Bậc Thánh hành động mà không tạo tác - Người Con Thật Sự của Ðức Phật


Thưa Thầy, Pháp Thầy dạy là không lăng xăng tạo tác bất cứ điều gì, khi chưa ai hỏi thì không nên nói đúng không ạ? Chuyện gì đến thì mình tùy duyên chánh niệm tỉnh giác, không khởi vọng niệm phản ứng lung tung, nhưng mà thỉnh thoảng con có chánh niệm mới biết điều đó, còn bản tính con rất hay nói, hay đánh giá cái này cái kia. Sau khi nói xong rồi một lúc con mới biết mình mất chánh niệm, vậy con phải làm sao để mình không khởi vọng động tạo tác ạ?
Trả lời: Khi không chánh niệm thì biết không chánh niệm, khi buông lung phóng dật biết có trạo cử phóng tâm, khi vọng niệm biết là không tỉnh giác...
Cứ vậy con thường biết mình thì dần dần con sẽ thấy rõ mọi hoạt động của thân thọ tâm pháp, lúc đó con sẽ không còn phóng túng thất niệm nữa. Nếu con thường trở về trọn vẹn trong sáng với chính mình bằng cách thường thận trọng chú tâm quan sát thân tâm thì con có thể hành động mà vẫn chánh niệm tỉnh giác được. Hành động vô ngã tự nhiên khác với tạo tác hữu ý của bản ngã. Thí dụ, đói thì ăn, khát thì uống khác với ăn uống theo ham muốn. Không tạo tác không có nghĩa là không hành động. Hành động thể hiện trọn vẹn tại đây và bây giờ, còn tạo tác là có ý đồ trở thành một cái gì khác. Tạo tác cũng có hai loại: Thiện và bất thiện. Khi cần tạo tác thì nên tạo tác theo nhu cầu thiết yếu của đời sống một cách lương thiện, không hại mình hại người, chứ không nên vọng động tạo tác với chủ ý bất thiện. Bậc Thánh hành động mà không tạo tác nên gọi là duy tác.

 Hỏi Đáp: Trung Tâm Hộ Tông
      

                        
Sadadaw U Pandita 
       
 ...Thánh nhân là người trong sạch thanh tịnh, có tư cách thanh cao, đã đạt được một trong bốn mức giác ngộ...

Người Con Thật Sự của Ðức Phật

Một lợi ích khác của bậc Tu Ðà Huờn là trở thành người con thật sự của Ðức Phật. Nhiều người có lòng nhiệt thành với Tam Bảo, họ có đức tin mạnh mẽ, hàng ngày cúng dường Phật, Pháp, Tăng. Nhưng nếu hoàn cảnh thay đổi, họ sẵn sàng từ bỏ đức tin. Họ sẽ tái sanh mà không có đức tin. Một người có thể rất trong sạch, có thiện tâm trong kiếp này, nhưng sẽ trở thành một kẻ vô lại ở kiếp tới. Không có một bảo đảm nào trừ khi đạt được đạo quả thứ nhất và trở thành một người con trai hay con gái thực sự của Ðức Phật.
Trong Thanh Tịnh Ðạo dùng chữ orasa putta với nghĩa là một đứa con chính thức, đứa con trưởng thành. Putta thường dịch là con trai, nhưng thực ra đây là một chữ tổng quát để chỉ con cháu bao gồm cả con gái. Theo Thanh Tịnh Ðạo thì vị Tu Ðà Huờn có được hàng trăm lợi ích. Thật vậy, lợi ích của vị Tu Ðà Huờn vô số kể. Vị Tu Ðà Huờn hoàn toàn dính liền với giáo pháp, nhiệt tâm, hoan hỉ trong khi nghe chân pháp và có thể hiểu rõ giáo pháp thâm sâu mà người thường khó hiểu nổi. Khi nghe một bài pháp được thuyết giảng đúng cách, vị Tu Ðà Huờn tràn đầy hỉ lạc.
Và bởi vì vị Tu Ðà Huờn đã bước vào dòng suối, hay nhập lưu, tâm của vị Tu Ðà Huờn luôn luôn trú trong giáo pháp. Trong khi hành xử bổn phận của mình đối với thế gian, vị Tu Ðà Huờn như con bò mẹ đang ăn cỏ nhưng vẫn luôn luôn trông chừng chú bê con. Tâm của vị Tu Ðà Huờn hướng về giáo pháp nhưng các Ngài không quên trách nhiệm đối với thế gian. Vị Tu Ðà Huờn đạt được sự định tâm dễ dàng nếu các Ngài có sự Tinh tấn thích hợp trong lúc hành thiền với ước muốn tiến xa hơn trên chánh đạo.

