Sống trong thời gian thật

Ngài Dogen cho chúng ta biết rằng muốn thực hiện việc đó, chúng ta chỉ cần hòa mình trong đại dương ảnh hiện tất cả chúng sanh. Tất cả mỗi người trong chúng ta đều hòa mình trong đại dương đó.
Dù không thể chứng minh, chúng ta có thể cảm nhận có một thế giới đẹp đẽ mà chúng ta không thể tiếp cận bằng ý thức. Đựơc sống trong sự bao la của đời sống là mục đích chúng ta có thể hướng đến. Nhưng chúng ta không nên điên rồ tìm cách đạt đến, vì đời sống vốn đã sẵn đủ ngay ở đây và bây giờ. Đó là ở trong phút giây hiện tại – ở trong thời gian không thời gian.


Theo thiền sư Dogen (Đạo Nguyên), mặc dù chúng ta thấy chỉ có một loại thời gian được đo bằng hai mươi bốn giờ mỗi ngày, đó không phải là cái thấy toàn diện về thời gian. Theo ngài, thời gian thật là sự hài hòa giữa tiến trình thời gian – quá khứ, hiện tại và tương lai – với nguồn mạch của thời gian: thời gian không thời gian.
Ngài Dogen diễn tả về thời gian phi thời gian đó như là một sự mở rộng bao la trong đó tất cả mọi chúng sanh kết nối với nhau trong thanh bình và hòa điệu. Khi chưa có kinh nghiệm về thời gian không thời gian đó, sự diễn tả của ngài Dogen có vẻ mơ hồ và siêu hình. Chúng ta có thể hiểu theo cách đó, nhưng siêu hình có thể không phải thuần túy là siêu hình. Cái siêu hình của ngài Dogen đến từ sự quán chiếu sâu xa qua nhiều năm thực hành và trải nghiệm. Điều mà ngài Dogen muốn nhấn mạnh là chúng ta hãy cố gắng để làm cho cái siêu hình đó sống dậy trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta.
Làm thế nào để chúng ta sống được trong sự hòa điệu giữa thời gian theo tiến trình quá khứ, hiện tại, vị lai và thời gian không có thời gian trong cuộc sống hàng ngày? Ngài Dogen cho chúng ta biết rằng muốn thực hiện việc đó, chúng ta chỉ cần hòa mình trong đại dương ảnh hiện tất cả chúng sanh. Tất cả mỗi người trong chúng ta đều hòa mình trong đại dương đó. Lời của ngài Dogen không phải là một ý tưởng suông. Thân và tâm chúng ta lặn hụp trong toàn khắp pháp giới. Đó là điều tuyệt vời. Chúng ta bơi trên mặt đồng thời bước đi dưới đáy đại dương. Và ngài Dogen đã giải thích một cách cụ thể về hình ảnh đẹp đẽ đó. Trong Shobogenzo (Chánh Pháp Nhãn Tạng), có những chương về rửa mặt, dọn dẹp phòng ốc, chùi rửa nhà vệ sinh…Đó là những ví dụ cụ thể về cách thực hành hòa mình trong đại dương. Theo ngài Dogen, đó là shikan, là nhứt tâm, hết lòng. Đó là một trải nghiệm, và tu tập là trải nghiệm.
Thực hành bằng trải nghiệm đặt nền tảng trên sự hiển lộ thực tại. Hiển lộ là sự giao tiếp giữa chủ thể với đối tượng. Chúng ta hiển lộ bằng nhiều cách qua trung gian của sáu thức thấy, nghe, ngửi, nếm, chạm, nghĩ. Do đó chúng ta có thể hiển lộ sự thực hành qua tâm. Nhưng chỉ thực hành ở tâm vẫn chưa đủ; chúng ta cũng cần thực hành nơi thân.
Khi chúng ta sử dụng một loại rau trong việc nấu ăn, nếu chúng ta nghĩ: “đây là rau”, rau đó liền trở thành một đối tượng, một thứ tách rời với chúng ta. Nhưng chúng ta cũng có thể tiếp cận với rau một cách khác. Trước khi rau bị gán cho một tên gọi, chúng ta có thể đụng chạm, cầm nắm rau, đối diện với rau bằng cái thấy không thời gian và không tên gọi. Khi đó, việc nấu ăn sẽ trở thành sự tu tập có nền tảng đặt trên sự hiển lộ thực tại.
Sự tu tập này không dễ dàng. Nhưng với trí tuệ, chúng ta có thể có sự gặp gỡ với rau thật, không tách rời với chúng ta. Khi đó dù cho trí phân biệt nói: “Ồ, đó là một thứ rau”, trí tuệ không phân biệt sẽ giữ cho chúng ta thấy một cách chính xác. Chúng ta vượt qua cái thấy nhị nguyên và gặp gỡ trực tiếp với rau. Chúng ta đặt rau vào chỗ không có thời gian. Lúc đó, mọi sự trở về với tánh Không, rỗng rang và sáng tỏ.
