Krishnamurti và cơ cấu của thực tại


Vào giai đoạn đầu tiên của cuộc đời, Krishnamurti đã trải qua một kinh nghiệm sâu xa và kinh nghiệm chuyển hóa, đã giải thoát ông khỏi những khuynh hướng ràng buộc của sự liên hệ cá nhân và ném ông vào biển cả bao la của sự khám phá, của sự gặp gỡ thực tại – một lần nữa, của sự tự do đối với mọi phương pháp cách thức và mọi thái độ, quan điểm. Kinh nghiệm giải thoát này, tuy vậy, không phải là chuyện ngẫu nhiên tình cờ; nó đã được báo trước bằng một thời kỳ vật vả khó khăn của sự hoài nghi đầy đau khổ và sự tìm kiếm cam go khó nhọc. Để thấy chân lý, ông phải đặt chân lý lên trên tất cả những thứ khác.
Krishnamurti muốn chia sẻ chính kinh nghiệm giải thoát này với tất cả những người chú ý lắng nghe ông, dù ông giải thích rõ ràng rằng ngôn ngữ không thể truyền thông kinh nghiệm cho người khác. Nó phải được tái sinh một cách mới mẻ ở mỗi người chúng ta. Ông chỉ có thể giúp những người lắng nghe ông khám phá và xem xét những chướng ngại theo lối kinh nghiệm nào đó và do đó loại bỏ chúng bằng chính sự ý thức về nguyên nhân và hậu quả của chúng. Không có sự chuẩn bị trước hay những năng khiếu đặc biệt nào được đòi hỏi; bất cứ ai thật sự quan tâm đều có thể bắt đầu từ chính anh ta và từ những gì anh ta hiểu biết.
Krishnamurti rõ ràng không phải là một triết gia theo ý nghĩa được thừa nhận của ngôn ngữ. Ông không sáng tác nhưng ông khám phá. Ông không lý luận, nhưng ông mô tả. Ông không phát biểu lý thuyết và không xây dựng hệ thống. Cách giảng giải của ông không bình thường, vì ông không biện luận và khẳng định; ông thăm dò và thảo luận. Dù lối phát biểu có vẻ giống tính cách của Socrates, nhưng thật ra, không phải thế; vì Socrates dẫn dắt học viên đến những kết luận rõ ràng, trong khi Krishnamurti đưa những người lắng nghe ông vào ‘cuộc hành trình khám phá ’, một cuộc thám hiểm thăm dò, kết quả của nó chưa biết kể cả đối với chính ông. Vì, như chúng ta sẽ nhận thấy sau này, thực tại không thể nắm bắt bằng kiến thức. Nó không thể được lặp lại và phải được khám phá trở lại một cách mới mẻ.
Ông nắm vững chủ đề hoàn toàn thuần nhất. Ông đưa ra một số vấn đề đặc biệt nào đó về tâm lý, như chủ nghĩa quốc gia, ghen ghét hoặc cô đơn – ông có vẻ không quan tâm đến vấn đề nào đó đã được chọn lựa và thường để mặc sự chọn lựa cho thính giả – nhưng sau khi thảo luận,ông chạm đến đỉnh điểm của mục tiêu mà ông đã từ chối phát biểu một cách bình thường, vì đó không phải là một kết luận nhưng là một kinh nghiệm. Những người lắng nghe ông có ấn tượng rất sâu sắc bởi lối tiếp cận trực tiếp và sáng suốt của ông với những điều ông phát hiện về hoạt động tiềm ẩn sâu xa trong tâm trí của họ và bởi ánh sáng bất ngờ soi sáng lên chủ đề, nhưng khi họ cố gắng công thức hóa lời giảng dạy của ông và nắm giữ thật