J. Krishnamurti:
Bộ chúng ta nên có khái niệm về người khác chăng? Bộ chúng ta nên hình thành một quan điểm, đánh giá, xét nét về người khác chăng? Khi bạn có khái niệm về thầy của bạn, thì có cái gì là quan trọng đối với bạn?
Tôi không nói về bản thân vị thầy, nhưng nói về cái khái niệm của bạn về vị thầy. Và đó là chuyện xẩy ra trong cuộc đời, đúng không?
Chúng ta đều có ý kiến về người này, người khác, đúng không? Chúng ta nói: " Hắn thì tốt", "Hắn thì phù phiếm", Hắn thì mê tín", "Hắn làm cái này, cái kia"...
Chúng ta thiết lập một bức màn ngăn cách chúng ta với người khác, cho nên chúng ta không bao giờ có thể thật sự tiếp xúc được với người đó.
Nhìn thấy ai làm việc gì, chúng ta nói: " Ông ta đã làm việc đó", như vậy, nó chỉ quan trọng ở cái thời gian chuyện đó xẩy ra. Bạn hiểu chăng? Nếu bạn thấy ai đó làm việc gì mà bạn có ý kiến như là người đó làm việc tốt, hoặc xấu, thế là bạn bèn có ý kiến cố định về người đó, để rồi mươi ngày hay cả năm sau, khi bạn gặp lại họ, bạn vẫn còn giữ cái ý kiến của bạn về họ. Nhưng mà trong khoảng thời gian đó, có thể là họ đã thay đổi rồi.
Cho nên điều rất quan trọng là đừng bao giờ nói: "Hắn là thế đó", mà nói: "Hắn đã như thế vào tháng Hai", bởi vì tới cuối năm thì hắn đã đổi khác hoàn toàn mất rồi.
Nếu bạn nói về ai đó: "Tôi biết người này", có thể là bạn sẽ sai hoàn toàn, bởi vì bạn chỉ biết về hắn vào khoảng thời gian nào đó, hoặc bởi một sự kiện xẩy ra vào một thời điểm nào đó, ngoài ra, bạn chẳng biết gì về hắn cả.
Cho nên điều quan trọng là mỗi khi gặp người nào, bạn hãy tiếp xúc với họ bằng một tâm hồn hoàn toàn trong sáng, không với những thành kiến, không với những định kiến và không với những quan điểm của riêng mình.
Trích THINK ON THESE THINGS – J. KRISHNAMURTI
Hỏi: Thế nào là tự do đích thực và làm sao để giành được?
J. Krishnamurti:
Tự do đích thực không phải là cái gì đó để mà giành được, mà là kết quả của sự thông tuệ. Bạn không thể mua quyền tự do ở ngoài chợ. Bạn không thể kiếm được nó bằng cách đọc một cuốn sách, hoặc nghe người nào đó diễn thuyết. Tự do tới bằng sự thông tuệ.
Hỏi: Nhưng thế nào là thông tuệ? Có thể có sự thông tuệ khi còn sợ sệt, hoặc khi tâm trí đã bị điều kiện hóa?
J. Krishnamurti:
Khi tâm bạn đã có sẵn thành kiến, hay là khi bạn nghĩ rằng bạn là một người phi thường, hoặc khi mà bạn có quá nhiều tham vọng, muốn leo lên bậc thang thành công trong đời sống thế tục hoặc tâm linh, vậy có phải là thông tuệ chăng?
Khi bạn chỉ quan tâm đến chính bạn, khi bạn học theo hoặc tôn thờ ai đó, vậy có thể là thông tuệ không?
Hiển nhiên, khi bạn thấu hiểu và thoát khỏi toàn bộ sự ngu xuẩn này, thì đó là thông tuệ. Cho nên bạn phải khởi sự; và việc đầu tiên là hãy tỉnh giác để biết rằng tâm trí bạn không được tự do.
Bạn phải quan sát để thấy tâm trí bạn đã bị những cái linh tinh này o ép như thế nào, đây là bước đầu của sự thông tuệ, dẫn đến tự do.
Bạn phải tự tìm lời giải đáp. Có lợi ích gì khi người khác tự do còn bạn thì không, hoặc là khi người khác có đồ ăn còn bạn thì đói ?
Sáng tạo là phải có sự khai mở đích thực, như thế phải có tự do; và muốn có tự do, phải thông tuệ.
Bạn hãy tìm hiểu coi cái gì đã cản trở sự thông tuệ. Bạn phải nghiên tầm từ chính cuộc đời, tìm hiểu về những giá trị xã hội, mọi thứ, và không chấp nhận bất cứ điều gì nếu chỉ vì bạn bị khiếp sợ.
Trích TO BE HUMAN – J. KRISHNAMURTI
Hỏi: Chúng ta có cách nào để có thể sống đạo trong xử thế tiếp vật với đời chăng?
Krishnamurti: Khi dùng từ ngữ sống đạo, ý chúng ta muốn nói gì? Phải chăng bạn muốn nói đến một cách sống mà trong đó không có sự phân chia-- phân chia giữa đời thường và đời sống tôn giáo, giữa điều nên và điều không nên, giữa tôi và bạn, giữa thích và không thích? Chính sự phân chia này đem lại mâu thuẫn, xung đột. Một đời sống đầy mâu thuẫn, xung đột thì không phải là sống đạo. Chỉ có thể sống đạo khi chúng ta thấu hiểu nguyên nhân của mọi tranh chấp, mâu thuẫn. Sự thấu hiểu đó chính là trí tuệ. Với trí tuệ này, chúng ta sẽ hành động một cách công chính.
Điều mà nhiều người gọi là "trí tuệ", thực ra chỉ là sự khéo léo trong công tác kỹ thuật, hoặc lanh lợi trong giao dịch nơi thương trường, hoặc mánh lới, xảo thuật, trong lãnh vực chính trị.
Trích: Sống Đạo
Hỏi: Chúng ta sống nhưng không biết vì lý do gì mà chúng ta sống. Đối với phần đông chúng ta, đời sống có vẻ như là vô nghĩa. Ông có thể nói cho chúng tôi biết về ý nghĩa và mục đích của cuộc đời chăng?
Krishnamurti: Thế thì tại sao bạn hỏi câu này? Tại sao bạn lại yêu cầu tôi nói cho bạn biết về ý nghĩa và mục đích của cuộc đời? Chúng ta hiểu như thế nào khi nói "cuộc đời"? Vậy cuộc đời có ý nghĩa, có mục đích chăng? Thế bản thân sự sống này không tự nó có mục đích, có ý nghĩa chăng? Tại sao chúng ta còn muốn hơn thế nữa?
Bởi vì chúng ta quá bất mãn với đời sống của chúng ta, cuộc đời chúng ta quá vô vị, quá lòe loẹt hào nhoáng thùng rỗng kêu to, quá tẻ nhạt, làm hoài cùng một việc, cho nên chúng ta muốn cái gì hơn thế, cái gì vượt qua những điều chúng ta đang làm. Vì cuộc sống hằng ngày của chúng ta quá trống rỗng, quá trì trệ, quá vô nghĩa, quá nhàm chán, u mê đến mức không còn chịu nổi, nên chúng ta nói rằng cuộc đời phải có ý nghĩa hơn và do đó bạn hỏi tôi câu này. Chắc chắn người có một đời sống nội tâm phong phú, người nhìn sự vật đúng theo thực tế và an lạc với những gì mình có, thì không bị bối rối; anh ta sáng suốt, cho nên anh ta không cần hỏi về mục đích của cuộc đời. Đối với anh ta thì ngay chính bản thân sự sống đã là toàn bộ cuộc hành trình từ khởi đầu tới kết thúc. Điều khó khăn cho chúng ta là, bởi vì cuộc sống của chúng ta quá trống rỗng, nên chúng ta muốn tìm cho nó một mục đích và nỗ lực để làm chuyện đó. Cái loại mục đích này chỉ có thể có trong tư tưởng, không có chút thực tế nào cả; và khi mục đích được theo đuổi bằng một đầu óc khờ ngốc, ù lì, bởi một trái tim rỗng tuếch, thì cái mục đích đó cũng sẽ vô nghĩa mà thôi. Cho nên chúng ta phải có quyết tâm làm thế nào để cho cuộc sống được phong phú, không phải bằng tiền tài vật chất hoặc mọi sự liên quan đến nó, mà là nội tâm phong phú -- điều này không có gì là khó hiểu. . . .