Nhưng trong thực tế, chúng ta không thể quên sự việc là chúng ta và rau đều hiện hữu trong đời sống hàng ngày. Chúng ta sẽ tiếp cận với một thứ rau nào đó như thế nào?Trước tiên đặt rau vào chỗ không có thời gian, ở đó cà rốt, bắp cải, khoai tây hiện hữu không phân biệt. Rồi trở lại với thời gian thông thường, ở đó chúng ta không thể cắt một củ cà rốt theo cách cắt một củ khoai tây, vì những tính chất khác nhau giữa chúng. Nhận ra rằng một củ cà rốt là một củ cà rốt, và tiếp cận với củ cà rốt không lẫn lộn với khoai tây. Khi tiếp cận với củ cà rốt theo cách đó, chúng ta hiển lộ chúng ta như một người đầu bếp, và củ cà rốt như một hữu thể đặc thù, đồng thời cả chúng ta và củ cà rốt đều hiển lộ trong tánh giác.
Nếu chúng ta có sự nhất tâm đó với củ cà rốt, củ cà rốt nở hoa và chúng ta nở hoa. Củ cà rốt và chúng ta đang bước đi dưới đáy đại dương, nơi đó tất cả chúng sanh đều kết nối nhau, và không có khoảng cách giữa củ cà rốt và chúng ta. Điều đó có nghiã là chúng ta được giải thoát khỏi hình tưởng của chúng ta và hình tướng của củ cà rốt. Lúc đó chúng ta không còn suy tưởng, chỉ ở trong đó. “Ở trong đó”có nghĩa là mở tâm trọn vẹn. Mọi sự đều lật lại, toàn thể hiện hữu trở nên đẹp đẽ.
Nếu chúng ta chưa có kinh nghiệm này thì cũng không có gì phải bận tâm. Thỉnh thoảng kinh nghiệm đó xảy đến với chúng ta, chỉ có điều là không dễ gì chúng ta nhận ra. Cuộc sống hàng ngày của chúng ta quá phức tạp, và ý thức con người thì luôn luôn chọn lựa, luôn luôn theo đuổi một thứ gì đó. Không dễ gì trí óc của chúng ta tin được rằng củ cà rốt có thể trở thành một với một con người. Chúng ta luôn luôn nghĩ ngay rằng “cà rốt” và “tôi”là hai thứ riêng rẽ, cách biệt.
Và chúng ta cũng không thể từ bỏ ý thức phân biệt của con người. Điều chúng ta có thể làm là liên tục và hết lòng đặt “củ cả rốt” và “tôi”vào trong chỗ không có thời gian. Đó là tu tập.
Dù cho ý thức nói gì, chúng ta vẫn cư xử với củ cà rốt băng tâm từ bi và đặt củ cà rốt trong chỗ không có thời gian. Chúng ta đến với củ cà rốt, đồng thời củ cà rốt đến với chúng ta. Cả hai đến với nhau, không có sự ngăn cách. Đó gọi là Phật tánh hiển lộ. Lúc đó, thế giới hiện tượng thấm nhập trong thế giới chư Phật. Khi chúng ta thể hiện ngã và pháp theo cách đó, chúng ta thể nghiệm toàn bộ thực tại. Đó là tự do, giải thoát. Giải thoát không có tính chất gì đặc biệt, nó chỉ là tác động.
Cho dù chúng ta không hiểu đúng về thời gian thật qua các vị Thầy hay qua sự tu tập, chúng ta, củ cà rốt, cái nồi, nước nấu vẫn ỏ trong đại dương đó, chúng ta vẫn đang sống trong sự bình an và hòa điệu. Sự lầm lẫn cũng ở trong đó, cho dù chúng ta tin hay không tin.
Lầm lẫn giống như một củ khoai lang được rửa trong chiếc rổ tre lớn. Khi tôi còn ở trong tu viện tại Nhật, chúng tôi thường cho khoai vào một chiếc rổ tre rồi đặt vào một dòng nước. Nước chảyqua rổ giống như một cái máy làm cho những củ khoai lăn chạm vào nhau đến khi chúng được rửa sạch hoàn toàn. Đó là chiếc máy hữu cơ! Sự lầm lẫn cũng là củ khoai ở trong đại dương. Chúng ta hãy chấp nhận lầm lẫn y như chấp nhận niềm vui và hạnh phúc. Một lầm lẫn là một lầm lẫn, và xử lý những lầm lẫn trong hai mươi bốn tiếng đồng hồ mà không làm xáo trộn sự an vui. Nhưng cũng hãy đặt sự lầm lẫn và chúng ta trong chỗ không có thời gian. Sớm hay muộn, một củ khoai đẹp đẽ sẽ xuất hiện. Đó là tâm từ bi của Đức Phật.
Đức Phật luôn luôn chia sẻ tâm từ bi với tất cả chúng sanh. Dù chúng ta có sẩy chân, sẩy chân cũng ở trong đại dương đó. Ngay cả khi chúng ta không có niềm hy vọng vào tương lai và nghĩ cuộc đời như là một sai lầm, chúng ta vẫn không ra ngoài thế giới của chư Phật. Ngài Dogen nói rằng cánh cửa dẫn vào thế giới chư Phật luôn luôn mở ra cho mọi người. Do đó chúng ta hãy sống hết lòng, chí tâm chăm sóc cuộc sống hàng ngày của chúng ta, lắng nghe giáo pháp của Đức Phật, không ngừng cố gắng theo chân Đức Phật. Và có thể chúng ta sẽ rửa sạch củ khoai nhanh chóng hơn.

Mỗi cuộc đời đều rất quan trọng. Nó cho chúng ta biết đời sống của chúng ta rộng lớn như thế nào. Chúng ta không thể quên mục đích của nó. Con thuyền của chúng ta nên hướng thẳng về mục đích của chúng ta. Con thuyền đó cần ổn đình và bình an, tiến một bước, và rồi tiến thêm một bước nữa, trong bất cứ hoàn cảnh nào . Đó là nhất tâm. Nhất tâm là một sự thực hành đơn giản mở ra cho chúng ta nhiều điều về cách chăm sóc cho cuộc sống hàng ngày. Và cuộc sống hàng ngày sẽ đưa chúng ta đến mục đích.
Dù chưa hiểu, chúng ta cũng cần thực hành điều đó. Rồi một ngày, niềm hy vọng tuyệt vời sẽ đến. Nếu không thực hành, chúng ta không biết điều gì sẽ xảyra. Hãy cố gắng thực hành với bất cứ giá nào, dù chưa hiểu hay chưa có kinh nghiệm về giác ngộ. Nhiều người nghĩ rằng giác ngộ phải giống như sấm chớp. Tôi không nghĩ như vậy. Giác ngộ rất mềm mại và nhẹ nhàng. Giác ngộ chân thật là thức tỉnh về nơi chúng ta đang ở, về chúng ta là ai, đời sống hàng ngày là gì, thời gian là gì.
Chúng ta cần thực hànhvà đào sâu sự hiểu biết về thời gian, nhưng chúng ta cũng không thể bỏ quên cuộc sống hàng ngày. Cho dù chúng ta không hoàn toàn hiểu về thời gian, về thế giới loài người hay về đời sống của chúng ta, chúng ta vẫn phải chăm sóc cuộc sống hàng ngày của chúng ta và của người khác. Làm thế nào để chúng ta sống trong bình an? Chúng ta cần hiểu cuộc sống khởi lên như thế nào và chấp nhận cuộc sống của chúng ta như là cái trục của tánh rỗng không. Nhận thức rằng đằng sau cái trục này, thế giới con người là một hình ảnh do chính chúng ta tạo ra. Sau đó chúng ta có thể sử dụng thời gian, chúng ta có thể sử dụng ý thức con người và chọn lựa điều thực hiện. Chúng ta tạo ra cuộc sống của chúng ta, nó kết nối với cuộc sống của tất cả chúng sanh bằng những việc làm của chúng ta ở cái trục của tánh rỗng không. Đó là ý nghĩa thời gian trong Phật giáo.

Thị Giới dịch (từ Each Moment is The Universe)

Chú thích:
Người Việt chúng ta thường giải quyết những vướng mắc còn tồn đọng trong năm cũ, về tinh thần cũng vật chật, như những giận dỗi, nợ nần…trước Tết để mọi thú đều trọn ven, tốt đẹp khibắt đầu năm mới.
Theo Đặng Thái Mai, “trên đường giáp giới giữa Việt Thường và Nhật Nam, trên triền núi dãy Hoành Sơn chạy ngang ra bể có một đỉnh cao là nơi danh thắng mà các vua Hùng cổ xưa đã chọn làm địa điểm để hàng năm vua tôi cùng nhau tụ họp trong những ngày Tết, để nghe những “cung đàn nhà trời” (Thơ Văn Lý Trần 1, trang 32).