vững vàng trong tâm trí, họ lại thấy rằng nó không thể được đóng khung thành hệ thống. Vốn quen thuộc với lối suy nghĩa bình thường, họ cảm thấy hụt hẫng vì không có bản đồ và một lần nữa họ thức tỉnh hơn, chỉ để thấy rằng chủ đề trước kia đã bị từ bỏ hoàn toàn và một đề tài mới mẻ nào đó được nêu lên và thảo luận một lần nữa, không liên hệ gì đến những kết luận trước đó. Sự thăm dò đổi mới không ngừng này chính là đặc điểm của Krishnamurti. Như một nghệ sĩ chân chính, ông từ chối chạm trổ trên tảng đá hoa cương đã được điêu khắc sẵn, từ chối tô điểm sơn phết lên một bức tranh, từ chối viết một khúc nhạc giữa những nốt nhạc sẵn có. Mỗi lần ông bắt đầu là một chuyến khởi hành mới. Ông khắc sâu chân lý vào tảng đá nguyên vẹn của thực tại, ông không chấp nhận tiền đề cho dù đó là phát hiện của chính ông. Ông không đi theo dấu chân của người nào khác, kể cả của chính ông. Với sự từ bỏ lãnh đạm, ông loại bỏ tất cả những gì ông nói và viết để thăm dò trở lại. Không có gì tồn tại liên tục trong lối giảng dạy của ông ngoại trừ sự đổi mới thường xuyên liên tục, chết đi quá khứ. Độc giả sẽ nhận thức đúng đắn nếu ngay từ đầu anh ta không tìm kiếm phương pháp hay giáo điều, vì Krishnamurti không đưa ra điều gì. Ông chỉ giúp loại bỏ những chướng ngại cho việc tự khám phá của con người về chính anh ta và, do đó, về thực tại.
Krishnamurti, bất cứ khi nào ông nói chuyện hay thảo luận, đều mời gọi những người lắng nghe theo dõi thật kỹ càng và chú tâm hoàn toàn những trạng thái tinh thần mà họ sẽ trải qua ở mỗi khoảnh khắc lắng nghe hay thảo luận. Ông giúp họ khám phá điều mà họ chưa bao giờ ngờ được trước đó, rằng: tâm trí của họ đã bị qui định, giới hạn do ký ức về những nhận thức, phán đoán và đánh giá của quá khứ đã bị nhuộm màu theo tính cách cảm xúc, ‘ký ức tâm lý’ như ông vẫn gọi chúng. Những cảm giác méo mó lệch lạc này của chúng ta và những đám mây tư tưởng của chúng ta, đã xây dựng và tạo thành cái ‘tôi’, là trung tâm điểm của những sự yêu thương và ghen ghét của chúng ta, trung tâm kiểm soát, đánh giá, kết quả và cũng là nguyên nhân của tất cả những sai lầm. Sự hiện diện của cái ‘tôi’- trung tâm, tự bên trong nó đã là một động lực méo mó, và khi nào nó còn tiếp tục, chúng ta sẽ không thể nào nhận thức và suy xét một cách chính xác.
Đó là phần giảng dạy cốt tủy của Krishnamurti: cái ‘tôi’- phức tạp tất nhiên hay thậm chí không phải là tính chất hữu ích đối với tâm trí chúng ta. Nó là sự tăng trưởng ký sinh chỉ phục vụ cho những nhu cầu của riêng nó. Tâm trí, như chúng ta biết, sợ hãi cái chưa biết, tìm kiếm sự an toàn trong cái đã biết và dễ chịu với cái quen thuộc. Bằng cách tạo ra cái ‘tôi’- trung tâm tương đối kiên cố, nó đòi hỏi một mục tiêu thích ứng, sự xác định khuynh hướng, một sự hướng dẫn để phải nghĩ gì và làm gì.
Krishnamurti liên kết tính chất quan trọng lớn lao với sự hiểu biết chính xác về hoạt động của tâm trí. Đó chính là công cụ duy nhất nối liền với thực tại bao la, bí ẩn chung quanh và bên trong chúng ta. Thậm chí khi nó che dấu thực tại, nó vẫn là một phần của thực tại, chứ không phải bên ngoài. Tất cả sự liên hệ của chúng ta và những người khác đều thông qua tâm trí; nó là cái biển chung trong đó tất cả chúng ta đều sống, cũng như cá sống trong nước. Bao lâu chúng ta còn chưa biết về những ngõ ngách của tâm trí, chúng ta vẫn còn xem những sở thích, những thay đồi bất thường và những sai lạc méo mó của nó là thực tại. Nhưng khi chúng ta học hỏi khám phá được vô số cách dấy tạo ảo tưởng và những sai lệch điên rồ của chúng, chúng ta sẽ nhận thấy chúng không thật và chúng sẽ không còn trói buộc được chúng ta.
Về sinh học, tâm trí phát triển như một công cụ để tồn tại. Những chức năng cần yếu cho sự sống được đảm trách bởi những trung tâm thần kinh thấp hơn hoạt động một cách tự động, vô ý thức và có tính cách bản năng. Nhưng con người không bị chuyên môn hóa, giống như những sinh vật khác, trong sự chiến đấu chống lại môi trường của anh ta. Anh ta có khả năng đáng ngạc nhiên: tồn tại trong những môi trường biến đổi đa dạng và không thuận lợi là nhờ tính chất không chuyên môn hóa của anh ta được bù đắp bởi khả năng thiên phú độc đáo của con người, ở anh ta, trong hình thức của một hệ thống thần kinh phát triển tinh vi và phức tạp, một bộ não khả dĩ cho phép anh ta ý thức về tình huống thật sự và hoạch định cũng như định hướng những hành động hoàn toàn phù hợp của anh ta. Tâm trí con người đã trao cho anh ta những công cụ và khả năng khéo léo để sử dụng chúng. Nhưng hữu dụng nhất trong số tất cả những công cụ là lý trí vốn quan sát, xếp loại, định nghĩa và phân tích, đào sâu vào những hoạt động của thiên nhiên và biến kiến thức thu thập thành cách sử dụng của riêng nó.
Tuy nhiên, trong phạm vi tương giao giữa người và người, lý trí đã chứng tỏ sự thất bại đáng tiếc của nó và sự thiếu khả năng giáp mặt với những vấn đề thuộc đời sống xã hội một cách hiệu quả cũng như nó đã giáp mặt với những vấn đề có tính cách tồn tại về sinh học đã gợi lên sự phê bình nghiêm khắc nhất của Krishnamurti. Sự tiến bộ của con người có thể cung cấp những phương tiện cho đời sống lành mạnh và hạnh phúc cho mỗi đứa bé được sinh ra trên thế giới này, thế mà chúng ta đã hủy hoại cả những thứ được sinh ra và chưa được sinh ra một cách thô bạo, tàn nhẫn, bởi vì chúng ta không học biết học cách sống hòa bình và thân thiện với nhau. Đến đây, phải kể đến sự đóng góp lớn lao nhất của Krishnamurti với vấn đề thời đại của chúng ta: không ai trước ông đã phân tích rõ ràng những nguyên nhân cơ bản về những nhược điểm thiếu sót của chúng ta với tư cách là những con người trong xã hội, một cách rộng rãi và sâu xa, cũng như chỉ rõ cách sửa chữa thật chính xác. Chúng ta đã xoay sở, khắc phục để tồn tại như một chủng tộc, nhưng với tư cách những cá nhân chúng ta dễ bị tổn thương một cách đáng sợ, bởi vì chúng ta phải sống thường xuyên trong nguy hiểm vì đồng loại của chính mình. Chúng ta vẫn cần phải học nghệ thuật sống thân thiện và hòa bình, nếu không có nó con người sẽ rơi vào số phận diệt vong, bất luận anh ta có thể thành tựu môn khoa học kỹ thuật nào. Krishnamurti nhắc nhở chúng ta rằng, chúng ta không thể thực hiện bước tiến đơn độc về sự giao tiếp trong xã hội, trừ khi chúng ta tìm thấy giải pháp cho vấn đề thái độ của con người đối với con người. Ông truy nguyên nguồn gốc của sự xung đột xã hội là phát sinh từ cá nhân, từ những nhược điểm thuộc bản chất cá nhân của anh ta, và chỉ rõ rằng nếu chúng ta không biết cách sống với nhau, là do chúng ta không phải là con người hoàn thiện, do chúng ta có quá nhiều tính chất trần tục. Công việc tức khắc và khẩn thiết nhất của chúng ta, do đó, là làm chủ được nghệ thuật tương giao với con người và cũng vì điều này, chúng ta cần phải học và thấu hiểu những hoạt động của tâm trí chúng ta. Tự tri tự giác đến mức độ không bận tâm suy nghĩ đến quá khứ là cách tồn tại duy nhất của chúng ta. Krishnamurti nhắm ngay thời điểm lịch sử của con người khi sự tác động của quyền lực đã đưa tất cả nỗ lực chung của con người đến thất bại : quốc gia được tổ chức hùng hậu nhất giờ đây phải lâm vào tình trạng nguy hiểm ghê gớm nhất. Bị vướng vào vòng luẩn quẩn của sự sợ hãi bị xâm chiếm và sự xâm chiếm bị thúc đẩy do sợ hãi, các quốc gia và dân tộc đều bất lực: chỉ có cá nhân mới có thể hành động. Nhưng để hành động một cách thông minh, anh ta phải tự hiểu biết chính mình, hiểu biết chính tâm trí của anh ta, cơ cấu và hoạt động của nó.
Krishnamurti không tách rời tâm trí với thể xác nhưng xem cả hai cùng là một đơn vị của thần kinh. Do đó, bộ não và hệ thần kinh không cần phải thảo luận riêng. Tuy nhiên, ông đưa ra sự phân biệt giữa tâm trí có tính cách ý thức và nhiều tầng lớp của phần vô thức. Tâm trí ý thức là những gì chúng ta sử dụng trong đời sống tỉnh táo hàng ngày và nó bao gồm sự nhận thức, ký ức, quan niệm, trí tưởng tượng, những xúc động và ham muốn. Tâm trí vô thức được phát hiện mới gần đây, trước tiên với tính cách lý thuyết có liên hệ đến những chứng bệnh thần kinh, kế tiếp như một sự kiện tâm lý, bắt đầu được xem xét bằng những phương pháp thích hợp. Toàn bộ vô thức đều ở bên dưới “ ngưỡng của ý thức ”: chúng ta chỉ có thể ý thức được những thứ ở bên trên ngưỡng mà thôi. Hình ảnh thường được chọn để diễn tả tâm trí là một tảng băng. Mặt nước là ngưỡng; phần rất nhỏ có thể thấy được phía trên là tâm trí ý thức, trong khi phần to lớn chìm sâu bên dưới được tượng trưng cho phần vô thức. Đôi khi Krishnamurti dùng hình ảnh của một củ hành, phần ngoài cùng hay tầng lớp nông cạn tượng trưng cho ý thức trong khi tất cả những tầng lớp bên dưới tượng trưng cho phần vô thức với những chiều sâu thẳm khác nhau. Giữa ý thức và vô thức, ngay bên dưới ngưỡng của ý thức được xem là vùng của tiềm thức, chứa đựng tất cả những khả năng và kiến thức mà chúng ta đã thu thập được. Đó là phạm vi của những khả năng và năng khiếu của chúng ta, không được ý thức hoàn toàn nhưng thể hiện khá dễ dàng khi cần đến. Giữa tiềm thức và vô thức có đường phân chia chính yếu, là những gì có thể được gọi là ngưỡng của sự dồn nén vốn chỉ có thể được xóa bỏ một