Chiếc Xe Cho Mọi Người, Chiếc Xe Không Bao Giờ Hư Hỏng

Ðức Phật kết luận bài pháp bằng cách nói rõ ràng rằng bất kỳ ai biết điều khiển chiếc xe này đều đạt được kết quả, không phân biệt nam, nữ. Chiếc xe giải thoát này thích hợp cho tất cả mọi người.
Ở thời đại văn minh tân tiến này, chúng ta có rất nhiều loại xe tân kỳ, và càng ngày càng có nhiều phát minh mới trong lãnh vực chuyển vận. Con người có thể du hành bằng đường bộ, đường thủy hay đường hàng không. Một người bình thường có thể đi vòng quanh thế giới một cách dễ dàng. Con người đã đi bộ trên mặt trăng. Phi thuyền đã đến những hành tinh khác và có thể vượt xa hơn.
Dầu cho phi thuyền có thể vượt qua không gian đi nữa, nhưng cũng không thể đưa bạn đến Niết Bàn. Nếu thật sự có chiếc xe đến được Niết Bàn thì tôi rất hân hoan có được một chiếc như vậy. Tuy nhiên, tôi chưa được nghe quảng cáo hay một lời bảo đảm nào về một chiếc xe kỳ diệu có thể đưa người đến Niết Bàn như vậy.
Dầu cho kỹ thuật khoa học có tiến bộ đến đâu cũng không thể có được một phương tiện chuyên chở bảo đảm an toàn tuyệt đối. Tai nạn xảy ra thường xuyên trên đất liền, trên biển cả và trong không gian. Nhiều người đã chết vì các tai nạn này. Tôi không cho rằng các phương tiện chuyên chở đem lại lợi ích, nhưng tôi muốn nói rằng các phương tiện này vẫn chưa bảo đảm an toàn. Chỉ có chiếc xe Bát Chánh Ðạo mới bảo đảm an toàn một trăm phần trăm. .. ... Chiếc xe này đưa ta đến một nơi tuyệt diệu và vô giá. ..
... Bạn phải dùng Tinh tấn để giữ hai bánh xe lăn đều. Bạn phải dùng Chánh Niệm để tạo nên thùng xe. Bạn phải dùng hổ thẹn và ghê sợ tội lỗi gắn chặt ghế tựa lưng. Bạn phải huấn luyện cho tài xế lái xe thẳng hướng. Cuối cùng, sau khi qua nhiều tầng tuệ minh sát, bạn phải làm chủ chiếc xe Tu Ðà Huờn đạo. Khi chiếc xe trở thành của sở hữu của bạn, bạn sẽ đến Niết Bàn một cách êm thắm, dễ dàng.
Một khi chiếc xe Tu Ðà Huờn hoàn thành, nó sẽ không bao giờ bị giảm giá hay hư hỏng. Chiếc xe này khác hẳn những chiếc xe khác vì nó không cần xăng nhớt, dầu mỡ, và cũng chẳng cần sửa chữa hay thay thế bộ phận nào cả. Càng dùng lâu, chiếc xe càng trở nên ưu mỹ hơn. Xe không bao giờ bị tai nạn. Khi đi trên xe này, bạn được bảo đảm an toàn một trăm phần trăm.
Bao lâu còn sống trên thế gian này, chúng ta còn bị thăng trầm theo cuộc sống. Lúc êm đềm vui vẻ, khi đau khổ nhọc nhằn. Người làm chủ chiếc xe Tu Ðà Huờn sẽ lướt êm trên đường gập ghềnh và không quá phấn khích say mê khi đi trên đường bằng phẳng. Chiếc cổng dẫn đến khốn cùng đã đóng. Xe thẳng tiến đến Niết Bàn. Không thể dùng đủ ngôn từ để ca ngợi chiếc xe kỳ diệu này, nhưng chắc chắn rằng người nào hoàn thành và làm chủ chiếc xe này thì sẽ đạt được ước nguyện thanh cao của mình... 

Cổng Khốn Cùng Ðã Ðóng

Chiếc xe giáo pháp được Ðức Phật trưng bày lần đầu tiên trong bài pháp thuyết cho năm vị Kiều Trần Như tại vườn Lộc Giả cách nay trên hai ngàn năm trăm năm. Bài pháp này về sau được gọi là Kinh Chuyển Pháp Luân.
Trước khi Ðức Phật xuất hiện, thế gian sống trong tăm tối, ngu muội, không biết gì đến Bát Chánh Ðạo. Nhiều nhà ẩn cư, đạo sĩ, triết gia, thông thái, mỗi người đều nắm giữ quan điểm, lý luận, tư tưởng, lý thuyết, học thuyết riêng về chân lý. Thời bấy giờ, một số lý thuyết gia cho rằng Niết Bàn là hạnh phúc của dục lạc ngũ trần. Bởi thế họ đắm chìm trong thú vui vật chất. Một số khác khinh bỉ thái độ này và phản ứng lại bằng chủ trương ép xác khổ hạnh, không cho thân thể hưởng thụ các dục lạc và xem sự ép xác khổ hạnh là nỗ lực thánh thiện. Nói chung, chúng sanh sống trong mê muội. Họ không đến gần chân lý. Bởi thế, sự tin tưởng và hành động của họ có tính cách võ đoán. Mỗi người có quan điểm, tư tưởng riêng, dựa vào đó họ làm rất nhiều chuyện khác nhau.
Ðức Phật từ bỏ cả hai, lợi dưỡng và khổ hạnh. Ðạo của Ngài là trung đạo, không nghiêng về một thái cực nào. Ngài trình bày Bát Chánh Ðạo khiến chúng sanh có đức tin chân chánh. Ðức tin chân chánh phát sinh vì chân lý đã được hiển bày. Ðây là loại đức tin dựa trên chân lý thực tại chứ không phải chỉ là những lý thuyết, tư tưởng suông phát sinh từ ý niệm vô căn cứ. Ðức tin có một ảnh hưởng lớn lao đối với tâm. Bởi thế, Ðức tin là một trong Ngũ căn. Nhờ có đức tin mới có Tinh tấn. Ðức tin làm khởi sinh động cơ thực hành và trở thành căn bản của mọi pháp khác như Niệm, Ðịnh và Huệ. Lúc giảng dạy Bát Chánh Ðạo lần đầu tiên cho năm thầy Kiều Trần Như, Ðức Phật đã nói đến sự quan trọng của ngũ căn: tín, tấn, niệm, định, huệ. Những lời dạy của Ngài kích động tâm chúng sanh, và nhờ thế, chân tự do và hạnh phúc đến trong tầm tay của họ.
Cầu mong các bạn có được một đức tin chân thành và thâm sâu vào pháp hành thiền. Ước mong đây là bước căn bản giúp các bạn đạt được mục tiêu tối hậu giải thoát.

Trích: (Phần II)
Ngay trong kiếp sống này
Tác Giả: Sadadaw U Pandita
Dịch Giả: Khánh Hỷ

Nguồn: http://trungtamhotong.org/NoiDung/ThuVien/NgayTrongKiep/NTKSN13.htm