Sự khởi tâm của kẻ ngu và người trí

Con nghe Sư nói, nếu mình cứ để tâm bình thường, đừng khởi vô minh ái dục gì hết, như vậy có thể nói là mình được đạo. Nếu như mình khởi tâm lên để tu, để mong đạt được cái này, cái kia, tức nhiên sẽ rơi vào dục ái, hữu ái và phi hữu ái. Ở đây, có vấn đề giả dụ một người ngu, họ chẳng khởi tâm tu tập hay khởi tâm để đắc cái này cái kia chi cả, tâm họ cũng bình thường vậy thôi. Trường hợp ấy có khác gì với trường hợp của người trí? Sự khác nhau giữa hai việc không khởi tâm của kẻ trí và người ngu như thế nào?


– Vâng, câu hỏi của anh rất hay. Đó là vấn đề quan trọng. Chúng ta nên đặt ra những câu hỏi như thế, chớ nên thụ động. Vậy chúng ta thử tìm hiểu xem. Vấn đề không phải là khởi hay không khởi, mà là khởi như thế nào? Khi một người thấy pháp mà sáng suốt khởi tâm dụng pháp thì hoàn toàn khác với người không thấy pháp mà khởi tâm theo vô minh ái dục. Hai cái đó khác nhau, hoàn toàn khác nhau. Còn nói rằng người ngu không khởi, thì cái đó không đúng. Không có người ngu nào mà không khởi tâm cả. Người ngu thì khởi tâm tầm bậy tầm bạ nữa là khác. Tuy nhiên, cũng có trường hợp không khởi trong trình trạng si mê, vô ký. Nói chính xác là có khởi lên trạng thái tâm si (môn học Abhidhamma Phật giáo Nguyên Thuỷ nói rất rõ các loại tâm này).
Khi tâm không khởi, thực ra cũng là một loại tâm! Không bao giờ có tâm không không theo nghĩa hoàn toàn trống rỗng. Nói tâm không hay tâm rỗng rang vô sự là ám chỉ tâm không chấp thủ, không vướng mắc, không vọng loạn, không phiền não v.v. nhưng ngay lúc đó vẫn có những trạng thái như: thanh tịnh, thư thái, khinh an, chánh trực, nhu nhuyến, thích ứng hoặc trí tuệ, từ bi v.v. Cho dù khi tâm không khởi thật sự thì nó vẫn ở trạng thái bhavaṅga, ngấm ngầm trôi chảy trong vô thức cùng với những chủng tử đã được tadālambana thu nhặt và tàng trữ vào từ những tâm hữu thức, chứ không bao giờ có cái tâm không không cả. Khi tâm khởi mà tỉnh thức không muội, thì chính là tâm không khởi. Còn nếu như khi tâm không khởi mà mê muội thất giác, thì chính tâm đang khởi ở trạng thái si mê mà vì quá muội lược tưởng là tâm không khởi.
Ngài Huệ Năng nói: “Đối cảnh tâm sổ khởi”. Đối cảnh tâm cứ khởi nhiều, đâu có sao. Trong kinh Nguyên Thủy, Đức Phật cũng dạy vậy: “Chớ bắt cái tâm không khởi, hãy khởi tâm thiện, tăng trưởng tâm thiện”, nghĩa là khởi sao cũng được miễn đừng để rơi vào quĩ đạo bất thiện, chấp thủ hay vô minh ái dục là được. Cho nên, Kinh Kim Cang cũng khuyên chúng ta “Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm”. khởi sao đừng kẹt là được.
Tóm lại, tâm là pháp có thể, tướng và dụng. Khởi hay không khởi, tĩnh hay động là tùy duyên, tùy lúc, tùy nơi mà ứng xử theo thể tướng dụng chính xác và thích nghi, chứ không phải thiên chấp một bên mà thành ra có chỗ trụ. Vấn đề là chúng ta phải thấy, phải biết, phải hiện quán, phải thực chứng pháp mới có thể tùy nghi sử dụng mà không trụ, nếu không cho dù chúng ta nói có nói không, nói tịnh nói động gì cũng đều sai cả.


Trích : Thực Tại Hiện Tiền
Tác giả: Viên Minh