cách vô cùng khó khăn và thường trong những điều kiện không bình thường. Phần vô thức không chỉ chứa đựng ký ức về mọi thứ đã xảy ra với chúng ta, nhưng cả sự di truyền về sinh học, chủng tộc, quốc gia và gia đình, cũng như những kinh nghiệm đau khổ trong quá khứ, hầu hết đều từ thuở thiếu thời. Ngưỡng ý thức phân biệt được đúng, sai tức khắc ở một khoảnh khắc quyết định và đối với phạm vi đó nó thực hiện chức năng rất hữu ích. Đó là ngưỡng của sự dồn nén vốn là nguyên nhân gây ra bao nhiêu rắc rối bởi vì nó giữ cho nội dung rất lớn của phần vô thức cách xa phần ý thức, mặc dù nó không thể ngăn chặn hoàn toàn phần vô thức ảnh hưởng một cách thật sâu xa lên hành động của chúng ta và đôi khi bất ngờ vượt qua rào cản và xâm nhập vào đời sống trong những hình thức điên rồ khác nhau. Trong những sự dồn nén ít hơn, ý thức xuất hiện ở bề mặt qua những giấc mơ hầu như thể hiện tiêu biểu cho những sợ hãi và thôi thúc thầm kín của chúng ta. Tất cả những sự việc được xem như, chúng ta có thể thừa nhận một cách an toàn rằng chúng ta hiểu biết quá ít về phần vô thức của chúng ta, và thậm chí đến tiềm thức cũng trở thành kém hữu dụng đối với thời gian.

Tảng băng nổi

Krishnamurti nhấn mạnh vào tầm quan trọng của việc phá vỡ bức rào chắn của sự dồn nén và tìm cách đem phần vô thức vào ánh sáng của ý thức. Để đạt được điều này ông khuyên chúng ta nên tiến hành theo cách đặc biệt của riêng ông. Ông bảo chúng ta rằng bức rào chắn không phải là vật cứng rắn khó lay chuyển, nhưng nó giống như một màng mỏng hữu cơ có thể thẩm thấu được. Thật ra, ý thức và vô thức cùng tạo thành một tâm trí và đường phân chia chỉ có tính cách ngẫu nhiên. Bức rào chắn tối tăm làm cho sự ý thức trực tiếp về phần vô thức không thể xảy ra, nhưng nó có thể dần dần đưa phần vô thức vào ý thức bằng tiến trình đơn giản và làm giảm đi tính đối kháng của nội dung ý thức. Điều này, một lần nữa được thực hiện bằng cách ý thức trọn vẹn về toàn bộ nội dung. Trở lại với thí dụ tảng băng, chúng ta có thể thấy được rằng nếu chúng ta làm cho chóp băng tan đi, tảng băng sẽ dần dần nổi lên và nếu tiến trình làm tan chảy ấy được duy trì, sau cùng tảng băng sẽ hoàn toàn biến mất và chỉ còn lại là đại dương. Tiến trình làm tan băng này có thể được xác định bằng một phương thức rất giản dị: một mảnh băng nhỏ có hình dáng như một thấu kính hội tụ hay một chiếc gương lõm sẽ tạo thành một điểm nóng trên tâm điểm của nó và sẽ làm chảy tan ngọn núi băng. Điều này chính xác là những gì Krishnamurti muốn chúng ta làm: tạo ra trong tâm trí ý thức một tâm điểm của sự Tỉnh thức mạnh mẽ, của sự ý thức trọn vẹn về nội dung của nó và ngắm nhìn nội dung ấy tan biến đi và nội dung mới phát sinh cũng sẽ lần lượt tan biến theo diễn tiến của nó. Tiến trình này được tiếp tục một cách chuyên cần và nhẫn nại, sẽ làm tiêu mòn những rào cản chướng ngại giữa ý thức và vô thức, và sẽ giải thoát chúng ta khỏi sự khống chế của phần vô thức, còn nguy hiểm hơn nhiều vì không được hiểu biết.

Dịch giả : MỸ LIÊN
(Trích từ quyển ” Krishnamurti và cơ cấu của thực tại ” cúa A.D Dhopeshwarkar, giáo sư khoa Triết học Tây phương.)

Nguồn: banmaihong.wordpress.com