GIÁO PHÁP CỦA HUỆ NĂNG

 Điểm làm cho Lục Tổ Huệ Năng nổi bật và độc đáo, so với những vị thiền sư đi trước và đương thời, là chủ thuyết “bản lai vô nhất vật.” Đây là một câu trong bài kệ của Tổ đối chiếu với bài kệ của đại sư Thần Tú: 



Bồ-đề bổn vô thọ            (Bồ-đề vốn không cây
Minh cảnh diệc phi đài   Gương sáng chẳng phải đài
Bản lai vô nhất vật          Xưa nay không một vật
Hà xứ nhá trần ai.           Chỗ nào dính bụi bặm?)

 “Xưa nay không một vật” chính là tuyên ngôn đầu tiên của Tổ, là quả bom nổ vào doanh trại của đại sư Thần Tú và chư vị tôn túc của Sư. Qua câu này cương yếu Nam Thiền của Lục Tổ rõ ràng đối nghịch với pháp thiền “luôn luôn phải lau chùi.” 


(...)

 Chúng ta có thể nói Thần Tú dành ưu tiên cho Định và sau đó mới đến Tuệ, trong khi Lục Tổ thì ngược lại, cho rằng Định thiếu Tuệ sẽ dẫn đến sai lầm nghiêm trọng, nhưng nếu có Tuệ thì tất nhiên được Định, và nếu không lĩnh hội được mối tương quan đồng nhất này giữa hai bên thì sẽ không đạt giải thoát. 
Lục Tổ định nghĩa Định như sau: Pháp môn tọa thiền này vốn không chấp nơi tâm, cũng không chấp nơi tịnh, cũng chẳng phải chẳng động... Này thiện tri thức, sao gọi là Tọa Thiền? Trong pháp môn này không chướng không ngại. Ngoài đối với tất cả cảnh giới thiện ác tâm niệm chẳng khởi gọi là Tọa. Trong thấy Tự tánh chẳng động gọi là Thiền... Ngoài lìa tướng là Thiền. Trong chẳng loạn là Định. Ngoài nếu chấp tướng, trong tâm tức loạn. Ngoài nếu lìa tướng tâm tức chẳng loạn.
Bản tánh tự tịnh tự định, chỉ vì thấy cảnh, suy nghĩ cảnh tức loạn. Nếu thấy các cảnh mà tâm chẳng loạn ấy là chân định vậy. 
Kinh Tịnh Danh nói: “Ngay lúc chợt tỉnh liền về được bản tâm.” Kinh Bồ-tát giới nói: “Bản tánh của ta vốn tự thanh tịnh.” Này thiện tri thức, trong mỗi niệm tự thấy được bản tánh thanh tịnh, tự tu, tự hành, tự thành Phật đạo. 
(...)
Vào năm thứ mười một niên hiệu Khai Nguyên (723) có Thiền sư Trí Hoàng ở Đàm Châu từng theo học với Nhẫn đại sư. Về sau trở về chùa Lô Sơn ở Trường Sa tọa thiền miên mật, thường được vào định, danh tiếng đồn xa. Cũng vào thời ấy có Thiền sư Thái Dung14 từng đến Tào Khê tham học ba mươi năm với Lục Tổ, và thường được Lục Tổ bảo: “Ông có khả năng sau này độ sanh.” Dung khi rời Tào Khê về Bắc, trên đường đi nghe danh Trí Hoàng liền đến am tham vấn. 
Dung hỏi:
 — Nghe nói ông thường được nhập định, lúc đó còn tâm hay không tâm? Nếu còn tâm, thì tất cả loài hữu tình hàm thức đều có thể nhập định như ông. Nếu không tâm thì tất cả vô tình cỏ cây ngói đá đều được định. 
Hoàng đáp:
 — Tôi chính khi nhập định, chẳng thấy có tâm không tâm.
— Chẳng thấy có tâm không tâm tức là thường định, sao lại nói có xuất nhập, nếu có xuất nhập tức là không phải đại định. 
Hoàng không đáp được. Giây lâu mới hỏi: 
— Ông thừa kế ai? 
Dung: 
— Thầy tôi là Lục Tổ ở Tào Khê.
 — Ông học được gì nơi Lục Tổ? 
— Thầy tôi nói: “Chẳng định chẳng loạn, chẳng tọa chẳng thiền —đó là Như Lai thiền. Năm ấm vốn không, sáu trần chẳng có. Chẳng tịch chẳng chiếu; chẳng thực chẳng không; chẳng ở khoảng giữa; vô sự vô tác mà diệu dụng tự tại; Phật tánh trùm khắp nơi nơi.”

