Thấy pháp
Thấy pháp là thấy thực tại thân-thọ-tâm-pháp như nó đang là: Khổ đang là, nhân khổ đang là, giác phần đang là, niết-bàn đang là. Đó cũng chính là thấy vô minh duyên sinh và vô minh duyên diệt như nó đang là. Thấy pháp như vậy tức thấy Như Lai.
Giác Ngộ
Giác ngộ là thấy ra sự thật (thực tánh pháp), mà sự thật rốt ráo nhất là Tứ Thánh Đế.
"Nào ngờ tự tánh hay sanh muôn pháp"
Tự tánh vốn là tánh không tịch tịnh nhưng có sắc liền thấy, có thanh liền nghe v.v..., rồi từ nghe, thấy... đó còn tuỳ duyên sinh ra vạn pháp. Cứ trọn vẹn tỉnh thức tự tri sẽ thấy điều này ngay.
Trạch pháp (trong thất giác chi)
Trạch pháp chính là thận trọng chú tâm quan sát giúp tâm không rơi vào thụ động, vô thức hoặc vô ký. Trạch pháp trở thành một trong những đối tượng của niệm pháp.
Niệm pháp
Niệm pháp là 1) Thấy rõ sự sinh diệt của những yếu tố ngăn che (5 triền cái), yếu tố hình thành bản ngã (ngũ uẩn), yếu tố trói buộc (kiết sử). 2) Thực chứng các yếu tố giác ngộ (thất giác chi) và Bốn Sự Thật (Tứ Thánh Đế).
Tâm
Tâm là chung cho muôn loài vạn vật, cũng giống như hư không vậy. Nhưng do thể hiện nơi mỗi căn hoặc mỗi chúng sanh mỗi khác mà thôi. Thí dụ như một ngôi nhà bát giác có 8 cửa, mỗi cửa một hướng, khi người chủ đứng ở mỗi cửa đều thấy cảnh tượng mỗi hướng khác nhau, y như mỗi cửa là một người khác nhìn vậy vì kinh nghiệm, kiến thức ở mỗi cửa mỗi khác. Thực ra vẫn chỉ một người thấy mà thôi. Cũng vậy, do tâm ở mỗi người kinh nghiệm mỗi khác nên tưởng mỗi người có một tâm riêng, thực ra tâm không của riêng ai. Do đó mới có tha tâm thông, nhất thiết trí, khi một người đã hoà vào tâm vũ trụ.
Mục đích sống
... Không có mục đích sống để trở thành điều gì, nhưng có mục đích sống để giác ngộ sự thật. Không phải chỉ có niềm vui sống mà cần có sự soi sáng để không tự đắm chìm trong niềm vui nỗi khổ.
Sống tuỳ duyên thuận pháp
Sống bình thản mọi khoảnh khắc hiện tại, không tham cầu dù là thiện hay bất thiện, rồi việc gì đến thì mình cứ làm theo khả năng tốt nhất và không dính mắc vào đó" đúng là sống tuỳ duyên thuận pháp. Rõ biết thiện ác nhưng làm theo trí tuệ vô ngã vị tha, không chấp nhị nguyên, không làm theo ý đồ chủ quan của bản ngã.
Chánh niệm tỉnh giác
Chỉ có chữ "từng" trong "từng sát-na" dễ đưa đến hiểu lầm là phải tích cực miên mật từ sát-na này đến sát-na khác. Và như vậy vô tình tạo ra "sự tiếp nối của thời gian tâm lý". Trong khi chánh niệm tỉnh giác là trọn vẹn tuệ tri thực tại ngay đây (sandiṭṭhiko) không qua thời gian (akāliko). Chỉ khi con buông xuống mọi ý đồ, kể cả ý đồ tu tập để trở thành, thì mới có thể trọn vẹn với sát-na hiện tiền mà thôi.
Thiên nhiên
Thiên nhiên rất cần thiết và ai cảm thấy sống với thiên nhiên tốt hơn thì cũng nên sống. Nhưng tự nhiên có nghĩa rộng hơn, nó bao gồm cả thiên nhiên lẫn những gì hiện hữu ngoài thiên nhiên như nó đang là. Tuy nhiên từ "tự nhiên" trong cụm từ "giản dị, tự nhiên, vô tâm" chỉ có nghĩa là không phải là ý đồ tạo tác của bản ngã, nên nó có nghĩa chính xác là "vô vi, vô ngã".
Vị "bổn sư" của mỗi người
... Thầy thì vạn pháp đều là thầy, nhưng vị "bổn sư" của mỗi người chính là tánh biết của người đó, luôn soi sáng để họ tự biết trải nghiệm, chiêm nghiêm và điều chỉnh nhận thức và hành vị hơn bất cứ vị thầy nào khác trên đời.
Trích lời dạy của Hòa Thượng Viên Minh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét