cũng không bước lui. Việc đã xong. Suy ngẫm điều này, nhận diện nó một cách rõ ràng trong tâm của bạn. Ngay đó bạn sẽ tìm thấy sự thật là không có cái gì hết.
Điều này cũ rích hay mới mẻ tuỳ thuộc vào trí tuệ và nhận thức của bạn. Người không có trí tuệ, không nhận thức sáng suốt sẽ không thể hiểu biết rõ ràng được. Chỉ cần nhìn cây cối xung quanh, cây xoài hay cây mít chẳng hạn, giáo pháp ở ngay đấy. Nếu nó lớn lên trong lùm bụi, một cây có thể to lớn, nhưng những cây khác sẽ bị vong vẹo và chúng mọc nghiêng ra bên ngoài tách khỏi cây to kia. Tại sao điều này xảy ra? Ai bảo chúng làm chuyện đó? Đấy là Tự nhiên. Tự nhiên gồm chứa cả tốt và xấu, đúng và sai. Nó có thể nghiêng theo đúng, cũng có thể nghiêng theo sai. Nếu chúng ta trồng bất cứ loại cây gì gần nhau, khi phát triển lớn dần, những cây nhỏ yếu hơn sẽ chỉa cành lách khỏi cây lớn. Sự tình này diễn ra như thế nào? Ai quyết định điều đó như vậy? Đấy là Tự nhiên, là Pháp.
Cũng thế, tham ái (taṇhā) dẫn dắt chúng ta đến chỗ khổ đau. Nếu chúng ta biết ngẫm suy lại điều đó sẽ giúp chúng ta thoát khỏi tham ái, loại bỏ được tham ái. Bằng cách quán sát tham ái, chúng ta sẽ làm nó rơi rụng, khiến nó vơi bớt dần cho đến khi hoàn toàn mất hẳn. Giống như đám cây này: Có ai ra lệnh cho chúng lớn theo ý muốn của họ không? Họ không thể nói hay di chuyển chúng và họ biết việc ép cây phát triển theo ý muốn con ngưòi là khó khăn, trở ngại. Chỗ nào bị gò ép và chật chội, sự phát triển gặp khó khăn, chúng sẽ uốn cong hướng ra.
Đấy là Pháp, nhưng chúng ta không chịu khó ngắm kỹ chúng. Những ai thông minh, sâu sắc sẽ thấy Pháp ngay đây. Cây sống tự nhiên không nhận thức gì cả, chúng vận hành theo bản tính tự nhiên, chúng không đủ ý thức tránh nguy hiểm để phát triển, hướng đến nơi thích hợp.
Người biết suy nghĩ cũng giống như thế. Chúng ta xuất gia, sống đời không gia đình bởi vì chúng ta muốn thoát khỏi khổ đau. Cái gì làm chúng ta đau khổ? Nếu chúng ta hướng vào trong thân quán sát chúng ta sẽ thấy ngay. Hễ khi chúng ta khởi tâm thích hay không thích là khổ đến rồi đấy. Nếu họ đang đau khổ đừng nên đến quá gần họ. Bạn có muốn bi luỵ trong sự yêu mến hay thù hận các duyên xung quanh đó không?... Tất cả chúng không chắc chắn. Khi chúng ta hướng về Đức Thế Tôn, tất cả đau khổ này đều chấm dứt. Đừng lãng quên điều này. Hãy kiên trì và nhẫn nại. Chỉ hai đức tính này là đủ. Nếu bạn có sự hiểu biết như thế là rất tốt.
Thật ra trong việc thực tập của riêng mình, tôi không có một vị thầy giảng dạy cho tôi nhiều như tôi hướng dẫn giảng dạy cho bạn. Tôi không có nhiều thầy hướng dẫn. Tôi thọ giới trong một ngôi chùa nhỏ ở làng quê đơn sơ và sống ở những chùa làng mấy năm. Tôi nuôi nấng lòng khát khao thực tập, tôi muốn rèn luyện để tâm trở thành thuần thục. Những chùa quê tôi ở, không có vị thầy nào hay vị Tăng nào giảng dạy giáo pháp cả, nhưng niềm đam mê thực tập luôn thôi thúc trong tôi. Tôi đi đó đây học hỏi. Tai tôi luôn chú tâm lắng nghe, mắt tôi luôn chú tâm quan sát. Những gì nghe người ta nói, tôi tự nhắc tôi: “Chưa chắc”. Những gì thấy được, tôi cũng tự nhắc nhở mình: “Chưa chắc”. Hay khi lưỡi nếm vị ngọt, chua, mặn, vị thích hay không thích, cảm giác dễ chịu hay khó chịu phát sinh trên thân, tôi cũng tự nhắc nhở: “Cảm thọ này không bền đâu!” Và cứ như thế tôi luôn sống trong Pháp.
Sự thật, không gì bền vững cả nhưng tham muốn của chúng ta muốn chúng thường còn. Chúng ta có thể làm được gì? Chúng ta phải kiên nhẫn thôi. Điều quan trọng nhất là kiên trì nhẫn nại (khanti). Đừng đánh mất vị Phật, nguyên lý mà tôi gọi tên, đó là “không bền vững” - đừng làm nó rơi rớt mất.
Thỉnh thoảng tôi đến chiêm bái những di tích Phật giáo cổ, nơi đây chỉ còn lại những tự viện lâu đời được các kiến trúc sư, nghệ nhân tiền bối xây cất chạm khắc công phu. Nhiều chỗ đã bị nứt bể, trầy trụa. Có lẽ một trong số bằng hữu của tôi đã nhận xét: “Thật tệ xấu và đáng thẹn làm sao? Bị nứt bể hết rồi”. Tôi trả lời: “Nếu không có sự vô thường như vậy, đã không có Phật pháp”. Vào sâu bên trong di tích, tôi thật rất buồn khi thấy nhiều chỗ đổ nát nhưng tôi nén dằn ngay xúc cảm uỷ mị của mình và cố gắng lựa lời an ủi huynh đệ cũng như chính mình. Mặc dù, cũng cảm thấy tiếc nuối, lưu luyến, tôi vẫn hướng tâm mình về với giáo pháp.
“Nếu không có sự bất toàn, sẽ không có vị Phật nào ra đời cả!”
Tôi nói điều đó thật sự mang lại lợi ích rất lớn cho các bằng hữu huynh đệ của tôi..., cũng có lẽ họ không nghe tôi nói, song vẫn còn có tôi đang lắng nghe lời nhắn nhủ của chính mình.
Đây là cách tư duy đối với mọi hiện tượng rất là hữu ích. Ví dụ, nói làm cho ai đó bực mình, bảo rằng: “Bạch Thượng toạ! Ngài có biết người ta nói gì về ngài không?” hay “Cậu ta nói như thế, như thế về ngài đấy...”. Có thể bạn sẽ nổi cơn thịnh nộ ngay. Vừa khi nghe những lời phê bình này, bạn bắt đầu phản ứng theo thói quen nổi nóng như lâu nay. Mới nghe những lời này qua tai, chúng ta đã sẵn sàng trả đũa, nhưng quán chiếu chân tướng sự việc, chúng ta có thể phát hiện ra rằng: “... Ồ không, sau đó họ đã nói khác rồi”.
Cũng có trường hợp “không chắc chắn” khác, vậy tại sao chúng ta lại vội vàng tin tưởng sự kiện ấy? Tại sao chúng ta đặt hết niềm tin vào những gì người ta nói vậy? Nghe bất cứ gì, chúng ta nên nhớ và kiên nhẫn quan sát sự việc một cách thận trọng...
Không phải bất cứ gì hiện ra trong đầu, chúng ta viết xuống hết xem đó là sự thật. Lời nói nào không nhắc đến sự thật vô thường thì không phải lời nói của các bậc hiền nhân. Hãy ghi nhớ điều này. Là người có trí, chúng ta không phải thực tập dài lâu. Bất cứ thấy hay nghe điều gì, chuyện ấy khiến sung sướng hay buồn bực, chỉ cần nhủ lòng “Điều này không thật!” Nói thật mạnh với lòng, tất cả mọi hiện tượng đều lấy đó soi chiếu. Đừng đắp xây những điều ấy khiến trở nên to lớn trầm trọng hơn, hãy nhìn chúng ung dung nhẹ nhàng với quan điểm này. Đây là điểm hết sức quan trọng. Ngay tại chỗ này, mọi phiền não đều chấm dứt. Các hành giả đừng bao giờ bỏ qua điều này nhé.