Đời sống là tương quan giao hảo. Đời sống là hành động trong sự liên hệ; khi tôi không cảm thông được trong mối tương quan giao hảo, hoặc khi mối tương quan bị lộn xộn thì tôi đi tìm một mục đích cao xa hơn. Tại sao cuộc sống của chúng ta lại trống rỗng, vô nghĩa như vậy? Tại sao chúng ta lại cô đơn, chán nản như vậy? Bởi vì chúng ta chẳng bao giờ nhìn vào nội tâm chúng ta và tự hiểu chính mình. Chúng ta không bao giờ chịu tự mình chấp nhận rằng cuộc đời này là tất cả những điều chúng tabiết, do đó, nó đáng được thâm hiểu đầy đủ, trọn vẹn. Chúng ta thích tránh né chuyện tự phán xét mình hơn cho nên chúng ta muốn đi tìm mục đích của cuộc đời bên ngoài mối tương quan liên hệ. Nếu chúng ta bắt đầu hiểu thấu những hành động trong mối liện hệ của chúng ta đối với mọi người, với tài sản, với những niềm tin và tư tưởng, thì chúng ta sẽ thấy được rằng bản thân mối tương quan liên hệ trong cuộc đời sẽ mang đến phần thưởng của chính nó.
Bạn không cần phải đi tìm. Nó cũng giống như đi tìm lòng thương yêu. Có thể nào nhờ tìm kiếm mà thấy được lòng thương yêu chăng? Lòng thương yêu không thể có được do sự nỗ lực gầy dựng. Bạn sẽ tìm ra lòng thương yêutrong mối dây giao hảo, không ở bên ngoài sự giao hảo, và cũng vì chúng ta không có lòng thương yêu nên chúng ta muốn có một mục đích cho đời sống.
Khi có lòng thương yêu, điều bản chất vốn là vĩnh cửu, thì sẽ không còn chuyện đi tìm Thượng Đế, bởi vì lòng thương yêu vốn là Thượng Đế. . .
Krishnamurti -- The First & Last Freedom
Có nhiều loại tự do, chắc chắn là như vậy. Có loại tự do về chính trị. Có loại tự do từ kiến thức mang lại, nhờ đó, bạn biết cách làm việc này, việc kia, "biết cách làm thế nào ... ". Có cái tự do của người nhiều tiền của được đi du lịch vòng quanh thế giới. Nào là tự do vì có khả năng, có thể viết lách, có thể bày tỏ tư tưởng của mình, có thể suy nghĩ một cách minh mẫn. Lại có loại tự do vì thoát khỏi sự vướng mắc vào cái gì đó, thí dụ thoát khỏi sự đàn áp, sự thèm khát, truyền thống, lòng tham lam, v . v . . . Có loại tự do là kết quả của sự phấn đấu mà giành được, chúng ta hy vọng rằng khi kết thúc một quá trình hành trì, kết thúc một quá trình rèn luyện phẩm hạnh, kết thúc một quá trình cố gắng, sự tự do tối thượng mà chúng ta ước ao này sẽ giúp chúng ta làm được một số công việc.
Nói về những sự tự do như sự tự do nhờ khả năng mang lại, sự tự do từ một cái gì đó, sự tự do mà chúng ta cho rằng sẽ đạt được sau một thời gian rèn luyện phẩm hạnh, thì tất cả các loại tự do đó chúng ta đều đã biết rồi.
Vậy câu hỏi là, phải chăng tất cả những loại tự do đó đều chỉ là những phản ứng?
Khi bạn nói :" Tôi muốn giải thoát khỏi sự giận dữ", đó chỉ là một phản ứng của lòng mong muốn, không phải là sự tự do, giải thoát khỏi sự giận dữ. Và ngay chính sự tự do mà bạn tưởng rằng bạn sẽ đạt được sau một đời rèn luyện phẩm hạnh, do phấn đấu, do ép mình, đó cũng chỉ là những phản ứng của các việc mà bạn đã làm.
