Hai cuộc đàm luận : "Thưa Thầy, Hạnh phúc là gì?"


1. Thưa Thầy, Hạnh phúc là gì? (Viên Minh - Như Quỳnh)

Sau chuyến đi Flamingo Đại Lải Resort tham dự buổi nói chuyện của Thầy Viên Minh, Thầy trụ trì chùa Bửu Long tại thành phố Hồ Chí Minh hồi tháng 4/2012, chị Trương Thị Như Quỳnh (Công ty IDT) đã chia sẻ với mọi người những điều mà bản thân thấy tâm đắc quan điểm của Thầy về Hạnh phúc. 
"Mỗi câu hỏi và trả lời là những nội dung mà mình rất tâm đắc. Và, có lẽ, phải suy ngẫm và thực hành nó nhiều năm, nhiều kiếp nữa…", chị chia sẻ. 



Thưa Thầy, Hạnh phúc là gì?
Khi có nhận thức đúng và hành vi tốt thì sẽ hạnh phúc. Hạnh phúc là thái độ chứ không phải là trạng thái.

Thưa Thầy, làm sao biết được mình có nhận thức đúng hay không?
Thứ nhất, phải nhận thức chính trên bản thân sự việc đó. Thứ hai, khi mình sáng suốt, định tĩnh, trong lành. Có hai cái đó, thì sẽ có nhận thức đúng.

Thưa thầy, như thế nào là nhận thức chính trên bản thân sự việc?

Nhận thức ngay trên yếu tố thực đang diễn ra. Nhận thức sự thực như nó là.

Thưa thầy, làm thế nào để nhận thức được sự thực như nó là và sáng suốt, định tĩnh, trong lành? 

Khi tâm rỗng lặng, trong sáng thì mình sẽ sáng suốt, định tĩnh, trong lành. Tâm rỗng lặng, trong sáng là bản chất của mỗi chúng ta. Tham, sân, si và tâm trí lăng xăng đã che khuất mất bản chất thật này. Chỉ cần buông bỏ tham, sân, si, tâm rỗng lặng, trong sáng sẽ hé lộ. Tâm rỗng lặng, trong sáng sẽ bắt được những thông tin chính xác của cuộc sống (nhìn nhận sự thực như nó là).

Thưa thầy, hạnh phúc để làm gì? 

Thực ra, cho dù là hạnh phúc hay khổ đau thì đều không quan trọng. Quan trọng là thông qua cuộc sống, mình học được bài học gì và nhận ra đâu là ý nghĩa, bản chất thật của cuộc sống.

Thưa thầy, vậy đây là ý nghĩa thực của cuộc sống?

Cuộc sống là trường học, thông qua các sự kiện dẫn đến trải nghiệm, từ đó rút ra bài học. Nhờ bài học, nội tâm mình sẽ trở nên thanh tịnh hơn, dần trở về với tâm rỗng lặng, trong sáng. Mọi sự kiện diễn ra đều là phép thử xem nội tâm của mình đã thanh tịnh chưa. Nếu chưa đủ thanh tịnh, thì cuộc sống vẫn còn hữu ích.

- Thưa Thầy, nội tâm thanh tịnh để làm gì?

Gốc của Tâm chúng ta là thanh tịnh từ khi mới sinh ra. Tuy nhiên, chúng ta không ý thức được điều đó. Giống như chúng ta sử dụng mà không hiểu, trân trọng và cảm nhận được nó. Trải qua nhiều đời, nhiều kiếp, Tâm Thanh tịnh bị che khuất, chúng ta phải chịu nhiều khổ đau và phải học để quay về với bản chất gốc của mình.
Và dù có là ai, dù đời này đang có thái độ sống như thế nào, thì con đường quay về với cái Tâm Thanh tịnh là con đường tất yếu. Tất cả các sự kiện diễn ra trong các kiếp đời của mỗi con người đều nhằm mục đích đó, cho dù họ có ý thức được điều đó hay không. Và cuối cùng, tất cả chúng ta đều trở về Cội với cái Tâm Thanh tịnh lúc đầu. Điểm khác ở đây là với sự nhận biết và thấu hiểu.
Tóm lại là, tham, sân, si và tâm trí lăng xăng giống như là những chướng ngại mà tạo hóa đã tạo ra để cho chúng ta thông qua đó mà học và trải nghiệm. Vì vậy, các bạn cứ vui vẻ và dũng cảm mà sống! (cười).

Như Quỳnh

Theo Trí Thức Trẻ




2. Thưa Thầy kính yêu,  Hạnh phúc là gì? (Osho - Jayananda)

    Trích từ "Dhammapada: "Con đường của Phật - Tập 10"


Thưa Thầy kính yêu, 
Hạnh phúc là gì?

Jayananda, điều đó còn tuỳ. Nó tuỳ vào bạn, vào trạng thái có ý thức hay vô ý thức của bạn, liệu bạn say ngủ hay tỉnh 
thức. 
Có câu châm ngôn nổi tiếng của Murphy. Trên đời có hai kiểu người: kiểu thứ nhất thường cho rằng bản chất con người có thể phân chia ra được, và số còn lại thì không bao giờ phân chia như vậy. Tôi thuộc loại người thứ nhất, vì tôi tin bản chất con người có thể được chia làm hai loại, một là mê mờ, hai là thức tỉnh – và đương nhiên là có một nhóm người rất nhỏ nằm giữa họ.

Hạnh phúc lệ thuộc vào việc ý thức của bạn có mặt đúng chỗ hay không. Nhiều người nghĩ rằng sự thư thái mà giấc ngủ mang lại là hạnh phúc. Niềm thư thái đó là cảm giác cố đạt tới một cái gì đó thông qua cơ thể, một cảm giác mà trong lúc thức ta không thể đạt được. Con người vẫn cố gắng bằng mọi cách để đạt tới hạnh phúc thông qua cơ thể của mình.
Nhưng điều này là không đúng. Thân xác chúng ta có thể mang lại chút thoải mái nhất thời, nhưng mỗi một khoảnh khắc thư thái đó lại tương ứng với một nỗi đau. Mỗi cảm giác thư thái sẽ đi kèm với cảm giác khó chịu, bởi cơ thể con người luôn tồn tại như một thế giới hai mặt. Nối với ngày là đêm, nối với cái chết là sự sống, nối với sự sống là cái chết. Đó là một vòng tròn khắc nghiệt. Sau niềm vui sẽ là nỗi đau. Và sau muộn phiền sẽ là vui sướng. Chúng ta chẳng bao giờ thư thả nổi. Khi đang an lành, chúng ta lại âm thầm lo sợ niềm vui ngắn ngủi sẽ tan mất, và rồi nỗi sợ hãi của chúng ta sẽ tàn phá khoảnh khắc vui sướng quý giá đó. Khi bị nhấn chìm trong đau khổ, chúng ta cay đắng và cố gắng thoát khỏi tình trạng của mình bằng cách hướng tới những điều tốt đẹp.
Đức Phật gọi điều này là bánh xe sinh tử. Chúng ta chuyển động theo bánh xe, bị vướng vào vòng quay của nó… Và bánh xe ấy cứ lăn đi mãi. Đôi khi ta cảm thấy hài lòng, có lúc lại thấy khổ sở; ta bị nghiền nát triền miên giữa hai trạng thái nghiệt ngã này.
Trong tình cảnh như vậy, một người mê mờ sẽ không nhận biết được gì nữa. Anh ta chỉ nhận ra một vài cảm giác của cơ thể – ăn uống, ân ái; đó là toàn bộ thế giới của anh ta. Anh ta mãi trôi lăn trong vòng quay sinh tử. Anh ta chỉ quan tâm đến hai mục đích đầy bản năng. Nếu kiềm chế nhục dục, anh ta chỉ còn biết ăn. Nếu kiềm chế việc ăn uống, anh ta lại lăn vào đời sống tình dục. Năng lượng của anh ta chuyển động như con lắc giữa hai nhu cầu này. Cái mà chúng ta thường gọi là sự hài lòng chỉ đơn giản là làm giảm bớt tình trạng căng thẳng đó.
Năng lượng tình dục tích lũy ngày càng nhiều khiến chúng ta càng trở nên căng thẳng và nặng nề. Cuối cùng, chỉ còn cách phải giải phóng nó. Đối với những người đang mê mờ, tình dục có ý nghĩa giải phóng, giống như một cơn hắt hơi. Khi ta giải phóng nó, sự căng thẳng không còn hiện diện ngay lúc này, nhưng nó vẫn còn nằm ẩn đâu đó và sẽ tích lũy trở lại. Thức ăn chỉ mang lại cho chúng ta một chút vị mặn đầu lưỡi, nó không đủ cho chúng ta duy trì cuộc sống. Vậy mà rất nhiều người đã sống chỉ vì ăn, và chỉ một số ít người biết rằng mình ăn để sống.
Suốt những ngày đầu, để tìm kiếm một khoảng thời gian vui sướng mỹ mãn, người thanh niên đã mời cô gái chơi bowling. Cô gái tỏ vẻ không thích. Anh chàng lại tìm cách mời cô xem phim, nhưng cô gái cũng chẳng màng đến phim ảnh. Loay hoay mãi, người thanh niên rút điếu thuốc mời cô gái nhưng cô vẫn từ chối. Rồi anh hỏi cô có thích nhảy và uống một chút gì đó không, cô gái vẫn một mực không nhận lời với lý do đơn giản là cô không quan tâm đến những thứ ấy.
Tuyệt vọng, anh mời cô đến ngủ với anh. Điều lạ lùng đã xảy ra. Cô gái vui vẻ gật đầu, hôn anh say đắm và nói: “Anh thấy không, chơi bowling, xem phim, uống rượu đâu phải là cái anh muốn, đâu phải để anh có một khoảng thời gian vui sướng mỹ mãn đâu!”.
Cái mà chúng ta gọi là “hạnh phúc” hoàn toàn tùy thuộc vào mỗi con người. Đối với người mê mờ, cảm giác thư giãn là hạnh phúc. Người mê mờ sống với mọi cảm giác thư giãn, buông xả. Anh ta cứ lăn mãi từ cảm giác này đến cảm giác khác. Anh ta sống vì những cơn rung động nhỏ – một cuộc sống rất nông cạn, không có chiều sâu, gần như vô tri vô giác, và cũng chẳng hứa hẹn ý nghĩa nào tốt đẹp lớn lao.


