Trà Đạo ngày 19.08.17 (Tánh Biết - Sự Cô Đơn)


Tánh Biết

Hỏi: Thưa thầy làm sao nhận ra Tánh Biết?

- Có một cách dạy con từ trong bào thai gọi là thai giáo. Cha mẹ nói chuyện vui vẻ để truyền những thông tin tích cực cho thai nhi mặc dù thai nhi chưa có ý thức, chưa có nhận thức qua mắt tai mũi lưỡi thân ý, nên không hiểu cha mẹ nói gì theo khái niệm ngôn ngữ tục đế nhưng nó vẫn cảm nhận được tấm lòng của cha mẹ khiến thai nhi vẫn nhận được tín hiệu tinh thần. Điều đó chứng minh rằng tánh biết đã có trước khi hình thành tướng biết qua 6 căn và 6 thức.

 Tâm hay bất cứ cái gì, phàm đã có tướng thì phải có tánh, có thể, có dụng của nó. Tướng của tâm gọi là tướng biết, biểu hiện qua mắt tai mũi lưỡi thân ý. Chẳng lẽ có tướng biết lại không có tánh biết? Nhưng khi 6 căn chưa hoàn thành để hoạt dụng như lúc còn thai nhi, hoặc khi ngủ, khi bất tỉnh, khi nhập vô tưởng định, tức lúc tướng biết không làm việc, thì thực ra tánh biết vẫn hoạt động không ngừng.

Người thần giao cách cảm không nhận tín hiệu từ xa qua tướng biết mà qua tánh biết. Có khi sau đó tướng biết “thông dịch” lại được, có khi tướng biết hoàn toàn không biết gì cả (mà tánh biết vẫn nhận được). Thí dụ, một người con ở Mỹ thành ý hướng tâm tích cực đến người mẹ đang bị bệnh ở Pháp đã giúp người mẹ hết bệnh nhanh chóng nhưng người mẹ hoàn toàn không ý thức được điều đó, chỉ tánh biết nhận được tâm lực này từ người con thôi. 

Khi người trở về được với Tánh Biết thì tự nhiên có bốn tâm vô lượng (Từ Bi Hỷ Xả). Nên khi người ấy hướng tâm từ tới một bạn nào đó ở rất xa, thì bạn đó nhận được ngay, cực kỳ nhanh, cảm thấy mát mẻ, nhưng bạn ấy vẫn không ý thức được điều đó là gì. Tâm thực ra dung thông với vũ trụ (Tâm Vũ Trụ), nên tánh biết có thể dung thông tất cả, chỉ tướng biết mới hạn hẹp trong lục căn của mỗi người mà thôi. Nhờ môi trường tâm rộng lớn cùng khắp mà người hành thiền định vô sắc có thể đạt được “không vô biên xứ”, “thức vô biên xứ”, và người có tha tâm thông phải nhờ qua tánh biết rộng lớn ấy mới biết được tâm của người khác.

Trong những tiến trình tâm hữu thức (tướng biết) qua mắt tai mũi lưỡi và nhất là ý được lưu trữ vào tiềm thức Bhavanga hay tàng thức Alaya thì ý thức không còn biết được nữa, nhưng kho vô thức rộng lớn này vẫn tiếp tục hoạt động trong tánh biết. Ngay cả khi tiến trình tâm xảy ra thì ý thức cũng chỉ biết được một phần nhỏ, còn những phần khác tự động làm việc mà ý thức không hề biết được. Trong khi tánh biết vô hạn và bao trùm cả hoạt động của hữu thức lẫn vô thức thì tướng biết chỉ ý thức được một phần rất giới hạn. Cho nên, so với tánh biết thì tướng biết quá nhỏ bé.

Hỏi: Con có linh cảm trước khi gặp chuyện sắp xảy ra, không phải thức tri hay tưởng tri cũng không phải tuệ tri. Đó có phải là tánh biết không, nhưng linh cảm trước như vậy làm con bất an. Vậy cái gì làm con bất an? Tánh biết hay ý thức của tướng biết, thưa thầy?

- Linh cảm không thuộc các loại tri mà con nêu trên, đó chính là kiểu biết của tánh biết mà các loại biết khác của tướng biết không biết được. Nhưng bất an lại không do tánh biết mà chính là do tướng biết. Tướng biết diễn dịch từ sự linh cảm đó mà so đo, tính toán, suy diễn rồi sinh ra lo âu, sợ hãi, bất an. Đó không phải là cái sai của tánh biết mà chính là cái sai của tướng biết. Đức Phật cũng linh cảm được những việc tương lai nhưng Ngài vẫn hoàn toàn bình thản. Còn tâm thức của chúng sinh là loại tướng biết đã được lập trình theo ý mình quen rồi, nên mới bất an trước những báo hiệu không vừa ý.


Sự cô đơn


Hỏi: Kính thưa Thầy, tại sao khi mất đi một tình bạn tri kỷ con cảm thấy cô đơn không chịu nổi? Trước đây chúng con rất đồng tâm nhất trí, nhưng từ khi con biết đạo, đem chia sẻ với bạn ấy thì bạn ấy bắt đầu bất đồng quan điểm với con, từ đó con mất đi người bạn tri kỷ. Phải chăng đường đời và đường đạo khác xa nhau?

- Đạo và đời tuy cùng chung một cuộc sống nhưng lại đi hai hướng khác nhau. Như tuy một dòng sông mà thuyền có xuôi có ngược. Nên đường Đạo gọi là nghịch lưu vì đi ngược với dòng đời. Lão Tử nói: "Vi học nhật ích, vi Đạo nhật tổn" vào đời thì càng có càng muốn có thêm, có được điều này thì mất điều khác nên có hoài không đủ, có mãi không cùng. Vào Đạo thì ngày càng bớt đi, bớt cho đến khi không còn gì để bớt, không có được thứ gì, cũng không là gì cả. Hai hướng như thế quả thật khác xa.

Trong đời sống một điều mà hầu như ai cũng cần có đó là mối quan hệ xã hội. Phải có cha con, chồng vợ, bạn bè, câu lạc bộ, hội đồng hương v.v… vì con người luôn muốn tìm cái gì đó “đồng thanh tương ứng đồng khí tương cầu” nhất là những người bạn tri kỷ, đồng tâm nhất trí, hiểu biết lẫn nhau, nhưng trên thực tế khó có ai tìm được người luôn đồng chí hướng với mình trong suốt cuộc đời, nên thế nào cũng có ngày đi vào ngõ rẽ, nhất là khi đạo đời hai hướng.

Nho giáo nói: "Tính tương cận, tập tương viễn" Bản tính thì gần nhau nhưng sự huân tập thì lại xa dần, giống như gốc thì chung nhau nhưng ngọn thì mỗi hướng khác nhau. Khi bạn tâm giao bỗng nhiên đổi hướng thì bắt đầu cảm thấy cô đơn không chịu nổi, vì vậy lại tiếp tục đi tìm mối quan hệ mới. Ở Đời cô đơn thật là bất hạnh, nhưng trong Đạo thì cô đơn là điều kiện tất yếu để trở về thầm lặng khám phá chính mình. Đó là “khung cửa hẹp” để vào Nước Chúa. Nên Chúa nói “Ta là đường đi, lẽ thật và sự sống, chẳng bởi Ta không ai đến được cùng Cha” nghĩa là không trở về với chính mình (Tứ Niệm Xứ), không sống đúng đạo lý (Bát Chánh Đạo) thì không thể nào thấy được Chân Lý Rốt Ráo (Niết-bàn). Cho nên cô đơn đúng là một điều kỳ diệu. Nhất là cô đơn chịu đựng một mình những khổ đau, thăng trầm, bất hạnh giữa cuộc đời mà không cần than thân trách phận với ai, không cần tìm lời an ủi, thì chính những uất ức, khổ nhục ấy mới giúp mình lớn mạnh, cũng như bùn dơ hôi hám giúp sen nở ngát hương.

Khi thật sự trở về trọn vẹn với chính mình mới thấy ra cô đơn là điều tuyệt diệu, vì chỉ khi cô đơn đến tận cùng thì tâm mới thật sự mở ra vô lượng (từ-bi-hỷ-xả). Ngược lại khi cố tìm nơi nương tựa bên ngoài, nương tựa vào người bạn tri kỷ thì tâm liền bị ràng buộc trong mối quan hệ nhỏ hẹp rất dễ bị tổn thương. Đó là lý do vì sao khi mất đi tình bạn ấy thì cảm thấy cô đơn hụt hẩng và đớn đau. Đức Phật khai ngộ cho rất nhiều người nhưng không bao giờ muốn ai lệ thuộc vào mình và Ngài cũng không bao giờ lệ thuộc vào ai.

Pháp

Hỏi: Thưa Thầy Pháp là gì ạ?

- Vậy cái gì không phải là Pháp? Cái mà Lão Tử gọi là Đạo, Nho giáo gọi là Thiên Địa, Thiên Chúa giáo gọi là Thượng Đế, Krishnamurti gọi là Cuộc Sống, thì đức Phật gọi là Pháp. Pháp là nguyên lý vận hành mọi sự mọi vật (tánh tướng thể dụng) nhưng mọi sự mọi vật cũng chính là Pháp.


Tác giả: Thầy Viên Minh