Đời sống hàng ngày mới là môi trường tu tập tốt nhất


                            

...Biết sống tuỳ duyên thuận pháp vô ngã vị tha mới gọi là sống đúng tốt. Sống đúng là nhờ nhận thức đúng, sống tốt là nhờ hành vi tốt, vì vậy thường điều chỉnh thái độ nhận thức và hành vi trong đời sống thực tế hàng ngày thì khi nhận thức hoàn toàn đúng gọi là Minh Túc, và hành vi hoàn toàn tốt gọi là Hạnh Túc...( Viên Minh)
- Bạn chẳng phải cần đi vào rừng sâu núi thẳm hay hang động âm u để tìm kiếm giáo pháp. Giáo pháp nằm ngay ở tâm bạn. ( Ajahn Chah)

Sống tuỳ duyên thuận pháp vô ngã vị tha mới gọi là sống đúng tốt. 




Thưa Thầy, con mong Thầy chỉ giúp cho con pháp môn tu tập làm sao cho phù hợp và tiến tới bước đường tu đạt kết quả viên mãn. Con làm việc về nhà hàng. Sáng con làm từ 10h - 14h, chiều làm từ 17h - 22h. Con làm hai ca. Thường ngày con vừa làm việc con vừa niệm danh hiệu Phật Adida, Phật Bổn Sư Thích Ca và Chư Bồ Tát. Tối về con hay nghe pháp, thi thoảng con cũng có Tụng Kinh và Nghe kinh. Nhưng con không thấy mình tiến bộ lắm trong bước đường tu làm sạch thân tâm của mình. Vậy con rất mong thầy cho con biết được một pháp môn tu tập nào thích hợp nhất với con. Con xin cám ơn Thầy. Nam mô Hoan Hỉ Bồ Tát Ma Ha Tát.

Trả lời:


Tụng kinh, nghe kinh, Niệm Phật là pháp hỗ trợ cho việc sống đúng tốt. Nhưng biết sống tuỳ duyên thuận pháp vô ngã vị tha mới gọi là sống đúng tốt. Sống đúng là nhờ nhận thức đúng, sống tốt là nhờ hành vi tốt, vì vậy thường điều chỉnh thái độ nhận thức và hành vi trong đời sống thực tế hàng ngày thì khi nhận thức hoàn toàn đúng gọi là Minh Túc, và hành vi hoàn toàn tốt gọi là Hạnh Túc, vì vậy Đức Phật có đức độ hoàn hảo gọi là Minh Hạnh Túc (Vijjà-carana-sampanno).
Đời sống hàng ngày mới là môi trường tu tập tốt nhất. Thí dụ con làm việc trong nhà hàng với tâm phục vụ mọi người là đang tập sống với đức tính vô ngã vị tha, và khi làm việc con thường thận trong chú tâm quan sát mình trong bối cảnh công việc, không để tâm lang thang trong vọng tưởng mà luôn trờ về trọn vẹn trong sáng với chính mình, như vậy là con đang sống tuỳ duyên thuận pháp. Tuỳ duyên là tuỳ hoàn cảnh, tuỳ công việc hay tuỳ điều kiện sẵn có, thuận pháp là sống sáng suốt, định tĩnh, trong lành (qua sự thận trọng, chú tâm, quan sát và khi phân tâm biết trở về trọn vẹn trong sáng với chính mình trong hiện tại). Nếu con làm được như vậy, con sẽ thấy tiến bộ trong tu tập một cách kỳ diệu.

 Hỏi Đáp: www.trungtamhotong.org

                     


Sống giữa đời thường


Bạn chẳng phải cần đi vào rừng sâu núi thẳm hay hang động âm u để tìm kiếm giáo pháp. Giáo pháp nằm ngay ở tâm bạn. Giáo pháp có ngôn ngữ của kinh nghiệm. Giữa kinh nghiệm và khái niệm có sự khác biệt lớn lao. Người nào nhúng tay vào nước nóng cũng đều cảm thấy nóng. Cảm giác nóng này có thể được diễn tả qua nhiều ngôn ngữ khác nhau. Cũng vậy, người nào nhìn sâu vào tâm cũng đều có kinh nghiệm tương tự. Trình độ văn hoá, địa vị, ngôn ngữ chẳng ảnh hưởng gì đến kinh nghiệm này. Nếu tâm mỗi người đều đạt đến chân lý thâm diệu, đạt đến giáo pháp thì tất cả trở thành một đại gia đình, trở thành cha mẹ, anh chị em của nhau. Được như thế bởi vì tất cả đều nếm hương vị tinh túy của tâm. Con người có hình dáng khác nhau, có bề ngoài khác nhau, nhưng hương vị tinh túy của tâm thì giống nhau.

Chúng ta có thể học giáo pháp từ cây cối. Cây sinh ra có nguyên nhân và tăng trưởng theo tiến trình tự nhiên cho đến khi nở nụ, đơm hoa và kết trái. Ngay tại đây, cây giảng dạy giáo pháp cho chúng ta, nhưng chúng ta không hiểu. Chúng ta không đưa chúng vào trong để quán xét, vì thế chúng ta không hiểu cây đang dạy giáo pháp cho chúng ta. Khi trái xuất hiện, chúng ta chỉ biết ăn, mà không hề nhận thức rằng vị ngọt, chua là bản chất của trái cây, và đó là giáo pháp, là lời giảng dạy của trái cây. Tiếp đó lá vàng rồi rụng, chúng ta dẫm lên lá, quét lá, chỉ có thế thôi, mà chẳng tìm hiểu sâu xa. Bởi thế không biết được thiên nhiên đang dạy ta. Về sau đến lúc cây đâm chồi nẩy lộc, lá non xuất hiện, ta cũng chỉ đơn thuần nhìn qua. Đó không phải là chân lý được tìm thấy qua những phản tỉnh và suy tư bên trong. Nếu chúng ta biết đem tất cả vào trong và suy xét, chúng ta sẽ thấy sự sinh của cây và sự sinh của ta chẳng có gì khác biệt, cơ thể chúng ta được sinh ra và tồn tại, tùy thuộc vào điều kiện, tùy thuộc vào các yếu tố đất, nước, gió, lửa. Mỗi một bộ phận trong cơ thể của chúng ta biến đổi tùy theo bản chất của nó chẳng có gì khác biệt với cây cối. Thân, cành, hoa, lá, trái... tất cả đều biến đổi. Tóc, lông, móng, răng, da... tất cả đều biến đổi. Nếu chúng ta hiểu bản chất tự nhiên của sự vật, chúng ta sẽ hiểu chính mình.


Ajahn Chah


Trích: Chỉ là một cội cây
Sư Khánh Hỷ dịch