Tham ưu và dính mắc
Hỏi: Thưa Thầy làm sao mà không bị dính mắc vào người khác khi phải giao tiếp hàng ngày với nhau, kính mong Thầy từ bi chỉ dạy?
- “Tinh tấn chánh niệm tỉnh giác thì không tham ưu, không dính mắc bất cứ điều gì ở đời”. Đó là câu trả lời trong Kinh Bốn Niệm Xứ. Thương ghét, dính mắc sẽ phát sinh khi quá bận tâm đến đối tượng bên ngoài hơn là trở về trọn vẹn tỉnh thức nơi thực tại thân tâm. Trong trọn vẹn tỉnh thức, soi sáng chính mình, thì chỉ có sự tương giao thay vì bị ràng buộc trong mối quan hệ. Tuy trong sinh hoạt xã hội đương nhiên vẫn có mối quan hệ nhưng người sáng suốt biết mình sẽ không bị ràng buộc vào thương ghét, dính mắc.
Thí dụ thầy làm trụ trì nếu cứ
muốn Tăng Ni phải thế này thế kia theo ý mình hoặc chìu theo ý họ thì đã tạo
mối quan hệ dính mắc rồi. Còn nếu mỗi người tự lo chánh niệm tỉnh giác, tự biết
soi sáng trong phận sự của mình, thì mọi chuyện sẽ diễn biến tốt đẹp, không cần
bận tâm đến người khác. Chỉ khi có chuyện gì xảy ra bất thường mới tùy duyên mà
ứng xử cho thuận pháp thì không có dính mắc trong mối quan hệ. Mọi người vẫn
độc lập trong sự tương giao hài hoà vô điều kiện.
Có lần Đức Phật đi ngang qua một
gánh xiếc, thấy hai cha con người nọ đang biểu diễn thăng bằng trên một sợi
dây. Ngài hỏi hai cha con khi biểu diễn chung như vậy làm sao giữ được an toàn
cho cả hai. Người cha trả lời: Con lo giữ thăng bằng cho đứa con. Cậu
con trai lại nói: Lúc đó con chỉ lo giữ thăng bằng cho con thôi.
Đức Phật khen ngợi người con đã trả lời đúng. Nếu cứ bận tâm lo cho sự thăng
bằng của người khác thì mình sẽ mất thăng bằng và vô tình hại cả hai.
Trên máy bay tiếp viên thường dặn
mỗi người lo đeo mặt nạ dưỡng khí cho mình trước rồi giúp cho trẻ em hay người
khác sau là vậy. Trong gia đình hay xã hội nếu mỗi người tự làm tốt chức năng,
nhiệm vụ và bổn phận của mình thì mối quan hệ trở nên tốt đẹp. Còn nếu muốn mọi
chuyện ổn định như ý mình thì chính là đang tạo mối quan hệ bất ổn, bởi vì lúc
đó mình đang đặt áp lực lên chính mình và người khác.
Đức Phật dạy nguyên nhân của mọi
sự bất an, đau khổ là do đặt sai hướng trong mối quan hệ với bên ngoài, lúc đó
sẽ bị lệ thuộc vào bên ngoài hoặc muốn bên ngoài lệ thuộc vào mình. Hướng chính
trong mối quan hệ là trở về ổn định chính mình trước. Vì thật ra trong mối quan
hệ hay sự tương giao giữa mình với mọi người thì gốc chính vẫn là thái độ nhận
thức và hành vi đúng tốt của mỗi người.
Bản ngã đồng hóa tướng biết
Hỏi: Thưa Thầy mọi người có tánh biết như nhau nhưng tại sao có những người không biết ghê sợ tội lỗi, con xin cảm ơn Thầy?
- Tánh biết như nhau nhưng tướng biết khác nhau. Ghê sợ tội lỗi hay không ghê sợ tội lỗi đều do tướng biết bị bản ngã đồng hóa mà thành nhận thức chủ quan. Thay vì tướng biết là cái dụng của tánh biết thì bây giờ đã bị chiếm dụng bởi cái “Ta” ảo tưởng, nên nói tôi thấy, tôi nghe, tôi ngửi, tôi nếm, tôi xúc chạm, tôi biết mà sinh ra thiện hoặc bất thiện, tàm quí hay không tàm quí - biết hay không biết hổ thẹn và ghê sợ tội lỗi.
Khổng Tử nói “nhân chi sơ
tánh bổn thiện”, cũng như đức Phật dạy nguyên trong tự tánh vốn là Tâm Chói
Sáng (Pabhassara Citta), nhưng tướng biết qua 6 căn hướng ra bên ngoài tìm kiếm
6 trần mà tạo ra 5 uẩn, hình thành bản ngã, phát triển bản năng, tình cảm và lý
trí, rồi qua giác tri, tưởng tri, thức tri tích luỹ kinh nghiệm, kiến thức mà
phần lớn là vay mượn, chủ quan, không thật.
