Cái ý tưởng muốn kiểm soát vọng tưởng của bạn chính là một vọng tưởng, đổi Tâm Phật thành ra vọng tưởng. Vọng tưởng vốn không có thực chất khi nó sinh khởi. Sự thật chúng chỉ là những cái bóng, những sự việc bạn đã thấy và nghe khi gặp cơ hội lại trồi lên.
Cố mà đàn áp vọng tưởng thì cũng là mê muội.
Vọng tưởng nguyên ủy vốn không hiện hữu, mà chỉ do chính bạn tạo ra vì phân biệt, bạn gặp khó khăn là vì tưởng rằng có một phương pháp đặc biệt nào. Khi cố ngăn tư tưởng đừng khởi lên, là bạn tạo một mâu thuẫn giữa cái tâm ngăn và cái tâm bị ngăn, nên bạn sẽ không bao giờ có được bình an. Chỉ cần tin rằng tự nguyên ủy, những ý tưởng vốn không hiện hữu, chúng chỉ tạm thời khởi diệt tùy theo những gì bạn thấy và nghe, tự chúng không có một thực chất nào, để phó mặc cho ý tưởng cứ khởi và diệt. Cũng như một tấm gương bóng loáng, không cần phát sinh một ý tưởng nào cũng không cần ý thức, mà mỗi sự vật bên ngoài đều được phản chiếu rõ rệt. Vì không hiểu điều này, bạn cứ tưởng chính mình dàn xếp mọi sự nhờ tài khôn lanh! Chính vì thế mà các bạn vẫn bị mê mờ. Nếu bạn hiểu rõ rằng tư tưởng là do chính bạn sản xuất khi vướng ngoại cảnh, và không chuyển Tâm Phật của mình thành ra một cái gì khác, thì đấy chính là căn bản của sự tu hành, và đó cũng là Tâm Phật là Bất sinh, bản năng nội tại chiếu sáng kỳ diệu nơi chúng ta.
Trích : Tâm Bất Sinh
Thiền sư Bankei
CHƠN VỌNG
Bây giờ chúng ta nói thêm về những pháp đang diễn ra trong hiện tại. Những cái đang thực sự diễn ra trong hiện tại là cái gì? Hãy chỉ ra một cái gì đó đi! Ví dụ chúng ta đang khởi lên một tâm, tức khắc có người bảo đó là vọng. Còn nếu tâm không khởi, liền bảo đó là chơn. Nếu tâm không khởi là tịnh chỉ, là định, là chơn thì tại sao Đức Phật lại bảo có tà định? Định cũng có chánh định, có tà định. Vậy thì khi tâm không khởi, cũng có tâm không khởi là chánh mà cũng có tâm không khởi là tà. Khi tâm khởi, ví dụ như khởi tư duy thì vẫn có chánh tư duy và tà tư duy, khởi niệm thì có chánh niệm và tà niệm. Cho nên khởi cũng có chơn, vọng, chánh, tà. Vậy thì sao mình cứ muốn không khởi và cố gắng để mà không khởi? Không khởi dễ bị rơi vào thụ động tiêu cực chứ có phải hay đâu.
Chúng ta cần nhớ một điều: khởi là khởi, khởi thì liền giác, chứ đừng “chụp mũ” cho nó là chơn hay vọng. Nếu cái gì khởi mà quý vị cũng cho là vọng thì không đúng, nhưng khi đang vọng mà mình thấy rõ thực tướng của vọng, vậy là chơn. Thấy rõ vọng tức là chơn chứ ngay lúc đó không có cái chơn nào khác.
“Vô minh thật tánh tức Phật tánh
Huyễn hoá không thân tức Pháp thân”.
Hoặc là:
“Đoạn trừ phiền não trùng tăng bệnh
Xu hướng chơn như tổng thị tà”
Nếu biết cái gì là chơn như thì cần gì phải tìm kiếm? Còn tìm kiếm tức chưa thấy nên chẳng qua chỉ là tìm cái chơn như trong vọng ảo của mình mà thôi. Chính khi thấy rõ vọng như thật là vọng thì ngay đó đã là chơn như rồi. Có đúng vậy không? Không chơn giác thì làm sao biết được vọng? Và biết rõ vọng một cách trung thực thì sao lại chẳng chơn?
Cho nên, vấn đề không phải là chơn hay vọng mà là có thấy, có tuệ tri được tướng trạng, thực tánh của pháp ấy hay không? Có thấy được pháp chân đế hay không? Còn lánh vọng cầu chơn chính là đang khởi vọng, đó là một sai lầm rất lớn chứ không phải con đường tuệ giác.
Trích "Thực tại hiện tiền"
www.trungtamhotong.org