Nếu không thận trọng điểm này, bạn chỉ còn cách chờ đau khổ đến, chờ sai lầm đến. Nếu không lấy điều này làm nền tảng cho việc tu tập, bạn sẽ đi sai đường ngay... nhưng rồi sau đó bạn sẽ trở lại đúng đường, bởi vì phương pháp này thật sự là một phương pháp tu tập hiệu quả tốt.
Thật ra, về giáo pháp đúng đắn, ý chính tôi muốn trình bày hôm nay không quá huyền bí khó hiểu. Những gì bạn trải nghiệm chỉ là một trạng huống rất bình thường, cảm giác bình thường, nhận thức thô thiển, ý nguyện giản dị và ý thức bình dị. Những đặc tính căn bản này có chút bền vững chắc chắn nào trong đó không?
Nếu chúng ta hiểu rõ tính tự nhiên trong vạn pháp giống như thế này, tham vọng, mê đắm, chấp giữ phai lạt ngay. Tại sao chúng phai lạt? Bởi vì chúng ta hiểu rõ, chúng ta ý thức rõ. Chúng ta chuyển vô minh thành trí tuệ. Từ vô minh mới có trí tuệ, từ vô tri mới có hiểu biết, từ bất tịnh mới sinh thanh tịnh. Các pháp vận hành như thế.
Đừng quên nguyên lý aniccam (vô thường), đấy là một vị Phật. Điều này mang ý nghĩa Đức Phật luôn hiện hữu. Quan niệm Đức Thế Tôn đã nhập Niết-bàn là không đúng. Ý nghĩa thâm diệu hơn là Đức Thế Tôn vẫn luôn có mặt. Cũng như khi định nghĩa Tỳ-kheo, nếu chúng ta định nghĩa rằng Tỳ-kheo (Bhikkhu) là “người đi xin”,[v] ý nghĩa này vô cùng rộng. Chúng ta có thể định nghĩa theo cách này nhưng lúc nào cũng nói như thế thì không ổn lắm. Chúng ta không biết khi nào mới dừng đi xin! Vậy nên, chúng ta định nghĩa từ ngữ này theo cách thâm diệu hơn – “Tỳ-kheo là người thấy được sự nguy hiểm của vòng luân hồi”.
Định nghĩa như thế có phải thâm diệu hơn không? Nó không cùng nghĩa với cách định nghĩa trước, ý nghĩa này sâu sắc hơn rất nhiều. Thực tập giáo phải là như thế. Nếu bạn không hiểu thông suốt, nó trở nên gì gì khác. Ngược lại, nếu hiểu rõ giáo pháp, nó trở nên vô giá, nơi phát nguyên hoà bình an lạc.
Khi có chánh niệm tức chúng ta đang gần với Pháp. Nếu có chánh niệm, chúng ta sẽ nhận chân vô thường, tính tạm thời ngắn ngủi trong tất cả các pháp. Chúng ta diện kiến Đức Thế Tôn và vượt thoát ngoài vòng luân hồi đau khổ, nếu không ngay bây giờ thì một lúc nào đó trong tương lai.
Nếu chúng ta phó mặc hết cho chư Hiền Thánh, chư Phật hay giáo pháp, việc thực tập của chúng ta như cánh đồng hoang vu, không có kết quả gì cả. Chúng ta phải duy trì việc thực tập thường xuyên, dù lúc chúng ta đang làm việc hay ngồi nghỉ, thậm chí cả lúc nằm. Khi mắt chúng ta thấy cảnh sắc, tai nghe âm thanh, mũi ngửi thấy mùi hương, lưỡi nếm vị hay cơ thể cảm giác ... lúc nào cũng đừng đánh mất vị Phật của mình, đừng ở xa vị Phật của mình.
Hãy là người gần gũi với Đức Thế Tôn, là người lúc nào cũng tôn kính Đức Thế Tôn. Chúng ta có nhiều khóa lễ tụng niệm tán thán tôn ngưỡng Đức Thế Tôn, như thời tụng kinh buổi sáng đảnh lễ tán thán Đức Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh đẳng chánh giác... Đấy là một cách bày tỏ lòng tôn kính Đức Thế Tôn nhưng như vậy chưa phải là tôn kính Đức Thế Tôn thật sự theo nghĩa thâm diệu như ý tôi muốn nói ở đây. Cũng giống như từ ngữ “Tỳ-kheo”, nếu chúng ta định nghĩa nó là người đi xin vậy thì họ cứ mãi xin... bởi vì được định nghĩa như thế. Để định nghĩa từ ngữ “Tỳ-kheo” theo ý nghĩa đúng nhất, chúng ta nên nói: “Tỳ-kheo là người đã nhận thấy rõ sự nguy hiểm của vòng luân hồi”.
Ở đây, ý nghĩa tôn kính Đức Thế Tôn cũng thế. Tôn kính Đức Thế Tôn bằng cách tụng niệm những đoạn kinh Pālitrong những khoá lễ sáng tối cũng giống như định nghĩa “Tỳ-kheo là người đi xin” vậy thôi. Nếu trong mọi lúc chúng ta luôn quán chiếu vô thường annicam, khổ dukkham và vô ngã anattā[vi] bất cứ khi nào mắt thấy sắc, tai nghe âm thanh, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm, tâm suy tưởng, thực tập này cũng ví như định nghĩa “Tỳ-kheo là vị đã thấy được nguy hiểm của vòng luân hồi”. Cách định nghĩa sau thật đúng đắn, thâm thuý hơn nhiều, loại bỏ nhiều ý tưởng thiển cận. Nếu chúng ta nhận chân thông suốt giáo lý này, hiểu biết và trí tuệ trong chúng ta sẽ tiến triển nhanh.
Đây còn gọi là patipada. Phát triển nhận thức như thế trong thực tập, bạn sẽ luôn đi trên con đường đúng đắn. Nếu bạn suy nghĩ và quán chiếu trong cách này, cho dù đang ở xa vị thầy của mình, bạn cũng có thể được xem như vẫn đang rất gần vị thầy. Nếu trên hình thức bạn đang ở gần thầy nhưng tâm bạn không gặp được thầy, bạn chỉ mất thời gian dòm ngó lỗi lầm của thầy hay chỉ lo chăm sóc, nịnh hót thầy mà thôi. Nếu vị thầy làm việc gì cho hợp ý bạn, bạn bảo thầy không tốt - và mãi cho đến bây giờ bạn vẫn đang ở mức thực tập này. Bạn sẽ không thành tựu được gì cả chỉ vì lãng phí thời gian quan sát người khác. Tuy nhiên nếu bạn hiểu rõ giáo lý này, bạn có thể trở thành một vị Thánh ngay giây phút hiện tại đây.
Đó là nguyên nhân tại sao năm nay,[vii] tôi giữ khoảng cách giữa tôi với đệ tử kể cả cũ và mới, và không giảng dạy nhiều: để bạn có thể quán sát mọi thứ chính bạn trong khả năng của mình. Đối với các tân Tỳ-kheo, tôi đặt ra thời khoá và thanh quy tu viện như là: “Đừng nói quá nhiều”. Đừng vượt quá giới hạn các tiêu chuẩn đã đặt để, con đường thực tập, kết quả và Niết-bàn. Bất cứ ai vượt quá tiêu chuẩn này không phải là một hành giả thực sự, không phải là người hoàn toàn chú tâm vào thực tập. Một người như thế hy vọng có thể chứng đạt điều gì? Cho dù anh ta có ngủ bên cạnh tôi mỗi ngày, anh ta cũng không thấy tôi. Cho dù anh ta ngủ bên Phật cũng không thể nào thấy được Phật nếu anh ta không chịu thực tập.
