Trà Đạo ngày 11.07.2017 (Bộ Nhớ Con Người & Vũ Trụ Tâm)



Hỏi: Khi chánh niệm tỉnh giác diễn ra tự nhiên không cần cố gắng, thì tiếp theo là thấy ra vô thường, khổ và bản ngã phải không ạ? Từ khi thực hành con hay quên đi chữ nghĩa, chỉ nắm lý và thấy sự thôi, như vậy có đúng không ạ?

-  Đúng. Có trí nhớ là tốt nhưng đôi khi nhớ quá nhiều chữ nghĩa cũng không hay ho gì, nên quên bớt ngôn từ đi, chỉ cần nắm được (thấy ra, thực chứng) cốt lõi lý và sự thôi lại càng tốt. Thấy ra cốt lõi tinh tuý của sự thật mới có sự sáng tạo. Nếu nhớ từng lời từng chữ - tầm chương trích cú - như mọt sách rồi nhìn mọi sự mọi vật qua lăng kính khái niệm ngôn từ đã có sẵn thì liền đánh mất khả năng khám phá đầy sáng tạo. Còn như không nhớ gì cả, nên khi gặp chuyện, trực diện với sự kiện bất ngờ mà ứng tiếp tự nhiên, hoàn toàn mới mẻ.

 Trong kinh, đôi khi Đức Phật chỉ tuỳ duyên (tuỳ lúc, tuỳ nơi và tuỳ căn cơ trình độ) mà nói lên sự thật để khai thị cho một người nào đó, khi người đó đã thấy ra thì không cần phải nhớ ngôn từ làm gì nữa. Thí dụ như Phật giảng về Pháp Duyên Sinh, có khi chỉ nói 10 chi, có khi 12 chi, có khi 15 chi... rồi người sau chọn 12 chi làm chuẩn mới có pháp Thập Nhị Duyên Sinh. Hoặc Tứ Thánh Đế lúc đầu giảng cho nhóm Kondañña Đức Phật trình bày 4 đế nhưng khi nói với người khác Ngài chỉ nói 2 thôi, như “Trong thân một trượng này thế gian tập khởi và thế gian đoạn diệt” chẳng hạn. Vậy quan trọng là thấy ra sự thật chứ không nên chấp giữ ngôn từ.

Trí nhớ cũng tốt cho đời sống tục đế như học sinh, sinh viên cần nhớ bài học, nhất là vào những mùa thi. Trên thực tế nhiều lãnh vực đời sống càng nhớ nhiều càng bị kẹt vào kiến thức cũ kỹ nên sẽ khó thấy mọi sự luôn luôn mới mẻ. Không cần cố ghi nhớ vì không có cái gì mất cả, đừng tưởng rằng mình đã quên hết, thực ra bên trong bộ nhớ đều đã ghi lại hết. Thí dụ nạn nhân bị cướp tới công an khai báo. Công an hỏi hình dạng tên cướp đó thế nào thì nạn nhân không nhớ rõ mà chỉ nhớ đại khái thôi, nhưng tối ngủ chiêm bao lại thấy rõ mặt mũi tên cướp đó. Chứng tỏ hình ảnh tên cướp đã được sao lưu vào trong tiềm thức, đến một lúc nào đó bộ nhớ sẽ cung cấp thông tin đã lưu trữ khi cần. Có 3 loại bộ nhớ:

1- Có những thông tin được lưu giữ trong bộ nhớ tiềm thức cá nhân, khi cần thì có thể nhớ lại được dễ dàng.  
2- Có những thông tin được lưu trữ sâu trong bộ nhớ vô thức cá nhân, khi cần không nhớ được nhưng khi vô tâm (tĩnh lặng trong sáng) tự nhiên lại nhớ được.
3- Tất cả những thông tin đều được lưu trữ trong bộ nhớ vũ trụ, một bộ nhớ chung của tất cả chúng sinh, mà thường chúng ta hầu như đã quên nhưng thực ra vẫn không hề mất.