Xin hãy theo dõi cẩn thận, bởi vì điều mà tôi sẽ nói ra có thể khiến cho bạn thấy khó hiểu vì có một cái gì đó có vẻ như không quen thuộc với dòng suy nghĩ của bạn. Có một loại tự do vốn không từ điều gì mang lại, không có nguyên nhân, nhưng là một trạng thái giải thoát.
Bạn thấy đó, sự tự do mà chúng ta đã biết thì đều luôn luôn đạt được nhờ ý chí, đúng không? Tôi sẽ được tự do. Tôi sẽ học một khoa kỹ thuật. Tôi sẽ trở thành một chuyên viên. Tôi sẽ học hỏi. Và cái ý chí đó mang đến cho tôi tự do. Cho nên chúng ta dùng cái ý chí để đạt sự tự do. Chúng ta không muốn trở nên nghèo, do đó, chúng ta dùng khả năng, dùng tất cả quyết tâm của chúng ta để đạt được sự giầu có. Hoặc, tôi là kẻ vô dụng, cho nên tôi quyết tâm học tập để hết vô dụng.
Và chúng ta tưởng rằng chúng ta sẽ tìm được tự do khi chúng ta hành động với sự quyết tâm, với ý chí.
Nhưng mà, ý chí không đem đến tự do, mà ngược lại, như tôi sẽ trình bày dưới đây.
Ý chí là gì? Tôi sẽ là ..., tôi sẽ không được là ..., tôi sẽ phấn đấu để trở nên cái gì đó ..., tôi sẽ học hỏi ...v . v ...
Tất cả những chuyện kể trên đều là những dạng hành động của ý chí. Vậy thì cái ý chí này là gì, nó hình thành ra sao? Hiển nhiên là từ khát vọng. Biết bao nhiêu là nỗi niềm khát vọng của chúng ta, với những sự thất vọng, những sự bó buộc, những sự hoàn tất, kết lại như sợi dây ràng buộc. đó là ý chí, phải vậy không? Quá nhiều nỗi khát vọng của bạn kết hợp lại với nhau, tạo thành một sợi dây chão và nhờ nó mà bạn cố gắng leo lên bậc thang thành công, muốn tiến đến tự do.
Vậy thì, xin hỏi rằng khát vọng có đem lại tự do được không, hay là chính cái khát vọng để đạt được tự do đó lại làm cho người ta mất tự do? Xin các bạn hãy nhìn vào bản thân, tự xét cái lòng khao khát của chính bạn, cái tham vọng của chính bạn, cái ý chí của chính bạn.
Tôi lại xin hỏi rằng cái ý chí của bạn có phải là nhân tố của tự do không? Ý chí có mang lại tự do không? Hay là tự do, giải thoát là một cái gì hoàn toàn khác hẳn, nó không liên hệ gì với phản ứng, không thể đạt được nhờ khả năng, nhờ suy nghĩ, nhờ kinh nghiệm, nhờ kỷ luật.
. . . Tự do, giải thoát, là một phẩm chất của tâm hồn. Cái phẩm chất này không đến từ sự thận trọng tìm tòi, nghiên cứu, phân tích, sắp xếp tư tưởng lại với nhau. Tư tưởng và tự do, giải thoát, là hai điều đối nghịch.
Tư tưởng không đem tới tự do, giải thoát, vì tư tưởng đã bị điều kiện hóa.
Cái phẩm chất của tâm hồn này là sự tỉnh giác, chỉ ghi nhận thuần túy, không phân tách, không so sánh từ kinh nghiệm của quá khứ, v.v ... đó chính là khởi đầu của sự tự do đích thực. Sự chuyển hóa này trong tâm hồn là một cuộc cách mạng đích thực.