Cho đến khi bản ngã lý trí gặp
toàn đau khổ mới chịu buông sự tìm cầu vô vọng, lúc đó tướng biết mới yên, mới
trở về với cái dụng ban đầu của tánh biết là tri kiến thanh tịnh, bản ngã tự
diệt, lúc đó vô sư trí của tánh biết
mới hiển lộ chiếu soi (mặc dù trong khi tướng biết còn lăng xăng như con bài
của bản ngã thì tánh biết vẫn âm thầm soi chiếu). Khi tri kiến thanh tịnh,
tướng biết buông xuống cái “Ta” ảo tưởng, trở về với Đạo Đế, trả lại tự tánh
bản nguyên chói sáng (pabhassara) của tâm.
Hỏi: Thưa Thầy khi khuôn mặt bị xấu cảm thấy mất tự tin nên con rất buồn, xin Thầy chỉ con cách chuyển hóa?
- Mặt bị xấu không phải là vấn đề, mà vấn đề là mặc cảm tự ti khi so sánh mình với cái gọi là đẹp của người khác. Mặc cảm thuộc về tâm lý, lệ thuộc vào quan niệm xấu đẹp ở đời. Trên thực tế không có cái gọi là xấu hay đẹp mà đó chỉ là quan niệm mà thôi. Thí dụ chúng ta cho người ngoài hành tinh là kỳ dị xấu xí nhưng ngược lại họ cũng cho chúng ta là kỳ cục xấu xa, hoặc người da đen nói người da trắng sao mà trắng chạch thế và ngược lại người da trắng nói người da đen sao mà đen thui vậy v.v... Cho là đẹp hay xấu chỉ thuộc về tâm lý, tư tưởng, quan niệm chủ quan của con người chứ không phải thực tế trong thiên nhiên.
Người bị khuyết tật cho là xấu nhưng cây khuyết tật
thì giành nhau mua về làm bonsai, cây kiểng! Nếu một người có thân thể bị
khuyết tật nhưng họ có tâm lý tích cực, tự tin, vững vàng thì họ vẫn gặt hái
thành quả tốt đẹp, như trường hợp anh Nick Vujicic là một người bị tật nguyền
từ nhỏ, khi sinh ra Nick đã không có cả tay lẫn chân nhưng anh đã tốt nghiệp
đại học và trở thành một nhà diễn thuyết nổi tiếng về chủ đề làm chủ cuộc sống
và đồng thời là người viết sách đóng góp nhiều lợi ích tích cực cho xã hội.
Đừng lệ thuộc vào khen chê bên
ngoài, đẹp xấu chỉ là khái niệm tục đế, chủ yếu là không mặc cảm tự ti thì vẫn
phát huy được sự cao đẹp trong nhân cách, đạo đức của mỗi người. Nếu biết sống
chánh niệm tỉnh giác thì hạnh phúc hay đau khổ tùy thuộc vào thái độ nhận thức
và hành vi chứ không phải là do quan niệm đẹp xấu. Trong sự vận hành quân bình
của pháp luôn có luật bù trừ, được mặt này thì mất mặt khác nên trong “trong
họa có phúc, trong phúc có họa”. Thấy được cả hai mặt tương đối của cuộc
sống mà không chấp thủ bên nào thì đó mới chính là sự hoàn hảo tuyệt đối.
Phóng dật
Hỏi: Thưa Thầy sống không phóng dật là sống như thế nào ạ?
- Phóng dật là tâm bị ngoại cảnh lôi cuốn. Ai thường bị chi phối bởi bên ngoài quá nhiều mới buông lung phóng dật. Buông lung là tâm lang thang bất định cho nên khi thấy cái gì bên ngoài thì chạy theo gọi là phóng dật. Khi chạy theo cái bên ngoài thì thất niệm (bỏ quên thực tại thân tâm, không còn trọn vẹn với chính mình) ràng buộc với đối tượng khổ vui bên ngoài. Khi thất niệm không còn biết mình thì mất tỉnh giác. Như vậy có 2 thái độ sống:
• Sống buông lung phóng dật đưa đến thất niệm và mất tỉnh giác.
• Sống tinh tấn – thường trở về với thực tại – đưa đến chánh niệm, tỉnh giác.
Phóng dật là tâm hướng về quá
khứ, tương lai hoặc hướng ra bên ngoài nên mới rơi vào thế giới ảo, đánh mất
thực tại. Vì vậy, chỉ cần thường biết thận trọng, chú tâm, quan sát thân tâm
trong mọi sinh hoạt đời sống thì sẽ không buông lung phóng dật nữa.
Chỉ cần thấu hiểu những sự thật sau đây là đủ yếu tố sống thiền:
Vô Minh và Minh,
Không tham ưu và không dính mắc,
Luân hồi Sinh tử và Tịch tịnh Niết-bàn,
Tập đế và Đạo đế / Khổ đế và Diệt đế,
Thế giới Tập khởi và Thế giới Đoạn diệt,
Phóng dật và Tinh tấn,
Thất Niệm
và Chánh Niệm,
Mê muội
và Tỉnh giác.
Tác giả: Thầy Viên Minh