Vì vậy, nhận thức rõ giáo pháp hay thấu hiểu giáo pháp tuỳ thuộc vào thực tập. Hãy tự tin, tự thanh lọc tâm mình. Nếu tất cả Tăng chúng trong tu viện này chánh niệm tỉnh thức trong từng tâm hành, chúng ta sẽ không bao giờ khiển trách hay ca tụng ai hết. Chúng ta cũng sẽ không hoài nghi hay ái luyến ai hết. Nếu sân hận hay không vừa lòng khởi lên, hãy để chúng tự nhiên trong tâm nhưng quan sát nhận biết rõ chúng.
Luôn kiên trì quán sát mọi vật. Chừng nào vẫn còn cái gì ở đó, có nghĩa chúng ta vẫn phải tiếp tục đào xới và nghiền ngẫm rèn luyện ngay điểm đó. Có người bảo rằng “Tôi không thể cắt đứt nó, tôi không thể làm điều đó”. Nếu chúng ta khởi tâm nói những điều như vậy quả thật vô nghĩa, không khác nào mớ rác rưởi vô giá trị ở đây mà thôi, bởi vì chưa có ai đoạn hết phiền não cấu uế nơi mình cả.
Bạn phải nỗ lực. Nếu bạn không thể diệt trừ, hãy tiếp tục tinh tấn đào xới quán chiếu sâu hơn nữa. Đào xới quán sát những phiền não khổ đau, nhổ bật gốc chúng lên. Đào tung chúng lên ngay cả chúng rất cứng chắc và hết sức khó khăn. Giáo pháp không phải là cái gì đó mà ta muốn là có thể đạt được. Tâm của bạn có thể đang ở lối này nhưng chân lý, sự thật lại ở một lối khác. Bạn phải quán sát phía trước và còn phải thận trọng mặt sau nữa. Đó là nguyên nhân tại sao tôi nói: “Không có gì chắc chắn, bền vững, tất cả đều phù du, thay đổi cả”.
Sự thật về nguyên lý không bền vững này rất bình thường dễ hiểu, và cũng rất thâm trầm, toàn hảo, song người ta lại lãng quên. Họ chú ý quan sát những thứ khác. Đừng tham chấp vào cái tốt, cái thiện, cũng đừng chấp chặt cái xấu cái ác. Chúng chỉ là thuộc tính tượng trưng trong thế giới này. Chúng ta đang thực tập viễn ly khỏi thế giới nên chấm dứt, đừng cưu mang những thứ này nữa. Đức Thế Tôn dạy chúng ta hãy đặt chúng xuống, bỏ chúng đi, bởi vì chúng là nguồn gốc mọi sự đau buồn khổ não.


Nguyên tác: “Not Sure!” — The Standard of the Noble Ones, trích trong “Thực Phẩm cho Tâm (Food for the Heart)” của Thiền sư Ajahn Chah, Thường Huyễn chuyển dịch.

[i] Nền tảng chính yếu của giới luật trong Tăng đoàn Phật giáo thường được tụng đọc mỗi nửa tháng bằng tiếngPāli.
56 Devaputta Māra - Một loại Ma, kẻ cám dỗ xúi giục xuất hiện trong hình dáng dường như rất hiền lành, tốt bụng.
57 Năm uẩn: Sắc (rūpa), thọ (vedanā), tưởng (saññā), hành (saṅkhāra) và thức (viññāṇa). Chúng kết hợp tạo nên khối tâm vật lý này được gọi là “cái ta”.
58 Anāgami (vị không còn trở lại): Tầng chứng đắc giác ngộ thứ ba. Ở giai đoạn này, hành giả đoạn trừ hết năm hạ phần kiết sử (trong mười kiết sử) - kiết sử này làm tâm mê muội đối với cuộc sống thế gian. Hai tầng chứng đầu là Sotāpanna (dự lưu) và Sakadāgāmi (còn một lần trở lại). Tầng chứng cuối cùng là bậc Araham (A-la-hán) (vị Ứng cúng hay Toàn giác).
[v] Đó là người sống hoàn toàn nhờ vào lòng bao dung thiện thí của người khác.
[vi] Sự ngắn ngủi, bất toàn và vô chủ.
[vii] Năm 2522 theo kỷ nguyên Phật giáo hay năm 1979 theo kỷ nguyên Thiên Chúa giáo.

Theo: http://thuvienhoasen.org/