Nhiều người trong chúng ta lại nằm giữa hai kiểu người mê mờ và tỉnh thức, không mê mờ mà cũng chẳng tỉnh thức. Họ sống trong tâm trạng lơ đãng, một chút mịt mờ, một chút tỉnh táo. Chúng ta thường trải nghiệm điều này vào mỗi buổi sáng ngái ngủ, tai ta vẫn nghe được âm thanh xung quanh, kể cả tiếng người thân lách cách pha trà, tiếng reo của ấm đun nước hay tiếng trẻ con chuẩn bị đến trường. Ta nghe được mọi thứ, nhưng vẫn không tỉnh được. Lơ mơ, lãng đãng, những âm thanh xô bồ dẫn dắt chúng ta đi, như thể có một khoảng cách khổng lồ giữa bản thân ta và mọi thứ đang xảy ra quanh ta. Tất cả mờ ảo như một phần của giấc mơ. Tất nhiên những gì đang xảy ra không thuộc về giấc mơ, chỉ có chúng ta lại đang trôi giữa hai thế giới thực – ảo mà không biết.
Điều tương tự như vậy xảy ra khi bạn bắt đầu thiền định. Một người không thiền định sẽ dễ bị mê mờ. Còn một người thiền định, luôn muốn rời xa sự mê mờ để hướng tới sự thức tỉnh, dù chỉ trong một trạng thái yên bình ngắn ngủi. Hạnh phúc không phải chỉ là sự gom nhặt niềm hoan lạc phù du trong từng thoáng chốc: Hạnh phúc phải có ý nghĩa hơn là sự cộng gộp thời khắc bình yên, phải mang tính tâm lý nhiều hơn là sinh lý. Một người biết thiền định sẽ cảm thụ thơ ca và âm nhạc tốt hơn, yêu thích sự sáng tạo hơn. Họ thích khám phá thiên nhiên và vẻ đẹp muôn thuở của nó. Họ chuộng sự yên tĩnh và biết tận hưởng nhiều thứ mà trước đó họ chưa bao giờ biết tới, và những điều này sống trong họ lâu dài hơn. Kể cả khi tiếng nhạc đã tắt, âm thanh vẫn còn vang vọng trong họ.
Hạnh phúc không đơn giản chỉ là sự giảm bớt năng lượng căng thẳng của con người. Sự khác biệt giữa cảm giác thư thái và ý nghĩa thực sự của hạnh phúc không nằm ở chỗ tiết giảm, mà ngược lại, ở trong sự đủ đầy. Một khi trở nên giàu có về tinh thần, chúng ta sẽ sống tràn trề từng phút. Khi lắng nghe một bản nhạc du dương, có một cái gì đó bừng dậy trong đời sống của chúng ta, sự hài hòa bắt đầu hiển hiện khiến ta như chìm lẫn vào trong tiếng đàn. Khi nhảy múa, chúng ta bỗng quên mất cơ thể mình, mỗi bước đi bỗng nhẹ như hư không. Sự đè nén về trọng lượng bị mất đi. Trong điệu múa ấy, chúng ta như bất ngờ lạc vào một không gian khác lạ: cái tôi không còn nặng nề nữa, ta như tan ra và hòa vào điệu múa.


