Nếu tự nhìn lại chính mình, bạn sẽ phải đối mặt với những vấn đề nhất định. Có con đường để định hướng bạn đi theo. Khi bạn tiếp tục tiến bước, tình trạng đó sẽ thay đổi và bạn sẽ phải tự điều chỉnh để vượt qua những vấn đề mới nảy sinh. Cần cả một thời gian tu tập rất dài bạn mới có thể thấy được những dấu mốc tiến bộ rõ ràng. Nếu bạn đi đúng theo cùng một con đường tôi đã đi qua, nhất định hành trình đó sẽ phải diễn ra ở chính trong tâm bạn. Nếu không phải vậy, bạn sẽ gặp phải vô số chướng ngại.
Cũng y như việc bạn nghe một tiếng động. Nghe là một thứ, tiếng động là một thứ khác, chúng ta có thể ý thức được cả hai thứ đó mà không phải ghép sự kiện đó lại. Chúng ta lấy từ tự nhiên những nguyên liệu thô để quán chiếu tìm hiểu chân lý. Cuối cùng tâm sẽ tự phân chia, mổ xẻ các hiện tượng tự nhiên đó. Chỉ đơn giản cung cấp nguyên liệu đầu vào, tâm chẳng dính líu đến quá trình ấy. Khi tai thu nhận tiếng động, hãy quan sát cái gì đang diễn ra trong tâm mình. Tâm có dính vào, rối tung lên và bị tiếng động ấy cuốn đi hay không? Tâm có bị khó chịu hay không? Ít nhất cũng phải hay biết được những điều đó. Khi một tiếng động được chánh niệm ghi nhận, nó sẽ không quấy rối tâm. Ở ngay tại đây, chúng ta ghi nhận những thứ thực tế đang có sẵn trong tay chứ không phải chạy đi đâu xa cả. Ngay cả khi chúng ta muốn chạy trốn khỏi tiếng động, cũng chẳng có chỗ mà chạy. Lối thoát duy nhất là rèn luyện tâm mình để trở nên không lay động trước tiếng động. Buông bỏ tiếng động xuống. Tiếng động mà chúng ta buông bỏ đó, chúng ta vẫn nghe được. Chúng ta nghe, nhưng cho nó đi qua, bởi vì chúng ta đã buông bỏ nó xuống. Không phải cố ý tách biệt tiếng động và cái nghe, chúng tự động tách rời nhau bởi vì sự buông bỏ. Ngay cả khi chúng ta muốn bám víu tiếng động, tâm cũng sẽ không dính vào. Bởi một khi đã hiểu được bản chất thật sự của hình ảnh, âm thanh, mùi, vị và mọi thứ còn lại, tâm sẽ nhìn với tuệ giác rõ ràng, tất cả mọi thứ được cảm nhận, không trừ ngoại lệ nào, sẽ rơi vào một trong ba đặc tướng phổ quát là vô thường, khổ, vô ngã.
Mỗi khi nghe tiếng động, nó sẽ hiểu theo những đặc tướng ấy. Bất cứ khi nào có sự xúc chạm của tiếng động với tai, chúng ta nghe thấy, nhưng dường như không nghe. Không phải là tâm không hoạt động: chánh niệm và tâm đan xen và hợp làm một để giám sát lẫn nhau liên tục. Khi tâm đã được rèn luyện đến mức này, dù chọn đi đường nào chăng nữa, chúng ta cũng vẫn đang tìm hiểu chân lý. Chúng ta sẽ phân tích các hiện tượng (trạch pháp), một trong các giác chi cốt yếu, và chính sự phân tích này sẽ tự động tiến triển bằng quán tính của nó.
Hãy tự đàm luận Pháp với chính bản thân mình. Tháo gỡ và giải phóng các cảm xúc, ký ức, suy nghĩ, tưởng tượng, các ý định và tâm thức. Không có cái gì có thể động chạm đến chúng khi chúng tự thể hiện các chức năng của mình. Đối với những người đã làm chủ thành thục tâm mình, tiến trình suy xét và quán chiếu này sẽ tự động trôi chảy. Không còn phải cố ý định hướng cho nó nữa. Bất cứ chỗ nào tâm hướng đến, sự quán chiếu tự khắc có mặt.
Khi thực hành Pháp đến trình độ này, sẽ có một lợi ích phụ rất thú vị nữa. Trong khi ngủ, các hiện tượng ngáy, nghiến răng, vật vã qua lại, tất cả các thói xấu ấy không còn nữa. Ngay cả sau một giấc ngủ rất say, khi thức dậy chúng ta không bị lờ đờ, hôn trầm nữa. Chúng ta sẽ cảm thấy đầy sức sống, luôn tỉnh táo như thể chưa bao giờ ngủ cả. Trước kia tôi thường ngáy, nhưng khi tâm trở nên tỉnh thức trong mọi lúc như thế, tự nhiên không còn ngáy nữa. Làm sao mà ngáy được khi bạn tỉnh? Chỉ là cái thân này dừng lại, ngủ nghỉ thôi. Tâm luôn luôn tỉnh thức suốt ngày đêm. Đó chính là chánh niệm thuần khiết ở mức độ cao của Đức Phật: Người luôn hay biết, người tỉnh thức, người luôn tràn đầy hỷ lạc, người chiếu sáng rực rỡ. Sự tỉnh giác rõ ràng này không bao giờ ngủ. Năng lượng của nó luôn tự bảo tồn, không bao giờ lơ mơ, hay gật gù buồn ngủ. Ở giai đoạn này, chúng ta có thể không cần ngủ suốt hai, ba ngày mà không sao cả. Khi thân có dấu hiệu mệt mỏi, chúng ta ngồi xuống hành thiền và ngay lập tức nhập sâu vào định trong khoảng 5-10 phút. Khi ra khỏi định, chúng ta cảm thấy hoàn toàn tươi mới và đầy sức sống cứ như vừa dậy sau một đêm ngon giấc. Khi không còn phải bận tâm cho cái thân này nữa, thì ngủ hay không không còn quan trọng. Chúng ta thực hiện những biện pháp cần thiết để chăm sóc cho cái thân này mạnh khoẻ, nhưng không còn lo lắng cho nó nữa. Để cho nó đi theo quy luật tự nhiên. Chúng ta không phải bắt thân mình phải tuân theo ý mình. Nó sẽ tự biết phải như thế nào. Như thể có ai đó luôn ở đó thúc ép chúng ta phải cố gắng tiến lên. Khi chúng ta lười, liền có giọng nói bên trong hò hét bắt ta phải chăm chỉ lên. Ở thời điểm này, không thể có bế tắc nữa, bởi vì sự nỗ lực và tiến bộ đã có một quán tính không gì có thể ngăn chặn được. Bạn hãy tự mình thể nghiệm chính điều này. Bạn đã học pháp học cả một thời gian quá dài rồi. Bây giờ là lúc phải học hỏi và tìm hiểu về chính bản thân mình.
Trong giai đoạn đầu thực hành pháp, thân ẩn cư (sống một mình) là điều tối quan trọng. Khi sống một mình, bạn sẽ nhớ lại lời dạy của Ngài Sariputta (Xá Lợi Phất): “Thân ẩn cư là nhân, duyên để khởi lên tâm ẩn cư, những trạng thái định thâm sâu thoát ly khỏi trần cảnh. Tâm ẩn cư này lại là nhân duyên của tỵ phiền não ẩn cư (xa rời phiền não), chứng đạo”. Ấy thế mà nhiều người dám nói rằng sống ẩn cư không quan trọng, “nếu tâm bạn bình an thì ở đâu chẳng quan trọng”. Đúng thế, nhưng ở giai đoạn đầu chúng ta cần nhớ rằng sống một mình ở một nơi thích hợp là điều đầu tiên cần phải có. Ngay ngày hôm nay, hoặc một lúc nào đó sớm sớm, hãy tìm một nơi hoả táng xác người xa vắng nào đó ở trong rừng, xa con người. Hãy thử nghiệm sống hoàn toàn một mình như thế xem. Hay đi tìm một ngọn núi hoang vắng rùng rợn nào đó. Hãy đi và sống một mình nơi đó, được không? Bạn sẽ có khối niềm vui trong suốt đêm dài. Chỉ khi đó bạn mới tự mình hiểu được. Ngay cả bản thân tôi ngày xưa cũng có lúc nghĩ rằng độc cư không phải là điều quan trọng lắm. Lúc đó tôi nghĩ thế, nhưng một lần tôi đã thực sự đi và thử sống một mình như vậy, tôi suy nghĩ về những gì Đức Phật đã dạy. Đức Thế Tôn khuyến khích các đệ tử tìm những nơi hoang vắng xa con người để thực hành pháp. Lúc đầu, thân ẩn cư xây nên nền tảng vững chắc cho tâm ẩn cư, và chính điều này sẽ hỗ trợ để đạt được trạng thái xa lánh mọi phiền não trong tâm (tỵ phiền não ẩn cư).
Chẳng hạn, nếu bạn là một người cư sỹ sống trong gia đình. Bạn có được loại ẩn cư nào? Khi bạn quay về nhà, ngay khi mới bước chân vào cửa bạn đã bị tấn công bởi đủ thứ vấn đề phức tạp và hỗn loạn. Chẳng thể có được thân ẩn cư. Vì vậy bạn tìm đến một nơi xa vắng, nơi có bầu không khí hoàn toàn khác ở nhà để hành thiền. Điều quan trọng là phải hiểu rõ được tầm quan trọng của việc sống một mình, tách biệt với mọi người trong giai đoạn đầu thực hành pháp. Rồi sau đó bạn tìm một vị thầy để xin học thiền. Vị thầy sẽ hướng dẫn, khuyên bảo và chỉ ra những chỗ bạn còn hiểu sai, bởi vì chỗ sai thường chính là những chỗ bạn vẫn nghĩ là đúng. Chính chỗ bạn sai là những chỗ bạn cho là mình hiểu đúng. Khi thầy giảng giải, bạn sẽ hiểu được đâu là cái sai, và nhất định chỗ sai đó chính xác là chỗ bạn vẫn cho là mình đúng.
Theo tôi được biết, nhiều nhà sư chuyên nghiên cứu pháp học chỉ tìm kiếm chân lý trong sách vở. Chẳng có lý do gì mà lại không thể nghiệm trong thực tế. Lúc mở sách ra và học, chúng ta học theo cách đó. Nhưng khi đã cầm vũ khí lên để chiến đấu, chúng ta phải chiến đấu theo những cách chưa chắc đã có trong sách vở. Nếu một chiến sỹ vào trận mà chỉ chiến đấu theo sách thì sẽ không thể địch lại được đối thủ. Nếu người chiến sỹ đó thực sự chân thành và thực sự chiến đấu, anh ta phải chiến đấu một cách vượt ra ngoài lý thuyết sách vở. Đó là cách phải làm để chiến thắng. Những lời dạy của Đức Phật trong kinh điển chỉ là những hướng dẫn và ví dụ để đi theo, và đôi khi chính việc nghiên cứu kinh điển lại khiến bạn cẩu thả, vội vàng trong cách hiểu.
Thử thách đến tận cùng
Con đường của các vị thầy theo truyền thống tu trong rừng là con đường từ bỏ. Trên con đường này chỉ có buông bỏ. Chúng ta nhổ bật gốc rễ của những lối suy nghĩ tự cho mình là quan trọng. Nhổ bật gốc rễ của cái tôi, cái ngã. Tôi đảm bảo với bạn, cách thực hành này sẽ thử thách bạn đến tận phần cốt lõi sâu kín nhất, nhưng dù nó khó khăn đến đâu cũng đừng bao giờ bỏ thầy và những lời dạy của các ngài. Không có sự hướng dẫn đúng đắn thì tâm và định rất dễ lừa dối chúng ta. Những điều tưởng chừng không thể có sẽ bắt đầu xuất hiện. Tôi luôn luôn nhìn những hiện tượng ấy một cách cảnh giác và chú ý. Khi còn trẻ, trong những năm đầu tiên mới học thiền, tôi thậm chí còn không dám tin vào tâm mình nữa. Tuy nhiên, khi đã đạt được những kinh nghiệm tương đối và có thể tin tưởng hoàn toàn vào sự vận hành của tâm mình, thì không gì có thể tạo ra vấn đề nữa. Ngay cả khi những hiện tượng khác thường xảy đến, tôi cứ để kệ nó như thế. Nếu chúng ta lần ra được cách thức chúng vận hành ra sao, thì chúng sẽ tự biến mất. Nó chỉ là nhiên liệu cho trí tuệ. Thời gian trôi đi, chúng ta sẽ thấy mình hoàn toàn thoải mái với chúng.
Trong thiền, những thứ thường không sai lại có thể sai. Chẳng hạn, chúng ta ngồi bắt chéo chân đầy quyết tâm và thề: “Được rồi, lần này quyết không suy nghĩ lung tung nữa. Tôi sẽ tập trung tâm. Hãy nhìn mà xem”. Cách này chẳng bao giờ thành công cả. Mỗi lần tôi thề như thế, thiền chẳng tiến lên được tý nào hết. Nhưng chúng ta thường thích hô khẩu hiệu. Từ những gì tôi đã trải qua, tôi thấy rằng thiền tự động tiến triển theo nhịp độ của chính nó. Rất nhiều đêm tôi ngồi thiền và tự nói với mình: “Được rồi, đêm nay tôi sẽ không đứng dậy khỏi chỗ ngồi này trước 1g sáng”. Thậm chí chỉ với suy nghĩ này thôi mà tôi đã tạo nghiệp xấu rồi, bởi vì không lâu sau cái đau trong thân tấn công tôi từ mọi phía, nó áp đảo tôi đến nỗi tôi cảm tưởng mình sắp chết đến nơi. Nhưng những lúc tôi hành thiền tốt lại là những lúc tôi chẳng tự đặt trước thời gian ngồi là bao lâu. Tôi chẳng đặt trước là 7g, 8g, hay 9g sẽ đứng dậy, mà chỉ đơn giản ngồi, duy trì liên tục như vậy, buông xả mọi thứ.Đừng bao giờ cưỡng ép hành thiền. Đừng cố gắng suy diễn những gì đang diễn ra.Đừng thúc ép tâm mình bằng những tham vọng thiếu thực tế như phải nhập vào định chẳng hạn – nếu không bạn sẽ thấy tâm mình náo loạn và ương bướng hơn thường lệ. Chỉ cần để tâm mình thư giãn, buông lỏng, thoả mái và yên lành.
Để hơi thở trôi chảy tự nhiên, không bắt nó phải ngắn hay dài. Đừng biến nó thành một cái gì đặc biệt. Để thân mình thả lỏng, thoải mái và thư giãn. Rồi cứ tiếp tục như thế. Tâm sẽ hỏi bạn: “Tối nay chúng ta sẽ hành thiền đến lúc nào nhỉ? Mấy giờ thì xả thiền?”. Nó không ngừng mè nheo, nên bạn phải quát cho nó một trận: “Nghe này ông tướng, để tao yên”. Kẻ lắm chuyện đó cần phải thường xuyên bị đàn áp, bởi vì nó chẳng là gì khác ngoài phiền não đang quấy rầy bạn. Đừng để ý đến nó. Bạn phải cứng rắn với nó. “Dù tao có xả thiền sớm hay muộn cũng không phải là việc của mày. Nếu tao muốn ngồi thiền cả đêm thì cũng chẳng liên quan gì đến ai cả, tại sao mày cứ chõ mũi vào việc của tao hả?” Bạn phải cắt phéng cái gã hay chõ mũi vào việc người khác đó như thế. Rồi bạn có thể hành thiền đến lúc nào tuỳ thích, đến khi nào thấy đủ thì thôi.
Khi bạn để tâm thư giãn và thoải mái, nó sẽ trở nên bình yên. Trải nghiệm điều đó, bạn sẽ nhận ra và đánh giá được sức mạnh của sự dính mắc. Bạn tiếp tục ngồi như thế, thật lâu, quá nửa đêm, rất thoả mái và thư giãn, khi đó bạn mới hiểu được thiền chỉ đơn giản là như vậy. Bạn sẽ hiểu được rằng dính mắc và chấp thủ thực sự làm ô nhiễm tâm mình ra sao.
Một số người khi ngồi thiền, họ thắp một nén hương (nhang) trước mặt và thề: “Tôi sẽ không đứng dậy trước khi nén hương này cháy hết”. Rồi họ ngồi. Sau khi ngồi và cảm thấy hình như một tiếng đã trôi qua, họ mở mắt ra và thấy mới được có 5 phút. Họ trợn mắt nhìn cây hương, thất vọng khi thấy sao mà cây hương này dài quá vậy! Họ nhắm mắt lại và tiếp tục thiền. Không lâu sau lại mở mắt kiểm tra cây hương lần nữa. Những người này sẽ chẳng hành thiền đến đâu được hết. Đừng làm như thế. Chỉ ngồi đó mà mơ đến cây hương, “Không biết nó đã cháy hết chưa nhỉ?!”, thiền chẳng đi đến đâu cả. Đừng coi những việc ấy là quan trọng. Tâm không cần phải làm điều gì đặc biệt hết.
Nếu bạn thực hiện nhiệm vụ phát triển tâm linh, chớ để phiền não và tâm tham biết mục đích và các nguyên tắc của bạn. “Đại Đức sẽ hanh thiền như thế nào ạ?”, nó sẽ dò hỏi, “Ngài sẽ thực hành nhiều đến đâu? Ngài định ngồi thiền muộn đến mấy giờ?”. Tâm tham sẽ không ngừng làm phiền cho đến khi chúng ta phải đi đến thoả thuận. Một khi chúng ta tuyên bố là sẽ ngồi thiền đến nửa đêm, ngay lập tức nó bắt đầu quấy phá. Chưa được một giờ là chúng ta đã cảm thấy mất kiên nhẫn và bứt rứt đến mức không thể tiếp tục được nữa. Thế rồi lại thêm nhiều chướng ngại tấn công khi chúng ta tự mắng mỏ mình: “Thật là hết hy vọng! Cái gì? Ngồi thiền có thể giết được mình hay sao? Mình nói sẽ làm cho tâm mình an trú vững chắc trong định, thế mà nó vẫn bất an và chạy lung tung thế này. Mình đã thề thốt mà chẳng giữ lời”. Những suy nghĩ tự phản đối và chán nản ấy tấn công bạn, và bạn chìm nghỉm trong sự oán ghét bản thân mình. Chẳng có ai khác để đổ lỗi và tức giận cả, và chính điều đó làm cho mọi thứ tệ hơn. Một khi đã buông lời thề, chúng ta phải giữ. Hoặc là phải thực hiện lời thề hoặc là chết trong khi thực hiện. Nếu đã thề ngồi thiền trong suốt một khoảng thời gian nào đó, chúng ta không nên phá vỡ lời thề và bỏ dở. Nhưng cùng lúc đó, hãy thực hành và phát triển một cách dần dần. Không cần phải có những lời thề ghê gớm. Cố gắng rèn luyện tâm mình một cách kiên trì và đều đặn. Thi thoảng, thiền đem lại sự bình an, mọi đau đớn và khó chịu biến mất. Cái đau ở đầu gối và mắt cả chân cũng tự hết.
Khi bắt tay vào thực hành thiền, nếu những hình ảnh lạ lùng, những ảo ảnh hay các loại tưởng sinh lên, việc đầu tiên là hãy kiểm tra lại trạng thái tâm của mình. Đừng bao giờ quên nguyên tắc cơ bản này. Để những hình ảnh đó sinh lên như vậy, là tâm đã tương đối bình an. Đừng tham muốn nó xuất hiện, cũng không mong nó đừng có đến. Nếu nó sinh khởi, hãy xem xét nó kỹ, nhưng đừng để nó lừa mình. Chỉ cần nhớ rằng nó không phải là của mình. Chúng cũng vô thường, khổ và vô ngã như mọi thứ khác. Ngay cả khi chúng là thật thì cũng đừng nghiền ngẫm hay chú ý quá mức đến chúng. Nếu chúng cứng đầu không chịu đi, thì hãy tập trung sự chú ý lại vào hơi thở với sự tinh tấn mạnh mẽ hơn. Hãy hít sâu vào ít nhất là ba hơi thở thật dài, mỗi hơi lại thở ra chầm chậm cho đến hết. Cái mẹo này có thể thành công. Tiếp tục thiết lập lại sự chú ý.
Đừng tìm cách sở hữu những hiện tượng đó. Chúng chẳng là gì khác ngoài cái bản thân chúng đang là, và chúng cũng rất hay lừa dối. Hoặc là chúng ta thích thú và say mê chúng, hoặc là bị chúng làm cho sợ đến phát khiếp. Chúng không đáng tin cậy: có thể không đúng hoặc có vẻ đúng. Nếu bạn thấy chúng xuất hiện, đừng cố gắng diễn dịch ý nghĩa của chúng hay gán cho chúng một ý nghĩa nào đó. Nên nhớ rằng chúng không phải của chúng ta, vì vậy đừng chạy theo những hình ảnh hay cảm giác ấy. Thay vào đó, ngay lập tức hãy quay lại kiểm tra trạng thái tâm hiện tại của mình. Đó là nguyên tắc bất di bất dịch. Nếu chúng ta từ bỏ nguyên tắc cơ bản này và bị cuốn theo những gì chúng ta tin là mình đã thấy, chúng ta sẽ quên mất bản thân mình và bắt đầu nói nhảm hoặc thậm chí điên khùng. Chúng ta có thể mất lý trí đến mức thậm chí không thể giao tiếp được với người khác một cách bình thường. Hãy đạt lòng tin của bạn vào chính tâm mình. Bất cứ điều gì diễn ra, chỉ đơn giản tiếp tục quan sát tâm. Những kinh nghiệm thiền khác lạ có thể có lợi cho người trí tuệ, nhưng sẽ nguy hiểm cho những người thiếu trí. Bất cứ cái gì xảy ra, đừng phấn khích hay vui mừng. Nếu kinh nghiệm diễn ra, hãy để nó diễn ra.
SỰ BÌNH AN KHÔNG GÌ LAY CHUYỂN
Thiền sư Ajhan Cha
Người dịch: Sư Tâm Pháp
Nguồn: sutamphap