Ngoài ra, tất cả các cuộc cách mạng khác đều chỉ là những phản ứng, dù cho người ta có dùng từ ngữ như tự do, giải thoát, những hứa hẹn thiên đường, v . v ... , mọi loại. Chỉ có một sự tự do, giải thoát đích thực. đó là cái phẩm chất trong tâm hồn.
Trích Total Freedom - The Essential Krishnamurti
Đối với chúng ta, chết là hết, là bạn hoàn toàn chấm dứt với những ràng buộc, chấm dứt với tất cả moi thứ mà bạn đã gom góp trong cuộc đời. Bạn không thể đem chúng đi theo với bạn. Có thể là bạn muốn giữ chúng cho đến tận giây phút cuối cùng của cuộc đời, nhưng bạn không thể đem chúng đi theo với bạn.
Chúng ta đã chia cuộc đời ra thành hai mảng: sự sống và cái chết. Sự chia chẻ này đã mang lại cho chúng ta nỗi sợ hãi ghê gớm. Từ sự sợ hãi đó, chúng ta sáng tác ra đủ loại học thuyết, lý luận, để tự an ủi. Có thể chúng chỉ là những điều viển vông, hão huyền thôi, nhưng chúng đã làm cho chúng ta được an tâm biết bao! Ảo tưởng có thể đem lại sự thoải mái cho thần kinh.
Nhưng mà liệu có thể nào, đang khi chúng ta sống đây, chúng ta để cho những thứ mà chúng ta bị dính mắc vào chết quách đi không? Nếu tôi gắn bó vào với tiếng tăm, danh vọng của tôi, trong khi sự chết thì luôn luôn đi theo kề ngay bên cạnh, mỗi ngày tôi mỗi già và rồi tôi phát hoảng lên vì tôi đang sắp sửa mất tất cả.
Vậy thì liệu tôi có thể hoàn toàn giải thoát ra khỏi những ý niệm, danh vọng, mà người đời đã gán cho tôi chăng? Như thế, dù cho sự chết tới, nó cũng vẫn như sự sống đang tiếp diễn. Và vì vậy, sự chia cách giữa sống và chết không còn xa thẳm, chúng nó chỉ là một dòng liên tục, kề cận, nối liền với nhau.
Bạn có nhận thức được cái ý nghĩa về sự tuyệt đẹp của một ngày, hoặc chỉ một giây, nhưng trong đó không có sự gom góp, chất chứa, không có cái tâm lý gom góp, chất chứa không?
Bạn phải gom góp, chất chứa quần áo, tiền bạc, v.v..., đó là chuyện khác. Nhưng trong tâm tưởng, bạn không chất chứa những loại như sự hiểu biết, sự dính mắc, sự ràng buộc, rằng những cái này là "của Tôi".
Bạn muốn thế không? Bạn có thật lòng muốn làm cái việc nó sẽ khiến cho sự mâu thuẫn giữa sống và chết cùng với những nỗi niềm đau khổ, sợ hãi, khắc khoải, tất cả đều được chấm dứt chăng?
Trích THE CORE of THE TEACHINGS
Hỏi: Xin nói cho chúng tôi nghe về Thượng Đế.
Krishnamurti: Thay vì nghe tôi nói Thượng Đế là gì, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu coi các bạn có thể nhận ra được cái trạng thái đặc biệt đó, không phải là hãy để đến mai hoặc một thời gian nào đó trong tương lai, nhưng mà ngay lúc này, trong khi chúng ta đang cùng ngồi với nhau trong bầu không khí an tịnh này. Chắc chắn là điều đó quan trọng hơn nhiều. Nhưng nếu muốn tìm hiểu coi Thượng Đế là gì thì phải liệng bỏ hoàn toàn niềm tin vốn có. Muốn phát hiện ra cái gì là chân thật thì tâm trí không thể mang sẵn niềm tin về một cái gì đó đã được coi là chân lý, không thể có sẵn những lý thuyết hoặc giả thuyết về Thượng Đế. Xin các bạn hãy để ý, lắng nghe. Nếu các bạn đã có những giả thuyết, đã có những niềm tin, đã có những giáo điều,như thế thì đầu óc các bạn đã đầy ắp những suy đoán. Vì đã đọc cuốn sách này hoặc cuốn sách kia viết về sự thế nào là thực tại hoặc Thượng Đế cho nên tâm trí các bạn rất phấn khích. Một cái đầu chứa đầy ắp kiến thức thì luôn hoạt động, không an tịnh, chỉ làm cho tâm hồn thêm vướng mắc nặng nề và hiển nhiên là cái sự vướng mắc nặng nề ấy không thể biểu hiện một nội tâm bình thản. Khi tâm trí chứa đầy ắp những sự tin chắc, dù là tin rằng có Thượng Đế, hay là tin rằng không có Thượng Đế, thì cũng là vướng vào kiến chấp, mà cái tâm đã vướng vào kiến chấp thì không thể nhận ra được cái gì là chân lý.
Để phát hiện chân lý, tâm hồn con người phải được khai phóng, cởi mở, thoát khỏi những lễ lạc, những niềm tin, những giáo điều, kiến thứcvà kinh nghiệm sống mà họ đã trải qua. Chỉ khi đó thì tâm trí mới nhận thức được thực tại, chân lý. Tâm hồn trong trạng thái an tịnh như thế thì những hoạt động do lòng ham muốn, do khát vọng từ ngoại cảnh cho tới nội tâmkhông còn nổi lên nữa. Đó không phải là đè nén lòng ham muốn, đè nén khát vọng, vì đè nén phải tốn sức. Ngược lại, khi tâm trí ở trong trạng thái an tịnh thì người ta có tràn đầy sức sống, tràn đầy nghị lực. Nhưng sức sống, nghị lực không thể sung mãn nếu đầu óc còn lăng xăng dòm ngó chuyện thiên ha,ï khiến cho nội tâm lại phải bận rộn đối phó. Khi tất cả những chuyện thị phi này đã lắng xuống thì tâm hồnsẽ ở trong trạng thái an bình, tĩnh lặng.
Tôi không mê hoặc các bạn, không thuyết phục, dụ dỗ các bạn rằng phải tĩnh lặng. Chính các bạn, tự bản thân, các bạn phải thấy được tầm quan trọng của việc từ bỏ, việc vứt đi tất cả những điều mê tín dị đoan, những niềm tin vô căn cứ, những kiến chấp đã tích lũy hàng bao nhiêu thế kỷ, hãy xả bỏ một cách thoải mái, không chút cố gắng, không chút ngần ngừ. Các bạn phải thấy được sự thật là bất cứ hình thức tích lũy nào cũng đều làm cho tâm trí bừa bộn lên, khiến cho năng lực bị tiêu haophung phí.
Muốn cho tâm được tĩnh lặng thì phải có một sức sống sung mãn và sức sống đó phải an tịnh. Và nếu như các bạn đã thực sự có được trạng thái sống an bình, không lăng xăng, các bạn sẽ thấm thía được hương vị của sức sống đó, một sức sống an lạc, một sức sống mà tự nó có những hoạt động nội tâm khai phóng, không phải là cái loại hoạt động vì bị sức épcủa ngoại cảnh, của xã hội thôi thúc. Bởi vì khi trong lòng đã tràn ngập sức sống bình yên tự tại, thì tâm trí tự nó sẽ trở thành an lạc thanh cao . . .
. . . Và cái sức sống bình yên tự tại đã nâng tâm hồn lên trạng thái an lạc thanh cao đó chính là lòng thương yêu, niềm trắc ẩn, vốn không phân ly với chính bản thân sức sống này.
Krishnamurti -- On God
Vào ngày 21 tháng 10 năm 1980, J. Krishnamurti viết một bản tuyên ngôn như sau:
"... Cốt tủy những lời rao giảng của J. Krishnamurti đã được gói ghém trong lời phát biểu của ông ta vào năm 1929 khi ông tuyên bố :"Thực tại là mảnh đất không có lối mòn để tiến vào".
Người ta không thể tới đó bằng tổ chức hội đoàn, bằng tín điều, bằng giáo lý, bằng người linh hướng hoặc bằng nghi thức lễ lạy, không từ kiến thức triết học hoặc kỹ thuật tâm lý .
Người ta phải tìm nó từ sự quán chiếu mối liên hệ trong đời sống, từ sự thấu hiểu nội dung những điều nằm trong chính tâm trí của anh ta, từ sự quan sát chứ không phải là lý luận hay là phân tích bằng kiến thức hoặc nghiền ngẫm chia chẻ nội tâm.
Người ta đã tự xây dựng lên những hình ảnh như là hàng rào an toàn qua tôn giáo, chính trị, bản thân. Ðó là những biểu tượng, những ý thức hệ và tín ngưỡng. Sức mạnh của những hình ảnh này đè trĩu lên tâm tư con người, chi phối sự suy nghĩ của họ, chi phối mối liên hệ của họ và ngay chính bản thân họ trong đời sống hằng ngày .
Những hình ảnh này chính là nguồn gốc mọi vấn đề của chúng ta, vì nó gây nên sự chia rẽ giữa chúng ta với nhau . Nhận thức về cuộc đời của mỗi người bị o ép bởi những khái niệm đã được thiết lập bền vững trong tâm trí họ . Nội dung tri thức của họ là những điều họ góp nhặt được trong suốt cuộc đời .
Cả loài người thì cái nội dung này cũng đại khái giống nhau . Cá nhân chỉ là cái tên, cái hình thể và cái nền văn hóa hời hợt mà hắn thu lượm được từ truyền thống và môi trường sống chung quanh. Nhưng mà cái đặc điểm, cái độc đáo của con người không nằm tại cái bề mặt hời hợt, nông cạn, mà nó hoàn toàn vượt thoát ra khỏi cái mớ tri kiến mà khắp cả loài người đều cũng có đại khái giống nhau kia . Cho nên hắn ta không là một cá thể.
Tự do không phải là một phản ứng; Tự do không phải là sự chọn lựa . Ðó là người ta tự dối mình, tưởng rằng người ta có quyền chọn lựa, là người ta tự do . Tự do là thuần túy quan sát, không mục tiêu, không sợ hãi bị trừng phạt và không mong cầu sự ban thưởng. Tự do không có động cơ; Tự do không phải là kết thúc của một tiến trình thay đổi của con người, nhưng nằm ngay tại lúc khởi sự hiện hữu . Trong sự quan sát, người ta bắt đầu tìm ra sự không có tự do . Tự do được tìm thấy khi không chọn lựa, tỉnh thức trong các hoạt động của đời sống hằng ngày . Tư tưởng là thời gian. Kinh nghiệm và kiến thức sinh ra tư tưởng, do đó, nó không thể tách rời ra khỏi thời gian và quá khứ. Thời gian là kẻ thù tâm lý của con người .
Hành động của chúng ta đặt nền tảng trên kiến thức và do đó, trên thời gian, cho nên con người luôn luôn bị lệ thuộc vào quá khứ. Tư tưởng thì luôn luôn có giới hạn, cho nên chúng ta sống trong sự mâu thuẫn và vùng vẫy liên tục. Không có cái chuyện phát triển tâm lý. Khi nào con người trở nên tỉnh thức trước những hoạt động về tư tưởng của chính hắn, hắn sẽ thấy được sự phân chia giữa thực thể suy nghĩ và tư tưởng, thực thể quan sát và cái bị quan sát, thực thể kinh nghiệm và sự kiện được kinh nghiệm. Khi đó người ta sẽ thấy được rằng sự chia cách này chỉ là ảo giác.
Chỉ có từ sự quan sát thuần túy này người ta mới bừng tỉnh, không bị bóng tối của quá khứ và thời gian che khuất. Sự bừng tỉnh phi thời gian này là sự giác ngộ sâu sắc, triệt để, đột biến, của cái tâm. Hoàn toàn phủ định là căn bản của khẳng định. Khi có sự phủ định tất cả những cái mà tư tưởng đã tạo ra về mặt tâm lý, lúc đó sẽ chỉ còn có lòng yêu thương, nỗi niềm trắc ẩn, đó là từ bi và trí tuệ."
Trích: CỐT TỦY NHỮNG LỜI THUYẾT GIẢNG
Người dịch Danny Việt