CÁI THẤY VÀ BIẾT CỦA TÂM PHẬT

Bạn có thể áp dụng cái nhìn rộng mở và trùm phủ nầy vào thế giới nội tâm của mình. Khi nhắm mắt lại, bạn có thể lắng nghe những tiếng nói vọng lên từ trong tâm. Chúng nói, "Tôi là thế nầy…Tôi không nên như thế kia." Bạn có thể dùng những tiếng nói nầy để nhận ra khoảng không gian giữa những tư tưởng. Thay vì than phiền và làm trầm trọng hơn về những nỗi ám ảnh và sợ hãi đang diễn ra trong tâm, bạn có thể mở rộng tâm để thấy những ám ảnh và lo sợ nầy chỉ là những điều kiện đến rồi đi trong khoảng không vô biên của tâm thức. Bằng cách nầy, thậm chí một tư tưởng xấu ác cũng có thể giúp bạn thấy được sự trống rỗng của các pháp.

Thấy và biết bằng cách nầy là phương pháp rất thiện xảo và khéo léo vì nó giúp bạn chấm dứt được trận chiến tâm linh trong đó bạn đang tìm cách quét sạch đi những tư tưởng bất thiện của mình. Hãy để cho ác ma làm xong nhiệm vụ của nó, hay nói khác đi, hãy để cho những ô nhiễm ngủ ngầm trong tâm xuất hiện và ra đi, vì bây giờ bạn đã biết ác ma hay các phiền não đều là vô thường. Chúng xuất hiện và sẽ ra đi nên bạn không cần phải tiêu diệt nó. Ác ma hay thiên thần -- tất cả đều giống nhau. Trước kia, khi một tư tưởng xấu ác hiện ra, bạn liền than vãn: "Trời ơi, ác ma lại theo đuổi tôi. Tôi phải tìm cách tiêu diệt nó!" Giờ đây, cho dù bạn đang xua đuổi ác ma hay chào đón thiên thần, tất cả đều là dukkha hay đau khổ. Nếu bạn có thái độ "mát mẻ và bình thản" của tâm Phật -- tâm thấy biết các sự vật như nó đang xảy diễn -- thì tất cả sự vật sẽ biến thành Dhamma hay Pháp. Mọi vật trở thành sự thật như nó đang là. Bạn thấy và biết tất cả trạng thái tâm đến rồi đi, cái xấu đi bên cạnh cái tốt, cái thiện xảo đi bên cạnh cái thô thiển và phàm phu.
Đây là điều mà chúng ta gọi là quán tưởng hay quán sát -- ghi nhận mọi việc như nó đang xảy diễn.Thay vì cho là nó nên như thế nầy hay thế khác, bạn chỉ thuần quán sát và ghi nhận. Mục đích của tôi không phải là giải thích cho bạn thấy sự vật như thế nào, nhưng là khuyến khích bạn ghi nhận sự vật cho chính bạn. Xin bạn đừng nói với mọi người là, "Sư Sumedho nói mọi vật đang diễn biến như thế đó." Tôi không muốn thuyết phục bạn phải chấp nhận một quan điểm hay một cái nhìn nào đó về cuộc đời; Tôi chỉ cố gắng trình bày cho bạn một cách nhìn để bạn thử nghiệm, đó là cách quán tưởng trên chính kinh nghiệm sống của bạn, cách thấy và biết được nội tâm của chính bạn.

*

* Niết bàn không phải là một cảnh giới siêu nhiên và xuất trần ở trên trời cao, hay ở trong một không gian xa xôi nào đó, hay ở trong kiếp sau. Đức Phật luôn chỉ cho chúng ta thấy thực tại như nó đang xảy ra ngay bây giờ, thấy những gì mà mỗi người chúng ta đều có thể biết và nhận thức trong khả năng giới hạn của mình, ngay tại đây và ngay bây giờ. Bạn nên phát huy khả năng quán tưởng và nhìn thẳng vào thực chất của các pháp ngay tại đây và ngay bây giờ, để bạn có thể thật sự hiểu được chân lý, thay vì cứ suy đoán về chân lý -- hoặc đoán mò, hoặc tin, hoặc không tin. Bạn có thể bắt đầu quán tưởng và nhìn xuyên qua các pháp với đôi mắt trí tuệ, thể nghiệm được sự giải thoát và tự do bằng cách buông bỏ tất cả.
*

Câu hỏi: Xin Sư giải thích ý nghĩa của sự giác ngộ.