(...)
Hoàng đế Trung Tông đời Đường nghe nói về sự chứng ngộ của Lục Tổ, cử sứ giả là Tiết Giản đến mời Tổ về kinh đô nhưng Tổ từ chối không đi. Do đó Tiết Giản xin Tổ chỉ giáo, bảo rằng:
 — Các đại thiền sư ở kinh đô đều dạy môn đồ tọa thiền như nhau, bởi vì muốn giải thoát và giác ngộ thì không thể không tọa thiền. Lục Tổ đáp: 
— Đạo do tâm mà ngộ, chẳng phải do ngồi. Kinh Kim Cương nói: “Nếu Như Lai hoặc ngồi hoặc nằm, ấy là người hành đạo tà. Vì cớ sao? Không từ đâu lại cũng không có chỗ đi, ấy là Như Lai.” Không từ đâu đến gọi là sanh, không về đâu mà đi gọi là diệt. Chỗ không sanh không diệt, ấy là Như Lai Thanh Tịnh thiền. Thấy các pháp rỗng lặng ấy là Như Lai Thanh Tịnh tọa... Cứu cánh không chứng không đắc, há có tọa thiền chăng? 
Lục Tổ bảo tiếp: 
— Chừng nào còn thấy các pháp có hai bên thì không có giải thoát.
Sáng nghịch với tối, phiền não trái với Bồ-đề, sẽ không hiểu được Đại thừa, trừ phi trí tuệ Bát-nhã chiếu soi những cặp đối đãi này, như thế sẽ bắc được nhịp cầu nối liền khoảng cách hai bên. Nếu cứ bám trụ vào một đầu cầu thì không thể hội được nhất thể của Phật tánh, không phải là người dưới cửa của tôi. Phật tánh chẳng giảm chẳng tăng, dù ở nơi Phật hay nơi phàm phu, ngay giữa phiền não cũng không nhiễm ô. Nếu có quán chiếu vào Phật tánh thì Phật tánh cũng chẳng thanh tịnh hơn. Phật tánh chẳng đoạn chẳng thường, chẳng đến chẳng đi, chẳng ở khoảng giữa khoảng cuối, chẳng sanh chẳng diệt. Phật tánh hằng hữu ở mọi thời, trong vô thường vẫn bất biến, vì bất sanh nên bất diệt. Chẳng phải vì chúng ta thay thế cái chết bằng cái sống mà vì Phật tánh vượt trên sanh tử. Điểm then chốt không phải luận tốt xấu trên sự vật, như thế sẽ bị hạn cuộc, mà chính là để tâm mặc tình vận hành theo bản nhiên và thành tựu diệu dụng vô lượng vô biên. Đây là pháp tu khế hợp với Tâm thể.

(...)

Có vị Sa-môn ở Viện Truyền Pháp hiệu Đạo Nhất hằng ngày ngồi thiền. Nam Nhạc biết đó là pháp khí bèn đi đến hỏi:
— Đại đức ngồi thiền để làm gì? Đạo Nhất:
— Để làm Phật. Sau đó Nam Nhạc lấy một viên gạch đến trước am Đạo Nhất ngồi mài trên hòn đá. Đạo Nhất thấy lạ, hỏi: 
— Thầy mài gạch để làm gì? Nam Nhạc:
— Mài để làm gương. 
— Mài gạch đâu có thể thành gương được. Nam Nhạc vặn lại:
— Ngồi thiền đâu thể thành Phật được? 
— Vậy phải làm thế nào mới phải? 
— Như trâu kéo xe, nếu xe không đi, đánh xe là phải? Đánh trâu là phải? Đạo Nhất lặng thinh. Nam Nhạc nói tiếp: 
— Ngươi học ngồi thiền hay học ngồi Phật? Nếu học ngồi thiền, thiền không phải ngồi nằm. Nếu học ngồi Phật, Phật không có tướng nhất định, đối pháp không trụ, chẳng nên thủ xả. Ngươi nếu ngồi Phật tức là giết Phật. Nếu chấp tướng ngồi chẳng bao giờ ngộ được tâm.
Đạo Nhất nghe Nam Nhạc chỉ dạy như được uống đề hồ, liền lễ bái hỏi: 
— Dụng tâm thế nào mới hợp với vô tướng tam muội? Nam Nhạc:
 — Ngươi học pháp môn tâm địa như gieo giống, ta nói pháp yếu như mưa móc. Nếu duyên ngươi hợp sẽ thấy Đạo
 — Đạo không phải sắc tướng làm sao thấy được?
 — Con mắt pháp của tâm hay thấy được đạo. Đối với vô tướng tam-muội cũng lại như thế. 
— Đạo có thành hoại chăng? 
— Nếu lấy thành hoại tụ tán mà thấy đạo, tất nhiên không thể thấy đạo. 

(...)

Lục Tổ nói về nhất tính giữa Tuệ và Định như sau: Này thiện tri thức, pháp môn của ta lấy Định Tuệ làm gốc, đại chúng chớ lầm nói Định Tuệ riêng. Định Tuệ một thể không phải là hai. Định là thể của Tuệ, Tuệ là dụng của Định. Ngay khi Tuệ được đề cập thì Định ở nơi Tuệ, ngay khi Định được đề cập thì Tuệ ở nơi Định. Nếu biết được nghĩa này tức sự học Định Tuệ bình đẳng. Những người học đạo, chớ nói trước Định rồi sau mới phát Tuệ, hoặc trước Tuệ rồi mới phát Định, mỗi thứ riêng khác. Ai khởi cái thấy như thế thì pháp có hai tướng; họ là những người nói có trên miệng và trong lòng thì không. Họ cho Định khác với Tuệ. Nhưng nếu trên miệng và trong lòng như nhau, trong ngoài một thứ, Định và Tuệ là bình đẳng.
 Ngoài ra Lục Tổ còn minh họa nhất tính bằng ví dụ sự tương quan giữa đèn và ánh sáng. Lục Tổ bảo: Ví như ngọn đèn và ánh sáng. Có đèn tức có sáng; không đèn thì không sáng.
Đèn là thể của ánh sáng, ánh sáng là dụng của đèn. Tên tuy có hai mà thể tánh vốn đồng. Sự tương quan giữa Định và Tuệ cũng lại như thế...


Trích: VÔ NIỆM
D.T. Suzuki
(Pháp Bảo Đàn Kinh)
Thuần Bạch biên dịch
Nhà Xuất Bản Thành Phố Hồ Chí Minh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét