Ngõ vào Thiền

Bạn có thể vào thiền bất cứ ngõ nào, vì toàn thể đời sống là một sự thiền định sâu xa: núi đồì, trăng sao, hoa lá, cây cỏ, toàn trái đất đều đang nhập định. Bất cứ sự vật gì cũng có thề trở thành ngõ vào thiền. Chính vì vậy mà có rất nhiều kỹ thuật, rất nhiều giáo phái. Và cũng chính vì vậy mà tôn giáo này không hiểu tôn giáo kia – vì họ nhập đạo bằng những ngõ khác nhau. Đôi khi có những người mà bạn sẽ không nhận ra là họ có “tôn giáo” mặc dù họ vẫn có một niềm tin , sự nhiệt thành của người theo một tôn giáo …

***

Sri Aurobindo nói: toàn thể đời sống là Du già (Yoga). Đúng thế, mọi sự có thể trở thành một pháp thiền. Và bạn chưa thực sự thiền định, khi bạn chỉ ngồi thiền một lúc nào đó trong ngày, khi bạn không biến mọi chuyện thành thiền pháp. Thiền không chỉ là một phần trong đời bạn mà là một phẩm chất của đời bạn, như hơi thở. Bạn muốn tiếp tục thở, dù bạn đang làm bất cứ việc gì, chứ không thể khi thở khi không.
Thiền là một hơi thở tâm linh. Cũng như thân thể đang thở không khí, tâm bạn cũng có thể thở với ý thức tỉnh giác. Và khi bạn hít vào thở ra với ý thức thì bạn không chỉ là một thân xác vật lý , mà từ đó có một sự thở “cao cấp” , nghĩa là thở trong tỉnh thức , hít thở chính sự sống . Khi ấy bạn đi vào một lĩnh vực khác, gọi là lĩnh vực siêu hình.
Sự thở của bạn là vật lý, còn thiền định, ý thức tỉnh giác –awareness-là siêu hình. Bạn không thể chỉ ngồi thiền vào buổi sáng, rồi quên tuốt chuyện ấy vào buổi chiều. Bạn không thể đí vào một ngôi chùa để thiền, rồi ra khỏi chùa là hết thiền. Ấy là làm một điều giả dối. Bạn có thể vào chùa rồi đi ra nhưng không thể vào thiền rồi đi ra. Khi đã “vào” thiền, thì kể từ ấy, dù bạn đi đâu, thiền sẽ luôn luôn đi theo chân bạn.
Lại nữa, bạn có thể vào thiền từ bất cứ ngõ nào, vì toàn thể đời sống là một thiền định sâu xa: núi đồi, trăng sao , hoa lá , cây cỏ ,toàn trái đất đều đang nhập định . Bất cứ sự vật gì cũng có thể trở thành ngõ vào thiền. Chính vì vậy mà có rất nhiều kỹ thuật , rất nhiều giáo phái . Và cũng chính vì vậy mà tôn giáo này không hiểu tôn giáo kia – vì họ nhập đạo bằng những ngõ khác nhau. Đôi khi có những đạo , thậm chí không mang tên là “đạo” , bạn sẽ không nhận ra là họ có “tôn giáo” mặc dù họ vẫn có một niềm tin. Sự nhiệt thành của kẻ chỉ theo một tôn giáo. Ví dụ một nhà thơ Thi nhân có thể đi vào thiền định, không cần đến bậc thầy nào, cũng không đi chùa, và hoàn toàn không được xem là người có tôn giáo. Nhưng ông ta có thể “nhập đạo” bằng thơ văn, bằng tính sáng tạo trong mình. Hoặc một người thợ gốm cũng có thể nhập thiền, chỉ nhờ nắn đồ gốm. Mỗi ngành nghề đều có thể trở thành một cổng vào đạo. Người bắn tên, người làm vườn, hay bất cứ ai cũng có thể vào đạo từ khắp mọi hướng. Bất cứ điều gì bạn làm cũng có thể trở thành ngõ vào đạo. Nếu việc làm của bạn có phẩm chất của tỉnh giác trách nhiệm
Vậy thì hành vi, kỹ thuật, phương pháp không quan trọng bằng ý thức tỉnh giác mà bạn đặt vào mỗi hành vi mình làm.
Kabir, một đạo sĩ Ấn vốn là thợ dệt, sau khi đắc đạo, ông vẫn dệt áo. Nhưng đồ đệ thường bảo ông: “Xin thầy nghỉ ngơi đi, chúng con sẽ cúng dường bất cứ gì thầy cần”. Ông cười lớn và bảo: “Việc ta làm không phải là dệt. Dệt chỉ là hành vi bên ngoài, đồng thời trong ta, đang tiếp tục một việc mà các con không thể thấy: Đấy là thiền định của ta”. Và một đạo sĩ khác , Gora ,vốn là một thợ gốm . Ông nắn những bình đất , và khi bình được xoay quanh trục thì trong tâm ông cũng đang tập trung vào chánh niệm tỉnh giác . Chiếc bình đực tạo ra chỉ là sản phẩm phụ . Ông ta đang sáng tạo chính mình , qua việc nắm đồ gốm. Paul Valéry nói : “ Tout homme crée sans la savoir – Mais l`artiste se sent crée – son acte engage tout son être – Et la souffrance le fortifie”.

Tạm dịch :

Mọi người sáng tạo, nhưng ai nào tự biết ?
Nghệ sĩ thấy mình sáng tạo từng giây
Sống hết mình cho mỗi một hành vi
Và đau khổ biến thành nguồn nghị lực.


Đạo sĩ chính là nghệ sĩ của nghệ thuật “ Sống cho ra hồn”.

Khi thiền định, ta chỉ thấy mình như một làn sóng trên đại dương cuộc đời. Nói cho cùng thì chỉ có biển hiện hữu mà thôi. Không thể có những làn sóng mà không có biển. Sóng chỉ là hiện tượng, mà biển là thực chất.
Ngôn ngữ đã tạo nhiều rắc rối. Vì ta nói “một làn sóng” nên có vẻ như sóng là một cái gì đó thực chất. Lẽ ra nên nói “dậy sóng” thì hơn : vì đấy là một chuyển động, không phải một vật thể. Biển có thể lặng yên hay chuyển động , nhưng không thể nào có một làn sóng lặng yên .Lại nữa , sóng nổi lên như những cá nhân riêng lẻ , có lớn có nhỏ khác nhau , có sóng này đang lên thì sóng khác đang xuống , nhưng thực tại là biển cả đằng sau chúng thì chỉ là một ; và những làn sóng đều tương quan lẫn nhau , dù chúng có vẻ tách rời .
Chúng ta cũng chỉ là những làn sóng trên đại dương vũ trụ. Hơi thở vào của mỗi người là hơi thở ra của người khác, của cây cối và mọi sinh vật khác. Trong ta có toàn thể mọi người, mọi sự .Tính cá nhân, riêng rẽ chỉ là huyễn hoặc.., mê lầm. Bởi thế, chấp ngã là chướng ngại duy nhất, và mọi tôn giáo đếu lên án thai độ ích kỷ, chỉ biết có mình. Nói rằng không có thượng đế cũng không sao, nhưng bảo “chỉ co tôi quan trọng” là thái độ phi tôn giáo.
Đức Phật là một người không tin vào một ông thượng đế nào cả. Vậy nếu bạn không tin thượng đế thì điều đó không phải là yếu tố cơ bản cho tinh thần tôn giáo, mà vô ngã mới là cơ bản. Và cho dù bạn có tin thượng đế mà tâm bạn ích kỷ thì cũng là phi tôn giáo. Với tâm vô ngã thì không cần tin thượng đế, vì tâm ấy tự nhiên là rất thánh thiện.
Hãy nhớ biển cả mà bỏ qua làn sóng. Vì mỗi khi khởi sự giống như một làn sóng cá nhân, ta đang làm quấy và sẽ tạo ra đau khổ vì đã chống lại quy luật phổ quát .Đấy là ý nghĩa về nghiệp báo trong đạo Phật.■

Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo số 15

THÍCH NỮ TRÍ HẢI