Trả lời: Giác ngộ không là gì khác hơn là sự lớn lên và trở thành một con người thuần thục và trưởng thành. Công phu hoàn thiện cái nghiệp làm người sẽ dẫn chúng ta đến giác ngộ. Giác ngộ là trở thành một người thuần thục, có trách nhiệm và quân bình, một người có đạo đức và trí tuệ, không còn chạy đi tìm "một chỗ dựa tình thương nào khác bên ngoài mình."
Nhiều người trong chúng ta không có tình yêu, nên chúng ta muốn thay thế bằng tình yêu của Chúa. Họ nói, "Tôi tin Chúa vì Chúa thương tôi. Không ai thương tôi hết, chỉ có Chúa mới thương tôi." Nhưng điều nầy thể hiện sự thiếu trưởng thành -- họ vẫn khát vọng một tình yêu từ bên ngoài -- từ một người nào đó ngoài mình. Một người giác ngộ không cần tình yêu của Chúa hay của một người khác. Được người khác yêu thương là một điều tốt nhưng không phải là điều cần thiết.
Giác ngộ là cái gì rất thực tế; đó là cái mà ai cũng có thể thực hiện được. Tất cả chúng ta đều có thể tiến đến trạng thái tỉnh giác. Và khi có tâm tỉnh giác, quân bình, và trí tuệ, chúng ta đều có thể thương yêu. Đó là quá trình trưởng thành của con người. Khi có trí tuệ, chúng ta sẽ thương yêu người khác một cách tự nhiên. Tình thương chính là ánh sáng tự nhiên của trí tuệ.

* Câu hỏiCó người nói về Jhanas hay các tầng thiền chỉ trong pháp thiền của đạo Phật. Xin sư giải thích về các tầng thiền đó, chúng là gì và liên hệ với chánh niệm, trí tuệ, và quán tưởng như thế nào?

Trả lờiJhanas hay các tầng thiền chỉ là để giúp bạn phát triển tâm. Mỗi Jhana là mỗi tầng thiền trong đó ý thức của bạn được tinh luyện và trở nên vi tế hơn. Và như là một tổng thể, các Jhanas giúp bạn tập trung tâm ý trên những đối tượng ngày càng vi tế hơn. Không phải bằng ý chí mà bằng công phu chánh niệm và quán tưởng, bạn sẽ ý thức sâu sắc về bản chất và kết quả của những việc bạn đang làm. Khi hành thiền chỉ, từ tầng thiền nầy đến tầng thiền khác, bạn sẽ phát triển khả năng tập trung chú ý trên những đối tượng ngày càng vi tế hơn. Hành thiền chỉ sẽ giúp bạn phát triển khả năng tập trung tâm ý và đạt được những trạng thái hỷ lạc do những tầng ý thức được tinh luyện vi tế mang lại.
Đức Phật khuyên chúng ta chỉ nên xem Jhanas hay thiền chỉ là phương tiện thiện xảo, chứ không phải là cứu cánh tự nó. Nếu bạn xem nó như cứu cánh, bạn sẽ dính mắc vào những tầng ý thức vi tế và từđó, bạn sẽ đau khổ, vì đa phần đời sống con người là không vi tế và rất thô thiển.
Khác với Jhanas, thiền Minh Sát hay Vipassana tập trung thấy và biết sự vật như chính nó, thấy và biết tính chất vô thường của các pháp hữu vi, và những khổ đau đến từ sự dính mắc. Thiền Minh Sát dạy chúng ta đi ra khỏi khổ đau không phải bằng con đường tinh luyện tâm ý hoặc làm cho tâm ý ngày càng vi tế hơn, mà trái lại bằng con đường buông xả tất cả -- buông xả ngay cả ước mong được nhập vào bất cứ tầng thiền nào.

Câu hỏiNhư vậy có phải trí tuệ là quán trên cái tâm chấp thủ của con người không?

Trả lời: Vâng, trí tuệ luôn ghi nhận hậu quả của sự chấp thủ và phát triển Chánh Tư Duy. Thí dụ như quán tưởng về Tứ diệu đế sẽ giúp chúng ta có sự hiểu biết đúng đắn hay chánh tư duy, để trí tuệ thâm nhập và xuyên thấu những quan điểm dựa trên tự ngã và tâm kiêu mạn. Khi có chánh tư duy, chúng ta sẽ không hành thiền Jhanas với tâm tham ái và ích kỷ; Thiền Jhanas là phương cách thiện xảo để thanh lọc tâm chứ không phải là phương tiện để đạt những thành tựu cá nhân. Hành thiền với tâm mong cầu đạt được một cái gì đó là một điều sai lầm. Đó là thái độ cơ bản xuất phát từ vô minh và tự ngã, kết hợp với tham ái và chấp thủ. Và điều nầy luôn luôn làm chúng ta đau khổ.

Trích: Tâm và Đạo
Quán tưởng về cuộc sống trong Đạo Phật
The Mind and The Way
Buddhist Relections on Life
Ajahn Sumedho

Susanta Nguyễn dịch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét