Sân Khấu Cuộc Đời

...Trong tục đế, cái ta hình thành do những quy định theo mối quan hệ xã hội, nó giống như đóng một số vai nào đó trong một vở kịch thôi, như vậy chỉ cần con đóng cho đúng vai trong kịch bản mà cuộc đời đã dàn dựng là đạt rồi. Nghĩa là ở đời thì con phải sống đúng với vai trò của mình như Khổng Tử nói trong thuyết chính danh: Vua ra vua, tôi ra tôi, cha ra cha, con ra con, vợ ra vợ, chồng ra chồng v.v... Vậy nếu con tranh đấu vì lẽ phải, vì bình đẳng pháp luật, vì tự do tín ngưỡng... đúng với quy định của xã hội thì đó là con đã đóng đúng vai của mình trên sân khấu cuộc đời...

                                 
                                   

Kính bạch thầy,

Đầu thư con kính cúi đầu đảnh lễ thầy với lòng tôn kính và biết ơn.
Kính thưa thầy, hai năm qua, được gặp lại thầy, con đã sống và làm theo lời thầy dạy. Thời gian qua con vẫn lên trang web của thầy để đọc thư văn và mục hỏi đáp, đồng thời con cũng download pháp thoại vào điện thoại di động để nghe mỗi ngày. Dần dần con cũng thâm nhập được những bài pháp mà thầy đã giảng. Con những tưởng con đã hiểu và thực hành đúng những gì thầy dạy, thế nhưng hôm nay khi hữu sự, con mới thấy con không thể tự tại như lời thầy đã nói. Và con chợt nhận ra rằng, trong sự tu tập của con, tâm từ là thứ đầu tiên thầy đã dạy cho con, con vẫn chưa hiểu hết, con vẫn chưa làm được, chưa buông bỏ được bản ngã sân si mà bao lâu nay con nghĩ mình đã thực sự buông được.
Kính bạch thầy. Hôm lên chùa trai tăng làm lễ quy y cho bé Diệu Thủy, lòng con vô cùng cảm xúc. Bé là niềm vui, là nguồn an lạc của con trong cuộc sống hằng ngày. Bé được thầy đặt pháp danh Diệu Thủy, như một dòng nước huyền diệu tưới vào tâm hồn con. Thế nhưng thưa thầy, con những tưởng như vậy là con đã tự tại sống hạnh phúc trong cõi đời giả tạm này, lấy công việc làm nguồn vui, lấy bé Diệu Thủy làm niềm an lạc cho tâm hồn. Nhưng rồi sự việc xảy ra,  gia đình con và sui gia, tức bên nội của Diệu Thủy, không được vui vẻ. Sau đám cưới, mẹ của Diệu Thủy vì công việc làm ăn, không thể ở làm dâu nhà chồng. Nay nghe bé được quy y, bà nội của bé buộc con trai mình, là cha của bé, phải đem Diệu Thủy đi rửa tội ở nhà thờ Thiên Chúa. Dĩ nhiên là con nhất định không đồng ý. Con đã đem ra những lý do tích cực để phản đối mà lý do hùng hồn nhất là Diệu Thủy đã quy y Phật, không thể đi theo một tôn giáo nào nữa; lý do thứ hai, con là người nuôi dạy chăm sóc nó, cho đến hết cuộc đời con và chuyện đó phải do con quyết định. Dĩ nhiên là cha mẹ bé Diệu Thủy nghe theo lời con.
Kính bạch thầy, tuy rằng con đã toại nguyện theo như ý con, nhưng sao con cảm thấy bất an. Phải chăng cái bản ngã sân si vẫn còn tồn tại trong con? Con vẫn biết pháp tu thầy dạy là phải sống tùy duyên thuận pháp vô ngã vị tha, nhưng thưa thầy, con vẫn không buông bỏ được cái bản ngã sân si đó. Con là một Phật tử đã học và đang hành theo pháp của thầy, con đã cư xử như một người chưa biết đạo là gì, con đã sai phải không thầy? Dù bây giờ thầy có khuyên con cho Diệu Thủy đi rửa tội ở nhà thờ thì con cũng chưa hẳn đã vui lòng. Con cúi đầu đảnh lễ thầy để xin nhận mọi tội lỗi! Thầy ơi, con phải làm sao đây??? Con rất buồn khi chợt nhận ra con vẫn chưa thực hành được chữ Buông của thầy. Sự việc là như vậy, nay con xin trình bày với thầy. Xin thầy khai sáng cho con, trong việc tu tập, con phải làm thế nào cho đúng lời thầy dạy, hợp theo lẽ đạo mà không làm tổn thương mình, tổn thương người. Con xin đảnh lễ thầy với lòng tôn kính và biết ơn vô hạn.
Kính

Con, Diệu Từ.




Diệu Từ con,

Con đừng tự trách mình. Cái ta tuy là ảo tưởng nhưng rất khó diệt, chỉ cần thấy ra nó là tốt lắm rồi, còn có lúc buông được có lúc không là tùy vào tình huống dễ dàng hay phức tạp. Cái ta rất vi tế nên không phải nói buông là có thể buông được ngay, thậm chí lắm khi trong thái độ buông vẫn còn có cái ta ẩn núp.
Thấy tức là buông, chứ không có ý chí buông, nếu để ý chí xen vào tức trong buông còn bản ngã. Thấy với tâm rỗng lặng trong sáng gọi là buông, vì tánh thấy vốn vô ngã. Buông được hay không buông được tùy vào tâm thấy biết sáng tỏ hay khuất lấp. Trong chân đế, tất cả pháp đối tượng của thấy biết vốn sẵn là vô ngã, chỉ còn tâm thấy biết có bị cái ta ảo tưởng che lấp hay không mà thôi. Vậy buông là buông thái độ chủ quan lệch lạc che lấp thấy biết, còn buông đối tượng được thấy biết hay không không phải là vấn đề.
Trong tục đế, cái ta hình thành do những quy định theo mối quan hệ xã hội, nó giống như đóng một số vai nào đó trong một vở kịch thôi, như vậy chỉ cần con đóng cho đúng vai trong kịch bản mà cuộc đời đã dàn dựng là đạt rồi. Nghĩa là ở đời thì con phải sống đúng với vai trò của mình như Khổng Tử nói trong thuyết chính danh: Vua ra vua, tôi ra tôi, cha ra cha, con ra con, vợ ra vợ, chồng ra chồng v.v... Vậy nếu con tranh đấu vì lẽ phải, vì bình đẳng pháp luật, vì tự do tín ngưỡng... đúng với quy định của xã hội thì đó là con đã đóng đúng vai của mình trên sân khấu cuộc đời. Cái ta này thay đổi như thay đổi vai diễn nên con chỉ cần nhận thức ra nó và làm cho đúng để nó không biến thành cái ta ảo tưởng là được chứ không cần phải buông nó làm gì, buông nó có khi lại sai đấy. Một vị Thánh tuy không còn cái ta ảo tưởng nhưng vẫn phải nhập đúng vai cái ta xã hội quy định. Điều này gọi là tùy thuận chúng sanh. Chính đời sống tục đế này giúp con nhận thức được thế nào là cái sai cái đúng theo mặc định thế gian, để biết tự điều chỉnh hành vi luân thường đạo lý giữa cuộc đời. Rồi qua đó con mới thấy được đâu là vô ngã, đâu là cái ta ảo tưởng, đâu là cái ta giả định để biết cách đối nhân xử thế.
Thầy nghĩ đây là một bài học tốt để con thấy rõ hơn nhiều mặt của cái ta. Trước đây khi vô sự con thấy dường như đã buông được cái ngã, nhưng qua sự kiện này con thấy đó cũng chỉ là một loại ảo tưởng khác của cái ta mà thôi! Đừng vì vậy mà tự ti mặc cảm, đó không phải là một phát hiện tốt hay sao? Cứ hàng ngày mà con phát hiện ra một bộ mặt mới của cái ta thì chẳng bao lâu sẽ không còn cái ta nào để phát hiện nữa, chẳng phải lúc đó tâm con hoàn toàn rỗng lặng trong sáng hay sao?
Còn việc cháu Diệu Thủy nhân duyên như vậy thì cứ tạm thời để như vậy, chờ đến khi cháu lớn lên, theo thầy thì nên để cháu tự do chọn lựa tín ngưỡng của mình, không nên ép cháu phải theo tôn giáo của ông bà để lại. Chúc con lấy lại được niềm tin nơi Pháp.

Thầy Viên Minh


Thư thầy trò (25)
Tác giả: Viên Minh - Diệu Từ