Điển hình như câu chuyện Trưởng lão Cūlapanthaka là một trong những vị đệ tử của Đức Phật. Ngài xuất gia, nhưng trí nhớ rất kém, trong bốn tháng cũng không thuộc được bài kệ 4 câu, đến khi Đức Phật đưa cho một cái khăn trắng dạy ngài hàng ngày quan sát cái khăn đó thì chẳng bao lâu ngài chứng Đạo Quả A-la-hán, có trí tuệ biện tài vô ngại, vì trong những kiếp quá khứ ngài đã từng là người nghe nhiều học rộng. Do đó, đừng quan trọng hoá việc nhớ hay không, cứ chánh niệm tỉnh giác, quên hết càng tốt. Cứ để bộ nhớ vũ trụ giữ dùm, cái gì cần sẽ tự xuất hiện.
Hoặc câu chuyện công tử Yasa (thời Đức Phật), tuy sống đời xa hoa hưởng thụ đầy vương giả nhưng đôi khi chàng cảm thấy buồn phiền chán nản. Một hôm ngủ quên giữa cuộc chơi, nửa khuya thức dậy, mệt mỏi nhìn đám ca nhi, vũ nữ đang ngủ li bì trông chẳng khác nào những xác chết không hồn. Chàng chán nản bỏ ra ngoài, vừa đi vừa tự than trách với những lời ta thán đầy phiền muộn. May đi lang thang trên đường lại gặp đức Phật, được Phật khai ngộ liền chứng Đạo Quả. Thì ra, trong những kiếp trước Yasa làm nghề thiêu xác, nay gặp duyên nhớ lại hình ảnh những xác chết chờ thiêu mà kinh cảm sự bất tịnh của thân xác được che đậy bởi xiêm y lộng lẫy mà thôi!
Cuộc sống là một chuỗi dài những trải nghiệm, mỗi trải nghiệm được ghi lại trong bộ nhớ mà không phải chỉ là bộ nhớ cá nhân trong não, trong tiềm thức hay trong vô thức của riêng mình, mà còn được lưu trữ trong bộ nhớ của Vũ Trụ Tâm nữa. Tâm chúng ta có 2 phần, một phần là tướng biết riêng biệt của mỗi người biểu hiện qua 6 thức, một phần là tánh biết bao trùm cả vũ trụ nên gọi là Vũ Trụ Tâm. Giống như Thái Cực là chung cho các hiện tượng Dịch lý riêng vậy. Những gì mỗi người trải nghiệm và tạo tác qua các tiến trình tâm đều được ghi vào Bhavaṅga của riêng họ. Nhưng không phải chết là hết mà chúng vẫn tiếp tục vận hành để tạo thành chuỗi nhân quả từ quá khứ đến tương lai. Giống như bộ nhớ của một máy vi tính cá nhân. Tuy nhiên, mặt khác những dữ liệu ấy còn được lưu trữ trong bộ nhớ của Vũ Trụ Tâm, giống như bộ nhớ của máy tổng, của máy chủ như, Google, iCloud chẳng hạn. Nếu không có bộ nhớ của Vũ Trụ Tâm này thì làm sao Đức Phật Thích Ca có thể đọc được dữ liệu của những vị Phật quá khứ đã nhập Niết-bàn, hoặc biết được những kiếp quá khứ xa xưa của những người khác?

(Hỏi) Xin thầy giảng thêm "sắc tức thị không, không tức thị sắc"?

- Sở dĩ nói “sắc tức thị không, không tức thị sắc" vì nhiều người tưởng không là không có gì hết, nhưng không ở đây chính là "đương xứ tức không" hay "cái đang là". “Không” có nhiều thứ:
+ Cái không do vô thường,
+ Cái không do sinh diệt,
+ Cái không do duyên giả hợp. 
+ Cái không do “nó như nó đang là" (không phải do tưởng là, cho là, muốn phải là và mong sẽ là... Tưởng tạo ra tướng, nên gọi là tướng do tưởng sinh. Trên thực tế thì “thực tướng vô tướng” nên mới gọi là “đương xứ tức không”. Nhìn thấy một vật như nó đang là, tức trả nó về cho chính nó, chứ không qua tưởng của mình. Khi không bị tưởng dánh lừa thì mới thấy đúng thực tánh của pháp).
+ Cái không cuối cùng là do Tâm rỗng lặng trong sáng. (Đức Phật dạy "Khi Tâm thanh tịnh thì thấy các Pháp đều thanh tịnh". Nói cách khác, khi Tâm “không” thấy các pháp cũng “không”, đồng thời cũng thấy pháp "như nó đang là" tức không mà có, có mà không.
Có lần, một Phật Tử hỏi "sắc tức thị không" là sao? Thầy nói đùa “đơn giản thôi, khi đói mặc dù trước mặt không có thức ăn nào, nhưng đầu óc vẫn tưởng ra đủ thứ món ăn. Nhưng khi no dù dọn ra trước mặt những thức ăn tuyệt vời vẫn thấy như không. Thành ra không mà có, có mà không là vậy.
Nên có vị Thiền Sư nói: "Có thì có tự mảy may. Không thì cả thế gian nầy cũng không". Còn Lão Tử thì nói: "Cố thường vô, dục dĩ quan kỳ diệu; thường hữu dục dĩ quán kỳ kiếu" tức khi thấy “có” thì liền hiện ra muôn sai nghìn biệt, còn khi thấy “không” thì mọi sự đều tịch tịnh vi diệu. 
Trong Vật lý, lúc khởi đầu thấy vật chất là khối đặc, sau đó thấy là những phân tử, sâu nữa thấy những nguyên tử, rồi lại thấy trong nguyên tử có âm điện tử, dương điện tử và trung hòa tử. Sâu nữa thì chỉ thấy hạt hoặc sóng. Cuối cùng chỉ thấy năng lượng, rồi đến chân không. Nên ngay cả, trong vật chất thấy có cũng được, thấy không cũng được. 
Cái chính của thấy "không", như trong kinh Bát Nhã “chiếu kiến ngũ uẩn giai không". Ngũ uẩn giai không mà vẫn có, nên nói "sắc bất dị không, không bất dị sắc, sắc tức thị không, không tức thị sắc" là vậy. Do đó, trong tu hành thấy ra sự thật là chính, còn mọi sự mọi vật có hay không chỉ tuỳ duyên mà nói.

Hỏi: Xin Thầy khai thị tinh thần “Điềm đạm hư vô chân khí tùng chi

- Điềm đạm hư vô là tâm rỗng rang lặng lẽ trong sáng hay trở về tâm không. Thiền là khi hữu sự tâm tuỳ duyên mà ứng, khi vô sự tâm tự trở về không. "Sự lai nhi tâm thỉ hiện/ Sự khứ nhi tâm tùy không". Tâm trở về "không" được, là tâm "điềm đạm hư vô" hay tâm rỗng lặng trong sáng. Tâm vốn rỗng lặng trong sáng nên khi tiếp xúc với trần cảnh qua mắt tai mũi lưỡi thân ý thì tuỳ duyên mà ứng, còn khi không cần tiếp xúc với cảnh trần thì trở về rỗng lặng hồn nhiên, gọi là điềm đạm hư vô. Sống như vậy chính là sống Thiền đích thực.
Khi tâm ứng ra mà dính mắc vào duyên cảnh thì gọi là buông lung thất niệm nên bị sinh tử luân hồi theo sự biến đổi thăng trầm của pháp tướng. Khi tâm tuỳ duyên ứng hiện mà biết trở về không thì thoát khỏi luân hồi sinh tử. Người giác ngộ là vậy, pháp đến thì tâm ứng ra vô ngại, pháp đi rồi thì tâm tự trở về không. Thế nên, thầy thường khuyên khi hữu sự ứng ra thì thận trọng, chú tâm, quan sát, khi vô sự thì trở về trọn vẹn tỉnh thức, thuần thục hơn nữa thì khi ứng ra tâm trong lành, định tỉnh, sáng suốt, khi trở về tâm rỗng rang, lặng lẽ, trong sáng... Đó chính là nguyên lý sống tuỳ duyên thuận pháp.
Lão Tử nói "Vô vi nhi vô bất vi", tâm vô vi nhưng vẫn làm mọi việc. Người sống điềm đạm hư vô có thể làm tất cả mọi việc mà tâm vẫn hoàn toàn như không làm gì cả. Ứng ra thì huyền đồng vạn Pháp, trở về thì hoàn lại tánh không. Trong Đạo Phật gọi đó là tâm duy tác của các bậc Thánh.
Tổ Huệ Năng nói: "Hà kỳ tự tánh năng sinh vạn Pháp", vì tự tánh vốn “bổn lai vô nhất vật” tức tâm vốn không mà có thể ứng hoá vô cùng. Trong tự nhiên, tâm chỉ tùy duyên mà ứng rồi tự trở về với bản chất rỗng lặng trong sáng của nó. Nếu thấy được nguyên lý này thì việc tu hành thật dễ dàng, nhưng nếu lệ thuộc vào phương pháp, vào khuôn mẫu chế định thì sẽ sinh ra phức tạp khó lường. 
Người Giác Ngộ vẫn ứng ra vạn pháp, khi xong rồi lại trở về không. Còn người mê, chỉ biết chạy theo hiện tượng bên ngoài, thì bị cuốn vào luân hồi sinh tử, hoặc chỉ biết an trú trong không thì lại rơi vào "trầm không trệ tịch". Người Giác Ngộ thấy không mà không trụ vào tánh không, thấy hữu cũng không bị dính mắc trong tướng hữu. Đối với hữu thì thong dong, đối với không thì tự tại.


Tác giả: Viên Minh