Những trải nghiệm như vậy cao hơn, sâu sắc hơn rất nhiều so với những khoái cảm chúng ta có được nhờ vào các sinh hoạt đời thường như ăn uống và ân ái. Nhưng điều ấy cũng chưa phải là cái đích cuối cùng. Sự thật lớn lao nhất chỉ xảy ra khi chúng ta thức tỉnh viên mãn, khi chúng ta trở thành một “vị Phật” (người tỉnh thức), khi chúng ta lìa xa mọi điên đảo mộng tưởng – thời điểm mà toàn bộ cuộc sống chúng ta ngập tràn ánh sáng, thời điểm mà bóng tối vĩnh viễn mất đi trong sâu thẳm tâm hồn chúng ta. Bóng tối mờ mịt biến mất cũng là lúc cái tôi ngạo mạn của chúng ta cũng tan biến. Mọi ham muốn căng thẳng, âu lo hay tức giận đều không còn nữa. Ta ở trong một trạng thái mãn nguyện hài hòa. Ta an trú trong hiện tại, không băn khoăn về quá khứ hay tương lai. Ta có mặt ở đây, ngay lúc này. Hiện tại là tất cả. Lúc này là thời gian duy nhất và ở đây là không gian duy nhất. Toàn thể vũ trụ an trú trong ta. Đó là niềm an lạc. Đó là hạnh phúc đích thực của con người.
Tìm kiếm sự an lạc trong tâm hồn đi Jayananda; nó là quyền năng lớn nhất của mỗi chúng ta. Đừng mê mờ trong mớ hỗn mang những khoái cảm thường ngày, hãy bước chân vào cuộc hành trình tìm kiếm sự an lạc từng chút một mỗi ngày. Cố vươn tới hạnh phúc, và cuối cùng là đạt tới niềm an lạc viên mãn. Khoái cảm thuộc về phần “con” trong mỗi “con người”. Hạnh phúc mới là đặc ân của con người. Hạnh phúc thuộc về con người, niềm an lạc mới là thần thánh. Khoái cảm trói buộc bạn, bạn sẽ trở thành nô bộc của nó, tự cột chặt mình vào dây trói của nó. Hạnh phúc mang đến cho bạn một chút xích xiềng, một chút tự do, nhưng chỉ là một chút. Còn niềm an lạc là tự do vĩnh hằng. Hãy hướng lên cao, bạn sẽ được chắp cánh. Bạn sẽ không còn thuộc về mặt đất đọa đày này, bạn trở thành một phần của trời xanh. Bạn trở thành ánh sáng, trở thành niềm vui.
Khoái cảm bao giờ cũng khiến bạn lệ thuộc vào người khác. Hạnh phúc giúp bạn có được một chút tự chủ nhưng không hoàn toàn. Chỉ có niềm an lạc mới là tự do, nó không chia cắt bất cứ điều gì, không chia cắt ai; đó là đời sống duy nhất của bạn, là bản chất sâu xa nhất của bạn. Đạt tới nó là đạt tới Thượng đế, tới Niết bàn. 

 Osho
Theo: oshovietnam.net